H3 Hùng
VÀO TỌA ĐỘ CHẾT
Rồi một đêm nọ, vào khoảng nửa đêm về sáng, từ cái núi đá có con nhím chạy loảng xoảng đó, chúng tôi xuất kích đánh một căn cứ của địch. Cái cứ điểm này được chấm trên bản đồ hành quân chứ thực sự chưa ai bước chân vào.
Nghe lính tráng nói với nhau, sở dĩ chúng tôi có chiến dịch này là do vệ tinh trinh sát của Liên Xô phát hiện, họ thấy có căn cứ địch trên dãy Nam Cao Mê-lai nên cung cấp thông tin cho ta, trinh sát ta phải luồn rừng cả tháng trời để nắm địch... Đó là tin của lính, chúng tôi viết chuyện đời lính nên nghe sao nói vậy! Sau này, tôi đọc quyển hồi ký viết về cuộc chiến tranh bắt buộc của đại tá Nguyễn Văn Hồng (đăng trên quansuvn.net) thì biết rằng ông đã phát hiện ra khu căn cứ này khi ngồi trên máy bay trực thăng. Thế mới biết, thông tin của lính sáng tạo ra phong phú thật.
Kế hoạch tác chiến được vạch ra cho trận đánh này là chúng tôi sẽ dùng mìn định hướng để thổi bay mìn của địch làm cửa mở xung phong. Đơn giản như... đang giởn!
Tôi trung đội phó, phụ trách trung đội 4 người của mình, hỏa lực bao gồm 1 B40, một trung liên RPD và hai cây AK, đi đầu đội hình hành quân của tiểu đoàn. Riêng tôi, tôi đeo thêm một quả mìn ĐH 10 (chiến lợi phẩm thu được của Pôn Pốt) chúng tôi đi theo trinh sát tiểu đoàn tiến quân vào trận địa.
Chúng tôi hành quân từ lúc nửa đêm dưới ánh trăng trung tuần tháng giêng. Dù đi trong địa hình rừng núi, nhưng ánh trăng vàng rực ấm áp hôm đó vẫn đủ sức chiếu sáng đường chúng tôi đi.
Khoảng 4 giờ sáng thì đến điểm. Đội hình chiến đấu dừng lại chờ trinh sát mở đường thì mìn nổ. Không biết ai chết, nhưng tôi biết có đồng chí Nghĩa, trung đội phó trinh sát tiểu đoàn bị thương, sau đó được đưa lên cáng thương và đi tiếp.
Lần này, trinh sát mở đường từ hướng khác thì mìn lại nổ tiếp, đồng chí Nghĩa lại bị thương tiếp lần thứ hai. Sau trận đó, anh nổi tiếng khắp tiểu đoàn vì là người bị trúng mìn hai lần... mà không chết. Anh này là dân Thủ Đức, nhập ngũ tháng 3/79, hồi ở phum Sophi tôi và anh cùng trung đội của anh Thạch, tôi có nhắc tới anh trong câu chuyện nhỏ, bà mẹ cô gái anh thích thường đùa với anh: Đưa me mười cây vàng me gã con gái cho. Số bà này có con gái đẹp mà không được hưởng của, cô này do đẹp quá mà bị người yêu... bắt làm vợ. Số là cô có quen một anh trong phum (tất nhiên là người Campuchia), anh này không có mười cây vàng nộp cho bà già vợ, thế là anh và người nhà của anh canh me cô này đi ra ngoài đường trùm bao bố lên người cô, vác cô lên vai mang về làm vợ, tiền dâm hậu thú, ván đã đóng thuyền, thế là xong, thế mới đểu, không biết anh Nghĩa có buồn không? Sao lúc đó tôi thấy anh vẫn tỉnh bơ như không... Sau trận đó, do mất sức chiến đấu, anh được đồng chí tiểu đoàn trưởng ưu ái phân công là trợ lý tác chiến kiêm trực ban chuyên nghiệp.
