Tim thông tin blog này:

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

Lòng yêu nước của tôi bắt đầu từ đâu,

Tuổi thơ bậc tiểu học, lũ học trò ngoài giờ học chúng tôi mãi miết với những trò chơi tự chế, thả hồn vào những truyện cổ tích, mê mẩn đủ loại truyện tranh...
Năm học lớp Nhất (lớp 5) trường Tiểu học Cộng đồng Kontum, thầy chúng tôi có giới thiệu với đám học trò ham chơi cuốn sách "Người Việt cao quý" của một tác giả Ý viết về người Việt. Tôi tìm mua đọc, từ đó khơi dậy lòng mình: niềm tự hào dân tộc và yêu nước.
Dù sau này, tôi mới biết tác giả là nhà văn Vũ Hạnh và có nhiều ý kiến phản biện cho là sách "tự sướng" về một dân tộc nhiều thói hư tật xấu. Tôi vẫn trân trọng cuốn sách mỏng đó, nó ảnh hướng lớn đến đời tôi về sau và cũng nhờ nó mà mình nhớ mãi tên ông thầy Trần Minh Trị .
(Thợ Cạo)
________________

Phay Văn

Vừa rồi lục trong số sách cũ còn sót lại ngày xưa tôi tình cờ cầm trên tay cuốn Người Việt Cao Quí, một cuốn sách được yêu thích trước 1975 vì nó khơi dậy niềm tự hào của một dân tộc vốn bị xem là nhược tiểu.
Thế nhưng, sau 1975 người ta biết rằng tác giả của nó không phải là một người nước ngoài như vẫn được tin là thế. Người ta thấy hụt hẫng bởi một cảm giác bị đánh lừa, một niềm tin bị đánh cắp. Dù chuyện giả dối không là hàng hiếm trong xã hội cs.
Đã có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này, nay nhân tiện tìm lại được cuốn sách tạm gọi là cũ (tính từ khi phát hành) nhưng còn khá mới- nếu so sánh với các ấn phẩm cùng thời- từ mấy chục năm nay, xin phép được chia sẻ với các anh chị mấy tấm hình scan lại từ cuốn sách này.
***


