Tim thông tin blog này:

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2018

Chuyện lính K: Ngả Ba con voi (IV)

H3 Hùng

12. CĂN CỨ CÔNG-XI-LỐPChúng tôi ở Sophi được khoảng 3 tháng yên lành thì có lệnh rút về trở về đại đội. Đang cao điểm mùa mưa 1980, trước hôm rời Sophi tôi lên nhà me Lênh từ biệt mẹ. Trời về khuya, tôi xôm-lia me (tạm biệt mẹ) rồi bước xuống cầu thang. Trời xui đất khiến thế nào, một con bò cạp chúa nó trốn trời mưa lạnh lẽo, nó chui vào giày tôi nằm cho ấm cúng, tôi thọt chân vào, nó giật mình chích tôi cái bụp. 
Buốt ơi là buốt, nhức ơi là nhức! Cái nhức buốt này đau hơn hẳn cái trái cối 60 ly của thằng Pôn Pốt đầu năm 1979. Tôi kêu lên đau đớn, bà mẹ nuôi của tôi, anh con trai của bà, chị con dâu của bà đở tôi lên sàn nhà nằm đó để bà chạy thuốc chữa trị cho tôi theo phương pháp y học dân gian. Bà nhai lá thuốc rịt cho tôi, bà lấy trứng gà luộc lăn lên vết cắn cho tôi, lấy khăn chườm mát cho tôi, lấy thuốc cho tôi uống... 
Nọc con bò cạp chúa làm tôi sốt mê man, chân sưng phù, to húp. Bà mẹ cứ lăn trứng, thay khăn chườm mát cho tôi, những lúc tôi tỉnh dậy hé mắt ra nhìn thì thấy mẹ chong đèn ngồi đấy, suốt đêm lâm râm đọc kinh cầu an cho tôi mau lành bệnh. 
Tôi thực sự cảm động với tấm lòng thương yêu tôi như con đẻ của bà, để rồi sang năm 1982, tôi lại trở về Sophi lần thứ nhì để tìm tới nhà bà.

Trung đội rút quân về trước, để tôi nằm lại nhà me Lênh điều trị, chờ lành mạnh thì về sau với mấy anh chuyên gia Việt Nam đang ở lại trong phum tham gia xây dựng chính quyền xã. 
Bệnh tình tôi thuyên giãm rất nhanh, sáng ra thì tôi ngồi ăn cháo uống nước được, rồi tiêu tiểu, đi đứng bình thường, chỉ có mu bàn chân phải chổ con bò cạp chích thì còn sưng. Được vài ngày, dân Sophi đánh xe bò đưa chúng tôi rời phum ra lộ 5 để trở về đơn vị, đại đội 13 nay đã lại chuyển về Sophia.


Cuối tháng 6/1980 gần như toàn bộ lực lượng của trung đoàn 4 (trừ những đơn vị của tiểu đoàn 1 chốt ở Poipet) tiến quân vào Đăng-cum hội quân với tiểu đoàn 2 để đánh một trận lớn vào căn cứ Công- xi-lốp của lực lượng Sơ-rây Ka, một tổ chức vũ trang phản động của  Campuchia thời bấy giờ. 

Công-xi-lốp là một căn cứ nằm giữa biên giới Thái Lan – Campuchia, đây là một khu vực nhạy cảm vì nó có một phần nằm trên đất Thái Lan (hình như giáp với bản Nong-chan của Thái, nhưng vì lý do tế nhị không thấy ghi trong sử sách nên tôi cũng không chắc, các bác trinh sát sư 5 nào biết lên tiếng nhe).

Một buổi sáng cuối tháng 6 năm 1980, chúng tôi xuất kích từ đầu  phum Sophia trước sự chứng kiến của dân làng, những bà mẹ Campuchia bằng ánh mắt đăm chiêu, thương cảm đưa tiển những đứa con của mình ra trận. Chúng tôi hành quân hàng dọc mỗi người cách nhau 10m, mấy trăm tay súng của tiểu đoàn trải dài trên đoạn đường nhiều cây số, xen lẩn trong đó là các đại đội hỏa lực trực thuộc trung đoàn, tham mưu, thông tin, trinh sát đủ cả. Đây có lẽ là một cuộc hành quân lớn nhất của trung đoàn 4 từ sau ngày thành lập mặt trận 479.

Đường ra trận mùa mưa bùn sình lầy lội, chúng tôi mang nặng gạo đạn trên vai để đi đánh trận dài ngày. Chúng tôi hành quân tiến lên hướng Bắc rất chậm, đêm đó chúng tôi ngủ tại Đăng-cum và được quán triệt nhiệm vụ là sẽ đánh căn cứ Công-xi-lốp bằng chiến thuật vây lấn (như cách đánh Điện Biên Phủ).

