Du Tử Lê
Trong số những bạn trẻ của tôi, ở lãnh vực văn chương hay báo chí, không ít người có tuổi thơ cháy nám! Nhưng khi bước vào tuổi trưởng thành, giai đoạn trung niên, hoặc gần cuối đời, cũng có lúc họ nhận được nụ cười ân hận của định mệnh. Nhưng, Đoàn Thạch Hãn, hay Đoàn Kế Tường (tên thật Đoàn Văn Tùng), thì không! Tuyệt nhiên không! Tới những năm tháng năm tháng cuối đời, Đoàn vẫn bị định mệnh truy sát, với những bản án nghiệt oan, không nguyên cớ!!!
Trước tháng 4-1975, tôi không hề có thời gian làm việc chung với Đoàn Kế Tường. Nhưng tôi thân thiết với Tường, ngay sau lần tôi rủ Tường đi Huế, thăm T. Đó là một buổi trưa tình cờ gặp nhau, tôi nói ngày mai, tôi đi Huế. Tường có muốn đi? Tường trả lời ngắn gọn “đi” – Và không hề hỏi lại: Đi bằng phương tiện nào? Ăn ngủ đâu? Bao lâu thì về lại? Thời gian đó, hình như Tường đang là phóng viên cho nhật báo Sóng Thần; đồng thời phụ trách báo chí cho TĐ 8 / TQLC(?) Trưa đó, tôi điện thoại cho Phan Lạc Giang Đông, ở Bộ TLKQ/ Saigon, nhờ xin 2 chỗ trên một chuyến C-130 đi Huế. Sau đấy, chúng tôi cũng có dịp đi với nhau, đôi lần rong chơi bè bạn ở Đà Nẵng, Pleiku… Tính cách “giang hồ, gió bụi” bất kể ngày mai của Tường là điều khiến tôi thích nhất, nơi người bạn trẻ này.
Dù có nhiều ngày lang thang với nhau, từ thành phố này tới thành phố khác, nhưng tôi tuyệt đối tôn trọng đời sống riêng của Tường và, Tường cũng hiếm khi nói về chuyện cá nhân, tình cảm của mình.
Biến cố tháng 4-1975 xẩy ra, toàn thể hai mươi mấy triệu người dân miền Nam, như nắm cát vụn bị bàn tay định mệnh hắt tung trăm hướng, điêu linh.
Ở quê người, đầu thập niên 1980, tôi được tin Đoàn Kế Tường bị 10 năm tù vì dính vào một vụ án chính trị… Rồi, tin Tường được thả, trở thành cộng tác viên đắc lực của tuần báo CA/TPHCM, với bút hiệu mới: Đoàn Thạch Hãn. Vài năm sau, tôi lại được tin Đoàn Thạch Hãn viết một cuốn sách gì đó, giễu cợt những người ôm mộng…“phục quốc”…
Chính những tin tức dồn dập này, khiến đầu năm 2000, trong lần về Saigon lo việc gia đình, khi từ quán cơm Đồng Nhân, bước ra, bất ngờ gặp Đoàn Kế Tường, tức Đoàn Thạch Hãn, tôi đã không che dấu thái độ không thiện cảm của mình, dù trên 20 năm mới gặp lại nhau. Thời gian đó, Đoàn còn đi một chiếc mô-tô phân khối lớn, hỏi tôi, có muốn đi nghe nhạc, nhảy đầm thì Hãn mời. Tôi lắc đầu, cám ơn và kéo tay T. đi ngay, như thể có chuyện gấp…
Là nhà báo, đồng thời cũng là người làm thơ, nên Hãn rất nhậy cảm. Hãn tâm sự với một vài người bạn cũ của tôi rằng, Hãn biết tôi không muốn nhìn Hãn. Hãn nói: “Tôi cũng xứng đáng để ông ta khinh bỉ tôi, vì những việc tôi làm sau khi ra tù…Nếu không bị xô vào đường cùng, nếu không quá đói, tôi biết, tôi không đến nỗi như thế…Dù sao thì tay tôi cũng đã lỡ nhúng chàm…” Người bạn này kể thêm tôi nghe, hoàn cảnh sống của Hãn, sau ngày ra tù.
