Tim thông tin blog này:

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

Chuyện lính K: Ngả ba Con voi (VI)

H3 Hùng

MỘT TRẬN ĐÔI CÔNG
Mưa không đủ giải nhiệt nên trời hầm hập nóng, vận động nhiều khát khô cả cổ! Chúng tôi đang chiếm lĩnh một khu rừng chuối, khát quá, chúng tôi chặt những cây chuối non, ăn cái lõi của nó cho đã cơn khát, bất chấp cái vị chát của nó. Thực ra nước trong bi đông còn chút đỉnh, nhưng chúng tôi không dám uống hết phần nước trong ngày của mình, sợ hết nước sẽ chết khát. Cơn mưa hồi nảy chẳng ra gì, chỉ làm ướt chút đỉnh những thân cây chuối non bằng bắp chân mà chúng tôi đang ngã ra làm thịt.

Lại tiếp tục hành tiến, đến tối cả tiểu đoàn dừng lại bên một con đường đất đỏ, ăn cơm vắt nghỉ qua đêm. Cầm nửa nắm cơm vắt khô cứng trên tay, tôi thực sự không muốn ăn tí nào, bẻ bỏ cái vỏ cứng của nó, tôi nhắm nháp cái ruột còn mềm mềm nhai cho qua bửa, rồi xung phong đi lấy nước cho trung đội.

Đeo một xâu bi đông lủng lẳng bên hông, tay xách súng, tôi và nhiều đồng chí nửa cùng kéo nhau đi lấy nước. Theo con đường đất đỏ đi về phía sau, đi lâu lắm, mấy tiếng đồng hồ mới tới được một cái bàu nước. 

Chúng tôi đi ra giữa bàu, ngâm mình dưới nước, vừa nhận bình toong xuống lấy nước, vừa hụp mặt xuống uống nước, vừa ngâm mình vào nước mà nghe da thịt mình nở ra thấm từng giọt, từng giọt nước mát. Bù lại mấy ngày hành quân mất nước thì nhiều mà chỉ được tiếp tế một ngày một bình toong nước, chẳng đủ đâu vào đâu!

Đong đầy các bình toong và uống nước đã đời rồi chúng tôi hăm hở trở về. Về đến nơi thì trời mờ sáng, chúng tôi lại chuẩn bị lên đường đi đánh cái phum không tên.


Xế chiều hôm đó, trong cơn mưa nhẹ, tiểu đoàn chúng tôi chiếm được mục tiêu của mình một cách dễ dàng, không cần phải nổ súng... Địch đã nhường cho chúng tôi cái phum này và nó sẽ tặng lại cho chúng tôi những loạt đạn cối và những trận tập kích dai dẳng... Chúng tôi đang đối diện với một địch thủ quá sức lợi hại, nó đang chống lại chúng tôi bằng một cuộc chiến tranh du kích, lấy ít đánh nhiều!

Đồng chí Ánh chính trị viên vừa bố trí đội hình cho các trung đội phòng ngự xong, anh giữ lại tiểu đội 3 người của tôi để làm công tác liên lạc (thay cho anh Tý liên lạc tử thương hôm qua), đồng thời kiêm luôn công tác tiếp thương, tải đạn cho tuyến phòng thủ phía trên. 

Ba trung đội dàn quân theo hình vòng cung trong cánh rừng dày phía trước, đại đội bộ chiếm lĩnh một ụ mối lớn phía sau các trung đội chừng mấy chục mét đường rừng dày đặc, tiếp sau là khẩu đội cối, và sau nửa là tiểu đội của chúng tôi cũng nấp trong một ụ mối nhỏ có khoét sẳn hố cá nhân dã chiến.

Ngồi trong hố nhỏ tôi đã chứng kiến tận mắt trận đấu cối của đại đội tôi với kẻ địch trong cái phum không tên này... Đầu tiên là các trung đội phía trên chạm súng mãnh liệt với địch, khẩu đội cối 60 của đồng chí Đinh Văn được lệnh bắn, cối của anh bắn ra cấp tập nhưng trái được, trái thất, có trái bay lẹt đẹt vì liều phóng bị ẩm, tôi thấy nó mới bay qua khỏi ngọn cây thì hết tầm rớt lại xuống đất, may là không trúng đầu bộ binh... Trong khi đó cối địch thì khác, thằng địch đã để cho chúng tôi chiếm lĩnh trận địa đúng vào cái bẫy mà nó đã dành sẳn, nó đã kéo thước đo cự ly sẳn, bây giờ ta lọt vô rồi thì nó  xách cối ra nó bắn, nó cũng chơi cối 60 như mình.