4 giờ sáng chúng tôi được đánh thức, cho ăn sáng, rồi kéo quân vào trận địa. Hướng tiến của tiểu đoàn bùn sình lầy lội, trời sáng hẳn thì chúng tôi được lệnh dàn quân hàng ngang, tiến rất chậm và có lệnh đào công sự chiến đấu. Sau đó, theo lệnh chỉ huy chúng tôi lại tiến lên từng nấc một, mỗi nấc vài trăm, vài chục bước chân gì đó... cũng có những lúc chúng tôi chạy việt dã trên địa hình lầy lội, ngã dúi dụi vì trơn trợt, hai trái lựu đạn hơi MK3 dùng để đánh công sự đeo bên thắt lưng rơi lúc nào tôi cũng không hay. 
Đội hình cứ thế mà chầm chậm nâng lên, lên mãi. Rồi đến xế chiều, tự dưng chúng tôi tiến vào một vùng đất đen, cao và khô ráo. Chiến trường yên tiếng súng, chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng cắc bùm, cắc bùm của đạn bắn tỉa. Tôi áp vào một ụ mối, ụ mối này cũng đã có một đồng đội của tôi chiếm lĩnh rồi. 
Áp sát  ụ mối rồi, lợi dụng khoảng trống giữa hai thân cây to bằng cổ chân mọc trên đỉnh ụ mối, tôi thò đầu vào đó đảo mắt nhìn trận địa đối phương, chưa kịp thấy gì thì bên tai tôi nghe nổ một cái toát. Một thằng bắn tỉa đã chơi tôi một phát, may mà không trúng, chỉ trúng cái cây mọc trên đỉnh ụ mối đó.
Chúng tôi đang ở trên một khu vực thoai thoải cao hơn xung quanh, ụ mối tôi đứng cách tuyến phòng ngự của địch khoảng 100m, ở cự ly này chỉ cần hô xung phong chạy một phát là tới. Từ phía sau, tôi thấy đồng chí Ê tiểu đoàn trưởng, tay cầm súng ngắn, tay cầm bản đồ, hiên ngang đi tới, miệng hô:
- Lên đi, lên đi mấy em, tụi nó chạy rồi! 
Thằng bắn tỉa chơi liền một phát, may mà  không trúng. Nhanh như cắt, đồng chí ấy lủi vào ụ mối chửi:
- Đ.M nó còn!
Trời chạng vạng, chúng tôi dàn hàng ngang, súng lăm lăm trên tay, đằng đằng sát khí tiến vào trận địa, không phải nổ phát nào, thằng địch hoàn toàn tháo chạy, chiến thuật vây lấn thành công mỹ mãn. 

Tôi đứng trên nóc chiến hào, ngắm nhìn trận địa, hình như tôi thấy phía bên kia lố nhố bóng người, rồi thấy một trái B40 rơi đánh huỵch trước mắt tôi, tôi còn thấy nó nảy lên một chút, trượt tới một chút rồi mới dừng lại. Không biết là tôi mơ hay tỉnh đây, chắc là mơ!!! Mình đã chiếm lĩnh trận địa rồi mà, chẳng lẽ đồng đội lại bắn nhầm mình? Không nghe tiếng nổ và không thấy chớp lửa đầu nòng từ phía bên kia, vậy chắc là mơ? Còn trái đạn B40 rớt xuống, nảy lên, rồi dừng lại và nằm ngay trước mắt tôi nó là thiệt mà, sao lại là mơ? Hôm nay viết chuyện này ra đây, tôi vẫn còn thắc mắc với trái B40 này? Không biết có phải là nó đã rơi trước mặt tôi trên nóc chiến hào Công-xi-lốp năm 1980 đó không? Hay là tôi ngũ mơ mà thấy vậy? Đây là lần đầu tiên trong đời tôi thấy mình lẩn lộn giữa mơ và thật! Nhưng cũng cứ viết ra đây cho mọi người chiêm nghiệm. Theo tôi nghĩ kỹ lại thì chắc là mơ... nhưng chẳng lẽ ký ức một thời chiến tranh lại sâu đậm đến thế sao? Lại chui vào giấc ngũ đời thường của tôi ngay tại một nơi chẳng dính dáng gì tới chiến tranh sao?


Trận này ngồi nghiệm lại, tôi thấy như là mình dùng sức ép... cho nó rút vậy. Chúng tôi dàn quân hàng ngang xông tới, túng thế thì nó rút chạy qua Thái Lan là xong. 
Hướng tấn công của tiểu đoàn 3 trung đoàn 4 đại khái là như thế, tuy nhiên bên phía các đơn vị bạn và nhất là trên hướng tấn công của trung đoàn 174 thì không phải đơn giản như vậy... Nhưng tôi thấy không tiện khi viết ra đây những lời của lính tráng truyền miệng, sợ không chính xác. Hy vọng là sau này sẽ có nhiều bài viết của lính 174 kể chuyện đời lính cho mọi người cùng nghe và chiêm nghiệm thì hay quá!