Xu hướng chung của con người là hấp tấp lên án kẻ bị vùi dập đáy địa ngục để thấy mình… thanh sạch, cao cả hơn người. Sau khi trải qua qúa nhiều phen bị kết án, ngộ nhận, tôi luôn tự nhắc nhở, đừng vội kết luận về kẻ bất hạnh, khi mình không ở hoàn cảnh của họ… Tôi tự hỏi, nếu ở hoàn cảnh của Hãn, liệu tôi có giữ được nhân cách mình? Hay tôi sẽ nhơ nhuốc hơn? Từ đó, tôi tự thấy mình không phải với bạn!!!
Vì thế, nhiều năm sau, khi kiểm chứng được những gì người bạn kia cho, tôi chủ động liên lạc với Hãn. Có dễ vì sự kiện này và vì, không thể biết bao giờ mới gặp lại nhau, nên thản hoặc, trong những gặp gỡ ít ỏi, Hãn kể tôi nghe chuyện đời Hãn: Từ những ngày niên thiếu, sống trong mái trường Thiếu Sinh Quân, Vũng Tàu; chuyện ngày tháng lội sình, đóng trại trong Lực lượng Biệt Kích. Rồi đào ngũ. Rồi trở thành phóng viên báo chí cho một tiểu đoàn TQLC/VNCH… Tới chuyện tình cảm, gia đình đổ vỡ…Nhất là những năm tháng bị tù ở khám Chí Hòa. Và, những ngày không cơm ăn, không chỗ ngủ, bị người chị duy nhất ở Saigon, xua đuổi… sau khi được trả tự do…
Tất cả những lần tâm sự hiếm hoi đó, Hãn kể với giọng đều đều, xa lạ, như một người vô can với câu chuyện (dù Hãn là người rất dễ khóc). Nhưng cũng vì thế mà có người đã phải quay đi, che dấu nước mắt của họ, khi nghe.
Thời gian đó, Bùi Cung và Nguyễn Khắc Nhượng biết tôi thích một nhà hàng nổi khu giải trí Bình Quới, nên thường mời tôi đi. Lần nào Bùi Cung cũng cho phép tôi được gọi thêm bất cứ ai. Một đêm, xúc động đọng lại, sau khi nghe chuyện Hãn, trở về Mỹ, tôi viết tùy bút, “Tóc trên đầu vẫn từng ngọn riêng tây”, phân đoạn 4:
“Nhà hàng trên mặt hồ, như kết quả của những kiễng chân, nhón gót quá trớn của chính nó. Nơi chiếc bàn hình chữ nhật, có tất cả sáu nhân vật. Tôi dùng hai chữ ‘nhân vật’ cho có vẻ trịnh trọng. Sự thực, đó là bốn người của buổi tối trước ở biển. Hai người mới, một là em gái của người phụ nữ được sinh ra, dường để sống cho kẻ khác. Cô có vẻ mau mắn, như nụ cười sởi lởi luôn có trên môi. Người thứ hai là một người đàn ông đã bước qua tuổi trung niên. Ông phục phịch, bệu bạo một cách đáng nghi ngại, với khuôn mặt hồng hào của một thứ “hồng hài nhi”.
“Gió từng cơn luông tuồng khua khoắng nhà hàng bốn phía không vách ngăn, mang theo trong nó nhiều nhắn nhủ không thành tiếng. Đêm trải từng lớp sương mỏng, như giấy quyến lên mặt hồ. Khá xa, nơi bờ bên kia, những tòa nhà cao tầng sáng đèn, không in bóng xuống mặt nước.
“Người ta cũng không nghe được tiếng rì rầm của xe cộ chạy trên con lộ bên tay trái nhà hàng. Nhờ thế, khi người đàn ông có khuôn mặt hồng hai nhi kể chuyện bằng giọng Quảng Trị, đôi lúc như bị nghẹt, ríu vì xúc động, mọi người vẫn nghe được.
“Ông kể, sau mười năm, ba tháng tù trở về, ông tá túc nơi nhà bà chị. Qua giai đoạn đạp xích lô, ông biết mình thất bại vì không đủ sức. Đối đế, ông viết một bức thư, cho người vợ vượt biên đã lâu, mang theo mấy đứa con chung.
