Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

Những dự án FDI “đắp chiếu” (II)

Những dự án FDI “đắp chiếu” (Kỳ 5): Chủ đầu tư dự án nhiệt điện Hải Dương có yếu năng lực tài chính?

ENTERNEWS.VN (DĐDN)- Dù đã tiến hành khởi công dự án vào đầu năm nay và trước đó được gia hạn nhiều lần nhưng Dự án nhiệt điện Hải Dương vẫn triển khai ì ạch, khiến Thủ tướng cũng phải đặt câu hỏi về năng lực của hai nhà đầu tư là Jaks Resources Berhad (Malaysia) và Tập đoàn Điện lực Trung Quốc.

(DĐDN)- Dù đã tiến hành khởi công dự án vào đầu năm nay và trước đó được gia hạn nhiều lần nhưng Dự án nhiệt điện Hải Dương vẫn triển khai ì ạch, khiến Thủ tướng cũng phải đặt câu hỏi về  năng lực của hai nhà đầu tư là Jaks Resources Berhad (Malaysia) và Tập đoàn Điện lực Trung Quốc.

nhiet dien HD copyViệc xây dựng một nhà máy điện có công suất 1.200 MW như nhiệt điện Hải Dương luôn nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ (Ảnh: phối cảnh của nhà máy)

Một trong những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc họp với tỉnh Hải Dương, được Văn phòng Chính phủ thông báo lại ngày 9 tháng Tám vừa qua, là yêu cầu Bộ Công thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đánh giá và báo cáo lại với Thủ tướng về năng lực của nhà đầu tư dự án nhiệt điện Hải Dương.
Chậm tiến độ 39 tháng
Có lẽ không sốt ruột cũng không được, vì theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, tiến độ xây dựng dự án đã chậm tới 39 tháng, tức là hơn ba năm so với kế hoạch ban đầu.
Dự án nhiệt điện Hải Dương được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cho Jaks Resources từ tháng 6 năm 2011, với tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Đây cũng là một trong hai dự án nhiệt điện được cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức Đầu tư – Xây dựng – Chuyển giao (BOT) đầu tiên sau hai dự án nhiệt điện Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3 được cấp phép cách đó cả một thập kỷ. Dự án được cấp phép cùng thời điểm với nhiệt điện Hải Dương là nhiệt điện Mông Dương 2 tại Quảng Ninh đã hoàn tất xây dựng và đi vào hoạt động từ cuối năm ngoái. Theo thiết kế, nhà máy điện sẽ bao gồm hai tổ máy 600 MW. Chủ đầu tư sẽ tiến hành xây dựng và khai thác nhà máy này trong thời hạn 25 năm theo hợp đồng BOT đã ký với Bộ Công Thương. Nhưng từ khi mới được cấp phép, Jaks Resources đã đối mặt với tình trạng khó khăn trong thu xếp nguồn tài chính.
Jaks Resources đã nhiều lần thông báo rằng 75% số vốn sẽ được huy động từ các tổ chức tín dụng, trong khi vốn tự có của nhà đầu tư sẽ là 25%. Nhưng ngay cả tỷ lệ 25% vốn tự có đó, Jaks Resources cũng khó thu xếp, buộc nhà đầu tư đến từ Malaysia phải tìm cách bán bớt cổ phần.
