Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2018

Nghề nông cổ truyền (II)

II. NHỮNG NÔNG CỤ DÙNG TRONG VẬN CHUYỂN KHI GIEO TRỒNG, THU HOẠCH1/ Giỏ trạc mạ :
Giỏ trạc mạ không phải là cái bội ở Quảng Nam, Bình Định hay cái sọt ở phía Bắc. Về hình dáng và cách đan thì có giống nhau, nhưng cái bội ngắn hơn, chỉ bằng một nửa chiều cao của giỏ trạc mạ. Miệng cái bội lớn hơn đáy bội, thường người ta hay nhốt gà.
Giỏ trạc mạ đan bằng tre, cao khoảng 1m, đường kính trên miệng giỏ khoảng 0,7m, trên dưới có đường kính gần bằng nhau. Giỏ trạc mạ dùng để đựng mạ, gánh ra ruộng cho người cấy, sau khi ruộng đã được cày bừa xong. Vì phải đựng nhiều mạ, gánh nặng nên phần trên miệng giỏ trạc mạ người thợ đan phải cuốn vành thật dày để có độ bền chắc. Muốn cho vững chắc hơn, người ta còn bện thêm hai sợi dây quai vào hai bên đối diện miệng giỏ, nơi cây đòn gánh tra vào.
Giỏ trạc mạ còn dùng để đựng bắp, cỏ … gánh về nhà. Giỏ trạc mạ đi đôi với đòn gánh dành riêng cho giỏ.
2/ Gióng và đòn gánh : 
Chiếc gióng, đôi gióng (miền Bắc gọi là quang) là một vật dụng rất cần thiết  trong nghề nông. Đưa mạ, đưa phân bón ra đồng, đưa lúa từ ruộng về nhà, đưa gạo, ngũ cốc ra chợ, đi bán rong thức ăn thức uống … không thể không có đôi gióng và cái đòn gánh. Gióngđược làm bằng mây, và chỉ có mây thắt gióng thì gióng mới lâu bền. Tùy theo sử dụng gióng mà người ta dùng các loại mây khác nhau.Mây conmây nước chỉ dùng thắt những đôi gióng nhỏ, gánh những vật liệu nhẹ. Mây xà vuông dùng để thắt gióng gánh những vật liệu nặng như phân bón, bó lúa, gạch, đất … Mây to phải chẻ đôi, chẻ tư, chuốt sạch bớt một phần bụng sợi mây. Phần tết lại những sợi dây mây để tạo thành một hình chữ nhật có lỗ để xỏ đầu đòn gánh vào đòi hỏi phải có kỹ thuật và khéo tay. Gióng có loại gióng 6 mây dùng để gánh những vật nặng. Người ta cũng có thể dùng tre cật chẻ ra thắt gióng nhưng sử dụng không bền, để lâu dễ mốc, mục, gãy.
Gióng gồm có đế gióng và 4 hay 6 quai gióng ở 4 góc.
Đòn gánh có hai loại dành riêng cho đàn ông và đàn bà gánh. Đòn gánh dùng gốc tre thật già, to và dài, đẽo chuốc nên. Đòn gánh chỉ làm bằng cây tre, không làm bằng gỗ. Gỗ cứng, không uyển chuyển, không “mềm” nên không làm đòn gánh được. Đòn gánh làm bằng gỗ gánh rất đau vai. Đòn gánh làm bằng tre uyển chuyển hơn, hai đầu nặng của đòn gánh nhún nhảy hơn nên đỡ đau vai nhiều. Đòn gánh thường làm bằng tre đực bổ đôi, giữa đòn hơi dày để chịu sức nặng, hai đầu thon, hơi mỏng để dễ uyển chuyển. Đầu đòn gánh có mấu để giữ cho đầu gióng không di chuyển được, không vuột ra khỏi đòn gánh. Có khi ở đoạn giữa đòn gánh, người ta cặp thêm một đoạn tre ngắn để chịu được nhiều sức nặng hơn. Đòn gánh cho đàn ông gánh to, cứng và dài hơn đòn gánh dành cho đàn bà, người ít tuổi gánh, nó ngắn, mảnh, mềm mại hơn. Đòn gánh đàn ông có thể gánh được 150kg. Đòn gánh tùy loại để gánh mà có loại dáng cong ngửa lên hay úp xuống. Riêng đòn gánh gánh giỏ trạc mạ, nơi cuối hai đầu đòn gánh có xoi hai cái lỗ nhỏ và cột tòn ten hai cái chốt tre một đầu lớn một đầu nhỏ. Đó là cây nêm, khi tra đòn gánh vào đôi giỏ trạc mạ làm sao cho cái lỗ ở đòn gánh nằm ngoài giỏ, rồi lấy cái chốt tre đó cắm vào cái lỗ để giỏ khỏi tuột ra khỏi đòn gánh. Đòn gánh này được làm hai cỡ : cỡ loại lớn để gánh giỏ trạc mạ, lúa gạo nặng, cỡ loại nhỏ gánh bánh kẹo, chè … đi bán rong trong thôn xóm (Thiếp thà đòn gánh đôi quang / Bán buôn nuôi mẹ, chàng sang mặc chàng). Các người làm đòn gánh loại này đẽo chuốt thật mảnh mai, xinh xắn, thêm vài đường hoa văn khắc trên đòn gánh trông rất đẹp. Có một bài vè trẻ con thường hát về cây đòn gánh này được truyền khẩu trong dân gian :
Cút kít cò ke
Đi chợ bán me
Bỏ quên đòn gánh
Lấy bánh chồng ăn
Lấy khăn chồng bịt
Lấy thịt chồng nướng …
Hay :
Con gái lỡ thì như thịt heo nưa
Thịt heo nưa người ta gói bánh
Con gái lỡ thì như đòn gánh gãy hai.
 
