Khoảng 5, 6 năm nay, trên các trang mạng Hoa ngữ xuất hiện bài nói chuyện về Hiến pháp của Mao Trạch Đông. Lời lẽ trong diễn văn đanh thép không được phép công bố công khai này khiến người ta đọc/ nghe mà sững sờ.
Nhận thấy nội dung phát biểu này thể hiện trung thực tư tưởng vô pháp vô thiên của “người cầm lái vĩ đại” của Trung cộng, xin tạm dịch ra đây.
_______
CHỈ CÓ BỌN NGU XUẨN HOẶC THÀNH PHẦN PHẢN ĐỘNG MỚI ĐÒI CHẤP HÀNH HIẾN PHÁP ĐỂ MƯU THOÁT KHỎI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG
“Trong chúng ta có nhiều đồng chí cứ mê tín vào Hiến pháp, cho Hiến pháp là phương thuốc thần kỳ để trị nước, nên đã có ý định khuôn đảng vào vòng trói buộc của Hiến pháp. Tôi nào giờ chưa từng tin tưởng pháp luật, càng không tin gì ở Hiến pháp, và tôi muốn phá bỏ thứ mê tín Hiến pháp đó. Bọn Quốc dân đảng chẳng đã từng có Hiến pháp, trông cậy vào đó, để rồi bị chúng ta đánh đuổi chạy tuốt ra Đài Loan đó sao? Còn đảng ta tuy không có Hiến pháp, vô pháp vô thiên, rốt cuộc chẳng đã giành được thắng lợi đó sao? (…) Đảng vĩ đại, quang vinh và chính nghĩa vốn không hề có chủ trương chế định ra Hiến pháp, chẳng qua sau khi lập quốc thì phải nghiên cứu thể chế các nước Tây Âu, mà phần lớn họ đều có Hiến pháp. Hơn nữa, lúc ấy đang tình huống các phần tử trí thức Trung quốc chưa hoàn toàn thuần phục để thành công cụ tốt cho đảng. Nên nhằm để cải tạo, giáo dục quần chúng nhân dân, củng cố sự lãnh đạo của đảng, ta mới phải chế định Hiến pháp mà thôi. Về bản chất, việc định ra Hiến pháp là phủ định quyền lãnh đạo của đảng, nó cực kỳ có hại về mặt chính trị.
“Tất nhiên, giờ thì Hiến pháp cũng đã chế định rồi, còn chấp hành hay không, chấp hành tới mức nào, thì vẫn phải lấy chỉ thị của đảng làm chuẩn. Chỉ có bọn ngu xuẩn hoặc thành phần phản động mới đòi chấp hành Hiến pháp để thoát khỏi sự lãnh đạo của đảng”.
(Trích bài nói chuyện trong Hội nghị Thảo luận Hiến Pháp – 1954).
* * *
Đoạn phát biểu này của Mao Trạch Đông lần đầu tiên được công bố bởi Tân Tử Lăng[1], trong công trình nghiên cứu “Ngoạn lộng Hiến pháp đích lưỡng diện phái” (玩弄憲法的兩面派 – Trò đùa giỡn Hiến pháp của phái hai mặt) đăng trên tạp chí “Khai Phát” của Hongkong, số 2-2011. Dù đến nay vẫn chưa được công bố, nhưng khẩu khí trong đó quả thật bất phàm, nhất là 4 chữ “vô pháp vô thiên” vốn là thành ngữ mà Đông tâm đắc. Ngay từ khi chưa được trọn quyền sinh sát trên toàn đại lục, vào ngày 13/3/1949, trên tờ “Á báo” của Thượng Hải đã có đăng bài thơ “Ức Trùng Khánh đàm phán” của Đông, với hai câu mở đầu:
有天有地皆吾主 Hữu thiên hữu địa giai ngô chủ
無法無天是為民 Vô pháp vô thiên thị vi dân
(Cả trời cả đất đều thuộc về ta làm chủ; Vô pháp vô thiên mới đúng là dân).
無法無天是為民 Vô pháp vô thiên thị vi dân
(Cả trời cả đất đều thuộc về ta làm chủ; Vô pháp vô thiên mới đúng là dân).
Sau này, khi đã lên ngôi, Đông vẫn thường tự hào, nhiều lần tuyên bố: “Tôi là thầy chùa giương dù, vô pháp vô thiên” (thầy chùa thì không có tóc, tức “vô phát”, đồng âm với “vô pháp” là không có pháp luật; giương dù thì ngước lên không thấy bầu trời nữa, đó là “vô thiên”). Ngày 10/12/1970, khi hội kiến “bạn cũ” là nhà báo Mỹ Edgar Snow[2], Đông cũng tuyên bố một câu xanh rờn: “Đảng của chúng tôi không có Hiến pháp, vô pháp vô thiên”.
Trở lại với đoạn trích bài phát biểu trên, nữ sĩ Hà Thanh Liên[4] xác nhận là lúc nhỏ, bà đã tận mắt đọc được nó trong “Mao chủ tịch nội bộ văn cảo” 毛主席内部文稿 (Trứ tác lưu hành nội bộ của Mao chủ tịch), bản in năm 1954.
