Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2018

Nghề nông cổ truyền (I)

NGHỀ NÔNG CỔ TRUYỀN VÙNG ĐẤT KHÁNH HÒA XƯA
NÔNG CỤ, VẬT DỤNG VÀ CÁCH SỬ DỤNG TRONG NGHỀ NÔNG CỔ TRUYỀN TẠI TỈNH KHÁNH HÒA XƯA
 
(Kỳ 1)
 
Những nông cụ cũng như các vật dụng dùng làm đất, gieo trồng, vận chuyển, chăm bón, thu hoạch, bảo quản nông sản của người nông dân trong tỉnh canh tác ruộng ngày xưa có những nông cụ, vật dụng khác với những nông cụ, vật dụng ngày nay. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện đại, phát triển, canh tác nông nghiệp đã chuyển sang cơ giới hóa, một số việc canh tác và cả thu hoạch, vận chuyển, một số nơi dùng máy móc, thay thế sức người, sức vật, sức kéo. Từ đó, một số các nông cụ, vật dụng người nông dân sử dụng từ xưa, khoảng hơn 100 năm nay, dần dần không được sử dụng nữa, nên sinh ra hư hao, mất mát, mai một theo thời gian, hiện nay tìm kiếm rất khó khăn, chỉ được tìm thấy trong sách báo tranh ảnh, trong các nhà bảo tàng Nhà nước, sưu tập của tư nhân hay trong các khu du lịch sinh thái phục hồi, làm mới lại...
Đa số các nông cụ xưa đều làm bằng tre, một số làm bằng gỗ (có nông cụ phải dùng loại danh mộc), bằng song mây to nhỏ, bằng sắt ...
Ở Khánh Hòa, tre mọc nhiều ven các sông lớn nhỏ trong tỉnh và cả ven đất, ven xóm nhà dân. Người dân trồng tre không những giữ đất hai bên sông đỡ sụp lở mà cây tre còn là vật liệu làm ra nhiều đồ dùng hàng ngày, dùng trang trí, xây cất ... Trong đó, nông cụ, vật dụng ngày xưa đa số từ tre mà hình thành nên.
 
Tre có thể dùng cả đoạn tre hay chẻ ra thành nan để đan (tiếng địa phương gọi là đương) các nông cụ, vật dụng. Tre được trồng ven sông suối, ven nhà là loại tre đồng. Còn tre tự mọc trên rừng gọi là tre rừngTre rừng có nhiều gai, nhánh dày, đan xen nhau, thấp hơn tre đồng. Loại tre rừng mọc hoang, phát triển nhanh, trải rộng thành đám, có khi chiếm cả ngọn đồi. Tre rừng đặc ruột, thân có đường kính trung bình từ 4 đến 6cm. Gốc tre rừng người ta thường dùng làm chuôi cán các nông cụ hay binh khí, như làm cán rựa, cán giáo mác, cây đỏi của cái cày … vì nó rất bền chắc. Nếu nó bị hơi cong, người ta dùng lửa hơ cho nóng đoạn cong đó rồi uốn lại cho thẳng. Người ta cũng dùng thân tre rừng có độ già để làm nhà hay trại có độ bền trăm năm, sau một thời gian ngâm tre dưới nước bùn để tránh mối mọt ăn sau này.
 
 

Ngâm tre để giữ được lâu
(Tranh Henri Orger)
 