 
        Quang mây (gióng) để gánh                 Gánh gạo (Tranh Henri Orger)
 
Đòn gánh ngoài sử dụng để gánh còn lót để ngồi nghỉ, hay khi cần thì là một thứ vũ khí :
Một lời nói, được quan tiền tấm bánh
Một lời nói, bị  đòn gánh phang nghiêng.
Trong Vân Đài loại ngữ (sđd), tác giả Lê Quý Đôn đã mô tả cái đòn gánh thời xa xưa đó như sau : “ Các đòn gánh lúa dài 3 thước 5 tấc, chẻ tre, vót bẹt mà làm thành, gọi là đòn mềm; lại có thứ đòn tròn, đẵn tre làm, đẽo vạt hai đầu cho nhọn, gọi là đòn xóc (xọc vàp bó lúa mà gánh). Đòn bẹt mềm để gánh đồ vật, còn tròn để gánh lúa, củi; tục nước ta gọi là “đòn gánh” (trang 426).
Để gánh những vật tuy nhẹ nhưng cồng kềnh, người ta dùng chiếc đòn càn (Lê Quý Đôn ghi là đòn xóc), làm bằng đoạn tre cứng để nguyên, hai đầu vót nhọn. Khi gánh bó lúa, bó rơm rạ hay bó củi, người ta xuyên hai mũi nhọn đòn càn vào các bó đó để gánh.                
 

            Xóc đòn càn lúa                 Gánh lúa bằng đòn càn (Tranh Henri Orger)
3/ Đôi chàng :            
Đôi chàng là tên gọi một vật dụng là đôi gióng, nhưng không phải đôi gióng miêu tả ở trên về chất liệu cũng như về công dụng. Người nông dân không thể dùng đôi gióng miêu tả ở trên để gánh lúa thóc nặng, gánh rơm rạ, củi, gánh bao gai bao lác chứa lúa ... Để gánh những thứ trên cần đôi chàng chắc chắn, chịu được sức chuyên chở nặng. Chàng làm bằng mây hay còn  làm bằng tre. Chàng gồm có 2 bộ phận kết nối nhau : cong chàng và đáy chàng.
Đôi chàng làm bằng mây : Làm cong chàng phải dùng loại mây xà vuông trên rừng mới chắc chắn. Lựa sợi mây lớn có đường kính hơn 1cm, dài 2m. Sợi mây này được uốn cong thành hình chữ U, dùng dây cùm lại ở hai đầu. Việc uốn cong sợi mây dễ bị gãy ở đoạn giữa. Do đó, khi uốn cong sợi mây, cần đưa đoạn giữa sợi mây hơ trên rơm rạ cháy, được đốt cháy với ngọn lửa nhỏ, chỉ cần có sức nóng. Nhờ sức nóng, sợi mây trở nên mềm dẻo hơn, dễ uốn cong hơn. Nếu hơ trên ngọn lửa cháy to, sức nóng cao độ, thì tại chỗ hơ, mây sẽ bị cháy sém nhiều, khi uốn cong dễ bị gãy.
Cuối hai đầu cong chàng, cách đầu sợi mây 1cm, dùi 2 cái lỗ nhỏ có lỗ xỏ sợi dây mây nhỏ vót mảnh hay dây thép để cột vào đáy chàng. Đáy chàng thường dùng những sợi tre vót nhỏ bằng chiếc đũa quấn xoắn nhau, tạo thành một hình tròn có đường kính hơn 20cm. Đáy chàng sở dĩ dùng sợi tre vì sợi tre có độ nhám, khi cột hai đầu cong chàng vào sẽ ít bị xê dịch khi gánh.
Đôi chàng làm bằng mây sẽ dùng được lâu bền, trên 3 – 4 năm.
Đôi chàng làm bằng tre : Làm cong chàng bằng gốc tre già. Tre được vót thành đoạn dài 2m. Khi vót ở 2 đầu cong chàng, người ta vót lớn hơn phần trên và làm một cái khất để có điểm cho sợi dây thép hay dây mây cột bịn vào đáy chàng khỏi tuột ra. Chàng làm bằng tre dùng mau hư, gãy, nên thường làm dự trữ, khi gãy hư, có dùng ngay. Sở dĩ nông dân không làm chàng bằng mây để dùng vì mây khó kiếm, giá thành đắt hơn. Người ta dùng mây thường mua ở những người dân tộc trên vùng núi mang xuống đồng bằng bán, đổi lấy gạo muối.
Muốn đôi chàng dùng lâu bền, không bị mối mọt ăn, người ta tháo cong chàng và đáy chàng gác lên trên gác bếp. Khói bếp không những trừ khử được mối mọt mà còn làm cho cong chàng thêm độ dẻo bền.
 

