Năm 1972 tốt nghiệp ra trường tôi chọn nhiệm sở về tỉnh Kontum. Đa phần sinh viên các khóa mới ra trường đều phục vụ ở các tỉnh xa Sài Gòn hay các tỉnh nhỏ thường được xếp là vùng nước độc, có lãnh tiền phụ cấp và thăng trật nhanh hơn, một năm rưỡi so với hai năm ở các tỉnh lớn, đông dân và tương đối an ninh. Lúc bấy giờ rất hăng hái, lòng tràn đầy nhiệt huyết dấn thân phục vụ đất nước, cho dù đi bất cứ nơi đâu. Hơn nữa khi chọn về những nơi lừng danh chiến trận như Bình Long, Trị Thiên hay Kontum thì toàn thể hội trường anh em vỗ tay hò hét nhiệt liệt tán dương. Chỉ có vậy thôi, cũng đủ để tự hào như người anh hùng sắp ra trận.
Trước khi rời Sài Gòn tôi ra đường Lê Lợi đi dọc theo vỉa hè để tìm mua một tấm bản đồ tỉnh Kontum cỡ lớn dùng để treo tường hay lót dưới bàn có phủ kính dày. Ghé qua văn phòng Bộ Nội Vụ nhận sự vụ lệnh và giấy trưng vận Hàng không Việt Nam đi Pleiku. Khi ấy sau “Mùa Hè Đỏ Lửa” phi trường Kontum bị hư hại nặng chưa được phục hồi nên đường bay chỉ tới Pleiku và sau đó phải đi xe đò tự túc hơn 40 cây số nữa để lên Kontum. May mắn, nhiệm sở có hai chỗ mà anh bạn cùng đi với tôi lại là người quê quán ở đó nên cũng yên tâm.
Hành lý mẹ xếp chật cứng va li không còn chỗ trống nên một số sách còn gởi trong Ký Túc Xá hôm dọn trả phòng về quê đành phải để lại nhờ bác Giám thị giữ dùm, chờ lần tới về Sài Gòn sẽ lấy. Chỉ nhét duy nhất một quyển “Soạn Thảo Công Văn” của Giáo Sư Lê Thái Ất và một con dấu bằng đồng khắc tên tôi để làm hành trang lên đường.
Khi nhận nhiệm sở, ban đầu Trung tá Tỉnh trưởng định cử tôi đi làm Phó quận Kontum (Châu thành) nhưng sau đó vì nhu cầu ổn định và tổ chức bầu cử bổ khuyết hầu hết các Ủy ban Hành chánh xã nên đã giữ tôi ở lại làm Trưởng ty Hành chánh thuộc Tòa hành chánh tỉnh. Công việc tương đối bề bộn nhưng Ty có được hai Chủ sự phòng lớn tuổi rất giỏi có thâm niên công vụ gần 20 năm nên mọi vấn đề đều được nhanh chóng giải quyết. Tôi tin tưởng hoàn toàn.
Công việc hằng ngày vẫn như các cơ quan hành chánh khác, nhưng đặc biệt Ty Hành chánh đảm trách phần vụ công chứng hay thị thực bản sao nên tiếp xúc với dân chúng trực tiếp nhiều nhất. Có hôm nguyên một nhóm nữ sinh lên tòa hành chánh tỉnh chờ xin thị thực bản sao giấy tờ để nộp đơn dự thi Tú Tài 2. Các cô xì xầm ông Trưởng ty trẻ quá. Nói nhỏ nhau nghe.
- Tốt nghiệp Đại học mà ra chỉ ký tên thôi sao?
Nhớ hôm đầu tiên khi nhận bàn giao Ty vui lắm. Cả tòa hành chánh ngoài ông Phó Tỉnh trưởng chỉ có ba ông thuộc ngạch Đốc sự và tôi là người trẻ nhất mới ra trường. Không nhìn đâu xa tôi cũng dư biết là cánh nữ thư ký đang dõi theo, cười nói khúc khích mỗi khi tôi đi ngang qua văn phòng. Ngồi chưa hết buổi, cô thư ký phụ trách phần hành duyệt xét văn bản đi thẳng vào bàn giấy Trưởng ty. Bẽn lẽn cô đưa cho tôi xem con dấu ấn ký và một tờ công văn làm mẫu đã đóng dấu sẵn.