“Lá thư được viết một cách rất ý tứ, phòng xa lọt vào tay người đàn ông mà, vợ ông đang chung sống. Ông cẩn trọng gọi vợ ông bằng ‘chị’. Ông kể cho chịbiết, ông mới ra tù. Ông nhắc chút ít tình nghĩa những ngày chung sống, cũ. Mọi sự kiện được đề cập trong lá thư, chỉ nhằm mục đích dẫn đến việc ông xin chị giúp ông năm trăm bạc, để ông có phương tiện làm lại cuộc đời. Trong thư, có đoạn:
“Năm trăm đồng tôi biết với chị chẳng là bao. Nhưng với tôi, trong hoàn cảnh của một người mới ra tù và trong hiện trạng của đất nước mình hiện nay, thì đó lại là một số tiền rất lớn. Mong chị hiểu cho rằng, vạn bất đắc dĩ, tôi mới phải viết thư này. Xin chị an tâm, tự hậu, chị sẽ không bao giờ nhận được từ nơi tôi, một lá thư nào khác…”
“Người đàn ông phục phịch, bệu bạo một cách đáng ngại, đọc đoạn thư viết cho người vợ cũ, bằng giọng lên bổng, xuống trầm; lưu loát như thể ông đã đọc nó cả nghìn lần trong hơn hai chục năm qua. (Tôi muốn nói, nếu ông không đọc cho ai đó nghe thì, chí ít ông cũng đọc lại cho chính ông, những lúc một mình?)
“Đoạn thư của người đàn ông có khuôn mặt hồng hài nhi làm đốm thuốc nơi tay người thanh niên đánh bạn sớm với những con rết nhiều chân, bất động. Những người còn lại cúi xuống bàn tay vô duyên, lạc lõng trên mặt bàn của họ. Chỉ riêng người con gái mau mắn, với nụ cười xởi lởi luôn nở trên môi là nhấp nhổm, bứt rứt.
“Không thể nín, đợi lâu hơn, cô hỏi:
“Rồi sao anh? Chị ấy gửi ngay tiền cho anh chứ?”
“Người đàn ông phục phịch, bệu bạo một cách đáng ngại, lắc đầu. Ông châm cho mình điếu thuốc khác. Không nhìn ai, ông chậm rãi:
“Ngày ấy, nếu có được năm trăm của bà ấy, cuộc đời tôi đã khác. Chắc chắn tôi đã không nhận làm công việc mà, đến hôm nay, tôi biết, anh em, bạn bè cũ vẫn còn khinh tôi. Họ nhìn tôi như một kẻ ‘sớm đầu tối đánh!’ Mà cũng đúng thôi! Họ có cái lý của họ. Chỉ tôi biết, tôi cùng đường. Tôi quá đói! Nghề mạt hạng là đạp xích lô thì tôi không có sức. Sau chừng đó năm tù, được thả ra tôi đã mang theo trong người hàng chục thứ bệnh…Tôi cũng có nghĩ tới chuyện ăn chực một số bạn bè chứ! Nhưng nhà nào, dù có tốt mấy, họ cũng chỉ có thể cưu mang tôi dăm ba bữa! Thời đó, mọi người còn đói lắm. Họ cũng bữa đói, bữa no. Chưa kể còn vợ, con họ…
“ ‘Nói thế, không có nghĩa tôi quên ơn người giúp tôi. Anh từng bị anh em tôi ngày xưa, coi là kẻ thù. Giữa lúc tôi sắp chết đói, thì anh ta cho tôi chén cơm…Nhờ thế, tôi còn sống đến ngày hôm nay. Dù sao, tôi cũng không bao giờ quên cái ơn ấy…’
“Người đàn ông ngừng lại để thở. Kéo thêm một hơi thuốc, ông tiếp:
“ ‘Khi anh ta không còn, tôi cũng nghỉ việc’. Ông thở ra, rồi thêm, ‘Nhưng cách gì thì tay tôi cũng đã nhúng chàm!’ Ông kết thúc câu chuyện.
“Tới đây, người con gái mau mắn, với nụ cười xởi lởi luôn nở trên môikhông biết nói gì. Tới phiên cô cúi xuống. Cô chẻ những ngón tay mình ra để sau đó, lại đan vào nhau, một cách ngượng nghịu.
