Tim thông tin blog này:

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2018

Chuyện lính K: Ngả ba Con voi (V)

H3 Hùng

Đang là cao điểm mùa mưa năm 1980, nên lúc này tiểu đoàn 3 ít khi phải đi đánh trận, chỉ ở nhà cũng cố hầm hào, luyện tập kỹ chiến thuật... Chúng tôi được huấn luyện kỹ thuật đặc công, học cách di chuyển trong đêm, thu gọn thân mình, chân bước ngang, đầu không nhấp nhô... để thằng địch ngồi gác không phát hiện được. Chúng tôi còn được tập cách di chuyển trong kinh, rạch, đồng lầy: Hai ngón chân của anh đi sau kẹp nhượng chân của anh đi trước không cho bùn rớt xuống gây tiếng động. Chúng tôi còn được dạy cách mặc quần đùi, cởi trần bôi than, hóa trang cho phù hợp với địa hình, bò trên trận địa gở mìn, đột nhập căn cứ địch, đánh bộc phá mở cửa mở .v.v. Những kỹ thuật đặc công này nó làm cho những người lính chúng tôi thấy mình trưởng thành lên rất nhiều và thấy càng khâm phục hơn những anh lính đặc công tinh thông kỹ thuật đột nhập, ra vào trận địa địch như chổ không người.

Có những ngày mưa nghỉ, hoặc sau thời gian tập luyện... mát trời đi chơi, chúng tôi lũ lượt kéo nhau ra dân. Gia đình ruột của tôi tất nhiên là nhà ba má em Thêng, ông Thư già thì chúng tôi đã gán cho bà tiếng Việt, chú Lợi trố thì kết nhà mê-mai Phương, anh Sau thì có mê-mai Phon, chú Thái liên lạc có me Liên, chú Cử thì chị nuôi là boòng Mit .v.v.

Dân rất thương yêu bộ đội, cánh đàn ông mà tiếp bộ đội thì cái quí nhất của họ là rượu, thì họ đem rượu ra cho uống. Những khi đi thăm nhà cô Thêng, ngang qua nhà anh cô, có rượu mới cất thì anh cô Thêng lấy cái cà-toong ra (cà-toong về hình thức thì hơi giống như cái ngăn gò-mên cơm bên mình) múc từ trong khạp ra nửa cà-toong rượu, mời tôi uống samaki, không uống là không samaki. 

Rượu gạo do dân Sophia nấu uống rất đằm. Uống vào có cảm giác êm, ngọt hậu, thơm ngon, không nặng đô như rượu Nàng Hương đóng chai, uống xong phải khè một cái cho bớt nồng! Nó ngon như rượu đế Gò Đen cao cấp... tửu lượng kém như tôi uống 1 xị tỉnh bơ, 2 xị thì vừa đủ, xung lên 1 lit cũng chơi... nhưng ói! Tiếc thay thời trai trẻ, có sức lại không có rượu để uống, nay đau bao tử kinh niên, gặp rượu là sợ!

Đúng ra uống rượu và biết cách uống rượu có cái hay là nó tạo cho mình thêm dạn dĩ, dễ xóa bỏ khoảng cách xa lạ ban đầu, để anh em thân nhau hơn, hiểu và thương nhau hơn... Giống như tôi và các bác quansuvn.net đây, sau này có gặp nhau, tuy là chiến hữu K hội ngộ, nhưng cảm giác xa lạ lúc đầu sẽ làm chúng ta lượng sượng... thế mà chỉ cần nâng ly lên uống vài tua thì chúng ta sẽ dạn dĩ lên, bổ bả hơn, không khách sáo nửa... thì thì chúng ta trở thành bạn thân được rồi đó. Chúng ta có một yếu tố cực kỳ quan trọng để trở thành bạn thân vì có máu lính trong người, có sự đồng cảm sâu sắc với sự hy sinh gian khổ mà những người lính ở chiến trường K chịu đựng.

Do không rành tiếng Campuchia, hơn nửa tính tình tôi chửng chạc, thương ai để ở trong lòng, không nói ra, không tán tỉnh nên tình cảm của tôi với cô Thêng vẫn như bạn bè, không tiến triển. Điều này cũng có cái tốt, tôi và cô được tự do đi lại theo con đường của mình, không ai ràng buộc ai. Ba mẹ cô thương tôi như con đẻ, anh em cô đối xử với tôi quá sức tình người! Vậy là tốt quá rồi, đòi hỏi gì nửa? Năm 1981 phum Sophia bị giải tỏa trắng, tôi cũng mất cô Thêng luôn cho tới nay. Nay chắc cô cũng già như tôi, có khi là cô có cháu nội rồi. Hy vọng là vẫn còn dáng người và nét đẹp như xưa. Tuổi thọ con người ngày được nâng cao, 50 chưa gọi là già được.

