Tôi điện thoại cho ông Bảy Nhị tỏ ý muốn về An Giang thăm ông. Biết tôi từ Hà Nội lặn lội vô, ông xởi lởi: “Để chú lên TP Hồ Chí Minh cho đỡ cực”. Đúng hẹn, hai ngày sau, ông tới tìm tôi tại Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân ở 40 Phạm Ngọc Thạch.
Tôi nhìn quanh: “Xe chú đâu?”, ông cười hiền: “Chú lên bằng xe đò, tiện thể thăm con, thăm cháu ngoại”. “Chú không có nhà riêng ở Sài Gòn sao?” - tôi ngạc nhiên. Ông Bảy Nhị sổn sảng: “Đừng nghĩ quan chức là ở đâu cũng có nhà cửa. Chú nghỉ hưu, về nuôi bảy hầm cá tra, mỗi năm thu hoạch cả ngàn tấn, kiếm bộn tiền, nhưng đã gắn một đời với bà con nông dân mảnh đất Long Xuyên, An Giang, giờ mắc mớ chi lên Sài Gòn cho mệt”...
Ông trải lòng với NDHT qua những câu chuyện thuở làm quan có lẽ... ít giống ai.
* Nhiều người gặp ông đều ấn tượng về sự hiểu biết cũng như tư duy sắc sảo, cách diễn đạt giản dị mà lôi cuốn, thuyết phục. Có gì đó như mâu thuẫn với việc thuở nhỏ ông chưa học hết lớp Nhất trường làng?
- Ông Bảy Nhị (cười sảng khoái): Chính xác. Tất cả kiến thức tôi có đều nhờ học lỏm, chẳng được đào tạo bài bản gì. Người ta từng nhiều lần đặt nghi vấn bằng cấp của mấy ông quan chức này nọ.Trường hợp tôi rất khỏe, khỏi phải xác minh chi cho cực. Đời tôi chỉ có duy nhất tấm bằng lý luận chính trị do Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc cấp thôi. Thuở nhỏ, tôi bỏ ngang lớp Nhất vì không có tiền làm giấy khai sinh để đủ thủ tục thi lên đệ thất (tương đương lớp 6 bây giờ). Nhưng quyết tâm tự học của tôi có được là nhờ ông anh trai ruột Nguyễn Minh Đào (sau này là Phó Bí thư Tỉnh ủy An Giang) luôn khuyên bảo, động viên. Lý do ổng đưa ra giản dị thế này thôi: Để biến giấc mơ cháy bỏng của tôi là muốn làm được nhiều điều tốt đẹp cho bà con nông dân An Giang thành hiện thực thì phải ráng học, phải cố gắng phấn đấu vào Đảng. Vào Đảng là để được giao trọng trách (chứ không phải địa vị), để có thể làm được nhiều việc có ích. Bởi không được ngồi ở vị trí ấy, không có quyền quyết định thì có muốn phục vụ nhân dân cũng đành chịu. Còn nếu không có chữ nghĩa thì khó làm được công việc lãnh đạo, nếu có làm cũng dễ mắc sai lầm vì thiếu hiểu biết.
* Và nhờ nỗ lực tự học ông đã được giao trọng trách sớm, như một lãnh đạo trẻ của tỉnh. Những quyết sách đầu tiên của ông lúc đó, nghe nói cũng khá táo bạo?