Tre đồng còn gọi là tre nhà rất hữu dụng ở vùng nông thôn. Đa số những đồ gia dụng hay nông cụ đều làm bằng loại tre này. Tre đồng có 2 loại : tre đực và tre cáiTre đực rất chắc chắn, dùng làm thang hay cất nhà. Muốn có tre đực phải trồng nơi đất xấu, có diện tích hẹp, mục đích là để tre “suy dinh dưỡng”. Tre đực đặc ruột và nhỏ hơn tre cái, có đường kính từ 5 đến 7cm. Nếu tre đực không có ruột nhiều, vỏ tre mỏng thì không làm thang, làm nhà được mà dùng làm các nông cụ, đồ gia dụng. Tre cái có thân cây cao, có cây cao đến 10m, đường kính có cây cỡ  80 – 100cm, lóng tre dài từ 20 – 30cm. Người ta có thể dùng thân tre làm cán các nông cụ hay chẻ ra thành nan để đan các nông cụ, vật dụng. Mặt ngoài vỏ tre chẻ ra thành nan, gọi là nan cật. Ruột tre chẻ ra thành nan, gọi là nan ruột. Nan ruột không chắc cứng như nan cật. Các nông cụ thường được đan bằng nan cật. Kích cỡ nan (dài, ngắn, dày, mỏng) tùy theo vật dụng được đan. Nan phải được chuốt kỹ, đều bề ngang, không có chỗ dày chỗ mỏng gọi là nan suốt. Người lành nghề vót được nan hình lá hẹ, hai bên mép nan thì hơi mỏng, ở giữa thì dày hơn, mục đích để khi đan, các đường nan khít nhau hơn.
Việc dùng tre đan nan cũng được đưa vào câu hát địa phương :
 
Hồi nào bậu nói bậu đành
Bụi tre trước ngõ, bậu biểu (bảo) để dành đương (đan) nan
Bây giờ bậu nói bậu không
Tre kia ta biết đương (đan) nong cho ai nằm ?
 
Người ta cũng dùng nan tre vót mỏng để cột mạ.
Đan nan là dùng nan, cái dọc cái ngang mà gài với nhau. Đan đát là đan dùng nan lớn, đát dùng nan nhỏ để mà kềm nan lớn. Đát là đan cặp nan nhỏ, dùng nan nhỏ mà lên vành thúng mủng. Nan đát là nan nhỏ đối với nan đan là nan lớn. Nghề đan đát rất khó, đòi hỏi sự khéo tay, nhiều kinh nghiệm :
Liệu bề đát đặng thì đan
Đừng gầy rồi bỏ, thế gian chê cười.
Kỹ thuật đan nan tre có các kiểu đan khác nhau tùy theo vật dụng :
Đan long mốt, long hai, long ba, long tư …, long bối (có vùng gọi là nonglòng, lông) là kiểu đan cứ chặn một nan lại bắt một, chặn một nan lại bắt hai, chặn một nan lại bắt ba mà lần đi ... Khi đan đát xong, ta có tấm . Nếu đan nong nia, thúng mủng … thì ta đặt vành lên , tức là công việc lận vành. Lúc đó mê mới thành nong nia, thúng mủng … Tre lận vành không non không già. Vành được làm từ trước, cột sẵn, dùng miếng tre cuộn tròn lại, để vành vào và lận đứng, kẹp vành trong vành ngoài cho tròn trịa, rồi dùng dây mây cườm vành hay còn gọi là nức vành (nức thúng, nức mủng ...), tức là dùng dây mây niền vành, xỏ tréo quanh vành vào tấm đan ở miệng nong nia thúng mủng ... cho các nan tre khỏi sút và cho miệng nong nia, thúng mủng chắc cứng.
 
 
Kiểu đan tre (Tranh Henri Orger)
 

 
Thợ đan lát (Ảnh Internet)
 
 

 
Hàng bán bồ cót đan bằng tre ngày xưa (Ảnh Tư liệu)
 