Từ ngày anh Nghĩa lên làm trực ban chuyên nghiệp, cánh cán bộ trung đội chúng tôi khỏi phải mất công ăn cơm đại đội đánh kẻng tiểu đoàn... Nói vậy chứ tôi thấy rõ tính ưu việt của chế độ cán bộ trung đội trực ban tiểu đoàn và tuần tự như vậy mà lên cao hơn nửa, hoặc cán bộ tiểu đội trực ban đại đội .v.v... Nó có cái hay là tập cho cán bộ cấp thấp quen dần với công việc của cấp trên trong việc duy trì nề nếp sinh hoạt của đơn vị, để sau này khi hữu sự có thể lên làm lãnh đạo mà đở bị bở ngở, vì đã được tập làm chỉ huy từ trước.
Trinh sát tiểu đoàn chỉ còn duy nhất một người là đồng chí tiểu đội trưởng Lê Văn Rô, nhập ngũ tháng 3/79, nhà ở phường 4, quận 1 (phường Tân Định bây giờ). Anh này tôi nhớ rõ vì chúng tôi có nhiều duyên nợ trong trận đánh không... thành này!
Trời dần sáng, lần thứ ba trinh sát được chỉ huy tiểu đoàn ra lệnh cắt rừng mở đường khác để đưa bộ binh vào trận, tôi đang ở đầu hàng quân, thứ ba từ trên xuống, nghe rõ tiếng rừng núi chuyển mình về sáng, nghe thấy đâu đây tiếng cười gằn của tử thần trong cánh rừng cây thâm u trước mặt.
Và tôi thấy rõ đồng chí Rô mặt tái mét đang từ dưới đi lên, anh xiểng niểng đi ngang qua người tôi, tôi còn né người qua để nhường chổ cho anh bước tới. Mệnh lệnh hành quân của cả một hệ thống quân giai đang ép lên anh, người lính trinh sát cuối cùng!
NGƯỜI LÍNH TRINH SÁT CUỐI CÙNG
Chúng tôi đi rất chậm, cực kỳ cảnh giác, thưa ra - cách nhau mười mét, là mệnh lệnh hành quân được nhắc đi nhắc lại từ chỉ huy ở phía sau truyền lên phía trước.
Có dấu bẻ cò
Trinh sát Rô vừa cắt rừng vạch đường đi, vừa báo về phía sau là anh phát hiện có dấu bẻ cò.
Đi trong rừng để đánh dấu đường đi, người ta thường bẻ quặt một cành lá trên đường mình đi qua, cái dấu bẻ quặt đó cánh lính chúng tôi gọi là dấu bẻ cò.
Có dấu bẻ cò
Tôi vừa truyền lại câu báo cáo đó ra phía sau thì nghe bình một tiếng chát chúa, tôi nghe một luồng hơi nóng và lá cây bay xạt qua rát mặt, hai chiến sĩ của trung đội đi phía trước bỏ chạy ngay ra phía sau nói là bị thương.
Ngay lúc đó, đại đội phó Nông Tiến Dũng đi lên kêu: Hùng lên phía trước xem sao? Tôi và anh thận trọng tiến lên phía trước.
Lê Văn Rô chết tức thì ngay sau tiếng nổ.
Nghe tiếng bình chát chúa, chúng tôi biết chắc chắn là anh đã vướng mìn KP2.
KP2 là loại mìn vướng nổ do Trung quốc chế tạo, mìn được gài bằng dây rừng hay dây gì bất kể miễn đồng màu với địa hình, hể bị vướng thì cái dây đó kéo cái chốt an toàn ra, kim hỏa đập vào hạt nổ, hạt nổ kích thích liều phóng, mìn phóng ra khỏi ống phóng, lên cao khoảng 1,2m thì phát nổ.
Với tầm nổ này người bị vướng mìn chắc chắn vỡ tim, banh ruột chết ngay lập tức. Mảnh của nó còn văng ra xa, bán kính sát thương dày đặc 10m, 20m tiếp theo vẫn còn khả năng sát thương. Hai chiến sĩ trong đội của chúng tôi đã bị thương kiểu như vậy, do chúng tôi duy trì tốt khoảng cách, nên hai anh này chỉ bị sây sát chút đỉnh, y sĩ tiểu đoàn băng bó sơ qua rồi bắt ra trận tiếp, không được về tuyến sau, vết thương ngoài da mà.
