Tim thông tin blog này:

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2018

Chuyện lính K: Ngả Ba con voi (III)

H3 Hùng

9.   DON THOMO
Thượng tuần tháng 12/79 tôi trở về Nimith, đêm đó tại bãi tập kết quân giữa phum Sophia trăng sáng vằng vặt, tôi viết thư về nhà mà không cần dùng tới ánh đèn. Lính tráng đốt lửa để sinh hoạt, còn tôi thì tận dụng ánh lửa đó để viết thư. Tôi đang nằm chờ tại đây để hội quân với đơn vị của mình đang trở về từ Cao Mê-lai. 
Đại đội chúng tôi trở về Sophia cũng trong đêm đó, đợt xuất kích này không có tử sỉ, nhưng quân binh tàn tạ vì sơn lam chướng khí, hầu hết quân số đều mang bệnh sốt rét mãn tính. Chỉ còn tôi và một số đồng chí đi học về là mạnh khỏe, là nòng cốt của đơn vị lúc này
Đội quân bệnh hoạn này không tự hành quân được, xe GMC của trung đoàn đưa chúng tôi tiến vào Don Thomo từ hướng Bắc phum Diêng..
Don Thonmo, nghĩa tiếng Việt có nghĩa là Giếng Đá (don là giếng, thomo là đá). Đây là địa điểm mà thời trước, người ta đã cho khai thác đá để làm quốc lộ số 5 và đường sắt đi Poipet.
Đơn vị bạn để lại căn cứ Don Thomo cho chúng tôi cũng đầy đủ nhà ở, công sự, giao thông hào nên chúng tôi cũng không vất vả lắm về việc cũng cố doanh trại... Đại đội ngày càng thưa thớt, các bệnh binh lần lượt được chuyển lên tuyến trên điều trị, có người vào trạm xá trung đoàn, những người nặng hơn thì chuyển về bệnh xá sư đoàn ở Sisophon, nặng hơn nửa thì đi bệnh viện 7E ở Xiêm Riệp.
Cả tiểu đoàn vào đợt cũng cố, ban ngày đào hào cũng cố công sự, tối đến thắp đèn tập bài bắn  ban đêm với mục tiêu là bia mẹ bồng con, tượng trưng cho hai thằng xạ thủ đang bắn đại liên. 
Đêm đêm chúng tôi ngồi canh gát trước đội hình, nhìn về phía Tây thấy sáng rực một góc trời, đó là ánh sáng đô thành... của một thị trấn Thái Lan yên bình, chúng tôi đang ở rất gần cửa khẩu Poipet và cái thị trấn đó, không tới 10km đường chim bay.
Chúng tôi sinh hoạt ở Don Thomo vào mùa khô khá thoải mái nhờ vào các giếng đá tích trữ đầy nước mùa mưa, vào mùa khô mọc đầy bông súng, chúng tôi bứt bông súng làm nộm ăn cải thiện trong những tháng mùa khô hiếm hoi rau cỏ này.

   
Các bệnh binh được đưa đi điều trị rồi cũng lần lượt trở về. Doanh trại ngày càng được hoàn thiện hơn, các tuyến giao thông hào được nối mạng thông suốt. 
Khu rừng dầu nơi chúng tôi đóng quân, thỉnh thoảng lại có heo rừng đến viếng, nửa đêm nó theo đường mòn, chạy vào đội hình, vướng mìn nổ oành một tiếng. Chúng tôi xách súng ra thăm chừng, đôi khi lại có thịt rừng mà xơi. 
Có 1 lần nghe tiếng mểnh kêu tát tát, tôi leo lên cây mà coi, thấy rõ ràng một con mểnh to khoảng 30, 40 kg lông vàng lườm, tướng tá giống như con nai. Tôi xuống, xách súng, leo lên cây... thì nó chạy đâu mất rồi! 
Trong đơn vị tôi có đồng chi Vi, đại đội phó quân sự, dân tộc Tày, người Thái Nguyên giỏi săn bắn. Một chiều nọ anh vác súng vào rừng săn được một con mểnh to, anh lắt bỏ hai hòn dái của nó (cho thịt khỏi hôi) rồi về đơn vị kêu anh em đi khiêng xác con vật về cải thiện.
Cuối năm 1979, với nhiều chiến công  đạt được trong chiến tranh biên giới Tây Nam, trung đoàn 4 của chúng tôi cùng với trung đoàn 174 và sư đoàn 5 được tuyên dương danh hiệu đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang lần thứ hai.

