Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

Tài liệu: Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại K (I)

Chương I

QUÂN TÌNH NGUYỆN VÀ CHUYÊN GIA QUÂN SỰ VIỆT NAM GIÚP CÁCH MẠNG CAMPUCHIA GIẢI PHÓNG ĐẤT NƯỚC KHỎI CHẾ ĐỘ DIỆT CHỦNG, XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG VÀ BẢO VỆ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG (1978-1980)

1. Quá trình hình thành các lực lượng vũ trang cách mạng và Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia chống chế độ diệt chủng Pôn Pốt.


Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ (17-4-1975), nhân dân Campuchia hy vọng sẽ được sống độc lập, hoà bình và hoà hợp dân tộc để xây dựng đất nước. Nhưng cách mạng Campuchia đã bị lực lượng Khơme đỏ, do tập đoàn Pôn Pốt[1] - Iêng Xari đứng đầu phản bội. Đây là (.028) giai đoạn lịch sử đặc biệt: dân tộc Campuchia đứng trước thảm họa diệt chủng; đồng thời cũng hết sức khó khăn, phức tạp dối với các lực lượng yêu nước chân chính, nhất là lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia.
Sau khi thành lập Nhà nước Campuchia dân chủ, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari đề ra mục tiêu phải xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trong một thời gian ngắn, trong đó tập trung mọi nỗ lực, tự lực cánh sinh cao độ thực hiện một cuộc cách mạng triệt để, từ 15 - 20 năm có nền công nghiệp hiện đại phục vụ trở lại nông nghiệp. Thực hiện mục tiêu đó, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari tổ chức lại đất nước, khai thác “thế mạnh nông nghiệp” của Campuchia và đề ra khẩu hiệu: “có lúa có tất cả”, “có lúa là có sắt thép”, “lúa là vàng, là nhà máy”.

Để tập trung cho phát triển nông nghiệp, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari cho rằng những gì không phải là nông nghiệp, không có ích cho “phát triển kinh tế nông nghiệp”, trong đó có thành thị đều phải xoá bỏ triệt để.

Thực hiện chủ trương đó, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari đã dồn dân thành phố về các vùng nông thôn, biến những người “không có ích cho nông nghiệp” thành những nông dân lao động trong các công xã. Cuộc dồn dân lần thứ nhất (diễn ra trong tháng 4 năm 1975) đã (.029) đẩy hơn 2 triệu dân Phnôm Pênh, hơn 200.000 dân ở Báttambang và hàng chục vạn dân ở các thị xã, thị trấn khác (khoảng gần nửa số dân của cả Campuchia) về các vùng nông thôn. Tháng 5 năm 1975, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari thực hiện tiếp đợt dồn dân thứ hai, xáo trộn dân trong toàn quốc, chuyển dân từ các tỉnh phía Nam và phía Đông về phía Tây Bắc nhằm tập trung nhân lực khai thác vùng này, loại trừ khả năng chống đối trong nhân dân.

Tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari thi hành nhiều chính sách rất thâm hiểm như: xoá bỏ thành thị, đóng cửa hàng loạt xí nghiệp, công xưởng, các trung tâm văn hoá, khoa học kỹ thuật ở thành phố. Thủ tiêu mọi hoạt động dịch vụ, đuổi hàng triệu người dân thành thị về các vùng nông thôn, rừng núi, buộc phải đi làm các công việc nặng nhọc trên đồng ruộng, trong rừng rú. Dồn dân ở nông thôn vào các “công xã”, cưỡng bức làm ăn chung theo kiểu trại lính, tước đoạt ruộng đất và mọi tư liệu sản xuất của nông dân, biến họ thành những xã viên công xã bị kìm kẹp, áp bức dưới chế độ “Ăng ca”[2]. Xoá bỏ tiền tệ, xoá bỏ lưu thông hàng hoá, cấm mua bán, đổi chác. Phá bỏ trường học, chùa chiền, nhà thờ, cấm các hoạt động tôn giáo.

Những chính sách tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari thực hiện đã gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với nhân dân (.030) Campuchia trên tất cả các lĩnh vực. Sản xuất đình đốn, 5.857 trường học, 796 bệnh viện, phòng thí nghiệm bị phá bỏ; 1.968 ngôi chùa, 108 đền thờ bị đập phá ...

Tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari đã gây ra sự xáo trộn lớn trong dời sống văn hoá, xã hội, làm đảo lộn các giá trị văn hoá truyền thống. Theo số liệu công bố tại kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội khoá I nước Cộng hoà nhân dân Campuchia: Trong 3 năm 8 tháng 20 ngày cầm quyền, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari đã tàn sát 3.314.768 người; đưa đi mất tích gần 570.000 người, làm cho 141.848 người bị tàn phế, hơn 200.000 trẻ em bị mồ côi. Tội ác diệt chủng do tập đoàn cầm quyền Pôn Pốt - Iêng Xari gây ra là “tai họa khủng khiếp, là tội ác diệt chủng chưa từng có trong lịch sử loài người”[3].

Đối với quân đội, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari dùng mọi thủ đoạn thanh trừng nội bộ. Nhiều cán bộ, chiến sĩ yêu nước, nhất là những người có quan hệ với Việt Nam bị cách chức, thanh trừng và sát hại, thay vào đó là những phần tử hẹp hòi, quân phiệt. Tháng 6 năm 1976, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari thanh trừng cán bộ quân sự (cán bộ chủ trì) trong Bộ chỉ huy miền Đông, bắt đưa đi thủ tiêu nhiều cán bộ từ cấp đại đội đến cấp sư đoàn.