Loạt cối đầu tiên của nó giã trúng ngay chóc cái khẩu đội của đồng chí Văn, cả khẩu đội đều bị trúng mảnh, may mà không có anh nào chết. 

Khẩu đội cối của anh Văn im tiếng rồi mà nó vẫn còn toong, và tôi thấy rõ cái ụ mối của đồng chí Ánh cùng với anh lính thông tin bộ đàm đang bị nó dộng cối nẩy cà tưng, cà tưng... từng phát cối chắc nịch dộng vào cái ụ mối nổ oành, oành... Hôm đó đồng chí Ánh và anh thông tin được thần Dớt che chở nên không ai trúng cái mảnh cối nào, quả là phước lớn, mạng lớn. Tôi cũng được thần Dớt che chở, không trái cối nào kiếm cái ụ mối nhỏ nhoi của tôi mà nện.

MỘT TRẬN TẬP KÍCH 
Tiểu đội 3 người của chúng tôi chạy như con thoi từ đại đội xuống các trung đội, đồng chí Ánh luôn miệng nhắc nhở tiết kiệm đạn, còn các trung đội thì cứ kêu thêm đạn.

Ngưng tiếng súng thì chúng tôi chạy lên tiếp đạn, thằng địch phía trước thỉnh thoảng lại nổ súng tấn công vào các trung đội của chúng tôi phía trên... Đêm đó tuy hai bên không đấu súng với nhau, nhưng chiến sự căng như sợi dây đàn, hai phe ghìm nhau, trắng đêm. 

Tình hình hôm sau cũng như vậy, địch ở ngoài bắn vô, ta ở trong bắn ra, dai dẳng, tốn kém đạn dược không biết bao nhiêu mà kể. Tiểu đoàn tải đạn lên không kịp, chúng tôi phải chạy về tiểu đoàn bộ đóng  trong cái phum chúng tôi vừa chiếm được để lấy thêm đạn về cung cấp cho các trung đội phía trên.

Đánh hoài coi bộ mệt, tối đó thằng Pôn Pốt ngưng bắn, tôi mệt quá, hết phiên gát, ngã lưng ra nằm trên công sự lộ thiên lấp xấp nước, mang cả giày, quấn nylon đội mưa mà ngũ, như chết... Không biết các trung đội phía trước có ngũ được không, hay phải lỏ mắt canh gát suốt đêm.

Rồi tình hình bắt đầu yên tỉnh, sáng hôm sau đồng chí Ánh kêu chúng tôi lên đào công sự chiến đấu trên một ụ mối tiếp giáp giữa 2 trung đội, chúng tôi tuân lệnh, vác AK đi... Đang đào, thì tôi nghe tiếng chạm súng kịch liệt ở hướng sau lưng mình, rồi tôi thấy đồng chí Ánh chạy lên, mặt cắt không còn chút máu kêu B9 xuống cứu nguy đại đội! Anh Thạch cùng chúng tôi xách súng chạy xuống, đến đại đội bộ thì thằng địch đã bỏ chạy. 

Đến hầm ban chỉ huy đại đội, tôi thấy một cái xác chết gục trên miệng hầm chữ U, nóc hầm xổ ra một đống óc bầy nhầy như tàu hủ. Phải...  giống như tàu hủ, đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy óc người nên ấn tượng rất sâu đậm!

Tôi chưng hửng:
- Ai vậy cà?
Anh Thạch nhìn ra ngay:
- Thằng Thảo chứ ai. 

Trận này đại đội phó Ma Văn Thảo anh dũng hy sinh ngay trận địa, với vết thương khủng khiếp, văng mất đỉnh đầu và phọt óc ngay trên nóc công sự. 

Tôi và anh Thạch khiêng xác anh Thảo ra đặt nằm trên mặt đất, rồi chui xuống hầm kéo anh Cường y tá đại đội lên... anh đang kêu la thảm thiết vì vết thương quá nặng! 

