Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

Thủ tướng Hun Sen đi bộ qua biên giới, thăm lại 'đường cứu nước'

21/06/2017 08:40 GMT+7
TTO - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và thượng tướng Trần Đơn đã trao tờ báo Tuổi Trẻ số ra hôm nay 21-6 cho Thủ tướng Hun Sen khi ông vừa đặt chân vào Việt Nam, thăm lại "con đường cứu nước" của mình.
Tại khu vực biên giới ở phía Campuchia, dưới cái nắng gay gắt, Thủ tướng Hun Sen có bài nói chuyện trước tướng lĩnh quân đội, quan chức và người dân hai nước. 

1. Đi tìm đường sống
Thủ tướng Hun Sen ôn lại diễn biến câu chuyện cách nay 40 năm. Hôm đó trời mưa, ông cùng 4 đồng đội đã vượt biên tìm đường sống cho mình và cho đất nước.
Thủ tướng Hun Sen kể: "Tôi không chối bỏ tổ quốc, không chạy đi tìm cuộc sống tốt hơn. Đó là sự chuẩn bị, cho dù có liều lĩnh, tôi cũng phải đi. Cho dù tôi có chết, bị bắt giam hay gì đi chăng nữa, tôi cũng chẳng màng. Tôi chỉ có một mong muốn duy nhất là nói với lãnh đạo Việt Nam rằng ít nhất xin đừng buộc những người Campuchia đã chạy sang Việt Nam về Campuchia để Pol Pot sát hại.
Chúng tôi đến bãi mìn lúc gần nửa đêm và chúng tôi bàn bạc xem nên đi theo đường nào. Không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải đi qua bãi mìn, một khu vực giết chóc chiến lược. 
“Tụi tui có chết cũng quyết đưa anh qua biên giới. Không thể đi được thì tôi sẽ cõng”, đó là lời của những người anh em đã cùng tôi chiến đấu. 
Đó là những lời xuất phát từ đáy lòng của 4 người anh em của tôi. Hai người trong số họ bây giờ đã qua đời rồi, chỉ còn những người con tiếp tục sự nghiệp của cha. 
Hai người đồng đội của tôi tính toán và bàn bạc phân công rằng lúc đi qua bãi mìn, hai anh ấy đi trước, tôi đi giữa, còn anh Thon, một trong những đồng đội cùng có mặt hôm nay với tôi, đi cuối cùng. Anh Thon cầm theo một con dao, nếu có phục kích sẽ quyết bảo vệ.
Chúng tôi bắt đầu dò dẫm gỡ mìn, nhưng không thể làm nhanh được. 
Và thế là tôi cùng đồng đội đã mất gần 2 tiếng để đi qua bãi mìn gần 200m. Lúc đó trời tối, tụi tui không biết bên kia có bộ đội Việt Nam hay không.
Thưa bà con, những người đã từng thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, sẽ biết rằng câu chuyện này không phải đơn giản. Tôi thật sự đã đánh cược với chính tính mạng của mình.
Sau đó, chúng tôi nghỉ ngơi ở một mô đất. Anh Thon không có vợ nhưng lại là người khóc nhiều nhất. Tôi cũng khóc, nhưng tôi không cho các đồng đội thấy bởi tôi sợ họ sẽ càng suy sụp.
Thủ tướng Hun Sen tại biên giới Việt Nam - Campuchia - Thực hiện: THUẬN THẮNG
Thủ tướng Hun Sen đi bộ qua biên giới, thăm lại 'đường cứu nước'
Thủ tướng Hun Sen đã có bài phát biểu khi đến biên giới Campuchia - Việt Nam - Ảnh: THUẬN THẮNG
Thủ tướng Hun Sen đi bộ qua biên giới, thăm lại 'đường cứu nước'
Thủ tướng Hun Sen chọn một con đường đất đỏ để đi vào Việt Nam, không phải con đường đã rải đá dự tính ban đầu - Ảnh: THUẬN THẮNG
2. Đi bộ qua biên giới
Sau khi kết thúc bài nói chuyện, Thủ tướng Hun Sen đi bộ sang Việt Nam. Lối ông chọn để vào Việt Nam là một con đường đất đỏ, không phải con đường đã rải đá dự tính ban đầu.
