Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

Những dự án FDI “đắp chiếu” (I)

Dự án lọc dầu 4 tỷ USD Vũng Rô : 10 năm và... hơn thế nữa

ENTERNEWS.VN (DĐDN) - Cách đây hai năm, Technostar Management Limited - chủ đầu tư dự án lọc dầu Vũng Rô từng tuyên bố sẽ đưa nhà máy lọc dầu vào hoạt động năm 2016 sau gần 10 năm trì hoãn, nhưng việc xây dựng nhà máy đến thời điểm này còn... chưa bắt đầu.

(DĐDN) - Cách đây hai năm, Technostar Management Limited - chủ đầu tư dự án lọc dầu Vũng Rô - từng tuyên bố sẽ đưa nhà máy lọc dầu vào hoạt động năm 2016 sau gần 10 năm trì hoãn, nhưng việc xây dựng nhà máy đến thời điểm này còn... chưa bắt đầu.

a5 copy copy
Gần 10 năm trễ hẹn

Như vậy là đã gần 10 năm, kể từ năm 2008, khi dự án lọc dầu Vũng Rô được cấp giấy chứng nhận đầu tư, dự án này vẫn chỉ nằm trên giấy. Trong văn bản công bố chương trình hành động nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư thuộc khu kinh tế Nam Phú Yên, Tỉnh ủy Phú Yên đã đặt mục tiêu sẽ cố gắng hỗ trợ để nhà đầu tư có thể tiến hành khởi công xây dựng nhà máy trong năm nay. Như vậy, nếu đúng như dự tính của lãnh đạo địa phương, dự án lọc dầu Vũng Rô có sớm cũng phải cuối năm 2018 mới đi vào hoạt động. Theo Vũng Rô Petroleum – Cty được Technostar Management Limited thành lập ở Việt Nam để đầu tư dự án, nhà máy lọc dầu này có tổng vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD và công suất hàng năm là 8 triệu tấn dầu thô, lớn hơn công suất nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện tại, nhưng nhỏ hơn so với nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Dự án có diện tích đất sử dụng là 538 ha, trong đó đất xây dựng nhà máy 404 ha, đất mặt bằng xây dựng cảng Bãi Gốc 134 ha. Ngoài ra, Vũng Rô Petroleum cũng được phê duyệt sử dụng từ 500 ha đến 1.300 ha diện tích mặt nước.
Nếu tính về tác động kinh tế, lọc dầu Vũng Rô chính là dự án được kỳ vọng lớn nhất sẽ thay đổi toàn bộ nền kinh tế của một tỉnh nghèo như Phú Yên trong tương lai. Đó là lý do vì sao các lãnh đạo tỉnh Phú Yên trong gần một thập kỷ qua luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho dự án này, thậm chí còn hỗ trợ nhà đầu tư để xin Chính phủ phê duyệt những chính sách ưu đãi lớn dành cho dự án. Theo ước tính của tỉnh Phú Yên, nếu đi vào hoạt động, dự án này sẽ đóng góp cho ngân sách hàng năm khoảng 110 triệu USD, và tạo ra khoảng 1.300 việc làm.
Thế nhưng tiến độ thực hiện dự án lại không đáp ứng được kỳ vọng của địa phương. Những gì mà nhà đầu tư làm được cho đến nay là một lễ động thổ để tiến hành xây dựng cảng Bãi Gốc tháng 9/2014 và hoàn tất các công đoạn khảo sát, tìm đối tác chuyển giao công nghệ lọc dầu và ký hợp tác với nhà thầu xây dựng nhà máy. Nhưng ngay cả việc xây dựng cảng Bãi Gốc thì từ tháng 9/2014 đến nay cũng chưa thực sự bắt đầu.
Nguyên nhân từ đâu?
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án đầu tư ở Việt Nam bị chậm là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, và dự án lọc dầu Vũng Rô cũng không phải là một ngoại lệ. Văn bản của Tỉnh ủy Phú Yên đưa ra định hướng thúc đẩy dự án lọc dầu Vũng Rô nêu rõ việc giải phóng 404 ha phần đất xây dựng nhà máy lọc dầu vẫn còn quá chậm và chưa hoàn thành.
