Lũ chúng mình chung lớp 12
Ba mươi năm, bây giờ gặp lại…
Mới đó mà đã 30 năm. Mới đó mà đã hơn hai phần ba cuộc đời. Mới đó… và mới đó… Những mái đầu bạc gặp nhau, bồi hồi với bao vui buồn kỷ niệm…
Tôi cũng vậy, ngổn ngang nhũng ký ức đan xen, muốn viết đôi dòng hoài niệm nhưng không biết nên bắt đầu từ đâu. Thôi đành… tản mạn vậy. Một thuở học trò, cùng chung mấy năm trời dưới mái trường phổ thông, làm sao có thể gói gọn trong vài trang giấy???
Những năm 77-80, Kon Tum chỉ có một trường cấp III với ba lớp10-12, mỗi lớp chỉ hơn ba mươi đứa. Tất cả chúng tôi đều biết nhau, biết từ những năm cấp II sau ngày giải phóng 30-04-1975. Hồi đó thật gian khổ. Chiến tranh khốc liệt vừa đi qua, kinh tế đất nước suy sụp, để lại bao khó khăn cho mỗi gia đình. Tôi còn nhớ năm 1975, KonTum có khá nhiều trường cấp II (Hoàng Đạo, Bồ đề, LaSan, Nông lâm súc, Lê Hữu Từ, Têrêxa ), chỉ riêng lớp 7 trường Têrêxa của tôi đã có 80 học sinh, vậy mà sau giải phóng gộp cả sang khối 8 trường Lý Tự Trọng– tức Hoàng Đạo cũ - chỉ còn 4 lớp, rồi sang cấp III còn lại 3 lớp. Biết bao số phận dở dang, bao hoài bão không thành…
Nhưng hồi đó có lẽ còn nhỏ, và tuổi học trò “nhất quỷ nhì ma” nên tôi khá vô tư, không lo nghĩ gì nhiều. Khổ thì nhà nào cũng khổ, chả có gì phải suy bì, phân biệt này khác. Có khi vì cùng khổ cả nên tình cảm bạn bè càng gần gũi, gắn bó với nhau hơn. Nhà tôi ở xa, đi học bằng xe đạp mất sáu, bảy cây số. Mà hồi đó ngoài việc học còn phải đi lao động phong trào khá nặng nhọc ( đào mương thủy lợi, khai hoang…), mỗi tuần liên tục vài ba buổi chiều là chuyện thường. Tôi đành ở lại buổi trưa, và luân phiên được bạn bè đưa về nhà ăn cơm ké. Gọi là cơm nhưng thực tế nhà nào cũng độn thêm năm ba phần sắn, lang khô… vì thiếu gạo, thức ăn rau mắm rất là đạm bạc. Có những bạn nhà đông anh em lóc nha lóc nhóc nhưng ba mẹ vẫn ưu tiên đơm nhiều cơm cho tôi và ép ăn cho bằng được. Tình cảm đó mãi mãi khắc ghi trong tôi không bao giờ phai …
Thị xã KonTum hồi đó bé tí tẹo, hình như không có lấy một căn nhà lầu, ngay đường phố chính Trần Hưng Đạo vẫn còn mấy dãy nhà gỗ lợp ngói vãy, tường bằng tre trét đất trộn rơm rạ, kiểu nhà nông thôn có từ thời thuộc Pháp (chợt nhớ bạn Cẩm- quán café EVA -vẫn còn giữ được ngôi nhà cổ kiểu này, nghe đâu cũng định dỡ bỏ xây lại- nếu thế thì tiếc thật!). Đường phố nhỏ, còn nhiều cây xanh cổ thụ và khá yên tĩnh, lâu lâu mới có tiếng xe máy chạy qua- thời đó xe máy còn hiếm hơn xe con bây giờ. Quán nhậu, bi da, ca nhạc sống… thì bị cấm, vài ba quán cóc, quán café …khách lèo tèo; với lại muốn vào cũng chẳng đứa nào có tiền . Giải trí chủ yếu là rủ nhau đá banh, tập đàn guitar…,con trai lớp tôi đứa nào cũng chơi guitar được, nghĩ cũng hay hay…
Lớp 10 chúng tôi học ở trường Lasan cũ - sau chuyển thành Trường sư phạm tiểu học , lên lớp 11 mới dời về Têrêxa –tức trường PTTH KonTum hiện nay. Trường đã thay đổi nhiều, mấy dãy phòng học lụp xụp ngày nào giờ lên tầng khang trang, sạch đẹp; hàng cây phượng, cây khuynh diệp trông vẫn còn nét thân quen dù già cỗi đi nhiều. Chợt chạnh lòng vì thầy cô ngày xưa mỗi người mỗi nơi, không còn ai đứng lớp- cũng phải thôi, 30 năm rồi còn gì? Tôi nhớ mãi hình ảnh thầy Quán dạy lý tuổi gần 40 bạc đầu vẫn chưa có vợ; cô Phi dạy anh văn thương học trò hết biết; thầy Khuê giảng văn lôi cuốn cực kỳ, mê truyện kiếm hiệp Kim Dung cứ đọc dấu dấu diếm diếm (hồi đó truyện Kim Dung bị cấm). Rồi thầy Châu chủ nhiệm dạy toán, thừa nhiệt tình nhưng khá là