Tim thông tin blog này:

Thứ Hai, 6 tháng 11, 2017

Người hùng Phan Lạc Tuyên & chuyện gia đình riêng tư

lam hồng nguyễn đã thêm 5 ảnh mới.
31 Tháng 10 lúc 23:27 ·

CUỘC TÌNH BI THẢM CỦA MỘT NGƯỜI ĐẢO CHÍNH

NHL – Hai cuộc đảo chính lớn, quan trọng hơn cả trong thời Việt Nam Cộng Hòa tình cờ đều diễn ra vào tháng 11. Sử sách, báo chí đã nói rất nhiều về đảo chính 1-11-1963, bởi nó gắn với cái chết bi thảm của Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ, ông cố vấn Ngô Đình Nhu, đồng thời cuộc binh biến đã chấm dứt giai đoạn đệ nhất Cộng Hòa. Cuộc đảo chính quan trọng thứ hai diễn ra sau 10 ngày của cùng tháng nhưng trước 3 năm. Nó rất ít khi được sách báo trong nước sau này đề cập. Phía người Việt quốc gia định cư ở nước ngoài nhắc đến nhiều hơn, nhưng có xu hướng lờ tịt vai trò của đại úy Phan Lạc Tuyên, một trong ba nhân vật chỉ huy đảo chính, dù trên thực tế, đây mới là người góp quân số đông nhất cho cơn binh biến bất thành. Lý do rất dễ hiểu: sau đảo chính, viên đại úy này là người duy nhất trong ba viên chỉ huy đảo chính đã ngả hẳn sang phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam. Thêm vào đó là bị kịch xảy ra giữa những người cùng một gia đình nhưng trái ngược nhau về lý tưởng, ý thức hệ và nhiều quan hệ phức tạp khác (mà tôi không muốn đề cập hay khơi lai)... Những người quốc gia cũ đã cố tình xem anh như người chưa từng cùng hàng ngũ của họ, cố tình nhìn mờ nhạt hoặc xóa tên anh khỏi một sự kiện đã thuộc về lịch sử.

Nhưng bài viết này không nhằm tranh cãi hay thanh minh chuyện đó...

*
* *
Phan Lạc Tuyên sinh năm 1928, giấy tờ ghi là 1930 . Ông là hậu duệ đời thứ 13 của họ Phan cự phách ở làng Hữu Bằng, Thạch Thất, Sơn Tây. Nguyên thủy, cụ tổ Phan Bảng của dòng họ này quê gốc ở xã Sơn Bằng, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông đậu tiến sĩ, được triều đình nhà Lê bổ ra làm Tổng Đốc Nam Định, sau chuyển sang Tổng đốc Sơn Tây, định cư lập họ tại đó . Năm 1951, đang học năm thứ 3 Trường Luật, Phan Lạc Tuyên được chính quyền Bảo Đại đưa vào danh sách đào tạo Sĩ quan trừ bị khoá I của Quân đội Quốc gia Việt Nam. Chung khoá sĩ quan với ông là một loạt tên tuổi sau này sẽ là những tướng lĩnh chóp bu của quân đội Việt Nam Cộng Hòa như Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Xuân Vinh, Nguyễn Đức Thắng, Bùi Đình Đạm, Nguyễn Bảo Trị, Chung Tấn Cang, Lê Nguyên Khang v.v…

Ở tuổi trên dưới 30, chính xác là vào cuối năm 1959, đại úy Phan Lạc Tuyên được Tổng thống Ngô Đình Diệm vời giữ chức Tiểu khu trưởng kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Bình Dương. Nhưng Tuyên từ chối. Thay vào đó, anh khoác lên mình bộ quân phục rằn ri nâu, đội bê rê nâu, trở thành Chỉ huy phó Liên đoàn Biệt động quân, một binh chủng con cưng của chế độ vừa mới thành lập. Chỉ huy trưởng của Liên đoàn lúc đó, cũng là đầu tiên, là Thiếu tá Lữ Đình Sơn

Mang nặng tinh thần dân tộc chủ nghĩa, ngay khi đang bước trên con đường công danh rộng thênh thang, Phan Lạc Tuyên đã nhận ra và lớn dần lên trong lòng những mối hoài nghi về lý tưởng, về cái gọi là chính nghĩa quốc gia, về đạo lý và tính hợp pháp của cái chế độ mà anh đang dốc lòng phục vụ.

Sau 5 năm kể từ ngày ông Ngô Đình Diệm về nước chấp chính, miền Nam Việt Nam vẫn chỉ là một xã hội ly loạn. Vết thương chia cắt của dân tộc ngày càng bị khoét sâu. Tất cả hàng hoá, nguyên nhiên liệu cần thiết cho việc xây dựng và phát triển xã hội đều phụ thuộc vào viện trợ Mỹ và nhập khẩu. Cả miền Nam chỉ có duy nhất một món hàng xuất khẩu, đó là… chủ nghĩa chống cộng cực đoan, với ông là một mối họa sẽ tàn phá dai dẳng.

Tâm trạng hoài nghi, sự chán ghét đối với chế độ độc tài đang thống trị miền Nam đã đẩy Phan Lạc Tuyên và một bộ phận sĩ quan trẻ trong quân lực Việt Nam cộng hoà ngả dần về phía hư vô chủ nghĩa. 0h ngày 11/11/1960, tại vị trí tiền đồn biên giới Việt Nam - Campuchia ở rừng Sa Mát, Tây Ninh, Đại úy Chỉ huy phó Phan Lạc Tuyên đã ra lệnh cho thuộc hạ bắt giữ Thiếu tá Chỉ huy trưởng Lữ Đình Sơn, giành quyền kiểm soát toàn bộ 12 đại đội của Liên đoàn Biệt động quân.

Chỉ để 2 đại đội ở lại tiếp tục làm nhiệm vụ (giống như lực lượng biên phòng ngày nay) ở biên giới, Phan Lạc Tuyên đã chỉ huy 10 đại đội Biệt động quân, 12 khẩu pháo từ Tây Ninh kéo về Sài Gòn cùng Đại tá Nguyễn Chánh Thi - Chỉ huy trưởng Lữ đoàn nhảy dù và Trung tá Vương Văn Đông, giảng viên Trường Đại học Quân sự tiến hành đảo chính Ngô Đình Diệm, một vị Tổng thống cũng có phần nào giống như anh, mang nặng tinh thần quốc gia dân tộc!

Về bản chất, cuộc đảo chính này chỉ là một cơn khủng hoảng cấu trúc và tinh thần của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, mở đầu cho hàng loạt cơn binh biến khác kéo dài đến tận hồi chung cuộc.Tuy cùng mưu cầu đại sự nhưng cả 3 kẻ khởi xướng và chỉ huy cuộc binh biến lại hoàn toàn không đồng nhất với nhau trong cả mục đích lẫn phương pháp.

Nguyễn Chánh Thi quá lỗ mãng, võ biền, chỉ muốn gây binh biến để loại bỏ, trừng trị một bộ phận mà ông ta ghét cay ghét đắng trong chính phủ và quân đội. Thi ghét Mỹ, không ưa Pháp, muốn loại trừ ông Diệm chủ yếu vì ghét cay ghét đắng vợ chồng ông bà Ngô Đình Nhu – Trần Lệ Xuân. Trong thâm tâm viên Đại tá vẫn kính trọng ông Diệm. Ông cũng thừa nhận bản thân đã nhận từ Tổng thống mà ông sắp chỉ huy lật đổ nhiều ân sủng . Ý thức chính trị của Thi rất mù mờ.

Vương Văn Đông, ngược lại, tuy không có lấy một người lính thuộc quyền làm thực lực nhưng lại chất chứa quá nhiều mưu mô và tham vọng chính trị. Ông ta đang thậm thụt đi lại với một đám những tay Phòng Nhì cũ như Quách Sến, Nhữ Đình Lan… đang lưu vong tại Cao Miên. Đầu óc thân Pháp của Đông vẫn còn nặng trịch, vẫn hão huyền tái lập ảnh hưởng chính trị của Pháp trên đất miền Nam. Không nắm quân, nhưng Vương Văn Đông mới thật sự là quân sư kiêm kiến trúc sư của cuộc đảo chính.

Phan Lạc Tuyên thừa nhiệt tình, thật tâm muốn chấm dứt quyền lực của một chế độ mà anh cho là độc tài, đã mục ruỗng. Song cho đến lúc khởi sự binh biến, Phan Lạc Tuyên cũng chưa hề hình dung sẽ thay chế độ định lật đổ bằng cái gì, ai sẽ là người khả dĩ lãnh đạo miền Nam thay Tổng thống Ngô Đình Diệm? Cũng như Nguyễn Chánh Thi, Phan Lạc Tuyên rất ghét - và sợ - Ngô Đình Nhu nhưng lại rất kính trọng, thậm chí tôn sùng Tổng thống Ngô Đình Diệm, người mà anh đang rắp ranh dự phần lật đổ.

Cả 3 kẻ lãnh đạo cuộc đảo chính đều không có chút ý thức nào trong phần việc phải làm để "chăm dân, trị quốc", nếu việc lật đổ anh em ông Ngô Đình Diệm giành được thắng lợi!

Lẽ ra cuộc binh biến chỉ nổ ra sau 0 giờ ngày 12/11/1960, chậm hơn so với thực tế một ngày. Nhưng vì không nắm quân trong tay, sợ mất vai trò sau khi đảo chính thành công, Vương Văn Đông đã cố tình phát động binh biến trước 24h, sau đó mới báo cho Nguyễn Chánh Thi biết, đặt kẻ đồng mưu trước việc đã rồi. Mục đích của Đông là tạo cơ hội để giành quyền bày binh khiển tướng, tự nâng cao vai trò cá nhân. Vì sự bị động này nên các đơn vị tham gia đảo chính đã triển khai hành động không đồng bộ. Mãi đến trưa ngày 11/11, mục tiêu quan trọng nhất là Dinh Gia Long vẫn chưa bị chiếm.

