Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 10 tháng 11, 2017

Vì sao ngôi nhà 34 Hoàng Diệu ở Hà Nội vẫn chưa có sổ đỏ?



Đôi lời của nhà báo Dương Đức Quảng: “Mấy hôm nay, sau khi cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ mất, thọ 104 tuổi, nhiều nhà báo và các bạn viết facebook đã có bài về cụ trên báo và trên trang cá nhân bày tỏ sự ngưỡng mộ, tiếc thương và cả sự thông cảm với gia đình cụ xung quanh câu chuyện về ngôi nhà 34 Hoàng Diệu, nơi cụ đã ra đi. Nhà báo Quốc Phong đã có một bài khá hay trên báo Thanh Niên kể nhiều chuyện về hai cụ Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ, trong đó có chuyện về ngôi nhà 34 Hoàng Diệu, Quận Ba Đình, Hà Nội này. Một số nhà báo và bạn viết khác, trong đó có người tôi biết khá rõ cũng viết về ngôi nhà này nhưng có những chi tiết chưa thật đúng, thậm chí cho đây là câu chuyện “thâm cung bí sử” ít người biết, "khi nào đó tôi sẽ viết ra"!.
Là một nhà báo có hơn mười năm làm việc tại Văn phòng Chính phủ có điều kiện tiếp cận với các thông tin liên quan đến ngôi nhà 34 Hoàng Diệu, hôm nay tôi đưa lên fb của tôi một đoạn trong cuốn Hồi ký tôi đang viết dở về cuộc đời làm báo của mình để cung cấp thêm thông tin với bạn đọc về ngôi nhà 34 Hoàng Diệu này”.


VÌ SAO NGÔI NHÀ 34 HOÀNG DIỆU Ở HÀ NỘI CHƯA CÓ SỔ ĐỎ?

DƯƠNG ĐỨC QUẢNG

“Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất băn khoăn, trăn trở mỗi khi nghĩ đến những người dân đã hiến tài sản của mình cho cách mạng, kháng chiến mà sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước Chính phủ vẫn không có chính sách và một khoản vật chất nào để trả ơn bà con, trong khi nhiều bà con hiện nay cuộc sống rất khó khăn. Thủ tướng nói nhiều bà con ngư dân đã giao cả chiếc thuyền là tài sản lớn của mình cho bộ đội dùng chở quân vượt sông, có bà con người dân tộc ở Tây nguyên hiến cả con voi quý của mình cho bộ đội chở gạo, chở đạn ra mặt trận…Thủ tướng trăn trở về chuyện bà Hoàng Thị Minh Hồ vẫn chưa lấy lại được ngôi nhà 34 Hoàng Diệu. Ông bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ là nhà tư sản dân tộc lớn ở Hà Nội, người đã hiến 5.147 lạng vàng cho nhà nước trong Tuần lễ vàng năm 1945 và dành ngôi nhà ở 48 Hàng Ngang để đón Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Chính tại ngôi nhà này Bác Hồ đã viết Bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, được Người đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 tuyên bố sự ra đời của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Năm 1954, sau ngày giải phóng Thủ đô, ông bà Trịnh Văn Bô cho Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam mượn ngôi nhà số 34 Hoàng Diệu trong 2 năm để bố trí chỗ ở và làm việc cho Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng (sau này ông Hoàng Văn Thái là Đại tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng); đến năm 1956 theo như Hiệp định Giơ-ne-vơ quy định sẽ có Tổng tuyển cử thống nhất đất nước thì sẽ trả lại cho gia đình. Năm 1956 cuộc Tổng tuyển cử đó không diễn ra và năm 1957 miền Bắc tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, tất cả các ngôi nhà có diện tich trên 100 m2 nếu đang cho thuê hoặc cho mượn đều nằm trong diện cải tạo và đều do nhà nước quản lý. Ngôi biệt thư số 34 Hoàng Diệu của ông bà Trịnh Văn Bô nằm trong khuôn viên rộng gần 3.000m2, xây dựng trên diện tích 300m2, diện tích sử dụng hàng trăm m2 bị đưa vào diện cải tạo, bị nhà nước quản lý. Sau năm 1975, lúc này ông bà Trịnh Văn Bô đều đã già yếu, con cháu lại đông đúc nên đã làm đơn gửi các cấp xin lại ngôi nhà 34 Hoàng Diệu.