- Ông Ty xem có vừa đủ khoảng cách để ký tên không ?
Phía dưới tờ công văn mẫu có in dấu hai hàng chữ màu đỏ như son còn chưa ráo mực.
Trần Bạch Thu
Phó Đốc Sự
Tôi gật đầu hơi hãnh diện, lần đầu tiên trong đời mình có danh phận. Lúc bấy giờ ở tỉnh nhỏ xa xôi, nhất là miền cao nguyên còn rất ít công chức ngạch A. Từ đó tôi nổi tiếng với danh xưng là ông “Phó Đốc Sự” cho dù sau nầy có giữ chức vụ gì hay đi bất cứ nơi đâu trong Thị xã.
Kontum là tỉnh thuộc loại B tuy lãnh thổ rộng lớn nhưng ít dân, ngoài thị xã gần 35 ngàn người Kinh, còn lại cũng khoảng hơn 40 ngàn người ở các quận, đa số trong các buôn làng người Thượng, nhiều sắc dân khác nhau sống rải rác tận trong rừng sâu. Do đó mà công việc điều hành các hoạt đông về hành chánh thuần túy tương đối thong thả và dễ dàng. Ngày hai buổi ở tòa hành chánh ra là hết việc. Lại nữa, ông Trưởng ty tiền nhiệm là người mẫn cán, sắp xếp công việc rất khoa học và ngăn nắp. Ông đã được Bộ Nội Vụ cử đi tu nghiệp bên Mỹ trước khi tôi lên thay thế cho nên công việc đã ít mà đâu đã vào đấy nên rất rộng thời giờ.
Buổi chiều tối tôi thường hay đi bộ băng ngang qua đường Nguyễn Huệ đến chơi ở nhà thầy Danh, Hiệu trưởng trường Hoàng Đạo, Kontum. Gia đình thầy ngoài vợ còn hai cô em gái hết thảy cả bốn người đều là Giáo sư giảng dạy ở trường Trung học trong tỉnh. Có một hôm thầy Danh và các thầy tụ tập ở nhà ăn uống vui chơi. Được biết tôi có thời gian dạy học ở Trường Tư thục Đồng Nai, Sài Gòn nên thầy Danh phấn chí bảo:
- Hay là ông Phó mở lớp luyện thi Tú Tài 2 đi.
Tưởng là chuyện phiếm nhưng sau đó tôi lại thấy thích nên làm thật. Tôi bắt đầu quan hệ với bác Luận, Nghị viên Hội đồng tỉnh nhờ can thiệp với thầy Hiệu trưởng trường Bồ Đề để mượn phòng lớp trống mở lớp luyện thi vào buổi tối. Thế là tôi giăng bảng quảng cáo lớp luyện thi Tú Tài 2 môn Toán, Lý Hóa trước cổng trường Hoàng Đạo, trường trung học công lập duy nhất của tỉnh Kontum.
Lần đầu tiên ở tỉnh có mở lớp luyện thi ban đêm nên học sinh đến rất đông, chật kín phòng học. Tôi cùng với thầy Danh quyết định tổ chức lớp học theo lối tự quản. Học sinh cử đại diện thu học phí sao cho đủ trang trải chi phí phòng ốc và điện. Còn phần tiền trả cho các thầy tình nguyện chỉ có tính cách tượng trưng. Ban đầu, tôi phụ trách môn Toán kiêm quản lý cùng với các em, còn hai môn Vật lý và Hóa học là do các thầy ở truờng Hoàng Đạo đảm trách. Được một thời gian tôi giao hẳn lại cho các thầy điều hành lớp học cũng như xin giấy phép. Sở dĩ tôi giao hẳn cho các thầy là vì có dư luận trong giới giáo chức đồn đại không tốt. Họ không gọi là lớp luyện thi mà mỉa mai gọi là lớp đêm của ông “Phó Đốc Sự.”