Bên trong hàng rào Dinh Gia Long, sức kháng cự của Liên binh phòng vệ Phủ Tổng thống do Đại tá Lê Quang Tung chỉ huy vẫn còn rất mạnh. Từ sân Bộ Tổng tham mưu, 12 khẩu pháo 105 ly của Phan Lạc Tuyên đã nhắm hướng Dinh Gia Long, lấy sẵn tọa độ, sẵn sàng trút lửa giã nát lực lượng phòng thủ trong Dinh nếu Nguyễn Chánh Thi ra lệnh.

Nhưng miệng lưỡi giảo hoạt của Vương Văn Đông đã thuyết phục được Thi bãi bỏ lệnh xạ kích vì "Tổng thống đã xin điều đình, ta phải tin". Thay vào đó, Thi và Đông quay sang chuẩn bị họp báo om sòm, tuyên ngôn lớn tiếng cùng Phan Quang Đán, Phan Khắc Sửu, linh mục Hồ Văn Vui… - đám chính khách salon xôi thịt.

Cơ hội bị bỏ lỡ. Bằng hệ thống điện đài cực mạnh trong Dinh Tổng thống, ông Diệm đã có thời gian liên lạc gọi các tướng lĩnh trung thành đưa quân về tiếp cứu.

Trong khi Thi, Đông, Tuyên tin tưởng vào lời hứa đầu hàng của Tổng thống Ngô Đình Diệm, vẫn loay hoay thương thuyết cả ngày trời với Võ Văn Hải, Bí thư riêng của ông Diệm về cách thức chuyển giao quyền lực tại Bộ Tổng tham mưu thì khuya 11/11, từ ba bề bốn bên, quân "cứu giá" đã ùn ùn kéo về Sài Gòn: Sư đoàn 7 của Tướng Huỳnh Văn Cao từ Biên Hoà vào, Sư đoàn 13 của Trần Thiện Khiêm từ Mỹ Tho lên, sư đoàn 5 của Đại tá Nguyễn Văn Thiệu từ Bảo Lộc kéo xuống…

Trong nội đô, một loạt đơn vị khác như Lữ đoàn Thiết giáp của Lê Nguyên Khang từ Gò Vấp, lực lượng Hải quân của Chung Tấn Cang ở bến Bạch Đằng cũng rục rịch tấn công vào ngang sườn quân đảo chính.

Hành sự như một tay tập sự, Nguyễn Chánh Thi phạm thêm một sai lầm lớn nữa là không cho quân chiếm Đài Phát thanh Sài Gòn. 1 giờ chiều ngày 12/11, đài đã cho phát công khai lời hiệu triệu của chính ông Diệm kêu gọi các đơn vị đưa quân về Sài Gòn dẹp loạn.

Biết thất bại đã gần kề, Nguyễn Chánh Thi, Vương Quang Đông đã cho bắt Trung tướng Thái Quang Hoàng ném lên xe Jeep phóng ra phi trường Tân Sơn Nhất. Viên tướng Tư lệnh Biệt khu Thủ đô bị đám loạn quân đẩy lên một chiếc DC4 do Đại uý Phan Phụng Tiên cầm lái bay thẳng sang Nam Vang xin tị nạn chính trị.

Phan Lạc Tuyên ban đầu định liều mạng sống chết đánh luôn một trận cuối cùng. Một số sĩ quan thuộc quyền xúm vào can ngăn, khiến anh thay đổi ý định. Cùng với Trung úy Ân, Hạ sĩ Thúc và một người lính, viên đại uý dự mưu bất thành dùng xe Jeep rút về Tây Ninh. Tại cửa khẩu Sa Mát, anh đã đánh lừa đám quân canh gác cửa khẩu để cho Hạ sĩ Thúc có cơ hội bất ngờ tăng tốc tung gãy barie chắn đường, đưa chiếc xe Jeep có 4 tay đào tẩu ngồi trên vọt thẳng sang đất Cao Miên bắt đầu cuộc đời lưu vong.

Sau khi thẩm vấn, nhà chức trách Cao Miên đưa nhóm của Phan Lạc Tuyên về trại tỵ nạn Monivông ở Phnôm Pênh. Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông cũng ở trại này. Nhưng những mâu thuẫn sâu sắc trong quan điểm đã khiến ba kẻ dự mưu hầu như không liên lạc, thăm viếng gì nhau. Mỗi người trong số họ lại tiếp tục đeo đuổi những dự định riêng, những lựa chọn chính trị khác biệt. Trong thời gian ở trại, Nguyễn Chánh Thi đã không tiếc lời chửi mắng vương Văn Đông là 'kẻ cơ hội, ba que xỏ lá, lừa đảo và háo danh"!

Nắm được tâm tư, nguyện vọng của cựu Đại úy Phan Lạc Tuyên và một số cộng sự xuất thân Biệt Động quân, lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam (vừa thành lập) đã bí mật liên lạc, lôi kéo thành phần dân tộc chủ nghĩa trong nhóm đảo chính lưu vong về phía Cách mạng. Một cuộc gặp gỡ bí mật đã diễn ra tại toà soạn Báo Trung Lập (một tờ báo do MTDTGPMN thành lập) tại số 380 đường Mônivông. Tại đây, Phan Lạc Tuyên được ông Trần Văn Kiêm (chủ bút), ông Hai Lý (đại diện Ban Binh vận TW Cục miền Nam) và anh Nguyễn Thế Thịnh (công nhân in, sau này công tác ở báo SGGP) tiếp đón. Sau buổi tiếp xúc, Phan Lạc Tuyên đã nhận lời giữ liên lạc với Ban Binh vận Trung ương Cục.

Ít lâu sau, phía Campuchia đã tách những người tỵ nạn thành 3 nhóm, ở 3 trại khác nhau, tuỳ theo thiên kiến chính trị của họ. Thông qua Sa Biêng, một lính gác người Miên gốc Việt, sách báo, tài liệu của MTDTGPMN đã được chuyển vào tận trại Stung Miênchay - nguyên là một chuồng ngựa cũ của Pháp - cho nhóm của Tuyên. Từ sự thuyết phục của anh, Trung úy Ân, Hạ sĩ Thúc, Trung úy Hồ Công Minh, Thiếu úy Thái Trần Trọng Nghĩa (nhà văn Thủy Thủ) và một số người khác đã đồng lòng cùng Tuyên theo về với Cách mạng.

Tháng 3/1962, tất cả những người tỵ nạn đều được phóng thích khỏi các trại, tự do tìm việc làm tại Phnôm Pênh, chỉ mỗi tháng một lần phải đến trình diện nhà chức trách địa phương. Nhờ vốn tiếng Pháp và khả năng viết báo, Phan Lạc Tuyên đã xin được một chân biên tập trong tờ La Depêche Du Cambogde do Châu Seng, Bộ trưởng Bộ Thông tin Campuchia sáng lập. Biết tính Phan Lạc Tuyên, ông Bộ trưởng kiêm chủ bút nhắc: "Viết gì cũng được nhưng đừng quá khích, ông Diệm cho mật vụ sang ném lựu đạn vô toà soạn thì khốn".

Cũng nhờ sự giới thiệu của ông Châu Seng, ít lâu sau đó, Phan Lạc Tuyên đã được mời dạy môn Văn chương hiện đại Pháp tại Trường Lyssé Anna Kout do Hoàng thân Virya, cậu ruột của ông hoàng Shihanouk làm Hiệu trưởng. Sau nhiều biến động và sóng gió, mối tình êm đềm của Phan Lạc Tuyên đã nảy nở tại Trường trung học này. Tên nàng là Katherin Trinh Mây, thường gọi là Kathy, một nữ sinh năm cuối trung học.

Mẹ gốc Hoa lai Việt, bố là người Campuchia, hiện đang giữ chức Giám đốc Trung tâm Y tế Thủ đô Phnôm Pênh, Kathy thừa hưởng được cả nét duyên dáng của người mẹ lẫn sự thông minh, học thức của bố. Bản thân cô cũng thành thạo 5 ngôn ngữ: Việt, Anh, Hoa, Pháp, Miên. Nhan sắc, dòng dõi và học thức đã biến Kathy thành một tiểu thư quý phái, đài các, trở thành hoa khôi của Trường Anna Kout.

Xuất thân quý tộc, được cưng chiều và ưa mơ mộng, Kathy tỏ ra đặc biệt quan tâm đến mẫu người hùng sa cơ đầy lãng mạn như ông thầy Phan Lạc Tuyên của cô. Phần khác, vẻ lấp lánh của trí tuệ trong những trang văn chương lãng mạn Pháp mà anh say mê giảng cũng gieo vào lòng cô gái không ít những cơn mơ bay bổng. Tuyên sống một mình trong gác trọ. Thỉnh thoảng, Kathy lại mượn cớ nhờ anh giảng giúp một đoạn văn, chuyển ngữ giùm vài câu tiếng Pháp để tìm đến, giúp anh dọn dẹp, giặt giũ - những công việc mà ở nhà, cô đã có người giúp việc lo, chẳng bao giờ phải mó tay.