Chúng tôi tuần tra một đoạn cái căn cứ mình vừa chiếm được, tôi tiến vào một căn hầm chỉ huy bằng bê tông cốt thép, có lỗ châu mai đàng hoàng (như công sự của Việt Nam cộng hòa trước đây) đồ vật vương vãi... Tôi lấy một xấp giấy pơ-luya-pho còn mới cáu cạnh làm chiến lợi phẩm, ý là dùng để viết thư về gia đình, có thuốc Tây nằm rơi vãi dưới sàn nhà, tôi hốt lấy một mớ lọ thuốc Peniciline và một bộ đồ rằn ri của lính Pa-ra (sắc lính nào mặc đồ rằn ri thì chúng tôi gọi là lính Pa-ra) còn mới cứng tôi cho vào ba lô luôn. Bộ đồ này mặc ngầu lắm, nó lớn hơn hẳn so với khổ người của tôi (chắc đồ viện trợ chiến tranh của địch), tôi có mặc nó vài lần rồi cho ai, hoặc đô thà-nam chụa (đổi thuốc lá hút) lúc nào không nhớ.
Ngay lúc đó có lệnh di chuyển, nên tôi chỉ thu được nhiêu đó. Đại đội tôi được bố trí tại một vùng đất ướt lép nhép ở bên ngoài căn cứ, nhiệm vụ là chốt chặn đề phòng địch phản kích, sẳn xấp giấy pơ-luya chiến lợi phẩm tôi lấy ra chia cho anh em lót ba-lô, súng đạn. Vậy là không còn giấy viết thơ, nhưng không thành vấn đề, chỉ cần một cuốn tập 100 trang có hình cô gái Thái Lan xinh đẹp là đủ dùng cho tôi cả năm rồi.
Hoàn thành nhiệm vụ, trung đoàn 4 kéo quân trở về với rất nhiều chiến lợi phẩm, hầu như toàn bộ gạo đạn của các nước đế quốc viện trợ cho cái ổ phản động lưu vong, cái căn cứ kháng chiến của chính phủ Xon-xan này bị chúng tôi tịch thu hết, có cả xe máy, tranh ảnh, tài liệu... Đó là phần nổi để các xếp trung đoàn báo công, còn mấy cái linh tinh nhẹ nhàng như quần áo, thuốc men, nhu yếu phẩm, các anh lính bộ binh chúng tôi nhặt sạch, cũng chẳng làm giàu làm có gì, đô mia chút đỉnh dằn túi, có anh làm được cái nhẩn “bây chi”, riêng đại đội tôi vì có lệnh đi chốt chặn sớm, nên tôi chỉ kiếm được chút cháo như đã khai báo ở đoạn trên.

Tiểu đoàn 3 rút ra lập trận địa phòng ngự tại một địa điểm gần căn cứ Công-xi-lốp vài ngày, rồi có lệnh phá hủy công sự, rút quân trở về, sẳn mìn MK3 được trang bị lúc đánh Công-xi-lốp, lính tráng rút chốt thảy vô hầm nổ ụp ụp cho sập xuống là xong.

Riêng đại đội tôi được phân công ở lại lập trận địa phòng ngự tại một địa điểm khác cũng gần căn cứ gần Công-xi-lốp, trung đội tôi được bố trí nằm bên tay phải một con đường bò từ trong nội địa của ta đi đến cái căn cứ này. 
Chúng tôi sống ở đây cũng khá đàng hoàng, sáng dậy chúng tôi nấu nước pha trà uống lai rai. Rồi một sáng nọ chúng tôi đang uống trà thì có một anh bạn C12 trên đường đi truy quét ghé vào uống nước. Đó là anh Lê Hùng Dũng dân thành đoàn, nhập ngũ cùng ngày với tôi, học chung trường huấn luyện tân binh, chung trường huấn luyện hạ sĩ quan, trước đây lại làm việc chung cơ quan thành đoàn với chị tôi nên chúng tôi rất thân. 
Tôi luôn coi anh là bậc đàn anh của mình, tôi vẫn còn nhớ tháng 4/79, gặp anh bên bờ sông Tôn-lê-sáp, anh cho tôi 2m vải katê xanh để tôi cột làm võng nằm đở. Vậy mà có nằm được đâu, khổ vải nhỏ quá, dây võng không níu được, nó cứ tuột ra làm tôi ngã đập đít xuống đất mấy lần, hôm sau đồng đội trong đơn vị kêu tôi lấy nó ra đổi cá ăn cải thiện... Cái ơn nghĩa đó đến nay tôi còn vẫn nhớ. 
Anh Dũng uống vài chén trà nhạt rồi  dẩn tiểu đội đi tiếp...
Mấy tiếng đồng hồ sau, đồng đội khiêng  anh về trong cái võng màu xanh quân đội. Đến chốt của tôi, tốp lính đó dừng lại vào uống nước, tôi hỏi: 
- Ai vậy? 
Có tiếng trả lời: 
- Anh Dũng tiểu đội trưởng. 
Có người nào đó trong đội nói:
- Anh này số chết, lẽ ra là tiểu đội trưởng anh không phải đi đầu, vậy mà lúc gần tới Công-xi-lốp thì anh lại giành đi đầu, bị lính Pa-ra nấp trong cứ bắn tỉa một phát, chết ngay tại trận.
Tôi lật võng ra nhìn, thấy mặt anh vàng bợt, anh chết lâu rồi, xác đã cứng, dáng anh thư sinh, nằm gọn lỏn trong chiếc võng hai lớp.
Mắt anh còn mở, anh chết trẻ và đột ngột như vậy làm sao mà nhắm mắt cho yên được! Tôi vuốt mắt cho anh, thật lâu, thật lâu. Cố làm sao cho cái hơi ấm từ lòng bàn tay của mình làm mềm mi mắt anh lại, để anh nhắm mắt xuôi tay mà yên nghĩ.
Và rồi mắt anh cũng hơi khép lại. Nhìn anh tôi thấy lòng mình bâng khuâng xúc động. Đậy võng lại, tôi chép miệng: 
-Tại số thôi!
Cũng ngay trận địa Công-xi-lốp này, cách nay mấy ngày tôi đã bị bắn tỉa mà không chết. Căn cứ này bị triệt thoái rồi, vậy mà nay vẫn còn có thằng vào đó nấp mà bắn tỉa, hạ được anh. Không phải tại anh vắn số là gì? 
Than ôi, con người sống chết có số, một đoàn viên ưu tú như vậy, một tiểu đội trưởng ngon lành như vậy, vậy mà vắn số!