Những cơn gió lạnh kéo về từng đợt, từng đợt báo hiệu năm hết tết đến. Năm nay chúng tôi ăn Tết lớn, một cái tết đầu tiên sau ngày Campuchia hoàn toàn giải phóng khỏi họa diệt chủng. Các thương bệnh binh đã trở về đơn vị đông đủ, quân số toàn đai đội lúc này khoảng trên 50 người, tất cả phấn khởi hồ hởi đón Tết.
Heo, bò, gà, trà, rượu, thuốc đủ cả. Năm đó chúng tôi đã ăn một cái Tết hoành tráng nhất trong đời lính. Bếp đại đội, bếp trung đội rộn ràng, rồi lính tráng các đơn vị qua lại ồn ào thăm viếng lẩn nhau, vui thì thật vui, nhưng vui lắm thì buồn nhiều... 
Xa quê hương nhớ mẹ hiền, cái buồn nhớ làm những người lính làm liều chơi ngông. Đầu têu cuộc chơi là cái anh pháo cao xạ 37 ly: Anh nhậu đã đời, rồi anh buồn tình, anh kéo pháo ra, anh nạp đạn vào, anh bắn đạn lửa, đạn vạch đỏ trời... trong cái đêm giao thừa 30 tết năm 1980. 

Sáng ngày mùng 1, theo chương trình chúng tôi lên đại đội chúc tết. Chúc tết xong, rượu mới ngà ngà, chúng tôi trở về trung đội ăn tết tiếp... bổng dưng súng nổ thay pháo. Đầu tiên là nổ ở hướng trung đoàn bộ, rồi tiểu đoàn, rồi các đại đội, rồi các trung đội... Vui quá, tôi cũng chơi luôn! 
Tôi xách cây trung liên RPD ra, dựng chân chống trên nóc chiến hào, chơi luôn nguyên nồi đạn 100 viên. Súng nổ, giật cành cành, cành cành liên tu bất tận, hết dây đạn 25 viên này thì súng tự động xả dây ra, kéo tiếp dây mới. Tôi say sưa bắn, hết dây thứ hai, sang dây thứ ba, thứ tư, tiếng đạn nổ liên thanh làm tôi cực kỳ phấn khích, nổi buồn nhớ cha, nhớ mẹ tan biến đâu mất! Máu chảy rần rần, mặt đỏ bừng bừng, mồ hôi ròng ròng, nòng súng đỏ rực, tôi còn muốn bắn tiếp nửa, tiếp mãi... thì đại đội trưởng Tý chạy xuống la:
-Ngưng bắn, ngưng bắn, tiểu đoàn nó chửi tôi! 
Phục tùng mệnh lệnh người chỉ huy gương mẫu của mình, tôi lật đật xách súng chạy vô, trong lúc vội vàng phần da non cánh tay phải của tôi chạm vào cái nòng súng cháy đỏ, lập tức nó lột da tay ngay tức khắc, để lại lớp mỡ trăng trắng, mấy năm sau vẫn còn thấy thẹo.
Chúng tôi đã ăn cái Tết chiến thắng đầu tiên trên đất bạn vào cái năm đó với rất nhiều rượu thịt và tiếng nổ của đại bác, pháo cao xạ, đạn tiểu liên... một cái tết huy hoàng, ồn ào và mất trật tự. 
Đang là thời chiến và trước mắt chúng tôi là quãng đời lính dài vằng vặc phía trước, chúng tôi đi không biết ngày về. Tất cả sĩ quan binh sĩ trên chiến trường đều hiểu như vậy và thấm thía nổi nhớ nhà... nên dù cái Tết năm ấy lính tráng chúng tôi bắn phá hao tốn như vậy, nhưng tất cả chúng tôi đều bình an vô sự, không ai bị kỹ luật gì, còn khiển trách rút kinh nghiệm thì đương nhiên là có, rồi thôi. 
Năm 1981 chúng tôi cũng ăn một cái tết hoành tráng như vậy, hậu phương và nước bạn Campuchia chung sức chăm sóc cho những người lính xa nhà chúng tôi ăn một cái tết đầy đủ rượu thịt, nhưng cái tết đó bình an, yên tỉnh, không một tiếng nổ mất trật tự. 
Chúng tôi chỉ được ăn 2 cái tết ở Don Thomo thôi, rồi phải đột ngột rời xa nó tức tưởi! Để rồi không biết đến cái tết thứ ba, bởi vì cái tết năm đó toàn bộ tiểu đoàn chúng tôi đã luồn sâu vào Nam Cao Mê-lai rồi.

10.   PHNOM MELAI

Cụm cao điểm này thực ra không cao lắm, ngọn núi cao nhất chỉ chừng ba trăm mét thôi. Nhưng cái hiểm trở ở đây là mùa khô không có nước, những người lính phải đào đá ra mà chắc lấy nước, cái chất nước rỉ ra từ trong đá đó trắng nhờ nhờ, đùng đục như nước vo gạo, uống vào chắc chắn là mang bệnh, còn không uống thì bị chết khát, anh chọn cái nào? 