ĐÔI CHÀNG (Tranh Henri Orger)
Nơi hai đầu cong của cong chàng, người ta dùng một sợi dây vải dài 4 tấc bện xoắn, dùng để cột tóm 2 cong chàng lại với nhau sau khi chất lúa hay bao lên trên đáy chàng.
4/ Bao lác, bao gai :
Để đựng lúa chuyển đi, ngày trước nông dân thường dùng bao lác, bao gai. Bao lác được đan bằng cây lác (cói), đáy bao rộng hơn miệng bao, thường bán ở các chợ. Một bao lác đựng được 2 giạ rưỡi lúa (22,5kg).
Bao gai còn gọi là bao tảibao bố bao dệt bằng sợi đay hay dứa gai, đựng được 40kg lúa. Sau này, thời Pháp thuộc có bao đựng được 100kg, thường gọi là bao tạ sọc chỉ xanh.
5/ Xe cút kít : 
Loại xe này ngày xưa người dân trong tỉnh gọi là “thổ xa”, xe chở đất, tiếng nôm na gọi là xe cút kít, vì khi đẩy xe đi, thường có tiếng kêu cút kít, là tiếng cọ xát của các bộ phận ở xe. Dân vùng Diên Khánh còn gọi là xe bồ ệt. Những nông dân nghèo, không có ruộng, kết thành một nhóm (gọi là bầu) chuyên làm thuê vỡ ruộng, dùng xe này làm phương tiện, gọi là “nậu thổ xa”. Xe này cũng có một số ít nhà nông dân sắm ra để dùng trong việc cải tạo mặt bằng đám ruộng hay đổ đất làm nền nhà.
 

XE CÚT KÍT NGÀY XƯA (Ảnh tư liệu)

 
Cấu tạo xe cút kít gồm một cái bánh xe bằng gỗ có đường kính 0,6m, dày 0,1m, trung điểm bánh xe có một cái lỗ tròn có đường kính 2cm để cho một cây trục xuyên qua. Người ta làm một cái sườn bằng tre, gồm có 2 đoạn tre dài hơn 1m gọi là càng xe, một bộ phận dùng làm chỗ cầm để kéo hay đẩy xe. Đầu trước của 2 cái càng đặt gần nhau khoảng 0,1m, hai đầu sau cách nhau 0,6m. Để cho 2 càng xe vững chắc, người ta đóng ngang qua 3 thanh tre, một thanh ở trước đầu cáng, cách 0,3m đóng qua ngang qua thanh thứ hai và lùi ra sau 0,3m đóng ngang thanh thứ ba. Khoảng trống giữa 2 thanh thứ 2 và thứ 3, ngang qua 2 càng xe, người ta đặt lên một cái kylớn để đựng đất, đá. Người ta còn đóng vào 2 cái càng cách đầu sau 0,2m hai chân xe cao khoảng 0,6m để chống đỡ xe khi xe không di chuyển.
Người ta dùng đoạn tre già dài khoảng 0,35m, đào lấy luôn phần gốc ở dưới đất (gọi là cù tre), chẻ ra thành 2 phần đều nhau, gọt sạch rễ tre ở phần cù tre và vót bào cho trơn láng. Ngay giữa mỗi cù tre đục một cái lỗ to bằng ngón tay cái để tra vào bánh xe làm trục cốt. Trục cốt đục lỗ ở cù tre sẽ không bị nứt ra. Hai mảnh tre có cù tre này tiếng địa phương gọi là cái càng mỏ. Đầu trên của càng mỏ đóng vào phía trước của đầu càng xe mỗi bên. Đầu 2 cù tre dưới ở vị trí 2 bên tâm của bánh xe. Dùng một cây tròn thật chắc nhỏ hơn lỗ tâm bánh xe xuyên qua và đóng chặt, chịu vào 2 lỗ phía dưới càng mỏ ở hai bên. Thế là hình thành một cái xe cút kít.
Người ta thường đặt cái ky trên xe cút kít, chứa đất đá chuyển đi. Hai càng xe ở phía sau, gần chỗ tay nắm, người ta còn cột vào một sợi dây gánh phụ, tròng lên vai người đẩy xe đất khi xe di chuyển, đỡ gánh nặng cho đôi tay.
Khi đổ đất ra khỏi ky, người đẩy xe dùng một chân đạp vào bánh xe, giữ yên bánh xe không chạy lui, rồi nâng cao 2 càng xe lên, đất trong ky sẽ đổ chài ra phía trước.
Tại một số làng xã trong tỉnh, “nậu thổ xa” có một Trưởng nậu. Anh này có nhiệm vụ đi lãnh công trình để làm, như chở đất đắp nền, đắp đường, lấp ao, san bằng ruộng …thường gọi là anh “bầu đất”. Chức vụ này cũng có người lộ ra những mánh lới ăn riêng nên mọi người trong nậu rất bất bình, đặt ra câu vè :
Lạy trời mưa suốt mười ngày
(Để) Thổ xa “bầu đất” ăn mày chợ Dinh
Mưa suốt mười ngày thì đất đai trong làng xã ngập cả nước, dân “nậu thổ xa” có đất đâu mà chuyên chở, có nước giải nghệ, chịu đói.
 