Như thể tình cờ, Kathy cũng thường xuất hiện đúng vào lúc ông thầy giáo vừa ra khỏi cửa nhà. Mỗi lần như thế, cô thường... nhường tay lái chiếc xe hơi riêng để "cho thầy đi nhờ" xe của cô đến trường. Thỉnh thoảng, cô lại mời anh về nhà ở số 17, đường Yukanthor để giới thiệu cùng cha mẹ.

Ông Giám đốc Trung tâm Y tế Thủ đô, bố của cô, vốn là người ghét ông Ngô Đình Diệm nên tỏ ra quý mến, thường tiếp đón Phan Lạc Tuyên hết sức nhiệt tình. Những cuộc đàm đạo bên bình trà tàu do Kathy pha mời giữa ông và anh thường kéo dài nhiều giờ, rất tâm đầu ý hợp. Nghe tin thầy giáo Phan Lạc Tuyên bị ốm, bà mẹ thường giục Kathy tự tay làm thức ăn, sau đó lại giục ông chồng Giám đốc đích thân lái xe đưa con gái đến tận gác trọ thăm nom chăm sóc ông thầy.

Trong những lần gặp gỡ ấy, Kathy đã được Tuyên bộc bạch ý nguyện muốn theo về với Cách mạng. Cô ngỏ ý sẵn sàng giã từ đời sống nhung lụa để theo anh tận cùng trời cuối đất. Không muốn, cũng không thể chối từ tấm lòng của người yêu, Phan Lạc Tuyên hết sức phân vân. Một phần rất lớn khiến anh do dự, đó là anh đã có vợ, có con đang sinh sống tại Sài Gòn. Kathy biết rõ nhưng điều đó không khiến cố lay chuyển tình cảm. Với thân phận một kẻ cầm đầu cuộc phản loạn lật đổ chế độ, cơ hội quay lại Sài Gòn đoàn tụ cùng vợ con của anh xem như đã hoàn toàn vô vọng. Anh phải là “người hùng” của riêng đời cô.

Tháng 7/1963, nhóm cựu Biệt động quân gồm Tuyên, Ân, Thúc, Minh nhận được chỉ thị của TW Cục miền Nam rời đất Cao Miên để về căn cứ. Sở Cảnh sát đặc biệt Nam Vang nghiêm cấm những người tỵ nạn tham gia hoạt động chính trị. Vì vậy, chuyến đi phải giữ bí mật tuyệt đối, kể cả với người thân. Đau đớn, Phan Lạc Tuyên đành im lặng dứt áo ra đi, không báo cho Katherin Trinh Mây biết. Kỷ niệm duy nhất về cô mà anh mang theo là một tấm ảnh Kathy chụp nghiêng, khuôn mặt sang và nụ cười trong trẻo nhưng dường như định mệnh cũng đã phớt nhẹ lên đó một chút u hoài.

Ra cứ rồi ra Bắc tham gia nhiều hoạt động vì hoà bình, đến năm 1971, Phan Lạc Tuyên được gửi sang Ba Lan học và bảo vệ luận án Tiến sĩ sử học. Sau 12 năm xa cách bặt tin, mãi đến tháng 8/1975, khi trở lại Việt Nam, Tiến sĩ Phan Lạc Tuyên mới biết được đôi chút thông tin về Kathy yêu dấu. Nhiều năm trời, cô vẫn thương nhớ và đợi chờ anh. Cô đã tốt nghiệp bác sĩ Y khoa tại Pháp, đã lấy chồng ở Pháp và có một con gái. Thông tin đầu tiên đến với anh chỉ có chừng đó. Sau này, bỏ khá nhiều thời gian tìm kiếm, sang tận thủ đô Phnôm Pênh tìm đến tận ngôi nhà cũ của Kathy, Phan Lạc Tuyên cũng tuyệt đối không nhận thêm được thông tin gì về cô.

Phải thêm 4 năm sau nữa, khi đã định cư lâu dài ở phường 18, Tân Bình, Tiến sĩ Phan Lạc Tuyên mới có đầy đủ thông tin về Katherin Trinh Mây. Một người chị của cô lấy chồng người Hoa, chuyển theo chồng sang Sài Gòn sinh sống. Tình cờ, có một người bà con bên chồng của người phụ nữ này cũng ở phường 18, Tân Bình. Bà này lại là người quen của Tiến sĩ Phan Lạc Tuyên

Từ thông tin của người này, Tiến sĩ Phan Lạc Tuyên đã bỏ thời gian tìm kiếm, cuối cùng đã gặp được người chị ruột của Kathy tại Gò Vấp. Suýt chút nữa, anh lại là người đến trễ: người chị của Kathy đã hoàn tất thủ tục, không lâu nữa sẽ cùng chồng sang Pháp định cư. Cuộc trò chuyện vội vàng giữa họ thường xuyên bị ngắt quãng bởi những tiếng nấc nghẹn đau xót. Thông tin về người yêu chỉ đến với Phan Lạc Tuyên đầy đủ khi tất cả đã thành thảm kịch.

Ngày anh rời đi, Katherin Trinh Mây đã ngồi lại một mình trong căn gác trọ và khóc rất lâu. Kathy không biết tại sao anh đi mà không lời từ giã, nhưng cô tin là anh có lý do, tin rằng tình cảm của anh sẽ không bao giờ thay đổi. Vì thế, cô đã im lặng nhặt nhạnh tất cả mọi thứ giấy tờ, khung ảnh mà anh để lại trong gác trọ đem về nâng niu cất giữ như những kỷ vật. Cô cứ một mực chờ anh quay lại, chờ mãi.

Tốt nghiệp Trung học, Kathy sang Pháp học Y khoa. Cô đã từ chối rất nhiều lời cầu hôn, rất nhiều tiếng tỏ tình để ôm mãi hy vọng sẽ gặp lại Phan Lạc Tuyên. Tháng 2/1965, Hội nghị Nhân dân Đông Dương được tổ chức tại Phnôm Pênh. Qua báo chí Pháp, Kathy mừng như bắt được vàng khi biết tin Phan Lạc Tuyên sẽ có mặt trong đoàn đại biểu của MTDTGP miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị. Gác chương trình học ở Pháp sang một bên, Kathy đã bay ngay về Phnôm Pênh tìm kiếm, chỉ mong được gặp lại người mà cô yêu dấu.

Không bắt được liên lạc, suốt một tháng trời diễn ra hội nghị, sáng nào Kathy cũng ôm một bó hoa tươi đứng chờ và ngóng tìm trước cổng khách sạn nơi có đoàn Việt Nam ở để đợi gặp anh. Nhưng, nguyên tắc bí mật được áp dụng triệt để. Ngoài chương trình nghị sự, các đại biểu Việt Nam tuyệt đối không được có thêm bất kỳ một cuộc tiếp xúc riêng nào khác. Hàng ngày, họ được xe đón tận sảnh khách sạn, đưa đến hội nghị, rồi lại đón trả về tận sảnh. Suốt cả tháng trời, họ vẫn luôn ở sát bên nhau mà vẫn lướt qua nhau không một phút trùng phùng, dù cả hai đều cháy bỏng nhớ nhung và khát khao gặp mặt.

Khi Kathy đã tốt nghiệp bác sĩ Y khoa thì Phan Lạc Tuyên, muộn màng hơn, vẫn đang long đong với Ba Lan tuyết trắng để trả nợ bút nghiên, không để lại được một chút tin tức. Vô vọng, Kathy đành găm chặt thương nhớ vào lòng để lập gia đình.

Tháng 4/1975, Khmer Đỏ tiến vào Phnôm Pênh. Gia đình Katherin Trinh Mây ngay lập tức bị biến thành những nạn nhân đầu tiên trong chủ trương cuồng sát, diệt chủng tàn bạo và ngu xuẩn. Bởi lẽ, tất cả mọi thành viên trong gia đình cô đều là trí thức, đều có bằng cấp cao, cả gia đình gồm toàn những người có tiếng tăm trong xã hội thượng lưu của Thủ đô Phnôm Pênh. Cả cô con gái bé nhỏ của Kathy cũng không tránh được cơn đại họa. Duy nhất chỉ có mỗi chị gái đầu của Kathy, vì theo chồng sang Việt Nam sinh sống, không thường xuyên có mặt ở Campuchia nên mới có cơ hội sống sót. Cô trở thành nhân chứng, phải sống để chứng kiến, để có cơ hội thuật lại với Phan Lạc Tuyên đoạn kết bi thảm của một cuộc tình.

Lúc đó, cuộc đời và chuỗi tháng năm chờ đợi của người đảo chính, Tiến sĩ Phan Lạc Tuyên đã về rất xa bên kia sườn dốc. Ông đã gần 50 tuổi!

Ngày 12-11- 2011, trùng ngày trùng tháng sau 51 năm kể từ phút đảo chính bất thành phải chạy sang Campuchia, TS Phan Lạc Tuyên bất ngờ đổ bệnh khi đang sống những ngày cuối đời tại chùa Diệu Pháp, Bình Thạnh. Ông mất sau đó chỉ đúng 1 ngày.

Đại úy Phan Lạc Tuyên năm 1960




Katherin Trinh Mây năm 1962


Cụ Phan Lạc Tuyên những ngày quy y dưỡng già tại chùa Diệu Pháp, Bình Thạnh.