Thằng Pôn Pốt đã quăng một trái lựu đạn vào hầm làm cánh tay phải của anh đứt tiện lòi xương, còn chân thì gãy lặt lìa... Chúng tôi lôi anh lên, đặt anh nằm yên trên mặt đất, kéo cái chân gãy xuôi theo đúng tư thế anh nằm. Anh đang dãy chết, tay phải của anh bị mảnh lựu đạn tiện đứt ngang, tuốt thịt gần tới khủy, trơ ra hai cẳng xương cánh tay một lớn một nhỏ đang co giật nhấp nhấp, như níu kéo một cái gì... Cái túi thuốc y tá cứu thương của anh luôn mang bên mình đã bị thằng Pôn Pốt giật mất!

Chúng tôi đang chiếm giữ cái phum của thằng Pôn Pốt bỏ. Nó thuộc lòng nằm lòng địa hình, nó cho một tốp lính nhỏ, vận động xuyên qua khoảng hở chổ tiếp giáp giữa hai đại đội. Rồi nó thọc sâu vào đại đội bộ của C13, nơi đồng chí Thảo đang trấn giữ, chỉ một mình đồng chí đứng trong công sự, làm sao chống nổi hỏa lực một tốp lính thiện chiến.

Chúng tôi đang chiến đấu với một đội quân thiện chiến của Khơme đỏ, không ô hợp như cái đám lính Pa-ra ở hướng Bắc Nimith đâu! Tụi này ăn miếng trả miếng với chúng tôi sòng phẳng và đang chiếm thế thượng phong vì địa lợi. Chúng tôi đang bất lợi hoàn toàn, ngay cả cái phum này không ai biết tên của nó là gì, gọi nó là phum không tên!

Rồi thằng Pôn Pốt không tập kích chúng tôi nửa, thấy tình hình yên tỉnh, đồng chí Ánh kéo chúng tôi luồn ra phía trước xem xét địch tình. Địch đã ra đi, để lại những hố cá nhân đối diện tuyến  phòng thủ của chúng tôi.

Chúng tôi cũng rời bỏ cái phum đó đi luôn, một đi không trở lại. Trận này chúng tôi tổn thất nặng, chỉ riêng đại đội bộ hy sinh 3 và bị thương nguyên khẩu đội cối. Xong trận, toàn khối đại đội bộ chỉ còn trơ trọi duy nhất một đồng chí Ánh chính trị viên.

MỘT CHỨNG NHÂN LỊCH SỬ   
Giống như mọi chuyến hành quân từ Cao Mê-lai trở về, chúng tôi lại tấp vô con voi, hạ vũ khí nghĩ mệt, anh nào có đồng hương quanh đó thì tấp vô kiếm đồng hương - đồng khói. Riêng tôi, tôi đứng đó, tại bức tượng con voi, sờ mình voi, vỗ đít voi rất đổi thân tình, con voi này lúc đó dân dã lắm, đen thui, mốc thích, xù xì, quạu quọ... rất hạp với mấy thằng lính chúng tôi, đầu bù tóc rối, thất tha thất thểu, ngồi núp nắng dưới bóng con voi, rồi lại hò nhau đi về, để lại con voi bê tông... trơ gan cùng tuế nguyệt.

Chào voi, tao sẽ trở lại thăm mày. Mày lúc này ấm rồi, được o bế, sơn phết để làm du lịch, có nhớ mấy thằng bạn Việt Nam thưở hàn vi vẫn thường hay ngồi mình voi và vuốt... đuôi voi không? 

Bạn bè thưở xa xưa lâu ngày gặp nhau mới quí, chúng tao sẽ lặn lội đường xa về thăm mầy, chắc là mày mừng lắm! Hôm qua nhờ bác bichuoi gởi hình lên mạng mà tao thấy lại mặt mầy, tao cảm động lắm, phải chi mà mày đen thui mốc thích như ngày xưa thì chắc là tao khóc rồi... vì nó gợi lại nổi niềm gian khổ lúc xa xưa của chúng tao với mày, mày đã bỏ Phnom Melai mà đi, trong khi đó chúng tao lại phải đâm đầu vào, mày biết hết, mày là chứng nhân lịch sử mà! Mày phải thương tao, cũng như tao đã thương mày. Mày là linh vật, chúng tao nói ngoa cho mày bẻ cổ.