Thực tế phần diện thích được giải phóng mặt bằng mới chỉ là 134 ha dành để xây dựng khu vực cảng Bãi Gốc. Riêng đối với khu vực xây dựng nhà máy với diện tích 404 ha, tỉnh cũng chỉ dự kiến sẽ hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong mùa hè này để nhà đầu tư sớm khởi công xây dựng nhà máy trong năm 2016.
Thế nhưng nếu như có giao hết mặt bằng thì liệu nhà đầu tư có tiến hành xây dựng nhà máy ngay không? Câu trả lời là chưa chắc chắn, bởi Technostar Management Limited đã có đủ mặt bằng để xây dựng cảng Bãi Gốc từ năm 2014, nhưng đến nay việc xây dựng cảng cũng chưa được thực hiện.
Có một lý do Technostar Management Limited không nói ra, nhưng nếu nhìn vào bối cảnh kinh tế thế giới thời gian qua sẽ có thể hiểu được. Khi nhà đầu tư nhận giấy chứng nhận đầu tư cho dự án lọc dầu Vũng Rô năm 2008, đó là thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu và Technostar Management Limited cũng đã lấy lý do đó để giải thích cho sự trì hoãn của mình. Còn khi dự án bắt đầu bước vào giai đoạn xây dựng thì nền kinh tế Nga bắt đầu rơi vào khủng hoảng. Dù có trụ sở chính là tại Anh, nhưng Technostar Management Limited lại do một nhóm nhà đầu tư từ Nga lập ra để đầu tư vào Việt Nam, đứng đầu là doanh nhân Kirill Korolev, người hiện tại cũng đang là giám đốc điều hành của Vũng Rô Petroleum. Nên có thể hiểu nguồn vốn đầu tư vào lọc dầu Vũng Rô đến từ Nga.
Vì vậy, khi kinh tế Nga rơi vào khủng hoảng do chịu sự trừng phạt kinh tế từ EU, đồng rúp Nga mất giá thảm hại. Đồng rúp mất giá, có nghĩa là chi phí mà các nhà tư mang ra nước ngoài đầu tư sẽ lớn hơn rất nhiều lần, và làm tăng tổng mức đầu tư dự án lên cao hơn. Điều này có thể sẽ gây ảnh hưởng tới khả năng tài chính của nhà đầu tư cũng như lợi nhuận sau này.
Chỉ tính riêng trong năm 2014, đồng rúp đã mất giá gần 53% so với đồng USD, từ mức 32,8 rúp đổi 1 USD xuống mức 61,4 rúp đổi một USD. Vào thời điểm này vẫn còn ở mức 64 rúp đổi 1 USD, tức là thấp hơn nhiều so với thời điểm năm 2014. Có lẽ đây mới là nguyên nhân khiến cho dự án lọc dầu Vũng Rô tiếp tục bị trì hoãn trong hai năm qua.
Hàng loạt các siêu dự án, dự án tỷ đô vào Việt Nam, thuê đất... xí phần rồi để đó. Điều này không chỉ làm hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài khác mà còn tạo tiền lệ xấu cho môi trường kinh doanh, sự minh bạch và quyền bình đẳng cho các DN trong nước. Bắt đầu từ số này, D Đ DN sẽ “điểm mặt” những dự án đó như một lời cảnh báo với các nhà đầu tư FDI khác.
Ninh Kiều 

Dự án khu công nghiệp Việt Hòa Kenmark (Đài Loan): Nghìn tỷ bỏ không

ENTERNEWS.VN (DĐDN) - Suốt sáu năm qua một khu công nghiệp được xây dựng hoàn thiện hạ tầng và nhà xưởng đã bị bỏ hoang tại Hải Dương, còn nhà đầu tư Đài Loan đã bỏ về nước cùng với khoảng nợ hơn 1.500 tỷ đồng vay được từ hai ngân hàng Việt mà chưa biết khi nào mới trả lại được.

(DĐDN) - Suốt sáu năm qua một khu công nghiệp được xây dựng hoàn thiện hạ tầng và nhà xưởng đã bị bỏ hoang tại Hải Dương, còn nhà đầu tư Đài Loan đã bỏ về nước cùng với khoảng nợ hơn 1.500 tỷ đồng vay được từ hai ngân hàng Việt mà chưa biết khi nào mới trả lại được.