Viết tới anh Lê Hùng Dũng, bỗng dưng tôi nhớ tới khí thế của những quân nhân nhập ngũ ngày 03/12/1978, toàn là đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, trong đó có những cán bộ thành đoàn như anh Lê Hùng Dũng, anh Nguyễn Văn Hoan (anh Hoan hy sinh năm 1979, đi truy quét bị lính Pôn Pốt bắn chết trên một con đường sắt, tôi không chứng kiến tận mắt, chỉ nghe anh em C12 nói lại), nhớ tới một anh bạn mặt mụn, anh tên Trung thì phải? Dáng anh cao cao, gặp ai cũng kêu là Sáu Bảnh, anh có cùng tôi đi đánh cái trận (hình như ở Âm-leng) cuối tháng 3/79, trận này D3 bị chết nhiều, không biết anh có hy sinh không ? Tôi nhớ trước khi dàn quân vào trận đánh, anh cũng vác khẩu B41 như tôi, còn đứng nói chuyện pha trò Sáu Bảnh, sau trận này tôi không gặp lại anh nửa, hay là anh đã hy sinh trong trận đánh đó rồi! 
Nhớ tới dân thành đoàn nhập ngũ ngày 3/12, tự dưng tôi nhớ tới những bài hùng ca một thời được các anh cầm càn hát rôm rả trên cái thao trường nắng đỏ da người của trung tâm huấn luyện Quang Trung cuối năm 1978:
Cùng nhau đi hồng binh
Đồng tâm ta đều bước
Đừng cho quân thù thoát
Ta quyết chí hy sinh...   
Các anh em bạn của tôi nhập ngũ ngày đó, đã hy sinh nhiều lắm trong những trận đánh năm 1979, 1980 nay không biết có ai thống kê xem còn lại được bao nhiêu người?
Tôi nhớ cái anh bạn tên Nguyễn Văn Mười Một, nước da ngăm đen, trong thời gian ở trung tâm huấn luyện Quang Trung vẫn thường cùng tôi tha thẩn đi chơi hoặc ngồi uống nước căng-tin nói chuyện đời thường. Sáng chủ nhật hai đứa thường kéo nhau ra Vườn Tao Ngộ chơi, dù chúng tôi không có người yêu, nhưng vẫn cứ ra đó, may ra gặp được người nhà. Anh ở đâu? Sao từ ngày đi K đến giờ tôi không gặp lại anh, hai đứa mình đứt liên lạc với nhau khi nào vậy cà? Tôi Hùng, còn sống đây, có gì liên lạc với tôi qua email hung19602000@yahoo.com , tôi không thích nghe điện thoại, mỗi lần nghe chuông điện thoại tôi mệt tim lắm, nên tôi không ghi số điện thoại ra đây, mong anh em thông cảm.

Hồi thứ 13. PHUM PREAV
Chốt ở đường bò đó khoảng 1 tuần thì đại đội 13 được lệnh phá hủy công sự trở về Sophia, riêng trung đội tôi lại được phân công chốt giữ phum Prê-ao nhằm bảo vệ từ xa trận địa pháo 105 đóng ở suối cạn, hướng Bắc phum Sophia.
Prê-ao là một vùng đất cát nằm giữa trục đường từ ngã ba Nimith đi Đăng-cum, từ Prê-ao đi theo hướng Nam 2km vể tới suối sâu, đi tiếp 3km nửa là về tới suối cạn, đi tiếp 3km nửa là về tới phum Sophia, vị chi là 8km. Phum Prê-ao có rất nhiều cây dừa, có cả những cây dầu cổ thụ cành lá xum xuê, trung đội chúng tôi quân số khoảng trên 10 người chốt giữ ở đây, trung đội trưởng là đồng chí Thành (anh em thường gọi là Thành bao tử, vì anh thường hay lên cơn đau bao tử).
Phum Prê-ao bỏ hoang từ lâu lắm rồi, chắc từ thời Pôn Pốt, nhà cửa chẳng còn cái nào nguyên vẹn, nhưng vật liệu xây dựng từ các căn nhà hoang tàn đổ nát thì nhiều, chúng tôi vác những cột gỗ tròn to bằng bắp vế làm nóc công sự hình chữ U cực kỳ kiên cố, lấy gỗ, tôn làm lán trại dã chiến.
Vật liệu có sẳn, đất cát lại dễ đào, nên chỉ trong một ngày là chúng tôi đã làm xong công sự chiến đấu và nhà ở. Hàng ngày chúng tôi tổ chức đi truy quét lên hướng Bắc hoặc xuống hướng Nam một đoạn vài cây số rồi quay về.

