Những ngày cuối cùng của Ngân hàng Quốc gia VNCH
TTO - Cuối tháng 4-1975, lẫn trong các đoàn xe tăng, bộ binh giải phóng đổ về Sài Gòn có những người lặng lẽ làm nhiệm vụ đặc biệt.
Ngân hàng Quốc gia VNCH - Ảnh: tư liệu
Trung tuần tháng 4-1975, sau một tuần giao tranh khốc liệt với quân giải phóng do tướng Hoàng Cầm chỉ huy, phòng tuyến Xuân Lộc - hy vọng cuối cùng của quân đội VNCH - đã chuyển sang thế chiến bại.
Tuy nhiên, cùng thời điểm đó ở Sài Gòn, các hoạt động thường nhật của Ngân hàng Quốc gia, đầu não của nền tài chính miền Nam, vẫn bình thường.
Phòng vệ đặc biệt
Buổi chiều hết giờ làm việc, chiếc cổng sắt nặng nề của Ngân hàng Quốc gia ở số 17 Bến Chương Dương đóng chặt lại, tách biệt hẳn với đường phố ồn ào bên ngoài. Vài nhân viên nghiệp vụ không ra về mà ở lại phía trong cánh cửa, tiếp tục vào phiên trực.
Từ khi chiến cuộc diễn biến ngày càng khốc liệt, theo chủ trương của chính quyền Sài Gòn, tổng giám đốc Ngân hàng Quốc gia đã cho thành lập tổ tự vệ riêng của các viên chức nghiệp vụ ngân hàng.
Từ cấp chánh sự vụ trở xuống, không ai được phép vắng mặt trách nhiệm “nhân dân tự vệ”. Thay phiên nhau vài đêm mỗi tháng, họ cũng được phát vài khẩu carbine nhưng chưa bao giờ phải nổ súng.
Cùng gác với họ còn có hai lực lượng chuyên trách khác. Phía ngoài cổng là vành bảo vệ của đội cảnh sát dã chiến.
Từ cuộc chiến đường phố Tết Mậu Thân năm 1968, điểm phòng vệ này còn thường xuyên xuất hiện những chiếc thiết giáp. Nó đậu ở sát bức tường hông tòa nhà, khẩu trọng liên chĩa thẳng ra đường sẵn sàng chiến đấu.
Riêng bên trong, ngoài đội “tự vệ” còn có đội bảo vệ đặc biệt của thiếu tá Sang. Ông ta chỉ huy đội cảnh sát phòng vệ lớp thứ hai bên trong tòa nhà.
Chiến cuộc 20 năm gần đến hồi kết ở Sài Gòn, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu rồi ông Trần Văn Hương, Dương Văn Minh lên thay đều quan tâm bảo vệ tòa nhà đặc biệt này.
Họ rất sợ Ngân hàng Quốc gia có vấn đề gì, ảnh hưởng đến cả nền tài chính lẫn tâm lý người dân đô thành, mà đặc biệt là giới thương nhân.
Dưới tầng hầm, kho vàng 16 tấn dự trữ quốc gia vẫn còn nguyên vẹn ở vị trí cũ sau khi kế hoạch chuyển ra nước ngoài bị dừng lại.
Bên cạnh những hộp vàng thoi, các thùng tiền mặt, gồm tất cả tờ 500, 1.000 đồng chuẩn bị phát hành vẫn nằm nguyên dưới lớp niêm phong.
“Huyết mạch” kinh tế miền Nam vẫn hoạt động cho đến gần giờ cuối cùng của Việt Nam cộng hòa, khi những chiếc xe tăng T54 quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập.
Cảnh sát dã chiến bảo vệ vòng ngoài Ngân hàng Quốc gia VNCH trong những ngày tháng 4-1975 - Ảnh tư liệu |
“Chứng nhân” 3 thế kỷ
Trong lịch sử, tòa nhà Ngân hàng Quốc gia do người Pháp xây dựng này là chi nhánh chính của Ngân hàng Đông Dương ở Sài Gòn.
Ngân hàng này đầu tiên ra đời ở Paris vào tháng 1-1875. Chỉ bốn tháng sau, nó đã hiện diện ở thuộc địa Nam Kỳ, số 22 bến Arroyo Chinois, Cochinchine (số 17 Bến Chương Dương hiện nay).
Đây là một trong những công trình được xây dựng bề thế, kiên cố nhất Sài Gòn lúc bấy giờ gồm năm tầng, trong đó có một tầng hầm được sử dụng làm kho cất vàng dự trữ quốc gia và tiền tệ chưa phát hành.
Những bức tường bằng đá dày bảo đảm chịu được mọi loại súng cầm tay của bộ binh thời đó.
Tầng trệt của tòa nhà là văn phòng thống đốc, Nha điện toán, Nha ngân quỹ, phòng giao dịch với các ngân hàng thương mại. Các tầng trên là phòng làm việc của các nha khác như Nha kiểm soát, Nha thanh tra, Nha hối đoái...
Ngày 4-6-1954, Pháp ký hiệp định trao trả độc lập cho Việt Nam.