Thực ra, giữa mùa mưa 1982 tôi đã từng cất công lội bộ cả ngày đường từ căn cứ hành quân Năm-sấp ở sâu trong Nam Cao Mê-lai ra thăm cái phum Sophia bị di dời ra ven đường quốc lộ số 5 cách ngã ba Cốp-tút vài cây số.

Hôm đó, tôi xung phong đi chợ mua nhu yếu phẩm cho trung đội với một ý nghĩ là kết hợp thăm dân Sophia, luôn tiện tranh thủ tìm kiếm dáng hình người đẹp tên Thêng của mình. Tuổi trẻ đa tình, tôi chấp nhận lội bộ  đi về 40 cây số với một mục đích ba trong một như vậy và háo hức lên đường bất kể nắng mưa.

Chúng tôi từ Năm-sấp đi ra Tà-cuông Krao, đoạn này chỉ vài cây số thôi, từ Tà-cuông ra Cốp-tút dài vằng vặc, đi trên con đường đất đắp trên địa hình trảng thấp, thỉnh thoảng nhảy xuống lội mương vì không có cầu bắt qua các dòng chảy cắt ngang con đường. Hai bên đường là đồng ruộng mênh mông của đồng bằng Batttambang trù phú. Đang là thời chiến, trên trục đường này không có người ở. Trời trưa nắng gắt trên đầu, chúng tôi ráng đi đến bóng mát của đám mây đen trước mặt để được che nắng, đi hết bóng mát, chúng tôi lại đuổi theo cái bóng mát của cụm mây đen tiếp theo mà rong ruổi đường trường.

Đến Cốp-tút chúng tôi mua vài thứ lặt vặt cần thiết theo đơn đặt hàng của anh em trong trung đội, rồi đi tiếp, mãi đến chiều mới vào đến cái phum Sophia bị di dời ra đường quốc lộ.
Vào một nhà quen của anh bạn trong nhóm nghỉ ngơi, ăn uống và ngủ qua đêm nơi đó. Chủ nhà có nói cho chúng tôi biết là đêm qua ở phum này đã xãy ra một vụ cướp, đang đêm cướp xách súng xông vào nhà, nên tình hình lúc này không được an ninh. Chúng tôi nghe vậy thì biết vậy, không nghỉ ngợi gì về vấn đề an ninh trong vùng, chúng tôi có súng trong tay, sợ gì cướp bóc chô phơ-lon.

Vậy mà ngũ có yên đâu, đêm đó một anh chuyên gia Việt Nam cấp xã,  kéo theo khoảng mười tay súng đến bao vây nhà chúng tôi đang ngũ, rồi lên tiếng gọi cửa.

Từ trên nhà sàn, chúng tôi bước xuống tới đất thì thấy mình đã bị bao vây tứ phía rồi, anh lính chỉ huy trong bọn nói:
- Chúng tôi đến kiểm tra các anh.
Tôi hơi bực:
- Kiểm tra cái gì? Chúng tôi trong Năm-sấp ra đây đi chợ cho đại đội, rồi đi thăm dân không được sao?
Nghe nói từ trong căn cứ Năm-sấp ra, anh chuyên gia dịu giọng:
- Đêm qua có lính vào nhà dân ăn cướp,  chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ cái phum này. Mấy anh theo tôi về.
Tốp lính đó kéo nhau đi, chúng tôi đi theo mà cảm thấy bức bối trong lòng. Người chủ nhà cũng ái ngại, nói gì đó với anh chuyên gia Việt Nam. Anh gật đầu trấn an họ, kiểu như là không có gì đâu, tôi đem mấy anh này về thôi mà.

Về trạm chốt của chuyên gia, họ điện thoại về chỉ huy của chúng tôi ở Năm-sấp để kiểm tra tông tích chúng tôi, được đơn vị tôi xác nhận là có cho 4 anh lính này về Cốp-tút đi chợ. Chúng tôi ở đó đến sáng thì kéo nhau trở về cái căn cứ trong thâm sơn cùng cốc của mình...

