ẢNH TƯ LIỆU
“Tuy cam go và căng thẳng nhưng chúng tôi vẫn không hề mắc mưu địch”, đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân nhớ lại. Thiếu tá Đinh Xuân Bình, nguyên trợ lý Tuyên truyền đặc biệt Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam thì cười: “Một ngày dài như cả năm”.
Những ngày đầu xây nhà cao cẳng trên đảo Len Đao
ẢNH: LỮ ĐOÀN 146
2 quả đạn cảm tử trên đảo Cô Lin
Ngay ngày 15.3.1988, tàu HQ-931 ghé Cô Lin đưa cán bộ chiến sĩ tàu HQ-505 về đảo Sinh Tồn để “an dưỡng tại chỗ” trong vòng 10 ngày. Sau đó, tất cả được về bờ nghỉ, chỉ để lại thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cùng 11 cán bộ chiến sĩ khác chốt trực ngay trên tàu. Hết “ca” của ông Lễ, đến lượt trung úy trưởng ngành hỏa lực Phạm Văn Hưng (sau này là thượng tá, Phó phòng Hành chính - Hậu cần Bộ Tư lệnh Hải quân phía Nam) và 2 chiến sĩ Lữ Đức Thắng, Hoàng Tất Thắng ra thay vào khoảng cuối tháng 4.1988.
Thiếu tá Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng tàu HQ-505 và các chiến sĩ ở lại trực tàu ngay sau ngày 14.3.1988
ẢNH: NGUYỄN VIẾT THÁI
Tàu HQ-614 đưa 3 người lên lại tàu HQ-505 với ngổn ngang đổ nát. Quân số ít ỏi không an toàn, tổ trưởng Phạm Văn Hưng gọi vô tuyến điện PRC-25 về Sở chỉ huy ở đảo Sinh Tồn gặp đại tá Lê Văn Thư (khi đó là Tư lệnh vùng 4 hải quân, trực tiếp ra chỉ huy tại Trường Sa) đề nghị tăng cường quân số. Mấy ngày sau, 5 chiến sĩ của đảo Sinh Tồn mang theo đầy đủ vũ khí và máy thông tin, bổ sung lên HQ-505 giữ Cô Lin. 8 người lính bám trụ từ đầu tháng 5 cho đến cuối tháng 7.1988 trên xác tàu HQ-505 thiếu thốn đến cùng cực.
Thượng tá Phạm Văn Hưng nhớ lại: Có thời điểm hết nước uống, ông gọi điện sang tàu trực gần đó xin đại tá Lê Văn Thư mấy thùng… Khi được hỏi: “Sao không bịt mặt boong lại để hứng nước mưa”. Ông nghẹn ngào trình bày: “Mưa Trường Sa chỉ vài phút là tạnh. Thủ trưởng nghĩ chúng em kịp uống thứ nước đầy gỉ sắt, dầu máy và muối mặn bám chặt, được à?”, khiến Tư lệnh Thư im lặng, chở ngay sang mấy phuy nước. Thời điểm này, liên tục có 1 - 2 tàu vận tải của ta trực cạnh Cô Lin, thi thoảng lùi vào qua xem tình hình tổ trực ra sao. “Thuyền phó tàu HQ-462 Trần Bá Lăng (nay là đại tá, Phó tham mưu trưởng Vùng 5 Hải quân) cứ qua là tiếp tế cho mấy can nước và vài quả bí đỏ bộ đội tàu dành dụm. Anh Sơn “cóc”, tàu kéo HQ-956 của lữ đoàn 171 thì nuôi một con gà mái, cứ khi nào gà đẻ thì bắn 2 phát súng gọi sang lấy vài quả mang về cho anh em có chất tươi bồi dưỡng”, thượng tá Hưng kể.