Bản hiệp ước do thủ tướng Bửu Lộc của chính phủ Bảo Đại và thủ tướng Pháp Joseph Laniel ký ghi nội dung điều khoản 3: Pháp cam kết trao trả lại cho Chính phủ Việt Nam các thẩm quyền và công vụ mà Pháp còn phụ trách.
Trong đó, họ trao trả lại quyền tự chủ tiền tệ, tức giải tán Viện phát hành tiền tệ Đông Dương của mình để trao trả lại quyền phát hành tiền cho Việt Nam.
Sáu tháng sau, ngày 21-12-1954, quốc trưởng Bảo Đại ký dụ số 18 thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và Viện hối đoái riêng.
Tuy nhiên trong thời gian đầu, tiền Việt Nam vẫn nằm trong khu vực đồng franc có tỉ giá 1 đồng Việt bằng 10 đồng franc.
Ngày 1-1-1955 tại số 17 Bến Chương Dương, Sài Gòn, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam chính thức hoạt động. Đồng bạc Đông Dương (piastres) được thay thế bằng đồng bạc Việt Nam.
Khoảng một năm sau, ngày 17-12-1955, tiền Việt chính thức tách ra khỏi các thỏa ước tiền tệ với Pháp trước đó bằng việc thủ tướng Ngô Đình Diệm ký dụ số 15, bắt buộc tất cả hoạt động tiền tệ đều nằm dưới quyền kiểm soát của Ngân hàng Quốc gia.
Không còn nằm trong khu vực tiền Pháp, đồng Việt Nam được ấn định tỉ giá theo đôla Mỹ, thời điểm này 35 đồng bằng 1 USD, 98 đồng bằng 1 bảng Anh và 0,1 đồng bằng 1 franc.
Thống đốc, người có quyền lực cao nhất ở Ngân hàng Quốc gia đầu tiên là ông Dương Tấn Tài, cựu bộ trưởng tài chính của chính phủ Bửu Lộc trước đó.
Thống đốc Tài được đánh giá là người cực kỳ liêm chính. Tuy nhiên, ông không tại vị lâu ở ngân hàng đầu não vì cuối năm 1955, ông được bổ nhiệm làm cố vấn phủ tổng thống. Người thay chức vụ cũ của ông là tiến sĩ kinh tế Vũ Quốc Thúc.
Suốt 20 năm chiến cuộc kể từ khi đất nước bị chia cắt ở vĩ tuyến 17, Ngân hàng Quốc gia trở thành “chứng nhân” bao cuộc thăng trầm, biến loạn của Sài Gòn. Những thống đốc đầu tiên như tiến sĩ Vũ Quốc Thúc có công đưa nền tài chính miền Nam thoát khỏi cái bóng đô hộ 100 năm của người Pháp.
Nguyên bộ trưởng Trần Hữu Phương lên thay. Kế tiếp ông là những gương mặt rất giỏi như tiến sĩ kinh tế Harvard Nguyễn Xuân Oánh làm thống đốc năm 1964 trong nội các Nguyễn Cao Kỳ.
Sau đó là Nguyễn Hữu Hanh, Nguyễn Văn Dõng. Và thống đốc trẻ tuổi cuối cùng là Lê Quang Uyển ngồi vào chiếc ghế thống đốc năm 36 tuổi, từ năm 1970 cho đến ngày quân giải phóng vào cắm lá cờ mới lên tòa nhà này.
Trong cuốn sách Từ tòa Bạch Ốc đến dinh Độc Lập, tổng trưởng Nguyễn Tiến Hưng cho rằng Ngân hàng Quốc gia sẽ là mục tiêu sau khi Sài Gòn thất thủ.
Trong cuộc họp nội các ngày 1-4, tổng trưởng Hưng đề xuất bán vàng dự trữ của Ngân hàng Quốc gia để mua đạn dược trong tình hình không thể hi vọng quân viện từ Mỹ.
Cuối cùng, diễn biến chiến sự quá nhanh, việc mua đạn dược không kịp, việc chuyển vàng ra nước ngoài cũng bất thành, trong đó có cả lý do bất đồng của một số nhân vật trong nội các như phó thủ tướng Nguyễn Văn Hảo (Tuổi Trẻ đã đăng chi tiết năm 2006 trong hồ sơ “Câu chuyện 16 tấn vàng ngày 30-4”).
“Có lẽ chính nhờ những điều này mà hầm dự trữ của Ngân hàng Quốc gia vẫn không có gì xáo trộn trong tháng cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Chúng tôi vẫn đến sở làm bình thường. Bản phúc trình thường niên năm 1974 vẫn được trình lên” - ông Huỳnh Bửu Sơn, một viên chức của Ngân hàng Quốc gia cũ, kể lại.
|
Chuyện tiếp quản Ngân hàng quốc gia Việt Nam cộng hòa
TTO - Những ngày tháng 4-1975, trong các cánh rừng của căn cứ R ở Tây Ninh, một đoàn tiếp quản đặc biệt đã chuẩn bị sẵn sàng.