Không biết tại sao tiểu đội tôi lại thường hay được phân công đi truy quét về hướng Nam. Chúng tôi đi một đoạn khoảng 2 cây số, đến khu vực suối sâu đứng nấp đâu đó, quan sát cảnh giới một chập rồi quay về.
Về cách nhà chừng một cây số thì chúng tôi đi ngang qua một rừng hoa dại mọc ven đường, tại chổ này có một thân cây bằng lăng đổ, tôi thường dừng lại tại đó, cho anh em phân tán ra nghỉ. Cái cây này thế nó ngã đẹp lắm, gốc nó nằm ven đường lộ, nó ngã vào bên trong vuông góc với lộ, gốc nó lại to, cao tới thắt lưng. Nằm sau cái cây này tận dụng nó làm công sự chiến đấu thật tốt, chỉ cần một người ngồi canh gát, còn lại toàn bộ nằm ngũ cũng chẳng sao. Nói vậy chứ sao mà ngũ được, nhưng nằm ngắm cảnh thì tuyệt vời.
Tại đây, tôi thường cởi bao-xe đạn ra, lấy nó gối  đầu, mặt quay về hướng lộ, còn mình thì nằm trên thảm hoa dại màu tim tím. Thảm hoa này mọc tập trung, khá rộng, ra hoa thường xuyên, tôi ở Prê-ao một tháng, ra đây nằm thưởng thức hoa lá mây trời cũng được vài lần. Hoa này tên gì tôi không biết, cánh hoa của nó mảnh mai như sao nhái, hơi giống hoa cúc dại màu tím của mình nhưng chỉ thấp hơn chỉ cao ngang đầu gối.
Nằm giữa thảm hoa, hai bên mắt tôi toàn là hoa và lá, cảnh tượng thật nên thơ, rung động lòng người lính trẻ... Tôi ngước mắt nhìn trời, tháng bảy mưa ngâu, trên trời mây trắng rất nhiều. Bầu trời trong xanh, từng cụm, từng cụm mây trắng lửng lờ trôi, chúng tuần tự diễu hành qua đôi mắt của tôi, thiên hình vạn trạng, không cụm mây nào giống cụm mây nào.
Nhìn trời xanh, mây trắng
Gió thổi hiu hiu, hoa lay lất phất...
Tôi cảm thấy đời lính của mình tuy gian khó nhưng lúc này sao lại quá nên thơ, lãng mạn như một thước phim hay.





Có lẽ khoảng thời gian ngắn ngủi say sưa với trời đất này, cái rung động trước cảnh ngàn năm mây bay này, nó đã thôi thúc tôi quyết định về vườn sớm. Năm 46 tuổi tôi dứt khoát rời bỏ Sài gòn về quê tôi ở Bến Tre sống, để hòa mình với thiên nhiên, thưởng thức trời, trăng, mây nước... Nhưng cảnh vật thiên nhiên ở thị xã Bến Tre quê tôi lúc này đô thị hóa rồi, không nên thơ đâu! Chỉ đáng vài điểm so với cái thiên đàng trời-mây-hoa-lá của tôi ở Prê-ao 10 điểm.
Thường thì tôi chỉ nằm ngắm nghía cảnh vật chừng mười lăm phút rồi kéo quân về. Mười lăm phút ấy biết bao nhiêu tình, tôi đã từng dặn với lòng mình là phải miêu tả lại cho được cái cảnh đẹp rung động lòng người này cho mọi người thưởng thức, nhưng không biết là tôi tả cảnh có hay không? Chắc chỉ đáng vài điểm so với cảnh vật ngoài đời 10 điểm.

