Trận “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 là một trong những mốc son chói lọi của quân và dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc ở thế kỷ XX. Chiến thắng huy hoàng đó có lẽ vượt quá sức tưởng tượng của đa số người. Trong khi đó, công tác tuyên truyền toàn diện về chiến thắng lịch sử này chưa làm được bao nhiêu, nên nhiều người trong nhân dân và cán bộ ta đã không nắm được hết sự thật, hoặc chưa hiểu được thật rõ về sự kiện này. Thực tế ấy có phần do bí mật quân sự và đi sâu vào khoa học kỹ thuật phức tạp, mà ta chưa chú trọng vào tường trình cặn kẽ trên các phương tiện truyền thông đại chúng để làm rõ sự kiện một cách rộng rãi.
ten-lua-Sam-2
Bởi vậy, có những sự phán đoán, những nguồn tin lan truyền không đúng sự thật về chuyện “cải tiến tên lửa SAM2”, cho đó như là một bí quyết thắng lợi của Binh chủng tên lửa Phòng không trong chiến thắng B52, và nó đã được thể hiện ở một số bài viết đã in trên một vài tờ báo.

Vậy việc cải tiến tên lửa SAM2 ở Việt Nam như thế nào và sự thật về bí quyết hiệu quả chiến đấu rất cao của tên lửa phòng không ta đánh bại máy bay chiến lược B52 của Mỹ là gì?
Là một sĩ quan tên lửa phòng không đã học ở Học viện Phòng không Liên Xô trước đây và cũng may mắn được tham gia xây dựng và chiến đấu ở bộ đội tên lửa phòng không từ những ngày đầu tiên kết thúc chiến tranh, tôi xin được có đôi điều đóng góp để trả lời câu hỏi trên đây.
Trước hết, phải nói rằng chiến thắng của trận “Điện Biên Phủ trên không” được tạo nên bởi nhiều yếu tố. Nhưng đối với tên lửa phòng không của ta, đứng về góc độ chiến thuật và chiến đấu, đánh thắng được không quân Mỹ, đặc biệt là máy bay B52, theo tôi do hai yếu tố chính:
Một là, binh khí kỹ thuật tên lửa phòng không tuy hiện đại, nhưng qua thực tế chiến đấu ở Việt Nam đã được rút kinh nghiệm cải tiến nhiều lần, đối phó kịp thời với những thủ đoạn luôn thay đổi của không quân Mỹ.
Hai là, lòng dũng cảm, trí thông minh, sáng tạo của con người Việt Nam biểu hiện qua kỹ thuật thao tác chiến đấu điêu luyện, mưu trí của các chiến sĩ  trực tiếp đối đầu với máy bay Mỹ trước màn hiện sóng với nhiều tình huống phức tạp.
Tên lửa Đơvina của Liên Xô mà ta quen gọi là SAM2 (Surface to air missile type 2) được đưa vào Việt Nam đầu năm 1965. Đối với ta, đó là loại trang bị quân sự hiện đại nhất. Khả năng tiêu diệt máy bay ghi trong bảng bắn của điều lệnh chiến đấu có khu vực sát thương với cự ly tối đa 34 km, và độ cao cực đại 27-30 km. Cự ly và độ cao đó được sử dụng suốt quá trình chiến đấu đến mãi sau này.
Máy bay Mỹ trên chiến trường Việt Nam chưa loại nào có trần bay trên tầm đó. Ta đã sử dụng tên lửa này trên mọi địa hình rừng núi, đồng bằng, tham gia mọi loại hình chiến dịch, chiến đấu trong mọi thời tiết ngày đêm, đã bắn rơi 27 kiểu, loại máy bay của Mỹ có tầm bay từ thấp đến cao.
Chính loại tên lửa này của Liên Xô năm 1960 đã bắn rơi máy bay trinh sát chiến lược U2 của Mỹ ở độ cao 18 km. Ta cũng bắn rơi nhiều máy bay trinh sát Mỹ ở độ cao 18-20 km. Ngay trong tuần đầu ra quân, ngày 26-7-1965, một tiểu đoàn thuộc Đoàn tên lửa Sông Đà đã bắn rơi chiếc máy bay không người lái trinh sát tầm cao B.Q.M 34A trên bầu trời Hà Tây (cũ) ở độ cao 18 km, khi đó tên lửa chưa cải tiến gì.
Máy bay B52 hoạt động trên chiến trường Việt Nam kể cả khi tập kích vào Hà Nội, Hải Phòng cũng chỉ bay ở độ cao 9-12 km. Với độ cao đó của B52, tên lửa SAM2 có thừa sức bắn tới. Do đó, không cần thiết và thực tế ta chưa bao giờ đặt vấn đề cải tiến nâng tầm bắn tên lửa SAM2. Càng không có chuyện phi kỹ thuật buồn cười là: “Đã cải tiến ghép 2 quả tên lửa lại với nhau để nâng cao tầm bắn” như có người đã viết. Như vậy, không có chuyện bản thân bộ đội Tên lửa phòng không hoặc một nhà khoa học nào đã cải tiến để nâng cao tầm bắn của tên lửa phòng không SAM2.