Vậy là tôi phải bất đất dĩ xa dân Sophia và em Thêng từ cái đêm hôm đó. Đến nay ngồi viết truyện, thấy bồi hồi, nôn nao trong dạ, thấy thương cái phum vì chiến cuộc mà phải di dời ra ven đường quốc lộ, không có cây trái huê lợi gì cả, cái phum trơ trọi, lỏng chỏng trên đồng ruộng mênh mông nước hai bên lộ 5,  mùa mưa năm 1982.


15. MỘT TRẬN VẬN ĐỘNG CHIẾN
Gần cuối mùa mưa 1980, trong khoảng thời gian chúng tôi đang học kỹ thuật đặc công thì được thông báo là chuẩn bị đón lính Pa-ra ra hàng theo chủ trương hòa giải - hòa hợp dân tộc của chính phủ cách mạng Campuchia... Và bọn chúng ra hàng thật, chúng tôi thấy từng đoàn lính Pa-ra vui vẻ kéo nhau trở về theo chủ trương của chính phủ Hun-xen, chúng đi qua đội hình đóng quân của chúng tôi như chổ không người, vì chúng tôi đã được thông báo trước nên án binh bất động nhìn chúng đi qua, dửng dưng!

Lính Pa-ra vô chính phủ lắm, thằng nào hàng thì hàng, thằng nào đi ăn cướp thì cướp... Một sáng nọ, đại đội chúng tôi đang dàn quân luyện tập chiến thuật thì có lệnh xuất kích vì được tin lính Pa-ra xuất hiện trên đường buôn ăn cướp ở khu vực đường bình độ (tức là khu vực đất nổi cao hơn xung quanh) gần suối cạn, cách phum Sophia 3km về hướng Bắc.

Chúng tôi vận động nhanh ra đó thì phát hiện mục tiêu, trung đội tôi được lệnh vận động qua đường, phát triển dọc theo bên kia  đường không cho địch dạt qua đó, số còn lại thì dàn hàng ngang và phát triển dọc theo mé bên này đường để lùa địch vào vòng.

Địch chỉ có hai thằng, bị chận đánh hai bên đường, như cá nằm trên thớt, nó hết đường chạy nên núp vào ụ mối cố thủ. Từ bên kia đường, tôi thấy rõ ràng đại đội phó Vi đứng hô khẩu lệnh: B41, thước ngắm 100, bắn. Tuân theo hiệu lệnh, đồng chí Long xạ thủ B41 thổi vô ụ mối một phát bùng bình liền, hai thằng Pa-ra chết ngay tại trận. Do tôi đứng phía bên kia đường bò nên không thấy hai thằng kia chết ra sao, chỉ thấy anh em chạy lên thu chiến lợi phẩm, nhưng không được xài, vì bị đồng chí Tý chính trị viên đại đội bắt nộp về trên.

Trận này không tính thành tích vì trên xác định hai thằng lính này thuộc loại lính ra hàng, tranh thủ ra đường buôn kiếm chút cháo làm vốn trước khi về làm dân, xui cho nó mới ra ăn cướp, chưa kịp chạy thì bị chúng tôi làm thịt.

Mấy thằng Pa-ra này bị chúng tôi làm thịt trên đường buôn hoài, có lần chúng tôi vận động ra tới nơi thì thấy có mấy thằng nằm đó rồi, đã có một toán lính nào đó ra tay trước, toán lính chúng tôi đâu phải tay vừa, khi xung phong qua đường, tiện tay lại bắn găm, bắn gần, bồi thêm mấy phát rồi mới tiếp tục hành tiến.

Sau này coi phim hành động, chúng ta thường thấy cảnh một nhân vật bị bắn gụt nằm tại trận, chờ bên kia chạy qua, rồi bật dậy cầm súng bắn theo, hạ gụt đối thủ, thấy quá xạo! Gặp tay tôi (hoặc bất kỳ người lính Việt Nam nào) thì chúng tôi cũng phải bắn bồi thêm vài phát cho chắn ăn, khỏi sợ bị đâm sau lưng chiến sĩ, rồi mới tiếp tục vận động tiến lên phía trước theo tiếng gọi bầy đàn.

Nói chung trong năm 1980, tại khu vực ngã ba con voi trên hướng Bắc lộ 5, tiểu đoàn 3 hoàn toàn làm chủ tình thế, lính Pa-ra nghe danh là sợ, từ chạy trốn tới đầu hàng.