Ngoài dùng nan tre để đan các nông nụ, người nông dân còn dùng nguyên cây tre để chế tác nông cụ, như làm đòn xóc, đòn gánh, cán cái bàn trang, cán gàu sòng, chân gàu sòng, cái bồ cạp đuổi chim, cái mỏ gảy trộn rơm rạ, cái trục xe cút kít ...v....v...
Về nông cụ cổ truyền Việt Nam, Ngô Đức Thịnh trong tác phẩm Tìm hiểu nông cụ cổ truyền Việt Nam (sđd) đã cho rằng là một đề tài quan trọng của bộ môn Dân tộc học và Văn hóa dân gian. “Các nhà Dân tộc học sẽ thấy được trong hệ thống nông cụ của mỗi dân tộc, mỗi địa phương những sắc thái tộc người và địa phương, sự biến đổi của nó trong tiến trình lịch sử dân tộc, trình độ và thói quen trong kỹ thuật nông nghiệp. Các nhà Phôncơlo học sẽ thấy được những tri thức và kinh nghiệm quý báu của người nông dân trong việc thích ứng với môi trường, trong sử dụng kỹ thuật để canh tác và sản xuất nông nghiệp, trong quan niệm thẩm mỹ và tính ích dụng của công cụ” (trang 7)
Tìm về và ghi chép lại những nông cụ, những vật dụng trong việc canh tác, thu hoạch, vận chuyển, bảo quản của nghề nông thời xưa trên vùng đất Khánh Hòa là góp phần cho những thế hệ ngày nay và ngày sau có thể hiểu biết về một thời cha ông ta đã sử dụng những nông cụ gì để làm ra những hạt lúa hạt gạo nuôi sống chúng ta, góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, của đất nước.
 
I. NHỮNG LOẠI NÔNG CỤ DÙNG LÀM ĐẤT VÀ DÙNG TRONG GIEO TRỒNG 
 
1/ Cái cày : 
Cái cày là biểu hiện của nền văn minh lúa nước. Cái cày xuất hiện đánh dấu một bước ngoặt của nghề trồng trọt, giải phóng phần nào sức lực con người, năng suất cây trồng lên cao. Cày xuất hiện cũng là thời điểm con người dùng sức kéo của con vật trong việc sản xuất nông nghiệp, đó là dùng con trâu, con bò. Ở các nước Tây phương sức kéo thường là con ngựa. Sức lực của người nông dân trong việc cày ruộng đổ ra rất nhiều so với việc dùng cuốc, dùng mai nên con người phải dùng con trâu con bò phụ giúp,
Cái cày của người nông dân ngày xưa ở trong tỉnh sử dụng còn đơn sơ lắm, hầu hết đều làm bằng gỗ, chỉ có cái lưỡi cày là làm bằng sắt. Cái cày là một công cụ dùng để xới đất, lật lớp đất lên trước khi trồng trọt. Cái cày được kéo bằng trâu hay bò, kéo với 1 con hay 2 con.
Cái cày có hình dáng khác nhau cho phù hợp với thổ nhưỡng từng địa phương. Do đó, cái cày miền Bắc khác với cái cày miền Trung, miền Nam. Vùng đồng bằng Bắc bộ có cày chìa vôi, còn cái cày ở miền Trung như nông dân ngày xưa dùng trong tỉnh Khánh Hòa có hai loại : cày náng và cày đỏi khác với cái cày miền Bắc.