“Gió vẫn từng cơn luông tuồng khua khoắng nhà hàng bốn phía không vách ngăn. Về khuya, dường nó mang theo nhiều hơn những nhắn nhủ không thành tiếng. Đêm cũng trải dầy thêm, những lớp sương mỏng, như giấy quyến lên mặt hồ.
“Trước khi chia tay, người phụ nữ được sinh ra, để sống cho kẻ khác hí hoáy viết ít giòng trên tấm khăn giấy. Cô chuyển nó cho ông già ngu ngơ:
“Bất hạnh là thuộc từ của đời sống. Cuộc sống sẽ khác đi biết bao, nếu ta có thể đem lòng biết ơn cả những bất hạnh mà nó đã đem đến cho ta. Dù cho ‘đời tẻ nhạt, liếm môi mình cũng nhạt / tóc trên đầu vẫn từng ngọn riêng tây.’
“Đọc xong, người đàn ông phục phịch…gật đầu. Mỉm cười.
“Nhưng, liệu ông có hiểu?” - - Là câu hỏi của tôi?!?” (1)
…
Tôi hiểu, người đàn ông trong đoạn kể “Nói thế, không có nghĩa tôi quên ơn người giúp tôi. Anh từng bị anh em tôi ngày xưa, coi là kẻ thù. Giữa lúc tôi sắp chết đói, thì anh ta cho tôi chén cơm…Nhờ thế, tôi còn sống đến ngày hôm nay. Dù sao, tôi cũng không bao giờ quên cái ơn ấy…” của Đoàn Thạch Hãn…dành cho cố nhà báo Huỳnh Bá Thành.
Gần đây, trong một bài viết về Đoàn Kế Tường của nhà thơ Phạm Chu Sa, một trong vài bạn tri kỷ cuối đời của Đoàn Thạch Hãn, nói rõ hơn về nhân vật Huỳnh Bá Thành, cùng những “lẽ ra” Hãn đã phải chết lâu rồi, như sau:
“…Sau ngày 30-4-1975, tôi đi bán sách cũ, rồi bán thuốc tây chợ trời, loay hoay lo chuyện áo cơm nuôi vợ con nên chỉ nghe loáng thoáng tin Đoàn Kế Tường và vài người quen biết khác dính vào một vụ án chính trị, bị bắt đi tù cải tạo. Sau này qua lời kể của Duyên Anh sau khi ông ra tù năm 1981, tôi được biết trong tù, có thời gian Tường nằm chung phòng với Duyên Anh và mấy nhà văn, nhà báo đàn anh… Sau này trong bài viết về Duyên Anh với bút danh Đoàn Thạch Hãn đăng trên báo An ninh Thế giới, Tường cũng kể lại nhiều kỷ niệm với Duyên Anh trong tù, kể cả chép nguyên một bài thơ dài mà Duyên Anh nhờ Tường học thuộc để nhỡ ông ấy chết trong tù, thì khi ra tù Tường về đọc cho vợ con ông ấy nghe.Thế nhưng Duyên Anh ra tù trước Tường gần 5 năm, rồi vượt biên. Khi Duyên Anh định cư ở Pháp thì Tường mới ra tù… Năm 1985 hay 1986 gì đó, tôi nghe tin Đoàn Kế Tường vừa ra tù, ít lâu sau lại nghe Tường vô làm ở báo Công An TP. HCM, viết mảng văn hóa nghệ thuật. Tôi và vài bạn quen biết cũ khá ngạc nhiên, vì một người mới ở tù Chí Hòa 10 năm về tội ‘phản động’ lại được làm báo. Mà lại làm báo Công An nên càng bất ngờ. Nhiều người đặt dấu hỏi về chuyện bất thường này! Tiếp sau đó, tập hồi kýẢo vọng phục quốc của Tường được ấn hành với bút danh Đoàn Thạch Hãn đã gây nhiều phản ứng trong dư luận. Tập hồi ký có nhắc tới nhiều nhân vật tên tuổi, đặc biệt trong đó có nhiều nhà báo, nhà văn đàn anh của Tường trước 1975. Cuốn sách đã làm nhiều người quen cũ e dè khi tiếp xúc với tác giả. Kể cả tôi. Sau này qua lời kể của Dương Đức Dũng, cựu phóng viên báo Trắng Đen, một bạn tù chung vụ án với Tường, tôi được biết, ban đầu đồng tác giả là Tường và Dũng, nhưng sau đó Dũng đề nghị rút tên khỏi sách vì nhiều đoạn trong sách được người biên tập tự ý viết thêm vào; còn Đoàn Kế Tường - bấy giờ là Đoàn Thạch Hãn - thì không thể, bởi mang nặng ơn người biên tập và đỡ đầu cho cả người lẫn sách là nhà văn, nhà báo Huỳnh Bá Thành, đương kim Tổng Biên tập báo Công An TP. HCM. Huỳnh Bá Thành trước 1975 là cán bộ cộng sản nằm vùng và cũng đã từng làm báo dưới chế độ cũ, vẽ biếm họa cho vài tờ báo đối lập với bút danh Ớt. Huỳnh Bá Thành quen biết khá nhiều người cầm bút dưới chế độ cũ, trong đó có Đoàn Kế Tường.