NGUYỄN HỒNG LAM
______________________


Tham khảo thêm, không rõ độ xác thực câu chuyện dưới đây:

Bà Thu Khanh kể về Phan Lạc Tuyên

Cũng như Phan Lạc Giang Đông (tên thật, không phải bút hiệu), Phan Lạc Tuyên là một nhà thơ. Tâm hồn các nhà thơ thì thường phóng khoáng, rất đẹp. Nhưng riêng Phan Lạc Tuyên, không phóng khoáng, không đẹp. Chúng ta hãy nghe bà Thu Khanh, vợ của Phan Lạc Giang Đông, tức em dâu Phan Lạc Tuyên, nhà ở khu Ông Tạ, hiện nay đang ở bên Mỹ, thuật lại trên Internet những ngày đầu trở về của anh ruột chồng: “Vào tháng 8 năm 1975 - nghiã là sau 30/4/75 ít tháng thì người anh chồng tôi là Phan Lạc Tuyên trở về Sàigòn. Tuyên mặc quần áo bộ đội, đi dép râu, đội nón cối, vai đeo ba lô, tay dắt đứa con trai nhỏ 6 tuổi tên là Phan Đỗ Trí (con của vợ lấy ở ngoài Bắc).
Hôm đó bố chồng tôi đã được báo trước nên cụ ngồi ở nhà cả ngày để chờ. Quả thật làm cha mẹ ai mà không mừng rỡ khi con cái xa cách bao nhiêu năm nay trở về, nên tâm sự cha chồng tôi cũng thế. Cụ rưng rưng lệ, ôm lấy Phan Lạc Tuyên và ôm đứa cháu nội nay mới 6 tuổi. Kế đó là chú Tùng, người chú rể, nhà ở đối diện với cổng nhà tôi ở khu Ông Tạ. Chú nghe thấy tiếng reo mừng nên chạy qua, ôm lấy Phan Lạc Tuyên mà hôn thắm thiết vào hai bên má. Tôi rất ngạc nhiên vì chú hôn đúng mốt xã hội chủ nghiã chiếu trên ti vi gần đây. Hiện chú đang được làm tổ trưởng dân phố.
Sau khi hàn huyên và dẫn Tuyên đi thăm Bà trẻ (vợ kế của bố chồng tôi) ở Vuờn Xoài, có cửa tiệm buôn bán vàng bạc, và thăm một ông chú cũng ở Ông Tạ, nhà cao cửa rộng, cũng có cửa tiệm buôn bán vàng bạc. Ăn cơm xong, bố chồng tôi bảo Phan Lạc Tuyên: “Đây là khu Công giáo, anh ở không được đâu, người ta ghét anh lắm. Anh đi với bố sang nhà chú Tư, bên ấy rộng rãi, sang trọng, có tiền có bạc, có người hầu hạ, bố con anh ăn uống đầy đủ và an ninh hơn”.
Phan Lạc Tuyên suy nghĩ một lát rồi đứng lên đeo ba lô và dẫn con đi theo ông cụ. Tới khoảng 10 giờ đêm bố chồng tôi mới trở về nhà, nét mặt cụ rất tươi vui…
Hơn một tháng tôi không gặp Phan Lạc Tuyên trở lại. Bỗng một hôm, sáng sớm Chủ nhật, tôi được con gái của Phan Lạc Tuyên đưa mẩu giấy, trong đó Phan Lạc Tuyên ghi: “Thím Giang, tôi mời thím đúng 9 giờ sáng nay phải đến nhà ông Tú Tài để có cuộc họp quan trọng. Thím phải đúng giờ và không được vắng mặt”.
Tôi rất ngạc nhiên nhưng cũng đến đúng giờ. Khi bước vào cửa, tôi được chỉ lên trên lầu. Cái lầu 3 của nhà ông Tú Tài (em ruột cụ Phan Vọng Húc, bố chồng tôi), có một chiếc bàn dài, kê ghế hai bên. Mọi người đã đông đủ, một bên là cụ Phan Vọng Húc, Bà trẻ, đến hai cô con gái Bà trẻ. Một bên là các con Phan Lạc Tuyên, gồm: Phan Thị Phương Lan, Phan Thị Bạch Tuyết, Phan Thị Hoài Hà, Phan Quốc Hùng. Có một chỗ trống ở đầu ghế dài này là chỗ giành cho tôi ngồi.
Hai đầu bàn thì chỉ có một cái ghế dựa trống. Còn Phan Lạc Tuyên đứng. Tôi buớc vào chỗ xong, quả thật tôi nín thở - Không hiểu điều gì sẽ xảy ra! Chắc chắn không phải là một cuộc họp mặt vui vẻ! Dăm bảy phút trôi qua mà sao nghe lâu và nặng nề quá! Phút chờ đợi đã tới. Ông Tú Tài đã từ lầu dưới đi lên, bước vào! Ông là chú của chồng tôi nên tôi chào: “Thưa chú!”, còn thì không ai chào cả!
Phan Lạc Tuyên tay kéo ghế dựa, chỉ ông Tu Tài: “Mời ông ngồi đây!” rồi lên tiếng ngay và nói liên tu: “Thưa ông Tú Tài! Tôi xin lỗi, ông và tôi trong xã hội mới không ngồi chung một chiếu. Ông chiếu khác, tôi chiếu khác. Do đó hôm nay, sau một tháng mười ngày tôi và hai con tôi ăn ở tại nhà ông là để xác định rõ ràng chúng ta không thể ngồi cùng một chiếu! Vở kịch của chúng ta đến đây đã chấm dứt. Nay, truớc sự hiện diện của bố tôi: cụ Phan Vọng Húc, mẹ kế tôi và thím Giang Đông, tôi tuyên bố trả lại tiền ăn một tháng mười ngày - đúng theo tiêu chuẩn xã hội chủ nghiĩ - là 15 kí gạo. Và tôi dọn ra khỏi nhà ông. Bạch Tuyết! Đem gạo ra đây trả cho ông Tú Tài!.
Ông Tú nhìn túi gạo để ngay trước mặt rồi nói: “Thưa bác Sếp (bố chồng tôi trước 1954 làm trưởng phòng Địa Chánh nên mọi người gọi là cụ Sếp) và thưa anh Tuyên, chú nghĩ anh về là chú mừng và nhất là anh lại đậu tiến sĩ về khoa khảo cổ, nên khi chú nghe tin bác Sếp và anh nói muốn tạm thời ở nhà chú thì chú mừng rỡ nhận lời ngay. Chú cũng có ý muốn gần anh để lúc rảnh sẽ trao đổi với anh đôi điều về sách vở, thơ phú. Nào ngờ vì lý do gì, anh giận chú mà bỏ đi đột ngột và trả chú 15 kí gạo thế này. Quả thật chú cũng chỉ thuê riêng một người để hầu hạ anh và hai cháu thôi chứ chú cũng biết trong xã hội mới đâu có quyền thuê người ở để hầu hạ mình như truớc.
Cách mạng về thì chú cũng chấp hành ngay mọi việc mà! Nay giá anh cho chú một cục đá khảo cổ để chú làm kỷ niệm chứ gạo thì tuy nhà ai cũng khó khăn nhưng chú còn lo được, còn cái tình chú cháu khó kiếm lại được! Chú hiểu thân phận chú không cùng một chiếu với anh thì dù nhà nước muốn xử thế nào chú cũng chấp nhận chứ không dám nhờ anh che chở. Kể cả các em đi cải tạo cũng phó mặc cho số trời! Chưa bao giờ chú nói nhờ vả hoặc xin xỏ anh một điều gì cả”.
Ông Tú Tài nói xong, Phan Lạc Tuyên tuyên bố: “Giải tán!”.- Tất cả mọi người ra về. Đấy là đoạn mở màn, bây giờ chúng ta xem một đoạn khác của bà Thu Khanh:
“Sau ngày đánh tư sản thì tới ngày cho kê khai nhà cửa, ai diện nào bị đi kinh tế mới, ai được hợp thức hoá nhà và cho chuyển hộ khẩu v.v...
Tôi ở chung hộ khẩu với gia đinh nhà chồng từ khi lấy Giang Đông. Nay Tuyên muốn tôi phải tách hộ khẩu vì không muốn có trong hộ khẩu vợ con của một thằng em là sĩ quan ngụy đang đi cải tạo. Tuyên mời bố chồng tôi ra làm việc. Đầu tiên, cụ được lệnh mở cái rương kê dưới gầm bàn thờ. Tuyên lục lọi trong đó, bắt được lá đơn cụ viết gửi cho cảnh sát quận Tân Bình với nội dung nhờ cảnh sát đưa chị Bùi Thị Nga vào Duỡng trí viện Biên Hoà vì chị bị tâm thần, cứ gọi tên các vị lãnh đạo quốc gia ra mà chửi.
Đọc đơn đó Tuyên đã nổi sùng nhưng vẫn lục tiếp và lôi ra tấm hình cụ Húc chụp chung với hai nguời Mỹ. Hai người này vốn là cố vấn Văn hóa, xin chụp chung vì cụ là nhà nghiên cứu, có tên trong ban Tu Thư và Dịch thuật, đã được Giải thưởng Văn học - Dịch thuật với cuốn sách cụ dịch có tên “Phan Trần trá hôn”. Và Tuyên tiếp tục lôi ra một cái hộp đựng huy chương với lá cờ Vàng của VNCH, hình của Phó tổng thống Trần Văn Hương đang bắt tay và trao giải thưởng. Rồi hết, không còn gì khác.
Tuyên mặt đỏ phừng phừng, chỉ vào mặt bố chồng tôi, la: “Ông là thằng phản động! Ông không xứng đáng vơi tôi một tí nào cả! Trong khi tôi đi kháng chiến thì ông ở nhà làm đơn cho cảnh sát bỏ tù vợ tôi - bỏ tù vợ một thằng Cộng sản! Đây là lá đơn chính chữ ông viết!”.
Cụ Húc phân bua: “Vợ anh điên thật nhưng bắt vào trại tâm thần thì ở nhà không ai đưa đi được. Vì người điên khoẻ lắm, thầy phải làm đơn để cảnh sát họ đưa đi. Đi chữa bệnh chứ có đi tù đâu!”.
Tuyên giơ tấm hình: “Cái này ông còn chối cãi được không? Ông liên lạc với CIA, chụp chung hình với CIA!”.
Cụ Húc giải thích: “Thầy đâu có làm gì với CIA! Họ là cơ quan Văn hoá”.
“Hừ! Văn Hoá! Ngành nào cũng là CIA hết! Này thì giải thưởng Văn Chương! Này thì huy chương! Này cờ quạt…”.
Tuyên ném các thứ xuống đất, lấy chân đi lên. Ông cụ lại nói gần như khóc: “Thôi anh à, dù sao thì thầy cũng chịu ơn của chính phủ miền Nam. Anh cho phép thầy nhặt lá cờ lên, thắp một nén nhang rồi thầy giao nhà cửa cho anh. Anh là con cả, trưởng tộc, thờ cúng tổ tiên kế thầy!”.
Cụ Húc lom khom nhặt lá cờ. Tuyên giật ngược lại dí xuống đất: “Để cho ông thắp nhang thôi!”.
Thắp nhang và vái mấy vái xong, cụ hốt hoảng ra về Cống Bà Xếp, ở với người vợ sau cùng là Bà Tu Cao với đứa con gái nhỏ tên là Hải, cưới sau ngày bà mẹ ruột chồng tôi mất để hầu hạ cụ.
Hai gian nhà cụ Húc được khoá trái lại, giao chìa khoá cho Tuyên. Tuyên đề trước cửa: “Cấm mở! Cấm bọn phản động tụ họp cúng giỗ, ăn nhậu!”.


