Tim thông tin blog này:

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2018

Nhớ lại một thời "hippie" tại Sài Gòn

1.Sự khởi đầu
Phong trào giới trẻ Sài Gòn với phong cách nổi loạn “HIPPY” một thời ,trong chồng báo cũ của gia đình, tôi tìm thấy tờ báo Xuân khá xưa, báo Xuân năm con Gà Kỷ Dậu 1969 khổ lớn với bìa có khuôn mặt tươi cười của nghệ sĩ Kim Loan, bài vở trong đó ít đặc sắc nhưng có một bài lý thú. Bài “Mùa xuân mười tám” của Hà Mai Lan trình bày dưới dạng hai bài nhật ký : Nhật ký của Mẹ và Nhật ký của con gái. Nhật ký của Mẹ kể về những ngày Tết 1943 ở Hà Nội. Trời rét xuân đất Bắc, cô con gái theo mẹ lên xe kéo ra chợ Đồng Xuân ngày hăm ba tháng Chạp vào buổi sáng sớm, trong lòng vẫn lo chợ hết món ngon để mua cúng ông Công ông Táo.
Về nhà, cả nhà xúm vào gói bánh chưng cùng với ngừơi bà con ở quê ra. Cô con gái cả ở nhà trông nom mọi việc, mua sắm cho em út. Phần nhật ký này trình bày một mùa xuân tuyệt đẹp trên đất Bắc rất gợi nhớ cho những người xa quê hương miền Bắc đã lâu, phần nhật ký cô con gái thì thể hiện một nếp nghĩ hiện đại của một cô gái tân thời trong xã hội Sài Gòn giữa cơn lốc hưởng thụ thời chiến tranh tao loạn. Cô gái mong đợi đến ngày mở tiệc bum – ban khiêu vũ Tết với đám bạn bè và lo mua sắm quần áo. Đám bạn cô thì đi mượn nhà để mở tiệc khiêu vũ. Cô phàn nàn là bị ông bố xé bức ảnh tứ quái Beatles treo ở phòng ngoài. Ông càu nhàu: “Ảnh ông bà cha mẹ không treo, lại rước cái thằng mủi lõ đầu bù ấy …” và cô chê ông bố là “quê” quá cỡ… Cô ra phố Bô – na chơi và gặp ông thầy, giờ đã chuyển xưng anh với cô. Cô gật đầu nhận lời vào thương xá Tax với ông và “thương hại cho túi tiền của lão vì mình chỉ mua có một hộp dầu thơm Essence và một ve Eau De Cologne”. Cuối cùng cô nhận lời tối mai đi phòng trà với thầy nhưng biết mình sẽ từ chối vì không thích đi với “lão gìa khằn đó”.


2.Phong trào “HIPPY” du nhập vào Sài Gòn
Từ năm 1969 đến đầu những năm 70, nhiều ngừơi thờ ơ với thời cuộc không biết vì sao ngoài đường phố Sài Gòn sao lắm hình ảnh hoa thế. Hoa được vẽ khắp nơi, trên áo, trên thân xe của giới trẻ như Suzuki, Vespa, xe hơi, dán cả trên mắt kính râm tròng lớn. Chỉ một dạng hoa duy nhất với nhụy tròn, bao quanh là những cánh hoa nhiều màu sặc sỡ cũng tròn như được kẻ compas. Ngừoi ta gọi đó là hoa hippy. Phong trào hippy của giới trẻ Mỹ, bắt nguồn từ thành phố San Francisco năm 1967, khi có gần 100,000 người tập trung cùng lúc tại đại hội Montery Pop để tạo ra một ý tưởng chống đối văn hóa và chính trị đương thời đã lan qua tận Châu Âu.

