Chu Mộng Long – Nhân nói chuyện về phát ngôn của anh Nguyễn Xuân Bang: Giáo dục Việt Nam đang là một con điếm, anh Nguyễn Phượng chê trách về cách so sánh không chuẩn, mang định kiến về cái nghề bán trôn nuôi miệng vĩ đại của phụ nữ.
Hiển nhiên, nếu so sánh ấy xúc phạm đến thân phận của nhiều người thì phải xin lỗi. Liệu cách làm tiền của giáo dục: mở ngành, mở trường, mở chỉ tiêu và thu tiền loạn xạ bất chấp chất lượng, nhu cầu xã hội và công ăn việc làm của người học có giống cách làm tiền của gái bán thân nuôi miệng không?
Bây giờ, nếu tra cứu kĩ về ngôn từ, tất cả chúng ta đang có một sự nhầm lẫn rất lâu và rất lớn, vì đã đồng nhất 2 từ khác nhau: ĐĨ và ĐIẾM.
1) ĐĨ là từ thuần Nôm. Nghĩa gốc là cái tam giác của mẹ chúng ta. Sau theo phép hoán dụ, thường được gọi cho người con gái. Đứa bé gái trong gia đình nông dân được gọi là Cái Đĩ, và người mẹ nó được gọi là Mẹ Đĩ. (Giống như con trai thì được gọi là Thằng Cu, và ông bố nó được gọi là Bố Cu)
Ở miền Trung, nhà lá mái có cái ô tam giác ở đầu 2 chái được gọi là KHU ĐĨ.
Đĩ trung tính, không hề mang nghĩa xấu, cũng không mang nghĩa mỉa mai, khinh miệt. Chẳng nhẽ dân gian phản cội nguồn đến mức khinh bỉ cái sinh ra mình và đang ở trên đầu mình? Thậm chí, trong dân gian, có khi Đĩ còn được dùng với nghĩa Đẹp: người con gái biết làm đẹp gọi là Gái đĩ, đôi mắt đa tình gọi là đôi mắt đĩ. Trường hợp này ĐĨ đồng nghĩa với ĐẸP. Người quê Quảng Trị nói: O ni mần đĩ chi tề là khen cái cô này đẹp dữ hè!
Do từ Đĩ nghĩa gốc là cái tam giác nên những cô gái dùng cái tam giác của mình nuôi thân gọi là LÀM ĐĨ, tức nghề mãi dâm. Nghề này có từ thời thượng cổ, có thể xếp vào nghề cổ truyền, có làng nghề hẳn hoi. Theo Engels, nghề này xuất hiện từ thời kì phụ quyền, khi đàn ông xem đàn bà chỉ là đối tượng tình dục.
Nếu đối chiếu với từ Hán, thì Gái ĐĨ tương đương với KĨ NỮ. Kĩ nữ là người con gái tài sắc sống nhờ chuyện trăng hoa. KĨ VIỆN xuất hiện khi nghề đĩ và làng nghề đĩ được đô thị hóa và được đào tạo bài bản “vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề” (Nguyễn Du), giống như HỌC VIỆN bây giờ vậy, he he. Nước Tề cường thịnh và làm bá chủ thời Đông Chu là nhờ kế sách của Quản Trọng biến nghề này thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xét đến cùng, Đĩ hay Kĩ nữ không phải là ĐIẾM. Vì nó là Cái Đẹp, Cái của Quý, Cái Yêu: Chúa giấu vua yêu một cái này! (Hồ Xuân Hương).
2) ĐIẾM là từ gốc Hán rành rành. ĐIẾM (玷) nghĩa gốc là ngọc có tì, vết. Phàm cái gì khuyết điểm đều gọi là Điếm. Sau Điếm thường dùng mang nghĩa là lừa đảo. ĐIẾM NHỤC ( 玷辱): làm điều ô bẩn thanh danh.
Do định kiến giáo điều phong kiến, từ ngữ hoàn toàn bị lệch lạc trong quá trình sử dụng, nên mới có chuyện đồng nhất Đĩ và Điếm.
Vậy ra anh Nguyễn Xuân Bang dùng từ Điếm rất chuẩn: cách làm tiền của giáo dục hiện nay làm ô bẩn thanh danh nghề giáo, không hề xúc phạm ai ạ!
Từ nay, khi đã hiểu rõ ngôn từ, mong mọi người dùng cho chuẩn, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ạ. Ha ha…
Nguồn: Chumonglong