HIỂM HỌA... NGƯ DÂN VIỆT NAM?.
NHÀ BÁO MAI THANH HẢI·5 THÁNG 5 2017
(Ngô Minh Trí) - Ngày 1.5, nhóm các nước Nam Thái Bình Dương đã phải nhóm họp ở Úc để lên kế hoạch ứng phó với “blue boats” (ý nói những tàu cá vỏ gỗ sơn màu xanh) đến từ VN. Danh sách các nước tham gia họp dài dằng dặt: Micronesia, Marshall Islands, Nauru, New Caledonia, Palau, Papua New Guinea, Solomon Islands, Tokelau và Vanuatu. Tham dự còn có đại diện của Úc, New Zealand, Pháp, Mỹ…
NHÀ BÁO MAI THANH HẢI·5 THÁNG 5 2017
(Ngô Minh Trí) - Ngày 1.5, nhóm các nước Nam Thái Bình Dương đã phải nhóm họp ở Úc để lên kế hoạch ứng phó với “blue boats” (ý nói những tàu cá vỏ gỗ sơn màu xanh) đến từ VN. Danh sách các nước tham gia họp dài dằng dặt: Micronesia, Marshall Islands, Nauru, New Caledonia, Palau, Papua New Guinea, Solomon Islands, Tokelau và Vanuatu. Tham dự còn có đại diện của Úc, New Zealand, Pháp, Mỹ…
Với các quốc gia ấy, tàu cá VN được gọi là “blue threat” - mối nguy cơ xanh. Từ chỗ màu xanh đại diện cho hòa bình thì những tàu cá VN sơn màu xanh đang trở thành nỗi hãi hùng khi thường xuyên xâm nhập vùng biển các nước Nam Thái Bình Dương để đánh bắt trái phép, tận diệt những loài thủy sản quý của nước họ. Ném mìn ầm ầm xuống biển họ như khủng bố. Đặt chúng ta vào vị trí các nước ấy, chúng ta chắc chắn không thể chấp nhận.
Với thành tích từng bắn hạ cả tàu Trung Quốc và bắn chết thuyền viên trên tàu Trung Quốc, Palau đến nay chưa bắn chết thuyền viên nào của VN thì cũng là điều may mắn. Bởi Cộng hòa Palau hay Liên bang Micronesia tuy là đảo quốc nhỏ bé, nhưng đều có liên kết hiệp ước với Mỹ. Các nước này không có quân đội, bởi được quân đội Mỹ chịu trách nhiệm vấn đề quốc phòng nên họ chả sợ nước nào. Hay New Caledonia là lãnh thổ thuộc Pháp nên được quân đội Pháp bảo vệ. Cũng may lần nào bắt ngư dân VN thì họ cũng sớm thả ra.
Mỗi khi nói đến những tàu cá VN chuyên đi đánh bắt trộm, nhiều người cố biện minh rằng: “vì ngư dân mình nghèo quá nên mới làm thế”. Biện minh thế chẳng khác nào nói “nghèo thì được làm bậy, được vi phạm pháp luật”. Không ổn chút nào. Đặc biệt, tàu cá Việt hay vào đánh bắt hải sâm ở Palau rồi… đem bán cho Trung Quốc.
Hơn thế nữa, hành động đánh bắt trộm của tàu cá VN còn hủy hoại thiện cảm mà VN gầy dựng được với các nước Nam Thái Bình Dương, trong đó có cả Úc. Trong tranh chấp Biển Đông, Úc và New Zealand là những quốc gia có thể nói đã ủng hộ VN, lên án tàu Trung Quốc hà hiếp ngư dân VN.
Thế mà giờ đây, chính chúng ta sang hủy hoại vùng biển lân cận họ. Và giờ đây, trong mắt của hải quân Mỹ hay Pháp thì ngư dân VN còn là mối nguy cơ trộm cắp, "khủng bố". New Zealand thậm chí còn triển khai hải quân, tàu chiến với súng ống tận răng đến Fiji để ứng phó với tàu cá VN.
Để chấn chỉnh tình trạng này, tôi nghĩ rằng chính phủ cần có biện pháp mạnh đối với những ngư dân bị nước ngoài bắt giữ vì hành vi đánh bắt trộm. Sau khi số ngư dân này được trao trả cho VN, chúng ta cần có những hình thức chế tài hoặc xử lý bằng một cách thức nào đó mang tính răn đe. Thậm chí bỏ tù.
Đừng dùng cái nghèo để biện minh và cũng đừng vì cái nghèo mà phá hoại hình ảnh đất nước.
Ngô Minh Trí
Biển Đông: Chiến lược tàu cá của Việt Nam tại bãi Scarborough
Tàu cá Philippines chuẩn bị ra vùng biển bãi đá Scarborough. Ảnh ngày 03/11/2016.Reuters
Sự vụ bắt nguồn từ một tin ngắn Twitter của ông Ryan Martinson, trợ lý giáo sư tại Trường Hải Chiến Mỹ (US Naval War College) ngày 25/03/2017, trong đó ông ghi nhận « vô số tàu đánh cá và hải cảnh Việt Nam hiện diện ngay vào lúc này » tại khu vực bãi Scarborough Shoal Biển Đông. Căn cứ vào thông tin này, trên trang mạng The Interpreter của Viện Nghiên Cứu Lowy tại Úc, chuyên gia Euan Graham đã cho rằng sự kiện trên có thể phản ánh một chiến lược mới của Việt Nam nhằm thúc đẩy việc tôn trọng phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ngày 12/07/2016.