Trong gần 20 năm, qua các thời Tổng Bí thư Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, các thời Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, tất cả các vị lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước đều thấy việc trả lại ngôi nhà 34 Hoàng Diệu cho ông bà Trịnh Văn Bô là đúng đạo nghĩa, không có gì còn phải bàn cãi. Thế nhưng sự việc lại không đơn giản như vậy. Việc nhà nước tiến hành cải tạo và quản lý ngôi nhà 34 Hoàng Diệu của ông bà Trịnh Văn Bô cũng giống như nhà nước đã tiến hành cải tạo và quản lý hàng trăm ngôi nhà khác ở Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh thành khác. Tôi có một người bạn thân học cùng từ những năm cấp 2 ở trường Trưng Vương, sau này lại học cùng trường Phổ thông cấp 3B Hà Nội từ những năm 1950 của Thế kỷ trước, bố mẹ bạn cũng cho Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam mượn ngôi nhà ở phố Phạm Đình Hổ, tương tự như ông bà Trịnh Văn Bô cho mượn ngôi nhà 34 Hoàng Diệu mà cũng không đòi lại được nhà, mặc dù bố mẹ bạn tôi có con trai là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường miền Nam. Bởi vì những trường hợp cho mượn nhà rồi các ngôi nhà này sau đó thuộc diện cải tạo và quản lý của nhà nước đã được Quốc hội bàn sôi nổi trong một kỳ họp và trước sự phức tạp của vấn đề Quốc hội đã ra Nghị quyết là nhà nước không xem xét lại các trường hợp đã tiến hành cải tạo nhà đất trong thời kỳ cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh trước đây, coi đây là một vấn đề thuộc về lịch sử đã qua, không có “hồi tố” ! Và thế là việc trả lại ngôi nhà 34 Hoàng Diệu cho ông bà Trịnh Văn Bô “dùng dằng” mãi mặc dù đã có ý kiến ở cấp cao nhất mà vẫn không giải quyết được, đến cả khi ông Trịnh Văn Bô qua đời năm 1988.

Trong thời gian làm Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí VPCP, tôi được Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Lê Xuân Trinh cho phép dự các cuộc họp của Chính phủ và Thường trực Chính phủ để nắm thông tin phục vụ Thủ tướng và Bộ trưởng trong lĩnh vực hoạt động báo chí nên biết được nhiều thông tin về hoạt động của Chính phủ và sự điều hành của Thủ tướng. Một hôm, vào khoảng đầu tháng 8-1994, trước khi bước vào phiên họp của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói với Phó Thủ tướng Phan Văn Khải:
- Anh Đỗ Mười và tôi vừa thống nhất ý kiến giao lại ngôi nhà 34 Hoàng Diệu cho gia đình ông Trịnh Văn Bô. Ngôi nhà này anh Ba (Tổng Bí thư Lê Duẩn), anh Năm (Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh), anh Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) trước đây, sau này cả anh Mười Cúc (Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh), anh Bảy (Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng), anh Mười (Tổng Bí thư Đỗ Mười) và tôi đều đồng ý. Anh thay mặt tôi ký Quyết định trao lại nhà cho bà Trịnh Văn Bô.
Phó Thủ tướng Phan Văn Khải nói:
-Việc này quá phức tạp, đề nghị Thủ tướng ký.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhắc lại:
-Anh Mười và tôi đã thống nhất rồi. Anh phụ trách lĩnh vực này anh ký.

Nhắc đến ông Đỗ Mười trong chuyện này tôi không thể không viết thêm về việc khi ông làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và cả sau này khi ông làm Tổng Bí thư ông đã nhiều lần gặp và đích thân dẫn bà Trịnh Văn Bô đi xem nhiều ngôi nhà trong thành phố và cả ở các khu đô thị mới, vận động, thuyết phục bà nhận một trong những ngôi nhà do Chính phủ và Ban Tài chính Quản trị Trung ương quản lý thay cho ngôi nhà 34 Hoàng Diệu nhưng đều bị bà từ chối. Lần này ông thống nhất với ông Võ Văn Kiệt ra quyết định giao nhà 34 Hoàng Diệu cho bà Trịnh Văn Bô.