Ban ngày thì tôi làm bạn với trời mây, đêm tối tôi lại làm bạn với tắc kè. Hàng đêm chúng tôi chia nhau canh gát cực kỳ nghiêm ngặt, vì mình chốt độc lập, lạnh lưng nên rất cảnh giác! Một phiên gát đêm rất lâu, tiểu đội chỉ mấy người, nên mỗi người phải gát tới mấy tiếng đồng hồ. Đêm khuya thanh vắng, không gian cực kỳ tỉnh lặng, tôi đeo súng đi qua đi lại chán, rồi kiếm chổ khuất mà đứng, đứng đã rồi kiếm chổ mà ngồi, đầu óc trống rỗng, vô tư không lo nghĩ điều gì. Chỉ có mấy con tắc kè trên cây là bạn với tôi, thỉnh thoảng nó lại kêu một tràng tiếng tắc kè, tắc kè...
Nhiều lúc tôi cũng để ý đếm xem tắc kè kêu bao nhiêu tiếng, chẳn lẻ thế nào. Theo lời truyền miệng thì người ta thường đếm xem tắc kè kêu bao nhiêu tiếng để đoán hên xui, tôi không biết cách tính hên xui như thế nào, nên cũng chẳng quan tâm. Nhưng chẳng có việc gì làm thì đếm tiếng tắc kè kêu cho qua ngày đoạn tháng, mà thực ra tôi cũng chẳng  nhớ tắc kè kêu mấy tiếng. Hình như nó kêu nhiều lắm, cả chục tiếng thì phải, không phải một con mà có tới mấy con thay nhau kêu.
Tôi nhờ có mấy con tắc kè này làm bạn trong khoảng thời gian hiu quạnh đó, nên giờ còn nhớ tới nó. Đã hai mươi chín năm trôi qua rồi, mấy con bạn tắc kè này, nay chắc đã đầu thay chín kiếp!
Rồi một buổi sáng nọ, tôi dẩn tiểu đội của mình đi thông đường về phía suối sâu. Chúng tôi đi hàng dọc, AK đi trước, hỏa lực theo sau, cách nhau người 10m, cẩn trọng hành quân trong sự yên lặng, cảnh giác. Đến suối sâu, tôi phân tán cho anh em đứng nấp sau các thân cây dầu to ven đường mà nghỉ chân, cảnh giới.
Phía sau chúng tôi có tiếng ồn ào, một tốp lính đang cáng bệnh từ trong tiểu đoàn 2 ở Đăng Cum đi ra K23 ở ngã ba Nimith... Đột nhiên có một tràng tiểu liên AK quất thẳng vào cái đám người ồn ào đó.
Ngay lập tức, anh bệnh binh đang nằm thiêm thiếp trên cáng, bật dậy như lò xo, chạy thẳng một hơi vượt qua suối sâu về Nimith, để lại mấy anh lính mang võng lót tót chạy phía sau, quay lại mếu máo nói với chúng tôi:
- Đ.M nó bệnh sắp chết mà chạy còn nhanh hơn tụi này!
Tôi mĩm cười lắc đầu chẳng biết nói sao. Anh ta không có súng trong tay, tẩu vi thượng sách.
Chúng tôi lúc này cứng cựa rồi, ba cái vụ tập kích nhỏ lẻ như vậy ăn nhằm gì, chúng tôi có hỏa lực mạnh trong tay, đã trãi qua chiến trận, được huấn luyện chiến đấu bài bản... Và chúng tôi đang chờ xem diển biến tiếp theo của trận tập kích này là gì?
Thằng Pa-ra coi vậy mà lại sợ, không dám nhào ra chơi tiếp, nó co giò chạy thục mạng vào rừng sâu. Khu vực suối sâu lại yên tỉnh, tốp lính tải bệnh lội qua suối sâu, đi tiếp về tuyến sau, còn chúng tôi quay trở lại trận địa của mình trong trạng thái căng thẳng và thấy càng phải cảnh giác hơn vì sự quấy rối vừa rồi.
Ta đang ngoài sáng, còn địch trong tối.
Đi qua cây bằng lăng cổ thụ trốc gốc, qua thảm cỏ hoa của mình, tôi chép miệng từ giả mày nhe! Tình cảnh này không thể nằm ngắm trời-mây-hoa-lá nửa rồi, chúng tôi đi thẳng về nhà báo cáo tình hình.

Không phải bọn địch chỉ phá rối trên tuyến đường này đâu, chúng còn có những hoạt động đánh phá khác, mạnh hơn... vào điểm yếu cố hữu của bất kỳ đoàn quân viễn chinh nào, đó là đánh vào con đường hậu cần, tiếp lương, tải đạn.

Đoàn xe hậu cần chở thực phẩm từ Việt Nam sang tiếp tế cho chúng tôi ở tuyến trên bị phục kích... Kết quả là không có muối phát cho bộ đội, thiếu muối  lập tức chúng tôi bị suy giãm về thể lực, vì lý do đó trung đội tôi được lệnh rút quân về Sophia.
Chúng tôi cắt đường rừng về đại đội, chỉ 8 cây số thôi vậy mà đi từ trưa đến chiều mới tới, vì đường rừng khó đi, vì sức khỏe anh em bị suy giãm. Nói sức khỏe kém là nói chung thôi, chứ riêng tôi, lúc đó tôi thấy sức mình còn chịu đựng được.

Về đến đầu phum Sophia tôi thấy làng mình lúc này coi bộ đông vui hơn trước nhiều. Công sự ngay đầu làng do một anh bạn vui tính đóng chốt, đó là anh Minh heo, lính nhập ngũ tháng 3/79, tôi cũng không biết tại sao anh có biệt danh này, nhưng coi bộ anh không buồn phiền gì lắm với cái danh hiệu bất nhã đó.
Chúng tôi tấp vào chốt của anh Minh ngồi chơi xơi nước, còn trung đội trưởng thì đi nhận địa điểm bố trí quân.

Nói đến cái chốt đầu phum Sophia tự dưng lính tiểu đoàn 3 nhớ ngay đến nhà bà  tiếng Việt, bà này thực ra cũng còn trẻ, U40 thôi, bà có một cô con gái: chơ chuôn Campuchia nước da đen dòn, hàm răng trăng bóc (chơ chuôn nghĩa là nhân dân). Cô này xinh lắm, nhiều anh để ý, trong đó chắc là có anh Minh nhà mình. Anh cắm chốt ở đó, ngay hậu phương nhà bà, cai quản luôn cái khu vực tắm rửa và vườn chuối nhà bà, cái vườn chuối này hai mẹ con bà mỗi ngày vẫn thường hay ra... bứt cỏ khi cần thiết.

Anh nằm đó, ngắm nghía cô em hàng ngày, không biết có thấy gì không?
Nhiều chuyện vui lắm về mẹ con bà này nhưng kể ra không tiện. Thấy mới tin, tôi chỉ kể chuyện mình thấy thôi, còn chuyện lính tráng truyền miệng thì không dám viết ra đây, sợ không chính xác anh em bắt lỗi.
Trong số những người ái mộ cô con gái bà tiếng Việt này có tôi trong đó, nhưng tôi chỉ là fan hâm mộ thôi:
Vì cô trẻ trung,
xinh xắn,
nhỏ nhắn,
xinh tươi...
Chứ thật ra tôi thích cô khác.

