Tim thông tin blog này:

Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2021

Những vết tích của người Lào từng sống ở Đắk Lắk, Kon Tum.

(Tập hợp thông tin và nhận định).

Năm 1978, đơn vị tôi đóng quân gần Ngả 3 Đông Dương. Qua tiếp xúc với mấy dân tộc như Lào, Brâu, Tămpuôn... là người dân từ Campuchia chạy sang Kon Tum tỵ nạn, mình thật bất ngờ, lấy làm lạ khi biết họ có anh em họ hàng sinh sống ở cả ba nước ĐD. Đối với họ quốc gia này nọ là chuyện thứ yếu, họ nói nếu không có chiến tranh, phân định quốc gia thì họ qua lại biên giới trao đổi hàng hóa, dự lễ hội, cưới hỏi, thăm viếng lẫn nhau là chuyện bình thường.

Theo Nguyên Ngọc/ Diendan
Các bộ lạc ở Tây Nguyên quan hệ với “lân bang” trên vùng duyên hải phía đông chủ yếu do nhu cầu tìm muối mà Tây Nguyên hoàn toàn không có. Tây Nguyên có hai địa danh đáng chú ý: Trong tiếng Ê Đê, buôn có nghĩa là làng (Buôn Hồ, Buôn Sam, Buôn Ma Thuột…), nhưng lại có Bản Đôn ở Đắc Lắc, phía tây Buôn Ma Thuột, sâu về phía nam Tây Nguyên, gần biên giới Cămphuchia. Bản là tiếng Lào, có nghĩa là làng. Bản Đôn chính là một trạm buôn của người Lào cắm sâu vào đây từ rất xưa, đến nay kiến trúc nhà cửa trong làng vẫn còn nhiều dấu vết Lào, người dân vẫn hiểu thông thạo tiếng Lào. Đây cũng chính là vùng dân tộc Mơ Nông, rất giỏi nghề săn bắt và thuần dưỡng voi. Rất có thể chính người Lào đã truyền nghề này cho người Mơ Nông… Trong cụm núi Ngok Linh lại làng Mường Hon. Mường chắc chắn là tiếng Lào, cũng có nghĩa là làng. Đây có thể là một làng người Lào vào định cư đã lâu đời trong cụm núi lớn này, cũng có thể là vết tích của những người Lào chạy dạt vào đây do hệ quả của các cuộc chiến tranh bộ lạc ngày xưa… Rõ ràng quan hệ của người Lào với các dân tộc Tây Nguyên từ xa xưa đã khá sâu...
Khi đã chiếm được toàn bộ Đông Dương, người Pháp đã chia bán đảo này ra thành năm xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Ai Lao và Cao miên. Vậy nên phân Tây Nguyên về đâu? Họ có cái mà Jacques Dournes, trong tác phẩm P’tao… của ông, gọi là “logique du découpage” (lô gích của sự phân cắt), tất nhiên là lô gích phân cắt sao cho thuận tiện hơn cả đối với sự cai trị của chính quyền thực dân. Thấy trong các “lân bang” trước nay, người Lào đã xâm nhập vào Tây Nguyên sâu hơn cả, về mặt chủng tộc cũng tương đối gần gũi, nên họ cắt Tây Nguyên về Lào. Một thời gian sau, nhận thấy thủ đô Lào đặt ở Viêng Chăn quá xa, khó với tới Tây Nguyên, đến năm 1904 Toàn quyền Đông Dương đã ký nghị định giao Tây Nguyên về cho triều đình Huế. Như vậy về mặt pháp lý (của chính quyền thực dân), từ năm 1904 Tây Nguyên mới chính thức thuộc về Trung Kỳ, và từ đó thuộc về Việt Nam.