Ở Sư đoàn 3, 60% cán bộ chủ chốt bị loại trừ. Tiếp đó chúng tổ chức thanh trừng cán bộ Vùng 24 (Quân khu 203), chúng bắt 90% cán bộ từ cấp xã đến cấp vùng và 10 cán bộ từ cấp tiểu đoàn đến cấp sư đoàn của Sư đoàn 4 để thanh trừng. Tháng 7 năm 1977, tập đoàn (.031) Pôn Pốt - Iêng Xari mở cuộc thanh trừng cán bộ cao cấp trong quân đội Campuchia không theo chúng.
-------------------------------------------------
1. Theo một số tài liệu nước ngoài thi Pôn Pốt sinh năm 1925 (cũng có tài liệu nói là 1928) tên thật là Xa Lôt Xa, xuất thân từ một gia đình quan lại có họ với vua. Năm 1947, Xa Lôt Xa học tại Pháp và gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1953 về nước, với danh nghĩa đảng viên Đảng Cộng sản Pháp xin gia nhập Đảng Nhân dân cách mạng Cao Miên (1954). Bằng nhiều thủ đoạn, Pôn Pốt từng bước nắm quyền lãnh đạo Đảng, đưa Đảng đi theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Sau khi giành được chính quyển từ tay Lon Non, Pôn Pốt làm Thủ tướng. Bằng việc thi hành chính sách đuổi dân ra khỏi thành phố, biến họ thành những người nô lệ sống trong các “công xã” và buộc phải lao động kiệt sức trên đồng ruộng, biến binh lính thành những người chỉ biết phục lùng lệnh của “Ăng ca”, Pôn Pốt và tập đoàn lãnh đạo do y đứng đầu đã gây ra họa diệt chủng ở Campuchia, gây chiến tranh biên giới chống Việt Nam, coi Việt Nam là kẻ thù số 1... Khi Phnôm Pênh được giải phóng (1-1979), Pôn Pốt chạy ra nước ngoài, tiếp tục chỉ đạo lực lượng Khơme đỏ chống lại chính quyền hợp pháp của nhân dân Campuchia.

2. Theo tiếng Campuchia “Ăng ca” là tổ chức thể hiện sự thần bí, quyền uy tối thượng bất khả xâm phạm. Thuật ngữ “Ăng ca” xuất hiện lần đầu trên đài phát thanh của Pôn Pốt vào ngày 19 tháng 3 năm 1971. Sau ngày 17 tháng 4 năm 1975, thuật ngữ “Ăng ca” xuất hiện trong hiến pháp của Campuchia dân chủ.

3. Trường Chinh: Vấn đề Campuchia, Nxb Sự thật, H, 1979, tr. 11.



Những chính sách tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari thực hiện mang tính chất diệt chủng, đưa dân tộc Campuchia đứng trước thảm họa diệt vong, đồng thời cũng buộc những đảng viên, chiến sĩ cách mạng chân chính và những người yêu nước Campuchia phải vùng lên đấu tranh để cứu dân tộc, cứu nước cứu mình. Không cam chịu dưới chế độ thống trị tàn bạo của tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari, nhân dân Campuchia đã vùng lên đấu tranh với những hình thức và phương pháp khác nhau, từ các vụ chống đối lẻ tẻ ở một số khu, vùng, đơn vị quân đội, từng bước lan rộng ra nhiều nơi trong cả nước.

Từ năm 1975, trên địa bàn các tỉnh Đông Bắc Campuchia đã có các nhóm ly khai hoạt động chống lại chế độ Pôn Pốt. Nhân dân huyện Tà Veng (55A), huyện Vươn Sai (tỉnh Ráttanakiri), dưới sự lãnh dạo của đồng chí Bu Thoong và đồng chí Bun Mi, đã nổi lên chống lại chế độ Pôn Pốt - Iêng Xari. Các đồng chí Bu Thoong, Bun Mi cùng đồng chí Thoong Bay (Huyện ủy viên huyện 52T), đồng chí Sươn Huyện ủy viên (huyện 55B), đồng chí Khăm Phun (Bí thư xã Vươn Sai) đứng ra vận động, tập hợp hơn 4.000 người, lựa chọn xây dựng được 5 trung đội vũ trang làm nòng cốt xây dựng căn cứ U-pứng, sát biên giới Việt Nam. Đồng chí Soi Keo được giao phụ trách 5 trung đội vũ trang công tác, cùng đồng chí Thoong Bay phụ trách các tổ chức quần chúng nhân dân đánh địch, bảo vệ căn cứ. Trước sự phát triển của phong trào ly khai ở các tỉnh Đông Bắc, Pôn Pốt - Iêng Xari (.032) đã huy động quân đội đàn áp. Để bảo toàn lực lượng, tháng 8 năm 1975, đồng chí Bun Mi triệu tập một cuộc họp bàn việc tổ chức cho nhiều cán bộ ly khai lánh sang hai nước Việt Nam và Lào. Đoàn sang Lào có 2.500 người, do các đồng chí Khum, Tương, Sươn phụ trách. Đoàn sang Việt Nam có 1.943 người của hai làng Kcho Buôn và Kcho Dươi, do hai đồng chí Bu Thoong và Thoong Bay phụ trách. Lực lượng còn lại do đồng chí Bun Mi chỉ huy, lập căn cứ ở Tàgiạc chống lại quân Pôn Pốt.

Sau khi sang Việt Nam (tháng 9 năm 1975), lực lượng ly khai của các tỉnh Đông Bắc Campuchia chuyển về Gia Bốc (tỉnh Gia Lai - Kon Tum). Được sự giúp đỡ của nhân dân tỉnh Gia Lai - Kon Tum, họ đã dần dần có cuộc sống ổn định, nhiều người trong số họ tích cực tham gia các đội vũ trang cách mạng, sẵn sàng trở về giải phóng quê hương.