Tiếng lành đồn xa, Linh mục Nguyễn Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường Trung học Lê Hữu Từ biết việc tôi làm nên Cha rất ưu ái mời tôi về cộng tác với trường “muốn dạy ở lớp hay sinh hoạt học đường với các em cũng được.” Sinh hoạt ở các trường đạo rất chú trọng về phần đạo đức và tôn giáo, đây là một phần không nhỏ trong sinh hoạt của nhà trường. Cha đề nghị với tôi là đến trường vào cuối tuần để nói chuyện về các đề tài nhằm hướng các em về những điều tốt đẹp hơn. Suy nghĩ cẩn thận và có tính thời sự tôi chọn bài thuyết trình đầu tiên ở trường là “Tuổi Trẻ và Ma Túy.” Tiếng vang rất lớn nên sau đó Cha mở rộng chương trình cho học sinh toàn tỉnh về trường mỗi chiều thứ Bảy cuối tuần để dự các buổi thuyết trình của tôi và có thảo luận cũng như trả lời các câu hỏi của các em.
Đến tháng 7 năm 1973 sau khi tốt nghiệp khóa “Quản trị hành chánh căn bản” ở Viện Tu Nghiệp Quốc Gia, Sài Gòn tôi trở thành giảng viên chính thức của Trung tâm Tu nghiệp tỉnh Kontum. Đáng nhớ nhất là trong một dịp Đại hội Quân Cán Chính được tổ chức tại khu định cư Ngok Long ở ngã ba Tân Phú, tôi được chỉ định thuyết trình về đề tài “Cách mạng Hành chánh.” Trước hằng trăm quân nhân, viên chức trong toàn tỉnh, tôi đã trình bày những thay đổi mới trong cách tổ chức và điều hành các cơ sở chính quyền cũng như làm thế nào để tăng hiệu năng phục vụ dân chúng. Hình ảnh ông “Phó Đốc Sự” trẻ, thuyết trình hay và đầy thiện chí đã lan nhanh khắp tỉnh lỵ.
Tỉnh nhỏ nên càng hoạt động ra bên ngoài thì càng được nhiều người biết đến, nhất là các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo. Đa số dân Kontum theo đạo Thiên chúa nên các khu phố trong thị xã và các làng ven đều có rất nhiều nhà thờ như Nhà thờ Gỗ, Tân Hương, Phương Nghĩa, Phương Quý, Plei Rơhai, Phương Hòa, Kon Rơbang … Sự quan hệ tốt đẹp với các Linh mục cũng đem lại nhiều hiệu quả trong công vụ, đặc biệt là đối với đồng bào Thượng.
Thời gian thắm thoát cũng gần hết năm, công việc rất bề bộn, ngoài phần việc hằng ngày, Ty Hành Chánh còn lo soạn thảo quyển “Địa Phương Chí” tỉnh Kontum mà phần lớn là thu thập tài liệu và thống kê từ các Ty, Sở liên quan trong tỉnh để cập nhật hóa thông tin. Công việc thứ hai là phối hợp với Ty Điền Địa và Ty Lâm Nghiệp để thiết lập hằng năm bản đồ các “Khu vực sinh sống chính của đồng bào Thượng” gởi về Sài Gòn để ban hành Nghị định chính thức qui định những khu vực nầy.
Sở dĩ có việc khoanh vùng như vậy là vì người Thượng vẫn còn theo đời sống du canh, du cư nên thường mỗi năm đi xa hơn để đốt rừng làm rẫy, canh tác ở những khu vực mới, vài ba năm mới trở lại chỗ cũ. Do đó để bảo vệ quyền lợi về đất đai cho họ, chính quyền qui hoạch các khu vực nầy thuộc quyền sở hữu của người Thượng. Cấm mua bán, sang nhượng hay chuyển đổi đất đai dưới mọi hình thức.