- Ông Bảy Nhị: Năm 1988, mới 42 tuổi, tôi là lãnh đạo trẻ nhất tỉnh, nhận quyết định chuyển công tác từ Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy sang làm Giám đốc Sở Nông nghiệp An Giang. Một năm sau, tôi đề xuất xây dựng chương trình khuyến nông đầu tiên của cả nước và ký quyết định thành lập Ban Khuyến nông của Sở. Phó Giám đốc đề xuất nên báo cáo Tỉnh ủy vì đây là việc khá nhạy cảm, Bộ Nông nghiệp lúc đó không ủng hộ. Biết đồng chí Bí thư Tỉnh ủy rất đồng tình nhưng không dám quyết, tôi nói luôn với cậu phó, “khỏi báo cáo, tôi chịu trách nhiệm toàn bộ. Được thì dân hưởng, tội vạ đâu tôi xin gánh hết”. Tôi nghĩ, làm người lãnh đạo thì phải dám quyết, dám làm và dám chịu trách nhiệm cá nhân. Không nên dựa dẫm, đổ thừa vào cái gọi là trách nhiệm tập thể. Tính tôi quyết liệt tới cùng. Không chỉ một lần, sau này khi đang là Chủ tịch An Giang, tôi cũng đã kiên quyết phản đối việc xây bảy cái cống ngăn thoát nước sông Hậu do Bộ Nông nghiệp chủ trương thực hiện. Tôi nói, trong này đã chống lũ triệt để xong rồi, làm chi cho tốn kém ngân sách thêm nữa, lại cản trở giao thông. Vụ việc sau đó phải báo cáo lên Hội nghị thường vụ Tỉnh ủy. Ông Bí thư bảo, “có tốn kém cũng là tiền trung ương”. Tôi phản đối, “đâu có, đó là tiền của dân. Cá nhân nào quyết làm là tôi thưa đến cùng đó”.
* “Trực ngôn nghịch nhĩ”, thái độ quyết liệt ấy chắc mang lại cho ông khá nhiều hệ lụy. Ông chọn cách hóa giải ra sao?
- Ông Bảy Nhị: Tôi quan niệm cái tâm chính là cứu cánh. Làm gì cũng phải thật, trước hết là thật với chính mình. Nhiều người cứ tự gạt gẫm, rằng làm bậy ai biết. Nhưng ông bà mình đã dạy “cái kim giấu trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Cứ làm thật, ăn thật, nói thật và đối xử với nhau chân thành thì chẳng ai nỡ hại mình.
Ngày tôi làm Giám đốc Sở Nông nghiệp, có một nhân viên làm đơn nặc danh kêu thưa khắp nơi. Tôi quyết định rút anh ta về làm trợ lý, theo dõi tình hình tài chính của toàn bộ hệ thống doanh nghiệp do Sở quản lý. Mọi người thắc mắc, tôi nói “Anh ta ở xa không biết nên nghi tôi làm bậy, mới kiện cáo tùm lum. Giờ cho anh ấy về gần, quan sát tôi làm việc, chắc rồi sẽ hiểu”. Quả nhiên, cậu đó sau này hiểu ra nhiều điều, thương tôi lắm.
Nhớ hồi tôi quyết định giao đất xây dựng Trung tâm khảo nghiệm Định Thành rồi Nhà máy sản xuất thuốc sâu ngoài Bình Đức, tranh chấp thưa gởi khắp nơi, tôi trở thành đối tượng bị cấp trên điều tra, xem xét. May mắn là những cơ sở này đều phát huy được hiệu quả, đem lại lợi ích cho nông dân. Chứng tỏ mình đã giao đất đúng người, đúng chỗ.
* Có lần trả lời phỏng vấn, ông khẳng định như đinh đóng cột trước công luận: Tôi có thể tự hào rằng, suốt những năm làm lãnh đạo, tôi chưa hề có đề xuất nào gây hậu quả cho nông dân, không hề bị thế lực nào chi phối chủ trương đầu tư để kiếm lợi mà làm dân thiệt, ngân sách thiệt. Đã nghỉ hưu nhưng tôi vẫn sẵn sàng lắng nghe phê bình, chứ không phải giờ “hạ cánh an toàn” rồi mới nói mình sạch, nói cho sướng miệng?
- Ông Bảy Nhị: Về đề xuất gây hậu quả cho nông dân, tôi tự tin rằng mình tránh được. Bởi tôi sinh ra là nông dân thứ thiệt. Đã có lần tôi khẳng định với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Tôi uống nước phèn mà lớn, đất phèn có thể dùng thủy lợi cải tạo và kỹ thuật canh tác riêng đều có thể trồng trọt được hết các loại cây ngắn ngày nên tôi không sợ”. Những quyết sách mà tôi đưa ra không hề liều mạng, bởi tôi chỉ làm khi biết chắc chắn 99,99% thành công. Uy tín dù có nhiều, xài hoài rồi cũng hết. Thất bại là dân chửi te tua, tôi đâu dám quyết bậy.
