Tim thông tin blog này:

Thứ Ba, 6 tháng 6, 2017

Cận cảnh các đôi chân "xấu kinh hoàng" đặc trưng của người xưa

Đôi chân hình gót sen, ngón chân cái đặc trưng của người Giao Chỉ hay ngón chân đà điểu... là đặc điểm của những đôi chân "vang bóng một thời".

Một đôi chân trắng, đẹp, nhỏ xinh luôn là niềm mơ ước của phái đẹp. Nhưng ít ai biết rằng, trong quá khứ, một đôi chân với hai ngón cái to, cong như chân đà điểu hay bàn chân nhỏ khoảng 7,5cm mới được coi là "gót sen vàng". 

Cùng ngược dòng lịch sử và ngắm nhìn những đôi chân từng được coi là quyến rũ một thời. 

1. Tục bó chân để làm đẹp của người Trung Quốc

Đây là một trong những biện pháp kỳ lạ để biến bản thân mình trở nên xinh đẹp, cuốn hút hơn trong mắt cánh mày râu của người Trung Quốc xưa. 

Theo một truyền thuyết có từ thời kỳ Nam Đường (937 - 975) kể lại rằng, vị vua thời này đã đem lòng say mê một cung phi với đôi chân nhỏ gọn như vầng trăng khuyết, quấn trong lụa, uyển chuyển di chuyển trong điệu múa. Vì được vua sủng ái nên cung phi đó được hưởng vinh hoa phú quý. 

[Image: can-canh-cac-doi-chan-xau-kinh-hoang-dac...oi-xua.jpg]

Từ đây, bó chân để bàn chân trở nên nhỏ gọn trở thành trào lưu làm đẹp của các phụ nữ Trung Quốc. Họ tin rằng, những "gót sen" nhỏ nhắn là biểu hiện của sự cao quý, may mắn, chóng đổi đời lấy được chồng giàu sang. 

Vì vậy, các bậc cha mẹ đã thực hiện công đoạn này từ khi con gái mình 2 đến 5 tuổi - khoảng thời gian xương bàn chân chưa phát triển hoàn thiện.

[Image: can-canh-cac-doi-chan-xau-kinh-hoang-dac...oi-xua.jpg]

Đầu tiên, bàn chân được ngâm trong nước ấm pha thảo dược và máu động vật. Tiếp đến, người bó chân sẽ xoa bóp nhẹ nhàng đôi bàn chân rồi dùng lực mạnh để bẻ quặp các ngón chân xuống, ép vào lòng bàn chân. 

Xương vòm bàn chân bị bẻ gãy rồi cả bàn chân được quấn lại thật chặt trong băng vải. Đôi khi lòng bàn chân bé gái còn bị cắt vài vết rất sâu để các ngón chân dễ dàng nằm gọn trong đó. 

[Image: can-canh-cac-doi-chan-xau-kinh-hoang-dac...oi-xua.jpg]

Hai ngày một lần, các mảnh vải bó chân được thay mới và thắt chặt hơn trước. Các cô gái đóng riêng cho mình những đôi giày có kích thước rất nhỏ và được khuyến khích đi bộ nhiều mỗi ngày để đôi bàn chân phát triển theo hình dạng mong muốn. Kích thước của bàn chân nhỏ chỉ 7,5cm được xem là kích thước lý tưởng của một đôi "gót sen vàng".

[Image: can-canh-cac-doi-chan-xau-kinh-hoang-dac...oi-xua.jpg]

Sau khoảng 2 năm, đôi bàn chân sẽ giữ nguyên hình dạng trong suốt cuộc đời sau đó. Tuy các ngón chân bị gãy sẽ lành lại dần khi các bé gái lớn lên nhưng có không ít trường hợp chân bị hoại tử, rụng ngón, nhiễm trùng, thậm chí là tử vong.

2. Bàn chân người Giao Chỉ

Người Giao Chỉ là tên gọi để chỉ những người Việt cổ từ đời các vua Hùng đến thời Bắc thuộc. Đây cũng là tên của một bộ trong số 15 bộ của nước Văn Lang. Gọi là "Giao Chỉ" vì những người này có hai ngón chân cái hướng về nhau (giao nhau) khi đứng thẳng hai bàn chân.