Về nhân sự tại Tòa hành chánh, cuối năm một số viên chức thâm niên được chuyển đổi đi nơi khác nên có sự sắp xếp lại, tôi được đề bạt giữ chức vụ Trưởng ty Kinh tế. Thường thì hai Ty hoạt động mạnh nhất trong Tòa hành chánh là Ty Tài chánh và Ty Kinh tế. Chỉ nhìn thoáng qua thôi, nhân viên ai cũng nhận biết được sự tín nhiệm của cấp trên đối với người đứng đầu của hai Ty nầy. Phần khác, ngoài sự tín nhiệm còn là vấn đề bổng lộc ở đây. Điều hành hoạt động kinh tế, tài chánh toàn tỉnh là một công việc rất phức tạp cả công lẫn tư.
Kontum là tỉnh địa đầu giới tuyến lại là nơi xa xôi heo hút, chuyển vận khó khăn nên vấn đề tiếp liệu rất phức tạp, nhất là vấn đề gạo cung ứng tại địa phương. Hằng tháng các đại bài gạo ở tỉnh đều xin giấy phép về Sài Gòn để mua gạo theo số lượng do Bộ Kinh tế ấn định với giá tiếp tế chở về tỉnh phân phối và bán lại cho dân chúng. Giá cả do Ủy ban Vật giá tỉnh qui định tùy theo thị trường. Căn cứ vào giá tiếp tế tại Sài Gòn cộng thêm với phí vận chuyển sẽ thành ra giá phân phối tại địa phương.
Ty Kinh tế có nhiệm vụ hết sức quan trọng là kiểm kê số lượng gạo chở về địa phương có đúng theo như trong giấy phép hay không. Đường xa, phương tiện chuyên chở đắt đỏ nên các thương gia thường tuồn gạo ra thị trường chợ đen bán luôn tại Sài Gòn, nhưng giá cao ngất ngưởng là khi chở về ngang qua những khu rừng vắng, thông đồng với thợ làm rừng bán cho các tay kinh tài của phía Cộng sản. Do đó mà giá gạo thực tế bao giờ cũng rất cao hơn nhiều so với giá phân phối vì gạo luôn luôn hút trên thị trường.
Trước khi kiểm kê kho gạo của các đại bài trong tỉnh, tôi đã từ chối nhận tiền từ một nhân viên trong Ty qua môi giới của các đại bài gạo. Sau đó, tôi họp tất cả nhân viên Ty và khuyến cáo không được nhận tiền biếu xén từ các thương gia. Không có mối quan hệ bất chính nào dù có kín đáo đến đâu, theo thời gian mà không bị phát hiện.
Dĩ nhiên, tiếng đồn lan ra khắp nơi, nào là “ngựa non háo đá” “người hùng giờ thứ hăm lăm” v..v… Nhưng vấn đề là cấp trên sẽ phản ứng ra sao. May mắn, Trung Tá Tỉnh trưởng là người đi lễ Nhà thờ mỗi chiều khi không bận hành quân còn ông Phó Tỉnh trưởng lại là đàn anh hiểu biết cùng thế hệ 40 nên rất đồng tình và có lời khuyên là chậm rải không nên làm mạnh. Một số đại bài gạo bị thu hồi giấy phép kinh doanh và không được cấp giấy phép mua gạo với giá chính thức từ các cơ quan tiếp vận ở Sài Gòn.
Tình hình sau đó cải tiến thấy rõ, công việc kiểm tra và trình ký sổ gạo hằng tuần tương đối đi vào nề nếp. Gạo tồn kho ở các đại bài gia tăng dần theo đúng qui định. Giá cả gạo thóc ở mức ổn định. Tôi trình cấp trên tháo kho an toàn theo đúng thời hạn để điều hòa thị trường gạo trong toàn tỉnh. Trước đây tỷ lệ hao hụt kho an toàn là 1% thường dành chia riêng cho nhân viên coi kho và các phần hành liên hệ. Hoặc có khi cấp trên chỉ thị miệng dành biếu cho người nầy, người kia có quen biết với sếp vài ba bao gạo nên rất khó theo dõi và kiểm soát. Tôi trình với Trung tá Tỉnh trưởng ngoài phần hao hụt thật, số còn dư nên xung vào quỹ xã hội chi dùng chính thức cho các cơ quan từ thiện khi cần. Ông đồng ý và rất hoan nghênh cho nên mỗi khi có tháo kho, các Cha, Thầy ở vùng sâu, vùng xa mỗi nơi về nhận 5, 3 bao gạo trợ giúp. Tuy ít nhưng cũng là một sự thay đổi rất lớn trong quan hệ giữa chính quyền và nhân dân.