Trước mắt chúng tôi, anh Rô nằm bật ngửa, ruột đổ xuống đất. Tôi hai tay hốt ruột của anh nhét lại vào trong bụng, ruột đã đổ thì nó xổ và nở ra, nhét vào không hết. Tôi phải lấy cái nón cối của anh úp lên chổ ruột còn nằm bên ngoài ổ bụng. Anh Dũng đi chặt cây làm cáng, chúng tôi đặt anh vào võng thật gọn gàng, cột chặt dây võng vào cáng thương, để anh nằm đó chờ lệnh.
LỐI VỀ ĐẤT MẸ
Đầu óc tôi ong ong vì hậu quả của tiếng nổ và vì căng thẳng, lúc này cả trung đội chỉ còn tôi và một đồng chí hỏa lực RPD. AK đi trước, hỏa lực đi sau là nguyên tắc hành quân trên chiến trường. Vậy nếu đi tiếp thì tôi phải đi đầu đội hình, chết là cái chắc!
Tôi đang là cái mũi nhọn duy nhất trên đầu mệnh lệnh hành quân của cả hệ thống quân giai. Tiểu đoàn chúng tôi đang chấp hành mệnh lệnh hành quân của trung đoàn. Nhận lệnh của trung đoàn thì tiểu đoàn lệnh xuống đại đội, đại đội lệnh xuống trung đội, trung đội không còn ai nhận lệnh thì tôi phải trực tiếp thi hành cái mệnh lệnh đó... Đi tiếp chắc chắn là đá phải mìn.
Cả trung đội trinh sát của tiểu đoàn 3 đã bị thương vong sạch sẽ. Vậy ai cắt đường dẩn quân vào trận? Đây là tình huống khó... Tất nhiên tình huống này theo hệ thống quân giai sẽ được báo cáo lên trên và lên trên nửa để xử lý?
Thật lâu sau đó, chúng tôi được lệnh trở về cái núi đá nơi mình xuất phát hồi nửa đêm... Tạm thời để lại cái căn cứ nằm trong bãi mìn đó cho Pôn Pốt.
Không biết thằng Pôn Pốt trong cái căn cứ đó có biết rằng những bãi mìn dày đặc của nó đã bẻ gãy một cuộc hành quân lớn của Việt Nam và loại bỏ hoàn toàn một trung đội trinh sát ra ngoài vòng chiến đấu không?
Chắc là thằng Pôn Pốt không biết. Nhưng lính tiểu đoàn 3 tham gia chiến dịch năm đó thì nhớ mãi trận đánh bất thành này.
Cuối tháng 4 năm 2005 tôi ngồi bên mộ phần của Lê Văn Rô trong nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh, thấy ghi ngày tháng năm hy sinh của anh là 31/12/1982, ghi như vậy là không đúng! Anh Rô đã hy sinh vào một buổi sáng sớm mùa xuân năm 1982, trong khoảng thời gian mới qua rằm tháng giêng âm lịch được ít hôm, vì hôm xuất kích đó, trăng giữa đêm sáng lắm, sáng mãi đến... sáng.
Trung đội 4 người của chúng tôi được phân công mang xác anh Rô. Cả tiểu đoàn về tới núi đá thì trời đổ mưa, một cơn mưa đầu năm bất chợt. Chúng tôi nhờ trận mưa này mà có nước uống giải khát, có nước nấu cơm ăn bên cạnh cái xác của đồng đội mình và đêm đó chúng tôi đã ngũ ngay bên cạnh cái xác lạnh của anh.
Nhờ uống nước cơn mưa trái mùa đó mà chúng tôi phục hồi sức lực, hôm sau chúng tôi đủ sức cáng cái xác anh Rô đi đúng một ngày đường rừng núi mấp mô để mang anh về tuyến sau làm hậu sự.
Xác của anh đã bốc mùi, chúng tôi chịu đựng cái mùi đó của anh không ghê tởm, không oán trách. Tôi còn nhớ người anh nhỏ gọn nên chúng tôi cáng anh không đến nổi è ạch lắm. Bước qua những gốc cây to đổ trong rừng, võng anh trượt trên thân cây và rồi tiếp tục lắc lư trên vai chúng tôi với cái mùi đặc trưng không lẩn đâu vào đâu được.