a) Cày náng, còn gọi là cày nốngcày ống. Cày này chỉ cày đất khô trên đất thổ, không dùng cày ruộng nước. Cày náng hiện nay tại Khánh Hoà không ai dùng nữa nên mất hẳn dấu tích.
Cày náng gồm có : chuôi cày, mỏ cày, trạnh cày và náng cày.
Chuôi cày (miền Bắc gọi là tay cày) là để người cày cầm nắm điều khiển cả cái cày khi được trâu hay bò kéo, phần dưới là mỏ cày. Trong khi đó, ở các nơi khác ngoài tỉnh, chuôi cày và mỏ cày (để móc lưỡi cày và trạnh cày) được gắn ghép lại từ các đoạn khác nhau. Chuôi cày náng được chọn từ một cành cây lớn thuộc loại danh mộc, như ké, muồng, căm xe… có hình dáng hơi giống chữ Z, nhưng không gấp khúc mà hơi cong. Sau đó, người ta đẽo nhỏ lại, phần trên là chuôi cày, nối liền với phần dưới là mỏ cày.
Mỏ cày (miền Bắc gọi là mõm cày) có độ thẳng nằm liền với mặt đất. Phần đầu của mỏ cày đẽo nhọn giống hình cái bắp chuối chẻ hai, gắn vào một lưỡi cày được đúc bằng gang, mặt trước có hình lòng chảo, cạn dần về phía mũi, mặt sau được cấu tạo mộng để tra phần mỏ cày vào. Trên thân lưỡi cày có khoan mấy lỗ để bắt vít cố định vào mỏ cày. Lưỡi cày có nhiệm vụ lật lớp đất khỏi nền. Có lưỡi cày hình thang và hình mũi đục
Trạnh cày (miền Bắc gọi là diệp cày) trên lưng mỏ cày, cũng đẽo bằng gỗ, hình thang, có tạo cái chốt gắn chặt vào mỏ cày và có thể tháo mở ra thay thế được. Trạnh cày có nhiệm vụ khi cày gạt nhát đất về một phía của luống cày.
Náng cày (miền Bắc gọi là láng cày) giữ cho mỏ cày và bắp cày ở trong cái thế vững chắc. Náng cày là một đoạn cây to bằng bắp tay, dài hơn 2,5m, rất thẳng, thuộc loại danh mộc để có độ bền lâu, được gắn vào phía dưới chuôi cày cách khoảng 0,3m, thẳng đường song song với mỏ cày về phía trước. Ngay chỗ trạnh cày có một cây nọc thẳng đứng xuyên qua náng cày bằng một cái lỗ, bên trên có đóng chốt để náng cày và mỏ cày vững chắc liền nhau. Chính cái trạnh cày được giữ vững trên sóng lưng mỏ cày là nhờ kết tựa thêm vào cây nọc này.
Cuối đầu trước của náng cày, phía dưới có tra một cái móc nài để cột vào sợi dây nài nối liền cái quải  (cái ách) cho trâu hay bò kéo đi.
Cày đất thổ trồng hoa màu phụ, ngoài cày náng ra, còn có cày nống hay cày ống. Hình dáng cày này cũng giống cày náng, chỉ khác náng cày không gắn cố định vào mỏ cày, mà có thể đưa cây náng lên cao hay xuống thấp hơn tùy theo thế đất.
b) Cày đỏi dùng để cày trên ruộng nước, không thể dùng cày náng được
 