Ký ức 40 năm tràn về, giữa đường đi, ông tiếp tục dừng lại chia sẻ câu chuyện hiểm nguy mà ông và đồng đội đã trải qua. 
Ông Hun Sen kể phía Việt Nam lúc đầu còn chưa tin ông lắm, nhưng sau đó nhiều quan chức cấp cao đã tới gặp ông tại tỉnh Sông Bé. Họ nói ai muốn đi Úc, Nhật Bản, Thái Lan, thậm chí Mỹ hay Canada, Pháp họ sẽ chuẩn bị.
Tôi trả lời ngay: “Tôi tới đây để tìm kiếm sự giúp đỡ từ Việt Nam để cứu đất nước khỏi nạn diệt chủng. Nếu các vị không thể giúp chúng tôi, xin hãy trả lại súng cho tôi. Tôi sẽ quay về Campuchia chiến đấu, cùng chết với nhân dân của tôi”.
Tuy nhiên, ông nói thêm lúc đó, hành trang của ông còn có 12 cây kim. Ông lý giải những cây kim tiêm trong túi quân y đem theo, "cùng lắm tôi sẽ lấy kim đâm thẳng vô cổ để tự sát và tôi tin rằng lãnh đạo Việt Nam ít nhiều sẽ hiểu được thông điệp tự sát của tôi."
Thủ tướng Hun Sen đi bộ qua biên giới, thăm lại 'đường cứu nước'
Các tướng lĩnh Việt Nam ra tận lô cao su chờ đón ông Hun Sen - Ảnh: VIỄN SỰ
Chia sẻ xong, ông tiếp tục bước qua biên giới, đặt chân sang Việt Nam.
Đón ông ở lô cao su sát biên giới, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Thượng tướng Trần Đơn trao tặng ông tờ nhật báo Tuổi Trẻ cùng với bó hoa tươi thắm.
Nhật báo Tuổi Trẻ ngày 21-6-2017 đã có bài viết trang trọng về hành trình tiến tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot của ông. 
Và, ông Hun Sen đã được bước lại con đường rừng - con đường tìm tự do cho chính ông và dân tộc Campuchia đúng 40 năm trước.
Thủ tướng Hun Sen đi bộ qua biên giới, thăm lại 'đường cứu nước'
Ông Hun Sen đã chính thức trở lại con đường tìm tự do cho chính ông và dân tộc Campuchia đúng 40 năm trước - Ảnh: THUẬN THẮNG
3. Nơi cất giấu vũ khí
Di chuyển tiếp đến địa điểm ngày xưa cất giấu vũ khí, Thủ tướng Hun Sen nhớ lại: "Đúng 11 giờ ngày 21-6-1977, tôi cùng đồng đội giấu súng M16, một khẩu K54 và nhiều loại vũ khí khác". 
"Lúc đó, sau khi nghỉ ngơi ở biên giới lúc 8 giờ sáng, chúng tôi di chuyển. Đến 11 giờ, cả nhóm đến đây. Hồi đó không có đường như bây giờ mà toàn là rừng. Nhưng tôi thấy có con đường mòn, bên cạnh là một cái ao."
Thủ tướng Hun Sen kể ông và đồng đội lấy nước từ dưới ao này để nấu bữa tối. Vì quá ít gạo nên họ đã không thể nấu cơm mà chỉ nấu được cháo. Nấu xong, cũng không đủ có chén bát gì để ăn nên ông Hun Sen và đồng đội dùng chung một cái chén, thay phiên húp cháo.
"Tôi nhớ mãi!" - ông Hun Sen nói. "Nhưng lúc đó, tôi biết là bọn Pol Pot phản bội tổ quốc đã không thể đuổi theo tôi được nữa.