Các chuyên viên ở VPCP biết rõ việc trao trả lại ngôi nhà số 34 Hoàng Diệu cho bà Trịnh Văn Bô rất phức tạp. Như trên đã viết, ngôi nhà này vốn là nhà ông bà Trịnh Văn Bô cho Bộ Tổng Tham mưu mượn từ năm 1954 để bố trí cho Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng (sau này là Đại tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) ở và làm việc. Sau khi Đại tướng Hoàng Văn Thái mất ngôi nhà này tiếp tục do Bộ Quốc phòng quản lý. Hơn nữa, trả lại ngôi nhà này cho gia đình bà Trịnh Văn Bô sẽ đụng tới hàng trăm ngôi nhà khác thuộc diện giống như ngôi nhà này ở Hà Nội, không kể ở các tỉnh thành thuộc diện nhà nước quản lý sau cuộc cải tạo nhà đất trước đây. Vì thế làm sao cho quyết định của Thủ tướng trả lại nhà cho bà Trịnh Văn Bô không "đẻ số", không để chủ các ngôi nhà khác ở vào trường hợp tương tự kiến nghị Chính phủ xem xét để trả lại nhà cho họ như đã trả nhà cho bà Trịnh Văn Bô là cả một vấn đề không đơn giản. Một “sáng kiến” lóe lên trong đầu các chuyên viên VPCP là dùng chính ngôi nhà của bà Trịnh Văn Bô làm “quà tặng của Chính phủ” để tặng cho bà vì ông bà đã có công lao to lớn với cách mạng và kháng chiến, mới có thể giải quyết được khó khăn này. Đề xuất trên đây của VPCP được Phó Thủ tướng Phan Văn Khải chấp thuận và ngày 9-9-1994 Phó Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Quyết định trả lại nhà cho bà Trịnh Văn Bô theo phương án trên.
Sau khi có quyết định này, một số sĩ quan Quân đội còn ởi trong ngôi nhà này đã có đơn thư gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước phản đối quyết định của Phó Thủ tướng Phan Văn Khải. Sau đó tôi được biết, Chủ tịch nước Lê Đức Anh và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà đã đưa việc này ra một cuộc họp của Bộ Chính trị, cho rằng quyết định trả nhà cho bà Trịnh Văn Bô của Thủ tướng Chính phủ là trài với Nghị quyết của Quốc hội. Có vị đặt câu hỏi” Chính phủ đã có quà tặng gì để trả ơn những bà mẹ đã có chồng và 8, 9 người con hy sinh trong kháng chiến? Xương máu quý hay vàng bạc quý mà Chính phủ xử lý như vậy?

Sau đó Bộ Chính trị yêu cầu Thủ tướng ra quyết định ngừng thi hành quyết định trả ngôi nhà số 34 Hoàng Diệu cho bà Trịnh Văn Bô. Một thời gian sau ngôi nhà 34 Hoàng Diệu được Quân đội bàn giao về cho Ban Tài chính Quản trị Trung ương quản lý. Chính trong thời điểm “nhập nhoạng” bàn giao, anh Trịnh Cần Chính và mấy người con khác của ông bà Trịnh Văn Bô đã đưa mẹ mình vào ở ngôi nhà này, căng một biểu ngữ rất lớn từ tầng ba thả xuống tầng một nhìn ra đường Hoàng Diệu “cám ơn Đảng và Chính phủ” đã trả lại ngôi nhà này cho gia đình. Việc bà Trịnh Văn Bô và các con vào ở ngôi nhà này được cho là “bất hợp pháp” vì ngôi nhà vẫn do nhà nước quản lý. Ông Phan Diễn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khi đó cùng nhiều vị lãnh đạo khác cũng đã đến ngôi nhà này vận động và thuyết phục bà Trịnh Văn Bô nhận một ngôi nhà khác, giao lại ngôi nhà này cho nhà nước quản lý. Song bà Trịnh Văn Bô không chấp thuận. Đã có lúc có người đề xuất cắt điện, cắt nước ở ngôi nhà này như một biện pháp buộc bà Hoàng Thị Minh Hồ cùng các con phải rời khỏi ngôi nhà đang ở! Từ đó đến nay bà Hoàng Thị Minh Hồ cùng các con vẫn ở ngôi nhà này cho đến ngày 5-11- 2017, bà qua đời tại đây, thọ 104 tuổi.