Untitled-1 copyChính quyền tỉnh Hải Dương rất muốn xử lý nhanh trường hợp này để mời gọi nhà đầu tư khác. Mới tuần trước, UBND tỉnh Hải Dương đã họp với các ngân hàng và Kenmark và đưa ra thời hạn đến hết 31/8 nếu không có gì thay đổi sẽ tìm cách xử lý khác “tích cực” hơn.
Đi dọc theo tuyến đường quốc lộ 5 đoạn qua thành phố Hải Dương, rất dễ để thấy KCN Việt Hòa-Kenmark với hàng rào bao quanh và một tấm biển quảng cáo lớn mời gội nhà đầu tư vào thuê đất. Bên trong là những khu nhà xưởng đã được xây dựng sẵn và những tuyến đường nội bộ được trải nhựa cùng hệ thống đường cấp nước, điện và đèn chiếu sáng. Nhưng, Việt Hòa-Kenmark lại mang một sự tĩnh lặng lạ thường không một bóng người.
Khu nhà hoang
Thực tế, khu công nghiệp Việt Hòa-Kenmark đã bị đóng cửa suốt sáu năm qua, kể từ năm 2010, sau khi chủ đầu tư bỏ về nước và không trả hết nợ cho các ngân hàng cho vay vốn là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài gòn Hà Nội (SHB) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank – nay đã sát nhập vào SHB). Hiện tại, khu công nghiệp này đã bị các ngân hàng niêm phong lại.
Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang ồ ạt vào Việt Nam như hiện tại, việc có một khu công nghiệp ở vị trí đắc địa như Việt Hòa-Kenmark bị bỏ hoang lại cản trở tới việc thu hút đầu tư của tỉnh Hải Dương. Quay trở lại thời điểm năm 2005 khi dự án này được cấp phép đầu tư, đây là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất của Hải Dương lúc bấy giờ, Cty Kenmark hứa sẽ đầu tư 500 triệu USD vào khu công nghiệp này, bao gồm cả một khu đô thị, để thu hút nhiều nhà đầu tư khác. Trong giai đoạn một, Kenmark dự định đầu tư 98 triệu USD để xây khu công nghiệp và cũng đã giải ngân được 44 triệu USD, tính đến thời điểm giữa năm 2009 trước khi khu công nghiệp đóng cửa.
Ngoài ra cũng đã có hai DN đến từ Malaysia đầu tư vào khu công nghiệp này để sản xuất. Theo thông tin từ Ban quản lý các khu công nghiệp Hải Dương, hai DN Malaysia này cũng có vốn góp của Kenmark ở trong đó và chính những bất đồng giữa Kenmark và các cổ đông khác ở hai DN này đã khiến nhà đầu tư Malaysia rơi vào tình cảnh khó khăn buộc phải đóng cửa khu công nghiệp.
Các ngân hàng Việt gian nan đòi nợ?
Khi khu công nghiệp đóng cửa không còn hoạt động nữa, những người lo lắng nhất lại là các ngân hàng trong nước đã cho vay vốn. Theo thông tin từ BIDV, vào năm 2008 ba ngân hàng là BIDV, SHB và Habubank đã cho Kenmark vay tổng cộng 67,6 triệu USD, tương đương 2/3 tổng vốn đầu tư giai đoạn một của dự án. Trong đó, chi nhánh BIDV Thành Đô là chủ nợ lớn nhất khi cho vay 39,1 triệu USD, chi nhánh SHB Quảng Ninh cho vay 18,5 triệu USD và Habubank Bắc Ninh cho vay 10 triệu USD. Đến nay ngân hàng Habubank đã sát nhập vào ngân hàng SHB nên khoản nợ của Habubank cũng chuyển sang SHB. Đây quả là một số tiền không nhỏ và nếu không thu hồi được thì các ngân hàng sẽ bị thiệt nhiều nhất.
Có một điều may mắn là Kenmark không bỏ trốn nên các ngân hàng cũng vẫn biết tìm con nợ ở đâu. Ông Nguyễn Xuân Đoan, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, xác nhận Chủ tịch của Kenmark là ông Hwang Ding Kuo vẫn bay sang Việt Nam để tìm cách giải quyết vụ việc. Cách duy nhất được cả địa phương, nhà đầu tư và ngân hàng thống nhất là sẽ bán dự án này để ngân hàng thu hồi nợ.
Nhưng cho đến nay, đã qua sáu năm và nhiều cuộc thương thảo với các đối tác khác nhau, vẫn chưa có ai đồng ý mua lại Việt Hòa-Kenmark. Thực tế thì việc bán dự án này cho một nhà đầu tư mới trong bối cảnh này sẽ khó hơn nhiều bởi còn liên quan tới nhiều bên là ngân hàng và chủ đầu tư, và vướng mắc nhất chính là làm thế nào để thỏa mãn hết kỳ vọng của các bên. Một quan chức giấu tên tại Hải Dương cho biết nguyên nhân khiến Việt Hòa-Kenmark đến nay vẫn bỏ hoang là do giữa các bên chưa thống nhất được một mức giá chuyển nhượng.
“Việt Hòa-Kenmark được đang giữ một vị trí rất đắc địa trong thu hút đầu tư, nhưng lại là cục máu đông cần phải giải quyết nhanh để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư khác”, vị này nói.
Theo ông Đoan, chính quyền tỉnh Hải Dương cũng rất muốn xử lý nhanh trường hợp này để mời gọi nhà đầu tư khác. Mới tuần trước, UBND tỉnh Hải Dương đã họp với các ngân hàng và Kenmark và đưa ra thời hạn đến hết 31/8 nếu không có gì thay đổi sẽ tìm cách xử lý khác “tích cực” hơn. Nhưng cách xử lý như thế nào thì vẫn chưa được tiết lộ, và câu hỏi khi nào các ngân hàng BIDV và SHB mới có thể thu hồi lại hơn 68 triệu USD vẫn còn chưa có câu trả lời.
 Ninh Kiều 

