Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 10 tháng 11, 2017

Rosa Parks - Chiếc ghế xe bus đã làm thay đổi nước Mỹ ...

Quyết không nhường ghế


(PL-NS)- Rosa Louise Parks (sau đây gọi tắt là Parks) là phụ nữ da đen. Đầu tháng 12-1955, bà đã từ chối nhường ghế trên xe buýt cho một người đàn ông da trắng. Hành động dũng cảm của bà đã dấy lên làn sóng phản đối nạn phân biệt chủng tộc trên toàn nước Mỹ.

Đòi công bằng từ chiếc ghế xe buýt

Parks sinh ra tại Tuskegee, Alabama (tiểu bang ở miền Nam nước Mỹ). Sau đó, bà cùng gia đình chuyển đến sinh sống tại thị trấn nhỏ Pine Level ở quận Johnston thuộc miền Bắc nước Mỹ. Bà cùng người chồng da đen của mình làm việc tại Hiệp hội Quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (National Association for the Advancement of Colored People - NAACP’s).
Năm 1900, chính quyền thành phố Montgomery ra quy định cách ly hành khách da trắng và da màu. Nhân viên phục vụ trên xe lửa và xe buýt được trao quyền chỉ định chỗ ngồi. Theo tập quán ở Montgomery, hành khách da đen trên xe buýt phải sẵn sàng di chuyển bất cứ khi nào hành khách da trắng cần chỗ ngồi.



Rosa Louise Parks - người phụ nữ làm thay đổi lịch sử

Vào khoảng 6 giờ chiều 1-12-1955, Parks bước lên xe buýt Cleveland Avenue để về nhà sau giờ tan sở. Bà trả tiền vé và ngồi vào một chiếc ghế trống trên xe. Chiếc ghế này nằm ở giữa xe, thuộc hàng ghế đầu tiên dành riêng cho người da đen, xếp phía sau 10 chỗ ngồi dành cho hành khách da trắng.

Xe buýt đón khách dọc tuyến đường và dần dần thì tất cả ghế dành cho người da trắng cũng kín chỗ. Đến trạm dừng thứ ba, một số hành khách da trắng bước lên xe. Tài xế xe buýt nhìn thấy vài người da trắng phải đứng vì thiếu chỗ. Vì thế, ông ra hiệu cho bốn hành khách da đen, trong đó có Parks, phải đứng lên để dành chỗ ngồi cho hành khách da trắng. Ba người đàn ông da đen ngồi cạnh Parks đã rời ghế của mình. Riêng Parks vẫn nhất quyết không chịu đứng lên nhường chỗ. Bà trả lời với người lái xe: “Tôi không nghĩ rằng tôi cần phải đứng lên”. Người tài xế đã gọi cảnh sát đến bắt giữ Parks.

Tẩy chay xe buýt

Ngay tối xảy ra sự việc, luật sư của Parks đã bảo lãnh bà về nhà. Bốn ngày sau, phiên tòa xét xử Parks diễn ra vẻn vẹn 30 phút. Parks bị tuyên phạt 10 USD, cộng thêm 4 USD lệ phí. Bà bị phạt mặc dù đã sử dụng đúng phần ghế dành riêng cho người da màu.

Tối đó, các thành viên của Hội đồng Chính trị phụ nữ (Women’s Political Council - WPC) đã thức cả đêm để làm 35.000 tờ truyền đơn mang nội dung tẩy chay xe buýt. Tờ truyền đơn có đoạn: “Chúng tôi mong mỏi mọi người hãy ngưng sử dụng xe buýt để phản đối hành động bắt giữ và xét xử. Bạn hoàn toàn có thể nghỉ học một ngày. Nếu đi làm, hãy sử dụng xe ngựa thuê hoặc taxi, hoặc đi bộ. Hãy tẩy chay xe buýt…”. Kế hoạch tẩy chay xe buýt ở Montgomery được công bố tại một nhà thờ trong khu vực và lan truyền khắp nơi. Những người tham gia nhất trí rằng họ sẽ tiếp tục tẩy chay xe buýt cho đến khi nhận được thái độ lịch sự, đồng thời thành phố phải cho người da màu được tham gia lái xe buýt.