Thủ tướng Hun Sen đi bộ qua biên giới, thăm lại 'đường cứu nước'
Thủ tướng Hun Sen nói: "Cảm ơn các bạn" sau khi nhận tờ nhật báo Tuổi Trẻ có đăng bài trang trọng về mình - Ảnh: VIỄN SỰ
Chỉ vào hiện vật đang được trưng bày tại đây, ông Hun Sen nói cho dù đây không phải là vũ khí của mình (vật trưng bày là phiên bản) nhưng nó đúng là những thứ tương tự mà tôi sử dụng lúc đó. 
"Tôi xin chân thành cảm ơn những người đã giữ gìn vũ khí này. Và tôi mong muốn sẽ được mang về Campuchia để đưa vào bảo tàng. Đây là những thứ vô cùng quan trọng với chúng tôi trong quá trình lật đổ chế độ Pol Pot" - Ông Hun Sen nói.
Tâm sự trước các tướng lĩnh hai nước, ông Hun Sen nói: "Các vị có tin là một thanh niên 25 tuổi có thể tìm đường cứu nước như tôi hay không? Tôi không phải là Charles De Gaulle nhưng tôi đã làm những công việc mà Charles De Gaulle đã làm. Đó là cứu nước. Charles De Gaulle sang Anh còn tôi sang VN. Tôi cho rằng không có sự khác nhau ở đây. Đây là sự nghiệp mà chúng tôi phải làm để giải phóng đất nước".
Thủ tướng Hun Sen đi bộ qua biên giới, thăm lại 'đường cứu nước'
Thượng tướng Trần Đơn đọc nội dung bài viết trên nhật báo Tuổi Trẻ cho Thủ tướng Hun Sen nghe - Ảnh: THUẬN THẮNG
4. Gặp người Việt đầu tiên
Thủ tướng Hun Sen tiếp tục đến ấp Thạnh Biên, Lộc Thạnh, Lộc Ninh, Bình Phước. Tại địa điểm này, vào 14 giờ ngày 21-6-1977, Thủ tướng Hun Sen đã gặp người dân Việt Nam đầu tiên và họ dẫn ông đi gặp dân quân. 
Ông Hun Sen nói: "Hôm nay, tôi trở về nơi mà 40 năm trước bà con từng cưu mang tôi. 40 năm trước, cất giấu vũ khí xong, tôi đã đến đây. Khi chúng tôi đến, nhìn thấy nhà dân, tôi nói với anh em nếu người VN bắt trói thì cứ để họ bắt trói. Tôi nhìn vào đồng hồ và nghĩ rằng chắc chắn người ta sẽ tịch thu cái đồng hồ này. 
Rồi chúng tôi đánh bạo đi đến một căn nhà được làm bằng gỗ, tường bằng tre. Tôi gặp hai người đàn ông và một cô gái khoảng 17-18 tuổi. Cô ấy biết tiếng Campuchia. Tôi muốn nhấn mạnh cho mọi người biết khi tôi đến đây thì những người này đã giúp tôi vào trong ấp. Tôi tiếc là không thể tìm được người phụ nữ 17 tuổi đã phiên dịch cho tôi lúc đó." 
Thủ tướng Hun Sen nói chuyện tại ấp Thạnh Biên, Lộc Thạnh, Lộc Ninh - Thực hiện: Viễn Sự
5. Ăn bữa cơm đầu tiên
"Đó là lần đầu tôi được ăn cơm. Ăn no. Nói ra thì xấu hổ nhưng lúc đó chúng tôi ăn rất ngon. Liên tục mấy ngày trước đó chúng tôi chỉ ăn cháo. Ở Campuchia thì nhiều tháng, năm trước đó tôi đã phải ăn cháo" - Ông Hun Sen tâm sự. 
Thế nhưng, không như ông Hun Sen lo sợ, "bộ đội Việt Nam không những không lấy đồng hồ mà thậm chí không dám mở ba lô của chúng tôi, không cần có biết gì trong ấy. Tất cả quá tốt đẹp không như lo sợ của tôi" - Ông kể. 