16. MỎ VẸT
Cuối năm 1980 đại đội 13 lại chuyển về Don Thomo, sau đó chúng tôi nhận lệnh đi truy quét sâu trong khu vực mỏ vẹt ở phía Nam phum Viêng, nơi đặt bản doanh của trung đoàn bộ.  Chúng tôi đi theo con đường đê bị vỡ - do lính Pôn Pốt gài mìn phá hoại trước đó - để vào mỏ vẹt.

Mỏ vẹt là một mũi đất của Thái Lan (có hình dạng giống như cái mỏ của con vẹt) thọc sâu vào nội địa của Campuchia, tàn quân Pôn Pốt ẩn náo ở đó và thường hay tập kính hỏa lực vào các đơn vị trực thuộc trung đoàn bộ.

Có lần, chúng tôi ra thế chốt cho một đại đội trực thuộc của trung đoàn 4 đi làm nhiệm vụ. Đơn vị này đóng ở phía Bắc lộ 5, gần chổ mà đại đội chúng tôi đã từng chốt hồi mới đến phum Diêng tháng 4/79, nơi có bộ xương khô mặc đồ bà ba đen nằm nhe răng nhát ma bộ đội.

Đêm đó thằng Pôn Pốt từ trong mỏ vẹt ra tập kích chúng tôi. Đầu tiên nghe bùng bình một tiếng, sau đó là tiếng tiểu liên AK, rồi tiếp tục nửa là tiếng cối nổ oành, oành. Tôi và đồng chí Hạn, lính nhập ngũ 3/79 nằm úp người trên nền đất ẩm ướt mà chịu trận, mà nghe tiếng đạn bay, cối nổ...

Mấy thằng này bắn dở, đạn AK thì bay quá nóc nhà, cối toong thì trật hướng, chúng tôi nằm kế bên cái công sự hình chữ U đầy nước... nhưng chẳng thèm nhảy vào đó làm chi cho thêm dơ dáy, vì hỏa lực của Pôn Pốt giả không trúng đội hình của mình, có trúng chăng thì trúng cái sân... chào cờ của đại đội ở phía trước.

Các đại đội cối pháo của trung đoàn lập tức lên tiếng, hỏa lực của ta rót trả ngay vào cái mỏ vẹt đó. Chuyện này xãy ra như cơm bửa, riết rồi cũng nhàm, hình như những cuộc tập kích kiểu này chỉ gây căng thẳng chứ khó gây thương vong cho ai.

Chắc chắn là mấy anh Thái biết chúng tôi vào mỏ vẹt (làm gì không có quân báo Thái Lan nằm ở ngã ba con voi này), anh lấy làm khó chịu, anh cho máy bay trinh sát L19 bay tuần tra cái mỏ vẹt, tất nhiên là trên phần đất nhà anh. Anh bay vè vè trên đầu chúng tôi, anh dòm dòm, ngó ngó.

Chúng tôi phát hiện L19 ngay bởi tiếng kêu è è của nó. Chúng tôi dừng đội hình hành quân tại chổ, ẩn vào các gốc cây rừng. Có rừng cây che khuất, dễ gì anh thấy tôi, anh bay khuất tầm thì chúng tôi đi tiếp.

Từ Mỏ Vẹt chúng tôi đi dọc theo đường biên giới, truy quét sâu vào khu vực Cao Mê-lai, rồi vòng lại, cho đến một hôm ra đến chân một cây cầu cháy bắt qua một con suối lớn ở sâu trong hướng đuôi con voi Nimith thì dừng chân.
Tại cầu cháy, chúng tôi nhận được thư nhà và nhu yếu phẩm. Những điếu thuốc lá Đà Lạt lúc đó sao mà đậm đà thơm ngon đến như vậy, hút chỉ một điếu mà cảm thấy đầu mình lâng lâng như say thuốc. Chúng tôi nghỉ ngơi tắm giặt ở đây sau nhiều ngày chịu khô hạn ở trong rừng.

Cũng tại cây cầu cháy này tôi lần đầu tiên trong đời tôi biết thế nào là đĩa đeo, tôi thấy trong bẹn mình ướt ướt, lạnh lạnh, nhớt nhớt rờ vô thì thấy chảy máu, loãng thôi, định thần nhìn kỹ thì ra tôi bị đĩa đeo trong lúc tắm suối, tôi nắm lấy con đĩa từ từ lôi ra, máu chảy ra theo nó tức thì, sẳn gói thuốc lá Đà Lạt mới lãnh đang hút dở trong túi, tôi xé ra nửa điếu lấy sợi thuốc đắp lên vết cắn, mãi hồi lâu vết cắn mới khô miệng, kéo mài.