“Mấy năm trước, lúc đã thân với tôi, Tường xác nhận lời của Dương Đức Dũng. Tường kể, anh ở tù Chí Hòa mười năm thuộc loại “tù mồ côi” vì không một ai thăm nuôi. Khi ra tù, Tường về tá túc ở nhà bà chị ruột, chờ kiếm việc gì làm. Được ít lâu bà chị đuổi khéo: ‘Các cháu chuẩn bị vào Đoàn mà có cậu ở tù về ở trong nhà khó cho cháu quá. Cậu nên ra khỏi nhà thật sớm, khuya hãy về. Nhớ đừng cho ai thấy’. Tường quá tủi thân bèn xách túi quần áo đi lang thang, tối ra ngủ ở ga xe lửa Hòa Hưng. Một đêm công an đi thu gom những kẻ bụi đời, vô gia cư đưa đi lao động hoặc kinh tế mới. Tường bị bắt cùng đám người tận đáy xã hội đó đưa về nhốt ở công an quận 3. Sáng hôm sau, công an lập danh sách thanh lọc hết mọi người đưa đi lao động cải tạo, chỉ còn trường hợp Đoàn Kế Tường quá đặc biệt vì tù Chí Hòa mới ra, công an quận chưa biết xử lý thế nào. Họ để anh ngồi giữa sân tới gần trưa. Bất ngờ ông Huỳnh Bá Thành chạy xe vespa vào công an quận có việc gì đó, lúc quay trở ra, ông thấy Tường đang cố cúi mặt xuống lẩn tránh ánh mắt của ông. Nhưng ông Thành chợt thấy và dừng lại, kêu lên: ‘Đoàn Kế Tường hả?’ Rồi ông vào công an quận xin bảo lãnh cho Tường, chở anh về nhà, tắm rửa, ăn uống, nghỉ ngơi. Ít lâu sau, theo gợi ý của Huỳnh Bá Thành, Đoàn Kế Tường rủ Dương Đức Dũng, đã ra tù trước Tường vài năm, cùng viết cuốn hồi ký Ảo vọng phục quốc.Tên sách là do Tường bắt chước tên một cuốn truyện cũng gần dạng hồi ký của Duyên Anh: cuốn Ảo vọng tuổi trẻ viết về những tháng ngày chàng thanh niên hai mươi tuổi Vũ Mộng Long, tên thật của Duyên Anh, năm 1955 đi theo những đàn anh đảng Duy Dân lên cao nguyên Đắc Lắc với ảo vọng lập chiến khu chống Ngô Đình Diệm, nhưng sau đó đã vỡ mộng… Duyên Anh ở tù chung với Đoàn Kế Tường, đã truyền đạt cảm hứng và có ít nhiều ảnh hưởng tới Tường.
“Cũng theo lời Đoàn Kế Tường, sau đó Huỳnh Bá Thành đưa Tường đến gặp ông Năm Xuân, tức Mai Chí Thọ, Giám đốc Công an Thành phố, trình bày hoàn cảnh của Tường và xin bảo lãnh cho anh về báo Công An. Huỳnh Bá Thành xin lấy sự nghiệp chính trị bảo lãnh cho Tường. Đó là món nợ mà Tường đã phải trả cho đến cuối đời và đã nhận biết bao điều tiếng thị phi, chê trách và cả công kích. Ông Thành phân công Tường về Ban Văn hóa Văn nghệ, tham gia tổ chức các chương trình ca nhạc, công tác từ thiện, cộng tác với hãng phim Người Bảo Vệ. Đó là lý do tại sao Tường quen biết với nhiều người trong giới showbiz.
