Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

Chiện hậu chiến trường K

Có ông nhận quyết định ra quân, từ rừng về ở Siêm Riệp nằm chờ xe, nơi có đền Angkor nổi tiếng thế giới. Không dám đi tham quan, cố giữ cái gáo tuyệt đối an toàn để về đất mẹ...
Có ông về rồi nhưng lạc lõng, mặc cảm vì không nghề ngỗng, xin nhập lại hộ khẩu ở quê cũng khó. Phải cuốc đất cực quá, quay trở lại K đánh Pốt kiếm cơm ké với anh em !.....
.....
TC

Bài học đau lòng, nhiều người mất mạng chỉ vì thùng lương khô

Theo người bạn thuộc sư 968 kể:
Trong lúc, quân VN đang đánh nhau ở CPC thì đơn vị ông bạn làm nhiệm vụ chốt chặn ở một tỉnh Hạ Lào. Một ngày nọ, Quản lý (người lo hậu cần cho đơn vị) phát hiện trong kho bị mất lương khô nên bí mật theo dõi... Mới phát hiện ai đó đã lén lấy, chôn dấu ở mé rừng gần đơn vị. Tay quản lý chơi ác, bí mật gài kíp nổ dưới thùng lương khô. Vài ngày sau, người lấy cắp ra moi lên để ăn lén một mình thì nổ, bị thương đơn vị đưa đi bệnh xá cấp cứu.
Vết thương tạm ổn, bệnh xá trả người về lại. Đơn vị họp hội đồng quân nhân kiểm điểm "lên bờ xuống ruồng" và bình xét kỷ luật đương sự. Phần thì bị thương, phần thì bị sỉ nhục, quân nhân đó quá oán hận nên trốn chạy ra rừng, gia nhập nhóm phỉ Lào. Một thời gian, hắn lên làm trùm phỉ, lấy hai con vợ Lào. Hắn tuyên bố với dân: Chỉ trừ ông bác sĩ ân nhân, còn lại bắn tuốt, bất kể là ai.
Xe chở đồ tiếp tế cho đơn vị thường bị phục kích cướp đồ, bộ đội đi lẻ tẻ thì bị bắn tỉa. Vì hắn là người cùng nội bộ, rất rành quy luật hoạt động của bộ đội ta nên nhiều đồng đội đã bị chết oan Đơn vị truy quét nhiều lần, không tiêu diệt được do bọn phỉ ẩn tránh trong núi rừng xa xôi hiểm trở... Sau đó, đoàn Chinh trị cấp trên về đơn vị, tổ chức họp kiểm điểm, xử lý kỷ luật về chuyện này...

TC

Hồ sơ bệnh án của trùm phát xít Hitler (I)

Điều gì khiến trùm phát xít Đức Adolf Hitler suy sụp sức khỏe tinh thần và thể chất trong những ngày cuối cùng của Chiến tranh Thế giới thứ hai? Ngoài lý do Hitler đang bại trận, các sử gia cho rằng còn có nguyên nhân khác là vấn đề sức khỏe.

Nhà độc tài ốm yếu
Ngày 21/4/1945, một bác sĩ tên là Ernst-Günther Schenck được triệu tới boongke của Hitler ở Berlin và được lệnh mang thực phẩm đến để tích trữ. Lúc đó, cuộc chiến của Đức đã thất bại, phần lớn đất nước đã nằm trong tay quân đồng minh. Binh sĩ Liên Xô đã gần như bao vây hoàn toàn Berlin và đang tiến vào trung tâm thành phố. Thay vì chạy trốn, Hitler đã quyết định cố thủ lần cuối trong boongke tại trung tâm Berlin.
Giống như mọi người Đức, bác sĩ Schenck đã quá quen thuộc với các bức ảnh, phim và áp phích tuyên truyền về Hitler kể từ khi hắn cầm quyền năm 1933. Tuy nhiên, người đàn ông mà ông nhìn thấy trong boongke không giống với người trong các bức ảnh đó. Ông Schenck nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn năm 1985: “Hitler 56 tuổi là một cái xác sống, một linh hồn đã chết. Xương sống ông ta còng xuống, xương vai nhô ra từ lưng, ông ta rụt vai như một con rùa… Tôi đang nhìn vào mắt của cái chết”.