độc đoán, những trò đùa quái quỷ của tụi tôi lỡ bị thầy phát hiện thì chỉ có… tiêu đời. Có lần đúng ngày Quốc tế phụ nữ 8.3, nguyên đám con gái chủ quan bị thầy truy bài ăn điểm kém khóc ròng, nước mắt nước mũi tùm lum trông… thương ơi là thương. Nhưng cuối cùng, hóa ra với thầy Châu lớp tôi lại có nhiều kỷ niệm, và vẫn dành cho Thầy tình cảm có lẽ là sâu đậm nhất…Rồi thầy Quế, thầy Sử, thầy Thảo, thầy Ngộ, cô Thảo …từ mãi ngoài Bắc tăng cường vào; từ miền Trung phân công tác lên- kham khổ đạm bạc với cuộc sống tập thể nhưng hết mình vì học trò . Và còn các thầy cô khác nữa- bây giờ ở đâu, sống như thế nào…, vẫn là nỗi trăn trở chưa có lời giải của chúng tôi…
Tuổi học trò bạn bè tôi có nhiều kỷ niệm cùng dòng sông ĐakBla uốn quanh thị xã KonTum . Hồi đó sông ĐakBla nước trong veo, bờ bên này đầy hoa cỏ dại, bờ bên kia trãi dài cánh đồng mía, dưa…bốn mùa xanh tươi, hai bờ nối nhau bằng cây cầu sắt ọp ẹp. Mỗi khi có xe lớn chạy qua, cầu lại rung lên bần bật, đi trên cầu cảm giác hồi hộp cũng “ép phê” lắm.. Mặt cầu lát bằng những tấm gỗ dày, đầy những khe hở nên đi xe đạp rất khó, đám con gái thường phải dắt xe đi bộ, còn bọn con trai vẫn khoái thách đố nhau đi qua chỉ trên một đường ván, đứa nào lọt khe hoặc chệch sang tấm khác sẽ thua cuộc một cái gì đó. Thắng thua không quan trọng, có điều lỡ lọt khe thì thế nào xe đạp cũng bị cong vành, phải cân lại mới đi được. Rốt cuộc xe đứa nào cũng bị cong vành, nhưng vẫn không chừa …Tôi còn nhớ đứng trên cầu nhìn xuôi, sông ĐăkBla hồi đó chảy thành hai dòng với bãi bồi ở giữa vẫn còn mấy trụ cầu gỗ từ thời Pháp bắc qua Phương Hòa, phía đông cầu còn sót một trụ bêtông gọi là hòn bi, bây giờ bị bồi lấp cả rồi. Thỉnh thoảng đám con trai rủ nhau cúp cua đi đá bóng, hoặc qua bên kia sông ĐakBla trộm dưa, trộm mía …, rồi trưa nắng cởi hết quần áo lông nhông phi từ hòn bi xuống dòng nước mát rượi, thật là sướng đã đời luôn.?!? Mà cũng chẳng hiểu sao cái giống mía vàng- thân màu vàng tươi to hơn cổ tay một chút, mềm và ngọt thơm dìu dịu –hồi ấy trồng đầy bãi sông, bây giờ “tuyệt chủng” không tìm đâu thấy nữa…
Biết em từ thuở mười ba.
Thương em từ thuở mẹ cha mới về.
Tôi liền đầu têu mấy đứa tráo một tờ giấy khác, ghi vẻn vẹn hai câu nhại lại :
Biết em từ thuở nằm nôi
Thương em từ thuở em thôi…”uổng trờ”
Hậu bức thư ấy ra sao, tôi cũng không còn cơ hội để hỏi lại vì chỉ mấy năm sau khi học hết 12, bạn TTKN mãi mãi đi xa vì bạo bệnh, để lại cho chúng tôi bao tiếc nhớ.Vừa mới đây chúng tôi lại cùng nhau tiễn đưa LQH … Cuộc sống khắc nghiệt là vậy, biết làm sao được!!!
(...)
Những năm tháng học trò của chúng tôi đầy ắp kỷ niệm, kể nhau nghe có khi …ba ngày ba đêm cũng chưa hết chuyện. Hễ có dịp gặp nhau là nhắc đi nhắc lại, nhắc hoài vẫn không chán. Có lần nhóm chúng tôi gặp nhau có cả con cái tham dự - mấy đứa nhỏ tuổi nay cũng trên dưới hai mươi, nhận xét : lớp các chú, các cô sao mà tình cảm hay quá, tuyệt vời quá; thế hệ tụi con có nằm mơ cũng không thấy được. Ngẫm nghĩ thì … cũng phải thôi. Bây giờ kinh tế phát triển, xã hội phân hóa phức tạp, xu hướng hưởng thụ tăng lên…; cần gì thì gọi hoặc nhắn tin qua di động; có tiền thì rủ nhau quán xá, karaokê, nhảy hip hop…bốc hơn. Mắc mớ gì lóc cóc đạp xe tới nhà nhau bày trò này nọ, tập tành đàn địch chi cho mệt.?!?
Hóa ra bạn bè lớp 12 chúng mình già cả rồi. Chỉ còn những kỷ niệm học trò là trẻ mãi trong tâm tưởng mỗi người mà thôi…
PVN -12.2009
(Trường Cấp III KonTum hôm nay)
Nguồn: Nhuygialai