Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

Hồ sơ bệnh án của trùm phát xít Hitler (I)

Điều gì khiến trùm phát xít Đức Adolf Hitler suy sụp sức khỏe tinh thần và thể chất trong những ngày cuối cùng của Chiến tranh Thế giới thứ hai? Ngoài lý do Hitler đang bại trận, các sử gia cho rằng còn có nguyên nhân khác là vấn đề sức khỏe.

Nhà độc tài ốm yếu
Ngày 21/4/1945, một bác sĩ tên là Ernst-Günther Schenck được triệu tới boongke của Hitler ở Berlin và được lệnh mang thực phẩm đến để tích trữ. Lúc đó, cuộc chiến của Đức đã thất bại, phần lớn đất nước đã nằm trong tay quân đồng minh. Binh sĩ Liên Xô đã gần như bao vây hoàn toàn Berlin và đang tiến vào trung tâm thành phố. Thay vì chạy trốn, Hitler đã quyết định cố thủ lần cuối trong boongke tại trung tâm Berlin.
Giống như mọi người Đức, bác sĩ Schenck đã quá quen thuộc với các bức ảnh, phim và áp phích tuyên truyền về Hitler kể từ khi hắn cầm quyền năm 1933. Tuy nhiên, người đàn ông mà ông nhìn thấy trong boongke không giống với người trong các bức ảnh đó. Ông Schenck nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn năm 1985: “Hitler 56 tuổi là một cái xác sống, một linh hồn đã chết. Xương sống ông ta còng xuống, xương vai nhô ra từ lưng, ông ta rụt vai như một con rùa… Tôi đang nhìn vào mắt của cái chết”.