Bằng con đường y hệt của nhạc trẻ phương Tây, tức là đi theo sách báo và lính Mỹ, phong trào hippy lan qua Sài Gòn và các tỉnh miền nam như một thứ dịch. Hình ảnh bông hoa trên là hình tượng phổ biến của phong trào Hippy, “Flower Power” (Sức mạnh của hoa) mang tư tưởng chống chiến tranh Việt Nam, chống bom hạt nhân của giới trẻ Mỹ. Nó cũng tượng trưng sức mạnh hòa bình khi thể hiện hình ảnh bông hoa gắn trên đầu mũi súng. Cho dù có những triết lý khá tốt đẹp như vậy, phong trào này lại cổ vũ “ Make love not war”.
Khẩu hiệu này khiến giới trẻ theo phong trào sống khá thoải mái, bầy đàn và dính tới nạn hút chích, khi qua tới Việt Nam, phong trào hippy phản chiến còn lại gì?. Những năm đó, giới trẻ miền Nam đa phần lo lắng cho tương lai trên một đất nước đang có chiến tranh. Ngoài số thanh niên có lý tưởng cách mạng họat động tại chỗ hay ra chiến khu, đa số lo học hành, tránh bị bắt lính. Tuy nhiên, một bộ phận thanh niên khá giả, học trường tư thục, thích nhạc trẻ – như cô gái nói trên- đã tìm thấy ở phong trào hippy mới du nhập mặt triết lý sống khá hiện sinh, thoải mái, vui nhộn và nhiều cơ hội thể hiện cái tôi của mình. Vui nhất là được rủ nhau đi nhảy nhót và hát nhạc ngoại quốc. Nhiều thanh niên con nhà nghèo cũng đua đòi theo. Bắt chước một hiện tượng, dễ nhất là từ hình thức của nó. Hình ảnh của hoa hippy là một sự bắt đầu.
Một bài báo lúc ấy tường thuật về giới trẻ Sài Gòn : “Chiều thứ Bảy và Chủ Nhật thì phải ăn mặc thật gồ ghề để lên đường phố Sài Gòn trình diễn thời trang. Kiểu áo thịnh hành lúc đó là cổ áo giống như áo của ông râu kẽm (ám chỉ ông Kỳ), với cái cổ được đặt tên là A la Mao (áo kín cổ của Trung Hoa ngày nay). Ngoài ra có các kiểu như: Kiểu Kangouru (có nẹp dài từ trên vai xuống cừơm tay), Procol Harum (áo dài gần sát đầu gối, xẻ khá dài hai bên hông), Napoléon (cổ tay tua rua, trước ngực cũng tua rua ). Giày thì thịnh hành giày kiểu Torpedo, Bally giống như của khứa lão cách nay 20 năm (khoảng cuối thập niên 40) và quần kiểu cigarette từ trên xuống dưới thẳng như nhau…
Áo thì lằng nhằng đủ thứ…có cái váy may như quần xà lỏn, quần patte áo pull hoặc nguyên bộ patte. Giày dép có kiểu giày Cléopatre dây nhợ quấn chằng quấn chịt trông phát khiếp…mốt khác là mang dép cao su Nhật màu trắng, có cả mốt đi chân đất nhưng không thọ vì sợ bị sài uốn ván…”, cho dù đi nữa, trang phục phổ biến dễ nhận ra giới hippy nhất là quần jeans gấu bung tua rua mặc với áo sô mỏng, mắt kính gọng tròn kiểu John Lennon, con trai và con gái đều để tóc dài, tới vai hoặc hơn. Anh nào có râu rậm thì râu quai nón, băng buộc đầu, đeo chuỗi hạt tình yêu. Con gái diện váy dài và đeo vài thứ lằng nhằng như dân di – gan. Sau đó là ra đời kiểu cổ áo bà ba tà, nút áo được cài từ trên cổ xuống đến tận eo. Sau khi ca sĩ Mai Lệ Huyền bận mini jupe hát nhún nhảy trên truyền hình, đường phố Sài Gòn tràn ngập mini của các cô. Kế đến là kiểu áo dài vạt cực ngắn gọi là áo dài mini. 