Hơn nữa, Jaks Resources là một tập đoàn chuyên về đầu tư hạ tầng và bất động sản tại Malaysia và chưa hề có bất kỳ kinh nghiệm nào trong lĩnh vực đầu tư và vận hành nhà máy điện trước đó, nên tập đoàn này cũng cần có một đối tác có kinh nghiệm tham gia cùng.
Trong suốt giai đoạn từ 2011 đến 2014, nhà đầu tư Malaysia đã hai lần công bố các cổ đông chiến lược sẽ cùng đầu tư vào dự án, nhưng cả hai lần đó đều thất bại, buộc chủ đầu tư phải liên tục xin gia hạn thu xếp tài chính mới. Phải đến lần thứ ba thì Jaks Resources mới bán thành công 50% cổ phần cho Tập đoàn Điện lực Trung Quốc, đồng thời cũng ký luôn hợp đồng tổng thầu xây lắp (EPC) với tập đoàn này.
Mọi việc tưởng chừng như đã suôn sẻ hơn khi liên doanh nhà đầu tư cùng làm lễ khởi công dự án cuối tháng Ba vừa qua, và thông báo sẽ đưa nhà máy vào hoạt động trong bốn năm nữa. Nhưng thông báo mới đây về ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, có vẻ như vấn đề về năng lực tài chính của hai nhà đầu tư này vẫn là một vấn đề lớn.
“Trát” đòi nợ của chính quyền Hải Dương
Câu hỏi về năng lực tài chính của nhà đầu tư càng lớn hơn nữa khi biết rằng Jaks Resources đã nợ UBND tỉnh Hải Dương hơn 6,7 tỷ đồng suốt hai năm qua mà không trả. Đây là khoản tiền tạm ứng ngân sách để giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm triển khai dự án.
Trước đó, năm 2013 chính quyền tỉnh Hải Dương cũng đã phải nhiều lần gửi văn bản đòi nhà đầu tư này hoàn trả 200 tỷ đồng khoản vay để tạm ứng bồi thường giải phóng mặt bằng. Số tiền tuy không lớn, so với tổng mức đầu tư 2 tỷ USD của dự án, nhưng Jaks Resources cũng đã nhiều lần xin khất và phải đến tận 7/2014 mới trả được.
Nhưng trả được 200 tỷ rồi, thì còn khoản nợ 6,7 tỷ đồng đó nhà đầu tư này cũng liên tục trây ì không rõ vì lý do. Tuy vậy, trong báo cáo gửi tới các cổ đông thông báo về việc bán cổ phần cho Tập đoàn Điện lực Trung Quốc, Jaks Resources cho biết tập đoàn này đã chi khoảng 50 triệu USD vào dự án.
Ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, cho biết đến nay nhà đầu tư đã trả hết số tiền nợ, sau khi tỉnh buộc phải trả trước 6/2016. Nhưng để đòi được số tiền đó cũng thấy chính quyền địa phương phải vất vả thế nào.
Ông Thái cũng khẳng định dự án đang ở tiến độ rất chậm và muốn nhà đầu tư phải có những động thái tích cực hơn. Nhưng liệu dự án nhiệt điện này có đi vào hoạt động trong bốn năm nữa như cam kết mới của chủ đầu tư hay không thì không ai dám chắc.
Ninh Kiều 