14.   TÌNH CẢM QUÂN DÂN SOPHIA
Về lại Sophia trung đội chúng tôi được bố trí ngay vào khu vực đầu phum, bên phải con lộ đất nối ngã ba Nimith đến Đăng-cum. Phía sau trung đội tôi chừng 100m có 1 hồ nước nhỏ, núp sau lùm cây rậm rạp, bây giờ lên Google Maps vẫn còn nhìn thấy nó nằm trong cụm 3 hồ nước nhỏ, cái phum Sophia (không có tên trên bản đồ) nằm cách ngã ba Nimith 2 cây số qua gần 30 năm tôi thấy ít thay đổi, có lẽ vì năm 1981 dân làng bị di dời, cái phum này bỏ hoang, không ai rãnh mà vô đây san lấp, xây dựng, sửa chữa .v.v.

Từ ngày thành lập mặt trận 479 đến nay, tiểu đoàn 3 luôn luôn được phân công là đơn vị cơ động của trung đoàn 4, chúng tôi chốt ở đây kể như là hưởng nhàn, vì phum Sophia là khu vực trung tâm của trung đoàn, không có địch... Tuy nhiên cái gì cũng có luật bù trừ của nó, chốt ở Sophia thì sướng, nhưng ở yên không được bao lâu, vài tháng một lần chúng tôi lại phải lên đường đi truy quét hoặc đánh điểm, hy sinh, gian khổ, hiểm nguy nhiều lắm! Rồi từ từ tôi kể bạn nghe.

Tiểu đoàn 1 lúc đó chốt ở cửa khẩu Poi Pet giáp biên giới Thái Lan coi vậy mà... êm, vì chủ trương của Thái Lan là không trực tiếp đụng chạm đến Việt Nam, họ chỉ tiếp tay cho Pôn Pốt và các thế lực phản động lưu vong của Campuchia đánh Việt Nam thôi. Chỉ có những cao thủ mới chơi được nước cờ này: Kẻ thù của kẻ thù là bạn của mình. Bắc Kinh cũng chơi cái nước cờ này: Nó nuôi dưỡng kẻ thù của Việt Nam để đánh Việt Nam. Chỉ tội nghiệp cho những thằng lính chúng tôi gồng lên mà chịu trận!

Tiểu đoàn 2 đóng ở Đăng-cum tuy vững như bàn thạch, nhưng bấy giờ cũng đang oải lắm, vì hay bị địch quấy nhiểu, như cái kiểu thằng Pa-ra bắn lén vài phát ở suối sâu kể ở chương trước. Nếu ta chủ quan khinh địch, ngũ quên trên chiến thắng, thì kẻ thù xông vô làm thịt ta liền!

Nhận chốt, ổn định chổ ở xong xuôi, chiều hôm sau chúng tôi lò dò ra phum chơi, cùng đi có anh Thạch trung đội trưởng. Từ cái chốt của tôi, bước ra đầu phum chỉ khoảng hơn 100m là tới lộ. Tôi đi tà tà trên trục lộ chính, được vài chục bước chân thì ghé vào một nhà dân. Nhà này đang giã gạo, một cô gái dáng người cao ráo, ngực nở eo thon, vận chiếc áo sơ mi trắng bó sát thân hình cân đối, đang đứng đạp cối.
Cô nhún lên cái cần giả gạo, để cần giả bật lên theo nguyên tắc đòn bẩy, rồi thả lỏng chân ra cho cái chày nện vào cái cối. Cứ thế mà giả cho hạt thóc tróc vỏ ra thành gạo.
Anh Thạch thấy  gái đẹp thì muốn làm quen, kéo tôi vô liền, xin cho coong tôp Việt Nam giả gạo với (coong tôp nghĩa là bộ đội). Cô cười tươi, xin mời và né ra.
Tôi không rành tiếng Campuchia tất nhiên là tôi phải giả gạo rồi! Còn anh Thạch thì đứng nói chuyện với người đẹp. Nói chuyện một hồi thì cô xôm lia, và lịch sự mời chúng tôi ghé nhà chơi.
Chúng tôi ở đó giả gạo cho xong, nói chuyện với bà mẹ Campuchia chủ căn nhà đó chút đỉnh rồi cũng xôm lia me chúng tôi đi.Vừa rời khỏi nhà, anh Thạch rủ tôi tới nhà cô gái hồi nảy chơi đi. Tất nhiên là tôi đi liền, bụng bảo dạ: Không phải chỉ mình anh thích cô ta đâu, tôi cũng thích chứ bộ! Tướng tá cô đẹp như người mẫu mà đám con trai chúng tôi không thích thì chắc là bị bệnh ghét đàn bà của mấy ẻm quá! Chúng tôi lính tráng, nam tính đầy mình mà.

Thế là chúng tôi hiên ngang lên đường đi thăm nhà người đẹp, nhà cô bên kia đường, theo con đường mòn nhỏ chừng 100m thì tới. Căn nhà sàn của gia đình cô cao ráo, rộng rãi, vững vàng. Tiếp đón hai anh em tôi là ba mẹ và anh trai của cô ấy, còn cô thì có vẽ e lệ, thục thò. Tất nhiên thôi, con gái mà, chẳng lẽ gặp trai thì nhào ra tiếp chuyện liền sao?
Ở Campuchia thời điểm đó dân thương bộ đội lắm, bộ đội tới nhà chơi, cả nhà ra đón. Rồi chúng tôi biết tên cô là Thêng, là con gái thứ của gia đình. Cô có một người anh có vợ ở riêng gần đó và mấy đứa em.