"Đây là điểm mà Việt Nam khác với các nước cứ xem mình là bố của dân chủ mẹ của nhân quyền nhưng đối xử rất tàn tệ với người vượt biên từ nước khác sang" - Ông Hun Sen nhấn mạnh. 
Ông nói dù không thể tìm tất cả những người đã trải chiếu ngồi cùng mình ở đây nhưng ông rất nhớ mọi người.
"Đây là một trong những đoạn đường trong con đường lịch sử giải phóng dân tộc của đất nước Campuchia. Chúng tôi luôn ca ngợi hành động đẹp của VN, đã không trói tay, đã cho ăn no, đã không khám xét... Mấy chục năm qua chúng ta đã cùng nhau tồn tại, cùng nhau sinh sống" - Ông Hun Sen. 
6. Đến làng Chín, Lộc Thạnh
Theo tôi biết, ngày 21-6-1925, chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập báo Thanh Niên từ Quảng Đông - Trung Quốc. Hôm nay là đúng ngày kỷ niệm 92 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.
Thủ tướng Hun Sen
Ngay sau cuộc trò chuyện, Thủ tướng Hun Sen đã tham gia cắt băng khánh thành Nhà văn hóa Lộc Thạnh và trồng cây gõ đỏ tại nhà văn hóa này. 
Ông hỏi về tấm biển bên cạnh cây. Sau đó ông đề nghị đổi tên trên tấm biển, ghi đây là cây đoàn kết Việt Nam - Campuchia. Ban tổ chức cho biết yêu cầu của Thủ tướng Hun Sen sẽ được thực hiện ngay trong hôm nay. 
Ngay sau lễ khánh thành, Thủ tướng tiếp tục có cuộc nói chuyện bên trong Nhà văn hóa mới toanh này. 
Thủ tướng Hun Sen nhớ lại từ Hoa Lư đến làng Chín đường đi khác rất nhiều so với bây giờ. Đến 11 giờ sáng tôi vào đến Hoa Lư, chia nhau bát cháo. Được ăn một bữa cơm là vô cùng giá trị với tính mạng của tôi và đồng đội. Nó giúp chúng tôi lấy lại sức lực. Tại đây, lần đầu tiên tôi gặp các vị trong quân đội nhân dân Việt Nam. 
"Gặp cán bộ quân đội nhân dân Việt Nam, tôi được hỏi mục đích sang Việt Nam là gì. Tuy chưa được xác minh rõ ràng về chúng tôi, dù tôi đã vượt biên trái phép lại không có giấy tờ phù hợp nhưng sự đối xử của người dân và quân đội Việt Nam rất tốt." - Thủ tướng Hun Sen nói. 
Ông nói: "Tôi biết rằng không dễ dàng gì để phân biện ai là Pol Pot từng giết người Việt Nam, ai là người dân Campuchia đi tìm sự giúp đỡ. Thế mà, ngay cả ba lô của tôi cũng không bị khám xét chứ không nói gì đến thân thể. Chúng tôi không bị xâm phạm. Khi được hỏi về địa điểm đóng quân của lực lượng QK203 phía Campuchia tôi đã chỉ trên bản đồ. Tôi được nghe tiếng đầu tiên từ người phiên dịch: nói láo!
Tôi không "nói láo" nên đã cố gắng diễn đạt lại cho chính xác về những gì muốn nói cho cán bộ thẩm vấn. Tôi là thầy giáo về bản đồ, tôi cũng là sĩ quan tham mưu nên việc chỉ bản đồ là đơn giản đối với tôi. Ví dụ chỗ đóng quân của đơn vị tôi ở toạ độ nào, khi tôi nói và giải thích anh ấy cũng chưa tin tưởng. Thế rồi sau đó có chiếc xe GMC đến chở chúng tôi đi. Người dân nhìn tôi như "sinh vật lạ" chưa từng thấy." 
"Ngày hôm nay tôi xin đi lại chiếc GMC đó." - Thủ tướng Hun Sen tâm sự và bồi hồi nhớ về những đồng đội đã không được cùng ông quay lại mảnh đất này.