Cày đỏi (Ảnh VTD)
 
Cày đỏi gồm có :
- Mỏ cày : Mỏ cày đỏi có hình dáng giống mỏ cày náng, chỉ khác là phần dưới chuôi cày được đẻo phình to hơn. Cày đỏi không có cây náng dài để gắn luôn vào cái quải mà chỉ có cái bắp cày nhỏ hơn bắp chân, hình dẹp, gắn rất chặt vào cái lỗ hình khối chữ nhật ngay chỗ phần chuôi cày được đẽo phình to như nói ở trên.
Để bắp cày có thể lấy ra hay sửa chữa, ngay lỗ tra bắp cày đóng vào một cái mộng (cái chốt) bằng gỗ. Mộng này vừa giữ chặt bắp cày, vừa lấy bắp cày ra dễ dàng bằng cách tháo mộng ra.

(Hình trích trong Tìm hiểu văn hóa Vĩnh Long, sđd, trang 58)
 
- Lưỡi cày đúc bằng gang, được gắn vào mỏ cày.
- Trước năm 1960 trạnh cày được đẽo bằng gỗ, thường bị mục, hư hỏng sau 5 - 6 mùa cày. Những năm trở về sau, trạnh cày được cải tiến, chế tạo bằng gang và sau đó các bộ phận cái cày cũng được chế tạo bằng sắt cho đến ngày nay. Những chiếc cày gỗ ngày xưa đã không còn dấu tích.
Cây đỏi : Khi bắt đôi trâu xuống ruộng cày, người ta dùng một dụng cụ nối liền cái cày với cái quải tròng lên cổ đôi trâu, đó là cây đỏi. Cây đỏi dài khoảng 1,5m, làm bằng cây tre đực thật già, đặc ruột, to hơn cán cuốc, hai đầu có tra 2 cái chốt, gọi là con sẻ. Hai đầu cây đỏi nối với cày và bộ quải là 2 cái dây nài. Dây nài được bện xoắn lại bằng mảnh tre cật. Cây đỏi đong đưa như chiếc võng để dễ dàng điều khiển đôi trâu và cái cày khi cày quanh góc ruộng. Cây đỏi đặt vô tháo ra dễ dàng vào sợi dây nài. Nhờ vậy, ngày xưa, người nông dân đang cày ruộng gần núi thấy cọp xuất hiện, cây đỏi trở thành vũ khí tự vệ cho người nông dân. Hay khi có cướp xông vào làng, cây đỏi cũng là một thứ vũ khí chống cướp.
 