Chiếc xe buýt mang tên Rosa Parks

Có khoảng 40.000 người da đen sử dụng vé xe buýt tháng. Ủng hộ chiến dịch tẩy chay, hầu hết họ chấp nhận đi bộ trong trời mưa tầm tã chừng 200 dặm tới chỗ làm chứ nhất quyết không dùng xe buýt. Có người chọn phương tiện khác để di chuyển, hoặc đi chung xe với nhau. Số khác dùng xe taxi đen mà chi phí tương tự như giá xe buýt. Cuộc tẩy chay kéo dài 382 ngày. Hàng chục xe buýt phải ngưng hoạt động vì ế khách, gây thiệt hại nặng cho các công ty kinh doanh vận chuyển hành khách bằng xe buýt.

Để đẩy mạnh phong trào tẩy chay, những người da đen đã thống nhất thành lập tổ chức “Montgomery Improvement Association - MIA”, do Tiến sĩ Luther King đảm nhận vai trò lãnh đạo. Chiến dịch cũng bị phản đối dữ dội bởi vài người ủng hộ cho việc phân biệt chủng tộc. Những người này đã khủng bố, đốt hoặc đập phá nhà thờ của người da đen. Nhà của Tiến sĩ Luther King cũng bị ném bom vào cuối tháng 1-1956.

Dầu vậy, sự thành công của chiến dịch tẩy chay xe buýt đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc. Nó trở thành phong trào quần chúng lớn nhất và thành công vang dội nhất, làm dấy lên những phong trào biểu tình khác.



Cùng cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton

Đấu tranh vì công bằng

Parks sinh ngày 4-2-1913, có một em trai nhỏ hơn hai tuổi. Vì phải chăm sóc bà ngoại và mẹ bị bệnh nên việc học của bà bị gián đoạn. Năm 21 tuổi, Parks kết hôn cùng Raymond. Chồng bà cũng là người da đen. Vì sự phân biệt chủng tộc mà việc học của ông cũng bị cản trở. Ông tự học và thu thập kiến thức với sự hỗ trợ của mẹ mình. Nhờ đó, Raymond am hiểu nhiều vấn đề xã hội và nhận định đúng đắn như người được giáo dục từ một trường đại học. Sau khi kết hôn, ông đã hỗ trợ và khuyến khích Parks tiếp tục học. Năm 23 tuổi, Parks hoàn thành chương trình trung học.

Trả lời phỏng vấn của Đài Phát thanh Lynn Neary vào năm 1992, Parks nhớ lại vụ từ chối nhường ghế xe buýt: “Tôi không muốn bị ngược đãi. Tôi không muốn bị tước chỗ ngồi mà tôi đã phải trả tiền cho nó. Lúc đó, tôi hoàn toàn có thể đứng lên và kiếm một chỗ đứng như cách chúng tôi đã phải chịu đựng… Tôi cảm thấy chúng tôi đã phải chịu đựng sự áp bức này trong một thời gian quá dài. Chúng tôi càng chịu đựng thì việc áp bức này lại càng gay gắt hơn”.

Với sự ủng hộ của chồng, Parks cùng một người bạn sáng lập tổ chức Rosa and Raymond Parks Institude for Self Development. Mục đích của tổ chức là động viên thanh niên cố gắng hoàn thành những mục tiêu bằng tiềm năng của họ ở mức cao nhất. Đối thoại với những thanh niên trẻ, bà luôn nhấn mạnh rằng chính nhiệt huyết của tuổi trẻ sẽ tạo ra những thay đổi lớn.