Cùng với phong trào nổi dậy ở các tỉnh Đông Bắc, ở nhiều nơi khác, dưới sự lãnh đạo của những người yêu nước cách mạng, binh lính và quần chúng nhân dân Campuchia cũng liên tiếp đứng lên đấu tranh chống lại chính quyền Pôn Pốt - Iêng Xari và thu dược một số kết quả. Tại thị xã Krachiê, ngày 24 tháng 3 năm 1976, lực lượng nổi dậy đã chiếm toàn bộ các cơ quan vùng đặc biệt Krachiê, kiểm soát toàn bộ đường sông, đường biển đến Krachiê. Một số cán bộ chính quyền của Pôn Pốt bỏ chạy, buộc Pôn Pốt phải điều lực lượng của Quân khu Tây Nam lên giải tỏa, lập lại chính quyền. Trong hai năm 1976-1977, phong trào nổi dậy không chỉ lan rộng ra nhiều địa bàn, thu hút các lực lượng tham gia, trong (.033) đó có nhiều cán bộ cao cấp: từ huyện đến vùng, khu và cả Trung ương; có người là Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư, Chủ tịch... Trong quân đội có cán bộ từ cấp sư đoàn xuống tới trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội đã bí mật tổ chức lực lượng đánh lại bọn Pôn Pốt. Tháng 4 năm 1976, Chakrey, Tư lệnh Sư đoàn 170 lên kế hoạch lật đổ chính quyền ở Phnôm Pênh. Nhiều cán bộ chỉ huy trung, cao cấp trong quân đội, cán bộ phụ trách các cơ quan trực thuộc Trung ương, một số cán bộ tỉnh ủy và đơn vị chủ lực cùng tham gia kế hoạch này bị mật vụ của Pôn Pốt phát hiện sát hại.

Sang năm 1978, khi tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari đẩy mạnh chiến tranh xâm lược toàn tuyến biên giới Tây Nam Việt Nam, phong trào nổi dậy càng lan rộng trong cả nước Campuchia. Từ ngày 28 tháng 3 đến ngày 15 tháng 4 năm 1978 đã liên tiếp xảy ra các vụ nổi dậy của quần chúng và lực lượng vũ trang chống lại tập đoàn cầm quyền Pôn Pốt - Iêng Xari. Điển hình là trận phục kích ngày 28 tháng 3, đánh vào đoàn xe của Sư đoàn 260 trên đường 14 (Srô Khơtum), diệt 10 tên lính Pôn Pốt, trong đó có tên tiểu đoàn trưởng, trận tập kích ngày 13 tháng 4 vào sở chỉ huy Sư đoàn 260, diệt 6 sĩ quan; trận đốt cháy kho lúa ngày 15 tháng 4 của Trung đoàn 93 (sư đoàn 920 Pôn Pốt).

Trước sự chống đối ngày càng tăng, ngày 19 tháng 4 năm 1978, tập đoàn cầm quyền Pôn Pốt - Iêng Xari ra lệnh cho quân đội vây bắt lực lượng chống đối ở 4 huyện vùng 43 (Côngpông Thom). Quân Pôn Pốt đã bắt và sát hại nhiều người thân của những người chống đối để “ngăn chặn móc nối và tiếp tế”, không cho lan tràn sang (.034) các vùng khác. Những cuộc đàn áp dã man của quân Pôn Pốt đã gây nên sự bất bình, nghi kỵ lẫn nhau ngay trong hàng ngũ của chúng, dẫn đến nhiều nhóm ly khai ở các vùng 20, 21 ra đời. Các cuộc đấu tranh chống tập đoàn cầm quyền Pôn Pốt - Iêng Xari ngày càng lan rộng, với quy mô lớn và được tổ chức chặt chẽ hơn.

Tháng 6 năm 1978, nhiều cuộc nổi dậy của lực lượng vũ trang và quần chúng có sự chỉ huy thống nhất diễn ra trong một thời gian dài ở Quân khu Trung tâm, Quân khu Đông Bắc, Quân khu 203 và Vùng đặc biệt Krachiê. Chính quyền Pôn Pốt tập trung lực lượng quân đội (kể cả những đơn vị thuộc các sư đoàn đang tác chiến ở biên giới) về đàn áp phong trào đấu tranh của binh lính và nhân dân. Chúng tiến hành những đợt lùng quét, thanh trừng lớn trong nội bộ, nhất là trong lực lượng vũ trang đang đóng quân ở các địa bàn biên giới vì lo sợ các lực lượng này chạy sang phía Việt Nam.

Bè lũ Pôn Pốt nêu khẩu hiệu “Tiêu diệt tất cả mầm mống của lực lượng chống đối để ổn định nội bộ, dù phải diệt thêm 1 triệu người Campuchia cũng kiên quyết làm”, “giết nhầm 1 kẻ vô tội còn hơn để sót 1 kẻ chống đối”[1]. Chúng nhận xét: “Dân ở Quân khu Đông là dân thân Việt Nam nên phải giết, chỉ để lại những ai thực sự trung thành với chế độ”[2]... Do các cuộc thanh trừng tràn lan, nhiều đơn vị quân đội Pôn Pốt bị xáo trộn, mâu thuẫn nội bộ ngày càng gay gắt, tinh thần binh lính hoang mang, sa sút, nhiều người đào ngũ, hoặc trốn vào rừng tìm đến các căn cứ của lực lượng cách mạng (.035) Campuchia. Nhằm ly gián lực lượng chống đối, không cho họ liên kết với nhau và móc nối với Việt Nam, bè lũ Pôn Pốt còn dùng chính sách xáo trộn dân vùng này sang vùng khác, dồn dân vào sâu trong nội địa; mặt khác, chúng cũng sử dụng các thủ đoạn lừa bịp mị dân như tuyên bố chấm dứt việc phân loại xã viên, hoan nghênh những ai từ nước ngoài trở về...