Một lớp học tập của ngành ngân hàng được mở sau ngày 30-4-1975 - Ảnh tư liệu |
Ông Lữ Minh Châu, tức Ba Châu, nhân vật quan trọng trong hệ thống chuyển tiền của quân giải phóng được cài cắm ở Sài Gòn, kể lại: “Ngay trong nội thành, tôi nhận được chỉ thị yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng cho công tác tiếp quản ngân hàng vì Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn trong tháng 5“.
Ông Ba Châu, về sau là tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết mình được giao nhiệm vụ trưởng Ban tiếp quản ngân hàng khi Sài Gòn được giải phóng.
Chúng tôi nghỉ đêm 30-4-1975 ở Trường Cao Thắng. Các chỉ huy họp tổng kết chuyến đi đặc biệt này và lên kế hoạch cụ thể để hôm sau chia ra nhiều đoàn đi tiếp quản các ngân hàng. Rất mệt, nhưng không mấy người chợp mắt được. Cảm giác thật nôn nao
|
Ông NGUYỄN THÀNH NGUYÊN |
“Giờ thứ 25” của Sài Gòn
7 giờ 53 phút sáng 30-4 ở số 17 Bến Chương Dương, Ngân hàng Quốc gia lẽ ra đã bắt đầu vào giờ làm việc buổi sáng thường nhật nhưng hôm ấy vắng hẳn. Cảnh sát dã chiến bảo vệ trước cổng đã lặng lẽ rút đi từ lúc nào.
Ngoài những người đang cố gắng tìm đường di tản vào phút cuối, một số nhân viên làm chuyên môn theo nếp quen vẫn đến trụ sở, nhưng hết đứng lại ngồi bên ngoài cánh cổng thép, nháo nhác nghe tin đoàn quân giải phóng đã vào đến Sài Gòn. Họ chẳng biết làm gì và thật sự cũng chẳng có gì để làm trong “giờ thứ 25” ấy của Sài Gòn.
Khi nghe tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố chính thức đầu hàng, một số viên chức tại Ngân hàng Quốc gia bỏ về với vợ con để chuẩn bị cho mọi tình huống có thể đến như đồn đoán.
Đến chiều 30-4-1975, Ngân hàng Quốc gia và nhiều ngân hàng thương mại khác đã được quân giải phóng cử chiến sĩ vũ trang chốt giữ. Nhưng hầu hết họ chỉ bảo vệ vòng ngoài, không tiếp cận hệ thống kho hầm, sổ sách bên trong.
Ông Nguyễn Thành Nguyên, tức Hai Nguyên, ủy viên Ban tiếp quản ngân hàng từ căn cứ R vào Sài Gòn, kể: “Chúng tôi nghỉ đêm 30-4 ở Trường Cao Thắng. Các chỉ huy họp tổng kết chuyến đi đặc biệt này và lên kế hoạch cụ thể để hôm sau chia ra nhiều đoàn đi tiếp quản các ngân hàng. Rất mệt, nhưng không mấy người chợp mắt được. Cảm giác thật nôn nao”.
Sáng 1-5, nhóm tiếp quản này tìm đến Ngân hàng Quốc gia. Trên đường đi, họ gặp nhóm của ông Lữ Minh Châu.
Đến số 17 Bến Chương Dương, họ làm thủ tục tiếp nhận tòa nhà Ngân hàng Quốc gia với lực lượng quân giải phóng đã chốt giữ từ ngày trước. Một người leo lên tầng trên, treo lá cờ giải phóng và tổ chức lễ tiếp quản.
Tòa nhà trụ sở Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM được xây dựng nằm 1929-1930, từng là trụ sở Ngân hàng Quốc gia Việt Nam cộng hòa từ năm 1957 đến 30-4-1975 - Ảnh: T.T.D |
Trước số viên chức cũ của ngân hàng đang chờ đợi thủ tục chuyển giao, ông Lữ Minh Châu đọc lệnh tiếp quản và công bố quyền điều hành mới.
Một viên chức quản lý cũ có mặt báo cáo lại kết quả hoạt động của ngân hàng.
Những người trong đoàn tiếp quản thở phào nhẹ nhõm, không có sự phá hủy tài liệu hay tẩu tán tài sản và tiền vàng trong ngân hàng đầu não Sài Gòn.
Họ khóa sổ kho quỹ, niêm phong, tiếp nhận hồ sơ nhân sự, sổ sách tài liệu và cắt người bảo vệ các vị trí quan trọng như kho quỹ, tầng hầm trữ vàng...
Ông Trần Quang Bút, tức Năm Hải, cán bộ từ R ra, sau là trưởng phòng kế hoạch Vietcombank, kể lại trong Kỷ yếu 30 năm Vietcombank TP.HCM: “Ban tiếp quản ngân hàng triệu tập tất cả các tổng giám đốc, giám đốc các ngân hàng Sài Gòn tại hội trường số 17 Bến Chương Dương, nghe công bố danh sách Ban tiếp quản và nhận lệnh bàn giao toàn bộ hồ sơ, sổ sách, tài liệu và ngân quỹ cho Ban tiếp quản ngân hàng.
Anh Ba Châu kêu gọi tất cả công chức, nhân viên các ngân hàng trở lại nhiệm sở làm việc. Còn số anh em tiếp quản phân công nhau đi chiếm lĩnh các ngân hàng.
Sài Gòn lúc này rất yên tĩnh, tài sản của nhân dân thì không hề hấn gì. Đến ngày thứ ba, các tiệm, quán, nhà hàng bắt đầu mở cửa trở lại, chợ búa cũng bắt đầu họp.
Để đảm bảo nhu cầu chi tiêu của các đại sứ quán, các ngoại giao đoàn, cơ quan thông tấn, báo chí nước ngoài, một bộ phận của Việt Nam Thương Tín được lệnh bắt đầu hoạt động trở lại dưới sự điều hành của tôi”.
Kho tiền - vàng
Đoàn tiếp quản cảm thấy nhẹ nhõm và rất vui khi hầu hết sổ sách, chứng từ, tài liệu báo cáo hoạt động và tài sản ở các ngân hàng đều còn tương đối đầy đủ.
Thực tế không như một số tin đồn đã xảy ra như tiêu hủy, tẩu tán để quân giải phóng không thể tiếp quản được “mạch máu” nền kinh tế miền Nam.
Sau những ngày đầu tiếp quản cơ sở vật chất và nhân sự, nhiệm vụ kiểm kê kho quỹ các ngân hàng bắt đầu được thực hiện một cách chặt chẽ giữa các viên chức ngân hàng cũ, ban tiếp quản mới và đại diện công an...
Đến thời điểm 30-4-1975, tổng số vàng dự trữ quốc gia của Việt Nam Cộng hòa còn lại gần 22 tấn. Trong đó có 16 tấn vàng thoi trữ ở tầng hầm Ngân hàng Quốc gia và 5,7 tấn vàng gửi tại ngân hàng Thụy Sĩ.
Ngoài ra, một số vàng khá lớn và đá quý do các tư nhân ký gửi vẫn còn ở ngân hàng. Theo cuốn Lịch sử ngân hàng Việt Nam, toàn bộ số tiền mặt của Việt Nam Cộng hòa thu được hơn 150 tỉ đồng.
Trong đó, tiền các loại thu được trong kho Ngân hàng Quốc gia 125 tỉ đồng, gồm cả những tờ mệnh giá 1.000 đồng in hình các con thú mới chuẩn bị phát hành vẫn đang niêm phong dưới tầng hầm Ngân hàng Quốc gia. Tiền quỹ lưu dụng 7,8 tỉ đồng và tiền quỹ của các ngân hàng tư nhân trên 19 tỉ đồng.
Đặc biệt, tổng dự trữ ngoại hối của chính phủ Sài Gòn cũ là 252,2 triệu USD, số dư có 138.798.820 USD do Ngân hàng Quốc gia và 26 ngân hàng thương mại gửi ở nước ngoài mà chủ yếu là Mỹ và Thụy Sĩ.
Theo ông Lữ Minh Châu, tổng dự trữ ngoại hối của Sài Gòn như vậy là tương đối lớn tính theo thời giá lúc bấy giờ. Nó rất cần thiết để khôi phục nền kinh tế Việt Nam sau chiến tranh.
Tuy nhiên sau 1975, chính sách cấm vận của Mỹ đã phong tỏa hơn 97 triệu USD.
Số ngoại hối còn lại cũng chưa thể rút ngay được, trong khi lượng ngoại tệ bằng tiền mặt tiếp quản được cả hệ thống ngân hàng Sài Gòn chỉ hơn 201.000 USD.
Nhiệm vụ quan trọng của đội ngũ tiếp quản là phải tìm cách thu hồi số ngoại tệ đang gửi ở nước ngoài của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam Cộng hòa, khẳng định quyền thừa kế của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam...
Ông Võ Phùng Thảo, sau là giám đốc chi nhánh Vietcombank TP.HCM, tường thuật lại cuộc gặp mặt đầu tháng 5-1975 giữa Ban tiếp quản ngân hàng và các nhân viên trong ngành ngân hàng Sài Gòn như sau:
“Hôm đó, đông đảo nhân viên các ngân hàng Sài Gòn có mặt. Họ được thông báo tới nghe đại diện Ban tiếp quản nói chuyện. Tới nơi, họ mới ngã ngửa ra rằng ông trưởng Ban tiếp quản ngân hàng Lữ Minh Châu chính là người quen biết, đã từng ngang dọc trong hệ thống ngân hàng miền Nam trước đây. Lúc ấy, tất cả các ngân hàng đều đặt dưới sự chỉ đạo của anh Châu. Việt Nam Thương Tín lúc đó có trụ sở chính ở số 79 Hàm Nghi, gồm hai bộ phận đối nội và đối ngoại. Bộ phận đối nội được giao về cho Ngân hàng Quốc gia do anh Ba Châu lãnh đạo. Bộ phận đối ngoại giao cho nhóm anh em Vietcombank quản lý, anh Năm Hải phụ trách”.
|
Ngân hàng thu hồi 5,7 tấn vàng từ Thụy Sĩ
TTO - Hồi tôi làm tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước, có Việt kiều về nước đã hỏi thẳng tôi rằng: Sau ngày 30-4-1975, chính quyền Việt Nam cộng hòa để lại nhiều thứ. Vậy tại sao sau ngày 30-4 nước mình lại khó khăn như vậy?
Ngân hàng giữ 5,7 tấn vàng VN tại Thụy Sĩ - Ảnh tư liệu, Vietcombank cung cấp |
Hồi tôi làm tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước, có Việt kiều về nước đã hỏi thẳng tôi rằng: Sau ngày 30-4-1975, chính quyền Việt Nam cộng hòa để lại nhiều thứ. Đôla ở ngân hàng Mỹ, vàng đầy trong kho bạc Bến Chương Dương. Cơ sở hạ tầng miền Nam cũng còn gần như nguyên vẹn.
Thành phố Sài Gòn thì vẫn 100% như cũ, kể cả hàng chục ngàn doanh nhân, hàng chục ngàn cơ sở doanh nghiệp lớn nhỏ chẳng cái nào bị đốt phá.
Vậy tại sao sau ngày 30-4 nước mình lại khó khăn như vậy? - những ngày cuối đời, ông Lữ Minh Châu đã tâm sự với người viết như thế...
Cuộc chiến vừa kết thúc, chúng tôi đã lật từng sổ sách, chứng từ, kiểm tra từng kho quỹ, tầng hầm ngân hàng để tìm nguồn khôi phục đất nước sau chiến tranh. Thấy thỏi vàng nào cũng mừng. Tìm ra đồng đôla nào cũng vui
|
Những khó khăn
Đó là hệ quả Mỹ không chỉ cắt hoàn toàn viện trợ mà còn cấm vận khắc nghiệt, đặc biệt là miền Nam vốn đã sử dụng phương tiện sản xuất của Mỹ và phương Tây nên không có phụ tùng để tiếp tục hoạt động. Năm 1977 đến lượt Trung Quốc cắt viện trợ.
Liên Xô và Đông Âu dù vẫn còn giúp đỡ vài năm nữa, nhưng do trượt giá đồng tiền của họ nên lượng hàng hóa, nguyên liệu thực về nước chỉ còn phân nửa trước đây.
Tình hình như vậy làm sao tránh khỏi khó khăn? Ngay cả Việt Nam cộng hòa gần đến hồi kết thúc cuộc chiến cũng khẩn thiết, van nài vay thêm tiền từ Mỹ.
1 tỉ USD không có, 700 triệu USD không ra, cuối cùng 300 triệu USD cũng không được, phải đôn đáo qua cả Ả Rập để tìm hi vọng cuối cùng mà vẫn bất thành.
Ý kiến cho rằng do chính sách cứng rắn cải tạo, quốc hữu hóa nền kinh tế miền Nam sau năm 1975 đã làm đất nước rơi vào khó khăn là đúng nhưng chưa đầy đủ.
Còn rất nhiều nguyên nhân khó khăn khác, chưa kể hai cuộc chiến biên giới nổ ra khốc liệt sau đó.
Ông Ba Châu tâm sự mình gắn với ngành tài chính - ngân hàng từ trước tháng 4-1975 đến gần 20 năm sau đó, nên là chứng nhân trong cuộc của nhiều vấn đề.
“Cuộc chiến vừa kết thúc, chúng tôi đã lật từng sổ sách, chứng từ, kiểm tra từng kho quỹ, tầng hầm ngân hàng để tìm nguồn khôi phục đất nước sau chiến tranh. Thấy thỏi vàng nào cũng mừng. Tìm ra đồng đôla nào cũng vui. Trung ương cử người vào giám sát chặt chẽ và chúng tôi vẫn liên tục báo cáo ra Hà Nội” - ông Ba Châu kể.
Riêng vàng của Việt Nam cộng hòa lúc ấy để lại có hai nguồn. Thứ nhất là nguồn trong nước với 16 tấn vàng dự trữ ở tầng hầm Ngân hàng Quốc gia.
Về sau, lượng vàng này được đưa qua Liên Xô bán cùng với các loại vàng có trong nước gồm tất cả 40 tấn, để trả nợ và giải quyết các nhu cầu khó khăn (Tuổi Trẻ đã đăng chi tiết trong hồ sơ “Vượt qua đêm dài đói kém”).
Thứ hai là 5,7 tấn vàng do Việt Nam cộng hòa ký gửi ở Thụy Sĩ. Theo ông Ba Châu, số vàng dự trữ này vô cùng quý giá với tình hình của đất nước lúc bấy giờ. Nó cần được bán ra để giải quyết các khó khăn cấp bách.
Thu hồi và... bán
Tuy nhiên, chuyện bán vàng dự trữ quốc gia không hề đơn giản, nhanh chóng như nhiều người tưởng. Nó được trung ương đặt lên đặt xuống, cân nhắc rất nhiều.
Ông Dễ (nguyên phó tổng giám đốc Vietcombank) kể có lần ông nghe cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: “Khó khăn quá, không còn cách gì khác thì phải bán vàng thôi. Sau này mình có điều kiện, mình sẽ mua lại”.
Theo ông Dễ, sở dĩ 5,7 tấn vàng từ Thụy Sĩ không được bán ở thị trường quen thuộc Liên Xô vì đã bán ở quốc gia này 40 tấn vàng rồi.
Tuy nhiên, nếu để yên ở ngân hàng Thụy Sĩ thì cũng không yên tâm trước các biện pháp cấm vận ngày càng khắt khe của Mỹ.
Sau năm 1975, chính quyền nước này đã phong tỏa hơn 97 triệu USD của Việt Nam cộng hòa gửi ở các nước. Rất có thể Thụy Sĩ, một nước trung lập, rồi cũng có thể phải chịu áp lực từ Mỹ, gây khó khăn cho Việt Nam.
Các cuộc họp của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Vietcombank đã đặt vấn đề phải xử lý an toàn 5,7 tấn vàng này.
Cân nhắc ban đầu là chuyển về nước, nhưng trước tình hình khó khăn nên buộc phải tìm cách bán. Khả năng bán ở Liên Xô cũng được xem xét, nhưng cuối cùng quyết định chuyển về ngân hàng Tiệp Khắc.
Theo ông Dễ, có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân “chia nhỏ ra thì hay hơn dồn tất cả vào một chỗ”.
Đầu tiên, ông Dễ và các cán bộ nghiệp vụ của Vietcombank tiến hành đàm phán với Bank fur Internationnalen Zahlung Sausgleih, ngân hàng Thụy Sĩ đang giữ 5,7 tấn vàng của Việt Nam gửi.
Công việc hơi tốn thời gian và đòi hỏi nhiều chi tiết, nhưng cuối cùng cũng hoàn tất vì trước đó Việt Nam đã chứng minh quyền thừa kế hợp pháp ở các tổ chức tài chính quốc tế.
Sau đó, họ làm việc với ngân hàng quốc gia Tiệp Khắc đề nghị tiếp nhận số vàng Việt Nam chuyển đến từ Thụy Sĩ.
Giai đoạn đàm phán này diễn ra nhanh gọn hơn nhiều, vì Tiệp Khắc đã có mối quan hệ từ lâu với chính phủ Hà Nội và viện trợ cho Việt Nam rất nhiều trong chiến tranh.
Các thủ tục chuyển giao quốc tế hoàn tất. 5,7 tấn vàng được đưa về ngân hàng quốc gia Tiệp Khắc an toàn. Số vàng này được Việt Nam nhờ Tiệp Khắc bán để lấy ngoại tệ.
Còn nửa tấn cuối cùng thì chính trường Tiệp Khắc xảy ra bất ổn, nhưng Vietcombank đã kịp thời chuyển về nước an toàn.
Riêng 2,7 tấn vàng còn lại chưa bán hết ở Liên Xô cũng được chuyển về Việt Nam trước khi nước này xảy ra thay đổi chính trị.
Đặc biệt, số ngoại tệ khả dụng của Việt Nam cộng hòa gửi ở nước ngoài cũng được Vietcombank tiến hành các thủ tục rút dần về nước để giải quyết tình trạng khan hiếm ngoại tệ nghiêm trọng.
Riêng hơn 93 triệu USD bị Mỹ phong tỏa cũng được thu hồi sau khi Mỹ bãi bỏ chính sách cấm vận với Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Duy Lộ, nguyên phó tổng giám đốc Vietcombank, Việt Nam không chỉ thu hồi được tất cả số tiền gốc ngoại tệ ký gửi ở nước ngoài mà còn lấy được cả lãi với tổng số lên đến gần 396 triệu USD.
Đó cũng được xem là một thắng lợi lớn của những nhà hoạt động ngân hàng ở Việt Nam sau khi tiếp quản ngành ngân hàng mà VNCH để lại...
Nguyên phó tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Văn Dễ là người trực tiếp thu hồi 5,7 tấn vàng gửi ở Thụy Sĩ.
Ông kể: “Cuộc tiếp quản hệ thống ngân hàng miền Nam sau tháng 4-1975 đã đạt kết quả tốt đẹp.
Chính nghiệp vụ sổ sách chặt chẽ, khoa học của các ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Quốc gia VNCH trước năm 1975 đã giúp chúng tôi nắm được chính xác tất cả tài sản quốc gia mà chính quyền miền Nam để lại.
Chúng tôi có thể biết rõ lượng ngoại tệ và vàng còn bao nhiêu, đang nằm ở ngân hàng nào, nước nào, số nào bị Mỹ phong tỏa, số nào có thể rút ra ngay được”.
Ngay từ tháng 9-1975, Việt Nam đã cử đại diện tham dự các hội nghị thường niên của tổ chức tiền tệ IMF, WB, ADB.
Được Nhà nước ủy nhiệm thực hiện quyền thừa kế từ chính quyền trước, đoàn đã chuẩn bị tất cả tài liệu, số liệu để đàm phán thu hồi quyền lợi.
|
50 ngày cuối của đồng bạc Trần Hưng Đạo
TTO - Sau tháng 4-1975, những người lính tập kết trở lại miền Nam bỡ ngỡ cầm tờ bạc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam Cộng hòa cũ vẫn còn được phép lưu hành.
QUỐC VIỆT
TTO - Sau tháng 4-1975, những người lính tập kết trở lại miền Nam bỡ ngỡ cầm tờ bạc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam Cộng hòa cũ vẫn còn được phép lưu hành.
Nhiều người chưa biết mua bán như thế nào vì giá trị của nó khác với đồng tiền miền Bắc.
Ngân hàng Quốc gia VNCH - Ảnh: tư liệu |
“Hằng ngày, chưa đến giờ làm việc đã có hàng ngàn khách xếp hàng ở ngay cửa. Toàn cơ quan tập trung phục vụ công tác đổi tiền. Anh chị em tự vệ được huy động giữ gìn trật tự, phát phiếu và hướng dẫn khách đổi. Mỗi bàn đổi tiền có trưởng bàn để kiểm soát giấy tờ, một kế toán, hai thủ quỹ. Anh chị em làm việc suốt ngày, không có cả thời gian để nghỉ trưa
|
Ông PHAN THÚC DƯƠNG (nguyên trưởng phòng quỹ Vietcombank) |
“Tôi nhớ hồi ấy có anh em Hà Nội vào hỏi: Giải phóng rồi, sao trung ương không “giải phóng” luôn đồng tiền chế độ cũ? Tôi cười, trả lời đồng bạc xanh đỏ thì có tội tình gì mà giải phóng? Miễn sao người dân quen sử dụng, họp được chợ búa, làm ăn tiện lợi là tốt rồi” - thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, cựu trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở trại Davis, nói.
Những ngày cuối của đồng bạc Sài Gòn
Thật sự, nhiều người không thể biết được vì sao tờ bạc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam cộng hòa vẫn “sống” tiếp 150 ngày sau 30-4-1975?
Theo thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, ngay cuối tháng 3-1975 miền Bắc đã có những kế hoạch quản lý miền Nam thời hậu chiến. Rất nhiều ý kiến được đặt ra, trong đó có cả ý kiến nên đổi ngay tiền của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam cộng hòa sang tờ bạc giải phóng của cách mạng miền Nam hay tiền miền Bắc.
Tuy nhiên, quyết định cuối cùng là cần phải có một thời gian để tránh xáo trộn trong đời sống người dân và tiếp tục vận hành nền kinh tế của chính quyền Sài Gòn để lại.
Đặc biệt, nếu có đổi tiền ngay thì việc in ấn, phát hành tiền mới cũng không thể chuẩn bị kịp với thời gian quá gấp rút, trong khi nhu cầu sử dụng tiền của người dân miền Nam rất lớn. Do đó, đồng tiền chế độ cũ tiếp tục được lưu hành.
Theo ông Huỳnh Bửu Sơn - viên chức Ngân hàng Quốc gia cũ, lượng tiền dự trữ còn rất nhiều vì chính quyền Sài Gòn đang chuẩn bị phát hành thêm đợt tiền mới gồm các tờ 500 đồng và 1.000 đồng.
Chúng được đựng trong các thùng gỗ thông cất dưới tầng hầm ở tòa nhà số 17 Bến Chương Dương. Mỗi thùng gồm 50 triệu đồng, có niêm phong cẩn thận.
Ngoài ra, Ngân hàng Quốc gia cũ còn có một hầm dự trữ tiền khác ở đường Phan Đình Phùng (đường Nguyễn Đình Chiểu hiện nay) cất các loại tiền mệnh giá nhỏ hơn.
Trước đây, nguồn tiền này được in tại các công ty Mỹ như ABC (American Banknote Company), SBC (Security Banknote Company). Về sau, chúng được in tại công ty Anh Thomas Delarue.
Những tờ tiền Sài Gòn này được đánh giá rất đẹp, có kỹ thuật chống giả cao với cách in hình lộng, băng huỳnh quang, chấm huỳnh quang, in chồng hai mặt... Năm 1974, giai đoạn 1 của dự án xây dựng nhà máy in bạc tại Sài Gòn đã tạm hoàn tất.
Các máy móc, thiết bị in nhập từ Công ty Thomas Delarue đang được lắp đặt thì diễn ra bước ngoặt lịch sử tháng 4-1975. Dự án quốc gia chủ động in tiền riêng của Việt Nam cộng hòa bị ngưng hoàn toàn.
Sau ngày giải phóng, toàn bộ số tiền trong các kho quỹ của hệ thống ngân hàng Việt Nam cộng hòa được kiểm kê và tiếp tục cho lưu hành sử dụng.
Theo tài liệu Ngân hàng Nhà nước, trong toàn bộ 150 tỉ đồng thu được từ các kho quỹ ngân hàng miền Nam, Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam quyết định dành phần lớn đảm bảo nhu cầu chi tiêu của quân đội. 20 tỉ đồng mua lúa gạo ở ĐBSCL, 15 tỉ đồng chi viện cho khu 5 và Trị Thiên. Sài Gòn - Gia Định và các tỉnh, thành khác thì tự túc.
Một vấn đề khó khăn đối với quân đội và người miền Bắc vào Nam sau tháng 4-1975 là không có tiền Sài Gòn sử dụng trong khi nhu cầu này rất lớn. Tình trạng thiếu tiền mặt ngày càng trầm trọng.
Ngoài nhu cầu tăng đột biến, còn có lý do một số đơn vị quân đội, cơ quan nhà nước, xí nghiệp giữ chặt tiền mặt để đảm bảo chi tiêu riêng mặc dù Chính phủ cách mạng lâm thời có ban hành quy chế “quản lý tiền mặt và thanh toán không dùng tiền mặt”.
Ông Nguyễn Duy Lộ, nguyên phó tổng giám đốc Vietcombank, kể: “Thời điểm ấy chúng tôi được giao nhiệm vụ đổi tiền miền Bắc ra tiền Sài Gòn để người miền ngoài vào có tiền thanh toán. Để khắc phục tình trạng thiếu tiền mặt nghiêm trọng, các hạn mức đổi tiền được quy định rất nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, nhiều cán bộ ngân hàng thông cảm anh em quân đội sau bao nhiêu năm xa cách, giờ trở về quê hương lại thiếu tiền tiêu nên cũng du di hạn mức. Họ xếp hàng đổi tiền theo hạn mức xong rồi lại xếp hàng lần nữa”.
Thực tế quy định “hạn mức” lúc ấy rất chặt chẽ: mỗi cán bộ vào Nam công tác chỉ được đổi 5 đồng/ngày nếu có mức lương từ 115 đồng trở lên, và 2 đồng/ngày nếu có mức lương dưới 83 đồng.
Theo ông Lộ, hồi ấy đồng tiền Sài Gòn cũ vẫn có sức mua trên thị trường thực tế mạnh hơn tiền miền Bắc. Ban đầu, những người lính miền ngoài vào còn bỡ ngỡ, sau mới quen dần với việc chi tiêu tờ bạc này.
Tờ bạc giá trị nhất của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam cộng hòa, in hình Trần Hưng Đạo |
Đổi tiền
Sau gần 5 tháng cuối cùng được phép lưu hành kể từ ngày 30-4-1975, tờ bạc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam cộng hòa chính thức kết thúc “vòng đời” của mình. Nó đã tồn tại được 20 năm kể từ khi Chính phủ Pháp chuyển giao quyền độc lập cho Việt Nam và tờ bạc có chữ Ngân hàng Quốc gia đầu tiên được phát hành vào năm 1955.
Sau một thời gian âm thầm chuẩn bị, ngày 22-9-1975, gần 70.000 người đã được huy động bí mật từ lực lượng bộ đội, công an, cán bộ các ngành, sinh viên, viên chức ngân hàng... để phục vụ cho đợt đổi tiền đầu tiên.
Cuộc đổi tiền lịch sử đổi từ đồng bạc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam cộng hòa cũ sang tiền Ngân hàng Việt Nam mới, hay còn gọi là tiền giải phóng ở miền Nam. Tỉ giá được ấn định 500 đồng tiền cũ bằng 1 đồng tiền mới. Và 1 đồng tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở miền Bắc bằng 0,66 đồng mới phát hành của miền Nam.
Ông Lộ kể chính mình lúc ấy là phó phụ trách Ngân hàng Ngoại thương ở Đà Nẵng cũng chỉ được biết thông tin đổi tiền trong một đêm trước ngày 22-9-1975. Tất cả mọi người liên quan đến công tác đổi tiền phải tập trung “cắm trại” 100% trong đêm này.
Sau khi nghe phổ biến kế hoạch, mọi người phải ở lại, không được liên lạc với gia đình để sáng hôm sau đến thẳng nơi đổi tiền.
Trước đó một ngày, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành một quyết định hạn mức tiền được đổi trong đợt này: không quá 100.000 đồng tiền Sài Gòn cũ với nhu cầu sinh hoạt; từ 200.000 - 500.000 đồng và tối đa không quá 1.000.000 đồng đối với hộ và tổ chức kinh doanh.
Riêng số tiền còn lại mà người đổi đã kê khai được quy ra tiền mới nhưng phải gửi tại ngân hàng và chỉ được phép rút dần theo quy định.
Kế hoạch đổi tiền đợt đầu chỉ kéo dài trong 1-2 ngày, nhưng thực tế đến 3 ngày, rồi phải thêm một đợt nữa. Tổng số tiền Sài Gòn cũ được thu đổi là 486 tỉ đồng, trong đó tiền từ người dân chiếm 77%.
Kể từ tháng 9-1975, Việt Nam hình thành hai khu vực tiền tệ: tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành ở miền Bắc và tiền Ngân hàng Quốc gia phát hành ở miền Nam.
Đến năm 1978, một đợt thu đổi sang loại tiền thống nhất lại được thực hiện. Người dân chỉ được sử dụng một loại tiền duy nhất trên cả nước. Và đồng bạc Ngân hàng Quốc gia của chính quyền Sài Gòn cũ nếu ai còn giữ lại đã trở thành kỷ niệm...
|
QUỐC VIỆT
4 kỳ - Nguồn: Tuoitre