Công lao của ông Trịnh Văn Bô, nhà tư sản dân tộc yêu nước, người đã hiến phần lớn tài sản cho cách mạng từ ngày đầu cách mạng thành công, trong đó có 5.147 lạng vàng và ngôi nhà 48 Hàng Ngang, người từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo cao nhất của Việt Nam tin cậy và quý trọng, người đã được tặng Huân chương Độc lập Hạng nhất, cùng vợ mình, bà Hoàng Thị Minh Hồ, xứng đáng được mọi người ghi nhận..

Còn ngôi nhà này, cho đến thời điểm hiện nay, nói theo ngôn ngữ bình dân, gia đình ông bà Trịnh Văn Bô vẫn chưa có “Sổ Đỏ”!

Nguồn: Lethieunhoncom
____________________


Chuyện chiếc tràng kỷ ở nhà cụ bà Trịnh Văn Bô

XUÂN BA (nhà báo)

Tin cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, quả phụ nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô qua đời ở tuổi 104 loang nhanh…

Ngồi buồn soát lại những tấm ảnh cũ chụp thời vẫn qua lại để viết bài về cụ bà Trịnh Văn Bô. Thời mà nhiều người ít nhắc đến công tích từng hiến hơn 5.000 lượng vàng cho cách mạng thời gian khó cùng việc hiến mấy ngôi nhà cũng cho cách mạng, trong đó có nhà 48 Hàng Ngang (nơi Cụ Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập). Người ta cũng chả mấy khi nhắc đến tên thật của cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ mà thường gọi là bà Trịnh Văn Bô.

Nhớ lần đến được hầu chuyện cụ Hoàng Minh Hồ ở nhà 34 Hoàng Diệu, ấy là năm cụ 92 tuổi còn khỏe mạnh mẫn tiệp. Ngó cụ da dẻ hồng hào, tóc trắng cước, áo lụa màu mỡ gà thư thái sải những bước khoan thai trong không khí u tịch có cảm giác cụ như dạng Lão Phật bà… Ấn tượng nữa là chất giọng cụ bà vang, vượng. Quả là nhất tướng nhị thanh. Ấy là cụ đang nhắc nhớ đến một kỷ vật của "Ông Cụ".





Cụ Hoàng Thị Minh Hồ tại nhà riêng, biệt thự 34 Hoàng Diệu, Hà Nội - Ảnh: Xuân Ba


Ngày 16.9.1945, "Ông Cụ" tức là Bác Hồ cho người đến nhà mời vợ chồng tôi lên Phủ Chủ tịch. Không biết là có việc gì? Đến nơi, thấy Ông Cụ đã ngồi đợi bên bộ bàn ghế mây. Cụ không ngồi một mình. Có cả các ông Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Trường Chinh.

Sau động thái ân cần hỏi thăm sức khỏe đến từng người trong nhà tôi, Cụ Hồ cười rồi chỉ vào một cặp ngà voi trên bàn bên cạnh và nói “Cách mạng tặng cô chú cặp ngà voi này, mong gia đình ta và cách mạng gắn bó, đoàn kết một khối vững chắc như cặp ngà voi đây”. Vợ chồng tôi rất bất ngờ nhưng rất vui vì món quà quý ấy. Chúng tôi mang cặp ngà về bày trang trọng ở phòng khách. Sau cũng được biết, đây là cặp ngà do ông Vũ Đình Huỳnh (thư ký riêng của Bác) mua ở phố Hàng Gai. Mua xong, ông còn mang cho thợ khắc lên đó hình ảnh một đàn voi theo lời dặn của Bác.