Hồ sơ bệnh án của trùm phát xít Hitler (II)

Sau khi xem xét các loại thuốc mà bác sĩ Morell kê cho Hitler, một câu hỏi được đặt ra là tại sao mấy viên thuốc chống đầy hơi của bác sĩ Koester lại khiến các bác sĩ nghi ngờ?


Uống thuốc độc
Nguyên nhân có thể là do các viên thuốc của bác sĩ Koester có hộp đựng, có tên thuốc và thành phần (gồm cây long đờm, cây cà dược và chiết xuất cây nhục đậu khấu). Trong khi đó, các loại thuốc và mũi tiêm của bác sĩ Morell thì không tên tuổi và có phần bí ẩn.
Cây long đờm thì vô hại. Tuy nhiên, hai thành phần còn lại đều khiến người ta giật mình, đặc biệt là khi biết ngoài các viên thuốc khác, Hitler uống tới 20 viên thuốc chống đầy hơi mỗi ngày. Thậm chí, nếu bác sĩ Morell có đọc nhãn trên hộp thuốc thì ông cũng có thể không biết rằng nhục đậu khấu là một loại hạt chứa nhiều lượng strychnine - thường được sử dụng làm thành phần hoạt tính trong thuốc diệt chuột. Còn cây cà độc dược chứa chất atropine - một chất độc có thể gây kích động, rối loạn, ảo giác, hôn mê và tử vong nếu dùng liều lượng cao.

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

Chuyện lính K: Ngả ba Con voi (VIII - hết)

H3 Hùng

Giữa mùa mưa năm 1982, chúng tôi có một đợt bổ sung quân lớn. Đợt bổ sung quân này lấy lính từ miền Tây, quân khu 9. Đất miền Tây dễ sống nên lính miền Tây hay trốn... Lính miền Tây trốn rất dữ, qua Campuchia 10 em, cuối cùng chắc chỉ còn lại 7 em, còn 3 em chém vè về nước đủ cách: trốn trên đường  chuyển quân, trên đường hành quân ra mặt trận, thậm chí vào tới tuyến đầu rồi... vẫn trốn.

Tiểu đoàn tôi phân công người đi đón tân binh tới cấp trung đội, tức là mỗi trung đội có một anh tham gia đi nhận quân. Chúng tôi đi Sisophon đón quân cẩn thận như vậy, đưa vào tới tận Tà-cuông Krao an toàn rồi, cho các em ngũ đêm tại đó, vậy mà sáng hôm sau lại có thêm một số em tự động rời bỏ chúng tôi... không một lời từ giả.

Tôi có một chuyện ở Tà-cuông xin nói luôn ra đây cho đủ bộ: Chúng tôi đi nhận quân, cấp trên trực tiếp của chúng tôi thì có anh Nông Tiến Dũng (trung đội trưởng lúc tôi mới vào đơn vị, nay anh quyền đại đội trưởng). Đêm đó tại Tà-cuông, anh rủ tôi nằm võng nói chuyện, tôi căng võng nằm bên cạnh anh... anh không dông dài gì cả, anh kêu tôi ở lại để chi bộ kết nạp Đảng cho tôi. Tôi thành thật trả lời anh là tôi cám ơn anh, nhưng thôi, tôi muốn ra quân, tôi muốn trở về Việt Nam.

Là người dân tộc chân chất, anh không nói gì thêm và tôi cũng vậy! Về Việt Nam là niềm mong muốn tột cùng cháy bỏng trong tâm khảm mỗi người lính chúng tôi, thực lòng anh cũng như tôi, ai cũng muốn về Việt Nam cả! Anh thông cảm với tôi và không muốn lôi kéo tôi chi thêm vướng bận ở cái đất nước... không phải của mình này. 

