Tim thông tin blog này:

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2016

Học tập cải tạo hậu 1975

Lịch sử hiện đại: Chiến tranh và cách mạng
18 giờ ·

Theo chính quyền mới thì: "Việc tổ chức cho ngụy quân, ngụy quyền và các đối tượng phản động ra trình diện học tập cải tạo thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, có tác dụng phân hóa hàng ngũ bọn phản động, cô lập bọn đầu sỏ ngoan cố, đập tan luận điệu tuyên truyền chiến tranh tâm lý của địch, tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân."
Chính quyền Cộng hòa Miền Nam và Đảng Lao động Việt Nam đề ra bốn thành phần cần phải tập trung đưa đi cải tạo:
+ "Ngụy quân": sĩ quan từ cấp úy đến cấp tướng
+ "Ngụy quyền": cảnh sát, tư pháp, hành chánh
+ Đảng phái phản động: đảng viên, chính trị gia hoạt động từ cấp quận trở lên
+ Đầu hàng, phản bội: hồi chánh
Ngoài ra có những người không thuộc bốn diện trên nhưng có hoạt động người cộng sản cho là chống phá như nhà văn, nhà báo, liệt kê và "biệt kích cầm bút" cũng phải đi học tập cải tạo. Hầu hết những cựu sĩ quan, chính trị gia, nhà văn... như trên đều bị đưa đi cải tạo nhiều năm trời, thậm chí là thuyên chuyển ra vùng cực miền Bắc.
Còn những binh nhì, hạ sĩ quan thấp cấp và nhân viên văn phòng thì bị buộc phải đi cải tạo ngắn ngày hơn. Nhưng về các tiêu chí cấp dưỡng, tem phiếu lương thực thì sẽ có sự phân biệt đối xử nhất định dù nhẹ nhàng hơn những người bị đưa vào diện lí lịch như trên.
Tổng cộng có đến hơn 80 trại cải tạo phân bố trên toàn đất nước, nhất là những vùng biên thùy. Chương trình bắt đầu với 10 bài giảng với những đề tài:
+ Tội ác Mỹ Ngụy (Mỹ và Việt Nam Cộng hòa)
+Lý thuyết Xã hội chủ nghĩa
+Chính sách khoan hồng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam

Người bị giam phải viết bài lý lịch gọi là "bài tự khai" bắt đầu với bản "sơ yếu lý lịch", tiếp theo là bài tự kiểm điểm và khai báo quá khứ: một tháng viết hai lần; mỗi bài khai dài khoảng 20 trang giấy viết tay. Viết xong thì có buổi tự khai báo tập thể để mọi người phê bình, khen chê. Ai khai nhiều thì được điểm là "tiến bộ".
Tùy theo cấp bậc hoặc thời gian phục vụ cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa mà những người này bị bắt học tập cải tạo theo thời gian thông thường từ vài ngày đến 17 năm. Tuy nhiên cũng có rất nhiều người không bị đưa đi học tập cải tạo hoặc chỉ trong 1 thời gian ngắn. Đó là những người hoặc là hoạt động tình báo cho phía Mặt trận giải phóng, hoặc là người được coi là "không có tội ác với nhân dân", như trường hợp Tổng thống Dương Văn Minh và một số chính trị gia hàng đầu, dân biểu quá nổi tiếng khác.
Vì chính sách dùng lao động để cải tạo tư tưởng nên lao động sản xuất là trọng điểm. Nghị quyết 49 đề ra 8 giờ lao động sản xuất mỗi ngày. Mỗi tuần thì có hai buổi học tập chính trị. Chiều thì có "lớp văn hóa".
Những người trong trại học tập cải tạo phải lao động làm việc ở các công trường, trong các trại cải tạo, mà nhiều người mô tả lại là cực nhọc, một phần trong số đó đã bị chết do không chịu được cuộc sống khắc nghiệt trong trại cải tạo, ăn uống thiếu thốn. Công việc thông thường là chặt cây, trồng cây lương thực, đào giếng, và cả gỡ mìn gây ra thương vong.
Về sau các trại Học tập cải tạo còn lưu nhốt chung cả những tội phạm hình sự, dính vào tệ nạn xã hội sau năm 1975 nữa.
Nhiều người trở về sau thời gian học tập cải tạo được đưa về địa phương để làm việc và sinh sống trong tình trạng quản chế tại gia. Vì xếp là có lý lịch xấu nên sau khi được trả tự do, cuộc sống của nhiều người học tập cải tạo và gia đình họ gặp nhiều khó khăn do tình trạng phân biệt đối xử, đặc biệt là trong một xã hội cấp phát nặng về lí lịch như thời bao cấp của chế độ CHXHCNVN.
Về sau thì may mắn trong những người đã bị đưa đi học tập cải tạo, đã có nhiều người được đưa đi định cư ở hải ngoại, theo các chương trình nhân đạo như Chương trình Ra đi có Trật tự, một thỏa thuận giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ký năm 1989. Theo đó thì chính phủ Mỹ dành ưu tiên nhập cảnh cho những cựu quân nhân, viên chức của Việt Nam Cộng hòa giam từ ba năm trở lên.
Ảnh: TP. Hồ Chí Minh, năm 1988 - Nước mắt ngày đoàn tụ - Người trở về sau 13 năm "học tập cải tạo" tại miền Bắc, cựu Đại Tá Nguyễn Công Vĩnh, cựu SVSQ/TVBQGVN/K5. Lúc này đã là một ông cụ râu bạc phơ đang đẫm nước mắt trong vòng tay gia đình thân quyến.
#Ad69

Tìm kiếm Blog này