XE CÚT KÍT NGÀY NAY (Ảnh NVB)
Sau năm 1975, xe cút kít được gọi là xe cải tiến như cách gọi của miền Bắc và đã được dùng một thời gian. Đến nay, xe cút kít từ thuở xa xưa khó mà tìm thấy, chỉ thấy xe có bánh xe bằng cao su, cái ky làm bằng sắt, dùng trong xây dựng nhà, chở cát, đá, gạch, hồ ... đổ lên nền nhà cho thợ xây, tô, làm nền ...(xem ảnh)
6/ Xe trâu :                 
Năm sáu chục năm trước đây người nông dân trong tỉnh thường nuôi trâu để kéo cày bừa và kéo xe, kéo gỗ súc trên rừng. Họ không nuôi bò để kéo xe nên chỉ có xe trâu, không có xe bò. Sở dĩ dùng trâu để kéo xe do sức trâu mạnh hơn sức bò. Kéo gỗ súc trên rừng chỉ có trâu mới kéo nỗi. Câu yếu trâu cũng mạnh hơn bò là thế. Lẽ nữa, ngày xưa rừng núi Khánh Hòa nhiều cọp (cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận hay cọp Ninh Hòa, ma Đồng Cháy), con trâu vào rừng nhờ sức mạnh và cặp sừng bén nhọn nên cọp rất kinh sợ, chứ con bò vào rừng chỉ làm mồi cho chúa Sơn lâm.
Xe trâu ngày xưa được kéo bằng hai con trâu đực. Mẫu mã của xe trâu ngày xưa cũng giống như xe bò kéo 1 hay 2 con ngày nay, chỉ khác là xe trâu trước đây bánh xe làm bằng gỗ có vành lớn.
Bánh xe trâu hình tròn, có đường kính khoảng 1,3m, gồm có các bộ phận sau :
Vành đai bao bọc bên ngoài vành tròn gỗ làm bằng sắt để bảo vệ chiếc bánh gỗ không bị mòn. Vành tròn sắt này thợ rèn làm dày 1cm, nhưng phải hẹp hơn vành gỗ bánh xe 3mm. Nung vành sắt ấy cho đỏ lên, vành sắt sẽ nở rộng hơn vành bánh gỗ vài ba milimet. Trong khi nung đỏ vành sắt thì bánh xe gỗ được ngâm dưới nước. Khi vành sắt nung đỏ, đặt xuống đất, người ta đem vành gỗ lên đặt bên trong vành sắt. Nhờ gỗ ướt nên vành sắt nung không làm cháy bánh xe gỗ. Người ta xúm vào đổ nước liên tục lên vành sắt. Vành đai sắt nguội dần, rồi từ từ rút lại, bao bọc chặt vào bánh xe gỗ.
Vành gỗ bên trong được ráp nối lại bằng những miếng gỗ hình hơi vòng cung thành một vòng tròn lớn. Chính giữa bánh xe có cái trụclớn làm bằng gỗ căm xe, đẽo gọt lồi ra hai đầu. Chính giữa trục có một lỗ vuông được lắp ghép vào đó một khung sắt dày tạo thành một lỗ tròn, một cây đà bằng sắt thông qua hai lỗ hai bánh xe nối hai bánh hai bên lại với nhau. Nối liền giữa vành tròn bánh xe và cái trục ở giữa là những cái nan bằng gỗ, âm mộng vào rất chắc chắn, cách đều nhau để chống đỡ bánh xe.
Phía ngoài hai đầu cây đà sắt xuyên qua hai bánh xe, người ta đục một cái lỗ nhỏ, xỏ xuyên qua một cây sắt nhỏ coi như chốt lại để bánh xe khi di chuyển không rơi ra khỏi cây đà sắt.
Các bộ phận như cái quải (cái ách), dây ống kéo hai con trâu … giống như cái quải, dây ống ở cái cày.
Mỗi xe trâu phải có một cặp tó. Công dụng của  là để chống đỡ đầu gọng trước của xe lên cho khỏi nặng cổ trâu, khi xe không di chuyển. Cặp tó cao khoảng 1,2m, hai đầu tó được nối liền bằng nhau bằng đoạn dây lòi tói (dây xích sắt hay dây chão lớn thường để buộc tàu thuyền) dài 0,4m. Khi chống tói cho đôi trâu đứng nghỉ, hai chân tó dang ra và đoạn lòi tói bao ôm đỡ lên đầu cây gọng. Đứng như chống tó như người dân quê trong tỉnh nói là để ví von với một người đứng tay chống vào một cái cây, một chân co lên vắt ngang qua chân bên kia, đó là dáng đứng của những người buồn phiền, nghĩ ngợi bận tâm về một chuyện gì đó.