Về bản Đôn (Đon) ở Đắk Lắk.
Theo Báo Đăk Lắk:
Bản Đôn là cách gọi của người Lào còn người Êđê và M'nông thì gọi là Buôn Đôn
Bản Đôn theo tiếng Lào (sắc dân chiếm đa số ở đây khi còn sơ khai) có nghĩa là "Làng Đảo" nghĩa là một ngôi làng được xây dựng trên một ốc đảo của sông Sêrepôk. Đây từng là một trong những điểm giao thương quan trọng của 3 nước Đông Dương ngày xưa trên tuyến đường sông. Người Lào khi ấy, trong lúc ngược dòng sông buôn bán, bắt gặp mảnh đất này đã bị quyến rũ và ở lại cùng người Ê Đê bản địa xây dựng lên ở đây một ngôi làng trù phú đầy bản sắc. Cư dân Bản Đôn ngày nay vẫn còn thông thạo tiếng Lào và tiếng Thái Lan, Cư dân có sự lai tạp giữa người Êđê bản địa và người Nam Lào.
Nhà sàn này được làm theo kiến trúc nhà sàn của dân tộc Lào, là nhà của Khun Yu Nốb. 
Dù thế hệ ông bà, những người Lào gốc chỉ còn lại đôi người nhưng anh em dòng tộc ở bên Lào mỗi khi có dịp vẫn sang Buôn Đôn chơi thăm em, thăm cháu mình và ngược lại...

Về ruộng Lào ở Kon Tum.
Theo Phêrô Minh Sơn/ Đức Mẹ Măng Đen:
Từ xa xưa, Tây Nguyên là vùng đệm, một thời là nơi giao tranh giữa các bộ tộc. Do địa hình và chủng tộc, người Lào đã có quan hệ lâu đời và sâu với các dân tộc ở Tây Nguyên: Bản Đôn ở Đăk Lăk, Mường Hon ở cụm núi Ngok Linh…đến ngày nay còn mang nhiều dấu vết của Lào.
Vùng đất Tân Điền thuộc xã Đoàn Kết nằm ở phía tây nam của thành phố Kontum, từ xa xưa đã có quan hệ khá mật thiết với người Lào. Cánh đồng Hà-Ghẹt, cánh đồng lớn nhất của tỉnh Kontum, nằm cách thành phố Kontum 5 km thuộc thôn 5 xã Đoàn Kết, hiện nay vẫn còn vết tích những “ụ gò mối” được cho là “mồ mả xưa” mà người dân nơi đây gọi là “Mả Lào” ; hoặc trong lúc cày ruộng người dân đã phát hiện nhiều hiện vật như “ghè Lào”, “ché Lào”, những “xâu hạt cườm” vốn là đồ trang sức của cư dân Lào xưa.v.v. ; hay trong các buôn làng người dân tộc trong vùng trước đây từng lưu giữ nhiều bộ chiêng Lào…
Đây có thể là một làng người Lào đến định cư đã lâu đời trong vùng bình nguyên rộng lớn này, cũng có thể là vết tích của những người Lào chạy dạt vào đây do hệ quả của các cuộc chiến tranh bộ lạc ngày xưa…Tập quán lâu đời của người Lào là canh tác lúa nước. Có thể họ cũng đã từng khai phá lợi thế của vùng đất trũng này để làm ruộng.
- Đến nửa sau thế kỷ thứ 19, khi người Pháp lập lên chế độ bảo hộ trên toàn vùng phía đông sông Mê Kông, đã thực hiện một số sửa đổi và định ra một số luật lệ về biên giới giữa Lào và Việt Nam, người Lào đã rời vùng này đi về phía Tây dãy Trường Sơn định cư như ngày nay.
Về sau, khi cư dân đến khai phá và sinh sống nơi vùng đất này, họ thường gọi nơi đây là “Ruộng Lào”.

Về xã Mường Hoong (Hon). 
Theo báo chí:
Xã nằm ở lưng chừng núi trong khu bảo tồn Ngọc Linh, thuộc huyện Đắk Glei, cực bắc tỉnh Kon Tum, giáp với Quảng Nam. Ngay cái tên "mường" cho biết tiếng thuộc ngữ hệ  Thái - Lào. Là xã có từ lâu chứ không phải các dân tộc biên giới phía Bắc di cư vào sau này. Để tránh chiến tranh giữa các bộ tộc, người Lào dắt nhau đến nơi khó khăn hiểm trở này sinh sống. Ngay nay không còn người Lào nào ở đây. 