Những dự án FDI “đắp chiếu” (Kỳ 6): Dự án du lịch Hồ Tàu Voi 1,8 tỷ USD ở Hà Tĩnh sa lầy “ổ voi”

ENTERNEWS.VN (DĐDN) - Suốt sáu năm qua, trong khi chính quyền địa phương nói nhà đầu tư chậm tiến độ, nhà đầu tư lại nhiều lần đổ lỗi cho công tác giải phóng mặt bằng quá chậm khiến dự án khu du lịch sinh thái Hồ Tàu Voi \"nhích\" như rùa bò.

(DĐDN) - Suốt sáu năm qua, trong khi chính quyền địa phương nói nhà đầu tư chậm tiến độ, nhà đầu tư lại nhiều lần đổ lỗi cho công tác giải phóng mặt bằng quá chậm.

Cách đây đúng sáu năm, Polaris KTY Việt Nam – Cty có vốn góp từ tám cổ đông tại Đài Loan – đã tiến hành khởi công xây dựng dự án khu du lịch sinh thái Hồ Tàu Voi tại khu kinh tế Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Với tổng vốn đầu tư lên tới 1,8 tỷ USD, đây là dự án đầu tư nước ngoài lớn thứ hai tại khu kinh tế này, sau dự án khu liên hợp cảng nước sâu và nhà máy thép của Tập đoàn Formosa.
ho tau voi2 copyKhởi công từ tháng 8/2010 nhưng đến nay Dự án du lịch hồ Tàu Voi vẫn chưa hoàn tất việc giao đất.
“Voi” chạy như... rùa
Theo kế hoạch của Polaris, dự án này sẽ bao gồm khu công viên giải trí, các khách sạn từ 2 sao đến 5 sao, khu chung cư và khu biệt thự cao cấp. Nếu như được xây dựng hoàn thiện, khu du lịch sinh thái Hồ Tàu Voi sẽ là sự bổ sung khá hoàn hảo nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng và sinh sống cho sự phát triển của khu kinh tế Vũng Áng, đặc biệt là khi dự án Formosa đi vào hoạt động.
Bài liên quan:
Kế hoạch hoành tráng là vậy, thế nhưng cho đến nay Polaris mới chỉ triển khai được lác đác vài hạng mục đầu tư. Thông tin từ Ban Quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh cho biết nhà đầu tư đã hoàn thành xây dựng một khách sạn 2 sao, một tòa nhà cao 18 tầng và một phần nhỏ khu biệt thự. Ngoài ra, một nông trang trồng rau và chăn nuôi gà cũng đã hoàn thiện và đi vào hoạt động.
Nếu so với nhiều dự án đầu tư khác cũng đang chậm tiến độ trên cả nước, những gì mà Polaris đã làm cũng đã khá hơn rất nhiều rồi. Nhưng một lãnh đạo của Ban Quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh cho biết “tiến độ dự án vẫn rất chậm và gần như chưa làm được gì nhiều so với quy mô cam kết ban đầu”.
Theo cam kết ban đầu thì đến cuối năm nay, các hạng mục như khách sạn 5 sao hay công viên giải trí và khu biệt thự cao cấp đều phải hoàn thành. Vì tiến độ chậm như vậy, nên UBND tỉnh cũng đã từng tính đến chuyện phải chấm dứt dự án này.
Khi trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Quốc Hà – Chủ tịch thị xã Kỳ Anh – cũng xác nhận rằng chủ đầu tư có bắt tay vào thực hiện dự án, “nhưng tiến độ chưa đạt yêu cầu”. “Chúng tôi cũng đã liên tục thúc giục nhà đầu tư nhanh chóng thực hiện cam kết, vì tiến độ hiện nay là quá chậm” - ông Hà chia sẻ.