Bác sĩ Ernst-Günther Schenck.
Bác sĩ Ernst-Günther Schenck.
Cách Hitler đi lại trong boongke thậm chí còn gây sốc hơn. Hắn đi với dáng vẻ chậm chạp, lê bước như một người già hơn hắn 30 tuổi và phải kéo lê chân trái khi bước đi. Hắn không thể bước nổi quá vài bước nếu không vịn vào một thứ gì đó.
Đầu, cánh tay và toàn bộ nửa trái của Hitler run rẩy và co giật không thể kiểm soát. Hắn không còn có thể viết tên mình, hắn ký các giấy tờ quan trọng bằng con dấu. Hắn lúc nào cũng nhất quyết tự cạo râu cho mình nhưng hai bàn tay run rẩy khiến hắn không thể. Hắn không thể đưa thức ăn vào mồm mà không làm rơi rớt lên quần áo. Hắn không thể ngồi xuống mà không có ai giúp đỡ. Sau khi hắn đi tới bàn, một phụ tá phải đẩy ghế cho hắn và hắn ngồi phịch xuống.
Thể trạng tâm thần của Hitler cũng tồi tệ. Hắn suy nghĩ luẩn quẩn. Trí nhớ giảm sút. Hắn liên tục lên cơn giận dữ, đặc biệt là khi nghĩ tới cảnh Đức sắp bại trận, hắn la hét không kiểm soát trong nhiều giờ liền.
Một bữa tối trong boongke của Hilter và các vị khách
Một bữa tối trong boongke của Hilter và các vị khách
Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, bác sĩ Schenck đã mất cả một thập kỷ trong các trại tù nhân của Liên Xô, nhưng ông không bao giờ quên được những gì đã nhìn thấy tại boongke của Hitler. Sau khi được thả, ông đã dành nhiều năm nghiên cứu bệnh án của Hitler để tìm hiểu xem chuyện gì đã khiến sức khỏe nhà độc tài suy kiệt nhanh đến thế trong những năm tháng cuối đời.
Bác sĩ Schenck không đơn độc trong nỗ lực này. Hơn 60 năm kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, nhiều sử gia, bác sĩ đã đặt ra câu hỏi tương tự: Cái gì khiến Hitler suy sụp, có phải là bệnh Parkinson hay là giang mai? Vô số giả thiết đã được đưa ra để giải thích về việc sức khỏe thể chất và tâm thần của Hitler xuống dốc quá nhanh. Dù mất công như vậy nhưng các chuyên gia vẫn chưa nhất trí với nhau.
Ở ngoài, Hilter không khỏe mạnh như trong ảnh tuyên truyền.
Ở ngoài, Hilter không khỏe mạnh như trong ảnh tuyên truyền.
Một trong những giả thiết kỳ lạ nhất được chính các bác sĩ riêng của Hitler đưa ra tháng 7/1944. Quá trình chẩn đoán là tình cờ sau khi chuyên gia tai mũi họng tên là Erwin Giesing vô tình nhìn thấy 6 viên thuốc màu đen bé xíu (thuốc chống đầy hơi của bác sĩ Koester) trên khay đồ ăn sáng của Hitler gồm cháo, bánh mỳ và nước cam. Sau khi nhìn thấy thuốc, bác sĩ Giesing đã làm một điều mà bác sĩ riêng của Hilter là ông Theodor Morell không bao giờ dám làm. Ông Giesing đã kiểm tra hộp đựng mấy viên thuốc và đọc nhãn để xem nó là thuốc gì. Ông đã ngạc nhiên trước những gì đọc được. Ông ngờ rằng Hitler đang bị chính những viên thuốc chữa chứng trướng bụng đầu độc.
Hitler đã gặp các vấn đề về tiêu hóa trong cả cuộc đời. Từ bé, hắn dễ bị đau quặn bụng khi tâm trạng chán nản. Khi hắn bước sang tuổi 40, hắn bị chuột rút thường xuyên hơn, thường đi kèm với các cơn “xì hơi” dữ dội và lúc thì táo bón, lúc thì tiêu chảy.
Việc xì hơi nhiều là một trong những lý do khiến Hitler có vẻ trở thành người ăn chay đầu những năm 1930. Hắn không tin bác sĩ nên thay vì nhờ họ thăm khám bệnh tật thì hắn lại tự chữa cho mình bằng cách loại bỏ thức ăn là thịt, thức ăn giàu năng lượng, sữa và bơ ra khỏi bữa ăn. Thay vào đó, hắn ăn rau sống hoặc chín cùng ngũ cốc.
Tăng chất xơ trong bữa ăn không giúp cải thiện tình hình cho Hitler, thậm chí còn khiến hắn bị đầy hơi hơn trước. Giữa những năm 1930, Hilter trở thành người đứng đầu nước Đức và vẫn xì hơi dữ dội. Cơn xì hơi nghiêm trọng nhất là lúc ngay sau bữa ăn, trong các bữa tiệc tối. Điều đó khiến hắn đột ngột bật dậy khỏi bàn ăn và biến ngay vào phòng riêng, để cho các vị khách ngơ ngác không hiểu tại sao hắn lại đi và bao giờ quay lại. Nhiều lần, hắn đã không quay lại bàn ăn.
Năm 1936, Hitler tình cờ gặp bác sĩ Morell tại một bữa tiệc Giáng sinh. Sau khi kéo bác sĩ ra một góc, Hitler đã thổ lộ các vấn đề sức khỏe, nói kỹ về căn bệnh đường ruột và chứng bệnh eczema khiến hắn ngứa ngáy, da ống chân sưng tấy, đau đến mức không thể đi bốt. Giờ đây, hắn đã ngừng tự chữa trị và cho các bác sĩ giỏi nhất Đức kiểm tra. Họ đưa ra một chế độ ăn gồm trà và bánh mỳ nướng nhưng những đồ ăn này khiến hắn cảm thấy yếu ớt và kiệt sức. Bác sĩ Morell lắng nghe chăm chú và sau đó hứa chữa cả hai bệnh trong vòng một năm. Hitler quyết định theo bác sĩ Morell mà không thực sự biết Morell là bác sĩ như thế nào.

Giữa những năm 1930, Đức quốc xã đã bắt đầu hủy diệt một trong những cộng đồng y tế tiến bộ nhất thế giới, o ép người Do Thái ở Đức bỏ nghề y. Trong số đó, có rất nhiều bác sĩ giỏi mà Hitler lẽ ra có thể chọn làm bác sĩ riêng. Vậy nhưng hắn lại chọn một người kỳ cục và bất tài như bác sĩ Theodor Morell.