CÁC LOẠI CÀY TRUNG BỘ VIỆT NAM

2/ Cái quải : Cái quải là tiếng địa phương, đó là cái ách, cái vai cày như nhiều vùng khác thường gọi. Cái quải là một khúc gỗ hơi uốn cong mắc lên cổ trâu bò để chúng kéo cái cày, cái bừa và cả kéo xe. Cái quải có hai loại : quải đơn dành cho riêng 1 con trâu hay 1 con bò cày bừa và quải đôi dành cho 2 con trâu hay 2 con bò cày bừa.                   
 
Cái quải đôi (Ảnh: VTD)
Ngày trước, nông dân trong tỉnh cày bằng trâu hay bò đôi, không cày một con như ở các tỉnh khác. Do đó phải đẽo quải đôi để mắc lên hai cổ đôi trâu, bò. Hình dáng cái quải đôi tựa như cánh cò đang dang cánh bay. Cuối hai đầu cái quải tra thêm một đoạn cây dài, thẳng xuống khoảng 0,5m to bằng cán rựa gọi là cây ống, giữ cổ 2 con trâu đứng kề sát nhau. Lại thêm một sợi dây ống đánh xoắn lại làm bằng dây rừng, choàng phía dưới cổ của mỗi con trâu. Hai đầu sợi dây ống móc vào 2 cái chốt bên trên cái quải. Khi đôi trâu hay bò bị mắc đứng chung trong cái quải thì chỉ ra sức kéo cày chứ không thể di chuyển tự do được.
Nông dân trong tỉnh thường cày đôi. Đó là vì người nông dân rất thương, rất quý trọng con trâu, con trâu là đầu cơ nghiệp, không nỡ để nó cày một mình, đỡ cái quải nặng nề trên cổ. Nhà nào chỉ có một con trâu hay một con bò, họ không cày bằng cái quải chiếc mà đi thuê mướn hay lấy công đổi việc trâu, bò của ai đó để cày với con trâu, con bò của mình bằng cái quải đôi.
3/ Dây ống và dây nài :
Dây ống là một sợi dây, một đầu gắn liền với đầu phía ngoài của cái quải. Một cái quải đôi luôn có 2 đoạn dây ống ở hai bên. Dây ốngđược dùng bằng một sợi dây nho rừng gấp đôi lại xoắn chặt vào nhau thành một đoạn dài hơn 1m. Dây ống không thể dùng những mảnh cật tre chẻ mỏng giùn xoắn lại với nhau, vì làm bằng tre dễ bị mục, giòn khi sử dụng. Người ta tìm những sợi dây nho rừng trên núi, có đặc tính dẻo dai, làm dây ống rất tốt, có thể dùng 6 - 7 năm. Người ta tìm những sợi dây nho rừng dài, suôn, to hơn đầu ngón tay cái, gọt cắt sạch những nhánh nhỏ. Sau đó, người ta gấp đôi sợi lại, dùng chân đạp thật chặt ở chỗ gấp đó. Dùng hai tay vặn dây xoắn lại, chiều dài sao cho đủ bao choàng cổ trâu vào cái quải. Người ta có thể làm nhiều sợi dây ống dự bị thay thế, treo phía trên bếp, khi cần lấy ra dùng.
Công dụng của dây ống là để bao dưới cổ con trâu cày, hai đầu dây móc vào hai cái chốt ở trên cái quải của mỗi bên. Đầu dây ống bên ngoài gắn kết luôn vào đầu quải phía ngoài, còn đầu dây ống bên trong chỉ để móc vào chốt khi bắc trâu cày và mở ra khi trâu cày xong. Nhờ có dây ống kèm cổ phía ngoài của mỗi đầu quải và được bao thêm cái dây ống từ dưới cổ trâu vòng lên, do đó, khi đôi trâu đã bị mắc vào cái quải để kéo cày, hay khi mắc quải vào mà chưa mắc vào cái cày thì chúng không thể tách rời đi riêng ra được. Kiểu như :
Gái có chồng như chung tròng vào ống quải
Chồng đâu vợ đó, nào dám cãi đi riêng…
Dây nài là một vòng tròn làm bằng dây rừng hay nan cật cây tre, đánh xoắn như dây ống nhưng liền mối. Dây nài dùng để nối liền nơi giữa cái quải với đầu cây đỏi ở phía trước và nối liền đầu cây đỏi phía sau với cái cày.
4/ Cái bừa :
Cái bừa là nông cụ dùng để làm nhỏ, tơi xốp đất, làm nhuyễn đất thành một lớp đất bùn nhão ở ruộng nước, san phẳng mặt ruộng, làm gốc rạ xác  cỏ dìm xuống bùn sau khi ruộng được cày, và cũng được kéo bằng sức trâu hay bò. Trước khi gieo cấy hay sạ lúa, ruộng phải được bừa kỹ. Tùy theo đất ruộng mà bừa nhiều lần hay ít lần. Cái bừa hoạt động được trên đất thổ khô hay trên ruộng nước.
Người dân trong tỉnh đều dùng cái bừa có cùng một kiểu dáng, gọi là bừa răng.
 