Được gần nửa năm, Trung tá Tỉnh trưởng có yêu cầu cần một ông Phó quận phụ giúp đắc lực ông Thiếu tá Quận trưởng thực hiện các chương trình định cư cho gần 10 ngàn người di tản về từ các vùng chiến sự trước đây như Dakto, Daksut, Tân Cảnh … Tôi tình nguyện.
Dư luận bên ngoài xầm xì “chắc là bị đì” “một cánh én không làm nổi mùa xuân” v..v… Hơn nữa, sau hội thảo toàn quốc về cải tổ tại Bộ Kinh tế, các Ty Kinh tế tỉnh sẽ chuyển đổi trực thuộc về Bộ Kinh tế với nhân sự ổn định và quyền hành được xem như là cơ quan tự quản tại địa phương. Vị thế Trưởng ty Kinh tế đang lên, thế mà tôi lại tình nguyện chuyển về quận, nơi đang có nhiều khó khăn, bề bộn không ai muốn đi.
Tôi xuống quận nhận nhiệm sở và đồng thời được chỉ định làm Phát ngân viên của quỹ định cư. Chính quyền bắt đầu xây sửa lại các cơ sở hạ tầng cũng như mở mang thêm đường xá ở các khu định cư mới của đồng bào tị nạn. Khu định cư Ngok Long được thành lập ở ngã ba Tân Phú là nơi tạm trú và sinh hoạt của người định cư lớn nhất. Ngoài công việc thường nhật ở văn phòng quận tôi còn tham gia vào việc cấp phát tiền và phẩm vật cứu trợ cho đồng bào trong các trại định cư hoặc ở những nơi xa xôi, hẻo lánh trong các buôn làng của người Thượng. Gần thì dùng xe jeep của quận, xa thì liên lạc di chuyển bằng trực thăng. Dân chúng lục đục trở về lại địa phương mua bán, làm ăn ngày càng đông đúc, trường học mở cửa lại cho kịp mùa thi cử.
Lịch cấp phát tiền định cư được qui định từng khu vực và thời gian hoàn tất chương trình là trong vòng 6 tháng. Sau đó có thể xin trung ương gia hạn thêm 3 tháng, nếu chương trình không thể hoàn tất đúng hạn. Ty Xã Hội phối hợp với các cơ quan liên hệ trong tỉnh để kiểm tra lập bảng danh sách người tị nạn từng khu vực, hay từng xã để cấp phát nhu yếu phẩm, gạo, thực phẩm, áo quần, mùng mền. Tôi là phát ngân viên phụ trách nhận và cấp phát tiền cho từng người dân tị nạn căn cứ theo danh sách. Theo luật, Phát ngân viên sau khi có quyết định của tỉnh phải mở một trương mục không lời ở Ty Ngân khố để lưu giữ tiền mặt. Mỗi tuần 3 ngày tôi đi cùng một Ủy ban cấp phát gồm đại diện Hội đồng Tỉnh, Ty Xã hội, Ty Sắc tộc … đến tận nơi phát tiền cứu trợ định cư. Số tiền giải ngân lên đến hằng triệu đồng. Sau 3 ngày phát tiền nếu còn dư lại chưa phát kịp thì ký thác vào trương mục không lời ở Ty Ngân khố.
Được vài tuần, bác Thông, Trưởng ty Ngân khố tỉnh, buổi sáng trong khi chờ đợi thủ tục để lãnh tiền thường hay mời tôi lên văn phòng cà phê và chuyện vãn. Có hôm bác còn định mời ra quán ăn sáng nhưng tôi từ chối vì sau khi lãnh tiền xong còn phải lo đi đến nơi cấp phát cho sớm. Đôi khi còn phải ra bãi đáp trước để chờ trực thăng đến rước, sợ bị trễ.