Đây là vùng đất của bệnh sốt rét nổi tiếng khắp nước Campuchia, đến nổi người ta phải đúc tượng con voi quay đít bỏ Cao Mê-lai mà đi.
Cao Mê-lai là cứ điểm cuối cùng của tàn quân Pôn Pốt ở ngã ba con voi, vậy mà chúng tôi cứ truy kích tới hoài, cho nên chúng chống trả quyết liệt bằng mọi thủ đoạn như gài mìn, phục kích, tập kích nhằm tiêu hao sinh lực của ta. 

Cuối năm 1979 đại đội 13 vào tiếp quản Cao Mê-lai một cách êm thắm, không phải hy sinh một anh lính nào, nhưng giữ được nó thì cực kỳ khó... Rừng thiêng nước độc, sơn lam chướng khí đã quật đổ từng người, từng người lính một. 
Việc vận chuyển lương thực thực phẩm tiếp tế cho bộ đội giữ chốt cũng rất khó khăn, gian khổ, phải cắt đường mới, luồn rừng mà đi, tuyệt đối không đi vào lối mòn chắc chắn là vướng phải mìn. 
Cũng không được làm lộ đội hình hành quân, đã có một đơn vị vận tải chủ quan dừng lại dọc đường, ăn uống ồn ào bị Pôn Pôt tập kích một trận chết cả chục quân.

Sau khi đại đội 13 rút khỏi Mê-lai, có một đơn vị của tiểu đoàn 1 thay thế đóng chốt, trong giai đoạn này thỉnh thoảng chúng tôi có những đợt hành quân ngắn ngày mang vác gạo đạn trực chỉ Mê-lai để tiếp tế cho đơn vị bạn. 
Chúng tôi từ hướng đít con voi đi vào, đi hết đoạn đường bộ có quân ta chốt giữ thì cắt đường rừng trực chỉ Cao Mê-lai, chúng tôi luồn rừng thận trọng, nhẹ nhàng, yên phăng phắc, nhiều lần chúng tôi phải dừng lại chờ trinh sát mở đường. Dây leo chằng chịt, đường rừng mấp mô, thỉnh thoảng cắt ngang đường hành quân là một con suối đá cạn dòng. Phát hiện ra dấu chân voi còn mới, cả đoàn quân lại phải càng thêm thận trọng, đôi khi phát hiện cả phân voi nóng. 
Tránh voi không xấu mặt nào...
Chúng tôi thận trọng vậy thôi, chứ đi Cao Mêlai cả chục chuyến rồi, chúng tôi chưa từng chạm mặt với voi lần nào. 

Đường vào Cao Mê-lai nhiều suối to, nhưng mùa khô hoàn toàn khô cạn, trơ toàn sỏi đá. Cây rừng rậm rạp, có nhiều cây bằng lăng cổ thụ, thân gồ ghề, gốc chia thành nhiều phiến lớn như phiến đá, ba bốn người ngồi trong những phiến cây đó vẫn kín đáo an toàn. Nhiều dây leo chằng chịt to bằng cổ tay, dùng dao chặt đứt, nó lòi ra sớ gỗ màu đỏ bầm, có thể vắt lấy nước mà uống. Nói là có thể, chứ tôi chưa từng thấy ai vắt nó ra lấy nước uống, vì gỗ nó sơ cứng, rắn chắc lắm, thực khó mà vặn ra lấy được nước. Nhưng nó vắt ra nước được đấy, đó là bài học đi rừng của những người lính Cao Mêlai nơi nước uống cực kỳ quí hiếm! Những khi chết khát thì cái dây rừng này nó sẽ là cứu bạn đấy, bạn hãy chặt nó ra hoặc cắn xé nó ra mà mấp lấy nước, mấp lấy cái dưỡng chất đang nuôi sống nó để duy trì cái mạng sống của bạn.

Một lần đi truy quét Cao Mê-lai, chúng tôi dừng chân trên một con đường đất đỏ,  có lệnh đi lấy nước, tôi và anh Ba Duy (dân quận 4, nhập ngũ cùng đợt) đi ra phía sau đội hình hành quân để lấy nước... đến khi trở lên thì mất hút đội hình hành quân của mình.
Hai chúng tôi đi men theo con đường đất đỏ một đoạn, thấy phía trước có một thân cây lớn đổ chận ngang đường, chưa kịp quan sát  thì thằng Pôn Pốt đã nổ súng, một loạt đạn AK xé gió lao tới, cự ly bắn quá gần, đạn nổ chát chúa bên tai. Không suy nghĩ, không quan sát, chúng tôi bương thẳng vào rừng cây sát ngay bên cạnh. 
Trên đoạn đường đó, tôi đã đạp phải một bãi phân của  lính Pôn Pốt, nó xả ra ngay phía trước đội hình phòng ngự của nó... Đuổi kịp đội hình hành quân của  mình rồi tôi mới nghe thúi, tôi chùi giày vào cỏ cây đất cát xung quanh vẫn không hết mùi. Mìn của nó đã chen vào rãnh của đế giày, đi cả đêm hôm đó và cả ngày hôm sau nó biến ra thành đất nhảo.  
Mỗi lần đi vận tải cho Cao Mêlai, tôi đều tranh thủ ghé thăm anh bạn đồng hương quận Bình Thạnh, anh tên là Dần, bạn học từ thời cấp 1, làm lính thông tin tiểu đoàn 1, nay không biết ở đâu? Anh có đọc truyện này thì liên lạc với tôi nhé (email: hung19602000@yahoo.com).