Cái bừa răng  (Ảnh: Võ Khoa Châu)
Bừa răng gồm có các bộ phận : thân bừa, gọng bừa và răng bừa.
a) Thân bừa được chế tác từ gỗ thuộc loại danh mộc, có đường kính khoảng 6 - 7cm, chiều dài khoảng 1,2 – 1,5m, gáy cao khoảng 6 - 7cm, được bào chuốc bằng phẳng. Người điều khiển trâu bò bừa sẽ đứng trên thân bừa này. Phần trên có đục 2 cái lỗ có khoảng cách độ 0,7m để xỏ gọng bừa vào.
b) Gọng bừa hay cáng bừa là 2 cây tre đực già hay 2 cây rừng thật chắc gắn vào thân bừa. Đầu 2 cây gọng gắn kết vào thân bừa dang xa ra khoảng 0,7m. Phía trước 2 đầu cây gọng ghép sát lại và một cái chốt (con sẻ) tra vào xuyên qua giữ chắc giữa 2 gọng bừa và thân bừa. Giữa 2 gọng bừa cột thêm bằng sợi dây thừng khoảng 1m, để khi người điều khiển đứng lên thân bừa cầm sợi dây đó để giữ thăng bằng.
c) Mặt dưới của thân bừa là răng bừa. Răng bừa thường làm bằng gốc tre đực già cắm chặt cố định vào một số lỗ phân bố đều theo chiều dài của thân bừa, có khoảng cách đều nhau. Răng bừa có chiều dài khoảng 10cm. Có những vùng, răng bừa được làm bằng gỗ hay bằng sắt.
5/ Cái dọc : 
Nông cụ gắn liền với cái bừa gọi là cái dọc. Ngày nay cái dọc biến mất bóng dáng. Cái dọc đẽo bằng cây hình dáng tựa như một khối tam giác, nhưng ở đỉnh không nhọn. Giữa mặt cái dọc gần cạnh huyền người ta tra vào một đoạn cây săng hay cây tầm vông to bằng cán rựa, dài chừng 0,5m, gọi là cán dọc. Nông cụ này không sử dụng thường xuyên như cái cày hay cái bừa, thế nhưng bắt buộc mỗi nhà nông phải có. Công dụng của cái dọc là cột vào sau cái bừa để cắt rỗng làm đám “sướng mạ” (ruộng gieo mạ).
6/ Roi cày và roi bừa : 
Roi cày và roi bừa là hai loại roi để người nông dân đi cày và đi bừa đánh thúc trâu bò. Roi được làm bằng cây song mây. Cây song mây này thường được người Thượng trú ở gần núi đào lấy cả gốc đem xuống chợ đổi lấy muối, lấy chó … hay bán lấy tiền của người Kinh. Cây mây làm roi tốt là loại mây rắc to bằng ngón tay cái, phải đào lấy luôn gốc. Cây mây này phần thân và ngọn được dùng làm thân và gốc của roi. Phần ngọn roi được chắp nối bằng một cây mây nhỏ hơn ngón tay út, cũng phải đào lấy luôn gốc. Cây mây nhỏ chắp với thân roi cày, phần gốc cây mây phải chắp phía trên mút đầu roi cày, để khi đánh trâu bò lâu không bị dập. Sau đó, dùng dây mây chẻ nhỏ bó 2 đầu nối của roi cày cho đẹp. Cây roi cày phải dài trên 2m mới đánh tới lưng trâu khi cày ruộng.
Cây roi bừa thì có chiều dài ngắn hơn, chỉ cần dùng đoạn cây mây chắp ở ngọn roi cày là đủ, vì người đi bừa đứng trên thân bừa sát lưng trâu hơn khi điều khiển trâu cày.
7/ Cái phảng, cái rựa :
Cái phảng, tiếng gọi của miền Trung và miền Nam, còn miền Bắc và Bắc Trung Bộ gọi là cái phạng. Cái phảng có lưỡi dài hơn cái phạng, cán phảng ngắn hơn cán phạng, là dụng cụ dùng để phát cỏ, chặt cây bụi ... Riêng tại tỉnh Khánh Hòa nhiều vùng gọi là câymác vì mũi của nó giống mũi cây mác, là một thứ vũ khí thời xưa, lưỡi dài, rộng bản, mũi nhọn, cán dài.
Cái phảngcòn gọi là phảng phát bờdao phát bờrựa phát bờ. Cái phảng phát bờ và cái rựa có khác nhau về cái cán, khác nhau về cái lưỡi bằng sắt và khác nhau về công dụng. Cán phảng làm bằng cây săng hay cây tre đực nhỏ, dài khoảng 0,85m, cán rựa thì ngắn hơn, khoảng 0,4 – 0,5m. Lưỡi phảng rèn bằng thép giống như mũi mác, dài 30cm, khoảng giữa rộng 6cm, hai đầu lớn hơn. Trên lưỡi (sống lưng) hơi cong, dưới mỏng, bén. Mặt phảng là một mặt phẳng, đầu trước của lưỡi phảng, nhọn, đầu sau cắm tra vào cáng, được gắn chặt bằng 5 khoen sắt tròn và một khoen lớn, kèm theo một khoen phụ, gắn thật chặt vào phía trên cùng, áp sát với đuôi lưỡi phảng. Đường lưỡi không cần bén như dao rựa. Lưỡi rựa thì hình hơi cong.
Cái phảng cũng đã đi vào câu ca địa phương trong tỉnh :
 