Trời chập tối chúng tôi mới ra tới đường cái, đây là con đường đất đỏ mà chúng tôi thường đi tuần, con đường đã lấy đi của anh lính lái xe một cái chân. Không biết cái anh thương binh cụt chân đó giờ này ở đâu? Anh không biết tôi, nhưng tôi biết anh qua câu chuyện lính tráng kháo nhau: Khi tỉnh dậy, anh đã tức tối - khóc lóc - kể lể như thế nào khi thấy cái chân mình bị mất.
Chúng tôi ngồi nghỉ trong một cái chốt ven đường đất đỏ của lính công binh, không biết có phải là công binh C18 trung đoàn 4 không? Điều này không quan trọng, nhưng cái tôi nhớ nhất là những chén trà và điếu thuốc mà chúng tôi được thưởng thức trong cái chốt ven đường đó.
Cái tình cảm tương thân tương ái của những người lính đối với nhau trên chiến trường tốt lắm. Anh lính đóng chốt luôn sẳn sàng chia sẽ với anh lính ngoài mặt trận, sẳn sàng đãi anh những món ngon mình có sẳn. Trà và thuốc, nhất là thuốc lá là món chúng tôi luôn luôn thiếu thốn, luôn luôn thèm thuồng trong những chuyến hành quân xa.
Chúng tôi bàn giao cái xác của anh Rô để tiếp tục chuyển về tuyến sau ngay tại cái chốt công binh đêm hôm đó.
NHỮNG CƠN SỐT RÉT
Chiến dịch chưa kết thúc, hôm sau chúng tôi quay trở lại cái núi đá có con nhím chạy loảng xoảng chốt ở đó một thời gian nửa rồi mới quay ra trở về cái căn cứ mà chúng tôi chiếm được hôm 28 tết.
Mấy ngày sau, từ cái căn cứ đó, chúng tôi lại tiếp tục đi truy quét. Chúng tôi đi ngược lại con đường đất đỏ, trở về hướng chúng tôi xuất phát hôm 27 tết.
Đi được một đoạn, tiểu đoàn dừng lại để trinh sát cắt đường rẽ vào rừng thì tôi lên cơn sốt mê man, tiểu đoàn để tôi nằm đó, vào rừng hành quân theo bản đồ tác chiến được giao. Tỉnh dậy, tôi quay trở về cái căn cứ của mình, đi được một đoạn thì lên cơn sốt, tôi ngã ra nằm trên con đường tôi vừa đi, trước khi mê man, tôi còn nhớ quay mũi súng về hướng đi của mình để lúc tỉnh dậy đi tiếp.
Tỉnh dậy, dù đã cẩn thận quay mũi súng chỉ đường, nhưng đầu óc tôi mê muội không biết hướng nào mà đi, tôi cứ đi đại, đi mãi thì đến chổ ngã ba mà hồi sáng tôi nằm lại trước khi tiểu đoàn rẽ vào rừng. Vậy là sai hướng rồi, uổng công tôi đi từ sáng đến giờ, mệt mõi và kiệt sức, tôi bật ra mê man bên đường...
Chính cái sức trẻ đã cứu tôi, nó dựng tôi dậy và đi một hơi trở về cái căn cứ của mình. Cái căn cứ mà chúng tôi chiếm được hôm 28 tết, giờ đã là hậu cứ đông vui của cả trung đoàn 4.
Về đến hậu cứ thì trời đã về chiều, tôi ghé vào chốt của trung đội vệ binh đóng ở đầu cứ uống nước, tôi được anh em cho thuốc uống rồi tôi đi tiếp đến điểm đặt hậu cứ của tiểu đoàn, giăng võng dưới mấy bụi tre bên bờ suối cạn, lăn ra ngũ mê man mấy ngày đêm liền, tôi còn nhớ đồng chí Tý đại đội trưởng của tôi mới từ Việt Nam sang, lắc võng hỏi tôi cái gì đó, tôi cũng mê man ú ớ trả lời cái gì đó, khi tỉnh dậy thì đồng chí đã đi chiến trường rồi... Vậy mà sau đó tôi lại tỉnh dậy được, lại tiếp tục cùng tiểu đoàn đi lùng sục Nam Cao Mê-lai nửa... Và căn bệnh sốt rét mãn tính lại quật ngã tôi một lần nửa trên con đường hành quân liên tục của tiểu đoàn.
Bây giờ đang là tháng 3 năm 1982.