Trong khi các lực lượng trong nước nổi dậy chống chế độ Pôn Pốt - Iêng Xari, một bộ phận khác gồm lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia đã nhanh chóng chuyển sang nhiều vùng biên giới Tây Nam Việt Nam để tránh khỏi tổn thất do các cuộc đàn áp của quân Pôn Pốt gây ra. Ngay khi các cuộc đấu tranh của nhân dân Campuchia bùng nổ, ta đã tận tình giúp đỡ nhân dân và các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia. Ban đầu, hơn 10 vạn người Campuchia[3], trong đó có nhiều cán bộ, đảng viên, lần lượt trốn sang Việt Nam, ta thuyết phục một số trở về. Nhưng khi họ vừa về qua khỏi biên giới liền bị quân Pôn Pốt giết hết. Trước tình hình đó, ta chuyển bộ phận còn lại vào sâu trong nội địa ta; lựa chọn trong số họ những người có trình độ để bồi dưỡng, huấn luyện trở thành cốt cán cho cách mạng Campuchia. Đối với lực lượng nổi dậy còn trụ lại ở trong nước, ta tìm cách móc nối, giúp đỡ họ và từng bước phối hợp đấu tranh chống Pôn Pốt.

Từ năm 1977, trước tình hình người Campuchia bị tập đoàn cầm quyền Pôn Pốt - Iêng Xan truy bức phải (.036) bỏ quê hương sang Việt Nam lánh nạn ngày càng nhiều, theo yêu cầu của lực lượng cách mạng Campuchia, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng Việt Nam giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Quân khu 7 thành lập một đơn vị (tương đương cấp tiểu đoàn) làm nhiệm vụ giúp đỡ những người Campuchia chạy lánh nạn sang Việt Nam.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 7 tháng 9 năm 1977, Tư lệnh Quân khu 7 ra Quyết định số 113/QĐ-77, thành lập khung tiếp nhận cán bộ, chiến sĩ Campuchia, lấy phiên hiệu là Đoàn 977[4]. Đoàn 977 trực thuộc Cục Chính trị Quân khu; có nhiệm vụ tiếp đón, giúp đỡ Bạn về nơi ăn ở. Ban đầu, lực lượng Bạn chỉ có hơn 50 người, sau phát triển lên hàng trăm. Qua tuyển chọn, huấn luyện, lực lượng Bạn từng bước tổ chức thành các khung trung đội, đại đội.

Trong những tháng cuối năm 1977, đầu năm 1978, cùng với việc tiếp tục thanh trừng nội bộ, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari đã mở nhiều cuộc tiến công sang biên giới Việt Nam. Tiền phương Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ thị cho Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 và lực lượng vũ trang Quân khu 7 kiên quyết phản công và tiến công, đẩy dịch về bên kia biên giới. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị trinh sát của ta bắt liên lạc được với một số tổ chức cách mạng của Campuchia. Thông qua tổ chức này, ta giúp đỡ nhiều người dân Campuchia bị tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari xua đuổi đang lẩn trốn (.037) trong rừng, đưa họ về các khu tạm cư, tổ chức cứu đói, cứu chữa bệnh tật, giúp dân ổn định cuộc sống.
----------------------------------
1, 2, 3. Tình hình Campuchia, tư liệu lưu Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông 82, ĐVBQ 2316. tr. 132-134.
4. Cán bộ Đoàn 977 chủ yếu từ Đoàn 500 của Quân khu 7 vừa giải thể chuyển sang.


Trước nguy cơ cả dân tộc Campuchia bị diệt chủng do chế độ Pôn Pốt - Iêng Xari tiến hành hàng loạt cuộc thanh trừng nội bộ diễn ra ngày càng tàn bạo, những người cách mạng chân chính Campuchia tha thiết đề nghị Việt Nam giúp nhân dân Campuchia đánh đổ tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari.

Với quan điểm “Cách mạng Campuchia phải là sự nghiệp của chính nhân dân Campuchia, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari chỉ có thể bị đánh đổ bởi lực lượng chính trị và quân sự của nhân dân Campuchia”, Đảng ta chủ trương giúp Bạn và tổ chức công tác chuyên gia giúp Bạn xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang để phối hợp chiến đấu.

Ngày 21 tháng 4 năm 1978, Quân ủy Trung ương ra Quyết định số 34/QĐ-QU thành lập Ban phụ trách công tác Z (Campuchia), lấy bí danh là Ban 10, do đồng chí Trần Văn Quang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng tham mưu trưởng làm Trưởng ban; các đồng chí Trần Văn Phác, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Đan Thành, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần làm ủy viên. Ban 10 có nhiệm vụ:

1. Trên cơ sở đường lối, chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Thường vụ. Quân ủy Trung ương về công tác đối với cách mạng Campuchia, tiến hành tổ chức, quản lý, giáo dục những anh em Campuchia có điều kiện về chính trị, sức khoẻ trở thành lực lượng vũ trang cách mạng và những người có ích cho sự nghiệp cách mạng Campuchia và cho tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia. (.038)

2. Nghiên cứu đề xuất với Quân ủy Trung ương phương hướng, kế hoạch công tác giúp đỡ lực lượng Campuchia thực hiện nhiệm vụ.