Số tôi số... hưởng, công anh Thạch làm quen vậy mà tôi lại được cảm tình của cô Thêng và của cả nhà cô. Có lẽ do bận làm quen với mấy em mê-mai khác chịu chơi hơn mà anh Thạch từ từ lui ra, để lại một mình tôi thường xuyên lui tới nhà cô Thêng để chơi... với ba cô, với người anh trai của cô và cái chính là để được gặp gỡ nói chuyện với cô.

Thỉnh thoảng cô mời tôi ở lại ăn cơm, mời rất trang trọng, phi-xa bai boòng (Ở Campuchia phân biệt rõ 3 loại từ ăn, xi bai là ăn cơm - tiếng thông dụng - thường chỉ nói với mấy đứa con nít, hốp bai là ăn cơm - tiếng lịch sự - để nói với người đồng lứa, phi-xa bai là dùng cơm - tiếng trang trọng để nói với người trênkẻ trước)... Tôi vẫn thường được ăn những bửa cơm ngon tại nhà em Thêng, cơm gạo trắng giả tay ăn với canh cá nấu với mắm bò hốc, rất ngon, rất đậm đà.

Có một lần tôi còn được anh trai cô ấy mời dùng cơm với món đặc sản là canh thịt gà nấu mắm bò hốc và lá cần sa (một loại lá hút gây ảo giác như ma túy). Lá cần sa ở Campuchia rẻ thôi, mười bath (tiền Thái) một bó, (bằng giá vài gói thuốc lá thơm). Lá cần sa giống lá tần ô, dân Campuchia lấy lá cần sa nấu canh như mình nấu canh rau tần ô với cá thác lát. Món canh đó ngon lắm, tôi chỉ được thưởng thức một lần trong đời, nay hương vị ra sao tôi chẳng tài nào nhớ nổi.

Do thấy tôi đàng hoàng, chửng chạc, nên ba em Thêng rất quí tôi, ông thường ngồi tiếp cơm tôi trên phòng khách, bát đĩa trắng tinh được em Thêng dọn ra trang trọng. Tôi dùng cơm với ông mà bụng dạ để ở nhà dưới, nơi em Thêng đang ngồi ăn với mẹ và mấy đứa nhỏ, có lần tôi ra nhà sau rửa miệng, lấy nước uống, thấy em Thêng đang ngồi bốc cơm ăn rất ngon lành, gặp tôi em lúng túng, mắt lúng la lúng liếng, miệng lúng ba lúng búng, mời phi-xa bai boòng... Thì ra cái mâm cơm tôi ăn với ông già trên phòng khách thuộc loại mâm cao cổ đầy, còn nhà dưới chỉ ăn cơm mắm, bốc tay, qua ngày thế thôi! Tôi tuổi trẻ vô tâm, chưa lịch duyệt sự đời đã từng ăn uống nhiều lần món ngon, vật lạ của các ba, các mẹ, các anh, các chị Campuchia mà chưa lần nào bày tỏ được một tiếng or-cuôn trân trọng tận đáy lòng để người cho hả dạ.
Cái công chúng tôi đổ mồ hôi xương máu đánh đuổi Pôn Pốt đã được người dân Campuchia đền đáp hậu hỉ bằng chính miếng ăn của họ. Hơn hẳn cái sự đãi ngộ của các cơ quan thẩm quyền của Việt Nam đối với chúng tôi khi về nước. Huân chương họ cũng xù luôn không cấp... tất nhiên đây là lỗi của mấy anh làm chính sách, chứ theo chính sách thì tốt lắm, lính hoàn thành nghĩa vụ ở K về đều được thưởng huân chương.

Nghĩ mà buồn cho thế thái nhân tình, đối xử với những người lính chiến như thế, hỏi khi hữu sự ai dám bỏ mạng cho mình, hay nó sẽ chạy tét ghèn như đám lính Pa-ra ở Công-xi-lôp, để lại nguyên cái kho hậu cần mời anh xơi... Đây thuộc phạm trù tư tưởng đấy, mấy anh chính trị viên đại đội rất hiểu điều này, nhờ vậy được lính nể, ra trận hô xung phong thì lính tráng hò nhau xung phong, biết rằng ăn đạn, đá mìn cũng lên... Trong quân đội cũng có một số anh ù lì, tục tạt, nhưng số này ít thôi, bị anh em ghét bỏ như chó, vì nó không làm thì anh em phải làm, cuốc xẻng phát từ dưới phát lên mà.

Thế mới biết tại sao bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Campuchia lại nặng tình với dân Canpuchia nơi họ đóng quân như vậy. Vì họ đã được đối xử rất NGƯỜI, được dân thương yêu đùm bọc cơm áo, nghĩa tình.
Nợ tiền không nặng.
Nợ cơm áo, nợ nghĩa tình, mới là nặng nợ!
Nguồn: Vnmilitaryhistory

Tìm kiếm Blog này