Chuyện lính K: Ngả ba Con voi (VII)

H3 Hùng

VÀO TỌA ĐỘ CHẾT 

Rồi một đêm nọ, vào khoảng nửa đêm về sáng, từ cái núi đá có con nhím chạy loảng xoảng đó, chúng tôi xuất kích đánh một căn cứ của địch. Cái cứ điểm này được chấm trên bản đồ hành quân chứ thực sự chưa ai bước chân vào.

Nghe lính tráng nói với nhau, sở dĩ chúng tôi có chiến dịch này là do vệ tinh trinh sát của  Liên Xô phát hiện, họ thấy có căn cứ địch trên dãy Nam Cao Mê-lai nên cung cấp thông tin cho ta, trinh sát ta phải luồn rừng cả tháng trời để nắm địch... Đó là tin của lính, chúng tôi viết chuyện đời lính nên nghe sao nói vậy! Sau này, tôi đọc quyển hồi ký viết về cuộc chiến tranh bắt buộc của đại tá Nguyễn Văn Hồng (đăng trên quansuvn.net) thì biết rằng ông đã phát hiện ra khu căn cứ này khi ngồi trên máy bay trực thăng. Thế mới biết, thông tin của lính sáng tạo ra phong phú thật.

Kế hoạch tác chiến được vạch ra cho trận đánh này là chúng tôi sẽ dùng mìn định hướng để thổi bay mìn của địch làm cửa mở xung phong. Đơn giản như... đang giởn!

Tôi trung đội phó, phụ trách trung đội 4 người của mình, hỏa lực bao  gồm 1 B40, một trung liên RPD và hai cây AK, đi đầu đội hình hành quân của tiểu đoàn. Riêng tôi, tôi đeo thêm một  quả mìn ĐH 10 (chiến lợi phẩm thu được của Pôn Pốt) chúng tôi đi theo trinh sát tiểu đoàn tiến quân vào trận địa.

Chúng tôi hành quân từ lúc nửa đêm dưới ánh trăng trung tuần tháng giêng. Dù đi trong địa hình rừng núi, nhưng ánh trăng vàng rực ấm áp hôm đó vẫn đủ sức chiếu sáng đường chúng tôi đi.

Chuyện lính K: Ngả ba Con voi (VI)

H3 Hùng

MỘT TRẬN ĐÔI CÔNG
Mưa không đủ giải nhiệt nên trời hầm hập nóng, vận động nhiều khát khô cả cổ! Chúng tôi đang chiếm lĩnh một khu rừng chuối, khát quá, chúng tôi chặt những cây chuối non, ăn cái lõi của nó cho đã cơn khát, bất chấp cái vị chát của nó. Thực ra nước trong bi đông còn chút đỉnh, nhưng chúng tôi không dám uống hết phần nước trong ngày của mình, sợ hết nước sẽ chết khát. Cơn mưa hồi nảy chẳng ra gì, chỉ làm ướt chút đỉnh những thân cây chuối non bằng bắp chân mà chúng tôi đang ngã ra làm thịt.

Lại tiếp tục hành tiến, đến tối cả tiểu đoàn dừng lại bên một con đường đất đỏ, ăn cơm vắt nghỉ qua đêm. Cầm nửa nắm cơm vắt khô cứng trên tay, tôi thực sự không muốn ăn tí nào, bẻ bỏ cái vỏ cứng của nó, tôi nhắm nháp cái ruột còn mềm mềm nhai cho qua bửa, rồi xung phong đi lấy nước cho trung đội.

Đeo một xâu bi đông lủng lẳng bên hông, tay xách súng, tôi và nhiều đồng chí nửa cùng kéo nhau đi lấy nước. Theo con đường đất đỏ đi về phía sau, đi lâu lắm, mấy tiếng đồng hồ mới tới được một cái bàu nước. 

Chúng tôi đi ra giữa bàu, ngâm mình dưới nước, vừa nhận bình toong xuống lấy nước, vừa hụp mặt xuống uống nước, vừa ngâm mình vào nước mà nghe da thịt mình nở ra thấm từng giọt, từng giọt nước mát. Bù lại mấy ngày hành quân mất nước thì nhiều mà chỉ được tiếp tế một ngày một bình toong nước, chẳng đủ đâu vào đâu!