10. PHNOM MELAI (tiếp theo)

Cần phải có một đơn vị chuyên trách Cao Mê-lai, nhiệm vụ này được giao cho trung đoàn 2 công an vũ trang đảm nhiệm vào năm 1980. Từ ngày trung đoàn này đảm nhiệm Cao Mê-lai, công việc của chúng tôi nhẹ đi rất nhiều. 
Những người lính của trung đoàn 2 chốt giữ Cao Mê-lai yên như bàn thạch, ấn tượng của tôi về những người lính này rất đẹp. Họ cũng là những người lính lam lũ, rách rưới như chúng tôi, nhưng không hề nghe họ phàn nàn kêu khổ. Họ rất cực vì ở một nơi khắc nghiệt nhất trên chiến trường và đã họ hoàn thành nhiệm vụ cực tốt mà chắc là ít ai biết tới họ. 
Bởi vì họ ở cái chốn khỉ ho cò gáy, cái chốn bị người đời quên lãng, có chăng nó chỉ đọng lại trong ký ức của những người lính bộ binh trung đoàn 4, những người lính trung đoàn 2 công an vũ trang... và những bà mẹ Campuchia ở Sophia.
Chúng tôi đi chiến dịch Cao Mê-lai trở về tàn tạ và bệnh hoạn, các bà mẹ Campuchia xúm xít hỏi thăm tin tức mấy đứa con... Các bà mẹ suýt xoa nói chuyện với nhau, thương cảm mấy đứa con bệnh hoạn, câu nói cửa miệng của các bà mẹ luôn là: “Khỏe như voi còn bỏ Cao Mê-lai mà đi, tội nghiệp các con phải đem thân vào chốn rừng thiêng nước độc”.
Quân đội của chúng ta có truyền thống đi dân mến ở dân thương, hình như trên đất nước chùa tháp này chỉ có duy nhất những người lính của quân đội nhân dân Việt Nam mới xưng con với các bà mẹ. Những người phụ nữ Campuchia chất phát, lam lũ và hiền lành có được những người con ăn ở phải phép như vậy tất nhiên là rất hả dạ, dù việc chăm sóc các đứa con nuôi này chắc chắn cũng gây khó khăn không ít cho các bà mẹ, vì dân Campuchia những năm đó nghèo lắm, thiếu thốn lắm, một gói thuốc rê, con gà, kí gạo có giá trị rất lớn.

Ghi chú 1: Khi viết xong truyện, tôi ngồi rà lại bản đồ của Google Maps và Google Earth mục đích là để kiếm cái tên Phnom Mê-lai... nhưng không thấy, vì các loại bản đồ của Google cung cấp trên mạng là bản đồ dân sự, họ không quan tâm tới chiến trường xưa của mình! 
Không nản chí, tôi tiếp tục tìm kiếm trên mạng, vào mục một thời máu và hoa của quansuvn.net tìm thì thấy anh em cựu chiến binh mình thời 78-80 trở về sau sinh hoạt trên diễn đàn này nhiều vô kể... lính Nam, lính Bắc đủ cả. Trên diễn đàn này anh em chỉ cho nhau biết địa chỉ truy cập bản đồ Đông dương trên mạng... và tôi đã vào trang web www.tuaans.110mb.com và trực tiếp vào thư  mục www.tuaans.110mb.com/Maps/CamMap_files/05-ND-48-09.jpg thì tìm thấy rõ ràng cái Phnom Melai của mình, cái vùng đất con voi bỏ đi ấy hiện rõ mồn một trên bản đồ quân sự với những đường bình độ ghi chú độ cao 322 và chữ PHNOM MELAI in hoa nghiêm chỉnh. Không những vậy, tất cả các địa danh khác như Takong Krao, phum Sophy, phum Preav, Yeang Đang Kum, Sisophon, Poipet... đủ cả. 
Tuân thủ cách ghi tên địa danh trên cái  bản đồ quân sự đã quá quen thuộc với anh em mình những năm 79, 80... tôi ghi nguyên si tên địa danh như vậy trong các hồi mục chính của quyển truyện này như một cách ôn lại kỹ niệm một thời máu và hoa của chúng  ta. Tuy nhiên, trong khi kể chuyện ngã ba con voi thì tôi vẫn viết tên địa danh theo cách gọi của anh em mình như Takong Krao là Tà-cuông Krao hoặc Preav là Prê-ao, để anh em đọc khỏi thấy lạ... Mong các đồng đội và bạn đọc thông cảm với cách ghi địa danh không thống nhất trước sau như một của tôi. 