Ở Việt Nam, cán bộ, chiến sĩ Tên lửa phòng không trong thực tế chiến đấu giáp mặt với máy bay Mỹ đã phát hiện những vấn đề cần cải tiến tên lửa SAM2: Cải tiến nhằm kịp thời đối phó với nhiều thủ đoạn luôn thay đổi của địch để bắn rơi chúng. Họ đã cùng với chuyên gia Liên Xô đề xuất những nội dung cải tiến ở những góc độ sau đây:
Trước hết là cải tiến để chống nhiễu vô tuyến do máy bay địch gây ra. Quan trọng nhất và trước hết là chống loại nhiễu gây ra cho dải tần số điều khiển đạn tên lửa, mà chiến sĩ ta thường gọi là  rãnh đạn. Bộ khí tài tên lửa có 2 dải tần số độc lập với nhau: dải tần số điều khiển đạn tên lửa và dải tần số để phát hiện và bám sát mục tiêu (rãnh mục tiêu).
Khi chưa được cải tiến, có một thời gian, đạn tên lửa ta phóng lên bị địch gây nhiễu làm mất điều khiển rơi xuống đất. Ta đã cải tiến loại trừ cơ bản loại nhiễu rãnh đạn, tên lửa điều khiển tốt để bắn rơi máy bay Mỹ.
Nhiễu vô tuyến và rãnh mục tiêu nói đơn giản là sóng điện từ làm biến dạng hoặc che lấp mục tiêu B52 gây nhiễu dải có điều chế phức tạp làm rối mắt trắc thủ, khiến họ không nhìn thấy tín hiệu mục tiêu trên màn hiện sóng. Tuy nhiên, sự cải tiến chỉ hạn chế được nhiễu và tạo thuận lợi cho kíp chiến đấu trong thao tác sử dụng chứ không loại trừ được nhiễu này. Ta khắc phục nó bằng sự khôn khéo trong cách đánh mà chiến sĩ tên lửa thường nói: “Vạch nhiễu tìm thù”, để tiêu diệt địch.
Chính bằng sự cải tiến và cách đánh khôn khéo “Vạch nhiễu tìm thù” này, tên lửa phòng không SAM2 của ta đã phát huy được hiệu quả cao nhất trong cuộc “đối mặt” với B52 của không lực Mỹ. Ngoài cải tiến chống nhiễu ra, còn có các nội dung cải tiến như:
- Cải tiến chế độ bắn thấp để đối phó với thủ đoạn máy bay địch bay rất thấp, tránh rađa tên lửa phát hiện. Cải tiến này khắc phục khi góc bắn rất thấp, nhưng đạn tên lửa không rơi xuống đất và nếu không trúng mục tiêu thì tự động nâng lên nổ trên cao không gây hại cho mặt đất. Cự ly diệt mục tiêu tối thiểu được rút ngắn, tức là bắn được gần hơn.
- Cải tiến đầu nổ đạn tên lửa, đối phó với máy bay cơ động, tốc độ cao tránh tên lửa. Đầu đạn có trọng lượng gấp đôi, khi nổ văng ra hàng chục ngàn mảnh, chụp vào mục tiêu ở góc độ thích hợp để diệt.
- Cải tiến thiết bị xác định phần tử phóng, để kíp chiến đấu xác định chính xác phần tử máy bay địch và quyết định phóng tên lửa với thời gian ngắn nhất. Máy bay địch không kịp đối phó cơ động hoặc phóng trả bằng tên lửa không đối đất.
Với tên lửa phòng không SAM2 ở Việt Nam chỉ có cải tiến những nội dung trên, xin nhắc lại là tuyệt nhiên không có cải tiến nâng cao tầm bắn và cũng không có cải tiến gì đặc biệt để đánh B52.
Cần nói thêm rằng, Quân chủng Phòng không - Không quân đã hết sức tranh thủ ý kiến các nhà khoa học, các viện nghiên cứu. Có kiều bào ta từ nước Anh gửi về tài liệu hiến kế đánh B52 ngày 20-9-1972 với tiêu đề: “Mìn trên không chống oanh tạc cơ B52”. Quân chủng rất trân trọng tất cả ý kiến đóng góp, có ý kiến được nghiên cứu sử dụng một phần, có ý kiến để tham khảo. Riêng nội lực bộ đội Tên lửa phòng không có nhiều sĩ quan chỉ huy, kỹ thuật được đào tạo, học tập tại các học viện quân sự của Liên Xô và có những kỹ sư, kỹ thuật viên giỏi, giàu kinh nghiệm thực tế về kỹ thuật và chiến đấu của tên lửa phòng không. Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh lúc ấy, ta chưa có thiết bị công nghệ cải tiến. Khi tiến hành cải tiến khí tài tên lửa, chúng ta đã được nhiều công trình sư và chuyên gia giỏi của Liên Xô tận tình giúp đỡ. Đa số các khối máy và linh kiện phụ tùng cải tiến được sản xuất từ đất nước Xôviết đưa sang.