Thực tế, Đông đã công nhiên khai chiến với Hiến pháp, bằng chứng là 3 năm sau khi ban hành Hiến pháp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đang trên đường công cán, y đã gửi bức điện tín cho các đồng đảng:
“Các đồng chí [Chu] Ân Lai, Trần Vân, Bành Chân, [Lục] Định Nhất: Cần phải tăng cường cải tạo tư tưởng, giáo dục chính trị cho [học sinh-sinh viên] bậc trung học và đại học; nên giảm bớt các môn học khác, khôi phục môn chính trị và thủ tiêu môn Hiến pháp; phải lưu ý điều động các cán-chính đắc lực đảm nhận nhiệm vụ lãnh đạo công tác chính trị-tư tưởng ở các trường trung và đại học. Các điểm nêu trên nên đưa ra Trung ương thảo luận một lần để lấy biểu quyết. Tôi đã đến Thiên Tân. Mao Trạch Đông – 17/3/1957”.
Rõ ràng, Đông đã quyết tâm tấn công tổng lực và toàn diện nhằm thủ tiêu Hiến pháp do mình soạn thảo trước đó; và bọn đồng đảng kia đã nhất nhất chấp hành mệnh lệnh của Mao bồ tát.
Trong bài nghiên cứu “Phái hai mặt” nói trên, Tân Tử Lăng cũng vạch ra:
- Hiến pháp 1954 [của Trung cộng] đã được thể chế đảng-quốc [thể chế đảng và nhà nước nắm quyền] của Mao Trạch Đông âm thầm biên soạn.
- Thể chế đảng-quốc có 4 đặc điểm: 1/- Cương vị của Đảng cầm quyền được đặt lên trên Hiến pháp; 2/- Quyền lực quân đội không thuộc về chính phủ; 3/- Nhị nguyên hóa chính quyền; 4/- Coi nhẹ dân quyền. Thể chế này là đòn bẩy nhằm phục vụ cho dã tâm muốn tiếm đoạt quyền lực đảng, cũng như cả quân đội và chính quyền của một cá nhân”[4].
- Thể chế đảng-quốc của Mao Trạch Đông đúng là đã có sự “phát triển” và “sáng tạo”, mà công thức là “Karl Marx + Tần Thủy hoàng”. Mượn da của Karl Marx để nhét vào đó bộ đồ lòng của Doanh Chính, nêu cao khẩu hiệu chuyên chính vô sản để tự mình lên ngôi hoàng đế. Ông ta [Mao Trạch Đông] đã hệ thống hóa lý luận cho thể chế đảng-quốc, tạo thành căn nguyên tai họa cho Trung quốc.
* * *
Vậy đó! Còn ai lợn cợn lăn tăn đòi sửa đổi, hoàn thiện Hiến pháp nữa thôi? Lêu lêu!
_______
[1] Tân Tử Lăng: sinh năm 1935 ở huyện An Tân tỉnh Hà Bắc. Nhà nghiên cứu lịch sử đảng Cộng sản Trung quốc. 1950, tham gia Giải phóng quân Nhân dân Trung quốc. 1959, gia nhập đảng cộng sản Trung quốc. Từng đảm nhiệm các chức vụ: Trợ giảng Học viện Quân sự Giải phóng quân Trung quốc; Phó khoa Nghiên cứu Chính trị của Đại học Quân chính Giải phóng quân Trung quốc; Giám đốc Nxb Học viện Quân sự Giải phóng quân Trung quốc… Ông về hưu với quân hàm Đại tá (1994).
Cả khi đương chức lẫn lúc đã về hưu, ông luôn một mực phê phán tư tưởng cực tả của đảng. Là chủ lực của các phong trào lật lại vụ án Thiên An môn, đánh giá lại Mao Trạch Đông. Ông được cho là nhà phê bình nghiêm khắc đối với thể chế của Trung cộng.
Các tác phẩm chính:
- Mao Trạch Đông toàn truyện (1993);
- Lâm Bưu chính truyện (2002);
- Mao Trạch Đông ngàn năm công tội (2007)…
- Lâm Bưu chính truyện (2002);
- Mao Trạch Đông ngàn năm công tội (2007)…
[2] Edgar Snow (1905-1972), ký giả Hoa Kỳ, tác giả của “Red Star Over China”, xuất bản lần đầu năm 1936.
[3] Hà Thanh Liên, quê ở Thiệu Dương, Hồ Nam. Chuyên gia kinh tế-xã hội, cây bút chính của Ban Hoa ngữ Đài “Tiếng nói Hoa Kỳ” (VOA).
[4] Nguyên văn: 「黨國體制有四個特點:一是執政黨位尊憲法之上;二是軍權不在政府;三是政權二元化;四是民權虛化。黨國體制是個人野心家篡軍、篡黨、篡國的槓桿。」