Có mùi cơm chín, hôi thật là hôi... Khi anh bị sốt rét nặng, anh sẽ ngửi mùi thơm của cơm chín ra mùi hôi và tất nhiên anh ăn không được!
Tôi cũng vậy, tôi ngã ra võng nằm tiếp! Ngũ cho đã, cho qua cơn sốt thì bật dậy thu võng quay về hậu cứ.
Về đến hậu cứ trung đoàn, chúng tôi do bị bỏ lại chiến trường, không có giấy giới thiệu của đơn vị chủ quản nên không được nhập viện, đồng chí nào đó đã phát cho tôi một vốc thuốc lớn để dành uống trị bệnh.
NHỮNG NGÀY Ở SOPHI
Và với vốc thuốc đó trong túi, tôi tự động trở về hậu phương của mình, hậu phương của tôi là nhà me Lênh ở tận phum Sophi phía Bắc lộ 5... Không hiểu bằng cách nào mà tôi xoay xở về được tới phum Sophi cách đó hơn 20 cây số trong điều kiện sức khỏe tồi tệ, sốt rét mãn tính, ngũ mê, ngũ mệt.
Với vốc thuốc của đồng chí K23 tốt bụng phát cho và sự tận tâm chăm sóc của me Lênh, tôi dần khỏi bệnh.
Phum Sophi lúc đó là đơn vị hành chánh cấp xã, chính quyền mạnh, có chuyên gia kè cặp và lính tráng bảo vệ nên rất an ninh. Tất cả bệnh binh và lính trốn trận đều lần lượt kéo nhau về đây nghĩ dưỡng. Tôi có một anh bạn tên Hà Phước Tú nhập ngũ cùng đợt, làm phiên dịch cho chuyên gia, anh nói với tôi là anh được chỉ thị phải ghi chép tên tuổi lính bỏ về đây để sau này kỹ luật. Tôi nghe, nhưng mặc kệ, tôi không trốn trận, tôi bị bệnh bỏ lại chiến trường, tôi về đây vì ở đây tôi có mẹ nuôi chăm sóc, cho tôi ăn uống...
Tôi nằm dưỡng bệnh tại nhà me Lênh với mấy anh lính trẻ nửa, nhập ngũ sau tôi và không phải là lính tôi... Người đông, ăn uống tốn kém, nhà me Lênh lại nghèo, tôi nghe cô cháu nội của me Lênh nói với mấy anh lính trẻ là or ăng-co hốp (hết gạo ăn). Tôi nghe rõ câu nói đó, nhưng không phản ứng gì, đến nay tôi vẫn còn ân hận về sự vô tâm của mình.
Mấy anh lính trẻ đó chắc chắn là nghe và hiểu, rồi không biết có đi kiếm gạo cho me Lênh nấu không? Tôi bệnh hoạn nửa mơ, nửa tỉnh, chỉ biết rằng tôi đã nằm an dưỡng ở nhà me Lênh rất lâu, chắc là hơn nửa tháng trời và đến nay tôi vẫn còn ân hận gì đã kéo thêm lính về ăn tàn ăn hại nhà me. Thực ra nếu hiểu đời, lúc đó tôi có quyền đi kiếm hậu cần đòi tiêu chuẩn gạo của mình để mang về cho mẹ nấu cơm.
Lúc đó tôi có nghe anh em nói phong thanh là có cấp phát gạo cho lính nằm chờ đơn vị ở Sophi, nhưng tôi không biết là mình có đi lãnh gạo mang về cho mẹ không? Chắc là không, nếu có thì tôi đã không phải áy náy về cái câu or ăng-co hốp đó rồi!
Được tin đơn vị chuẩn bị trở về, chúng tôi lại kéo nhau vào Tà-cuông Krao. Trước khi tôi về Tà-cuông, me Lênh đã tặng tôi một tấm hình để làm kỹ niệm, đó là tấm ảnh me cạo đầu mặc bộ đồ nữ tu màu trắng. Tôi giữ tấm ảnh đó cẩn thận, mãi đến năm 1996 nhà tôi bị cháy, cháy tiêu luôn tấm ảnh, cùng tập nhật ký chiến sĩ, cả những tờ bằng khen của quân đội cấp cho tôi cũng trở thành tro tàn.