“Đầu năm 1993 Huỳnh Bá Thành đột ngột qua đời. Đoàn Kế Tường - Đoàn Thạch Hãn trụ lại báo Công An thêm mấy năm, rồi cũng phải ra đi. Tường viết bài cộng tác với các báo để kiếm sống. Còn tôi, sau khi nghỉ ở báo Thanh Niên, chuyển về sống ở quận 2, tình cờ gặp lại Tường cũng về ở quận 2 trước tôi ít lâu.Tường ở phường Bình Trưng Đông, còn tôi ở phường Bình Trưng Tây, sáng sáng hai thằng đi tập thể dục hay uống cà phê lại gặp nhau, dần dà thân thiết. Chứ trước kia khi Tường còn làm báo Công An, đôi khi gặp tôi cũng chỉ chào hỏi xã giao thôi. Đoàn Kế Tường thuê nhà trong một con ngõ vắng, sống lặng lẽ một mình, gặm nhấm nỗi cô đơn. Hàng đêm Tường mặc áo cà sa tụng kinh Phật. Tường tụng kinh hay không thua gì các sư cụ tu trì lâu năm! Một tuần vài ba lần tôi ghé thăm, Tường pha trà mời tôi và nhẩn nha kể chuyện đời mình, bộc lộ hết tâm sự u uất mà lâu nay giữ kín trong lòng. Tôi bảo Tường sao không viết lại những chuyện ấy cho mọi người thông cảm hoặc ít ra cũng nhẹ bớt trong lòng. Nhưng Tường bảo, nói ra cũng chưa chắc ai tin và hiểu cho mình, có khi còn tác dụng ngược. Thôi thì ai nghĩ sao cũng được, được bạn bè thông cảm và chia sẻ là quý rồi. Tôi bảo, thôi để khi nào tiện tao viết. Tường nói, thôi để khi nào tao chết hãy viết. Hôm nay Đoàn Kế Tường đã ra người thiên cổ, giữ lời hứa, tôi viết những giòng này…”
Ở đoạn kế tiếp, Phạm Chu Sa nhắc tới một ân nhân khác, ra tay cứu Đoàn Thạch Hãn, sau cố nhà báo Huỳnh Bá Thành là nhà báo Nguyễn Công Khế:
“…Một người bạn tâm giao, ở tù chung với Tường khá lâu là Dương Đức Dũng là người thường xuyên cưu mang Tường trong những lúc ốm đau, khó khăn. Đặc biệt suốt thời gian dài bệnh tật của Tường, người lo toan và giúp đỡ cho Tường nhiều nhất có lẽ là Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng Biên tập báo Thanh Niên. Tôi cũng không rõ quan hệ bè bạn thân thiết thế nào, nhưng lâu lâu Tường lại khoe, Khế vừa cho tao mấy triệu. Nguyễn Công Khế gửi Tường đến một bác sĩ quen thân để đặc biệt điều trị cho Tường, mọi chi phí Khế lo hết. Thế nhưng bệnh quá lâu, đã đến giai đoạn cuối, biến chứng xâm nhập nhiều bộ phận…Kể cả chuyện Tường về làm ở hãng phim Thanh Niên chung với Hai Nhất một thời gian cũng là ý của Nguyễn Công Khế. Hôm ở đám tang Tường, Nguyễn Công Khế bảo, nếu ông ấy nghe tôi, về ở với tôi bên quận 9, có người lo phục vụ đầy đủ thì có lẽ ổng chưa chết. Nguyễn Công Khế nhiều lần bảo Tường đừng thuê nhà mà về ở nhà của anh ấy, một cơ ngơi rộng cả mấy ngàn mét vuông, gồm nhiều căn nhà riêng biệt ở quận 9, nhưng Tường cám ơn và từ chối. Tường