Sau đó chúng tôi được lệnh quay về, khoảng nửa đêm hôm đó chúng tôi mới về đến Don Thomo. Đợt hành quân này kết thúc năm 1980 nhiều kỷ niệm.

Gió bấc lạnh từng cơn thổi về, chúng tôi đang đóng quân ở Don Thomo, cực Tây Bắc của lãnh thổ Campuchia, tại một địa điểm có độ vĩ Bắc là 13 độ 40 phút, ngang với ranh giới tỉnh Phú Yên và Bình Định của Việt Nam. Hình như ở vĩ độ này (cao hơn hẳn thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long) thời tiết cuối năm lạnh hơn thì phải?

Những đêm giáp tết âm lịch năm đó trời lạnh lắm! Chúng tôi khuân về từng gốc cây dầu khô đường kính cở bắp vế, đốt lên và ngồi quanh lửa hồng sưởi ấm, anh nào đi ngũ thì xách một thùng than cây cháy đỏ vào lán của mình, để dưới vạt giường mà nằm cho ấm.

Tình hình Don Thomo yên tỉnh nên chúng tôi mới dám đốt lửa sưởi ấm kiểu này, chứ ở Đăng-cum thì không dám đâu, ăn đạn B40 liền!

Hàng ngày chúng tôi vẫn thường xuyên tổ chức đi truy quét ra phía trước đội hình, có lần cả đại đội chúng tôi đi xa lắm, qua khỏi rừng cây xanh, đến một con đường lớn và trống trãi (không phải đường bò, vì nó bằng phẳng, trong khi đường bò thì nó hằn vết bánh xe bò). Con đường này ăn sâu trong cánh rừng thưa trụi lá, thấy dấu vết của lính tráng phía bên kia để lại trên đường, nó vẽ chữ giun nghệch ngoạc cái gì đó...

Chúng tôi đi đến đó là muốn hết tấm bản đồ  hành quân của đại đội, chiều chúng tôi lên họp giao ban, cùng các anh chỉ huy đại đội lật bản đồ ra xem mà cứ thắc mắc mãi về những cái dấu vết địch để lại trên cái con đường này...

Và chúng tôi đã ăn cái tết đầu năm 1981 tại cái Giếng Đá đó một cách êm thắm.


Hồ thứ 17. MỘT TRẬN TẬP KÍCH ĐIỂN HÌNH
Cuối tháng 2/1981 tiểu đoàn chúng tôi được lệnh xuất quân tập kích  căn cứ Ang-sa-la-tức của lực lượng Sơ-rây-ca, nằm ở hướng Bắc lộ 5, chắc gần phum Đăng-cum của tiểu đoàn 2.

Căn cứ này đã bị cấp trên chúng tôi ngắm nghía từ lâu, trinh sát kỹ lắm, chỉ huy đại đội đều được dắt đi điều nghiên thực địa trước. Tôi biết điều này qua 1 sự kiện sau: Sáng sớm một hôm nọ, trung đội tôi được điều đi cáng xác tử sĩ về, anh này tên Thao, trinh sát tiểu đoàn, nghe nói mới 17 tuổi, trong khi thi hành nhiệm vụ thì đá phải mìn, chết ngay tại trận. Các anh chỉ huy lấp xác trong bụi, rồi tiếp tục trinh sát trận địa địch, sáng ra kêu trung đội tôi đi lấy xác về.

Chúng tôi hành quân vào lúc nửa đêm, ưu tiên trang bị hỏa lực mạnh, tôi là tiểu đội trưởng vẫn phải mang B40 với 6 trái đạn. Cuộc hành quân được chỉ huy rất bài bản, trước khi lên đường, lính tráng phải chạy khởi động tại chổ xem có va chạm, phát ra tiếng động không. Chúng tôi đang đóng quân ở Don Thomo, sâu trong cánh rừng dầu phía Bắc phum Viêng, trận ra quân đầu năm này hoàn toàn bí mật, một yếu tố cực kỳ quan trọng trong chiến đấu.