Bác sĩ lang băm
Vẻ ngoài lý lịch của ông Morell khiến nhiều người ngưỡng mộ. Ông ta từng làm bác sĩ quân y phục vụ trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, mở phòng khám đa khoa trên con phố Kurfurstendamm ở Berlin sau chiến tranh và đón rất nhiều nhân vật nổi tiếng đến đây khám bệnh, từ chính trị gia, nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ...
Ngoài một số ca bệnh như da xấu, bất lực hay bệnh hoa liễu, ông Morell tránh nhận điều trị cho các bệnh nhân ốm yếu thực sự mà giới thiệu họ tới những bác sĩ khác. Về phần mình, ông ta chỉ thích các bệnh nhân thời thượng, nhiều tiền mà phần lớn chỉ bị căng thẳng thần kinh. Nhờ đó, ông ta có cơ hội nịnh nọt và có thể điều trị kiểu “lang băm” cho họ mà không ảnh hưởng gì.
Kỹ năng chiều chuộng bệnh nhân của bác sĩ Morell thuộc dạng bậc thầy. Tuy nhiên, năng lực thầy thuốc của ông ra rõ ràng là yếu kém, đến mức khiến sức khỏe bệnh nhân gặp rủi ro. Nhà viết tiểu sử John Toland viết trong cuốn sách “Adolf Hitler”: “Trong hành nghề, ông ta thường cẩu thả. Ông ta là người băng bó tay bệnh nhân bằng thứ ông ta vừa dùng để lau bàn và dùng chung kim tiêm cho hai bệnh nhân mà không tiệt trùng”.
Thuốc Mutaflor mà bác sĩ Morell kê cho tất cả bệnh nhân, trong đó có Hitler.
Thuốc Mutaflor mà bác sĩ Morell kê cho tất cả bệnh nhân, trong đó có Hitler.
Ngoài làm việc ở phòng khám tư, ông Morell còn là một thành viên ban quản trị công ty dược Hageda. Công ty này sản xuất một loại thuốc kỳ lạ tên là Mutaflor, trong đó các thành phần hoạt tính là vi khuẩn sống nuôi cấy từ phân của “một nông dân Bulgaria thuộc dòng dõi khỏe mạnh nhất”. Mutaflor được dùng để trị rối loạn tiêu hóa dựa trên lý thuyết là các vấn đề tiêu hóa là do vi khuẩn có lợi sống trong đường ruột và tốt cho tiêu hóa đã bị tiêu diệt hoặc bị các vi khuẩn có hại lấn át. Theo đó, khi uống loại thuốc chứa vi khuẩn cấy từ phân một nông dân Bulgaria sống sạch sẽ, khỏe mạnh sẽ giúp đưa lợi khuẩn vào đường ruột gặp vấn đề, khôi phục lại chức năng bình thường. Đó là lý thuyết.
Vì bác sĩ Morell có lợi lích tài chính trong công ty sản xuất Mutaflor nên ông ta kê thuốc này cho hầu như tất cả các bệnh nhân, cho dù họ có bị bệnh về tiêu hóa hay không. Hitler thì có vấn đề về tiêu hóa nên tất nhiên ông Morell đã nhanh chóng kê cho hắn liều Mutaflor dùng thường xuyên, cộng thêm hai viên thuốc chống đầy hơi của bác sĩ Koester sau mỗi bữa ăn.
Bệnh tiêu hóa của Hitler không diễn ra thường xuyên và như từ thời bé, căn bệnh luôn có yếu tố tâm lý. Hắn bị đau quặn bụng và xì hơi mỗi khi căng thẳng. Khi mọi việc bình thường thì các triệu chứng cũng giảm dần. Sau khi giao phó cho bác sĩ Morell chăm sóc sức khỏe, hắn tin tưởng rằng tình trạng của mình sẽ cải thiện. Vài tháng sau, khi chứng bệnh tiêu hóa thuyên giảm, cùng lúc bệnh eczema bắt đầu dịu dần, Hitler lại càng tin bác sĩ Morell. Bệnh thuyên giảm chỉ là tạm thời nhưng không hề gì vì Quốc trưởng cuối cùng đã tìm được một bác sĩ có thể tin cậy. Hitler nói với kiến trúc sư trưởng Albert Speer: “Không có ai trước đó từng nói với tôi rõ ràng và chính xác về vấn đề của tôi. Phương pháp chữa trị của ông ấy hợp lý tới mức tôi có tin tưởng ông ta nhất. Tôi sẽ tuân theo từng chữ trong đơn thuốc của ông ấy”. Trong thực tế, ông Morell đã ở bên cạnh Hitler đến gần như cuối đời.