bảo, mình sống một mình quen rồi, không muốn làm phiền anh em. Tường là người rất hào sảng, hiếu khách và rất ‘sĩ’. Chính Nguyễn Công Khế cũng là người tận tâm lo chuyện hậu sự cho Tường. Anh có mặt gần như suốt từ nhà xác bệnh viện đến nhà tang lễ chùa Xá Lợi, đóng góp tiền bạc để đưa Tường về quê an táng khá chu đáo. Tôi biết một số nghệ sĩ nổi tiếng như ca sĩ Bạch Yến, ‘cải lương chi bảo’ Bạch Tuyết, đạo diễn Lê Cung Bắc, vợ chồng ca sĩ Cẩm Vân - Khắc Triệu… rất quí Tường. Hôm Tường mất, Cẩm Vân đến tận nhà xác khóc sưng cả mắt; còn Lê Cung Bắc đang bận quay phim ở Gò Công cũng bỏ ngang, tất tả về chùa Xá Lợi thắp hương cho Tường. Tôi còn thấy có họa sĩ Đằng Giao, nhà văn Cung Tích Biền, điêu khắc gia Phạm Văn Hạng…và đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đến phúng điếu. Tôi nghĩ chắc Tường cũng ngậm cười nơi chín suối…” (2)
Tôi cố tình trích dẫn đoạn văn trên của nhà thơ Phạm Chu Sa, chỉ để thêm minh chứng bản chất sống chết với bằng hữu của Đoàn Thạch Hãn. Cũng vì bản chất này, vào những năm tháng cuối đời mình, Hãn lại tạo thêm một scandal lớn khác, sau tập hồi ký “Ảo vọng phục quốc” - - Vụ Hãn viết một bài đả kích nặng nề một nữ ca sĩ nổi tiếng ở hải ngoại, như một bày tỏ ân tình sâu nặng của Hãn, dành cho một nhà báo mà, Hãn chịu nhiều ơn nghĩa!.!
Một buổi sáng, T. download từ đâu đó, bài viết ấy của Hãn, chuyển cho tôi đọc. T thẳng thắn bày tỏ sự thất vọng ghê gớm của T. về bài viết ấy. Tối đó, tôi điện thoại về cho Hãn. Hãn kể vì tình bạn vì nhớ ơn ân nhân, nên Hãn viết và hứa, sẽ không viết nữa!!!
Tiếc thay, chỉ vài tháng sau, T. lại chuyển tôi đọc – Hai bài: Một của ai đó, lên tiếng bênh ca sĩ kia và, mạt sát Đoàn Thạch Hãn không tiếc lời, với những chi tiết sai lạc. Bài viết (thứ hai) của Hãn, trả lời người tấn công anh. Trong bài viết mới này, Hãn lại tấn công ca sĩ kia, thêm một lần nữa!!!
Trước sự kiện mới này, T. coi như Hãn đã vượt qua “vạch phấn đỏ”. T. bảo tôi, T. không muốn gặp gỡ, giao thiệp gì với Hãn nữa, nếu còn có dịp trở lại Saigon, với lập luận:
“Muốn trả ơn, thì thiếu gì cách! Đâu phải đó là cách duy nhất?!?”
Tôi biết, T. không thể hiểu, cũng không thể thông cảm cho một con người ngay tự niên thiếu, đã sống nhờ tình bằng hữu, trưởng thành, thiếu thốn tình gia đình, trải qua bao nhiêu thăng trầm, oan trái, tù đầy, bệnh hoạn,… nếu không nương nhờ tình bạn, chắc chắn con người đó không thể tồn tại tới bây giờ. Những tình bạn đó, với Hãn, nó thật thiêng liêng, bù đắp cho những tình cảm thiêng liêng, căn bản mà không có được, trong đời riêng của mình!