Đang vào đầu con trăng hạ tuần tháng giêng, chúng tôi lặng lẽ đi trong gió mát, trăng thanh, không mang gạo, chỉ mang đúng 1 cơ số đạn nên hành quân rất thoải mái, đi chừng 2 tiếng là đến điểm phân chia đội hình, từng đơn vị được trinh sát dẩn vào vị trí xuất kích của mình.

Đây là một trận tập kích cấp tiểu đoàn có tăng cường hỏa lực cực kỳ bài bản, như một buổi diễn tập chiến thuật, sau đây là diển tiến trận đánh:

4 giờ sáng, nằm trên hướng xuất kích của mình, bên hông ụ mối, dưới ánh trăng hạ tuần, nhìn lên phía trước, tôi thấy rõ thằng lính gác ngồi hút thuốc lá đỏ rực. Đã gần hết đêm, đây là thời điểm người ta chủ quan nhất.

Đến giờ G (đúng 4 giờ sáng), cối pháo các loại đi theo bộ binh khai hỏa đồng loạt mở màn trận tập kích, theo kế hoạch hợp đồng tác chiến, hỏa lực bộ binh cùng tham gia bắn hủy diệt trận địa địch... Tôi nằm trên mặt đất mát lạnh, gióng khẩu B40 vào hướng thằng lính hút thuốc khi nãy, thổi liền cho nó một phát.

Hỏa lực tập kích vẫn còn vang dội, tôi bình tỉnh nạp thêm một quả B40 nửa vào nòng nhắm vào hướng địch mà mình đã canh me sẳn, bồi thêm phát nửa. Đạn không nổ! Đúng theo bài bản được huấn luyện, tôi bình tỉnh đợi một chút, sợ hạt nổ bị ẩm phát hỏa chậm... Không động tỉnh gì, vậy là hạt nổ bị lép! Tôi lôi nó ra, xoay quả mới vào, bắn tiếp một phát, thì có lệnh xung phong.

Cả đoàn quân bật dậy hò nhau xung phong mãnh liệt, chúng tôi dàn hàng ngang, hướng lên phía trước, theo tiếng gọi bầy đàn mà chạy, vừa chạy vừa hô, thở hào hển vì vận động quá sức.

Rồi chúng tôi dừng lại bên một bờ đất thấp, khói súng mù mịt che khuất tầm nhìn. Quì xuống, lấy bờ đất làm vật che đở, thở lấy hơi, tiếp tục gióng súng bắn thẳng vào những khối vật chất hiện ra đen đen trước mặt. Lại một đợt hò nhau xung phong vang dội, chúng tôi ào lên chiếm lĩnh trận địa.

Chiếm được trận địa, chưa kịp lục soát, theo sự phân công từ trước, đại đội  chúng tôi lập tức triển khai đội hình phòng ngự, đề phòng địch phản kích... Trên hướng phòng ngự của mình, tôi thấy rõ ràng trước mắt có cái gì đó đang phát sáng. Trời  tranh tối, tranh sáng, mấy cái đốm sáng này chập chờn, ẩn hiện ánh lân tinh ma quái, tôi đứng đó, nghỉ mệt trong khí trời mát dịu, mồ hôi đang từ từ khô trên người.

Và những vật phát sáng đó từ từ hiện rõ trước mặt tôi, đó là mấy cái đầu lâu... của bộ đội ta bị Pa-ra bắn chết, chặt đầu đem về lấy thưởng. Và chỉ huy của chúng đã cắm những cái đầu đó lên cọc để thị uy  thiên hạ, để xác định số má trên chốn giang hồ miền biên viễn này.

Ngay lúc đó tôi chỉ biết là đầu lâu xương sọ thôi, nhưng sau này xâu chuổi lại các sự kiện tôi khẳng định rằng: Tôi biết chủ nhân những cái đầu lâu này... vì trung đội tôi đã từng cáng trên vai 3 cái xác cụt đầu của lính D2 chết trên một con đường bò, gần suối cạn, phía Bắc phum Sophia. Buổi trưa hôm đó, được tin dân báo là có xác chết của bộ đội chết trên đường buôn, trung đội chúng tôi lập tức được lệnh xuất kích và chúng tôi đã gặp xác đồng đội mình nằm ven con đường bò đó...

Lính Pa-ra đã tập kích bất ngờ, bắn chết 3 anh lính này, cắt đầu mang đi. Chúng tôi đã cáng 3 cái xác không đầu đó về phẩu trung đoàn, 3 cái xác cụt ngủn, gọn lỏn nằm trong cáng, chảy hết máu nên người nhẹ tênh, Cứ hai người lính mang 1 cái cáng, không cần xoay tua, chúng tôi đi một hơi về bàn giao cho ban chánh sách trung đoàn làm hậu sự.