XE TRÂU XƯA VÀ  NAY

7/ Cái ky : 
Cái ky là một vật dụng để đựng các vật thô như đất, đá, phân trâu bò khô … Ky được đan bàn nan tre, nhưng không cần vót nan, chẻ đan, chỉ cần đem thui lên lửa ngọn cho cháy sạch các râu ria là đan được. Ky có vành cứng, to rộng, có đường kính khoảng 0,7m, đan lỗ thưa. Ky có thể để trên xe cút kít hay lồng vào gióng gánh bằng đòn gánh. Xe cút kít ngày nay, cái ky được làm bằng sắt có khối lượng đựng vật liệu nặng hơn, nhiều hơn

1/ Gàu tát nước :Để chăm sóc lúa và hoa màu cần có nước (nhất nước, nhì phân). Ngoài những chân ruộng ăn nước mưa, ở trong tỉnh còn những chân ruộng sử dụng nước ở sông, suối để đưa vào các con mương chảy dọc ngang trên các vùng trồng lúa, chảy vào ao, hồ, đìa cạnh ruộng vườn … Độ chênh lệch giữa nguồn nước tưới và mặt ruộng không cao, cho nên, để chuyển nước từ các con mương lên ruộng lúa, ngày trước chưa có máy bơm, người nông dân dùng một dụng cụ chuyên dụng đơn giản là cái gàu. Gàu là đồ dùng để múc nước, tát nước từ ruộng hay mương nước đổ lên ruộng. Nông dân dùng hai loại gàu khác nhau là gàu dai (có nơi viết giai) và gàu sòng. Nếu chân ruộng và mương nước có độ cao chênh lệch nhau nhiều thì phải tát nước bằng gàu dai. Có người cho rằng dai là âm đọc trại của dây, sợi dây. Gàu dai là gầu có bốn sợi giây dài, hai người tát. Nếu chân ruộng thấp, mức chênh lệch giữa mặt ruộng và nguồn nước chỉ khoảng 0,5m thì thích hợp với gàu sòng. Gàu sòng có cán, được treo vào một cái gạc ba chân bằng tre. Có người cho rằng chữ sòng là do chữ Hán sao 抄, Hán Việt từ điển (sđd) của Đào Duy Anh đã giải thích “sao : lấy thìa mà múc. Thiều Chửu trong Hán Việt tự điển (sđd) cũng đã giải thích sao là múc. Lấy thìa mà múc cháo gọi là saoTát nước bằng gàu sòng có động tác giống như cầm thìa múc đồ ăn. Gàu dai, gàu sòng cũng đi vào nhiều câu ca dao :
Ngày ngày vác cuốc thăm đồng
Hết nước thì lấy gàu sòng tát lên.
Hay :
Ruộng thấp đóng một gàu dai
Ruộng cao thì phải đóng hai gàu sòng,
Nơi thấp tát một gàu dai
Chỗ cao thì lại tát hai gàu sòng.
Cao bờ thì tát gầu dai
Gầu sòng chỉ tát được nơi thấp bờ.
Gàu dai, gàu sòng cũng có những câu ca từ xưa trong tỉnh truyền lại :
Sáng trăng sáng cả cánh đồng
Em đi tát nước gàu sòng gàu dai
Phận em không được làm trai
Nên đành tát nước gàu dai gàu sòng
Một mai lúa tốt nên bông
Lúa chín ngoài đồng em để của riêng ...
 
a) Gàu dai :
Gàu dai là một nông cụ bằng tre, có bốn sợi dây cột từ nơi gàu, do hai người đứng đối diện nhau, mỗi người cầm 2 sợi dây, tát nước từ nơi thấp lên nơi cao.
Gàu dai có hình dáng miệng hơi tròn, rộng khoảng 40cm, toàn thân là một khối hình thang cân, cao 40cm. Gàu được đan bằng tre và rất khó đan hơn đan thúng rổ. Khó đan nhất ở chỗ đáy và cuốn miệng gàu. Đáy gàu đan vụng sẽ bị hở nan, nước theo kẽ hở chảy mất nước nhiều. Cuốn miệng gàu đan vụng thì miệng gàu loe ra quá cỡ.
 