Nói thật, tao vẫn thích mày đen thủi, đen thui, xù xì, ốc mít như xưa, vì mày là voi rừng Phnom Melai mà, đâu phải voi kiểng trong sở thú. 

Mấy thằng chủ sau này của mày hình như đánh giá trị tinh thần của mày thấp quá!

12 ly 8 đi theo đại đội chúng tôi lập tức triển khai bắn chéo cánh sẻ yểm trợ cho chúng tôi băng băng từ đồng ruộng lao vào, khí thế hung hãn. 

Mỗi khi chúng ta hô xung phong, theo tiếng gọi bầy đàn, cả một đoàn quân cùng hô đáp ứng, tạo khí thế cho chúng tôi xông pha mãnh liệt, súng nẩy trong tay, lửa đạn khạt ra, mồ hôi dầm dề, chân chạy băng băng, tiến lên phía trước... Đến một bờ ruộng có thể núp được, chúng tôi dừng lại thay băng đạn, thở muốn đứt hơi. Chúng tôi điều hòa nhịp thở, rồi lại tiếp tục hò nhau xung phong, tiếp tục chạy tới, thở hào hển trên chiến trường, hít lấy mùi cay nồng của thuốc súng, rồi như say máu lại hô xung phong, chạy lên phía trước, bắn găm, bắn gần, chiếm lĩnh trận địa... Với khí thế như vậy, chúng tôi giải quyết xong trận đánh chỉ trong vòng năm phút, đám lính Pôn Pốt giữ Tà-cuông yếu thế bỏ chạy.

Hoàn thành nhiệm vụ, tiểu đoàn được lệnh rút quân, ra khỏi Tà-cuông một đoạn thì thằng Pôn Pốt nổ súng bắn đuổi vào đội hình, nhưng đạn ăn lên trời nên chẳng chết ai.

Đang giữa mùa mưa, nước mênh mông trên cái đồng bằng rộng lớn này, hoàn toàn không có chổ để ngồi nghỉ. Chúng tôi phải đi liên tục, trời đã về chiều, anh nào đói thì moi cơm sấy ra nhai, uống nước sống trừ bửa.

Phải đến tối, mới đến một địa hình có thể nghỉ, chúng tôi trải nylon ra ụ mối mà trú qua đêm hôm đó. Nằm ụ mối rất khó ngũ, độ dốc làm chúng tôi cứ bị tụt xuống. Tụt xuống đến khi chạm nước lạnh chân thì tự động trồi lên, vậy mà ngũ cũng được. Cái ưu việt của sức trẻ là dễ ăn, dễ ngũ, sức đề kháng tốt, không đau lưng, nhức mõi.

Chúng tôi đi xa vác nặng, đổ nhiều mồ hôi nên phải uống bù nước. Mùa mưa trên đường hành quân nước có sẳn dưới chân. Khát thì cứ lấy nón cối, bước ra vài bước, lựa chổ nước trong, múc một nón uống tại trận, rồi đi tiếp, không biết đau bụng, ỉa chảy là gì? Bây giờ tuổi bắt đầu cao, sức bắt đầu yếu, uống nước nấu không chín là muốn có chuyện rồi, chưa kể phong thấp, nhức mõi tay chân, đau lưng, đau bao tử...

Sáng sớm hôm sau chúng tôi đi tiếp, càng ra đến gần Cốp-tút thì địa hình càng cao, có những đoạn chúng tôi đi thong dong, nước ngang đầu gối. Không như chiều hôm qua, khi ra khỏi Tà-cuông nước sâu ngang hông, có chổ ngang ngực. Chúng tôi cứ gióng la bàn cắt đường mà đi, không theo lối mòn, sợ mìn Pôn Pốt.

Vậy mà không thoát, vào đến Cốp-tút, chúng tôi đang đi phía trước, chợt nghe ành một tiếng khô khốc ở phía sau... một anh lính Campuchia đã dẫm phải một trái mìn đạp nổ. 

Đây là mìn K58 do Trung quốc chế tạo, nó lớn hơn hộp hồ dán giấy của học trò một chút. Tiếng nổ đanh gọn, uy lực không cao (nguời nào đạp  người đó chịu) nhưng tác hại thì lớn, Việt Nam mình sau này có nhiều anh thương binh cụt chân, chống tó là tại cái mìn này.