Chưa biết Polaris sẽ triển khai dự án như thế nào trong thời gian tới, nhưng dường như nhà đầu tư này đã và đang sa lầy vào “ổ voi” giải phóng mặt bằng.
Nhà đầu tư chịu thiệt?
Theo phản ánh của Cty Polaris KTY Việt Nam, dự án này có 8 phân khu với tổng diện tích là 427 ha. Tuy nhiên, đến năm 2013, chủ đầu tư mới nhận được 50 ha đất để thực hiện dự án. Liên tục trong các năm 2012 và 2013, Polaris đã gửi công văn thúc giục chính quyền địa phương sớm giao mặt bằng dự án. Thậm chí cũng đồng ý ứng tiền trước để hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, cho đến nay, đây vẫn là vấn đề chính được nhà đầu tư viện vào để giải thích cho việc chậm tiến độ của mình. Điều này cũng được cả lãnh đạo Ban Quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh và ông Hà xác nhận.
“Một phần dự án bị chậm cũng là do mặt bằng được giải phóng chậm” - ông Hà nói. Theo ông Hà, thì hiện tại việc giải phóng mặt bằng đã tốt hơn so với thời điểm ba năm trước. Mặc dù vậy, ông không cho biết đã có bao nhiêu diện tích được giao cho chủ đầu tư.
Chính vì tiến độ chậm như vậy, nên dự án khu du lịch lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh này cũng chưa đóng góp được gì nhiều cho kinh tế của tỉnh.
Tất nhiên, chậm bàn giao mặt bằng thì việc xây đựng sẽ bị chậm lại, và kinh tế địa phương bị ảnh hưởng. Nhưng Polaris lại cho rằng nhà đầu tư mới bị thiệt nhiều hơn. Nguyên nhân nhà đầu tư đưa ra là giao mặt bằng chậm sẽ ảnh hưởng đến việc được hưởng các ưu đãi đầu tư, như tiền thuê đất, miễn giảm thuế thu nhập DN, các điều kiện ưu đãi với thuế nhập khẩu thiết bị mà một nhà đầu tư khi đầu tư vào khu kinh tế sẽ được hưởng. Hơn thế nữa, tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng sẽ tăng theo thời gian.
Trong các kiến nghị gửi lên UBND tỉnh Hà Tĩnh từ năm 2013, ông Lee Ming Ho – Tổng giám đốc của Polaris KTY Việt Nam – đã giải thích rằng với vốn đầu tư rất lớn, nên nhà đầu tư cần tới 30 năm để thu hồi vốn và theo tính toán, đến năm thứ 40 mới thu được lợi nhuận.
Nhà đầu tư đến từ Đài Loan còn cho rằng vì những lý do liên quan đến vấn đề giao đất và giấy chứng nhận đầu tư, Cty này đã bị thiệt 24 năm quyền lợi ưu đãi đầu tư. Do vậy, khi đó Polaris đã đề nghị chính quyền địa phương ký cam kết rằng, sau khi hết hạn đầu tư 50 năm, Cty này sẽ được gia hạn tiếp tục thuê đất và có các điều kiện ưu đãi tốt hơn.
Nếu không được bảo đảm hoặc gia hạn thời gian thuê đất thì thời gian kinh doanh của dự án sẽ bị rút ngắn chưa đến 40 năm, và nhà đầu tư khẳng định không thể thu hồi lại được vốn.
Đến thời điểm này, chưa biết Polaris sẽ triển khai dự án như thế nào trong thời gian tới, nhưng dường như nhà đầu tư này đã sa lầy vào “ổ voi” giải phóng mặt bằng trong quá trình đầu tư tại Việt Nam.
Kỳ 7: Vì sao dự án du lịch Paradise Vũng Tàu đình trệ suốt 25 năm vòng đời dự án?
Ninh Kiều