 
Gàu dai
Thân gàu được đan bằng nan tre chẻ mỏng, vót chuốt nhẵn và đều. Thân gầu phải được đan thật kín, nếu không đan được kín thì nước lọt ra ngoài. Ở đáy gàu đầu nan được bắt góc, thợ phải khéo tay không thì nan sẽ gãy. Tất cả đầu nan đều được đưa lên miệng gàu. Tiếp đó là giai đoạn cạp gàu ở miệng gàu.
Miệng gàu có một mảnh tre già uốn cong bao quanh miệng gắn liền bằng sợi mây để giữ miệng gàu khi múc nước, miệng gàu cọ sát với đất ở đáy hay đụng vào bờ tát khỏi hư mòn. Dùng một thanh tre già làm thanh gàu, rộng khoảng 2cm, dày 1cm, dài hơn đường kính của miệng gàu một chút, hai đầu đục 2 lỗ nhỏ hình chữ nhật để phần nhô cao của nẹp gàu chui qua. Thanh gàu bắc ngang qua giữa miệng gàu.
Nẹp gàu làm bằng thanh tre già, rộng khoảng 3cm, dài bằng thân gàu được nẹp vào thân gàu, trên miệng gàu kết với thanh gàu.
Đáy gàu cũng được làm bằng một đoạn tre già có chiều rộng 2cm, đục 2 lỗ 2 đầu cho nẹp gàu luồn qua, cố định với đáy gàu bằng sợi mây buộc chặt.
Gàu dai có 4 sợi dây, 2 sợi dây cột ở miệng gàu và 2 sợi dây cột ở đáy gàu. Hai sợi dây ở miệng gàu cột vào hai bên thanh gàu, 2 sợi dây cột ở đáy gàu cột vào chỗ giao nhau giữa nẹp gàu và hai đầu thanh tre. Hai sợi dây gàu ở miệng gàu phải ngắn hơn 2 sợi dây đáy gàu.  Tuy nhiên độ dài có tương xứng thì mới kéo nước lên được và hai người tát nước mới đỡ mệt nhọc. Muốn có độ tương xứng nhau giữa 2 sợi dây miệng và 2 sợi dây đáy, phương cách làm như sau :
Trước tiên, cột 2 sợi dây miệng gàu có độ dài tùy theo mặt nước cao hay thấp. Sau đó cột 2 sợi dây đáy gàu, rồi kéo đo sợi dây này sát theo thành gàu từ đáy lên ngang chỗ cột dây miệng gàu. Từ chỗ đó, kéo 2 sợi dây đáy gàu lên bằng 2 sợi dây miệng gàu. Nếu hai người tát nước cao bằng nhau thì độ dài của mỗi bên gàu bằng nhau. Nếu người bên nào thấp hơn thì phải thâu đầu phía bên mình ngắn lại vài cm. Người cao mà khỏe thì phải đứng phía đất cao hơn để kéo vớt bớt cho người yếu đứng bên thế đất thấp. Hai người tát nước cũng phải thử tát vài gàu, từ đó điều chỉnh dây, làm sao gàu múc được đầy nước và khi đổ nước vào giữa nơi định đổ.
Hai người tát nước, mỗi người cầm một sợi dây miệng và một sợi dây đáy. Nơi đầu mỗi dây có một ống tre để cầm, không thì khi tát nước sẽ bị đau tay. Dùng ống tre cái già, nhỏ bằng ngón chân, dài khoảng 13cm, rỗng ruột đủ cho sợi dây gàu xuyên qua, cột lại thành cái quai. Người tát nước cầm cái quai đó không những không đau tay khi tát nước mà còn thấy dễ dàng thỏa mái trong công việc lao động này.
Tát nước bằng gàu dai không phải dễ cho những người lần đầu tiên thực hiện công việc này. Hai người tát phải tuân theo một số động tác nhất định.
 

Tát nước bằng gàu dai
Khi tát nước, hai người cầm dây gàu đứng đối diện nhau. Tay nào cầm dây miệng thì bàn chân cùng phía phải đứng cao hơn và cách chân kia ít nhất 1 bàn chân về phía trước. Khi thả gàu xuống nước, tay cầm dây đáy gàu phải thả xuống thật thấp để đáy gàu chìm xuống cho nước tràn vô đầy gàu. Lúc kéo gàu lên, tay cầm dây miệng gàu tập trung sức kéo lên, tay cầm dây đáy gàu thả lỏng, hơi ngả người ra phía sau. Lúc này chân sau phải đứng thẳng cho vững, bàn chân trước giở hẳn lên chỉ còn cái gót chạm đất. Khi gàu tát nước được kéo vừa đến miệng bờ bên trên, tức thì tay cầm dây đáy hất mạnh lên cho nước trong gàu đổ ra, trong lúc dây miệng gàu để chùng lại. Sau khi gàu đổ hết nước ra, đưa gàu xuống chuẩn bị múc nước vào gàu. Các động tác cứ thế mà tiếp diễn.
 
b) Gàu sòng :
Gàu sòng cũng là một nông cụ bằng tre có hình trụ nửa ống (giống như hình nửa chiếc ghe nhỏ), có cán dài treo vào cái gạc 3 chân, một người tát, đưa nước vào các ruộng ở bậc thấp, phẳng, không có triền dốc.
Gàu sòng có những bộ phận sau :
                                   

Tát nước bằng gàu sòng
Chân gàu làm bằng ba đoạn tre, một dài hai ngắn. Đoạn tre dài, gốc to ngọn nhỏ, tiếng địa phương gọi là cột vọt là một đoạn tre cái, dài khoảng 3 - 3,2m, đoạn giữa có đường kính khoảng 4cm. Hai đoạn tre ngắn là 2 đoạn tre chẻ đôi có đường kính khoảng 6 - 7cm, dài khoảng từ 2 – 2,5m. Để tạo một thế chân vạc, 3 đoạn tre chụm vào nhau, liên kết lại bẳng một đoạn tre xỏ qua 3 cái lỗ đã đục sẵn trên 3 đoạn tre. Khi chống 3 cột xuống đất, 2 đoạn tre ngắn được dựng đối xứng và chụm đầu vào nhau như hình chữ V lộn ngược. Còn cột vọt cũng chụm đầu vào 2 cột kia và ngã xoài theo hướng hoạt động của gàu.
Thân gàu được làm bằng nan tre cật vót nhẵn. Tấm đan được cạp lại có hình một nửa hình trụ tròn, nhỏ và cạn dần về phía sau. Thân gàu dài khoảng 75 – 80 cm, đường kính miệng khoảng 22 – 25 cm. Nơi miệng gàu có một thanh tre có bề rộng 3cm, dày 1cm, độ dài hơn đường kính miệng gàu một chút nối hai bên miệng gàu lại để thân gàu thành một nửa hình trụ tròn. Đoạn tre này được buộc chặt vào thân gàu. Người ta còn dùng những đoạn cật tre già, rộng khoảng 2,5cm, dày 0,2cm có chiều dài bằng chiều dài thân gàu nẹp chặt phía bên ngoài thân gàu, tăng cường độ cứng khỏe của thân gàu.
Gắn vào miệng gàu, người ta dùng một thanh tre cái già uốn cong vừa bằng miệng gàu, bề rộng từ 6-8cm, dày khoảng 0,2cm, dùng ghim tre, dây cột gắn chặt vào miệng gàu. Đây là nơi tiếp giáp với nước, “múc” nước lên gàu theo động tác của người tát.
Để sử dụng thân gàu tát nước, phải có một cán gàu, là một đoạn tre già, cứng chắc, có độ to đủ để người tát nắm vào. Cán gàu có bề dài từ 2,3m – 2,6m, dài hơn thân gàu nhiều lần. Người ta đặt cán gàu nằm song song với thân gàu, đầu cán gàu buộc chặt vào giữa thanh tre nơi miệng gàu, cuối thân gàu nơi cán gàu đi qua cũng buộc chặt vào.
Một sợi dây thừng được nối từ đỉnh của cần vọt đến cán gàu, nơi giữa thân gàu. Tùy theo độ cao và mức nước ở mương mà người ta điều chỉnh dài ngắn sợi dây thừng này.
Trước khi tát nước bằng gàu sòng, người tát phải chọn vị trí đặt gàu, nơi đứng tát, mức nước … Sau đó, phải tát thử rồi điều chỉnh nơi đặt gàu, sợi dây thừng … Người tát đứng hướng mặt theo chiều dọc của gàu, hai tay nắm khoảng cuối của cán gàu, dùng lực đưa gàu xuống nước múc lên rồi đẩy gàu vào ruộng đổ nước ra.
Gàu sòng có lượng nước gấp đôi gàu dai, chỉ cần một người tát, nhưng mang vác nặng nề, cồng kềnh.
Ngày nay, máy bơm nước dùng xăng hay điện thay dần gàu dai, gàu sòng.
 