"Ngày hôm nay, quay trở lại Việt Nam, trên xe của tôi có 5 người là tôi, hai đồng đội năm xưa và hai người con của đồng đội đã qua đời."
Ông Hun Sen chia sẻ: "Tôi đến làng Chín lúc 4 giờ 35 và đến Lộc Ninh lúc 5 giờ 15. Hôm nay trở lại dù không đúng giờ nhưng đúng ngày. Tôi xin cảm ơn những công nhân cao su đã giúp đỡ tôi khi tôi sang đây. Ngày đó, trong đầu tôi luôn ngổn ngang nhiều câu hỏi rằng liệu Việt Nam có bắt tôi đưa lại về Campuchia không? Liệu Việt Nam có tin tôi không? Có sẵn sàng giúp chúng tôi không? Lúc này vợ tôi đang mang thai 5 tháng, liệu Pol Pot có giết vợ con tôi không?"
Giọng thủ tướng Hun Sen nghẹn ngào: "Với một thanh niên chưa đầy 25 tuổi, trong hoàn cảnh đó... thương xót biết nhường nào. Thế rồi, sau này, sau này tôi nghe thông tin vợ con tôi đã qua đời... Cả một thời gian từ 20-6-1977 đến 24-21979, không biết bao nhiêu triệu giọt nước mắt của tôi đã rơi xuống. Tôi đau xót khi nghĩ đến vợ con nhưng điều đó cũng trở thành động lực để cứu đất nước, cứu nhân dân chúng tôi."
Thủ tướng Hun Sen gửi gắm: "Tôi cảm ơn tướng lĩnh Campuchia đã ghi nhận giai đoạn lịch sử này. Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước, quân đội và người dân Việt Nam. Nhà văn hoá này tôi xin tặng người dân Lộc Thạnh. Nó là một công trình lịch sử và cây tôi vừa trồng, tôi đề nghị đặt tên là Cây Hữu nghị Việt Nam - Campuchia."
"Ai nói gì cứ nói nhưng không thể thay đổi được lịch sử, rằng nhờ có Việt Nam chúng tôi mới xây dựng được lực lượng vũ trang, mới giải phóng được dân tộc. Trước giải phóng, Campuchia chỉ có 5 triệu dân, nay đã lên tới 15 triệu người.
Việc kết thúc chế độ Pot Pot cũng đồng nghĩa với việc kết thúc bất ổn ở khu vực. Chúng ta có hoà bình và Campuchia trở thành thành viên của ASEAN, góp phần gìn giữ sự hòa bình, ổn định trong khu vực. Và Campuchia đã có được người bạn tốt là Việt Nam" - Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh 
Ông nói: "Cá nhân tôi từ một thủ tướng trẻ nhất thế giới, đến nay trở thành thủ tướng lâu năm nhất. Hôm nay tôi mặc sắc phục thống tướng 5 sao và tôi vẫn mong được đi lại chiếc xe GMC năm xưa. Tôi muốn con cháu ghi nhớ đừng bao giờ để xảy ra chiến tranh và mong toà nhà văn hoá này như biểu tượng của hoà bình, của tình hữu nghị Việt Nam - Campuhia."
Bài nói chuyện của Thủ tướng Hun Sen kết thúc trong tràng pháo tay vang dội. Thay mặt lãnh đạo tỉnh Bình Phước, chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Trăm phát biểu chào mừng Thủ tướng Hun Sen có chuyến trở về lịch sử.
"Chúng tôi cảm nhận rằng những con người, những sự kiện lịch sử đó không bao giờ quên được trong trái tim Thủ tướng" - Ông Trăm nói. 
Kết thúc buổi nói chuyện của Thủ tướng Hun Sen, bí thư tỉnh uỷ Bình Phước Nguyễn Văn Lợi đã tặng Thủ tướng Hun Sen lẵng hoa tươi thắm.