Những dự án FDI “đắp chiếu” (Kỳ 7): Dự án “Thiên đường” bế tắc suốt 25 năm sẽ hồi sinh?

ENTERNEWS.VN (DĐDN)- Dự án Paradise Vũng Tàu bế tắc trong việc tìm lối thoát suốt 25 năm rồi rơi vào tình trạng “chết yểu” cho đến tận lúc hết thời hạn hoạt động, do nhà đầu tư không đủ tiền để đầu tư tiếp.

(DĐDN)- Dự án Paradise Vũng Tàu bế tắc trong việc tìm lối thoát suốt 25 năm rồi rơi vào tình trạng “chết yểu” cho đến tận lúc hết thời hạn hoạt động, do nhà đầu tư không đủ tiền để đầu tư tiếp.

Đáng nói đây là một trong những khu du lịch có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam.
paradise-5628 copyDự án Paradise Vũng Tàu được Bộ KH - ĐT cấp phép năm 1991 với diện tích 220 ha tại khu vực Bãi Sau một trong những vị trí đẹp nhất của thành phố Vũng Tàu. Ảnh: Đức Thanh
“Thiên đường” vắng lặng
Cách đây ít ngày, Thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa Vũng Tàu đã ra thông báo về chủ trương lựa chọn chủ đầu tư mới cho dự án Paradise Vũng Tàu, một trong những dự án khu du lịch từng kỳ vọng nhất nhưng cũng mang lại thất vọng nhiều nhất cho chính quyền và nhân dân địa phương.
Dự án Paradise Vũng Tàu được Bộ KH - ĐT cấp phép năm 1991 cho liên doanh giữa Cty Du lịch quốc tế Vũng Tàu và Cty Paradise Development and Investment của Đài Loan với diện tích 220 ha tại khu vực Bãi Sau thuộc thành phố Vũng Tàu - một trong những vị trí đẹp nhất ở thành phố. Theo giấy phép đầu tư, Paradise Vũng Tàu có tổng vốn đầu tư hơn 97 triệu USD. Vào thời điểm cách đây 25 năm, đây là dự án du lịch có quy mô lớn nhất cả nước có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Bởi quy mô dự án lớn như vậy, chính quyền và người dân địa phương khi đó đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào dự án thiên đường nghỉ dưỡng này. Đối tác Việt Nam trong liên doanh là Cty Du lịch quốc tế Vũng Tàu thậm chí còn hi vọng sẽ thu được khoản lợi nhuận 50 triệu USD khi dự án hết hiệu lực sau 25 năm, mà không phải bỏ ra đồng vốn nào ngoài việc góp 25% giá trị sử dụng đất. Nhưng những kỳ vọng đó đã sớm bị dập tắt, và những gì mà dự án Paradise Vũng Tàu tạo ra trong suốt 25 năm qua đã khiến chính quyền địa phương cùng đối tác trong nước đau đầu tìm lối thoát mới.
Sau nhận được giấy phép đầu tư, chủ đầu tư đã xây dựng xong sân golf 27 lỗ, rộng 130 ha, và đưa vào hoạt động năm 1995. Ngoài ra, một số hạng mục khác như khu nhà rông, khu thể thao dưới nước và một khách sạn có quy mô 38 phòng – chưa bằng 1/10 quy mô khách sạn được cam kết, cũng được xây dựng. Đó là tất cả những gì nhà đầu tư làm được. Kể từ đó cho đến lúc dự án hết thời hạn hiệu lực theo giấy chứng nhận đầu tư là 2016, không có hạng mục nào được xây dựng thêm nữa.
Đầu tư èo uột và không có những dịch vụ hấp dẫn, Paradise Vũng Tàu đã trở thành một “thiên đường” vắng vẻ không hấp dẫn với khách du lịch, khiến cho chủ đầu tư rơi vào tình cảnh thua lỗ liên miên. Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nguyên nhân dẫn đến sự bế tắc của dự án này là do phía đối tác Đài Loan trong liên doanh không có đủ năng lực tài chính để đầu tư tiếp vào dự án nữa. Còn đối tác Việt Nam thì cũng không có vốn để tham gia thêm vào, vì vốn của phía Việt Nam chỉ là giá trị sử dụng đất.
Thực tế thì phía đối tác Đài Loan đã đề xuất tìm nhà đầu tư mới nhưng với điều kiện dự án phải được ra hạn lên 50 năm nhằm tăng tính khả thi cho việc kêu gọi vốn.
Liệu dự án có hồi sinh?
Thông báo của Thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu có thể hiểu là một câu trả lời dứt khoát sẽ không trao cho liên doanh giữa hai Cty Việt Nam và Đài Loan thêm một cơ hội nào nữa. Có lẽ các lãnh đạo tỉnh cũng đã mất niềm tin vào nhà đầu tư này. Họ đang tìm kiếm một nhà đầu tư mới để trao gửi niềm tin.
Tuy nhiên, điều kiện mà chính quyền địa phương đặt ra lần này cũng khá chặt chẽ. Thông báo cho biết một nhà đầu tư mới nếu muốn làm chủ khu đất vàng Paradise Vũng Tàu đó phải cam kết đầu tư ít nhất 2 tỷ USD. Ngoài ra, vốn chủ sở hữu phải đáp ứng tối thiểu 25% tổng vốn đầu tư dự án, tương đương ít nhất 500 triệu USD. Không những thế, nhà đầu tư chỉ có 3 năm để phát triển dự án Vũng Tàu Paradise và phải kết nối với cả khu Bàu Trũng.
Có thể nói, đây là điều kiện cũng khá cao với một nhà đầu tư. Và nếu nhìn quanh trong nước thì số nhà đầu tư có vốn chủ sở hữu ít nhất 500 triệu USD không nhiều. Có lẽ chính quyền địa phương đang muốn hướng tới những nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Lê Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở KH - ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết phần đất khu vực dự án được coi là “đất vàng” của thành phố Vũng Tàu, nên tỉnh xác định mục tiêu là kêu gọi được nhà đầu tư có đầy đủ tiềm lực tài chính và kinh nghiệm trong kinh doanh du lịch để khai thác hiệu quả.
Ninh Kiều