Để thực hiện nhiệm vụ trên, Ban 10 được phép tổ chức một cơ quan giúp việc (với danh nghĩa là một đoàn, mang phiên hiệu Đoàn 478), gồm các cán bộ cao cấp, trung cấp phụ trách công tác huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị và bảo đảm hậu cần. Quân ủy Trung ương yêu cầu Đoàn chuyên gia 478 phải thực hiện nghiêm chỉnh phương châm tôn trọng độc lập chủ quyền của Bạn, đoàn kết hữu nghị, chống tư tưởng nước lớn, chống thái độ tự cao, thiếu khiêm tốn, thiếu tin tưởng ở Bạn.

Phải đề cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường của Bạn. Trong từng giai đoạn, tùy tình hình cụ thể mà có cách giúp Bạn thích hợp về chủ trương, kế hoạch, đồng thời cùng Bạn tổ chức thực hiện tốt công việc sau khi bàn bạc nhất trí. Trong quá trình công tác giúp Bạn, chuyên gia phải phát huy tính tích cực, chủ động, nhưng cũng phải hết sức kiên trì, không gò ép áp đặt ý kiến của mình cho Bạn; chống bao biện, làm thay. Phải xuất phát từ đặc điểm của cách mạng Campuchia mà vận dụng kinh nghiệm của Việt Nam, chống giáo điều, rập khuôn, máy móc. Phải nhạy bén, linh hoạt và chủ động giúp Bạn, hết sức cảnh giác với những âm mưu, thủ đoạn của địch tìm cách phá hoại và chia rẽ cách mạng hai nước. Nắm vững nội dung và yêu cầu giúp Bạn trong từng thời kỳ, trong từng vấn đề, từng mặt công tác, trong đó tập trung giúp Bạn về đào tạo đội ngũ cán bộ. (.039)

Trong quá trình giúp Bạn, Đoàn chuyên gia 478 thực hiện theo nhiệm vụ, những vấn đề quan trọng, khó khăn và phức tạp phải xin chỉ thị cấp trên. Trước khi gợi ý hoặc trình bày với Bạn những ý kiến về chủ trương, kế hoạch, biện pháp chính phải chuẩn bị chu đáo và bàn bạc tập thể thống nhất trong nội bộ chuyên gia Việt Nam. Trường hợp khẩn trương cần có ý kiến giúp xử lý nhanh chóng thì người phụ trách Đoàn hoặc tổ chuyên gia có thể bàn với Bạn, nhưng sau đó phải báo cáo với cấp trên và tập thể cơ quan lãnh đạo. Từng thời gian hoặc sau khi thực hiện các nhiệm vụ quan trọng phải cùng Bạn kiểm điểm rút kinh nghiệm công tác, thực hiện phê bình và yêu cầu Bạn góp ý kiến đối với chuyên gia, đồng thời thống nhất đánh giá tình hình, chương trình, kế hoạch làm việc để hai bên cùng chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình. Trong quan hệ với Bạn phải giữ đúng nguyên tắc, tránh sự hiểu lầm, nghi kỵ lẫn nhau. Giữ bí mật quốc gia của ta và cách mạng Campuchia.

Sau khi được thành lập, Ban phụ trách công tác Z đã nhanh chóng cử cán bộ về các địa phương có nhân dân Campuchia lánh sang tị nạn để nắm tình hình, tuyển chọn cốt cán, bước đầu xây dựng lực lượng giúp Bạn.

Trên cơ sở được chuyên gia ta giúp, ngày 12 tháng 5 năm 1978, tại Đoàn 977 (Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh), lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia mang tên “Lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia” được thành lập, do đồng chí Hun Xen làm Chỉ huy trưởng. Đây là đơn vị tiền thân đầu tiên của (.040) Quân đội cách mạng Campuchia (gồm 125 cán bộ, chiến sĩ) đánh dấu sự phát triển mới của lực lượng cách mạng Campuchia.

Cùng với việc hình thành Đoàn 478 giúp cách mạng Campuchia, các quân khu 5, 7, 9 cũng được Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ giúp Bạn xây dựng lực lượng. Xác định Quân khu 7 là một địa bàn trọng điểm trong công tác xây dựng lực lượng giúp bạn, ngày 22 tháng 5 năm 1978, Quân ủy Trung ương cử đồng chí Trần Văn Quang, Trưởng ban 10 vào trực tiếp truyền đạt chủ trương giúp Bạn của Quân ủy Trung ương cho quân khu. Quân ủy xác định:

Nhiệm vụ giúp bạn của quân khu 7 là xây dựng lực lượng vũ trang cho Bạn, yêu cầu nhanh nhưng phải bảo đảm thật chắc về mặt chính trị và bảo đảm được bí mật. Đặc biệt là phải xây dựng lực lượng này đúng với bản chất chính trị của một lực lượng vũ trang cách mạng chân chính, một quân đội kiểu mới theo nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin, trong đó phải đạt được ba yêu cầu.

1. Làm cho lực lượng vũ trang Bạn nhận thức đúng kẻ thù trong và ngoài nước.

2. Phải có quyết tâm cách mạng, dũng cảm chiến đấu và đoàn kết thống nhất nội bộ, hoà hợp dân tộc trong nội bộ Campuchia, giữa lực lượng trong nước và đang ở ngoài nước.

3. Phải có tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản, đặc biệt phải giữ vững tình đoàn kết keo sơn ba nước Đông Dương như giữ gìn con ngươi của mắt mình. (.041)

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Quân khu 7 triển khai nhiều hoạt động giúp cách mạng Campuchia.
Trong hai ngày 8 và 9 tháng 6 năm 1978, trên địa bàn Quân khu 7, ta đã giúp Bạn thành lập 6 đội vũ trang cách mạng cứu nước Campuchia (mỗi đội từ 12 đến 15 người).