"Người Việt cao quý" và tấm lòng của một con người chân chính


Thứ Sáu, 06/06/2008, 10:07 [GMT+7]
Ở Đà Nẵng trước giải phóng năm 1975, trong bộn bề bao sách vở tốt có, xấu có, tình cờ tôi được anh bạn cho mượn cuốn “Người Việt cao quý” của A.Pazzi.
Đã 40 năm qua, nhưng mỗi lần có dịp đọc lại, tôi vẫn thấy nôn nao khó tả: “Người Việt Nam nào biết quan tâm đến sinh hoạt của đồng bào mình, biết sống một cách hẳn hoi thực sự cũng không thể nào không đem mình ra dang trải nắng gió, không cùng chung những đau khổ, và những cố gắng mà dân tộc mình phải chịu. Phải nhìn nhận rằng do những biến cố lịch sử liên tiếp, do những ảnh hưởng bên ngoài đối với xứ sở, người Việt bị lâm vào cảnh nghèo khó và phải cố gắng lâu dài họ mới hoàn toàn sung sướng. Những kẻ sớm vội hưởng lạc bây giờ có lẽ đã bỏ dân tộc mình mà đi. Do đó, khuôn mặt đẹp nhất của người Việt Nam hiện tại vẫn là khuôn mặt rám nắng, khuôn mặt khắc khổ, khuôn mặt của những lo âu và của hy vọng, khuôn mặt linh động, phong phú của những con người đang viết những trang sử lớn lao”; và: “Tôi nghĩ khó lòng mà nói cho hết về những ý nghĩa phóng tỏa từ đôi mắt ấy, cũng không sao mà vẽ truyền thần cho được y nguyên những vẻ sắc sảo tinh anh mà đôi mắt họ có thừa. Lần đầu tiên thấy cái nhìn của họ, tôi tự nhủ rằng: “Đây không phải là dân tộc tầm thường” và sau tôi phải kết luận: “Người Việt là một dân tộc ưu hạng có nền văn minh riêng biệt, có lẽ không giống bất cứ nền văn minh nào trên thế giới này”.
Rồi sau ngày giải phóng, tại giảng đường Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, diễn ra buổi nói chuyện chuyên đề văn học vùng tạm chiếm. Thật bất ngờ: diễn giả của buổi nói chuyện hôm ấy là nhà văn Vũ Hạnh - một nhà văn quê Thăng Bình mà tôi đã ngưỡng mộ từ trước những năm giải phóng. Càng bất ngờ và thú vị hơn, khi tại đây, Vũ Hạnh tiết lộ mình là tác giả của  cuốn sách “Người Việt cao quý”, chứ không phải A. Pazzi. Vũ Hạnh cho biết, làm gì có ông A. Pazzi nào? Chẳng qua để che mắt kẻ thù ông mượn tên A. Pazzi nhân danh một người Ý, vì người Ý hay dùng tên có âm i ở tiếp vĩ ngữ như: Paganini, Musolini… chứ thật ra theo ông, A. Pazzi có nghĩa là "bất di, bất dịch”, tức kiên định lập trường.
Theo lời kể của nhà văn Vũ Hạnh, những năm 60 của thế kỷ trước,  sau khi Mỹ đổ bộ vào Việt Nam, xã hội miền Nam nhanh chóng du nhập lối sống Mỹ, lối sống thực dụng; điều tệ hại và nguy hiểm hơn là trong tâm lý, tình cảm một số người, đặc biệt trong giới văn nghệ có xu hướng vọng ngoại, lai căng, coi thường văn hóa truyền thống dân tộc, mặc cảm vì “giống da vàng nhược tiểu”... Vũ Hạnh nói ông viết cuốn sách này theo "mệnh lệnh" của cách mạng. Người chỉ thị trực tiếp, không ai khác là nhà chính trị, nhà văn, nhà thơ Trần Bạch Đằng. Ông Trần Bạch Đằng không “đặt hàng” để viết đề tài gì cụ thể, ông bảo viết sao có lợi cho kháng chiến, cho cách mạng,  đề cao văn hóa dân tộc, con người Việt Nam là được. Hình như Vũ Hạnh ấp ủ đề tài này từ lâu, trong ông tràn dậy một niềm tự hào từ đáy lòng, như có một "linh khí" chợt trào ra ngòi bút. Vũ Hạnh viết “Người Việt cao quý” chỉ hơn một tuần và sau đó được xuất bản ngay. Lúc đó tác phẩm dựa theo nguyên tác Per Comporedere Vietnam Il Vietnamila do Hồng Cúc dịch.
Cuốn sách được giữ bí mật danh tính nhà văn khá lâu, ít ai biết đó là của Vũ Hạnh, vì tin đồn loan ra là có một kỹ sư hóa học người Ý thật, sống lâu năm ở Sài Gòn viết cuốn đó. Sau giải phóng, nhà văn Phan Tứ gặp Vũ Hạnh bảo: Mình đã đọc “Người Việt cao quý” của A. Pazzi, liên hệ bên Ý cũng không sao tìm ra ông này, vậy ở Sài Gòn ông có biết A. Pazzi không? Vũ Hạnh lúc này chỉ biết cười. Nụ cười và đôi mắt chắc lúc đó rất giống với những gì ông đã mô tả tài tình trong “Người Việt cao quý”.
Vũ Hạnh đã từng bị chế độ Sài Gòn bắt giam 5 lần. Nguyễn Đức Dũng - Vũ Hạnh, cái tên của người bạn tù cùng quê, một chiến sĩ cộng sản dũng cảm hy sinh trong nhà tù mà ông ngưỡng mộ được ông chọn làm bút danh. Bút danh ấy đã theo ông suốt chặng đường dài đầy gian lao và anh dũng, như ông đã có lúc tâm niệm: “Tôi có thể viết dở, viết kém nhưng không bao giờ viết những gì sai trái, điều mà tôi tâm niệm khi mượn tên anh Vũ Hạnh làm bút danh”.
TRẦN THĂNG HOA
Nguồn: Baoquangnam
Xem thêm Bình luận


Xem lại online tại: Vnthuquan
A. PAZZI
Người Việt cao quý
Dịch giả: Hồng - Cúc

Tìm kiếm Blog này