Những dự án FDI “đắp chiếu” (Kỳ 8): Phú Yên mong mỏi siêu dự án tỷ đô New City thành hiện thực

ENTERNEWS.VN (DĐDN) - Là dự án du lịch nghỉ dưỡng FDI có vốn cam kết lớn nhất Việt Nam, siêu dự án 4,3 tỷ USD New City tại Phú Yên đã phải giảm quy mô đầu tư xuống còn 1 tỷ USD và đổi chủ cách đây hai năm do khó khăn về tài chính.

(DĐDN) - Là dự án du lịch nghỉ dưỡng FDI có vốn cam kết lớn nhất Việt Nam, siêu dự án 4,3 tỷ USD New City tại Phú Yên đã phải giảm quy mô đầu tư xuống còn 1 tỷ USD và đổi chủ cách đây hai năm do khó khăn về tài chính.

Và dù dự án đã khởi công năm ngoái sau 7 năm nằm trên giấy, nhưng nay lại vấp phải một vướng mắc khác mà chưa biết khi nào việc xây dựng mới được thực hiện.
5 copyLễ động thổ dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp với vốn đầu tư 1 tỷ USD ngày 27/6/2015
Tháng 1/2008, UBND tỉnh Phú Yên đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty New City Properties Development đầu tư dự án khu du lịch liên hợp cao cấp Phú Yên, hay vẫn thường gọi là dự án New City với quy mô vốn cam kết 4,3 tỷ USD. Nếu xét về số vốn cam kết, New City lớn hơn cả khu du lịch Hồ Tràm Strip tại Bà Rịa – Vũng Tàu (4 tỷ USD).
Siêu dự án teo tóp
Khi đó, nhà đầu tư vẽ ra một kế hoạch hoành tráng xây dựng những khách sạn 5 sao, các nhà hàng sang trọng, những khu biệt thự và cả sân golf. Với một tỉnh miền trung nghèo vẫn dựa chủ yếu vào nông và ngư nghiệp, trong khi lại sở hữu những danh thắng nổi tiếng, những bãi biển đẹp hoang sơ, thì việc có một nhà đầu tư nước ngoài muốn xây dựng một khu nghỉ dưỡng sang trọng chính là điều mà Phú Yên luôn mong chờ. Chính vì vậy, dự án nhanh chóng nhận được sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo tỉnh, từ giải phóng mặt bằng tới việc xây dựng hạ tầng kết nối.
Thế nhưng trong suốt thời gian dài, nhiều lần hứa, nhiều lần lỗi hẹn dự án vẫn chỉ tồn tại trên giấy. Còn chính quyền tỉnh Phú Yên thì nhiều lần cảnh báo rút giấy phép, nhiều lần gia hạn, nhưng kết quả thu được vẫn chưa được gì.
Ông Trịnh Quang Bảo, Phó TGĐ của Cty Sao Việt – Cty sở hữu khu nghỉ dưỡng Sao Việt tại Phú Yên đồng thời cũng là một cổ đông trong dự án New City, từng chia sẻ rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã phá hỏng mọi kế hoạch huy động vốn cho dự án New City, khiến cho các nhà đầu tư không đủ vốn để phát triển dự án. Nhưng khi cuộc khủng hoảng tài chính qua rồi, thì nhiều nhà đầu tư lại tỏ ra thận trọng khi thấy rằng cơ sở hạ tầng giao thông kết nối Phú Yên với các điểm khác không được thuận lợi. Đó cũng là lý do vì sao Phú Yên sở hữu rất nhiều thắng cảnh quốc gia nhưng lại không thu hút khách du lịch.