- Ra quán ăn sáng một tiếng đồng hồ thì phát về sớm hơn một tiếng. Bác nói đùa.
- Tôi không hiểu ý bác.
Thấy lạ, tôi hơi tò mò nhận lời với bác ra quán ăn sáng với nhau. Khi về, nhân viên Ngân khố vẫn chưa xuất tiền vì chưa có lệnh của ông Trưởng ty. Tôi ra ngoài chờ.
Sau nầy đúng thật, tôi là Phát ngân viên luôn về sớm và không có khiếu nại của dân chúng bao giờ. Bác Thông thường ra lệnh xuất tiền mới trong kho và nhân viên chỉ đo bằng thước là biết được số lượng nên khi nhận tiền rất chính xác, không mất nhiều thì giờ để đếm. Khi phát cho dân chúng, chỉ xem theo số thứ tự trên xấp bạc mà rứt ra nên ít sai sót. Dân Thượng rất thật thà khoe với các Cha là ông Phó Thu luôn phát tiền mới và đầy đủ.
Bác Thông thương và giúp đỡ tôi thật tình. Bác làm Trưởng Kho bạc ở tỉnh từ thời Pháp thuộc. Bác hay khen tôi không phải vì giỏi mà vì công việc tôi làm. Rõ ràng với số tiền lãnh ra hằng tuần lên đến hơn 5 triệu đồng và thời gian phát có thể kéo dài cả tháng trời. Bác chỉ cần xem qua số tiền tôi ký thác vào trương mục không lời là biết ngay, Phát ngân viên làm đúng hay sai. Chỉ cần gian ý mở một vài trương mục có lời bí mật ở các ngân hàng trong tỉnh thì với số tiền ký thác 5, 10 triệu đồng sẽ sinh lời mỗi tháng là bao nhiêu. Bác Thông biết rất rõ. Ngoài ra, bác còn làm Biện ở Nhà thờ Tân Hương nơi Trung tá Tỉnh trưởng đi lễ mỗi chiều. Vì vậy tôi luôn được khen ngợi trong những lần họp báo cáo công tác hằng tháng.
Trong thời gian đi xuống các làng, xã để cấp phát tiền trợ cấp định cư, thường là tập trung dân chúng ở các trụ sở Ủy ban Hành chánh xã, tôi nhận thấy có nhiều nơi, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa luôn vắng mặt các viên chức phụ trách thông thường như thư ký có khi đến cả ông Phó xã trưởng hành chánh. Cho nên đến kỳ lập sổ lương cho các viên chức xã ấp trong toàn quận, ông Trưởng ban Hành chánh đệ trình danh sách rất đầy đủ, tôi hơi nghi ngờ nên xem lại. Ông nói:
- Chỉ căn cứ theo danh sách đã có từ trước đến nay thôi ông Phó.
Tôi im lặng và chờ kiểm tra. Được một vài ngày, ông Trưởng ban cho biết sự thật là trong danh sách có một số đã vắng mặt từ lâu rồi sau chiến cuộc, có thể họ đã theo gia đình di cư đi nơi khác, nhưng sổ lương vẫn làm như cũ và số tiền thặng dư vẫn lãnh ra để chi xài cho các việc khác không chính thức như giao tế, ủy lạo, tiệc tùng hay sửa chữa linh tinh trong quận. Dĩ nhiên, ông nói thật là trong đó cũng có phần quỹ đen cho ông Phó.
Lúc bấy giờ tôi tự dưng thấy nhớ đến Thầy Bông vô cùng và nhớ luôn bài xã luận đăng trên báo “Cấp Tiến” với tiêu đề “Những con chuột ăn mòn nền xã.” Sau đó tôi trình với Thiếu tá Quận trưởng để gởi danh sách về tỉnh xin giải nhiệm các viên chức không còn làm việc ở các văn phòng Ủy ban xã nữa. Ông Quận trưởng nói:
- Tùy ông Phó.