Lúc me Lênh tặng tôi tấm ảnh, tôi không hề nghĩ đó là lần gặp gỡ cuối cùng của hai mẹ con tôi, tôi sẽ không còn dịp gặp lại mẹ! Nhưng mẹ là người già cả, mẹ hiểu, mẹ biết rằng tôi đã hoàn thành 3 năm nghĩa vụ quân sự, chắc chắn là tới đây tôi sẽ về nước, khó có cơ hội gặp lại mẹ, mẹ đã tặng tôi tấm ảnh để làm kỹ niệm, để còn nhớ mẹ.
Và tôi nhớ thật, nhớ mãi đến bây giờ. Cái nhớ pha lẩn bức rức, tôi nghĩ rằng đến nay mẹ không còn nửa, hoặc nếu còn thì cũng đã ngoài 90 rồi, tôi phải làm sao đây? Phải về thăm lại chiến trường xưa, thăm lại mái nhà xưa của bà mẹ nuôi của mình, như vậy mới phải đạo làm người.
TÀN CHIẾN CUỘC
Về Tà-cuông Krao, chúng tôi nhận địa điểm bố trí của đơn vị mình, đóng cọc, trãi tăng nylon ra làm vật chứa, rồi đi xách nước trong hồ Tà-cuông đổ vào, chuẩn bị sẳn sàng để anh em về nấu cơm, nấu nước phục vụ anh em.
Quân tiền tuyến trở về từng đoàn, từng đoàn, nước hồ Ta-cuông cạn trơ đáy, bùn sình lầy lội nổi lên. Không đủ nước để sử dụng, nhiều đơn vị phải cho xe tải lên phía trước chở nước về dùng. Thế là có chuyện:
Chiều hôm đó, ra đường đất đỏ đứng ngóng đơn vị của mình thì tôi thấy một xe chở nước trờ tới, xe này vừa bị lính Pốt phục kích bắn B40, lái xe đã bình tỉnh chạy thoát về Tà-cuông.
Tôi thấy rõ ràng, hai anh lính đứng trong thùng xe tải, cong lưng, vận sức kéo từ phuy nước ra... một xác lính bị gãy gập làm đôi và bị nhấn lọt thỏm vào phuy nước. Anh này đã lãnh nguyên một trái B40 vào người và sức đẩy của trái đạn này đã nhận thẳng cánh anh vào thùng phuy chứa nước luôn (loại phuy xăng 220 lit).
Tổn thất nhân mạng của chiến dịch C81 tạm gọi là kết thúc ở đây, sau cái chết của người chiến sĩ đi lấy nước lúc tàn chiến cuộc!
Tiểu đoàn của chúng tôi cũng về Tà-cuông Krao ngày hôm đó chỉ với mấy mươi tay súng tàn tạ vì thiếu ăn, thiếu uống, bệnh hoạn!
Các đơn vị tham gia chiến dịch C81 lần lượt rút khỏi Tà-cuông, riêng tiểu đoàn tôi thì còn nán lại tại đó một thời gian để bảo vệ cái phum này.
Đầu mùa mưa 1982 Tà-cuông Krao đã trở thành một căn cứ hậu cần lớn của trung đoàn 4... Trước đó, tôi thấy từng đoàn xe tải lần lượt chở gạo, chở đạn đến chất đầy có ngọn trong chùa Tà-cuông, riêng đạn được chất tràn cả ra khoảng đất trống phía sau chùa. Đợt vận tải kết thúc thì mùa mưa 1982 cũng chính thức bắt đầu.
Hồi thứ 22: XÂY DỰNG CĂN CỨ HÀNH QUÂN NĂM-SẤP
Đầu mùa mưa 1982 tiểu đoàn 3 lại được bố trí về Sophia, xóm làng bây giờ hoàn toàn vắng lặng vì dân đã bị di dời ra hai bên lộ 5. Đại đội bộ đóng gần hồ nước giữa phum, tôi còn nhớ mùa mưa năm đó, tại cái hồ này chú Thái liên lạc bắt được một con cá lóc, nó đang lóc ngược giòng nước chảy vào hồ, mới đầu mùa mưa mà cái hồ này đã đầy nước.