Tới năm 2014, một Cty Hàn Quốc là Sun Rise Việt Nam bất ngờ mua lại 70% cổ phần của New City và xin điều chỉnh quy mô vốn đầu tư của dự án từ 4,3 tỷ USD xuống còn…1 tỷ USD, và giảm diện tích từ 565 ha còn 357,52 ha. Được hình thành trên cơ sở hợp tác giữa Tập đoàn Hyundai Telecom và Hwa Pyung Holdings (Hàn Quốc) và với sự tham gia của Sao Việt, Sun Rise được kỳ vọng sẽ mang lại sức sống mới cho dự án New City, vốn vẫn được UBND tỉnh Phú Yên xếp vào danh mục dự án quan trọng cần thúc đẩy.
Bài liên quan:
Theo cam kết của Sun Rise, dự án sẽ bao gồm sân golf, ba khách sạn 5 sao, một khách sạn 4 sao và các nhà hàng, khu biệt thự và các tòa nhà ven biển. Sau khi dự án được điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, ông Bảo chia sẻ rằng cả Sun Rise và Sao Việt đều muốn đây là một dự án sang trọng, có quy mô lớn thì mới có thể cạnh tranh được với những khu nghỉ dưỡng đã nổi danh ở dọc biển miền Trung. Sun Rise đã tiến hành khởi công dự án năm 2015 để tiến hành xây dựng một số hạng mục như sân golf, siêu thị, khu dịch vụ.
Lại chờ đợi
Nhưng, dự án được khởi công không có nghĩa là việc xây dựng dự án sẽ được tiến hành. Không may là New City nằm trong số những dự án đó. “Khởi công vậy thôi, cho đến nay chủ đầu tư vẫn chưa xây dựng gì. Có một số vướng mắc phát sinh cần phải giải quyết,” ông Nguyễn Chí Hiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, trao đổi với DĐDN.
Là người theo sát dự án này ngay từ giai đoạn đầu, khi ông còn làm Giám đốc Sở KH - ĐT tỉnh Phú Yên, ông Hiến cho biết đây là dự án tỉnh đặt rất nhiều kỳ vọng sẽ làm thay đổi ngành du lịch của tỉnh, tạo ra một cái nhìn khác về Phú Yên trong con mắt khách du lịch. Bởi cho tới nay, dọc cả bờ biển miền trung đó, chỉ còn Phú Yên là nơi duy nhất chưa có một khu nghỉ dưỡng sang trọng nào. Vướng mắc phát sinh mà ông Hiến nói lần này không nằm ở phía chủ đầu tư. Ông cho biết dự án sẽ phải làm lại quy hoạch và các thủ tục khác theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, vì đây là dự án ven biển nằm trong vùng vành đai an toàn biển. “Khi cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008, chưa có những quy định này, nay sẽ phải làm lại”, ông Hiến nói. Theo ông cho biết thì nhà đầu tư cũng đã đề xuất một số cơ chế đặc thù để triển khai dự án và đã được thông qua.
Một lãnh đạo của Sở KH - ĐT Phú Yên cho biết một phần cơ chế đặc thù đó là làm quy hoạch theo từng giai đoạn, “làm quy hoạch lại đến đâu, nhà đầu tư sẽ triển khai xây dựng tới đó”. Tuy nhiên, thực tế thì vị lãnh đạo này cho biết nhà đầu tư có vẻ nhưng lại không vội vàng cho lắm. “Tỉnh cũng đã giục liên tục nhà đầu tư phải triển khai, vì cơ chế đã được giải quyết xong rồi. Nhưng tới giờ cũng chưa nói trước được khi nào họ triển khai xây dựng”.
Kỳ 9: Dự án hóa dầu Long Sơn khó khởi công khi Qatar Petroleum International, một trong những cổ đông lớn đã rút khỏi dự án.
Ninh Kiều


Nguồn: Enternews

Tìm kiếm Blog này