x...
Phan Lạc Tuyên

Một tuần sau ông cụ đau. Tôi lên Cống Bà Xếp thăm. Cụ không dậy được. Tôi hỏi cụ: “Thầy có làm sổ gia đình không? Con sẽ hợp thức nhà và xin tách hộ khẩu”.
Cụ nói: “Thằng Tuyên nó không còn tính người. Hôm qua nó mời cậu lên và nó sai cô Tổng (em ruột cụ, cô của Giang Đông) nhổ nước miếng và chỉ vào mặt thầy, chửi: “Anh là đồ chó!”. Tại nó muốn thầy phải xác nhận phần nhà thầy cho con là của thầy rồi làm giấy tờ cho nó luôn, thầy trả lời thầy không thể làm như thế vì không có nhà con sẽ phải đi kinh tế mới. Lúc Giang Đông về cũng phải đi kinh tế mới theo con. Bởi vậy nên thằng Tuyên tức, bắt cô Tổng nhổ vào mặt và cửi thầy!”.
Tôi nói: “Cách đây ba bữa anh Tuyên cũng bảo con phải chửi thầy nhưng con không chửi. Con nói con là con nhà có giáo dục, hễ con mà chửi là bố mẹ con sẽ từ con ngay. Hơn nữa con là cô giáo, học trò ở khắp quanh đây, nếu con mất dạy như thế thì phụ huynh sẽ làm đơn đề nghị cho con nghỉ việc lập tức. Anh Tuyên bảo nếu vậy thì thằng Giang Đông cứ tiếp tục ở trong trại cải tạo. Ý anh ấy muốn thầy ghét con, không ký tên cho con nhà rồi anh ấy chiếm luôn”.
Ông cụ nói: “Thôi con cứ về lo sang tên và làm hộ khẩu mới đi. Thầy không cho nó chiếm căn nhà thầy cho con đâu”.
Bà Thu Khanh còn viết nhiều nữa nhưng thôi, bấy nhiêu đủ rồi, tôi không trích thêm. Điều tôi muốn kể với quý bạn là năm 2008, Phan Lạc Tuyên 80 tuổi, ông lấy một cô nghe nói là sinh viên, chưa đầy 30 tuổi. Còn hiện nay, 2010, ông 82 tuổi, đang “tu” trong chùa Diệu Giác ở phường 13 quận Gò Vấp, chỗ đường Nơ Trang Long giáp với đường Phan Văn Trị.
Quý bạn hỏi một ngìời 80 tuổi, có tài gì mà lấy được một cô chưa tới 30 tuổi? Được quá đi ấy chứ! Phan Lạc Tuyên có nhiều nhà, ông ta bán đi, có vài trăm cây vàng trong túi thì muốn lấy người bao nhiêu tuổi mà chả được! Chỉ có điều, nếu bị cô ta móc hết tiền thì… đi ở chùa!
Đoàn Dự ghi chép

Trích nguồn: Namuctuanbao

______________________


THƯ KHANH * VỀ PHAN LẠC TUYÊN

Ðám Tang Cụ Phan Vọng Húc - Bố Chồng Tôi

Tôi ghi lại đám tang cụ Phan Vọng Húc - Bố chồng tôi - tức là cụ là bố đẻ của Phan Lạc Tuyên và Phan Lạc Giang Đông .

Vào ngày 25 tháng 1 năm 1983 - Đúng một năm sau khi Phan Lạc Giang Đông đi cải tạo về !
Trong tình cảnh này Giang Đông đang là Cái Bị Rách ...tiền thì không có . Dù là có bà chị đang ở Seattle nhưng cũng thỉnh thoảng được dăm chục đô la có thấm vào đâu . Tinh thần thì căng thẳng Phan Lạc Tuyên bám xát để báo cáo !
Tuyên chỉ sợ Phan Lạc Giang Đông làm " cái gì " mà Tuyên không biết thì khi bị bắt rồi thì chính TUYÊN cũng có Lỗi với Đảng . Vì :
a- Tuyên làm công tác tình báo mà không theo dõi nổi ngay cả em ruột mình thì làm sao Nắm Được BọN VĂN NGHỆ SĨ MIỀN NAM đang như kiến vậy ? !
b - Thực bụng Tuyên chỉ muốn Giang Đông chết ở trong trại cải tạo ! Đúng như Tuyên đã báo cáo và đề nghị trại gia tăng mức độ cải tạo .
- Ôi chao - nó là sự MỤC TẬN XƯƠNG mục ra cho Giang Đông .