Cặp ngà ấy sau này đã có một số phận đặc biệt. Cứ như lời cụ bà thì khi gia đình ông bà vội vã tản cư khỏi Thủ đô năm 1946 thì trong những ngày Trung đoàn Thủ đô quyết tử giữ thành Hà Nội, có một nhóm chiến sĩ đã trụ lại ở nhà 48 Hàng Ngang. Trong một trận đánh ác liệt không cân xứng, trước khi rút để bảo toàn lực lượng, một chiến sĩ đã nhảo vào bê cặp ngà voi vì không muốn kỷ vật vô giá ấy rơi vào tay quân thù. Nhưng vừa ra đến cửa, chiến sĩ ấy bị trúng đạn hy sinh. Cặp ngà bị thất lạc từ đó.

Lại đang nói đến đoạn soát lại tập ảnh cũ tôi chụp. Một tấm ảnh rơi ra. Ảnh một chiếc tràng kỷ.

Nhớ những lần đến ngôi nhà 34 Hoàng Diệu. Nội thất đơn sơ với những đồ đạc, vật dụng tầm tầm. Nếu không có cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ giới thiệu thì tôi không để ý gì đến một chiếc tràng kỷ bằng gỗ gụ kê sát tường nơi cụ làm giường ngủ. Chiếc tràng kỷ đóng theo lối cổ nom khiêm nhường, thua xa kiểu cầu kỳ diêm dúa của các đại gia thời nay. Nhưng vẫn toát lên sang trọng bắt mắt mà không phải ai cũng nhìn ra?






Chiếc tràng kỷ, kỷ vật vô giá của ông bà Trịnh Văn Bô - Ảnh: Xuân Ba

Hóa ra đó là chiếc tràng kỷ mà cụ Hồ Chí Minh, thời gian tá túc ở ngôi nhà 48 Hàng Ngang của ông bà Trịnh Văn Bô sau khi từ chiến khu về thành đã từng dùng làm giường ngủ. Theo lời cụ bà, nhà 48 Hàng Ngang, giường chiếu bàn ghế vật dụng đủ cả nhưng nhiều khi mang trà nước, hoa quả lên cho Ông Cụ và những ông Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh… thấy cụ Hồ khi ngồi, khi phủ phục trên chiếc tràng kỷ mà viết lách gì đó.

Về sau, người nhà nước nói lại với gia đình bà, cũng chính trên chiếc tràng kỷ này cụ Hồ Chí Minh đã khởi thảo và hoàn chỉnh bản Tuyên ngôn độc lập công bố trước quốc dân đồng bào chiều 2.9.1945

Sau này yên hàn, khi quyết định hiến tặng ngôi nhà 48 Hàng Ngang và vật dụng để nhà nước làm nhà bảo tàng, cụ ông và cụ bà Trịnh Văn Bô đã giữ lại chiếc tràng kỷ này để có chút kỷ niệm về Ông Cụ. Nhưng các nhà chức việc không đồng ý nói là chiếc tràng kỷ và cũng là cái giường này đã thuộc về lịch sử! Sau, có lẽ trước thịnh tình của những con người đã từng hằng tâm hằng sản một lúc hiến hàng ngàn lượng vàng cho quốc gia và mối thiện cảm với Chủ tịch Hồ Chí Minh mà người nhà nước đã thuận theo ý cụ?







Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ và con cháu - Ảnh: Xuân Ba
Hình như cũng có sự nghĩ lại hay sao đó nên sau đấy có người nhà nước cũng đến nài cụ nhường lại chiếc tràng kỷ cho nhà bảo tàng 48 Hàng Ngang. Và sau này khi xây xong Bảo tàng Hồ Chí Minh, người ta cũng gợi ý là chủ nhà nên hiến nốt chiếc tràng kỷ. Nhưng cụ bà Hoàng Minh Hồ vẫn không đổi ý!

Chất giọng rành rọt của cụ bà buổi thăm ấy khiến tôi giật mình "tôi không đổi ý vì sau này nhỡ ra có bề nào thì nhà mình mất hết kỷ niệm về Ông Cụ"…

Tôi thoáng giật mình vì linh cảm của cụ bà đã đúng.

Một quá vãng buồn ập về. Cái "bề nào" ấy là thế này…

…Tháng 10.1987, ông cố vấn Trường Chinh có mời ông Trịnh Văn Bô (ông Trịnh Văn Bô mất năm 1990) và bà Hoàng Thị Minh Hồ lên gặp.