Tìm được địa danh Phnom Melai trên một tấm bản đồ quân sự cách đây hơn 30 chục năm, tôi thực sự bồi hồi xúc động: Phnom Melai đây rồi, Cao Mê-lai đây rồi, còn kia là Nam Cao Mê-lai ở phía Nam... của Phnom Melai. 
Những cái địa danh ác ôn trên thực địa  này đã lấy đi biết bao nhiêu sinh mạng, mồ hôi và xương máu của những người lính trung đoàn 4 bộ binh, trung đoàn 2 công an vũ trang những năm đó!
Thấy địa danh Phnom Melai trên cái bản đồ quân sự được in ra cách nay trên 30 năm, tự dưng tôi thấy mình như ngây ngấy sốt, rùng mình nhớ lại những cơn sốt rét triền miên năm 1982 trên con suối cạn ngày 28 tết và trong những cánh rừng nguyên sinh ở phía Nam cao Mêlai ve kêu rôm rả...

Ghi chú 2: Trường hợp tìm không được bản đồ Đông dương của bạn tuaans trên mạng, các bạn hãy vào Google Earth tìm Cambodia, rồi vào tọa độ 13 độ 32 phút vĩ Bắc và 102 độ 24 phút kinh Đông thì Phnom Melai chắc chắn nằm ở đó. Thân.

Hồi thứ 11. PHUM SOPHI


Một buổi chiều tháng 3/1980, đồng chí Thạch trung đội trưởng đi họp giao ban đại đội về phổ biến nhiệm vụ mới của trung đội là ngày mai đi làm nhiệm vụ xây dựng chính quyền xã Sophi. Tôi mừng lắm: - Reo lên là ngày mai được ra dân ở rồi! 
Chốt mãi trong rừng buồn lắm, đóng quân trong phum là niềm vui sướng của các người lính. Cả trung đội ai cũng mừng và chuẩn bị hành trang sáng mai lên đường sớm.
Từ Don Thomo chúng tôi lội bộ ra phum Diêng, ra tiếp ngã ba Nimith, đi tiếp nửa thì đến ngã ba Sophi, chúng tôi đi liên tục từ sáng đến xế trưa mới tới ngã ba Sophi. Đường vào phum Sophi đất đỏ và rất xa, chắc trên 6 cây số, đang đi thì bỗng dưng cẳng chân bên phải của tôi bị đau (giờ tôi nghĩ lại: chắc do hội chứng mảnh đạn cối 60 còn lại trong mông), phải đi cà nhắc và phải thường xuyên dừng lại nghỉ rất lâu cho đở đau!
Đồng chí Thạch dẩn trung đội đi trước, còn đồng chi Vi đại đội phó thì nán lại để chờ tôi. Vào sâu bên trong thì cảnh tượng hai bên đường lại khá đẹp, có ruộng vườn, có rừng cây thốt nốt, có chim bay, cò bay. Trời chiều man mát, cảnh nên thơ, nhưng do cẳng đau nên tôi không có hứng thú mà ngắm nghía cảnh vật... Đến nay tôi vẫn còn ấn tượng đẹp với cái phum này, cảnh vật hữu tình lắm.

Sophi là một phum làng trù phú, đầu làng có ao nước trong veo, sạch sẽ. Ẩn sau hàng cây cao xanh mát là một mái chùa Phật giáo nguyên thủy nhỏ nhắn và thanh thoát, chùa nhìn thẳng ra ao làng. 
Từ đầu phum có đường trục xuyên qua phum, đến cuối phum thì thấy một cánh đồng rộng, khô khan cỏ  cháy dưới ánh nắng xế chiều tháng ba rực rỡ, xa xa là hàng cây thốt nốt. Trung đội tôi đóng ở đó, cuối phum, chúng tôi treo võng nằm rải rác dưới các nhà sàn của những người dân khá giả. 
Tôi và anh Thạch giăng võng dưới một căn nhà sàn cao ráo, mặt sàn cao hơn 2m, chúng tôi ở dưới đất có thể đứng thẳng lưng cũng không sợ đập đầu vào các thanh gỗ đà sàn. Cột nhà làm bằng gỗ dầu đen bóng, đường kính khoảng 20cm  rất vững chải.
Chủ nhà là một bà mẹ lớn tuổi, có cô con gái biết tiếng Pháp, làm cán bộ phụ nữ xã. Bà mẹ này rất ngưỡng mộ vua Sihanut, bà thường nói thời vua Sihanut dân ở đây giàu lắm, thơ  xe-re mui chơ-năm xi bây chơ-năm (làm ruộng một năm ăn ba năm).