Khi cụ Húc tắt thở ở nhà bà vợ sau cùng là bà Tư Cao ở khu Cống Bà Xếp !
Trong tay không có tiền ! Cửa căn nhà thờ Tuyên khoá trái từ lâu !
Giang Đông chạy lên ông chú thứ nhất là ông Tham Liên - Ông là Kỹ Sư Kiểm Lâm Thời Pháp để cầu cứu và bàn bạc .
Ông Tham nói : Để cho mời chú Tư Tài và bà Trẻ ( Bà Vợ mà cụ Húc lấy từ khi còn trẻ ở Hải Dương - có 4 cô con gái đang ở Mỹ và 1 cô ở VN ! bà không có con trai- ông Tham , ông Tư đều có con ở Mỹ ) .
Tập trung tại nhà ông Tham :
Bàn Đám Tang ông cụ .
Ông Tham chủ toạ nói :
- Tôi hay chú Tư Tài chỉ là anh em còn Anh Tuyên + Anh Giang Đông và bà Trẻ mới là chủ yếu .
Mọi phí tổn chúng tôi có thể cho mượn từ A đến Z - Xong trả lại sau .
Anh Giang Đông là con thứ vậy tôi đề nghị cho người xuống nhà anh Tuyên ở Phường 17 mời anh ấy về .
Còn Bà Trẻ tuy không có con trai nhưng bà có 5 mặt con với ông Xếp Húc cũng là tình nghĩa lắm rồi thì bà là KẾ MẪU ghé vai với anh Tuyên và anh Giang Đông để lo cho ông cụ .
- Kết quả : a- Tuyên tránh mặt không về - người đưa tin về là TUYÊN ĐI CÔNG TÁC !
Bà Trẻ dãy nảy không nhận trách nhiệm nói :
Anh Giang Đông là con bà Cả = con của VỢ Cái Con Cột - còn tôi : Vợ bé con thêm nhất là ông cụ lại lấy thêm vợ nữa và có con rồi !
Tôi chỉ đi dự đám tang khi đưa ra chùa làm lễ hoặc về căn nhà chỗ thờ cúng tổ tiên còn nếu để trong nhà bà Tư Cao thì tôi không đến .
Từ 6 giờ tối ông cụ Tắt thở đến 9 giờ tối chưa xong bàn bạc !
Giang Đông năn nỉ bà Trẻ Ký Nợ Phụ còn mọi chuyện tang ma thì Giang Đông lo .
Bà Trẻ có uy tín về Tiền bạc vì con bà bốn cô con gái đang ở Mỹ thì Ông Tham Ông Tư Tài mới cho vay .
Bà Trẻ nghe ông Tham nói là : Chúng tôi chỉ biết bà là thay cho Bà Cả đã mất . Và từ nay anh Giang Đông phải gọi bằng Mợ chứ không được gọi bằng Dì Hai !
Giang Đông Vâng lời như tép và biên giấy nợ gấp để lấy tiền đi đặt nhà đòn !
Giấy ký nợ có hai người ký chịu trách nhiệm đó là chữ ký của Giang Đông và của bà Trần Thị Bột - ( mẹ Kế )
Chủ tang sẽ là Hai Người và chịu trách nhiệm chi trả .
Giang Đông quay cùng tôi và hai con tôi lên lo lau thi hài ông cụ và thay áo quần !
Con trai tôi , thằng thứ hai nó cũng bạo gan nó lau rửa cho ông . May mà áo rộng chứ không thỉ hơi cứng xỏ tay không nổi . Sau đó thức suốt đêm tại đây và mai đưa lên Chùa Vĩnh Nghiêm .
***Phan Lạc Tuyên không ló mặt và ngồi nhà họp với các con để " Coi thằng Giang Đông buôn bác xác ông Cụ - tin này do anh Quang làmgiáo viên bạn của Giang Đông và đệ tử của Tuyên - nhà Quang ở gần nhà Tuyên báo cho Giang Đông hay là Tuyên không ra mặt chứ không phải đi công tác ! ) .
Bà Mợ TRẺ lo thu và chi và Kết toán còn Giang đông lo khách khứa nhà đòn , nghĩa địa !!!và Liên Hệ Chùa Vĩnh Nghiêm để làm lễ tang ma cho - khách tới Viếng !
- Ngày đầu khách đông quá và học trò cùng thày cô ở các trường nữa !
- Ngày thứ hai thì Bà Trẻ thủ Qũy vui vẻ hơn vì có giấy báo là cô Phan Thị Đằng gửi 100 Đô La và Bốn cô con bà trẻ 200 đô nữa là tổng cộng có ba trăm đô la !
Cũng ngày này lúc 10 giờ sáng có Ông Mặc Đường Viện Trưởng Viện Khoa Học Xã Hội và Công Đoàn của Viện tới phúng một vòng hoa .
Ông Mặc Đường hỏi tôi :
Ai là chủ tang xin cho chúng tôi thắp nhang .
Tôi thưa : " Dạ thưa ông : anh Phan Lạc Giang Đông và bà Mẹ ! "
Ông hỏi : " Tôi nghe bà Cụ mẹ Tuyên mất từ lâu cơ mà ? "
Tôi thật thà : " Thưa bà Mẹ Kế ạ ! " .
Ông lại hỏi : " Vậy Tuyên đâu ? ! "
Tôi thưa : " Anh Tuyên đi công tác ! Chúng tôi cho người tìm tận nhà nhưng nhà đóng cửa . Gõ cửa mãi thì con anh ấy trả lời như vậy ! ".
Ông Mặc Đường :
" Hừ ! hắn đi công tác thì tôi là thủ trưởng phải biết chứ - Chị Công Đoàn cho gọi hắn lên đây ngay cho tôi - không thể như vậy được ! " .
Tôi thưa :
" Thưa ông ! Việc Nước trước việc nhà thưa ông - Nếu vì công tác thì Vong hồn Cụ Húc cũng vui vẻ thôI và chúng tôi lo tang ma được ạ ! " .
Ông ta quay ra thắp nhang và đặt vòng hoa rồi ra về ngay .
Đến gần trưa , tức là hai giờ sau khi ông Mặc Đường về thì Tuyên lên - Mặc bộ đồ Treizy hay mặc để đi điền dã ( Đi khảo cổ thì mặc ! ) bắt tay Giang Đông - bước vào đi thẳng vào Quan Tài ông Cụ . Hai tay chắp lên trán gục đầu ngang trên phía đầu quan tài . Rồi Tuyên ra thắp nhang và khấn to :
" Lạy bố , con bận đi công tác còn đang vận đồ điền dã - nghe tin bố mất con về thắp nhang .
Người ta sống thọ được như bố ít lắm - biết bao chiến sĩ Cách Mạng phải chết trẻ để đánh Mỹ cứu nước bố ạ ! " .
Tuyên không nhận tang . Bà Trẻ thì sùng vì : Tuyên đã từng một điều : " MẸ ! - hai điều Mẹ ! " - hồi mới về để moi của cửa bà . Nay coi như chả cần biết bà là ai !!!
Bà bảo Giang Đông : Đây tôi trả lại anh cái Thủ qũy !
Lại một phen Giang Đông năn nỉ muốn chết !
- Ngày hôm sau động Quan đưa ra Nghĩa tranh Bình HƯNG HOÀ - bà Quẹo Tân Bình !Vì bạn hấu hết là thân quen nhưng số VĂN NGHỆ SĨ muốn tiễn đưa ông Cụ là nhà văn nhà viết sử mà còn muốn chứng kiến PHAN LẠC TUYÊN Có mặt và thái độ thế nào- coi nó Cộng Sản đến mức độ nào ? !
- Tuyên không có trong chùa trong buổi này . Nhưng khi tang Chủ sắp ngỏ lời ở trước mộ thì Tuyên xuất hiện - gạt Giang ông và Bà TRẺ ra !
Tuyên vẫn mặc bộ quần áo Điền dã và dõng dạc TUYÊN BỐ :
Kính thưa qúy vị :
Tôi là phan Lạc Tuyên . Tôi là con trưởng của cụ Phan Vọng Húc . Nay bố tôi qua đời ! Tôi vì bận CÔNG TÁC tôi không về kịp nên nhờ em trai tôi là Phan Lạc giang Đông lo mọi thứ . Đến đây thì em tôi đã xong nhiệm vụ và tôi xin có đôi điều thưa với vong hồn bố : " Thưa bố ! Con đi Kháng Chiến ăn bom ăn đạn ! Bố được sống an bình tới tuổi này là qúy lắm rồi -
- Biết bao chiến sĩ cách Mạng phải hy sinh ở tuổi non trẻ ! Vậy mong bố đi an bình ! - tôi xin hết và tuyên bố lấp đất ! " .Không một lời cám ơn ai cả !
Xong hắn ra xe con rể hắn chở đi .
Giang Đông lại chờ lấp đất xong và cảm ơn QÚY VỊ - cảm ơn Khách đưa đám !
Họ nói thì thầm : " thằng Tuyên nó sợ bố nó sống thêm ăn tốn 9 kí gạo hẩm cửa CÁCH MẠNG ! Nghe nói đậu tới tiến sĩ mà culi quá ! "
Bà TRẺ thì vật vã khóc kể lể ....hai bà cô cũng kể lể : " Anh chết thì chúng em biết theo ai để cúng dỗ ! " .
Bài vị ông Cụ được đưa về chỗ nhà thờ cũ -
Tôi đã phải nậy cửa từ hôm ông cụ tắt thở để lau chùi bàn thờ ! Tuyên đã gài 1 cây sắt dài 2 gang tay của cây sắt b40 của nhà binh - ở phía trong trên cao của hai cánh cửa - khi cánh cửa vừa bật ra , cây sắt rớt tí bể đầu tôi - rớt trúng bàn chân tôi nhưng nhờ tôi đi giày nên xoa bóp hoài mới tan máu đỡ đau !!!!
**** Tôi cũng viết lại để một số bạn cũ ở xa không hiểu Tuyên là gì ? !
Nên khi chúng tôi sang Mỹ thì nhiều cú điện thoại gọi bảo chúng tôi : " tại sao không ở lại - Đi Mỹ làm gì - tụi này đang chuẩn bị Về Việt Nam nè ! " .
Họ đã Về và đã phải TRỞ LẠI MỸ !!!!( tôi không muốn nêu tên họ ở đây thôi ! ) .
THƯ KHANH