Chúng tôi đã trả thù cho các anh tử sĩ D2 hôm nọ bằng một trận tập kích tuyệt vời, quá sức đẹp, quá bài bản, không thương binh, không tử sĩ. Toàn bộ quân địch trong cái căn cứ này đã bị chúng tôi đánh tan tác, chết ngổn ngang trên trận địa, số còn lại dông tuốt vào rừng.

Như một buổi diển tập hợp đồng tác chiến, đoàn quân thắng trận trở về theo đội hình cuốn chiếu, trung đội của tôi rút ra sau cùng, trời đang dần sáng... Mấy thằng Pa-ra chạy thoát vào rừng lúc nãy, bây giờ tỉnh hồn, quay lại, thấy chúng tôi lui quân, tưởng ngon ăn, dí theo bắn liền mấy loạt đạn, miệng hô chô chô. Đại đội trưởng Tý đi cùng trung đội, lệnh cho tôi bắn liền. Tôi căn khẩu B40 gióng theo ánh lửa đầu nòng của đối phương, đang tiến rất gần, bắn găm một phát bùng bình đinh tai điếc óc, rồi chạy theo đội hình của mình, để lại sau lưng mấy thằng lính nín khe, sống chết ra sao không biết... Chắc là tiêu, vì không nghe chô chô, mà cũng chẳng có tiếng súng bắn vét đuôi nửa.

Uy lực của B40 (và B41) rất mãnh liệt, dù anh có nấp sau ụ mối, vẫn chết vì sức chấn động. Đã có hai thằng lính Pa-ra bị đồng chí Long, xạ thủ B41 bắn chết như vậy trên con đường Nimith Đăng-cum, đoạn đường bình độ 25m phía Bắc phum Sophia.

Trận này tôi mang 6 trái B40, bắn hết 5 (trong đó lép 1), còn 1 trái nằm  trong nòng súng ung dung vác vai trở về nhà. Đến khi tắm rửa giặt đồ, thấy cháy sém hết một bên quần... thì ra hơn 1 năm nay làm A trưởng sử dụng AK quen nằm bắn góc 30 độ, nay dùng B40 cũng nằm góc 30 độ (đúng ra súng với người nằm bắn thành một góc 45 độ), bị lửa phản lực phà cháy sém một bên quần.

Đại đội trưởng Tý là người khen thưởng công minh, anh đề bạt sư đoàn cấp bằng khen cho tôi về thành tích chiến đấu trong trận thắng oanh liệt (nhưng dễ dàng) này. 


Hồi thứ 18. PHUM KHÔNG TÊN

MỘT TRẬN PHỦ ĐẦU
Vào đầu mùa mưa 1981 tiểu đoàn lại nhận mệnh lệnh hành quân, đại đội  tôi có sự thay đổi nhân sự, đại đội trưởng Tý về  nước, chỉ huy đại đội là đồng chí Ánh, chính trị viên, người miền Bắc và đồng chí Ma Văn Thảo, người dân tộc Tày, đại đội phó quân sự. Hai anh chỉ huy đại đội đi đánh trận này, trung đội trưởng của tôi là đồng chí Thạch, còn tôi là tiểu đội trưởng với vỏn vẹn cả tiểu đội chỉ gồm có 3 người.

Cũng như bất kỳ cuộc hành quân dài ngày nào, quản lý đại đội nhồi gạo vào ruột tượng cấp cho các trung đội, mỗi ruột tượng nặng khoảng mười kg, anh nào vác AK thì mang gạo,  những anh vác hỏa lực như trung liên RDP, B40, B41 thì miễn.

Mỗi khẩu AK mang 400 viên đạn (có khi 600 viên) gồm 1 băng đạn 30 viên trong súng, 3 băng đạn  trong bao-xe mang trước ngực, còn 4 cái túi cóc thì nhét thêm được 6 hộp đạn 20 viên nửa, số còn lại chúng tôi cho vào ruột tượng, cột ngang thắt lưng, dây thắt lưng thì đeo bi đông nước và... hai cục cơm vắt để ăn hai ngày đường.