3.Đại hội nhạc trẻ “WoodStock 1969” tại Sài Gòn 
Trước đó, phong trào nhạc trẻ đã phát triển tại miền Nam vào đầu thập niên 1960, qua sách báo, đĩa nhạc du nhập từ Pháp và rất thu hút giới trẻ đô thị, đặc biệt là giới hippy. Từ đó xuất hiện những thần tượng ca nhạc trẻ như Sylvie Vartan, Francoise Hardy, Christophe v.v…từ nước Pháp.
Tiếp nối ngay sau đó là sự nổi lên của các ca sĩ Việt Nam hát nhạc nước ngoài như Elvis Phương, Paolo, Jo Marcel, Thanh Lan .v.v… cùng với các ban nhạc trẻ như Les Vampires, Enterprise, The Peanuts, CBC, The Uptight, The Hammers, The Dreammers hoặc Les Fanatiques vv…Sau Đại hội nhạc trẻ Woodstock, đại hội của giới hippy, diễn ra trong 3 ngày tại New York năm 1969, vào tháng Tư, năm 1971 tại Sài Gòn đã diễn ra buổi đại hội nhạc trẻ ngoài trời đầu tiên ở VN tổ chức tại sân vận động Hoa Lư với gần 20 ngàn người và hơn 20 ban nhạc trẻ đến từ Hoa Kỳ, Phi Luật Tân, Úc Đại Lợi, Thái Lan, Đại Hàn, Mã Lai, Indonesia và nước chủ nhà, khi đã ăn mặc, giải trí khác lạ so với số đông, dân hippy đương nhiên cũng tạo dựng ngôn ngữ riêng và thích thú khi dùng chúng.
Lúc đầu nó phổ biến trong giới ăn chơi, dần dà lan ra ngòai xã hội vì bắt chước lời nói thì không tốn kém gì. Họ nói : Ghế (con gái), ghế tơ (con gái nhỏ tuổi), ghế linh (con gái đẹp), ghế mục (con gái xấu), Khứa lão (ông già lớn tuổi), khứa mục (đàn ông ngu đần không xài được), lặn đi khứa (Bỏ đi tám, tức là cho qua đi), cảo dựơc (hút thuốc lá), ghế cảo dược (con gái hút thuốc), mông tại (cóc có tiền)…và nhiều từ không tiện kể ra đây.
Dân hippy Sài Gòn, như những thân gỗ đã bị bật gốc gia đình, vẫn trôi lững lờ trên dòng xã hội đầy sôi động. Đa số còn rất trẻ, chán chường và lo lắng, đua đòi và thích hưởng thụ. Họ không tin vào xã hội đương thời, chỉ tin vào tuổi trẻ của mình và cho rằng “Trên ba chục tuổi thì hết là kẻ đáng tin!”. Một số ngừơi buông thả, vướng vào chích hút và tàn đời. Nhưng rất may, hầu hết đã quay lại cuộc sống thực tế, không tiếp tục thể hiện mình là “bất cần đời” nữa và quay lại trường học sau một mùa hè rong chơi, tu tỉnh, quên đi một thời “yêu cuồng, sống vội”. Lúc đó, trong mắt họ, hình ảnh gia đình và quê hương hiện rõ dần lên. Họ tỉnh lại, cách nay vài năm, tôi gặp lại chị Bích Đào, cựu nữ sinh trung học tư thục Hoài An ở Phú Nhuận, một hippy choai choai của Sài Gòn của năm 1970.
Lúc đó chị đi xe Suzuki xanh nước biển, jeans xanh bó sát với ống loe và gắn đầy hoa trên xe, túi xách và mắt kính. Ở tuổi gần sáu mươi, chị còn giữ được tính sôi nổi của một thời trẻ, thích nghe nhạc và từng cố gắng mua vé đi xem Bob Dylan hát ở RMIT mới đây. Chị bảo: Đó là một thời kỷ niệm, ngốc ngếch và ham vui của tuổi trẻ. Chị đã vui, nhưng may là biết thóat ra một phong trào hấp dẫn nhưng đầy bất trắc và cạm bẫy của ngừơi mới lớn. Dù sao, nó đã qua và chị mong con của chị có thể vượt qua được giống như vậy. Vì hiện tại, cuộc sống còn có gấp nhiều lần những cám dỗ tai hại đối với người trẻ…
Xin hết.


Nguồn: Saigonxu



__________

___________

Ảnh ST mốt hippy với quần pát:






Tìm kiếm Blog này