Nhắc tới sự thiếu thốn tình cảm gia đình của Đoàn Thạch Hãn, tôi nghĩ, cũng nên trích đoạn một bài viết khá đầy đủ, cảm động của nhà báo Hà Đình Nguyên, trên báo Thanh Niên Online mô tả chi tiết một oan nghiệt khác của con người sống thuần cảm này:
“…Nhà thơ Nguyễn Miên Thảo kể với người viết về khoảng thời gian ông cùng Đoàn Kế Tường (một bút danh nhưng nhiều người nhầm là tên thật của Đoàn Thạch Hãn), Vũ Hoàng (không phải nhạc sĩ), họa sĩ Đằng Giao cùng làm ở nhật báo Sóng Thần (những năm đầu thập niên 1970), về cuộc hôn nhân đổ vỡ của Đoàn Thạch Hãn với người vợ đầu tiên (hiện sống ở Mỹ)… Chị chủ phòng trà ca nhạc Dã Quỳ cho biết có lần anh Dũng Việt Phố đưa anh đến phòng trà của chị. Khi được giới thiệu, chị ồ lên thích thú vì bà chị của mình từng là phụ dâu trong đám cưới của Đoàn Thạch Hãn. Chị Dã Quỳ có sở thích sưu tầm các thiệp cưới, và chị đã giữ cái thiệp cưới của Đoàn Thạch Hãn…suốt mấy mươi năm. Khi cầm lại cái thiệp cưới của mình ngày nào, Đoàn Thạch Hãn đã khóc nức nở, bất kể có nhiều người chung quanh… Xem ra, hạnh phúc gia đình đã rời xa Đoàn Thạch Hãn từ lâu lắm rồi và anh cô đơn trong chính ngôi nhà của mình ở Bình Trưng Đông (quận 2, TP.HCM)…
Nguồn: Dutule
____________
Bài của Đoàn Thạch Hãn:
Duyên Anh: Đời lưu vong bi kịch
Duyên Anh: Đời lưu vong bi kịch
____________
*Hỏi: Anh đã viết nhiều về vụ Duyên Anh bị đánh trọng thương tại Mỹ. Theo anh lý do nào đã xảy ra vụ "thanh toán" này?
Ðáp: Sau nhiều năm im lặng, đến nay nhiều nhân chứng đã lên tiếng về vụ đánh người này. Hôm ấy Duyên Anh cùng Gs Lê Quý An, họa sĩ Trần Ðình Thục và người em trai đi ăn ở quán Ngân Ðình, và khi tới đụng phải một đoàn biểu tình của người Việt đang tuần hành ở phố Bolsa. Khi ăn xong đi ra thì Duyên Anh bị mấy thanh niên đuổi theo và đánh bất tỉnh, Trần Ðình Thục sẵn máy ảnh chụp được mấy tấm nhưng chỉ chụp được phía sau lưng, và kẻ hành hung khi bỏ chạy tay còn cầm lá cờ vàng ba sọc đỏ bằng giấy...
*Hỏi: Theo anh, ai là người chủ mưu?
Ðáp: Tôi nghĩ chẳng có ai chủ mưu cả, mà chỉ vì Duyên Anh xuất hiện đúng lúc mấy người ấy muốn làm anh hùng thôi! Ðó là một hành động nông nổi và tức thời của một hai thanh niên quá khích...
*Hỏi: Chắc phải có nguyên nhân dẫn đến vụ hành hung? Anh có nghĩ là vì ông Duyên Anh đã "mua thù chuốc oán" quá nhiều không?
Ðáp: Khi viết Duyên Anh không ngại "đụng" bất cứ ai cả, dù người đó là một ông vua, ông tướng, ông tá, nhà văn, nhà báo, hay một tổ chức chính trị... Thời điểm ấy không thiếu những kẻ quá khích, vì thế ai đi ngược lại hay có ý kiến khác là bị chụp mũ và bị nguy hiểm ngay. Bây giờ nhìn lại, thì những điều Duyên Anh nói và viết chẳng có gì là sai cả, mà chỉ là vì anh ấy là người dám nói "quá sớm" mà thôi. Duyên Anh đã có lần nói với tôi: "Thiên hạ chẳng mấy ai hiểu được anh. Có lẽ, phải đến lúc anh chết rồi, người ta mới hiểu và thương anh".
*Hỏi: Nghe nói trước khi chết Duyên Anh đã "tha lỗi" cho những kẻ đã hành hung?
Ðáp: Ðúng vậy. Trong một lần trở lại Mỹ sau khi đã tạm bình phục, Duyên Anh đã nói "Tôi chẳng hận thù gì nữa cả. Tôi cũng chẳng cần biết nhóm nào, người nào đánh tôi. Tôi coi đó là một cái nghiệp, mà ông Nguyễn Du đã dạy: "Ðã mang lấy nghiệp vào thân. Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa".