Tim thông tin blog này:

Thứ Ba, 6 tháng 6, 2017

Xâm mình - những điều cần biết

Xăm mình là lưu lại những hoa văn họa tiết trên da. Việc xăm mình do nhiều nguyên nhân, ý nghĩa khác nhau: tình yêu, thẩm mỹ, đức tin, lý tưởng, quan niệm sống, hoặc có khi chỉ là theo trào lưu hoặc... lấp cái thẹo.
Chấp nhận xăm mình tức là đã quyết định “phá tướng”, thay đổi ít nhiều tướng mạo của mình. Việc này dẫn đến nhiều hậu quả khác nhau, tùy theo hình xăm đó có thích hợp với mình hay không. Tút này chỉ là đề cập về qui ước xăm mình trong giới hắc đạo, để anh chị em dấn thân vào chốn giang hồ hiểm ác lưu ý, tránh phải chịu đòn oan, hoặc có khi trầm trọng hơn, chuốc lấy họa sát thân.
Trước hết, chớ ngông cuồng tự đại, tưởng rằng mình có quyền trên thân thể của mình, muốn xăm đồ hình gì là tùy sở thích cá nhân. Không phải đâu là không phải đâu, đều có quy định về thứ bậc của những hình xăm đa nghen, mình thuộc đẳng cấp, thực lực cỡ nào thì xăm đồ hình theo thực lực, đẳng cấp đó, chớ khá đèo bồng. Khi muốn xăm một hình, việc đầu tiên nên làm là hỏi kỹ thuật viên xăm mình (ở đây gọi tắt “thầy xăm”), xem thực lực mình có xứng với hình xăm đó chăng. Chớ tự ý cãi thầy xăm càn, nếu tiếm vượt, xăm hình vượt quá đẳng cấp, thực lực, tức tự rước lấy phiền phức không nhỏ. Ngoài phép tắc tôn ti ra, khi xăm mình, giới hắc đạo còn có những kiêng kỵ khác.
CHÚA, PHẬT, BỒ TÁT
Xăm chân dung đấng cứu thế, bậc giác ngộ, là thuộc về đức tin, ngụ ý phó thác thân mình tuân ý bề trên. Với loại đồ hình này không nên xăm trước ngực, nếu làm vậy là đại bất kính. Chân dung các ngài phải được vẽ rõ ràng đầy đủ ngũ quan, thể hiện được vẻ từ ái, khoan dung. Sau khi xăm loại này, người được xăm phải trai tịnh bảy ngày đầu, tránh ra vào những nơi kém sạch sẽ. Giang hồ tin rằng đã chọn hình xăm tôn giáo phải hành sự quang minh, tránh những hành vi lừa lọc, hèn hạ; bằng không sẽ chịu cái chết rất dữ.