Chiều đó, tôi ra ao làng đứng tắm, bắt chước đồng đội, tôi gánh về 2 thùng nước để phục vụ sinh hoạt tập thể: nấu nước, đánh răng, rửa mặt .v.v.
Xuất thân là dân thành phố, đây là lần đầu tiên trong đời tôi gánh nước, dù đã cẩn thận ngắt lá súng phủ lên mặt nước, chân bước cẩn trọng, hai tay ghìm chặt 2 cái móc sắt, nhưng thùng nước vẫn đong đưa, sóng sánh và đổ ra ngoài. Từ đầu phum đến cuối phum chừng 300m, mà tôi đã làm đổ mỗi bên 1 phần 3 thùng. 
Vạn sự khởi đầu nan, mới đầu gánh nước coi khó vậy chứ chỉ sau một vài lần tôi đã quen nhịp, chân bước thoăn thoắt, không cần lá súng, không cần bặm môi, tôi vẫn gánh đủ hai thùng nước về nhà, tuy sóng sánh chút đỉnh nhưng cũng còn đầy, không hao hụt nhiều như lúc đầu.

Công việc hàng ngày của chúng tôi rất đơn giản. Ban ngày quanh quẩn trong phum trực chiến, thỉnh thoảng được phân công xách súng đi tuần tra khu vực. Lâu lâu lại tới phiên ra ao nước đầu làng gác đêm. Khi nào có bầu cử thì chúng tôi kéo nhau đi bảo vệ khu vực bỏ phiếu. 
Những khi có lễ hội thì chúng tôi được làng đãi cho một bửa ăn ngon, còn thường thì chúng tôi ăn bếp ăn tập thể, rất khô khan đạm bạc, chúng tôi phải bứt rau rừng, hoặc ra ruộng hái rau muống dại, rau dền dại về nấu canh ăn cải thiện. Đôi khi bứt nhằm rau dền dại có gai nửa chứ! 
Chúng tôi còn trẻ, khỏe, hăng hái và yêu đời, ăn uống đạm bạc không làm chúng tôi buồn, áo bạc màu, quần chó táp... không tới cũng không làm chúng tôi mặc cảm. Làng này con gái đẹp nhiều lắm, nhiều khi chúng tôi cũng thấy tiếc, phải chi mình có quần áo đẹp mặc lấy le với mấy em  chơi! 
Ở Campuchia lâu ngày chúng tôi đã cảm được cái duyên dáng mặn mà chân quê của các cô thôn nữ. Côn sơ-rây (con gái) Campuchia tuy đen đúa nhưng nét mặt, nụ cười, ánh mắt rất nét, rất duyên, răng trắng đẹp... 
Một đồng đội của tôi, đồng chí Nghĩa, lính nhập ngũ tháng 3/79 rất thích một cô Campuchia xinh đẹp, bà mẹ của cô ta thường đùa, đưa độp tần-lâng đây me gã cho (tức là nộp mười cây vàng thì mẹ gã con gái). Đùa vậy thôi chứ kỹ luật trên chiến trường Tây Nam không cho phép bộ đội Việt Nam lấy con gái Campuchia, các bà mẹ Campuchia cũng biết luật này. Vì bộ đội với dân rất gần gũi khăng khít, có gì cũng nói cho nhau nghe.