Anh lính Campuchia đạp phải mìn, cái mu giày của anh bay lên trời ngay, nhìn lên cây... tôi thấy cái mu giày của anh đang máng trên cành, ở độ cao chừng 3m.

Do đại đội lính K này là con đẻ của trung đoàn, nên hôm đó chúng tôi được điều xe lên ngã ba Cốp-tut lần lượt chở quân về nhà.

Mấy ngày sau lên trận địa pháo 105 (nằm gần trung đoàn bộ ở phum Diêng) thăm đồng hương Bình Thạnh, anh bạn pháo binh tên Tâm cho biết, sau cuộc hành quân đạp mìn này, lính K dông tuốt... chỉ còn lại mỗi bộ khung của đại đội. 

Tôi nói ra điều này để những người ngoài cuộc biết tại sao quân tình nguyện  Việt Nam phải ở lại Campuchia mãi đến cuối năm 1989 mới rút hết về nước được... Vì lính nghĩa vụ của chính phủ Campuchia những năm đó tinh thần chiến đấu kém, không phải là đối thủ của tàn quân Pôn Pốt. 

Nói là tàn quân, nhưng nhờ nhận được viện trợ thường xuyên của quan thầy, nên nó hồi phục lại, cũng có quân chủ lực mặc đồ bar-ba-din Trung quốc mới cáu, cũng có súng đạn, mìn trái đầy đủ, bày bố thiên la địa võng, giăng bẫy mìn sẳn sàng tiêu diệt đối phương... Những bãi mìn mà Pôn Pốt cài đặt đã gây tổn thất biết bao nhiêu nhân mạng của chúng tôi trong thời điểm cuối chiến dịch C81.

Hồi thứ 20. CHIẾN DỊCH C81
CÔNG TÁC CHUẨN BỊ
Sau cái trận Takung Krao đó, chúng tôi trở về Don Thomo được một thời gian ngắn, rồi lại có lệnh hành quân. Bấy giờ đang là thời điểm giao nhau giữa hai mùa mưa nắng, mùa mưa 1981 đang kết thúc và mùa khô 1982 đang đến. Chúng tôi lại đi về hướng Nam, vượt qua một con suối sâu, nước cuồn cuộn. Tôi biết bơi chút đỉnh, nhưng chỉ là bơi trong hồ thôi, ra suối lớn nước chảy xiết, tưởng bở tôi súng đeo vai, tay trái cầm bao nylon bọc ba lô quần áo, tay phải quạt nước bơi qua suối. Vừa hụt tầm chân đứng, sức của nước đẩy tôi chới với xuống hạ lưu liền. Nhìn về phía hạ lưu dòng chảy, tôi thấy rõ một hàng đăng bằng tre, được giăng sẳn ngang dòng nước để bắt cá... đang chờ tôi.

Có hai anh lính đứng dọc theo đường dây căng ngang suối (để bộ đội phăng theo dây đó mà lội qua) không anh nào với tới tôi, dòng nước đang đẩy tôi xuống hạ nguồn, xuống cái hàng đăng đang chờ sẳn... Bỗng dưng có bàn tay tay rắn chắc của một anh nào đó, đẩy tôi vào bờ . 

Chúng tôi tập kết bên kia dòng chảy, vắt đồ ướt, phơi phóng đồ đạc, nghỉ ngơi ăn uống.

Hôm đó, chúng tôi vào một điểm cách Tà-cuông Krao khá xa để ém quân, ăn uống cực khổ, thiếu thốn đủ thứ, nhất là thuốc hút. Được khoảng mười ngày thì lui quân về Don Thomo. 

Sau này nghe anh em nói lại là do vướng cái suối sâu chặn đường hành quân, nên mặt trận không triển khai chiến dịch vào thời điểm đó được, tạm thời rút chúng tôi về.

Anh em nói sao biết vậy, chứ cái chiến dịch này được giữ bí mật lắm, đến cấp đại đội không hề hay biết gì.

Hôm đó là ngày 25 tết, tôi nhớ rõ... Vì hôm đó tôi dắt trung đội đi truy quét trước đội hình đóng quân của tiểu đoàn ở Don Thomo, cùng đi với chúng tôi có anh Dũng đại đội phó đi kèm. Đến trưa chúng tôi về đến nhà thì cả tiểu đoàn đã đột ngột kéo quân vào Cốp-tút rồi, hậu cứ chỉ còn lại mấy bệnh binh mất sức ở lại trông coi.