Thông tin về sự hiện diện của đông đảo tàu cá Việt Nam tại khu vực Scarborough phía bắc Biển Đông đã được giáo sư Ryan Martinson loan báo dựa trên các tín hiệu tự động cảnh báo AIS mà các chiếc tàu phát đi, cho thấy vị trí của con tàu trên bản đồ.
Căn cứ vào các tín hiệu đó, ông đã phác họa ra một sơ đồ cho thấy hơn một chục chiếc tàu Việt Nam với tên và số hiệu trong khu vực bãi Scarborough, thậm chí có chiếc mang tên Linh 78 hôm 24/03, neo đậu ngay cạnh bãi ngầm này, cách tàu Ngư Chính (Yu Zheng) 312 của Trung Quốc không xa.
Đối với chuyên gia Úc Euan Graham, thông tin mà giáo sư Martinson tiết lộ là một dấu hiệu nhắc nhở rằng "những ai đã khai tử phán quyết tháng 7 năm ngoái về Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye cần phải chú ý quan sát tình hình bãi Scarborough".
Ông Euan Graham nhắc lại rằng bãi Scarborough là đối tượng một cuộc tranh chấp song phương giữa Philippines-Trung Quốc, và rất xa Việt Nam. Thế nhưng trong phán quyết của mình, Tòa Trọng Tài La Haye ở đoạn 807, đã tuyên bố rằng bãi này là ngư trường truyền thống của ngư dân nhiều nước, trong đó có Philippines, Trung Quốc (kể cả Đài Loan) và Việt Nam.
Theo nhà nghiên cứu Úc, khi cho tàu cá và tàu chấp pháp biển của mình đến tận bãi Scarborough xa xôi, Việt Nam đã khéo tranh thủ phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye. Bằng cách khẳng định quyền đánh cá truyền thống của mình, Việt Nam đã mặc nhiên biến mình thành một bên thứ ba trong một phán quyết vốn chỉ liên quan đến hai nước Philippines và Trung Quốc.
Điều đáng nói trong động thái này, theo ông Graham, là "sự can thiệp của một bên thứ ba cho phép duy trì sức sống cho phán quyết La Haye bằng cách quốc tế hóa vấn đề, đồng thời khiến cho Bắc Kinh và Manila gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thỏa hiệp với nhau mà không tôn trọng quyền lợi của Việt Nam tại Biển Đông".
Nhà nghiên cứu Úc cho rằng Manila mới đây đã loan báo một cơ chế phối hợp song phương với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, sẽ bắt đầu vào tháng Năm tới đây, và điều đó có thể đã khiến cho Việt Nam quan ngại. Đối với chuyên gia Graham, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte rất có thể là không hoan nghênh sự can dự của Việt Nam vào vấn đề Scarborough, vì làm cho vấn đề phức tạp thêm vào lúc Manila đang cố xích lại gần Bắc Kinh.
Tuy nhiên, theo ông Graham, Việt Nam chắc chắn cũng nhận thức rõ được là lúc này không nên tự cô lập mình bằng cách khiến cho đồng minh trên tuyến đầu trong mặt trận Biển Đông bất binh, nhất là vào lúc Philippines lại làm chủ tịch ASEAN và chủ trì cuộc đàm phán với Trung Quốc về một bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông.
Do vậy, chuyên gia Úc cho rằng rất có thể là Việt Nam đã có tham khảo Philippines trước khi hành động, và Manila đã ngấm ngầm đồng ý để có thêm thượng phong trước khi đàm phán với Bắc Kinh. Nhìn dưới ống kính đó, sự xuất hiện của ngư dân Việt Nam ngoài khơi bãi Scarborough Shoal là một cách đầy sáng tạo để giành lại thế chủ động bị mất vào tay Trung Quốc kể từ tháng 7 năm ngoái.
Nếu Trung Quốc bị buộc phải tuân thủ với phán quyết La Haye về Scarborough Shoal, bằng cách cho phép Việt Nam đánh bắt cá tại đấy (điều mà Bắc Kinh đã từng làm, kể cả trong năm 2012), Hà Nội có thể không chỉ giúp ngăn chặn việc bồi đắp thêm một hòn đảo nhân tạo mới, mà còn có thể mở rộng tiền lệ này qua trường hợp Trường Sa và Hoàng Sa, nơi việc ngư dân Việt Nam bị sách nhiễu từ lâu nay là một mối quan tâm lớn của Việt Nam.
Tóm lại, Euan Graham kết luận, sự xuất hiện của một đội tàu cá Việt Nam gần một trong những điểm nóng xa xôi nhất của vùng Biển Đông không đơn thuần là để đánh bắt cá. Mục tiêu pháp lý và ngoại giao của Hà Nội sâu xa hơn. Cần xem Trung Quốc phản ứng ra sao, nhưng rõ ràng là phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye vẫn phát sinh tác dụng.
Nguồn: Rfi