Thường thì sau buổi cơm chiều, hôm nào không phải đi canh gát thì chúng tôi cũng quanh quẩn chẳng phải làm gì! 
Tôi đến Sophi hôm trước thì hôm sau trời vừa chạng vạng có một anh trung niên kéo tôi đi, anh kêu mô, mô, ý nói là đi theo anh. Tôi xách súng đi theo mà lòng phân vân không biết xấu tốt thế nào, tôi với anh chưa quen biết nên tôi còn có tư tưởng cảnh giác với anh, sợ anh là Pôn Pốt dụ tôi đi theo rồi lừa thế đập đầu lấy súng của tôi. 
Phum này rất an ninh, là cơ sở của ta xây dựng chính quyền xã Sophi nên sự cảnh giác chỉ thoáng qua trong chốc lát mà thôi và tôi vẫn tin cậy đi theo anh. Anh dắt tôi về nhà, dẩn tôi giới thiệu vợ anh, rồi nói với tôi cái gì đó, ý như là nhận anh em kết nghĩa với tôi. 
Tứ hải giai huynh đệ, tất nhiên là tôi nhận. Tôi 20 tuổi, còn anh khoảng 30, dáng người khỏe mạnh, mặt mày chất phát, lâu ngày rồi tôi không còn nhớ tên anh, nhưng tôi biết là anh rất quan tâm với tôi. 
Tôi thích một cô gái Campuchia, cô làm thợ may, ba cô người Việt, mẹ cô người Hoa. Dân Campuchia gọi người lai như vậy là “Chênh”, thấy tôi ngày nào cũng sang nhà may của cô ấy chơi, anh chọc tôi xa lanh bòn Chênh hơi, ý nói là tôi thương cô Chênh rồi. 
Thương thì chắc là chưa thương, nhưng cái rung động của một anh con trai trước một cô gái đẹp thì có rồi. Tôi 18 tuổi đi lính khi chưa có một mảnh tình vắt vai, nay bước sang tuổi 20 cảm thấy tâm hồn rung động trước một bông hoa xinh tươi miền thôn dã là điều tất nhiên thôi.
Cô gái này con ông già biết tiếng Việt vậy mà cô không nói được tiếng Việt. Dưới thời Pôn Pốt nói tiếng Việt là tự mang bản án đập đầu trước bọn Ăng-ca rồi, nên ông già cô dấu biệt tiếng Việt, do đó cô chỉ biết nói tiếng Campuchia mà thôi.
Nhiều khi cô hỏi chuyện với tôi, cô chỉ vào một món đồ nào đó, như là chỉ vào tấm vải cô đang may rồi hỏi Việt Nam tha dang mach? Ý  hỏi Việt Nam gọi là gì? 
Vậy thôi, chúng tôi chỉ trò chuyên với nhau chút đỉnh như vậy. Vậy mà về nhà nằm võng tôi lại nhớ ong ong trong đầu cái câu Việt Nam tha dang mách của cô, để rồi hôm sau lại đến để tiếp tục câu chuyện tha dang mách? 

Mãi 29 năm sau, nay viết lại câu chuyện này tôi vẫn bồi hồi xúc động. Xúc động vậy thôi chứ sự rung động lúc bấy giờ của tôi chẳng là gì với cô gái đó cả. Trong khoảng thời gian tôi ở phum Sophi cô đã tự động rời bỏ căn nhà cô ngồi may đó, để tôi lẻ loi tìm đến căn nhà này, ngồi chơi với bà mẹ Campuchia. Mẹ nói tiếng Campuchia, con nói tiếng Việt, vậy mà chúng tôi cũng hiểu được nhau chút chút, bà mẹ này thường nói với tôi về cái thời kỳ gian khổ của mẹ trong chế độ Pôn Pốt, thiếu ăn. Nếu tìm được cái ăn thêm (như cóc nhái hoặc củ khoai lang, khoai mì) thì phải ăn dấu, ăn giếm, lở à Pôt nó bắt được, nó cắt cổ mổ họng, nhiều người bị như vậy rồi!

Một hôm bà mẹ Campuchia có cái nhà cho cô Chênh ngồi may nói với tôi là có một bà mẹ muốn nhận tôi làm con nuôi, rồi bà dắt tôi qua gặp bà mẹ nuôi của mình. 
Đó là một bà mẹ Campuchia lớn tuổi, bà là một tu sĩ, bà cạo đầu, mặc bộ đồ nữ tu màu trắng của Phật giáo nguyên thủy, bà tên là Lênh, tôi gọi là me Lênh. Mọi người chung quanh gọi là dây Lênh (dây tức là bà), vì cháu nội của bà cũng đã 16 tuổi rồi. 
Nhà me Lênh nghèo, ông anh kết nghĩa của tôi cũng nghèo, tôi thường được bà mẹ nuôi cũng như ông anh kết nghĩa cho ăn khi thì vài trái xoài dú chín, khi thì điếu thuốc lá thơm, khi thì một nhúm thuốc rê. Của thì ít nhưng lòng rất nhiều, dạt dào tình yêu thương chân chất, làm tôi nhớ mãi đến ngày hôm nay. 