TỬ THẦN
Tử thần cùng những quỷ thần khác của cõi âm có chung ý nghĩa: để trấn yểm tai họa, hung hiểm. Nhưng cần cẩn trọng với hình xăm loại này, nếu tố chất cũng như bản mệnh không đủ để xăm thì chẳng những không trấn yểm được mà còn rước lấy tai họa.
QUAN VŨ
Quan Vũ được anh chị em hắc đạo tôn xưng “Quan nhị ca”, tượng trưng trung nghĩa, sẵn sàng xả thân vì đồng đạo, thà chết không lui. Xem phim xã hội đen, ta thường thấy Quan nhị ca được hương khói phụng thờ tôn kính, nhưng đồ hình này cực kỳ bất tường, tay lơ mơ không đủ bản lĩnh mà xăm đồ hình này thì khó giữ thi thể vẹn toàn.
Không hiểu vì lý do gì, nhưng giang hồ truyền tai nhau rằng chỉ được xăm Quan nhị ca phía trước ngực, kỵ xăm sau lưng. Nữ giới không được xăm hình này.
TỀ THIÊN ĐẠI THÁNH
Trước khi chứng quả Đấu chiến thắng Phật, Tôn Ngộ Không tự xưng Tề Thiên đại thánh, ví mình sánh ngang với trời. Khẩu khí quá lớn, loại lục lục thường tài chớ xăm hình này kẻo ngứa mắt các huynh trưởng mà phải nhừ đòn.
TAM THÁI TỬ NA TRA
Na Tra từng rút gân rồng, rồng lại là biểu tượng của Lão Đại. Xăm hình này là biểu thị ý muốn nắn gân toàn thể các đại ca trong hắc đạo, đã có gan xăm thì ráng mà mửa mật gánh lấy hậu quả đi nha!
THÀNH CÁT TƯ HÃN
Đây là loại hình xăm hung hãn, đặc biệt hình xăm càng to trông càng đẹp. Tượng trưng vương giả độc đoán tàn nhẫn, hễ chiến là thắng, đánh đâu được đấy. Ai tự lượng mình đủ tài sức cỡ đó thì xăm thử để tại hạ chiêm bái với.
NHỊ LANG THẦN DƯƠNG TIỄN
Vị thần có con mắt dọc giữa trán này tượng trưng thông minh trí tuệ, biện biệt đúng sai, là loại hình xăm mang lại điều tốt lành.
CHUNG QUỲ
Chung Quỳ là vị thần hàng yêu phục ma, thuộc Dương tính. Hình xăm Chung Quỳ chủ yếu để bổ túc Dương khí cho người có bản mệnh kém. Hình xăm tương đối ôn hòa, ít khi bị kiếm chuyện.
DẠ XOA
Cũng là loại hình xăm ôn hòa tương tự Chung Quỳ, nhưng mang thuộc tính Âm.
RỒNG
Rồng chia làm 2 loại, Chân long và Tà long.
CHÂN LONG là loại được ưa chuộng, nhiều người xăm. Tùy vai vế mà có hình thức biểu thị khác nhau: rồng có mây vờn (Vân trung long) dành cho Lão Đại, rồng ở bả vai gọi “Quá long” cho người mới sáng nghiệp, rồng cuộn tròn là “Bàn long” có ý khoanh vùng cát cứ v.v…
Khi xăm rồng, nhiều người không chú ý đến móng rồng, nhưng đó lại là chi tiết tối quan trọng. Rồng phải có móng mới biểu dương được thực lực, không thì vất đi. Nhưng kỵ xăm rồng 5 móng, vì là tượng trưng thiên tử. Cũng không ai xăm rồng 3 móng vì là loại rồng non chửa thành hình. Tốt nhất là con rồng 4 móng trên bả vai.
Mỗi người chỉ được xăm 1 rồng, chưa từng thấy ai xăm 2 rồng mà thọ quá tuổi 40. Xăm Song long là biểu thị ý chí cường ngạnh, quyết không cúi đầu tuân phục bất kỳ ai.
TÀ LONG, tức rồng dữ, thuộc loại tà môn. Loại này với Quan nhị ca là hai hình xăm thứ dữ, nếu mệnh không hợp mà tùy tiện xăm sẽ gặp xui rủi, tai họa liên miên. Bản mệnh tốt, thực lực vững sẽ chế phục được Tà long, lúc đó hiệu quả phát huy cường thịnh hơn cả Chân long. Thường thì người có Bát tự thuần Dương sẽ được khuyên xăm Tà long, vì Tà long thuộc Âm khí, sẽ giúp điều hòa bản mệnh.
CỌP