Những dự án FDI “đắp chiếu” (Kỳ 3): Dự án sắt xốp Kobelco đổ vỡ vì mỏ Thạch Khê

ENTERNEWS.VN (DĐDN) - Có vốn đầu tư 1 tỷ USD và sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến nhất của Kobe Steel (Nhật Bản), nhưng dự án sản xuất sắt xốp Kobelco do tập đoàn Kobe Steel đầu tư tại Nghệ An suốt sáu năm nay vẫn chưa hề được triển khai vì phải… chờ nguồn nguyên liệu.

(DĐDN) - Có vốn đầu tư 1 tỷ USD và sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến nhất của Kobe Steel (Nhật Bản), nhưng dự án sản xuất sắt xốp Kobelco do tập đoàn Kobe Steel đầu tư tại Nghệ An suốt sáu năm nay vẫn chưa hề được triển khai vì phải… chờ nguồn nguyên liệu.

le khoi con copy
Tháng Ba năm 2010, tỉnh Nghệ An chào đón tập đoàn Kobel Steel đến đầu tư dự án phôi thép Kobelco. Có số vốn đăng ký đầu tư là 1 tỷ USD, lúc bấy giờ Kobelco là dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn nhất tỉnh Nghệ An.
Mong chờ mòn mỏi
Nhà đầu tư cũng dự tính sẽ tiến hành xây dựng nhà máy đầu tiên ngay trong quý I năm 2011, và hai nhà máy nữa sẽ được xây dựng trong giai đoạn hai. Tổng công suất của cả dự án sẽ là hơn 2 triệu tấn phôi thép mỗi năm. Đặc biệt, Kobe Steel cho biết sẽ áp dụng công nghệ ITmk3® để sản xuất phôi. Đây là công nghệ hiện đại bậc nhất của Kobe Steel rất thân thiện với môi trường và cho ra chất lượng sản phẩm tốt, nên vẫn thường gọi công nghệ này là sắt xốp.
Sau lễ khởi công vào tháng 7 năm 2010 (ảnh trên), đến nay dự án phôi thép Kobelco của Tập đoàn Kobel Steel vẫn chỉ là khu đất trống (ảnh dưới)
Tuy nhiên, trong con mắt nhiều người dân Nghệ An hôm nay, niềm hi vọng vào Kobelco đã trở thành nỗi thất vọng. Hơn sáu năm qua, dự án này vẫn chưa hề được triển khai xây dựng. Khu đất dành để xây dựng nhà máy tại khu công nghiệp Đông Hồi thuộc thị xã Hoàng Mai nay vẫn chỉ là một bãi đất bỏ không được người dân dùng làm nơi thả bò.
Khi được hỏi về khả năng dự án khi nào sẽ được triển khai, một đại diện Ban quản lý khu các công nghiệp Nghệ An cho biết vẫn không thể trả lời chắc chắn được. Theo đại diện này thì chính quyền tỉnh luôn muốn các dự án đầu tư được triển khai sớm, đặc biệt là dự án Kobelco. Mặc dù vậy thì dự án vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” chưa gỡ bỏ được.
Nếu nói về khả năng tài chính thì có lẽ không phải là vấn đề với Kobel Steel, bởi đây không chỉ là một trong những tập đoàn thép lớn nhất Nhật Bản mà còn là lớn nhất thế giới. Hơn nữa, trong những năm gần đây, Kobel Steel vẫn khởi công xây dựng những dự án sản xuất ở nhiều nơi trên thế giới như ở Ấn Độ. Và tất nhiên, khi đã là một tập đoàn lớn trên thế giới và được niêm yết trên sàn chứng khoán, mọi quyết định đầu tư được đưa ra đều được xem xét nghiêm túc.