Thời gian này quân số đơn vị đã hồi phục lại, mỗi trung đội được 7, 8 người. Trung đội của chúng tôi được bố trí ở phía đông phum, trước mặt là một con mương nhỏ, bên kia là một cánh đồng rộng mênh mông, trơ trọi vài cây độc mộc giữa đồng, chim trời về đậu trên những cành cây đó. Có lúc rảnh rổi tôi xách súng đi bắn chim cải thiện, nhưng giữa đồng trống không tiếp cận được nó, thấy tôi lội ruộng bì bỏm vào, nó đập cánh bay đi.
Giai đoạn này chúng tôi luyện tập chiến thuật phòng ngự trận địa, vận động tấn công trên chiến trường từ cấp đại đội đến cấp tiểu đoàn .v.v. Riêng khoa mục tiểu đoàn bộ binh vận động tấn công trên chiến trường thì ban chỉ huy tiểu đoàn đích thân dàn quân diễn tập, có ban chỉ huy trung đoàn xuống kiểm tra và đánh giá kết quả học tập. Việc huấn luyện này theo tôi là rất quan trọng để cán bộ các cấp trong tiểu đoàn hiểu ý nhau hơn trong phối hợp tác chiến và các xử lý tình huống xãy ra trong chiến đấu.
Giai đoạn cũng cố và huấn luyện mùa mưa 1982 trôi qua rất mau, giữa mùa mưa 1982 chúng tôi lại trở về Tà-cuông Krao với nhiệm vụ mới nghe lần đầu là... xây dựng căn cứ hành quân.
Trở về Tà-cuông, thời gian đầu chúng tôi ban đêm ngũ ở Tà-cuông, ban ngày kéo nhau vào Năm-sấp xây dựng căn cứ hành quân. Trong thời gian này đơn vị tôi có nhiều thay đổi, anh Tý đại đội trưởng được lên chức qua tiểu đoàn 1 làm tiểu đoàn phó, anh Nông Tiến Dũng lên làm quyền đại đội trưởng, anh Thạch được điều qua tiểu đoàn 2 làm đại đội phó. Riêng trung đội tôi, anh Thư trung đội trưởng (sĩ quan) đi phép về nắm lại trung đội, anh là dân Củ Chi, giỏi nghề mây tre lá. Anh chỉ huy trung đội xây cất lán trại, đan tranh lợp nhà, chẻ tre làm giường .v.v. Nhờ vậy chúng tôi tuy ở trong rừng sâu nhưng cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, tươm tất. Tôi lui về vị trí trung đội phó của mình với tâm niệm cấp phó lúc có, lúc không. Đây là lúc tôi thảnh thơi, tối tối nằm nghe mưa rơi tí tách trên mái lá, thỉnh thoảng đốt đèn dầu, nằm giường tre viết thư gởi về nhà hoặc ghi hồi ký chơi.
Tôi đã từng dẩn trung đội vào rừng tuần tra khu rừng rậm phía trước đội hình (tất nhiên là có trinh sát dẩn đường, vì rừng rậm khó đi, không có la bàn thì lạc mất đường về). Phía trước đội hình đóng quân của chúng tôi là rừng tre dày đặc, chen chân không lọt.
Với cái địa hình này không thể nào dàn quân hàng ngang tấn công được, giỏi lắm là anh chỉ len lách được trong rừng tre theo hàng dọc mà thôi... Vậy là êm, với cái rừng này lính Pôn Pốt khó mà làm gì được chúng tôi.
Phía trước chúng tôi là rừng tre, còn chổ chúng tôi đóng lại là rừng tạp, tức là có cây dầu, cây bằng lăng, cây tre, cây mây, dây leo... đủ loại.
Lần đầu tiên tôi bứt cái dây mây, tôi nắm nó mà kéo, cái võ lụa gai tua tủa của nó bị vướng vít trong cành lá nên tuột ra, để lộ cái dây mây trắng ngà sạch đẹp. Khi tôi bứt dây, cả rừng cành lá phía trên bị nó lôi theo mà chuyển động.
Người ta nói bứt dây động rừng là vì vậy.
Dây mây già tới tuổi rất dẻo dai, đu không đứt, bứt không rời, chỉ có cách kéo dây xuống tới chừng nào căng quá thì thôi, thì kê cái dây đó vô thân cây, lấy dao đi rừng phập một cái là xong.
Nguồn: Vnmilitaryhistory