Các đội vũ trang này đã phối hợp với lực lượng cách mạng trong nội địa Campuchia tuyên truyền giác ngộ cho nhân dân Campuchia về đường lối, chủ trương của cách mạng, về tội ác diệt chủng của tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari, vận động thanh niên tham gia lực lượng vũ trang cách mạng chống lại chế độ Pôn Pốt. Ngoài ra, Quân khu còn tổ chức lực lượng trinh sát thọc sâu, bắt liên lạc với các nhóm ly khai ở Mi Mốt và Vùng 21.

Cùng với hoạt động trên, để hỗ trợ lực lượng nổi dậy chống lại chế độ Pôn Pốt, tạo điều kiện cho cách mạng Campuchia phát triển, Quân khu 7 mở chiến dịch phản công đường 7 (từ ngày 10 tháng 6 đến ngày 30 tháng 7 năm 1978), đánh chiếm một số mục tiêu từ Sông Chiêu đến Phum Đa, mở rộng bàn đạp, tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia xây dựng các căn cứ cách mạng.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giúp cách mạng Campuchia, ngày 16 tháng 6 năm 1978, Bộ Chính trị ra Quyết định số 20/BCT thành lập Ban công tác Z Trung ương (Ban B.68), do đồng chí Nguyễn Xuân Hoàng, Phó viện trưởng Viện Khoa học quân sự Việt Nam, làm Trưởng ban. Các đồng chí Trần Văn Phác, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Doãn Tuế, Tổng tham mưu phó; Đan Thành, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần; (.042) Nguyễn Hữu Tài, Vụ trưởng Ban Đối ngoại Trung ương làm Phó ban. Nhiệm vụ chủ yếu của Ban B.68 là:

1. Theo dõi, nghiên cứu tình hình Z (Campuchia) về mọi mặt, báo cáo và đề xuất với Bộ Chính trị quyết định đường lối, chủ trương, chính sách giúp đỡ cách mạng Campuchia.

2. Triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương giúp xây dựng các lực lượng vũ trang Campuchia và đề xuất với trên về phương hướng, kế hoạch công tác giúp đỡ các lực lượng Campuchia hoạt động.

3. Giúp Bạn đào tạo cán bộ, thành lập các ban vận động cách mạng ở từng địa phương, từng địa bàn, tiến tới thống nhất dưới sự chỉ đạo của Ban vận động cách mạng chung, đồng thời nghiên cứu đề xuất ý kiến giúp Bạn xây dựng các tổ chức quần chúng, các tổ chức Đảng khi có điều kiện.

4. Thực hiện chi viện vật chất cho Campuchia theo chủ trương của Trung ương. Trước mắt bảo đảm việc quản lý, nuôi dưỡng, huấn luyện, trang bị và giúp Bạn hoạt động.

Để thực hiện nhiệm vụ trên, Ban B.68 được tổ chức một bộ máy gồm: Văn phòng, Vụ Nghiên cứu tổng hợp, Vụ Tổ chức cán bộ; các tiểu ban: Tham mưu, Chính trị, Hậu cần và khung cán bộ huấn luyện quân sự, chính trị cho Bạn. Thời gian đầu, bộ máy cơ quan Ban B.68 chủ yếu dựa vào bộ máy cơ quan Ban phụ trách công tác Z của Quân ủy Trung ương. Ít lâu sau, Văn phòng Ban B.68 được tách riêng thực hiện theo nhiệm vụ được giao. (.043)

Trước yêu cầu phát triển của lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia, ngày 16 tháng 6 năm 1978, tại suối Râm, Quân khu 7 khai giảng lớp huấn luyện quân sự giúp Hạn. Lực lượng tham gia huấn luyện gồm 2 tiểu đoàn bộ binh, 3 đại đội đặc công, 1 đại đội trinh sát, 1 đại đội thông tin, 1 đại đội hoả lực, 2 đại đội công binh và vận tải. Thời gian huấn luyện 35 ngày.

Trên địa bàn Quân khu 5 và Quân khu 9, ta cũng tổ chức đón, bảo vệ và nuôi dưỡng được hàng vạn dân Campuchia chạy sang lánh nạn. Ở hầu hết các tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia, ta đều tổ chức bộ phận tiếp nhận nhân dân Campuchia từ biên giới.

Các bộ phận này ngoài việc chuẩn bị sẵn cơm, nước, thuốc chữa bệnh để cứu đói, cứu chữa bệnh tật được ngay, còn hướng dẫn bà con vào các điểm tạm cư. Tại các nơi này, nhân dân Campuchia được bố trí nơi ăn ở và sản xuất, đảm bảo cuộc sống bình thường.

Để trực tiếp giúp bạn về huấn luyện, xây dựng lực lượng vũ trang, theo chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu, tháng 6 năm 1978, Bộ tư lệnh Quân khu 5 quyết định thành lập Đoàn 578 (tương đương cấp sư đoàn).

Đoàn 578 có ba cơ quan (tham mưu, chính trị, hậu cần) và 5 đại đội trực thuộc (vệ binh, thông tin, trinh sát, quân y, vận tải). Ban chỉ huy Đoàn gồm có Trung tá Trần Tiến Cung, Đoàn trưởng; Thượng tá Trần Ngọc Quế, Chính ủy; Trung tá Đinh Trí, Đoàn phó và Trung tá Vũ Khắc Thịnh, Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị. Được sự giúp đỡ của lực lượng vũ trang Quân khu 5, mà trực tiếp là Đoàn 578, đến tháng 7 năm 1978, (.044) Bạn đã thành lập được 1 tiểu đoàn gồm 5 đại đội và 17 đội công tác (tổng số 600 người)[1].