Chúng tôi vào Cốp-tút, thì tiểu đoàn đã vào Tà-cuông. Hôm sau, chúng tôi vào Tà-cuông thì tiểu đoàn đã đi vào rừng rồi. 

Chúng tôi quanh quẩn ở Tà-cuông đợi lệnh, ra hồ Tà-cuông rửa ráy và đong nước vào bình toong, nước hồ vào mùa lạnh trong veo, từng đàn đĩa nghe hơi người lội tới lúc nhúc, kiểu bơi của chúng hệt như kiểu bơi của người nhái mà ta thấy trong phim...

Rửa mặt, đong nước bình xong xuôi, chúng tôi tà tà đi qua một căn lều trại dã chiến, đứng lại nhìn vào thì thấy mấy ông tướng tá mặt trận 479 đứng vây quanh bản đồ, chỉ trỏ, bàn luận hội ý ở đây. Vệ binh mang súng kè kè đứng gác xung quanh, dòm dòm, ngó ngó chúng tôi, chúng tôi thấy không tiện đứng đó lâu, làm ảnh hưởng kế hoạch hành quân của các xếp nên kéo nhau đi mà bàn tán rằng chuẩn bị có đánh lớn đây... Thực sự đến lúc đó chúng tôi cũng chưa biết là mình đang tham gia chiến dịch C81.

Trưa 27 tết chúng tôi bắt kịp tiểu đoàn của mình, anh em đang đong nước vào bi-đông và tất cả cái gì... có thể đựng được nước để ra trận.

Cả tiểu đoàn hành quân vào trận với súng đạn, gạo và nước rất nặng nề, chúng tôi mang theo nước uống rất nhiều. Bởi vì chúng tôi đang vào Nam Cao Mê-lai giữa cao điểm mùa khô khốc liệt.

Ở đây chỉ có hai mùa
Nắng không có nước,  còn mưa rừng lầy...
Những câu thơ của đại tá Văn Lê, nhà văn quân đội rất đúng với hoàn cảnh của chúng tôi lúc này.


VÀO TRẬN ĐÁNH
Đường vào trận vậy mà lại... đẹp!
Chúng tôi đang đi trên một con đường đất đỏ, sạch sẽ tinh tươm, không dấu chân người, không vết bánh xe, không bụi bặm. Những hàng tre hai bên đường đan lại với nhau thành vòm che nắng chúng tôi, bóng nắng chiếu qua vòm lá thành những hình rằn ri trên áo lính bạc màu sương gió.

Hết rừng tre chúng tôi bước vào rừng dầu, tiếng ve rừng rền vang trong tiết trời cuối đông mát mẻ. Tiếng ve rừng kêu lúc liên tu bất tận, lúc im lặng nín thinh, dường như đang tuân theo sự chỉ huy của một vị nhạc trưởng quyền uy tột đỉnh.

Dừng chân trong lòng một con suối cạn, chúng tôi ngồi đó nghe tiếng máy thông tin vô tuyến điện rè rè liên lạc về sở chỉ huy chiến dịch đóng ở Tà-cuông Krao: A lô, a lô, hai không một, hai không một...

Sáng 28 tết, cơn sốt rét đầu tiên trong đời lính quật đổ tôi trên con suối cạn Nam Mê-lai. Tôi nằm run rẩy trong lòng con suối đầy sỏi đá, nước mắt tự động ứa ra...

Cơn sốt đầu tiên đi qua rất mau, rồi chúng tôi dàn quân vào trận đánh.

Cũng như bất kỳ cuộc tấn công nào, chúng tôi bình tỉnh đợi hiệu lệnh tấn công.

Hiệu lệnh tấn công luôn luôn bắt đầu bằng pháo lệnh.

Căn cứ vào điểm nổ của loạt đạn pháo, chúng tôi dàn hàng ngang tiến vào trận địa.

Chúng tôi chỉ nổ súng và hô xung phong khi nào thấy địch, thường thì địch bắn trước, vì nó yên, ta động, nên nó phát hiện ra ta trước.

Trận này chúng tôi không thấy địch nên không phải bắn và cũng chẳng phải hô xung phong...

Đám lính Pôn Pốt đã bỏ căn cứ mà tháo chạy ngay sau loạt pháo đầu tiên.