Hitler bám lấy bác sĩ Morell ngay lập tức, tuy nhiên những người thân cận của Hitler lại ghét vị bác sĩ này ngay từ đầu. Không chỉ vì ông ta rõ ràng là một lang băm, mà còn là vì ông ta khiến người xung quanh không thoải mái. Với cơ thể béo phì lại không tắm rửa thường xuyên, da và tóc ông Morel bết nhờn, móng tay cáu bẩn, cơ thể to ục ịch bốc mùi, hơi thở hôi hám. Hơn nữa, ông ta lại có thói quen ợ và xì hơi bất lịch sự. Ông Speer cho biết bác sĩ Morell ăn khỏe và nhồm nhoàm.
Bác sĩ Morell (trái), Hitler và Eva Braun.
Bác sĩ Morell (trái), Hitler và Eva Braun.
Người tình Eva Braun của Hitler cũng ghê tởm ông Morell nhưng hắn không quan tâm. Khi Eva và mọi người phàn nàn về mùi hôi cơ thể của ông Morell, Hitler xua tay cho qua. Hắn nói: “Tôi không thuê ông ta để ông ta xức nước hoa, mà để chăm sóc sức khỏe cho tôi”.
Trong những ngày đầu, ảnh hưởng của bác sĩ Morell với Hitler tương đối nhẹ nhàng. Ông ta chỉ đưa ra lời khuyên ăn uống và tất nhiên là kê thuốc Mutaflor cùng viên chống đầy hơi. Dần dần, ông ta trở nên kiểm soát mọi thứ Hitler ăn và số lượng thuốc cũng như số liều mà ông ta kê cho Hitler ngày càng tăng mạnh. Ông ta kê enzyme, chiết xuất, thuốc kích thích, hormone, thuốc giảm đau, thuốc an thần, thuốc giảm căng cơ, morphine, thuốc nhuận tràng và hàng chục thuốc khác.
Theo một ước tính, đầu những năm 1940, Hitler uống 92 loại thuốc khác nhau, trong đó có 63 loại thuốc viên và kem bôi da. Một số thuốc được kê chỉ khi Hitler có vấn đề gì đó, còn số khác được kê để uống hàng ngày. Tới mùa hè năm 1941, trung bình Hitler nốc từ 120 đến 150 viên thuốc mỗi tuần. Ngoài thuốc, bác sĩ Morell còn tiêm cho Hitler, có khi tới 10 mũi một ngày, có ngày còn nhiều hơn. Số thuốc và mũi tiêm cho Hitler nhiều đến mức mà ngay cả trùm mật vụ Herman Goering cũng giật mình và gọi ông Morell là “thần tiêm đế chế Đức”.
Không ai biết chắc bác sĩ Morell đưa cho Hitler uống cái gì. Ngoài Morell, Hitler còn có hai người nữa phục vụ là bác sĩ phẫu thuật Karl Brandt và Hans Karl von Hasselbach. Họ tới chỗ Hitler trong trường hợp hắn cần phẫu thuật khẩn cấp. Ngoài ra, các bác sĩ khác như ông Erwin Giesing thỉnh thoảng cũng được gọi đến để chữa trị một số thứ. Nhưng không ai biết ông Morell đang làm gì. Bất kỳ bác sĩ nào cũng sẽ giật mình trước tất cả những mũi tiêm dành cho Hitler. Nhưng mỗi khi bác sĩ Brandt hay bất kỳ ai hỏi ông ta là tiêm gì cho Hitler và tại sao tiêm nhiều thế, ông ta đều phẩy tay, nói là đó là vitamin hoặc glucose hoặc trả lời kiểu: “Tôi tiêm cho ông ấy thứ ông ấy cần”.

Theo Thuỳ Dương
Báo Tin tức
Nguồn: Dantri

Tìm kiếm Blog này