Đong đầy các bình toong và uống nước đã đời rồi chúng tôi hăm hở trở về. Về đến nơi thì trời mờ sáng, chúng tôi lại chuẩn bị lên đường đi đánh cái phum không tên.

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2018

Chuyện lính K: Ngả ba Con voi (V)

H3 Hùng

Đang là cao điểm mùa mưa năm 1980, nên lúc này tiểu đoàn 3 ít khi phải đi đánh trận, chỉ ở nhà cũng cố hầm hào, luyện tập kỹ chiến thuật... Chúng tôi được huấn luyện kỹ thuật đặc công, học cách di chuyển trong đêm, thu gọn thân mình, chân bước ngang, đầu không nhấp nhô... để thằng địch ngồi gác không phát hiện được. Chúng tôi còn được tập cách di chuyển trong kinh, rạch, đồng lầy: Hai ngón chân của anh đi sau kẹp nhượng chân của anh đi trước không cho bùn rớt xuống gây tiếng động. Chúng tôi còn được dạy cách mặc quần đùi, cởi trần bôi than, hóa trang cho phù hợp với địa hình, bò trên trận địa gở mìn, đột nhập căn cứ địch, đánh bộc phá mở cửa mở .v.v. Những kỹ thuật đặc công này nó làm cho những người lính chúng tôi thấy mình trưởng thành lên rất nhiều và thấy càng khâm phục hơn những anh lính đặc công tinh thông kỹ thuật đột nhập, ra vào trận địa địch như chổ không người.

Có những ngày mưa nghỉ, hoặc sau thời gian tập luyện... mát trời đi chơi, chúng tôi lũ lượt kéo nhau ra dân. Gia đình ruột của tôi tất nhiên là nhà ba má em Thêng, ông Thư già thì chúng tôi đã gán cho bà tiếng Việt, chú Lợi trố thì kết nhà mê-mai Phương, anh Sau thì có mê-mai Phon, chú Thái liên lạc có me Liên, chú Cử thì chị nuôi là boòng Mit .v.v.

Dân rất thương yêu bộ đội, cánh đàn ông mà tiếp bộ đội thì cái quí nhất của họ là rượu, thì họ đem rượu ra cho uống. Những khi đi thăm nhà cô Thêng, ngang qua nhà anh cô, có rượu mới cất thì anh cô Thêng lấy cái cà-toong ra (cà-toong về hình thức thì hơi giống như cái ngăn gò-mên cơm bên mình) múc từ trong khạp ra nửa cà-toong rượu, mời tôi uống samaki, không uống là không samaki. 

Chuyện lính K: Ngả Ba con voi (IV)

H3 Hùng

12. CĂN CỨ CÔNG-XI-LỐPChúng tôi ở Sophi được khoảng 3 tháng yên lành thì có lệnh rút về trở về đại đội. Đang cao điểm mùa mưa 1980, trước hôm rời Sophi tôi lên nhà me Lênh từ biệt mẹ. Trời về khuya, tôi xôm-lia me (tạm biệt mẹ) rồi bước xuống cầu thang. Trời xui đất khiến thế nào, một con bò cạp chúa nó trốn trời mưa lạnh lẽo, nó chui vào giày tôi nằm cho ấm cúng, tôi thọt chân vào, nó giật mình chích tôi cái bụp. 
Buốt ơi là buốt, nhức ơi là nhức! Cái nhức buốt này đau hơn hẳn cái trái cối 60 ly của thằng Pôn Pốt đầu năm 1979. Tôi kêu lên đau đớn, bà mẹ nuôi của tôi, anh con trai của bà, chị con dâu của bà đở tôi lên sàn nhà nằm đó để bà chạy thuốc chữa trị cho tôi theo phương pháp y học dân gian. Bà nhai lá thuốc rịt cho tôi, bà lấy trứng gà luộc lăn lên vết cắn cho tôi, lấy khăn chườm mát cho tôi, lấy thuốc cho tôi uống... 
Nọc con bò cạp chúa làm tôi sốt mê man, chân sưng phù, to húp. Bà mẹ cứ lăn trứng, thay khăn chườm mát cho tôi, những lúc tôi tỉnh dậy hé mắt ra nhìn thì thấy mẹ chong đèn ngồi đấy, suốt đêm lâm râm đọc kinh cầu an cho tôi mau lành bệnh. 
Tôi thực sự cảm động với tấm lòng thương yêu tôi như con đẻ của bà, để rồi sang năm 1982, tôi lại trở về Sophi lần thứ nhì để tìm tới nhà bà.