Trung đội chúng tôi từ dưới suối xông lên và đặt chân lên căn cứ địch, không nổ súng và không  đổ máu. Cái chúng tôi thu được đầu tiên trên căn cứ này là quả mìn định hướng ĐH 10, nó gióng vào hướng bờ suối, ngay chổ trung đội chúng tôi mới từ đó xông lên.

Nhìn quả mìn, tôi thầm nghĩ may mà địch chạy, nếu nó tử thủ ở đây chắc chắn chúng tôi đã  thương vong nặng từ quả ĐH này.

Phía sau quả ĐH là lán trại của bọn lính, chúng tôi thu được những bó cải khô, đây là một loại cải giống như cải ngọt bên mình, nhưng nấu canh ăn hơi the the. Những bó cải này được lính Pốt tăng gia sản xuất trong mùa mưa và phơi khô để ăn dần.

Chúng tôi chốt giữ cái căn cứ này suốt mấy ngày tết. Lính công binh C18 tiến hành đào giếng và chúng tôi thu được một loại nước trắng nhờ nhờ như nước vo gạo. Nhờ vậy mà chúng tôi có nước nấu cơm và nấu canh với cái đám cải khô thu được của lính Pốt.

Đại đội 13 được bố trí nằm ven trục lộ đất đỏ, đây là con đường mà chúng tôi đã theo nó xuất kích hôm nọ, tới đây nó vẫn còn chạy tiếp và đến một nơi nào đó tôi hoàn toàn không rõ.

Chúng tôi bảo vệ tuyến đường này và hàng ngày có nhiệm vụ đi thông đường lên phía trước để bắt liên lạc với một lực lượng ở phía trên, không biết đơn vị nào, nhưng chắc chắn không phải là trung đoàn 4, vì tiểu đoàn 3 là đơn vị phát triển lên cao nhất trong đội hình trung đoàn .

Tôi chỉ nhớ rằng cứ mỗi lần có tăng từ phía trên đi xuống thì tôi nghe tiếng súng họ bắn rất dữ dội vào hai bên rừng. Có một lần đi thông lộ lên phía trên bắt liên lạc được với họ rồi, lúc về ngồi trên thiết giáp M113, họ đi đội hình hai chiếc,  không hiểu tại sao đại liên trên tăng vẫn cứ bắn xối xả vào hai bên rừng. Làm như vậy chắc là để trấn áp lính Pốt, không cho nó tiếp cận xạ kích chăng? Đã có một xe vận tải hậu cần bị lính Pốt phục kích bắn trúng, tài xế ráng chạy thoát thân về tới đội hình chúng tôi, sau đó anh này bị phẩu cắt mất một cái chân.


NAM CAO MÊ-LAI
Chiều mồng 3 tết, chúng tôi được lệnh rang gạo để ăn đường, rồi hành quân truy quét suốt một loạt cao điểm dọc dãy Nam Mê-lai.

Những ngọn núi trong dãy Nam Mê-lai không cao, thường chỉ khoảng một hai trăm mét. Chúng tôi đi hàng dọc lên những cao điểm có rừng cây thưa làm vật che khuất, lên đến đỉnh nhìn sang đất Thái thấy phía dưới nhà ngói đỏ lô nhô, xe cộ di chuyển trên đường thảnh thơi, bình an vô sự.

Chúng tôi đang hành quân truy quét trên những cao điểm thuộc phía  Nam phnom Mê-lai, dọc theo biên giới Thái Lan. Chúng tôi không xâm phạm vào lãnh thổ của người Thái và hình như người Thái cũng không có động tịnh gì chứng tỏ họ biết chúng tôi đang có mặt trên núi, đang nhìn ngó sang đất nước của họ. Đứng nhìn nhà cửa, xe cộ của họ chạy trên đường, tự dưng tôi có ý nghĩ đứng trên trái núi này, chỉ cần thả lỏng người, chạy một hơi là xuống đến đất Thái rồi, bên đó không có mìn, không có giặc, chỉ có nhà tường ngói đỏ, có xe chạy ung dung trong cảnh thanh bình, tự nhiên chạnh lòng tự nghĩ ở Việt Nam mình lúc này cũng còn đang tết.