Tháng 7 năm 1978, Bộ Tổng Tham mưu quyết định thành lập Đoàn 778 (tương đương cấp sư đoàn), đặt dưới sự chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp của Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 7, với nhiệm vụ huấn luyện, tổ chức, xây dựng lực lượng giúp Bạn. Cũng trong thời gian này, Trường Hạ sĩ quan Quân khu 7 khai giảng lớp đào tạo hạ sĩ quan đầu tiên cho Bạn gồm 202 hạ sĩ quan, chiến sĩ. Trong thời gian 30 ngày, các học viên học các bài cơ bản về kỹ thuật, chiến thuật bộ binh; sử dụng các loại vũ khí có trong biên chế và công tác quản lý, chỉ huy tiểu đội trung đội. Một số đồng chí ở cơ quan Tiền phương Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, đã từng hoạt động ở Campuchia trong thời kỳ chống Mỹ như Nguyễn Hiêu, Phan Đình Túc... cùng một số cán bộ chính trị của Quân khu 7, cán bộ quân sự địa phương và lãnh đạo của Bạn tập trung các cán bộ người Khơme, lựa chọn những thanh niên khoẻ mạnh trong số dân tạm lánh sang Việt Nam có giác ngộ chính trị, căm ghét chế độ diệt chủng Pôn Pốt, có tinh thần yêu nước để huấn luyện đào tạo cán bộ.
---------------------------------------
1. Tiểu đoàn này ban đầu do đồng chí Sôi Keo làm Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Bu Thoong làm Chính trị viên.

Nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, chỉ huy đối với cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, ngày 19 tháng 7 năm 1978, Thường vụ Quân ủy Trung ương ra Quyết định số 69/QĐ-QUTW tổ chức Tiền phương (.045) Bộ Quốc phòng. Tiền phương Bộ Quốc phòng có chức năng chỉ huy thống nhất mọi hoạt động tác chiến của các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng ở phía Nam thực hiện nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Trung tướng Lê Đức Anh được chỉ định làm Chỉ huy trưởng. Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền và Thiếu tướng Hoàng Cầm làm Chỉ huy phó. Bộ phận tiền phương của Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật, Tổng cục Xây dựng kinh tế căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm phục vụ bộ phận Tiền phương Bộ Quốc phòng hoàn thành các nhiệm vụ theo quy định của Bộ.

Để hỗ trợ lực lượng yêu nước Campuchia, các lực lượng vũ trang ta trên biên giới Tây Nam tích cực hoạt động, buộc địch phải đối phó ở phía trước. Từ ngày 15  tháng 5 đến 30 tháng 9 năm 1978, hai quân đoàn 3 và 4, hai sư đoàn của Quân khu 7, hai sư đoàn của Quân khu 5 mở đợt tiến công lớn trên hướng đường 1, đường 7, vùng giáp ranh tỉnh Tây Ninh, đường 19... loại khỏi vòng chiến đấu 6 sư đoàn địch, làm suy yếu nghiêm trọng khối chủ lực, buộc địch phải đối phó, tạo điều kiện cho các lực lượng yêu nước Campuchia hoạt động. Đồng thời theo yêu cầu của Bạn, ta điều động các đội trinh sát luồn sâu vào trong lòng địch, hỗ trợ phong trào nổi dậy của quần chúng.

Tháng 9 năm 1978, lực lượng trinh sát luồn sâu của Bộ (do đồng chí Nguyễn Bá Ngọc, cán bộ Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu làm Đội trưởng) và của Quân khu 7 (.046) bắt liên lạc được với lực lượng ly khai Vùng 20 của ông Chia Xim, các đội công tác của Quân đoàn 3 bắt liên lạc được với lực lượng của ông Hêng Xomrin (nguyên ủy viên Khu ủy Miền Đông, Sư đoàn trưởng kiêm Chính ủy Sư đoàn 4) lãnh đạo. Lực lượng này có hơn 400 quân và hàng vạn dân đi theo xin sang lánh nạn ở Việt Nam, trong đó có nhiều người tình nguyện được tham gia lực lượng vũ trang cách mạng để trở về giải phóng đất nước khỏi hoạ diệt chủng Pôn Pốt khi có thời cơ.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác giúp Bạn, tháng 10 năm 1978, Đoàn chuyên gia 478 ban hành quy định tạm thời về nhiệm vụ, phương châm, chế độ công tác giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia. Về nhiệm vụ, quán triệt đường lối, chủ trương, quan điểm đoàn kết quốc tế của Đảng ta đối với cách mạng Campuchia, chuyên gia quân sự phải đi sâu nghiên cứu tình hình cách mạng Campuchia, cùng các cơ quan có liên quan đề xuất với cấp trên những chủ trương, kế hoạch nhằm giúp Bạn xây dựng lực lượng và đưa lực lượng vào hoạt động, thực hiện sự phối hợp chiến đấu và công tác giữa lực lượng vũ trang ta và Bạn. Trên cơ sở tình hình thực tiễn của Bạn kết hợp với kinh nghiệm của quân đội ta mà góp ý với Bạn về chủ trương, kế hoạch xây dựng lực lượng và hoạt động của các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xây dựng căn cứ địa, xây dựng cơ sở hậu phương.

Chuyên gia ở cấp nào phải giúp Bạn ở cấp đó thực hiện tốt chức trách và hoàn thành nhiệm vụ; qua đó không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt của Bạn, tìm hiểu (.047) được tình hình đội ngũ cán bộ để có kế hoạch giúp đỡ phù hợp. Giữ mối liên hệ mật thiết giữa quân đội ta và lực lượng vũ trang Bạn, nhằm góp phần xây dựng, củng cố và không ngừng phát triển mối đoàn kết liên minh chiến đấu giữa cách mạng và quân đội hai nước.