Bộ đội tàu HQ-505 trực bảo vệ chủ quyền trên đảo Cô Lin sang tàu HQ-861 tắm giặt khi tàu này chở thủ trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân ra thăm, tháng 7.1988
ẢNH: NGUYỄN VIẾT THÁI
Buổi sáng của ngày cuối tháng 5.1988, tàu khu trục Trung Quốc cùng tàu bệnh viện 833 đi từ Huy Gơ đến Gạc Ma tiếp tế cho lính Trung Quốc đồn trú trên đảo (sau khi chiếm đóng trái phép từ ngày 14.3.1988) và áp sát vị trí HQ-505 đang ủi 1/3 thân tàu lên bãi Cô Lin. Thấy tàu địch lùi vào, lính địch ngồi sẵn trên mâm pháo chĩa nòng vào tàu và một tốp cầm dây mồi chuẩn bị như quăng dây sang để kéo tàu HQ-505 ra khỏi bãi, ông Hưng thống nhất với các chiến sĩ: “Chúng ta chấp nhận hy sinh chứ không để nó kéo tàu bắt sống. Đánh trận này là cảm tử”. Tổ trưởng Phạm Văn Hưng lệnh cho 2 chiến sĩ vác B41 nằm sẵn 2 bên mạn tàu, đạn cắt liều phóng sẵn sàng chờ lệnh nổ súng. Các chiến sĩ khác ôm AK, RPĐ và lựu đạn thì bày ở các vị trí chiến đấu dọc theo tàu. Riêng mình, ông lấy bộ quân phục duy nhất cất trong ba lô ra mặc gọn gang, đeo ống nhòm và ra vị trí pháo sau đứng đợi tàu Trung Quốc lùi vào. “Lúc ấy chỉ nghĩ: Nếu địch lùi sát quăng được dây kéo ngoắc vào tàu mình thì sẽ lấy cầm tờ giấy ghi phiên âm tiếng Trung Quốc (do bộ phận tuyên truyền đặc biệt viết sẵn) tuyên bố vùng biển VN; cảnh cáo mọi hành vi gây hấn xâm phạm và lệnh cho bộ đội phụt B41 diệt pháo hạm và đài chỉ huy của chúng”, thượng tá Hưng nghĩ lại và cười: “Có lẽ do mặt tôi căng thẳng quá nên tàu Trung Quốc lùi cách khoảng chục mét thì dừng lại chụp hình, xong tăng tốc chạy mất”.
Bến xuồng trên đảo Len Đao, tháng 1.2018
ẢNH: MAI THANH HẢI
Nhà trú quân xây dựng từ những năm 1990, trên đảo Cô Lin
ẢNH: MAI THANH HẢI
Chết cùng chết!
Sau ngày 14.3.1988, ta quyết tâm đóng giữ làm nhà ở Cô Lin, Len Đao với yêu cầu “bảo đảm bí mật, khẩn trương, tránh đụng độ, không cho địch biết ý định”. Nhiệm vụ tổ chức thi công nhà được giao cho đại tá Lê Văn Thư (khi đó là tư lệnh Vùng 4) và thượng tá Phạm Công Phán (khi đó là Lữ đoàn trưởng 146). Lực lượng tàu của ta chốt giữ tại Len Đao ban đầu gồm HQ-706, HQ-187.
TIN LIÊN QUAN
Tưởng niệm Gạc Ma
Gạc Ma không thể nào quên
30 năm sự kiện Gạc Ma, Trường Sa (14.3.1988 - 14.3.2018): Con gái người anh hùngRạng sáng 28.6.1988, tàu HQ-462 nhận lệnh ủi lên bãi Len Đao và ngay sau đó Tư lệnh Lê Văn Thư lên kiểm tra vị trí làm nhà. Bộ đội công binh ở tàu HQ-706 chuyển vật liệu đến 1 giờ sáng ngày 29.6 mới xong và tối 29, ta tổ chức cắm cờ làm nhà. Trong quá trình cấp tốc làm nhà, một số tàu của Trung Quốc vẫn đe dọa khiêu khích, có khi chúng vào cách đảo 180 m. Ta dùng loa yêu cầu không được gây khó khăn và vẫn làm như thường khiến sau đó chúng bỏ đi. Ngày 7.7, ta làm xong nhà ở Len Đao và ngày 9.7 bàn giao cho lực lượng bảo vệ đảo.
Đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân nhớ lại thời điểm giữ Len Đao bằng cờ cắm trên đảo và tàu trực HQ-614: Lúc này, Trung Quốc đã kéo pông tông chiếm đóng 2 bãi đá ngầm Huy Gơ và Gạc Ma. Lực lượng của chúng không chỉ đồn trú trên đảo mà còn thường trực ở 2 tàu quân sự luôn áp sát đảo của ta… Buổi trưa 12.5.1988, tàu Trung Quốc áp sát các tàu ta đang neo ở Len Đao chĩa hết pháo 37 mm, súng 14,5 mm vào thẳng tàu ta khiêu khích đe dọa. Lúc này, bộ đội trên tàu HQ-614 chỉ súng có AK, B40 và 1 một khẩu 12,7mm. Ông Dân phân công chiến sĩ Nguyễn Văn Liên (đặc công Lữ đoàn 126) ôm khẩu B40 nằm trong xuồng cứu sinh nhằm thẳng đài chỉ huy. Các anh em khác giả vờ ngồi câu cá nhưng bên cạnh để sẵn AK, lựu đạn. “Nếu nó cập mạn nhảy sang là nổ súng, chết cùng chết!”, đại tá Nguyễn Văn Dân kể.
Mai Thanh Hải