Từ xe buýt, bà đã đấu tranh cho người da đen

Ngày 24-10-2005, Parks qua đời trong căn hộ của bà ở Detroit, thọ 92 tuổi. Đám tang của bà được tổ chức trang trọng và ý nghĩa. Ba ngày sau khi bà mất, các quan chức thành phố Montgomery và Detroit quyết định đeo những dải ruybăng đen vào ghế ngồi trên các xe buýt chạy trong thành phố cho đến khi đám tang kết thúc. Quan tài của Parks được chuyển tới Montgomery, đặt trong một xe ngựa với bộ lễ phục và tiến đến nhà thờ. Khi chuyển đến thành phố Washington, chiếc quan tài được giữ trong một chiếc xe buýt tương tự như chiếc xe buýt mà trước đây bà đã mạnh mẽ đứng lên phản kháng.

Có khoảng 50.000 người đã đến viếng đám tang. Lễ tang của Parks kéo dài suốt 7 tiếng đồng hồ tại đền thờ Greater Grace Church. Sau tang lễ, một lá cờ Mỹ đã được đặt trên quan tài của Parks trong niềm vinh dự và kính trọng. Quan tài được đặt trên chiếc xe ngựa kéo hướng đến nghĩa trang. Khi chiếc quan tài của bà đi ngang qua, hàng ngàn người tiễn đưa đã vỗ tay và tung những quả bóng bay màu trắng lên bầu trời.

Parks được chôn tại nghĩa trang của nhà nguyện Woodlawn, giữa mộ chồng và mẹ bà. Sau này, nhà nguyện cũng đã đổi tên thành “Rosa L. Parks Freedom Chapel”.

Parks đã ra đi thanh thản trong niềm tiếc thương vô hạn của người dân nước Mỹ. Bà được xem như một tượng đài trong nền văn hóa Mỹ.

Vinh danh Rosa Louise Parks

Rosa Louise Parks đã nhận được hơn 40 học vị tiến sĩ danh dự, trong đó có học vị từ Trường Đại học Soka, Nhật Bản. Bà cũng nhận hàng trăm chứng chỉ, giải thưởng, huy chương Spingran của NAACP, giải thưởng cho sự công bằng xã hội UAW, giải thưởng hòa bình Martin Luther King, giải thưởng hòa bình Rosa Parks năm 1994 tại Stockholm, Thụy Điển. Tháng 9-1996, bà được Tổng thống William J.Clinton tặng thưởng huân chương tự do - huân chương cao quý nhất cho một công dân.

Tạp chí Times bình chọn Parks là một trong 100 người ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20. Tháng 9-1998, trung tâm giáo dục mang tên bà được mở cửa ở Michigan. Tháng 12-1998, Parks là người đầu tiên nhận được giải thưởng International Freedom Conductor do National Underground Railroad Freedom Center ở Cincinnati, Ohio trao tặng. Năm 1999, Parks cùng 250 cá nhân (trong đó có cả Hội Chữ thập đỏ của Mỹ, Tổng thống George Washington, Tổng thống Nelson Mandela) được nhận huy chương vàng danh dự của Quốc hội Hoa Kỳ. Năm 2000, một viện bảo tàng ở Montgomery được mở cửa để vinh danh bà. Năm 2003, bà nhận giải thưởng thành tựu trọn đời của Viện Nghiên cứu về phụ nữ và giới tính Trường Đại học Stanford, giải thưởng hòa bình Gandhi, King, Ikela.

Ngoài ra, Parks còn tham gia viết sách cùng những nhà văn nổi tiếng như cuốn My Story viết cùng Jim Haskins, cuốn Quiet Strength, Dear Mrs. Parks viết cùng Gregory J. Reed. Cuốn sách này nhận được giải thưởng trong lĩnh vực văn học của NAACP. Cuốn sách cuối cùng bà viết là I am Rosa Parks (Tôi là Rosa Parks).

(Theo Rosa and Raymond Parks - Institute for Self Development, Biography Online)

NGỌC CHÂU

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 7-2010)
Nguồn: Plo

Tìm kiếm Blog này