Rồi chô chơ-năm thơ-mây đến, tiếng trống bập bùng, tiếng đờn kèn rộn rã kéo chúng tôi vào vòng lễ hội. Đây là bài dân vũ Campuchia thông dụng mà tôi thường được nghe, tôi xin trích một đoạn, tiếng phiên âm thôi: 
Oh Xơ-vai-chăn-ti, náry ôn ơi, cùm a vô bơ-đây....
Chăm boong bang thơ-thây, boong tinh lang thơ-mây ối ôn chi liền...
Tôi xin tạm dịch, đại ý:
Ôi Xơ-vai Chăn-ti, em ơi, hãy khoan lấy chồng.
Chờ anh giàu có, anh mua xe mới chở em đi chơi...
Người dân Campuchia không ăn tết âm lịch như mình, cái tết lớn nhất trong năm là chô chơ-năm thơ-mây. Cái nhà sàn cao và rộng rãi của bà mẹ cho cô Chênh ngồi may, nay là tụ điểm cho các cô gái tụ hội trang điểm. Chúng tôi cùng vào đó chơi, các cô hỏi có muốn xức nước hoa không, có muốn trang điểm vẽ mặt không? Tất nhiên là chúng tôi trả lời là không. Rồi các cô khúc khích cười kéo nhau vào buồng thay xiêm áo mới. 
Dân Sophi khá giả, các cô gái ăn mặc lộng lẩy, phấn son thơm ngát, mắt sáng long lanh, ngực nở eo thon, tràn đầy sức sống.
Đêm đó, lửa trại bập bùng, trống kèn rộn rả, chúng tôi cùng mọi người bước vào vũ điệu lăm-thôn. Một cô gái xinh đẹp rạng ngời, xiêm y rực rở, ánh mắt long lanh cùng tôi đối diện trong vòng tròn ca múa... Âm nhạc làm chúng tôi sôi lên mà nhảy vào vòng, chứ thực ra tôi múa dở ẹt, điệu bộ cứng nhắc vậy mà được múa chung với một cô gái đẹp nhất nhì trong hội, quả là một diễm phúc bất ngờ. 

Tôi thực sự ngẩn ngơ trước sắc đẹp của cô nàng, sáng ra dò hỏi đồng đội cô gái đẹp hôm qua múa lăm-thôn với tôi là ai? Có người biết chuyện, bảo với tôi rằng cô này là mê-mai (bà góa), đẹp lắm, trước bị bắt làm vợ lính Pôn Pốt, nay thằng chồng chạy mất xác, chắc là chết rồi, hiện giờ ở giá, gọi là mê-mai. 
Trong thời gian ở Sophi, thỉnh thoảng tôi có chạm mặt cô mê-mai này, cô nhìn tôi e lệ với đôi mắt sắc lẽm, nước da ngăm đen, chúng tôi chẳng biết nói chuyện gì với nhau. Vì tôi có rành rẽ tiếng Campuchia gì đâu, chỉ hiểu được khoảng vài chục từ ngữ thông dụng. Vả lại tôi là con trai mới lớn, thấy gái đẹp là ngại, không dám làm quen, thậm chí tôi cũng chẳng biết nhà cô này nằm ở chổ nào trong cái phum rộng lớn cấp xã này.

Qua cái tết được ít lâu, bỗng một hôm trong đêm tối, chúng tôi nghe tiếng súng ì đùng từ phía Nam lộ 5 dội lại, tiếng súng văng vẳng trong đêm khuya báo hiệu một điều chẳng lành!!!
Mà chẳng lành thật, ở nhà việc xuất quân đi đánh Tà-cuông Krao của tiểu đoàn 3 bị bại lộ. Quân báo địch chắc chắn nằm trong dân ở ngã ba Nimith, nó báo tin cho thằng Pôn Pốt ở Tà-cuông biết trước, chúng dùng kế không thành, đang đêm chờ ta đưa quân vào trận, rồi xông vô tập kích bất ngờ, tiêu diệt gọn một trung đội của đại đội 11... Bị đánh sau lưng, tiểu đoàn 3 vỡ trận, các đại đội tự động rút quân, nhiều đồng chí lạc đội hình, không tìm được đường về, chết khát trên trận địa.
Đại đội tôi có đồng chí Hóa, dân Thủ Đức, nhập ngũ tháng 3/79, khi anh em mình ở tuyến sau xông lên tiếp cứu thì thấy đồng chí ấy chết gụt trên đường rồi, vậy mà cứu lại được, nhưng sống dở, mất sức chiến đấu, trung đội cho làm anh nuôi chuyên nghiệp đến khi ra quân luôn.
Trận này kiểm điểm lại thì thất bại cũng một phần do thông tin bộ đàm đến giờ G lại bị tắt nghẽn, kế hoạch hợp đồng tác chiến bất thành, tiểu đoàn không lệnh được đại đội, mạnh ai nấy đánh, mạnh ai nấy rút... Thương vong lớn, không hoàn thành nhiệm vụ, chỉ huy các cấp trong đơn vị bị trên xuống rủa te tua, bạc đầu, sói trán! Cả tiểu đoàn suốt ngày họp kiểm thảo rút kinh nghiệm, rồi được trên đưa vào diện cũng cố để chuẩn bị bước vào một trận đánh khác, qui mô lớn hơn... đó là trận công-xi-lốp do sư trực tiếp chỉ huy tác chiến.

Nguồn: Vnmilitaryhistory

Tìm kiếm Blog này