Về huyện Sa Thầy.
Xem lại ở đây:
https://www.facebook.com/groups/kontumtown/permalink/377938170527002/
https://www.facebook.com/groups/kontumtown/posts/379243640396455/

Theo ý hiểu của tôi:
Ngày xưa các dân tộc thiểu số nói chung, du canh du cư dưới sự dìu dắt của các  già làng, tù trưởng. Khái niệm Tây Nguyên mãi sau này mới có, ngày xưa các cao nguyên mênh mông rừng núi, là vùng tự trị "chia năm xẻ bảy) do các bộ tộc kiểm soát. Hầu như không thuộc quốc gia nào, nếu có thì khi thuốc nước này, khi thuộc nước kia, bảo hộ một phần nào đó. Nếu có vương quốc thì cũng chỉ là dạng sơ khai. 
Trước và sau 1900, người Pháp khám phá, bắt đầu quản lý Tây Nguyên. Pháp thiết lập nền đô hộ mới phân định Tây Nguyên thuộc về Việt Nam. Bản đồ thì có nhưng trên thực tế rất mù mờ, khó phân định biên giới lãnh thổ cụ thể nằm ở phạm vi nào, hoàn toàn khác với ngày nay. Thời Nhà Nguyễn có bảo hộ Tây Nguyên nhưng lỏng lẻo trên danh nghĩa. Năm 1949, vua Bảo đại mới chính thức lập quy chế hành chính Hoàng triều Cương thổ.

Hình chụp lại một phần bản đồ Đông Dương thuộc P.háp vào năm 1891.



Thứ Ba, 7 tháng 9, 2021

Cạo cắn linh tinh... 25










 

Nhiều chuyện, gần đây là "bom hàng"...

Theo tôi:
Khi hiện tượng không phổ biến mà gây thành to chuyện thì ẩn dưới nó là một sự ngụỵ biện, có thể bao biện cho khâu tổ chức yếu kém, có chể đánh lạc hướng vấn đề nào đó... Hoặc nói: các lực lượng ngày đêm vất vả hy sinh phòng chống dịch, bạn đã làm gì cho cộng đồng, ngồi một chỗ ở đấy mà "anh hùng bàn phím" - cũng là một ví dụ.
Xin lỗi, trừ những người thiện nguyện, không lương, không phụ cấp, vượt bao khó khăn ra sức cứu người.

Bộ đội đi chợ còn sang.

Hồi ở K, đơn vị bắt tui và lính làm cầu tiêu cho dân Campuchia chuyên ỉa đồng, ỉa rừng nữa cơ. Có Đại đội trường Trần Đình Phú và Trung đội trưởng Đặng Ngọc Nga làm chứng và chịu trách nhiệm chuyện này.
Tui tui đào hầm, lót ván, thưng vách bằng lá dừa cho chị em ỉa khỏi mắc cỡ. Bà con và con nít xúm lại coi, tưởng bộ đội VN đào hầm phòng thủ. Rốt cục chả có ma nào vào khai trương cái công trình văn minh của VN cả, tủi thân ghê!
Nhờ vậy, Cấp trên thương đề bạt thằng tui lên làm ông cố vấn xã chà bá lửa. haha.

5K, tôi tha thiết mong nhà nước và cộng đồng thấu hiểu.