Ngày 3 tháng 11 năm 1978, được sự giúp đỡ của nhân dân, lực lượng nổi dậy chống lại chế độ Pôn Pốt - Iêng Xari tiến công căn cứ Sêrêca của quân Pôn Pốt ở phía Tây Bắc Đầm Be (Côngpông Chàm). Sau 1 giờ chiến đấu, lực lượng nổi dậy làm chủ căn cứ, tiêu diệt hơn 100 tên, thu 1 kho vũ khí, đạn dược và đồ dùng quân sự. Phong trào nổi dậy chống lại chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari lan rộng khắp cả nước, không chỉ lớn về quy mô mà còn có bước chuyển mới về tổ chức và phương thức đấu tranh. Đã có sự phối hợp giữa các lực lượng, giữa thành thị với nông thôn; đã biết kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, giữa nổi dậy của quần chúng với binh biến của binh lính.

Tháng 11 năm 1978, tại Quân khu Đông, lực lượng nổi dậy hoạt động mạnh ở các huyện Camchơrích, Tơnang Khơmun (Côngpông Chàm). Tại Quân khu Đông Bắc, hàng trăm nhân dân vùng Siêngpạng (Stung Treng) và vùng Bôkeo (Ráttanakiri) nổi dậy chống lại việc bắt thanh niên đi lính cho Pôn Pốt. Nhiều truyền đơn kêu gọi nhân dân khu Đông và Đông Bắc cùng đồng bào cả nước đoàn kết đấu tranh đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari, phản đối việc chính quyền Pôn Pốt - Ieng Xari gây chiến tranh biên giới với Việt Nam, đòi xây dựng nước Campuchia hoà bình, độc lập, tự do, hạnh phúc. (.018)

Cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 1978, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Campuchia phát triển ngày càng mạnh mẽ và giành nhiều thắng lợi. Đầu tháng 12 năm 1978, lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh Mônđônkiri đánh chiếm 1 căn cứ địch, diệt hơn 100 tên, thu nhiều súng đạn và lương thực. Tiếp đó, nhân dân hai huyện Sơlông và Crôchơmia (Côngpông Chàm) nổi dậy giành quyền làm chủ ở một số xã. Ở Quân khu 203 và Quân khu Đông Bắc nổ ra nhiều vụ binh biến của binh lính.

Trong khi đó, được các quân khu 5, 7, 9 giúp đỡ, lực lượng vũ trang Bạn cũng có sự phát triển. Đến tháng 12 năm 1978, bộ đội ta đã giúp Bạn xây dựng được 22 tiểu đoàn bộ binh và 69 đội công tác. Đây là những nhân tố vô cùng quan trọng tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia từng bước tự đảm dương nhiệm vụ chuẩn bị phối hợp với Quân tình nguyện Việt Nam, đánh đổ chế độ Pôn Pốt, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng để xây dựng lại đất nước.

Để tập hợp, tổ chức và lãnh dạo nhân dân Campuchia đứng lên cứu đất nước thoát khỏi hoạ diệt chủng Pôn Pốt, ta đã giúp Bạn thành lập Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia. Quân khu 7 được giao chuẩn bị địa điểm, đường sá và công tác bảo vệ; Tổng cục Hậu cần lo việc ăn uống và đưa đón nhân dân Campuchia từ một số trại tị nạn về địa điểm mít tinh an toàn. Ngày 2 tháng 12 năm 1978, tại vùng giải phóng (.049) Snun (tỉnh Krachiê), Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã ra mắt nhân dân Campuchia[1]. Mặt trận công bố Cương lĩnh 11 điểm nhằm thực hiện quyết tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng thi hành nhiệm vụ cách mạng trước mắt của nhân dân Campuchia là nổi dậy đánh đổ tập đoàn phản động gia đình trị Pôn Pốt - Ieng Xari, xóa bỏ chế độ diệt chủng tàn ác đẫm máu của chúng, thiếp lập chế độ dân chủ nhân dân, phát huy truyền thống Ăngco, làm cho Campuchia thật sự là một nước hòa bình, độc lập, dân chủ, trung lập, không liên kết. Mặt trận cũng khẳng định tăng cường tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari, xây dựng lại đất nước Campuchia hòa bình, phồn vinh.

Cùng với việc hình thành các lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia, sự ra đời của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và sự giúp đỡ của Việt Nam đã góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Campuchia vươn lên một tầm cao mới. Ngay sau khi thành lập, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã đề nghị Việt Nam (.050) giúp đỡ nhân dân Campuchia, “không phải chỉ cứu giúp mấy vạn người tị nạn mà phải cứu giúp cả một dân tộc”[2]. Theo yêu cầu của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và nhân dân Campuchia, Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã kề vai sát cánh cùng lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ Pôn Pốt, giải phóng đất nước khỏi họa diệt chủng, giành chính quyền về tay nhân dân.
-------------------------------------------
1. Ủy ban Trung ương Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia gồm 14 người, do ông Hêng Xomrin (nguyên ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ khu Đông, Chính ủy kiêm Sư đoàn trưởng) làm Chủ tịch, Chea Sim (nguyên ủy viên Viện đại biểu nhân dân) làm Phó Chủ tịch và các ủy viên: Rô Samay, Matly, Bun Mi, Mea Somnang, Neou Samon, Hun Xen, Mean Saman, nhà sư Long Sim, nữ bác sĩ Thạch Kanh Nha, Hem Samin, giáo sư Chan Vên, nhà báo Prach Sun.
2. Ban liên lạc cựu chuyên gia Việt Nam giúp Campuchia, Kỷ yếu 8 năm hoạt động của Ban liên lạc cựu chuyên gia Việt Nam giúp Campuchia (1998-2006), Nxb GTVT, H, 2007, tr. 397
.

Theo Bodoibucket
Nguồn: Vnmilitaryhistory


Tìm kiếm Blog này