Các đợt cải tiến được tổ chức rất chính quy. Công trường cải tiến được chọn nơi an toàn tránh máy bay địch và do ta tổ chức. Chuyên gia Liên Xô chủ trì về mặt kỹ thuật có sự tham gia trực tiếp của kỹ sư và kỹ thuật viên tên lửa Việt Nam.
Mọi chi tiết cải tiến đều được đăng ký cẩn mật, có chữ ký chịu trách nhiệm của người thực hiện. Tài liệu cải tiến được lưu giữ theo từng bộ khí tài và bảo mật ở cơ quan kỹ thuật đơn vị. Cán bộ, chiến sĩ có khí tài cải tiến phải được huấn luyện, nắm chắc nội dung cải tiến mới được sử dụng chiến đấu.
Tuy vậy, dù vũ khí, trang bị có hiện đại và được cải tiến đến đâu thì yếu tố hàng đầu để quyết định chiến thắng vẫn là con người. Đánh B52 khó nhất là địch gây nhiễu cực mạnh, chưa từng thấy. Nhưng các kíp chiến đấu rađa và tên lửa của ta dày dạn kinh nghiệm được huấn luyện hiệp đồng thuần thục, nên dù nhiễu nặng vẫn có thể phát hiện dải nhiễu B52 mờ mờ di chuyển theo quy luật vận động của máy bay, ẩn hiện lẩn trong hàng loạt các loại nhiễu quét ngang dọc đến lóa mắt. Qua cảm nhận rất tinh tế, nhạy bén của đôi tay, họ so sánh trong nhiều dải nhiễu ở các màn hiện sóng để bám sát vào đúng những dải nhiễu của một chiếc B52 gây ra bay trong cả tốp, để tiêu diệt khi chúng đang ẩn trong dải nhiễu điều chỉnh thu gọn. Trong một số trận, kíp chiến đấu đã biết khoét sâu chỗ yếu của B52. Nó to xác, cồng kềnh (nặng 200 tấn, dài hơn 49 m, sải cánh hơn 56 m, cao hơn 12 m), bề mặt phản xạ hiệu dụng sóng vô tuyến lớn, khi vào ném bom buộc phải bay thăng bằng ổn định, là nhược điểm cơ bản của nó.
B52 càng bay vào gần đài điều khiển, cường độ nhiễu càng tăng trên màn hiện sóng, đồng thời cường độ tín hiệu phản xạ của nó cũng càng tăng, nhưng tăng nhanh hơn cường độ nhiễu. Vì vậy khi B52 vào cự ly thích hợp, các trắc thủ tay quay đã điều chỉnh màn hiện sóng “nét nhất” rồi cùng với đôi mắt tinh tường của sĩ quan điều khiển và cả kíp trắc thủ, họ phát hiện được tín hiệu B52 trên nền nhiễu. Dù tín hiệu ấy rất mờ nhạt, các trắc thủ nhẹ nhàng lăn tay quay đưa đường tin vào đó, xác suất tiêu diệt sẽ cao, B52 phải rơi tại chỗ. 
Chính vì thế, tỷ lệ tiêu diệt B52 của ta trong trận “Điện Biên Phủ trên không” rất cao: 17% (34/193 B52 tham chiến), số B52 rơi tại chỗ do tên lửa phòng không bắn rơi đạt tỷ lệ trên 55% (16/29 chiếc do tên lửa bắn rơi).
Hiệu suất này chưa từng có trong lịch sử chiến tranh phòng không thế giới từ trước tới nay.
Trong buổi tiệc chiêu đãi mừng chiến thắng đầu năm 1973 tại Hà Nội, trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô Stupunhin trong lời chào mừng đã nói: “Tên lửa phòng không Liên Xô viện trợ cho Quân đội nhân dân Việt Nam đã trao đúng những bàn tay vàng của những con người thông minh, sáng tạo”.
Có được trận “Điện Biên Phủ trên không” lần nữa làm chấn động địa cầu này, đó là niềm tự hào lớn lao của cả dân tộc Việt Nam. Nhưng càng tự hào về chiến thắng, chúng ta càng phải trân trọng mọi hoạt động của sự kiện lịch sử, đúng với sự thật vốn có của nó.

Đại tá LÊ CỔ
Nguyên sĩ quan huấn luyện chiến đấu tên lửa phòng không,
Bộ tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân

(Lược trích trong sách 40 năm nhớ lại trận Điện Biên Phủ trên không, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 353-361)
Nguồn: Nxbctqg