Thực hiện nghiêm túc 5K sẽ chặn được dịch lây nhiễm rộng?
Cần thiết phải vậy, ngoài vaccine ra, khỏi bàn cãi. Nhưng, đó là điều gần như không tưởng ở khu dân cư nghèo và khu nhà trọ công nhân. Một phòng (nhà nhỏ cũng na ná) có 3-5 người cùng chung sống, phòng cách phòng 1,5-2 mét.
Hàng triệu con virus lẩn quẩn trong môi trường bịt bùng chật hẹp, thông khí kém ấy. Liệu giãn cách kiểu gì? khẩu trang có bảo vệ mình và những người xung quanh được chăng?
Lưu ý: người nhập cư tạm trú chiếm chừng 55% tổng dân số.
Cự ly và tỉ lệ cá nhân tôi phỏng đoán chung chung.
Vì vậy, tôi mong nhà nước sớm có phương án sống chung với dịch.

Xe máy không nổ, bạn làm gì?

Đang phong toả dịch nên ai ở đâu yên ở đấy thành ra xe nằm chết dí một chỗ. Nhưng hữu sự, không đơn giản vậy đâu. Ngay lúc này, biết đâu bạn sẽ cần nó đấy như chở người thân đi bệnh viện cấp cứu, xách xe đi mua thuốc v.v...
Xe không hoạt động, sẽ chết máy, đề hay đạp đều khó nổ. Do xăng lâu ngày bị đóng cặn làm tắt các đường thông, còn bình ắc qui tự động xả hết điện.
Cho nên bạn nên nhớ 3-5 ngày, khởi động máy một lần, chừng 10, 15 phút (chứ rảnh ở không làm gì).
Nếu bạn không biết hoặc lỡ quên thì cách này hy vọng cứu được:
- Trước hết, đóng e gió xe để ưu tiên hút xăng cho bugi đánh lửa.
- Đề 2-3 cái không nổ thì ráng chỉ hại thêm, một ít điện bình sẽ mất luôn. Rốt cục đạp cũng không nổ, thì:
- Nếu là xe tay ga rất nặng đạp thì bạn cần vừa đề vừa đạp cho nhẹ bớt.
- Chiêu gần cuối: người ngồi người đẩy, chừng nào xì khói thì thôi.
- Cuối cùng không nổ, người rành thì sẽ tự sửa xe. Không rành, đường xa ngại dắt xe đi sửa thì tháo bình ắc quy nhờ xe khác đem đi cho thợ sạc vào, mang về ráp lại, tiếp tục đề đạp như trên...

Hú hồn! lão đã được đóng 1 phát Pfizer.

Tai nghe mắt thấy, mình ghi nhận như vầy:
Xe của Phường thông báo, 1 giờ 30 chiều bắt đầu chích. Sợ đông nên 1 giờ, mình đã phi đến điểm chích. Địa điểm là một trường mẫu giáo. Tới nơi, nghe loa phổ biến chi tiết: Đối tượng tuổi từ 12 đến 18 - điều kiện có bệnh nền và tuổi từ 40 đến 80. Vậy là không cần giấy mời chích ngừa như thông lệ và đợt này đối tượng vẫn còn sàng lọc do thuốc còn hạn chế. Yêu cầu mang theo hộ khẩu, tạm trú và CMND, ai đó bệnh nền mang theo bệnh án.
Xếp thành 3 hàng, dài mút chỉ. Người có lúc cách nhau chừng 5 tất, nhiều lúc dồn người gần như khít nhau, cựa là đụng. Mấy chú Thanh niên Xung phong đi tới đi lui yêu cầu bà con giãn cách, rồi đâu vẫn vào đó (sợ mất phần). Thấy có một ít công an, dân quân, TNXP dẫn người quen chen ngang vào thẳng luôn, không xếp hàng. Dù biết môi trường như vậy, chắc thế nào cũng nhiễm một số con virus vào người, lão đành bấm bụng, người ta sao mình vậy.
Sau 1 giờ 30 xếp hàng phơi nắng, rồi cũng tới cổng trình giấy tờ. Ngồi ghế chờ, đi nối đuôi nhau từ bàn nọ qua bàn kia. Một thủ tục cho có lệ, người đăng ký chích ngừa đã đánh dấu thông tin vào ô trống, họ hỏi lại, đo huyết áp rồi chích là xong. Thời gian xếp hàng vất vả khá lâu chỉ ở ngoài cổng còn vào bên trong thì trật tự, thông thoáng. Cuối cùng chờ kêu tên lấy giấy xác nhận đã tiêm vaccine là đi về. Rời khỏi nơi tiêm, mình và có lẽ nhiều người cảm thấy thanh thản, nhẹ gánh. Tới nhà, thay trang phục, tắm rửa, rồi lão lên mạng gõ lại chia sẻ như các bạn thấy.
Có lẽ Pfizer lần này nằm trong số 500.000 liều dành cho phía Nam mà Mỹ viện trợ khẩn cấp vừa rồi. Hiểu ra là việc đối tượng được tiêm vaccine vừa khó vừa dễ..., qua cái cổng dân quân kiểm tra là xong, bên trong nhân viên y tế cứ thế mà làm. Việc chọn vaccine nào, chỉ phổ biến trên mạng méo thôi, thực tế nhà nghèo, dân lao động không mấy quan tâm. Mình để ý dân chả ai hỏi nhau sẽ chích vaccine nào, chích rồi có người cũng chả biết đã chích gì luôn. Mình đoán hầu như những người thừa hành nhiệm vụ phòng chống dịch và người gia đình khá giả... đã chích khá lâu, có thể là 2 mũi rồi. Đợt mình chích lần này, coi như đa số tầng lớp bình dân. Khi mình về, ngó lại đoàn người rồng rắn xếp hàng, có thể phân nữa nữa là tối, hết chích. Qua ngày hôm sau là chuyện khác và họ không biết bao giờ sẽ được chích...
Cảm ơn chính phủ Mỹ đã quăng cái phao cứu sinh chỗ mình lúc này!