Hai ông bà nhân cuộc gặp thân mật này đã ngỏ ý cho phép gia đình được trở về sống tại nhà 34 Hoàng Diệu vì gia đình ông bà hiện đông các con, cháu, chắt. Cả bốn thế hệ cùng ở trong một ngôi nhà ở phố Nguyễn Gia Thiều. Nhà 34 Hoàng Diệu, ông bà Trịnh Văn Bô cho thiếu tướng Hoàng Văn Thái mượn từ những ngày tiếp quản Thủ đô năm 1954 với thời hạn 2 năm (1954-1956), đến ngày Tổng tuyển cử đất nước thì trả. Sự việc này đã được các ông Trường Chinh, Lê Đức Thọ Phạm Văn Đồng xác nhận.







Cụ bà Hoàng Minh Hồ dự lễ 480 năm ngày mất của Thành tổ Triết vương Trịnh Tùng tại Văn Miếu (cụ ông Trịnh Văn Bô là trực hệ đời thứ 15 Chúa Trịnh Tùng) - Ảnh: X.B

Năm 1986 tướng Hoàng Văn Thái mất. Thời gian đó Bộ Quốc phòng xây nhà cho các tướng lĩnh tại khu tập thể Liễu Giai rộng rãi khang trang. Đây là khu biệt thự dành riêng cho các tướng lĩnh hàng đầu quân đội. Ngày 24.6.1988, ông Lê Đức Thọ gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh thông báo ý kiến của các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ về việc cả 3 ông nhất trí cho gia đình ông bà Trịnh Văn Bô cùng các con cái cháu chắt được về sống tại 34 Hoàng Diệu.

Ngày 19.12.1988, ông Lê Đức Thọ gửi thư cho gia đình ông bà Trịnh Văn Bô thông báo nội dung nói trên. Ông Lê Đức Thọ còn thay mặt Đảng chỉ thị cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh bố trí nhà ở cho đại tướng Hoàng Văn Thái sao cho thật tốt, sao cho xứng đáng với công lao của đại tướng. Sau đó bà quả phụ đại tướng Hoàng Văn Thái đã chuyển về khu Liễu Giai.

Ngày 1.6.1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tức Thủ tướng Chính phủ) Đỗ Mười phê chuẩn việc trả lại nhà 34 Hoàng Diệu cho ông bà Trịnh Văn Bô. Ngày 10.7.1990, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo cũng có ý kiến nhất trí việc trả nhà cho ông bà Bô.

Nhưng mãi đến năm 1993, gia đình bà Bô vẫn chưa nhận được nhà.





Cụ Hoàng Thị Minh Hồ - Ảnh: X.B
Cuối năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao cho Phó thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định trả nhà 34 Hoàng Diệu cho bà Bô.

Ngày 24.10.1994, có hẳn một cuộc họp giữa Bộ Quốc phòng, UBND thành phố Hà Nội và Sở Nhà đất thành phố Hà Nội quyết định trả nhà cho bà Bô.

Nhưng không hiểu sao sau cuộc họp đó gia đình bà Trịnh Văn Bô vẫn không nhận được nhà!?

Thời điểm ấy, phóng viên vài tờ báo (trong đó có người viết bài này) khi nhận được đơn thư của bà quả phụ Trịnh Văn Bô đã bức xúc trước điều kỳ quặc đến khó hiểu, rằng từng ấy cá nhân cùng cơ quan có trách nhiệm đã quyết định việc trả nhà 34 Hoàng Diệu cho gia đình bà Bô với ngần ấy chữ ký đầy quyền lực mà bà vẫn chưa có giấy tờ hợp pháp được đến ở nhà 34 Hoàng Diệu thuộc chủ quyền của mình!

Tôi và đồng nghiệp chỉ còn cái cách muôn thuở, cái công việc đằng sau mặt báo tẻ ngắt, vô thưởng vô phạt, và cũng là hèn, vô trách nhiệm nữa là "kính chuyển" những lá đơn của gia đình bà Bô đến các cơ quan có trách nhiệm!

Mãi cho đến 9 năm sau, phải 9 năm, bằng độ dài thời gian của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, gia đình bà quả phụ Trịnh Văn Bô mới được trở về ngôi nhà cũ của mình ở 34 Hoàng Diệu, với những giấy tờ về bằng khoán điền thổ của ngôi nhà mà gia đình bà đã mua từ trước năm 1945.