Bản thân đại diện của Kobel Steel tại Việt Nam hay đại diện của các cơ quan chính phủ Nhật Bản trong những năm qua cũng từng nhiều lần thúc giục phía Việt Nam gỡ những vướng mắc để dự án trên sớm được triển khai.
“Điểm nghẽn” mỏ Thạch Khê
Vậy điều gì khiến một tập đoàn lớn của Nhật Bản quyết định đầu tư vào Việt Nam suốt sáu năm qua nhưng vẫn không thực hiện được? Câu trả lời lại nằm ở một dự án khác, đó là dự án khai thác mỏ quặng sắt Thạch Khê ở Hà Tĩnh.
Trong thông báo khi mới nhận được giấy chứng nhận đầu tư năm 2010, Kobel Steel đã nói rõ nguyên liệu để cho nhà máy Kobelco tại Nghệ An hoạt động sẽ được lấy từ mỏ sắt Thạch Khê, mỏ quặng sắt có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á. Tuy hàm lượng sắt ở quặng khai thác từ mỏ Thạch Khê ở mức cao nhưng cũng lẫn nhiều tạp chất khác, khiến cho việc tinh chế quặng sẽ khó khăn hơn. Nhưng Kobel Steel tự tin rằng công nghệ ITmk3® của tập đoàn sẽ giải quyết được vấn đề đó.
Vào thời điểm Kobel Steel đầu tư vào Nghệ An, dự án mỏ sắt Thạch Khê đã được hình thành từ lâu, thậm chí một liên doanh gồm chín DN trong nước do Vinacomin dẫn đầu đã được thành lập để làm chủ đầu tư dự án này. Có lẽ vì cho rằng dự án khai mỏ sẽ sớm được thực hiện và nhà máy sẽ có nguồn nguyên liệu, nên Kobel Steel đã quyết định đầu tư vào Nghệ An thời điểm đó.
Tuy nhiên, điều không may đã xảy ra là do bất đồng về chuyện góp vốn nên cho đến nay dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê vẫn chưa được thực hiện. Năm ngoái Cty CP Sắt Thạch Khê, chủ đầu tư của dự án mỏ sắt, đã phải tổ chức ự kiện huy động vốn đầu tư để triển khai dự án nhưng vẫn không thành công. Một phần có lẽ cũng vì sự biến động của thị trường quặng sắt thế giới và thị trường thép do tình trạng thừa cung ở Trung Quốc.
Quá sốt ruột với dự án Thạch Khê, Kobel Steel đã trực tiếp xin phép Chính phủ cho góp vốn vào dự án này để đẩy nhanh tiến độ và được chấp thuận từ năm 2013. Nhưng không hiểu vì lý do gì cho đến nay quá trình tham gia của Kobel Steel vào Thạch Khê vẫn chưa hoàn tất.
Và nếu như dự án mỏ Thạch Khê sẽ tiếp tục bị chậm thì thời điểm để Kobel Steel khởi công xây dựng dự án Kobelco sẽ vẫn còn mờ mịt. Rồi liệu có một lúc nào đó Kobel Steel sẽ cảm thấy mất kiên nhẫn hoặc thấy dự án không còn khả thi nữa do biến động thị trường mà rút khỏi Việt Nam như Tata Steel của Ấn Độ đã từng làm ở Vũng Áng?
Đại diện của Ban quản lý các KCN Nghệ An cho biết tỉnh hoàn toàn không muốn điều đó xảy ra và muốn tạo điều kiện tốt cho nhà đầu tư, nhưng điểm nghẽn của dự án thì lại nằm quá xa tầm với. Như vậy, giấc mơ có một nhà máy phôi thép hiện đại ở Nghệ An vẫn sẽ còn kéo dài.