Tôi đã từng chứng kiến nhiều nhân viên ở tòa hành chánh tỉnh giở cơm trưa đem theo trong những gà-men cơm trắng với vài con cá khô hoặc hai, ba lát thịt kho mặn. Tôi lưu ý hỏi thăm, họ vẫn vui vẻ cho rằng như thế cũng tốt và may mắm lắm rồi vì còn có biết bao nhiêu người khác khó khăn hơn nhiều, chưa kể những người lính hằng ngày, cũng ở gần đây thôi không biết đổ máu và sống chết lúc nào. Tôi thật sự cảm kích trước sự suy nghĩ giản dị của những người cùng làm việc chung với nhau ở một nơi mà sự sống và cái chết cận kề trong gang tấc.
Đến khoảng đầu tháng 9 năm 1974 khi tôi nhận được Nghị định thăng trật Phó Đốc Sự hạng nhì thì tình hình chính trị tại tỉnh cũng bắt đầu sôi động vì sang năm 1975 sẽ có cuộc bầu cử nhiệm kỳ mới Dân biểu Quốc hội. Các đảng phái đang chuẩn bị để đưa người ra tranh cử. Phong trào bài trừ tham nhũng do các Linh mục thành lập ở Sài Gòn lan rộng ra đến tận các tỉnh. Tại Kontum cũng có một Ủy ban Bài trừ tham nhũng do Linh mục Nguyễn Hoàng, Chánh xứ Kon Rơbang làm Chủ Tịch. Dân Biểu đương nhiệm cũng chuẩn bị cho việc tái tranh cử trong nhiệm kỳ tới. Báo chí ở Sài Gòn vào cuộc đăng tin giựt gân ở các địa phương gởi về. Tố cáo tham nhũng là đòn thịnh hành nhất lúc bấy giờ.
Thiếu tá Quận trưởng Quận Kontum là người hùng trong chiến cuộc “Mùa Hè Đỏ Lửa” đã chỉ huy lực lượng Địa Phương quân phối hợp với lực lượng Nhảy Dù tái chiếm lại Quân lỵ Kontum và sau đó được vinh thăng Thiếu tá tại mặt trận. Tại thời điểm sắp sửa tranh cử nầy, chương trình định cư dân tị nạn tương đối hoàn thành tốt đẹp. Danh tiếng và uy tín của ông Quận trưởng đang lên cao tại địa phương, ông biểu lộ ý muốn ra tranh cử chiếc ghế Dân biểu Kontum vào năm 1975.
Sóng gió nổi lên chính là ở chỗ nầy, các phe phái yếu hơn họp lại đánh phá, họ thu thập các bằng chứng về người cũng như tài liệu gởi về Sài Gòn đăng báo. Hư thực chưa rõ, nhưng điều hành một chương trình định cư cho gần 10 ngàn người, trong cả năm trời chắc chắn sẽ có nhiều khuyết điểm. Dân Thượng không có giấy tờ hộ tịch và đa số mù chữ nên các hồ sơ chứng minh thanh toán không có chữ ký tên, chỉ toàn là lăn tay. Điểm thứ hai, dân Thượng vẫn còn sống du canh, du cư thường xuyên thay đổi nơi cư trú nên danh sách cấp phát không chính xác, tên tuổi trùng lấp dễ nhầm lẫn, sai sót. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để gởi hồ sơ về cho Ủy ban Bài trừ tham nhũng đăng lên các báo tại Sài Gòn. Cuối cùng, ông Phó Tỉnh truởng và Thiếu tá Quận trưởng Kontum có lệnh về trình diện Bộ Nôi Vụ chờ điều tra.
Trước khi bàn giao, ông Phó Tỉnh trưởng đề cử ông Trưởng ty Ngân sách, Kế toán có ngạch trật cao nhất trong các anh em Quốc Gia Hành Chánh lên thay. Quân đoàn cử một ông Trung tá Biệt Động Quân lên giữ chức vụ Quận trưởng Kontum. Lúc bấy giờ tôi đang đi công tác ở Sài Gòn và kết hợp nghỉ phép về Mỹ Tho thăm nhà.