Nhưng ít ai biết rằng để vào được chính ngôi nhà của mình sau những dằng dặc chầu chực xin xỏ, một việc mạo hiểm và vô tiền khoáng hậu đã diễn ra. Anh con trai thứ của ông bà Trịnh Văn Bô là Trịnh Cần Chính (vốn là bạn chung của chúng tôi) chắc do quá bức xúc việc đòi nhà cứ phải chờ đợi dằng dặc… nên đã "liều". Chính đã chọn đúng đêm 10.10.2003, ngày "giải phóng Thủ đô" để làm cái việc… giải phóng cho nhà mình. Tầm 3 giờ sáng, Chính đã cõng mẹ vượt rào đột nhập vào chính nhà mình ở 34 Hoàng Diệu.





Cụ Hoàng Thị Minh Hồ - Ảnh: X.B
Cũng cần nói thêm, không hiểu sao ngay sáng hôm sau, một số tòa báo nhận được điện thoại (không biết ai gọi?) rằng các nhà báo hãy đến ngay nhà 34 Hoàng Diệu vì "có vụ nhảy dù chiếm nhà bất hợp pháp"…

Tôi và một số đồng nghiệp đến nơi thấy cụ bà Trịnh Văn Bô, cái can chống hờ đỡ một bên người, mái tóc cước rung rinh trong nắng sớm, cười hiền hậu giọng sang sảng: “Nào, mời các nhà báo lên nhà uống nước...”.

Các ký giả có mặt bữa đó đều phát hoảng. Hóa ra, người nhảy dù là bà cụ Bô mà bao nhiêu năm họ đã quá quen mặt!

Chúng tôi tíu tít theo chân cụ lên nhà chuyện vãn một hồi rồi giải tán... Bởi có việc chi mà phải hỏi han với lại cật vấn? Những tờ giấy có những chữ ký cùng các dấu mộc đầy quyền lực ghi rất rõ cái việc cụ là chủ sở hữu hợp pháp nhà 34 Hoàng Diệu này. Nhà cụ thì cụ cứ việc ở.

Chiếc tràng kỷ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nghỉ ngơi, từng rời nhà 48 Hàng Ngang theo chủ nhân về căn nhà chật chội ở phố Nguyễn Gia Thiều một thời gian dài. Và sau cùng là năm 2003 về lại 34 Hoàng Diệu.



Một góc khu biệt thự 34 Hoàng Diệu - Ảnh: X.B
Đã mấy lần lên 34 Hoàng Diệu gặp ông bạn Trịnh Cần Chính nhưng quên chưa kịp hỏi nhà 34 này đã có sổ đỏ chưa.

Và nữa làm hàng xóm với cụ Võ Đại tướng từ năm 2003, ông bạn mình đã có lần nào dắt mẹ sang nhà 36 Hoàng Diệu chơi? Hàng xóm đã đành. Nhưng có một thời đẹp hơn huyền thoại là "Anh Văn" từ chiến khu cùng cụ Hồ về Hà Nội đã từng lưu lại từ ngày 24.8 đến 27.9.1945 tại nhà 48 Hàng Ngang của cô chú Trịnh Văn Bô thân thương trong những ngày thu Hà thành lịch sử.





Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ và con cháu - Ảnh: Xuân Ba
… Không chỉ có tấm ảnh rơi ra. Còn một gói trà nhỏ nữa. Bữa thăm gặp và hầu chuyện cụ năm ấy, cuối buổi, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ mang ra một lọ trà. Cụ lui cui san ra một ấm, lấy một tờ lịch tường gói lại. Cụ đưa tôi bảo mang về mà uống. Rằng đây là thứ trà sen chính tay cụ tẩm ướp. Rằng cái thuở cụ Hồ và các ông lãnh đạo khi ở nhà 48 Hàng Ngang vẫn dùng thứ trà sen này.

Gói trà tròn một ấm một bình vẫn còn đây, mà Lão Phật Bà đã về cõi!

Xuân Ba

Theo Nguyễn Thông

Tìm kiếm Blog này