[Image: can-canh-cac-doi-chan-xau-kinh-hoang-dac...oi-xua.jpg]

Những bàn chân này có ngón cái xòe rộng đến dị thường, tới mức không thể đi vừa vào bất cứ đôi dép, giày nào. Bởi vậy, từ đời nọ sang đời kia, những người này không bao giờ đi giày, họ hoàn toàn đi chân đất. Không những thế, họ còn phải cố bè ngón chân ra để đi cho chắc, khỏi bị trơn trượt trên những con đường đất ẩm ướt. 

[Image: can-canh-cac-doi-chan-xau-kinh-hoang-dac...oi-xua.jpg]
Hình ảnh một bàn chân Giao Chỉ.

Theo một số chuyên gia, hiện tượng hai ngón chân cái trẹo ra ngoài để có tư thế giao nhau khi hai bàn chân đặt song song gần nhau không chỉ xuất hiện ở nước ta mà còn có ở các quốc gia khác như Malaysia, Campuchia, Trung Quốc... 

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học cho biết, đây không phải là hiện tượng bệnh lý mà có thể coi là một biến dị (có tên khoa học: variation atavique) do xương mọc không thẳng như bình thường. Bởi vậy mà đôi chân của họ to và cong, ngón cái chìa ra như càng cua.

3. Bàn chân "đà điểu" của tộc người Doma

Ít ai biết rằng, bộ tộc người Doma ở miền Tây Zimbabwe, châu Phi có cuộc sống tương đối biệt lập với thế giới bên ngoài. Họ được mệnh danh là bộ tộc “đà điểu” bởi người Doma khi sinh ra đều có bàn chân 2 ngón.

[Image: can-canh-cac-doi-chan-xau-kinh-hoang-dac...oi-xua.jpg]

Đôi chân “đà điểu” của người Doma có hình dáng rất đặc biệt. Ba ngón chân ở giữa của họ hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại ngón cái và ngón út phát triển, tẽ ra thành hình chữ V. Bên cạnh đó, một số người còn có lớp màng mỏng ở chính giữa hai ngón chân khổng lồ nên trông bàn chân họ giống như chân của loài đà điểu.

Tuy nhiên, những người Doma lại tin rằng, lớp màng mỏng ở giữa hai ngón chân khiến đôi bàn chân của họ chắc chắn hơn, đi lại dễ dàng và an toàn hơn khi phải di chuyển trên địa hình hiểm trở, làm công việc nặng.

[Image: can-canh-cac-doi-chan-xau-kinh-hoang-dac...oi-xua.jpg]

Nhiều nhà khoa học đã tìm về những ngôi làng của người Doma để nghiên cứu hiện tượng đặc biệt này. Kết quả cho thấy, dị tật của tộc người Doma chỉ xuất hiện ở những người mang dòng máu thuần chủng của bộ tộc. 

Nghiên cứu sâu hơn, họ phát hiện ra, hội chứng đột biến nhiễm sắc thể số 7 đã ảnh hưởng tới quá trình hình thành ngón chân và ngón tay của người Doma, khiến bàn chân chỉ còn hai ngón, ba ngón giữa hoàn toàn biến mất. 

Việc sống khép kín, chỉ kết hôn giữa những người trong bộ tộc với nhau là nguyên nhân khiến bàn chân hai ngón di truyền qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, người Doma lại cảm thấy đó là một lợi thế trên cơ thể họ. 

Với đôi chân to, lớp da chân dày và cứng, người Doma có thể đi trên những cục than cháy hay nơi có tuyết phủ dày mà không cảm thấy khó khăn. Không chỉ vậy, họ còn có khả năng uốn dẻo, leo cây thoăn thoắt với hai ngón chân kẹp vào cành như gọng kìm. 


* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: All Africa, Ellaquirk, Wikipedia...

Theo PLXH

Tìm kiếm Blog này