Con cuốc lẻ đôi còn ngồi than khóc
Huống chi thiếp với chàng phân tóc lìa tơ
Cùng nhau vác phảng chém bờ
Hãy chém đường sống, lưỡi giơ lên trời.
 

Dùng phảng phát cỏ bờ
(Tranh Henri Orger)
Cái phảng chỉ dùng để phát cỏ bờ ruộng nước trước khi cày, nếu bờ ruộng khô, người ta dùng cuốc. Người cầm phảng đứng trên bờ ruộng chém vào bờ cỏ phải đi lùi, không đi tới. Cái phảng không dùng như cái rựa. Cái rựa dùng để chặt cây, bổ củi nhỏ, phát cây nhỏ trên rẫy, vót nan … Có khi, nếu diện tích ruộng nhỏ người ta có thể dùng rựa để phát cỏ bờ.
 

Cái rựa (Ảnh: NVB)
Cái phảng (cái mác) cũng là vũ khí trang bị cho nghĩa quân đánh Pháp thời Việt Minh khởi nghĩa (tháng 8 năm 1945) của nông dân trong tỉnh. Ngày nay, người ta ít dùng cái phảng trong công việc làm ruộng.
8/ Cái cuốc :
Có người cho rằng cái cuốc xuất hiện rất sớm trước khi nghề trồng trọt xuất hiện, được sử dụng trong nhiều công việc và phổ biến trên toàn thế giới. Cuốc là nông cụ dùng tay trong việc làm đất, trên ruộng khô, trong các loại hình vườn, có thể là vật tiêu biểu cho nghề làm vườn của nông dân ta. Trong Vân Đài loại ngữ (sđd) của Lê Quý Đôn có ghi lại cái cuốc, gọi là “ cái cược, là đồ làm ruộng; nông gia khai khẩn ruộng đất, dùng nó để phá hoang ruộng vườn, đồi núi; có thứ lớn, thứ nhỏ khác nhau, tổng danh là cược, mà tiếng nước nhà gọi là “cái cuốc” “ (trang 425).
Có hai loại cuốc : cuốc ta và cuốc tây.
Cuốc ta có hình bầu tròn như tai voi, dùng để cuốc đất mềm, làm sướng mạ hay cuốc cỏ trong vườn. Cuốc ta loại to gọi là cuốc bàn, cán làm bằng gỗ thuộc loại gỗ tốt, dài khoảng 1,5m tra họng ngang lưỡi cuốc. Lưỡi cuốc bằng sắt, hình dáng giống như lưỡi mai, rộng khoảng 20 – 22cm. Cuốc bàn dùng để vét rãnh khoai, đậu, khơi rãnh ruộng mạ. Cuốc bàn không dùng để cuốc ruộng, phát bờ … Công việc này người ta dùng cuốc tây, phân biệt với cuốc cha ông ta dùng trước đó là cuốc ta.
Cuốc tây có cán cuốc bằng một đoạn tre đực cứng chắc, dài khoảng 1,2 – 1,5m. Cán có nơi làm bằng gỗ. Lưỡi cuốc làm bằng sắt, hình chữ nhật, tùy theo sử dụng mà có độ to nhỏ khác nhau. Cán cuốc tra vào họng lồi ở khoảng giữa đốc cuốc và được nêm chặt lại. Cuốc tây có thể sử dụng ở các nơi đất cứng, đất rẫy.
 
 
Lưỡi cuốc (Ảnh: NVB)
9/ Bàn trang  :
Bàn trang có 2 loại : Bàn trang thóc và bàn trang mạTrang có nghĩa là bừa ra, cào ra cho đều, cho bằng phẳng mặt. Bàn trang là một nông cụ ngày trước làm bằng một miếng gỗ hình chữ nhật hay hình thang cân, rộng 19 - 20cm, dài 35 - 40cm. Ở giữa bàn trang, có một cái lỗ tròn để tra cán trang vào. Độ rộng cái lỗ vừa bằng độ to của cán bàn trang. Cán bàn trang làm bằng tre tươi, có độ lớn vừa cầm, dài khoảng 2m.
 

 Bàn trang thóc và vòng hái (Ảnh: VTD)
Bàn trang thóc dùng để cào thóc lúa, bắp đậu khi phơi trên sân gạch. Bàn trang mạ dùng để làm phẳng bề mặt ruộng gieo mạ sau khi đã bừa nhuyễn đất, còn dùng để đẩy bùn trên ruộng đã cày bừa xong, từ chỗ cao đến chỗ thấp cho ruộng bằng phẳng trước khi cấy.
 

 Nông dân dùng bàn trang thóc (Ảnh: NVB)
Ngày nay bàn trang mạ còn dùng, nhưng không làm bằng gỗ mà làm bằng miếng sắt được bán ở các cửa hàng.

NGÔ VĂN BAN  - VÕ TRIỀU DƯƠNG
Nguồn: Ninhhoatoday

Tìm kiếm Blog này