Những dự án FDI “đắp chiếu” (Kỳ 4): Dự án điện gió Phước Nam-Enfinity... “bay theo gió”?

ENTERNEWS.VN (DĐDN) - Dự án điện gió Phước Nam-Enfinity của nhà đầu tư Bỉ Enfinity có tổng vốn đầu tư 5.200 tỷ đồng tại Ninh Thuận đang có nguy cơ “bay theo gió”

(DĐDN) - Dự án điện gió Phước Nam-Enfinity của nhà đầu tư Bỉ Enfinity có tổng vốn đầu tư 5.200 tỷ đồng tại Ninh Thuận đang có nguy cơ “bay theo gió”

Dù đã nhiều lần gia hạn và giãn tiến độ đầu tư nhưng có lẽ UBND tỉnh Ninh Thuận khó có thể chờ đợi khi đã đưa ra “tối hậu thư” cho sự tồn tại của dự án này.
hau1 copyNgày 17/5/2016, sốt ruột về tình hình triển khai dự án, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận đã làm việc với Cty TNHH MTV Enfinity Ninh Thuận nghe báo cáo tình hình triển khai Dự án Nhà máy điện dùng năng lượng tái tạo Phước Nam - Enfinity - Ninh Thuận.
Liên tục trễ hẹn
Giữa tháng bảy vừa qua, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có cuộc họp với Cty Enfinity Ninh Thuận thuộc tập đoàn Enfinity của Bỉ về tiến độ dự án điện gió Phước Nam – Enfinity. Đây là lần thứ hai trong vòng hai tháng, chính quyền địa phương phải tổ chức cuộc họp với nhà đầu tư để thúc đẩy tiến độ dự án điện gió này. Cuộc họp trước đó diễn ra vào ngày 17/5/2016.
Sự chậm trễ của tập đoàn Enfinity trong việc triển khai dự án điện gió này dường như đã khiến chính quyền địa phương tỏ ra sốt ruột và mất dần kiên nhẫn. Trong văn bản gửi đến nhà đầu tư mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu Enfinity phải báo cáo tiến độ triển khai dự án, hồ sơ thiết kế dự án và chứng minh năng lực tài chính. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng phải ký quỹ đặt cọc đầu tư và cam kết tiến độ cụ thể để thực hiện dự án. Tất cả những việc đó sẽ phải hoàn tất trong tháng tám.
Đây có thể coi là cơ hội cuối cùng để Enfinity khi mà chính quyền địa phương đang tỏ ra rất cương quyết. Ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, trong văn bản gửi nhà đầu tư đã nhấn mạnh rằng chủ đầu tư phải khẩn trương thực hiện dự án, đảm bảo khởi công dự án trong tháng 12/2016. Đồng thời cũng cho biết Enfinity đã vi phạm nghiêm trọng các cam kết về đầu tư.
Được cấp phép từ tháng 3/2011, Phước Nam-Enfinity là một trong những dự án điện gió đầu tiên có quy mô lớn được cấp phép ở Việt Nam nói chung và ở Ninh Thuận nói riêng – nơi có tiềm năng lớn nhất cả nước về phát triển điện gió.
Theo giấy chứng nhận đầu tư, dự án này có tổng vốn đầu tư là 5.200 tỷ đồng, tương đương 236 triệu USD và công suất dự kiến là 124,5 MW. Vào thời điểm được cấp phép, Enfinity cam kết sẽ đưa dự án vào hoạt động trong tháng 12/2012, gần hai năm sau khi nhận giấy chứng nhận đầu tư.
Nhưng cho tới thời điểm này, Phước Nam-Enfinity vẫn chỉ là dự án điện gió tồn tại trên giấy. Chủ đầu tư thậm chí còn chưa hoàn tất xong những thủ tục cần thiết như sơ đồ mặt bằng tổng thể, thiết kế cơ sở của dự án, hợp đồng mua bán điện, giải phóng mặt bằng và ký quỹ đầu tư.