Không như trong phim ảnh mà chúng ta thường thấy cảnh lính tráng hành quân ca hát yêu đời. Chúng tôi khoát tất cả súng đạn, cơm nước vào người, ruột tượng gạo vắt lên vai è cổ, cảm thấy rõ sức nặng trên đôi vai của mình. Tâm trạng chúng tôi  khi đó rất nặng nề, cảm thấy mình như con trâu đeo ách vào cổ, trâu cày còn có thời gian nằm nhai lại cỏ, chúng tôi đã vác súng lên vai thì cực ghê gớm, di chuyển liên tục, liên tục.

Chúng tôi đi đánh Cao Mê-lai từ hướng đít con voi. Hành quân xa, mang vác nặng, chúng tôi đi rất thận trọng.

- Thưa ra, cách nhau 10m.

Đó là lệnh của chỉ huy luôn luôn được truyền lên phía trên để duy trì  cự ly hành quân.

Máy bay L19 của Thái Lan bay vè vè trên đầu, chúng tôi phải thường xuyên dừng lại, ẩn vào cây để  tránh tầm nhìn của nó.

Xế trưa hôm đó, trinh sát đi đầu phát hiện phía trước có một đoàn quân Pôn Pốt mặc đồng phục màu xanh quân đội nghiêm chỉnh đang di chuyển cắt mặt đội hình hành quân của chúng tôi. Nằm trong toán quân đi đầu, nên tôi cũng tận mắt nhìn thấy đám tàn quân này, đông lắm, ước cả trăm tên.

Sau này có đồng chí chỉ huy trong đơn vị tiếc, phải chi hôm đó mình giá súng 12 ly 8, rồi dàn quân đánh úp cái đám quân Pôn Pốt này thì chắc thắng lớn vì có yếu tố bất ngờ, đở phải di hại về sau!

Nhưng nhiệm vụ của chúng tôi lần này là đi đánh phum không tên, chứ không phải đi truy quét, nên cái mục tiêu di động đó đã bị bỏ qua một cách quá đáng tiếc.

Chúng tôi hành quân rất chậm, trưa hôm sau khi chúng tôi đang trên đường hành tiến thì thằng địch phát hiện và tập kích chúng tôi liền... Chúng tôi đang hành quân và thực tình là chưa xác định được hướng địch. Trung đội tôi nằm trong một cánh rừng thưa xen lẩn các bụi tre, bờ đất. Tôi dán người sát đất, chúi đầu vào một bờ đất thấp, nằm đó chịu trận.

Bị tấn công bất ngờ, chưa biết hướng địch, chưa có lệnh xung phong, nên chúng tôi nằm trụ tại đó đợi lệnh. Anh Tý liên lạc đại đội chạy tới nói nằm yên tại chổ, giữ vững đội hình, rồi chạy đi B khác... Bổng dưng oành một tiếng, một quả đạn cối đã rơi trúng anh liên lạc, anh kêu la thảm thiết, gãy cả hai chân, chết ngay tại trận.
Chúng tôi nằm sát đất, nghe tiếng đạn nhọn veo véo bay trên đầu nhưng khinh, chúng tôi có cái bờ đất che chở, không sợ đạn nhọn, chỉ sợ cối pháo rơi trúng lưng mình. Địch đang toong cối về phía chúng tôi, cối của nó bay vo vo trên đầu, rồi xé gió rớt xuống đất nổ oành, oành. Địch đã canh tầm hơi bị xa, đạn rơi ra phía sau lưng chúng tôi, trùng hướng di chuyển của anh Tý liên lạc, khiến anh phải hy sinh đau đớn.

Đã từng nằm chịu trận cho đạn cối Pôn Pốt nện, tôi rút ra kinh nghiệm là nghe cối bay vo vo trên đầu là nó còn tầm, nó bay tiếp và nổ ở sau lưng. Khi nào nó xé gió lao xuống là tới số rồi đó...

Trời tự dưng đổ mưa, không thấy chuyển, mà trời lại mưa, mưa lất phất thôi, chỉ vừa tưới ướt  thân người và cây cỏ. Đám lính Pôn Pốt này hỏa lực còn xung, nó cối chúng tôi lâu lắm, may mà nó canh chệch hướng, đạn rơi phía sau nên trung đội tôi không hề hấn gì.

Hết đợt pháo kích của địch thì có lệnh xung phong, chúng tôi súng lăm lăm trong tay, dàn hàng ngang chạy lên và không phát hiện ra phòng tuyến của địch. 



Nguồn: Vnmilitaryhistory





Tìm kiếm Blog này