TÍNH CHẤT QUAN TRỌNG CỦA TĐ 1022

Tôi xin nhắc lại các bạn ở vùng dịch cần cấp cứu và hổ trợ đặc biệt khó khăn, hãy nhớ số Tổng đài này. Đây là kênh liên lạc mà tôi đã gọi 2 lần, ghi nhận rất tốt và cho rằng nó hiệu quả nhất.
Ví dụ:
Sáng nay, tôi hay biết khá muộn ở khu phòng trọ. một phòng hoàn cảnh rất nghèo. Có một bà cụ 70 tuổi nằm liệt giường 3 ngày - triệu chứng như mắc covid-19 (người con trai của bà bị trước, nay đã khoẻ dần). Có người gọi điện thoại cho trạm y tế phường, không nghe máy (không rõ lý do). Nghe vậy, tôi mới xáp vô gọi số ĐT 0274.1022 - phiếm 2. Người ta bốc máy nghe liền, một chú trực tổng đài hỏi căn kẽ, lắng nghe và ghi nhận ý kiến về trường hợp mình phản ánh. Chú ấy còn dặn thêm: nhờ tôi theo dõi, nếu 2 giờ đồng hồ nữa mà không ai liên hệ thì phản ánh tiếp cho TĐ.
Ai chưa biết cách liên lạc, xem lại ở đây:
https://www.facebook.com/Thocao09/posts/4636476999718774

Xem cái Thông báo chịu đời hết thấu của bà tổ trưởng.

Rất mắc cười nhưng đáng ngẫm, mình hoàn toàn đồng cảm.
Loại "đầu đất toàn phân", ở đâu không biết chứ vùng đỏ dân tụi tui được cho gì lấy nấy và cảm ơn. Mình thấy từ cấp khu phố trở xuống: từ cán bộ đến dân phòng, đoàn thể, tình nguyện viên, họ vất vả ngày đêm lo cái ăn cho người dân. Hết chỉ thị này đến chị thị nọ từ trên dội xuống, lo mà chạy, riết cũng đuối. Hy sinh thế là cùng, mà chả biết khi nào kết thúc.



Theo dõi kế hoạch tiêm chủng vaccine ở vài nơi đến ngày 05/9/2021.

 


Tìm kiếm Blog này