Ngày làm lãnh đạo, tôi từng xắn quần đi trồng rừng, chữa cháy rừng, thiết kế mương phèn trên đất khai hoang vùng Tứ giác Long Xuyên... cùng nhiều bà con nông dân, anh em kiểm lâm và bộ đội. Không được trang bị nhiều kiến thức khoa học nhưng tôi gắn bó máu thịt với mảnh đất này, luôn gần dân, học hỏi kinh nghiệm từ dân. Chuyện đắp đập chắn nước để sản xuất vụ hè thu 1976 ở huyện Phú Tân lần đầu tiên là tôi học từ kinh nghiệm người Cam-pu-chia hồi còn kháng chiến (1972) qua câu họ trả lời tôi “Vì sao đêm qua nước tràn đồng?” - là vì “Ăn bắp rồi bửa đập cho nước vô”. Thuyết phục nông dân, tôi dùng hình ảnh và ngôn ngữ trực quan, nôm na. Dân hiểu và nghe, nghe là họ làm theo thôi.
* Những quyết sách do dân và vì dân ấy dù sao cũng dễ thực hiện, vì nó chỉ phụ thuộc vào cá nhân ông Chủ tịch dám làm dám chịu trách nhiệm. Nhưng việc đối mặt với những mánh lới chạy dự án tinh vi, những món lợi lớn từ số phần trăm hoa hồng “lại quả”, trong khi vẫn phải giữ mình trong sạch là điều rất khó, thưa ông?
- Ông Bảy Nhị: An Giang là một trong những địa phương có sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư. Chạy dự án, lobby - vận động hành lang... để có suất ngon lành, để hưởng lợi không thiếu. Nhưng tôi dám nói mình chưa hề chịu sự chi phối của bất kỳ thế lực nào trong chủ trương đầu tư. Riêng chuyện biết trước quy hoạch, cho người nhà hoặc “tay chân” lén mua đón đầu chờ cơ hội bán (hoặc đền bù) lấy lời là kiếm bộn tiền nhưng tôi dứt khoát nói không. Chuyện (theo thông lệ mà luật cho phép doanh nghiệp) tôi có nhận quà (tiền) cảm ơn (thưởng cuối năm) chút đỉnh từ phía doanh nghiệp, cá nhân là có. Nói chưa bao giờ nhận là không thật thà. Mỗi người chỉ dăm ba triệu thì cộng lại cũng đã là một mớ kha khá mà dân nghèo nằm mơ không có. Nhưng nếu có mầu đút lót, xin xỏ hoặc mưu cầu này nọ là tôi kiên quyết gạt đi. Nhưng mình cũng không thể quá máy móc, cứng nhắc trong ứng xử (có thể gọi là “thiếu tế nhị”). Nhớ có những lần “tiền thưởng” khá hậu hoặc có lần người đưa bao thơ “quá dày”... Trả không được, nhận không xong, tôi giao cho cô thủ quỹ cơ quan lập riêng một cuốn sổ. Gặp người này người kia khó khăn, tôi quyết (qua một cán bộ văn phòng) là chi, cuối tháng có quyết toán với nhau rành mạch. Tới ngày rời ghế Chủ tịch, tôi hỏi, cô báo: “Quỹ của chú bằng không rồi”. Tôi nói: “Vậy là huề! Giải tán!” (cười). Sau này tôi đọc báo, hình như có người biết, phê phán là làm vậy chỉ biết giữ mình chớ “không kiên quyết chống tham nhũng”. “Lập biên bản bắt tại tay người đút lót”, theo tôi không phải cách làm hay của người có tầm lãnh đạo.