MỒNg MỘT TẾT " CẮT MIỆNG " với PHAN LẠC TUYÊN

Trước khi Phan Lạc Tuyên nhắm mắt ra đi có lẽ tôi phải ghi lại hết những gì tôi chưa ghi để Cả Thế Giới cùng biết và khi Phan Lạc Tuyên có chết thì xin các thày chùa dốc lòng tụng kinh xin ĐỨC PHẬT bỏ tội cho hắn . Kẻo hắn thành Qủy về phá thế gian nữa !!!!
Tôi ghi lại đây chuyện cái tết Nguyên Đán đầu tiên sau khi Sài Gòn failed - của GIA ĐÌNH Giòng PHAN LẠC mà ông bố chồng tôi là Trưởng Tộc đã giao Quyền Trưởng cho PHAN LẠC TUYÊN !
- Sáng hôm đó là mồng một Tết , Tết Nguyên Đán đầu tiên khi Cộng Sảnvào SàI GÒN . Tôi gọi là Tết " Cắt Miệng " vì : Có quái gì đâu mà ăn .
Bố mẹ tôi còn ngo ngoe được nên cũng gói mươi lăm cái bánh chưng và cho em tôi mang cho mẹ con tôi Một cái và biếu ông Cụ Húc một cái .
Tôi ngồi nhìn hai cái bánh chưng và chảy nước mắt vì mọi năm trước năm 1975 - Cộng Sản chưa vào thì năm nào tôi cũng nấu 2 nồi bánh chưng lận . Vì để cúng Tổ Tiên bên chồng và đi Tết cha mẹ tôi cũng như để biếu bà cô ông chú cho đỡ tiền mua kẹo mứt !
Tôi lại khoái nấu bánh và canh bánh chưng còn KHOÁI HÁT bài : PHIÊN GÁC ĐÊM XUÂN theo tiếng than hồng nổ lép bép !!!!Có khi tôi hát say mê trong đêm canh bánh ...
Kỷ niệm cứ về tràn đầy mà chồng tôi là chiến sĩ ĐI TÙ đói khát khiến tôi chảy nước mắt lặng nhìn hai tấm bánh bố mẹ vừa chia xẻ ...- Biết là con cháu Đang đói giữa ngày Tết !
Thay vì tôi phải đem Tết bố Mẹ thì nay bố mẹ phải " TẾT ! " con cháu thế này !
- Đang còn buồn tủi như vậy thì PHAN LẠC TUYÊN - Trưởng Tộc của họ PHAN LẠC cho con gái mời tôi qua để cúng Tổ Tiên và ăn Tết .
Khi tôi sang căn nhà để vốn THỜ Cúng .
Bàn thờ còn nguyên . Nhưng cửa chỉ mở cửa phụ còn cửa chính đóng !
Tôi để tấm bánh chưng mà bố mẹ tôi vừa đem bảo là biếu cụ THÔNG GIA là cụ Húc lên bàn thờ .
Tôi chưa kịp thắp nhang chỉ hỏi Phan Lạc Tuyên :
" Cậu chưa về à anh ! Đây là bánh bố mẹ em biếu cậu ! " .
Phan Lạc Tuyên cười trả lời :
" Cậu giao hết cho tao rồi ! Ông cụ ở trên Cống Bà Xếp luôn ! " .
" Nay việc thờ cúng phải theo tao ! " - Tuyên chỉ cái ghế bảo tôi :
" Ngồi nghe tao đọc GIA PHẢ trước khi thắp nhang ! " .
Tôi ngạc nhiên . Tuyên mời uống nước trà tàu rồi nói : "
" Quyển gia phả ông cụ viết công phu - song tao thấy không hợp lý . Tao dẹp quyển đó đi nay tóm gọn trong 50 trang đánh máy thôi "
Anh ta nói thao thao :
" Và cúng giỗ tổ tiên chỉ cúng TẤT Tật vào ngày mồng một Tết thôi - mỗi năm một lần " .
" Lịch Sử Giòng họ tao phân chia ra làm hai : Những cụ nào có công để sang một bên - đọc cho con cháu nghe- để khen ngợi -
Những cụ nào Phản Quốc hoặc bê bối để sang một bên đọc cho con cháu nghe để thấy mà tránh - rút kinh nghiệm ! "
" Sau khi đọc cái History xong kể Công Tội từng vị rồi thì mới thắp nhang !
Tôi giật mình hỏi lại Tuyên :
" Vậy ngày Tết thành ngày Kiểm Điểm Tổ Tiên à ???!!! " .
Tuyên cười tít mắt :
" Đúng ! " " Như tao là xét ra có Hiếu với tổ tiên vì cứ trung bình ba đời thì họ Phan Lạc lại có một ông Tiến Sĩ ! - mãi nay lại mới có là tao " .
Tôi mạnh miệng :
" Anh giống Tiến Sĩ Giấy quá vì thực tế cái bằng của anh cũng chỉ là nhân viên chứ có được làm Trưởng Viện hay Phó Viện của Viện Khoa Học Xã Hội đâu ! - Đứng đầu Thủ Trưởng là ông Mặc Đường , một CỬ NHÂN tốt nghiệp ở trong nước ! " .
Tuyên chữa thẹn :
" Ừ ! Cộng Sản chúng nó vậy đấy - Có thằng còn bị treo bằng ! Tao là còn may làm riêng cho MAI CHÍ THỌ chứ không cũng không biết nó dùng hay không ? ! ".

- Sau khi nghe xong về Lý Lịch ông bà tổ tiên rồi thì tôi thắp nhang . Tuyên cho gõ chuông ba tiếng ! ( cái chuông cổ lớn bằng đồng đen )
Nhưng Trên bàn thờ tôi lại thấy có 1 tấm hình một người trai trẻ lạ mặt !
Tôi hỏi :
" Ủa sao hình ai vậy ? ! "
Tuyên trả lời :
" Hình thằng THỦY THỦ ! Nó vốn là Trung Úy Hải Quân VNCH - Viết văn, bạn cũ với tao . Nó đi ra khu khi thấy Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chính là tay sai của Cộng Sản Bắc Việt thì nó buồn thất vọng tính về SÀI GÒN lại nhưng cuối cùng nó đã ra BIÀ RỪNG , bứt hoa lá rừng kết thành một vòng hoa rồi nằm gối đầu lên vòng hoa , ngửa mặt lên trời , kề súng vào màng tang bấm cò tự tử ! " " Tao được tin nó tự tử , tao ra thì nó để lại cái thư nhờ tao đem cái ba lô và cái tấm hình nó chụp trước khi ra khu - nay để trên bàn thờ đó - và lá thư nó viết cho người yêu của nó ở Sài Gòn cùng Bài Thơ : Vĩnh Biệt Em ! Nó dặn tao khi về được Sài Gòn thì tìm cô người yêu của nó trao lại .
Tao mang đi khắp nơi nhưng chưa tìm được cô người yêu của nó !
* ( Kỷ vật này hiện C . H ở Seattle - bạn của Giang Đông giữ dùm ! ) .
Vâng ! Đó là cái Tết " Cắt Miệng " vì có quái gì mà ăn !
Tổ tiên thì Phan Lạc Tuyên đọc như Kiểm điểm vậy !!!!
CÁI chuông bằng đồng đen cổ của dòng họ từ đời Phan Huy Ích Tuyên cũng đem bán - trên chuông có khắc tên các vị Tổ Tiên đậu Tiến Sĩ - Mỗi vị có khắc kèm một bài thơ khi thi nữa .
Phan Lạc tuyên - Hắn chết thì xin các thày chùa dốc lòng tụng kinh chứ không chắc chắn thành Qủy quá !
THƯ KHANH Seattle- ngày 8 tháng 7- 2010 .


Bổ Sung Về Thân Thế Phan Lạc Tuyên

From: Khanh Thu
To: PhoNang@yahoogroups .com
Sent: Wed, July 7, 2010 8:34:31 PM
Subject: Re: [PhoNang]

PHAN LẠC TUYÊN ĐANG ỐM NẶNG - HẮN LÀ AI ?! - THƯ KHANH KỂ THỰC RỒI - Xin bổ sung ! ( THƯ KHANH - thơ ngậm ngùi ...) . Xin ông chủ PHỐ NẮNg cho đăng . Xin cám ơn .

Kính thi sĩ Hồ Công Tâm ,

1- CẢM ƠN thi sĩ HỒ CÔNG TÂM đã đăng lại MỘT PHẦN ỨC KÝ của THƯ KHANH về thằng anh chồng của Thư Khanh là PHAN LẠC TUYÊN !
Những điều này trung thực 100%
2-THƯ KHANH Xin nói thêm về Phan Lạc Tuyện :
* VỢ :
Vợ thứ nhất :Chị Đường ( lấy ở Hải Dương từ khi Tuyên còn làm CHÁNH Sở CẨM tỉnh Hải Dương của PHÁP !!!!!!!!!!)
Vợ đầu tiên là chị Đường cưới ở Hải Dương có 3 con với Tuyên là
Phan thị Phương Lan
Phan thị Bạch Tuyết
Phan thị Hoàng Yến ( đã chết !!! )
Chị Đường mất sau khi sanh con cháy Yến 6 tháng vì chị đau tim nặng ( năm 1954 ) !
Bà mẹ ruột Tuyên lãnh sáu cây vàng chị Đường để lại và nuôi ba đứa cháu mồ côi mẹ !
Vợ lần thứ 2 :
Chị Bùi Thị Nga ( vào ngày Đình Chiến 1954 - tại đồn Hưng Yên )
Lỳ do : chị Nga còn trẻ có chồng nhưng do cha mẹ đôi bên cưới . Vắng không có chú rể vì CHÚ RỂ đi Kháng Chiến không chịu lấy vợ !
Mẹ chồng cho chi đi buôn các thứ lặt vặt từ Nam Định ra vùng Việt Minh như : dầu hoả , áo len v. v .
Đi buôn phải qua khu vực đồn Hưng Yên nên chi bị Lính bắt giữ - Tới khi nghe lệnh đình chiến thì lính đem TRÌNH Phan Lạc Tuyên và TUYÊN thấy đẹp lại đang Goá vợ nữa nên giữ lại đem theo vào Nam cùng với đơn vị .
Do đó khi vào Nam thì Tuyên đã để chị ở khách sạn tạm rồi về thưa với Ông bố bà mẹ làm vài mâm cơm mời họ hàng cho nhận và ra XÃ TÂN SƠN HOÀ( cuối đường Trương Minh Giảng Sài Gòn ) làm Hôn THÚ . Lúc đó chị Nga đã có bầu đứa con đầu được 3 tháng tên nó là Phan Quốc Hưng .
Sau này Tuyên và chị Nga có thêm đứa con gái tên là Phan Thị Hoài Hà ( hiện chồng nó là Trung tá Bộ Đội - nó lànm Y Tá Quận Tân Bình thành Hồ - hiện nay )
Chị Bùi Thị Nga đã bị điên - đau nặng đưa về bệnh viện Quận Tân Bình lo thuốc thang ít ngày rồi chết ở bệnh viện. TUYÊN KHÔNG NHẬN và KHÔNG ĐƯA MA !!!!!
Vợ Thư ba :
Bà Đỗ Thị HỒNg PHẤN .
Lấy chị Phấn nhân dịp Tuyên được đưa từ trong Nam ( Bị Bom Bỏ- bị thương nặng ở Tây Ninh ! )
Đưa ra Bệnh Viện VIỆT - XÔ ở Hà Nội để mổ ( Vết thương ở bụng dài cỡ 1 gang ta người lớn ( Vết thương này TUYÊN BẢO là Thù thằng Em Phan Lạc Giang Đông- Không Quân NGỤY cho nó đi Cải Tạo mút mùa luôn vì n1 Tuyên truyền cho Phi Công đi bỏ bom ! ).
Bà Phấn làm Y Tá ở đây - Đảng và BÁC HỒ , Bác Tôn, bác Đồng cưng lắm thường xuyên tới thăm Tuyên và Đảng đã KẾT THÀNH DUYÊN cho ĐÔI LỨA = Trai từ trong Nam Phất Cờ Chống Mỹ Cứu nước - Gái Ba đời Đi Ở Đợ !
Sau đó sanh thằng con tên là PHAN ĐỖ TRÍ ( sinh năm 1967 tại Hà Nội ) .
Bà Phấn - năm 1975 đã vào Nam nhưng ở với Tuyên được ít tháng thì Ly Dị Tuyên dẫn con là Phan Đỗ Trí về CẦN THƠ ( Ông bố nuôi là Tỉnh Ủy Tỉnh Cần Thơ - ông ta đưa chị Phấn đi Tập Kết nay về đỡ đầu cho chị trở về Quê Quán = ÁO Gấm về làng nhé ! - Chị được Nhận position = Giám Đốc Bệnh Viện Da Liễu Tỉnh Cần Thơ -nhà ở thì mua giá RẺ một biệt thự lớn của Một Trung Tá VNCH !!!! )
Hiện chị đã về hưu và nghe nói GIÀU lắm !
Phan Đỗ Trí nối dòng Trưởng Tộc HỌ PHAN LẠC !!! mà nghe nói nó " GỒ GHỀ , xâm mình nhảy tuýt loạn xạ " lắm ! Ấu Chúa hay về Sài Gòn nhưng họ hàng chỉ còn vài người tiếp đón Ấu Chúa !!!