Nhớ hôm trở ra Kontum, khi vừa tới phi trường thì anh bạn, Trưởng ty Công vụ mang xe jeep của quận ra đón, trên đường về nhà, anh bảo rằng tôi đã được Trung tá Tỉnh trưởng ra Sự Vụ Lệnh cử làm Phó Tỉnh trưởng, chỉ chờ tôi về là ký ban hành. Tôi cười ngất vì nghĩ là anh bạn nói giỡn. Nhưng sau đó anh nghiêm chỉnh bảo là sự thật và mọi người đều đã biết.
- Về nhà thay đồ nhanh lên rồi đến tòa tỉnh trình diện Trung tá ngay.
Khi lên tới Tòa hành chánh tỉnh, mọi người ngóng nhìn tôi tươi cười và luôn miệng chúc mừng Ông Phó. Bấy giờ tôi mới biết là thật rồi, nhưng trong lòng còn lơ mơ, không biết sự tình ra sao. Cũng hồi hộp lắm.
Khi lên lầu gặp ông Trung úy Bí thư ở phòng chờ đợi, qua thái độ vui vẻ, bắt tay siết mạnh của viên sĩ quan thân tín nầy tôi tự tin và biết chắc rằng việc gì đã xảy ra. Khoảng vài phút sau, tôi bước vào văn phòng Tỉnh trưởng. Thật xúc động khi thấy ông bước ra khỏi bàn giấy niềm nở tiến về phía tôi giơ tay siết mạnh. Tôi nói:
- Kính chào Trung tá.
- Chào ông Phó tỉnh chứ không phải Phó quận đâu nhé.
Trở lại bàn giấy, ông kéo học tủ ra, lấy bản Sự Vụ Lệnh còn mới tinh ký trước mặt tôi và gọi đưa qua văn phòng để sao phổ biến gởi khắp nơi. Tôi ngỏ lời cám ơn ông về sự tín nhiệm và đề bạt nầy. Tôi hứa sẽ cố gắng hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.
Sau nầy, sự việc được kể lại là sau khi ông Phó đề cử người thay thế, Trung tá Tỉnh trưởng có tham vấn với một số giới chức thân cận trong tỉnh, cả bên Hội đồng tỉnh, nhưng quan trọng nhất là ý kiến của Cha chánh xứ họ đạo Tân Hương, Luca BT. cùng với các Cha, Thầy. Ngoài ra, Dân biểu đơn vị Kontum cũng có ý kiến.
Tất cả đều đồng ý đề nghị lên Trung tá Tỉnh trưởng, ông Phó Thu là “người trẻ có khả năng và trong sạch hơn cả.” lên thay thế chức vụ Phó Tỉnh trưởng Kontum.
Sau mấy ngày làm việc cật lực, lễ bàn giao chức vụ chính thức được ký kết vào buổi sáng, buổi chiều tối có mở tiệc lớn trong sân dinh Tỉnh trưởng với sự tham dự đông đảo của hầu hết các Trưởng Ty, Sở trong tỉnh cũng như các sĩ quan Trưởng phòng thuộc Tiểu khu Kontum. Thành phần quan khách gồm ông Chủ tịch Hội đồng tỉnh và các Nghị viên. Các Linh mục, Thượng tọa và Nhân sĩ địa phương cùng với toàn thể nhân viên Tòa hành chánh tỉnh.
Phần phát biểu của tôi đầy xúc động, gởi lời cám ơn chân thành đến Trung tá Tỉnh trưởng, đặc biệt là đến các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo. Kế đến là phần chúc mừng của các đại diện ban, ngành. Dân biểu đơn vị địa phương Kontum đã hết lời ca ngợi ông Tân Phó Tỉnh trưởng và hy vọng rằng một chương mới tốt đẹp hơn sẽ được mở ra cho tỉnh nhà.
Trời về khuya thấm lạnh. Gió núi phả về, khêu ngọn lửa đốt ở giữa sân làm lan tỏa từng đợt hơi nóng, đủ ấm cho khoảng không gian chung quanh buổi tiệc. Văng vẳng xa xa tiếng đại bác vọng về, vang rền trong màn đêm tịch mịch. Tôi kéo cao cổ áo, cài khuy kín lại mà trong lòng dấy lên một niềm vui rộn ràng khó tả.
Trần Bạch Thu