* Nhưng cùng một cái phong bì giống nhau, cảm ơn hay hối lộ thì không phải lúc nào cũng rõ ràng và dễ nhận biết, thưa ông?
- Ông Bảy Nhị: Chính xác. Tôi nhận ra, ranh giới giữa sự tri ơn với biếu xén, hối lộ, đút lót nhiều khi rất mỏng manh. Người lãnh đạo phải tinh tường để nhận ra cái lằn ranh lắm khi vô hình ấy. Ngày đã nghỉ hưu, tôi có thú vui trồng và chăm cây kiểng. Có hôm đang ở xa, tôi nhận cú điện thoại lạ hoắc. Người gọi trình bày muốn mua một cây thế đã suy của tôi với giá cả chục ngàn đô. Tôi nói, cây sắp chết ôm về làm chi, anh ta bảo, em thích nên sẽ cố chăm sóc để nó sống khỏe. Tôi suy nghĩ lắm. Từng ấy đô-la là cỡ 200 triệu đồng, nghe cũng ham, tiền nhiều ai không thích. Nhưng tôi vẫn băn khoăn, một người lạ làm vậy là có ý gì, đằng sau nó là mục đích gì. Cuối cùng, tôi kiên quyết nói không. Ít lâu sau, tôi lại nhận cuộc gọi, từ chính số điện thoại đó. Lần này, anh ta tha thiết nhờ tôi nói một tiếng để đơn vị kiểm lâm cho chuyển mấy cây gỗ từ Cam-pu-chia về. Vậy là tôi hiểu ngay vấn đề, chục ngàn đô bỏ ra mua cây kiểng của tôi là để dọn đường, chỉ cần tôi trả nghĩa bằng một chuyến vận chuyển trót lọt là dư thừa. Tôi cười “tôi về hưu rồi nói ai nghe”, bụng thầm nghĩ “may quá, bán cây rồi thì biết cư xử sao đây”.
* Ông đúng là một quan chức - nông dân được xếp vào hàng “quý hiếm”. Xin được hỏi câu cuối cùng, cả đời gắn bó với nông dân, ông nhận thấy việc để làm một lãnh đạo đúng nghĩa được dân tin yêu có khó lắm không ạ?
- Ông Bảy Nhị:(Cười hiền): Chỉ cần rành bốn phép toán là làm được. Đó là: luôn biết cộng thêm nghĩa tình, yêu thương; biết trừ đi những oán thù, ghét bỏ; biết nhân lên của cải cho người dân, cho xã hội và biết chia sẻ hạnh phúc. Là thành công. Tôi nghĩ vậy.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
* Ông Nguyễn Minh Nhị, sinh năm 1946, tại làng Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, về hưu năm 2004. Khi đương chức, ông từng được biết đến như một trong những người lãnh đạo trẻ của địa phương, có những quyết sách táo bạo và với phẩm chất “dám làm, dám chịu trách nhiệm”.
Người dân An Giang trìu mến gọi ông là “ông Bảy Nhị tam nông” bởi trong thời gian đương nhiệm ông đã chỉ đạo khôi phục sản xuất sau ngày thống nhất đất nước, thực hiện những công trình lớn (như chương trình khai phá Tứ giác Long Xuyên, công trình thoát lũ kênh Vĩnh Tế, đề án 31 giúp người nông dân vùng lũ cải thiện cuộc sống...) đều gắn bó hết sức mật thiết với vấn đề tam nông.
* Tôi quan niệm cái tâm chính là cứu cánh. Làm gì cũng phải thật, trước hết là thật với chính mình. Nhiều người cứ tự gạt gẫm, rằng làm bậy ai biết. Nhưng ông bà mình đã dạy “cái kim giấu trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Cứ làm thật, ăn thật, nói thật và đối xử với nhau chân thành thì chẳng ai nỡ hại mình.
HỒ CÚC PHƯƠNG (Thực hiện)
____________________
“Đảng lấy quốc gia dân tộc làm đầu” và “Dân là gốc” chớ không phải “Lấy dân làm gốc”
Theo: Kimdunghn