Thủ tướng Hun Sen đi bộ qua biên giới, thăm lại 'đường cứu nước'
Việt Nam đã đắp một đoạn đường bằng đá dăm dài hơn nửa km để đón Thủ tướng Hun Sen thăm lại hành trình 40 năm - Ảnh: VIỄN SỰ
Địa điểm đón Thủ tướng Hun Sen chính là con đường rừng mà ngày 21-6-1977, Thủ tướng Hun Sen đi qua để vào Việt Nam. Nay, khu vực này là cánh rừng cao su bạt ngàn. 
Để chuẩn bị sự kiện Thủ tướng Hun Sen đi thăm lại những địa danh xưa, Việt Nam đã đắp một đoạn đường bằng đá dăm dài hơn nửa km.Dọc hai bên đường cờ và bandron chào đón đoàn Thủ tướng Hun Sen.
An ninh trong khu vực rừng cao su quanh lối mòn mà Thủ tướng Hun Sen sẽ đi qua đã được phong tỏa chặt trong bán kính nhiều km. Hằng trăm cảnh sát cơ động có mặt bảo vệ dày đặc trong các lô cao su.
Thủ tướng Hun Sen đi bộ qua biên giới, thăm lại 'đường cứu nước'
Lực lượng cảnh sát cơ động Việt Nam làm nhiệm vụ giữa rừng cao su để bảo vệ đoàn Thủ tướng Hun Sen sáng 21-6 - Ảnh: VIỄN SỰ
Đây có thể coi là một cuộc đón tiếp nguyên thủ quốc gia đặc biệt, trong một khung cảnh rất đặc biệt. 
Nhiều quan chức Việt Nam có mặt từ sớm để đợi đón Thủ tướng Hun Sen như: Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thượng tướng Trần Đơn - thứ trưởng Bộ Quốc Phòng; thượng tướng Bùi Văn Nam thứ trưởng Bộ Công An.
Thủ tướng Hun Sen đi bộ qua biên giới, thăm lại 'đường cứu nước'
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đọc Báo Tuổi Trẻ trong lúc đợi đón Thủ tướng Hun Sen - Ảnh: VIỄN SỰ
Thủ tướng Hun Sen đi bộ qua biên giới, thăm lại 'đường cứu nước'
Con đường mòn ngày xưa Thủ tướng Hun Sen đi vào Việt Nam. Hôm nay, đường được lát gỗ để đón ông trở lại - Ảnh: THUẬN THẮNG
Thủ tướng Hun Sen đi bộ qua biên giới, thăm lại 'đường cứu nước'
Thủ tướng Hun Sen thắp nhang trước bàn thờ dưới gốc cây thị bần. Đây là nơi Thủ tướng Hun Sen từng thắp hương sau khi vừa đặt chân vào Việt Nam ngày 21-6-1977 - Ảnh: THUẬN THẮNG
Thủ tướng Hun Sen đi bộ qua biên giới, thăm lại 'đường cứu nước'
Nhân viên chính phủ Campuchia truyền trực tiếp nội dung phát biểu của Thủ tướng Hun Sen trên facebook của ông - Ảnh: THUẬN THẮNG
Trước đó, từ sáng sớm 21-6, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tham dự lễ kỷ niệm 40 năm ký ức hành trình tiến tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot (20/6/1977-20/6/2017), được tổ chức tại phum Koh Thmor, huyện Memot, tỉnh Tbong Khmum, Campuchia.
Phát biểu tại dự lễ kỷ niệm 40 năm ký ức hành trình tiến tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã bày tỏ sự cảm ơn chân thành đối với Việt Nam. 
Trong bài phát biểu của mình, ông Hun Sen nhiều lần nhắc lại sự giúp đỡ của VN giành cho ông và đất nước Campuchia. Những lúc khó khăn nhất chỉ có Việt Nam giúp đỡ Campuchia. Ông không quên điều đó.
VIỄN SỰ - TIẾN TRÌNH - ĐÀ TRANGNguồn: Tuoitre 

Tìm kiếm Blog này