Vợ thứ Tư :bà Nguyễn Thị Tám - làm giáo viên từ Cần Thơ chạy lên Sài Gòn ngày 30 - 4- 1975 ( nay đang ở Cali ) bà này Có với Tuyên đứa con gái tên là Phan Thị Mai Thơ .
Sau lại ly dị vì Tuyên DÊ Tùm lum và xấu tính lắm ! - Bà Tám đã ly dị để lấy 1 người Yêu lúc còn đi học ở Cần Thơ- Anh ta là H.O trở về tìm thăm bà Tám - Tuyên cho phép đi liên tu ! - và đồng ý cho ly dị .

**** Đáng lý là chị nữ Sĩ HOÀNg HƯƠNG TRANG ( hiện đang ở Sài Gòn - Quận Bình Thạnh - lấy Phan Lạc Tuyên chứ không phải bà Tám .
Phan Lạc Tuyên mê Hoàng Hương Trang cả Sắc lẫn Tài của NGƯỜI MIỀN NAM này - Tuyên đem hình ảnh khoe cả Nhạc Sĩ VĂN CAO - và một số bạn hữu ở Hà Nội là sẽ cưới HHtrang làm vợ !
Nhưng không thành vì Chồng chị KHÔNg CHịU LY DỊ và nhất là VĂN GHỆ SĨ MIền NAM ghét Cộng Sản nên đã tính làm thành to chuyện !!!
Nay chị Trang vẫn nói qua điện thoại : " Thư Khanh ơi ! đáng lẽ Hoàng Hương Trang là con dâu cụ Húc - là vợ anh Tuyên đấy ! Nay HHTrang ly dị chồng được rồi thì anh Tuyên lại đi tu và TRỄ QUÁ RỒI ! - HHTrang cũng đang tính sang năm về Huế nghỉ tuổi già đây - hiện chân chi bị đau ở một mắt cá chân - đau phải luôn ngồi xe lăn ! "
HHTrang nhờ vậy mà Phan Lạc Tuyên đã bảo lãnh cho anh ruột của chi về ngay trước khi cả trại Cải Tạo chuyển trại từ Quân Quản sang Công An ! - Anh của HHTrang này cấp thiếu tá - cải tạo ở cùng T với Anh Phan Lạc Giang Đông !!!!!!!!!!!! !!!!!!!!! !!
Ghi chú : Thư Khanh cũng để HHTrang thần tượng về CHÀNG với mấy câu thơ : " Anh về qua xóm nhỏ ..." mà ĐAN THỌ PHỔ Nhạc khi xưa nên THƯ KHANH chưa hề nói gì về PLTuyên CHÓ MÁ cho HHTrang nghe cả !!!
****
Đấy là các bà vợ chính thức có hôn thú và có con .
Còn BỒ, đào kép !!!!!!!!!!!! !!!!!!!!! !!!!!
Động đâu ổng cũng dính " Thượng vàng hạ cám ! "
****
3- Phan Lạc Tuyên ra Bắc năm 1967 - Mổ xong lành bệnh - Đảng cưới bà Đỗ Thị Hồng Phấn cho rồi cho làm trong ĐOàN ĐẠI DIỆN MẶT TRẬN GIảI PHÓNG MIỀN NAM - Tuyên là uỷ Viên !
Bắc Việt CộngSản cần DƯƠNG CAO NGỌN CỜ Mặt Trận GIẢI PHóNG MIền NAM - chống Mỹ Cứu Nước !
nên BÁC HỒ BáC TÔN BÁC ĐỒNG luôn thăm viếng cho quà ĐOàN MTGPMNam !


- ĐI HỌC BA LAN Năm 1972 :
TUYÊN thấy Rõ THÂN PHẬN MÌNH khi CHIếN TRANH VIỆT NAM kết thúc( MTGPMIỀN NAM không cần nữa ! ) nên XIN ĐI HỌC về KHẢO CỔ CHÀM tại BA LAN !!!!
Vào Nam Năm 1975 - TUYÊN làm cho P 16 -
TUYÊN RA CÔNG LẤY ĐIỂM với ĐẢNG nên Tuyên RA CÔNG KHủNG BỐ BÁO CÁO từ trong nhà đến ngoài !
Hắn nói : " Cộng Sản là không có trái tim, cái não chỉ nguyện như một cái LÕI . Tao còn tình cảm tao phải Xét Lại - kể cả bố tao cũng thế tao không vì tình cảm ! "

* NAY HẮN ĐI TU !
- thôi cũng cầu xin hắn Tu chứ hắn chết mà thành Qủy nữa thì Quả thật THƯ KHAN sợ nó lắm !!!!!!!!!!!!
Chị anh Giang Đông đang ở gần nhà THƯ KHANH - mới báo tin Phan Lạc Tuyên sắp chết ! Đau nặng ! " .
Con tôi chúng trả lời :
" Bố tôi dặn chúng tôi lập HỌ PHAN LẠC riêng rồi " không chung với Thằng đó !
*Xin cảm ơn thi sĩ Hồ Công Tâm - Thư Khanh lại làm mất thì giờ của QÚY VỊ trên Diễn Đàn này !
THƯ KHAH Seattle .ngày 7- 7- 2010

Nguồn: Son-trung
_____________

Thủy Thủ

Tên khai sinh: Thái Trần Trọng Nghĩa. Sinh năm 1940, tại Hải Dương. Di cư vào Nam năm 14 tuổi. Học trường Võ bị Đà Lạt. Nguyên Trung úy quân đội Sài Gòn.
Trong số người chủ trương cuộc đảo chánh Ngô Đình Diệm hồi tháng 11-1960, có đại úy Phan Lạc Tuyên (cựu chủ bút báo văn nghệ "Sinh lực" cùng "Đại học quân sự tập san") và thiếu úy Hải quân Thái Trần Trọng Nghĩa, tức Thủy Thủ, cựu biên tập nguyệt san "Lướt sóng" cơ quan ngôn luận của binh chủng Hải quân miền Nam. (Có tài liệu nói: ông Phan Lạc Tuyên còn giữ di ảnh của Thủy Thủ, và khẳng định TT là Trung úy). Đảo chính thất bại, họ lánh nạn ở Phnôm Pênh, làm báo thể hiện quan điểm yêu nước, cách mạng. Từ đây họ chính thức tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Tháng 7-1963, nhóm Phan Lạc Tuyên được Trung ương Cục bí mật điều động về khu giải phóng. Năm 1965, Phan Lạc Tuyên cùng phái đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN từ khu giải phóng công khai trở lại Phnom Penh tham dự Hội nghị Nhân dân Đông Dương do chính phủ vương quốc Campuchia đăng cai. Tại hội nghị, Phan Lạc Tuyên thay mặt nhóm đảo chính 11.11.1960 đọc tham luận chính trị gây tiếng vang rất lớn ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Sau đó, ông được giao làm Ủy viên phái đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN tại miền Bắc; rồi đi học đại học ở nước ngoài, bảo vệ Luận án Tiến sỹ Dân tộc học tại Ba Lan. Hiện ông PLT sống như một nhà tu hành trong ngôi chùa Diệu Pháp ở cuối con đường Nơ Trang Long, phường 13 quận Bình Thạnh, TP. HCM. Còn Thủy Thủ thì… số phận hẩm hiu hơn nhiều! Năm 1966, sau gần 3 năm ở R, Thủy Thủ vừa đi công tác ở Mỹ Tho về, ra bìa rừng, dọn một chiếc giường bằng hoa, nằm ngửa, mắt nhìn lên bầu trời cao lồng lộng, kê súng vào đầu, tự sát khi mới 26 tuổi!
Thủy Thủ từng đi công tác 8 tháng liền tại Bến Tre cùng nhà thơ Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân).
Tác phẩm: Pháo đài trong rừng dừa. Tập truyện, ký. NXB Văn Nghệ Giải phóng.
Truyện ngắn Chiếc guốc xinh xinh của Thủy Thủ, rút từ tác phẩm Đứa con, tập truyện ngắn, nhiều tác giả. NXB Văn Nghệ Giải phóng, 1968.(Có tài liệu viết là 1963. Đúng ra là 1968. Năm 1968, NXB Văn Nghệ GP mới thành lập).
Ông còn nhiều tác phẩm khác, nhưng rất tiếc, chúng tôi chưa sưu tầm được!

Tìm kiếm Blog này