Chính vì vậy, năm 2014, UBND tỉnh Ninh Thuận đã đưa ra lời cảnh báo và thời hạn thực hiện và Enfinity đã xin gia hạn đến tháng 12/2016 dự án sẽ hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động. Đề nghị gia hạn đã được tỉnh chấp thuận, nhưng nay đã là cuối tháng 8/2016 và dự án vẫn chưa được triển khai.
Cũng cần nhắc lại rằng khi đề xuất đầu tư vào Ninh Thuận, Enfinity còn đề xuất được đầu tư một dự án điện mặt trời đi kèm, với tổng vốn đầu tư cũng vào khoảng hơn 200 triệu USD và diện tích đất tương tự như dự án điện gió. Rất may là dự án trên đã không được cấp phép.
“UBND tỉnh luôn ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư triển khai dự án trên địa bàn tỉnh, nhưng cũng kiên quyết xử lý theo quy định đối với các dự án vi phạm tiến độ triển khai thực hiện dự án,”văn bản của tỉnh nêu rõ.
Chủ đầu tư đợi giá điện tăng?
Việc tập đoàn Enfinity liên tục đưa ra cam kết về tiến độ rồi lại phá vỡ cam kết đặt ra nhiều câu hỏi về lý do đằng sau đó là gì. Vì khi nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án, Enfinity đã tỏ ra khá sốt sắng. Nhưng suốt 5 năm qua dự án không hề được triển khai có phải do năng lực tài chính của chủ đầu tư yếu?
Trong cuộc họp mới đây giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương, UBND tỉnh Ninh Thuận đã buộc nhà đầu tư phải chứng minh năng lực tài chính, dù điều này nhà đầu tư đã phải làm trước đó, đã cho thấy chính các nhà lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cũng đang nghi ngờ về năng lực tài chính của nhà đầu tư này.
Tuy vậy, năng lực tài chính chưa hẳn đã là nguyên nhân chính vì tập đoàn Enfinity trong thời gian qua đã triển khai nhiều dự án điện gió và điện mặt trời khác ở Bỉ, Indonesia hay Philippines. Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực điện gió thì một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án điện gió bị chậm hiện nay là do giá bán điện chưa hấp dẫn.
Hiện tại cả nước hiện chỉ có ba dự án điện gió đang hoạt động ở Bình Thuận và Bạc Liêu. Còn các dự án đã được cấp phép chưa thể khởi công hoặc triển khai cầm chừng do không vay được vốn - Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội điện gió Bình Thuận cho biết. Theo quy định của Chính phủ được ban hành năm 2011, các dự án điện gió nối lưới điện quốc gia sẽ có giá bán khoảng 7,8 USCent/kWh kèm theo một số ưu đãi về thuế...
Nhưng dù vì lý do gì đi nữa, việc một dự án đầu tư được cấp 553 ha đất suốt 5 năm qua vẫn không triển khai đang gây nhiều khó khăn cho chính tỉnh Ninh Thuận. Vì vậy, việc tỉnh Ninh Thuận tỏ ra cương quyết với nhà đầu tư là điều cần thiết để đảm bảo dự án không còn nằm trong tình trạng “treo” kéo dài nữa.


Tìm kiếm Blog này