Trung đội rút quân về trước, để tôi nằm lại nhà me Lênh điều trị, chờ lành mạnh thì về sau với mấy anh chuyên gia Việt Nam đang ở lại trong phum tham gia xây dựng chính quyền xã. 
Bệnh tình tôi thuyên giãm rất nhanh, sáng ra thì tôi ngồi ăn cháo uống nước được, rồi tiêu tiểu, đi đứng bình thường, chỉ có mu bàn chân phải chổ con bò cạp chích thì còn sưng. Được vài ngày, dân Sophi đánh xe bò đưa chúng tôi rời phum ra lộ 5 để trở về đơn vị, đại đội 13 nay đã lại chuyển về Sophia.

Chuyện lính K: Ngả Ba con voi (III)

H3 Hùng

9.   DON THOMO
Thượng tuần tháng 12/79 tôi trở về Nimith, đêm đó tại bãi tập kết quân giữa phum Sophia trăng sáng vằng vặt, tôi viết thư về nhà mà không cần dùng tới ánh đèn. Lính tráng đốt lửa để sinh hoạt, còn tôi thì tận dụng ánh lửa đó để viết thư. Tôi đang nằm chờ tại đây để hội quân với đơn vị của mình đang trở về từ Cao Mê-lai. 
Đại đội chúng tôi trở về Sophia cũng trong đêm đó, đợt xuất kích này không có tử sỉ, nhưng quân binh tàn tạ vì sơn lam chướng khí, hầu hết quân số đều mang bệnh sốt rét mãn tính. Chỉ còn tôi và một số đồng chí đi học về là mạnh khỏe, là nòng cốt của đơn vị lúc này
Đội quân bệnh hoạn này không tự hành quân được, xe GMC của trung đoàn đưa chúng tôi tiến vào Don Thomo từ hướng Bắc phum Diêng..
Don Thonmo, nghĩa tiếng Việt có nghĩa là Giếng Đá (don là giếng, thomo là đá). Đây là địa điểm mà thời trước, người ta đã cho khai thác đá để làm quốc lộ số 5 và đường sắt đi Poipet.
Đơn vị bạn để lại căn cứ Don Thomo cho chúng tôi cũng đầy đủ nhà ở, công sự, giao thông hào nên chúng tôi cũng không vất vả lắm về việc cũng cố doanh trại... Đại đội ngày càng thưa thớt, các bệnh binh lần lượt được chuyển lên tuyến trên điều trị, có người vào trạm xá trung đoàn, những người nặng hơn thì chuyển về bệnh xá sư đoàn ở Sisophon, nặng hơn nửa thì đi bệnh viện 7E ở Xiêm Riệp.
Cả tiểu đoàn vào đợt cũng cố, ban ngày đào hào cũng cố công sự, tối đến thắp đèn tập bài bắn  ban đêm với mục tiêu là bia mẹ bồng con, tượng trưng cho hai thằng xạ thủ đang bắn đại liên. 
Đêm đêm chúng tôi ngồi canh gát trước đội hình, nhìn về phía Tây thấy sáng rực một góc trời, đó là ánh sáng đô thành... của một thị trấn Thái Lan yên bình, chúng tôi đang ở rất gần cửa khẩu Poipet và cái thị trấn đó, không tới 10km đường chim bay.
Chúng tôi sinh hoạt ở Don Thomo vào mùa khô khá thoải mái nhờ vào các giếng đá tích trữ đầy nước mùa mưa, vào mùa khô mọc đầy bông súng, chúng tôi bứt bông súng làm nộm ăn cải thiện trong những tháng mùa khô hiếm hoi rau cỏ này.

Tìm kiếm Blog này