Cái tết âm lịch của người Việt xa xứ rất thiêng liêng, những ngày đầu tham gia chiến dịch C81 tôi chỉ lấy chuẩn thời gian là những ngày giáp tết năm đó: 25 hành quân, 28 chiếm cứ địch, mùng 3 khởi hành đi truy quét Nam cao Mê-lai, qua rằm lại tiếp tục đi đánh cứ...

Trong thời gian này, mỗi ngày chúng tôi được tiếp tế một vắt cơm và uống mỗi ngày một bi đông nước. Cơm và nước được vận tải từ trên lưng của bộ đội vượt núi băng rừng tới đây tiếp tế cho chúng tôi.

Hành quân dài ngày trong chốn sơn lam chướng khí này, quân số hao hụt rất nhanh, lúc này trung đội của tôi chỉ còn 4 người.

Một sáng sớm, trên một cao điểm nọ, chúng tôi đang hội quân và ngồi rải rác ở tiểu đoàn bộ chờ nhận nhiệm vụ tiếp theo trong ngày. Đài thông tin vô tuyến điện đang rà sóng liên lạc với sở chỉ huy tiền phương theo giờ hẹn định kỳ.

Chúng tôi đang yên lặng chờ nghe tin từ cái đài vô tuyến nọ thì bỗng dưng nghe tiếng xoong nồi khua loảng xoảng dưới chân, nghe rõ tiếng chửi thề:

-Chuây me à Duôn (Đ.M thằng Việt)

Chúng tôi biết rõ đó là mấy thằng Pôn Pốt bị động ổ đang dời nhà đi chổ khác, tức mình nó vừa đi vừa chửi. Bình thường, nếu đang là đội hình hành quân và đang sung sức (như thời kỳ ở Sophia) thì chỉ cần hô một tiếng chúng tôi có thể đuổi theo truy kích tiêu diệt bọn này nhờ yếu tố bất ngờ.

Nhưng lúc này đang ngồi chờ lệnh và đang thiếu nước uống, thử hỏi chúng tôi thiết tha gì về chuyện đánh đấm nửa? Trong đầu tôi còn nghĩ tới viễn cảnh nếu mình bị bao vây thì chắc là chết khát, vì đây là đất địch, hậu phương ở rất xa, không thể nào chi viện kịp thời.

Tư tưởng lớn gặp nhau, chỉ huy của chúng tôi có sạn trong đầu về chuyện binh đao... Việc ai người đó làm! Chúng tôi cứ đi theo mệnh lệnh của cái đài vô tuyến mà mỗi lần đến giờ liên lạc, lính thông tin phải đeo ăng-ten leo lên cây cắm để tăng độ cao, rồi mới rà được sóng.

Một buổi chiều chạng vạng nọ, trinh sát tiểu đoàn đang cắt đường lên núi tìm chổ nghỉ thì đá phải mìn, tối đó chúng tôi qua đại một quả núi kế chia đội hình ra kiếm chổ giăng võng nằm ngũ.

Rồi chúng tôi không đi lang thang vô định theo cái đài vô tuyến  nửa mà được cắm chốt trên một quả núi lớn đủ sức chứa bảy, tám chục tay súng của tiểu đoàn... Vâng, cả tiểu đoàn giờ chỉ còn bấy nhiêu đó quân.

Các đại đội bộ binh đóng ở lưng chừng núi, đại đội 13 đóng kế bên trung đội ĐKZ của đại đội 14, phía dưới là tiểu đoàn bộ... Đây là một ngọn núi đất đá xen kẻ, có nhiều tán cây lớn, lá rụng đầy. Có đêm tối trời, nghe tiếng khua loảng xoảng, loạt xoạt, anh em bảo đó là tiếng lông nhím va chạm nhau lúc chạy trên lá vàng khô.

Ở đây được một vài ngày thì thằng Pôn Pốt biết, nó bắn pháo vào đội hình chúng tôi nhưng không trúng, rơi ra phía sau lưng chúng tôi xa lắm. Tiểu đoàn hạ lệnh phản pháo, đứng gần đó tôi thấy rõ khẩu ĐKZ 82 đặt trên vai chiến sĩ hỏa lực C14 gầm lên, bay ra phía trước hồi lâu mới nổ.

Đấu pháo qua lại cho có, chứ thật ra làm gì nhau: Cò ỉa miệng chai, dễ gì mà trúng.


Nguồn: Vnmilitaryhistory

Tìm kiếm Blog này