Cọp có nhiều hình dạng. Cọp xuống núi gọi “Hạ sơn hổ”, đây là có ý tứ khiêm nhường, được anh em mới gia nhập giang hồ ưa chuộng; chẳng ai đi bắt nạt đàn em “Hạ sơn hổ” bao giờ. Cọp lên núi (Thượng sơn hổ) lại có ý nghĩa thoái ẩn, rửa tay gác kiếm, không dính dấp tới thị phi trong giang hồ nữa.
Xăm cọp cần chú ý: hình dạng cọp phải đầy đặn, khỏe mạnh, oai phong, sẵn sàng dương danh thiên hạ. Xăm cọp ốm nhom phơi xương sườn thì chỉ trong 21 ngày tất phải ngồi tù, thành con chó đói.
Xăm rồng xanh vai trái cọp trắng vai phải là người trong bang hội lớn. Còn không phải bang hội mà dám chơi “Tả Thanh long hữu Bạch hổ” thì no đòn ráng chịu.
KỲ LÂN
Anh em mới ra tù thường xăm hình kỳ lân, chủ yếu để tiêu tai giải hạn, phổ biến nhất là con kỳ lân lửa (Hỏa kỳ lân).
KHỔNG TƯỚC
Tức chim công, công mang đặc trưng của nhiều loài: hàm én đầu rắn, lưng rùa bụng ba ba, mỏ gà mào hạc, tai uyên chân cò.
Hình xăm chim công thường đủ màu sắc, với bộ lông vũ uốn lượn nhiều tầng ý nghĩa. Trên đầu có hoa văn mang hình chữ Đức 德, cánh có vân chữ Thuận 順, ở ức là chữ Nhân 仁, lưng mang chữ Nghĩa 義, bụng nổi chữ Tín 信; phải gồm đủ ngũ đức mới xứng là Khổng tước.
CHÓ, SÓI, CHỒN, CÁO
Anh em hắc đạo thường được thầy xăm khuyến nghị không nên dùng, vì cho đây là những hình xăm chẳng lành.
DIỀU HÂU
Diều hâu hay chim ưng là hình xăm dành cho các tay hộ vệ, bảo tiêu.
Đặc biệt nghe nói có hình xăm chim ưng vồ quả địa cầu (Ưng trảo địa cầu) biểu thị hùng tâm cực đại, nhưng trên thế gian chưa ai dám xăm thử hình này, lêu lêu!
PHỤNG HOÀNG
Phụng hoàng còn gọi “Đan điểu”, “Hỏa điểu”, là hình xăm chỉ dành riêng cho nữ thủ lĩnh.
BỌ CẠP
Đây là loài độc vật, để tịch tà, nhưng được cho là không linh nghiệm lắm.
CÁ CHÉP
Chép là loại còn chờ tam vượt Vũ môn mới có thể hóa rồng, là loại hình xăm vô thưởng vô phạt, chẳng có ý vị gì.
Nhưng phải chú ý, có loại hình xăm cá chép Nhật Bản lại thuộc thứ dữ, gọi “Sát lý ngư”.
THIỀM THỪ
Tức con cóc, hình tượng thiềm thừ ngậm đồng tiền có lỗ vuông, là thần thú chiêu tài. Vào sòng bài mà phanh áo để lộ hình xăm thiềm thừ là ý muốn ăn đòn mập mình.
XĂM CHỮ
Ngoại trừ danh hiệu Đấng cứu thế hoặc hồng danh đức Phật, có thể bắt chước Nhạc Phi xăm 4 chữ “Tinh trung báo quốc” hoặc thừa da quá đi thì có thể xăm trọn vở Hamlet của Shakespeare cũng không sao, chẳng có gì đáng nói.
* * *
Cuối cùng, có mẩu chuyện nhỏ cảnh giác. Chuyện kể rằng:
Đêm động phòng, chú rể háo hức lần tay định cởi áo cô dâu thì bị nàng vịn lại:
- Khoan đã, anh! Em có chuyện này muốn cho anh biết...
Chú rể khoát tay hào sảng:
- Em cứ kể, đừng ngại.
- Số là hồi đó, em có yêu một người, nên đã xăm gương mặt của ảnh lên ngực trái.
Chú rể cười xòa:
- Tưởng gì, chuyện nhỏ... Lại đây em!
- Khoan, còn nữa...
- Thì em kể nốt nhanh lên đi!
- Sau đó em lại lỡ yêu anh khác, và xăm mặt ảnh lên ngực phải.
Chú rể trợn mắt há mồm, rồi cười lăn lộn trên giường. Cô dâu hoảng hốt:
- Anh ơi! Anh sao vậy? Đừng làm em sợ mà!
Chú rể vẫn cười sặc sụa:
- Không có gì, chỉ là anh đang mường tượng bản mặt hai thằng chó đẻ đó 10 năm sau sẽ chảy xệ như nào!

Tìm kiếm Blog này