 
Máy bơm nước
Theo Ngô Đức Thịnh (sđd), loại gầu giai và gầu sòng không chỉ sử dụng ở nước ta, mà còn phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, kể cả Đông Á, Nam Á, châu Âu. Loại gầu giai hai người kéo là dạng tiến triển của loại gầu giai một người kéo, còn đầu dây bên kia buộc vào gốc cây hay cái cọc cố định, mà người ta còn quan sát thấy người nông dân Nhật Bản sử dụng vào khoảng thế kỷ XVIII. Ở nước ta, chắc gầu giai cũng như gầu sòng là các dụng cụ tát nước có từ khá cổ xưa... (trang 170)
2/ Cái cào cỏ dưới nước :
Cái cào cỏ có 2 loại : - Loại dùng để cào rơm rạ trên khô, dùng để khi đạp lúa, khi phơi rơm. – Loại cào cỏ dùng để cào trên ruộng nước, cào nhau lúa hay cỏ bị héo úa khi cây lúa còn nhỏ, chưa trổ bông.
Cái cào cỏ dưới nước :
Hình dáng loại cào cỏ này giống như cái bừa, gồ ghề, nặng nề hơn cái cào cỏ trên khô. Cán cào thì làm bằng tre, nhưng lưỡi cào thì làm bằng sắt có một hàng răng khoảng 15-17 cái. Cái cào này ít được sử dụng, không đa năng. Người nông dân chỉ sử dụng cào này khi cây lúa đang tuổi làm đòng, có nhiều nhau rạ, hay cỏ úa héo xung quanh gốc lúa … để làm sạch ruộng. Gọi là cái bừa cỏ thì đúng hơn.
 
 
                              Cái cào sắt (Ảnh NVB)    Cào sắt cào cỏ bờ
 
3/ Cái bò cạp :  
Bò cạp không phải là một nông cụ làm ruộng, nó là một dụng cụ dùng để đuổi chim ăn lúa trong việc bảo vệ cây lúa vừa mới ra bông. Theo Đại Nam quấc âm tự vị (sđd) của Huình Tịnh Paulus Của, cái bò cạp được giải thích như sau : “ Đồ đuổi chim, thường dùng một cây tre chẻ ra hai mép, cột dây một mép mà giựt cho nó đánh nhập lại cùng kêu ra tiếng; đồ dùng mà bắt đinh giống cái bò cạp” (trg. 105). Theo tác giả, cái kềm nhổ đinh còn gọi là cái bò cạp vì nó giống cái bò cạp đuổi chim mà tác giả đã miêu tả ở trên. Hầu hết ngày xưa ở xóm làng trong tỉnh Khánh Hòa hộ nông dân nào cũng có cái bò cạp đuổi chim này, có cả loại lớn lẫn loại nhỏ. Tiếng địa phương trong tỉnh không gọi cái bò cạp mà gọi là cái bồ cạp.
Lúa ngoài ruộng vừa nẩy mầm gieo trên đám sướng mạ hay những đám lúa nếp trổ chín sớm lẻ loi … loài chim thường đáp xuống ăn, phá. Thời gian chim ăn phá thường lúc trời mát gần tối, hay buổi sáng sớm. Lúc đó, trên những cánh đồng vang lên những tiếng nổ lốp bốp kéo thành chuỗi dài, đó là tiếng động của cái bồ cạp.
Bồ cạp dài đứng gọi là bồ cạp dựng. Người ta dùng một đoạn tre lớn, thật thẳng, cao ngang tầm người. Khúc tre có nhiều lóng (đốt). Người ta chẻ cây tre ra làm đôi, để nguyên 2 lóng dưới cùng, không chẻ. Ngay lóng tre cách lóng cuối cùng, người ta dùng dây rừng hay dây kẽm buộc chặt lại, mục đích là khi sử dụng bồ cạp, lóng tre cuối không bị tách ra. Đoạn tách làm ra ở phần trên được vạt chuốc cho hai bên đều nhau.
Khi thấy chim bay đến ăn phá lúa nếp, người canh giữ ruộng dựng đứng cây bồ cạp cỡ lớn này lên, một chân giậm giữ gốc cây bồ cạp, hai tay cùng nắm vào một bên sóng hai lóng tre đã vạt chuốt rồi giật mạnh liên tiếp. Đoạn tre chẻ làm hai ở phần trên tách ra rồi đập mạnh liên hồi vào nhau phát ra một âm thanh lốp bốp như tiếng pháo chuột. Bầy chim kéo đến, nghe tiếng nổ, hoảng sợ vội bay đi mất.
Còn cái bồ cạp cỡ nhỏ thì chọn cây tre nhỏ rỗng ruột, hình dáng như cây bồ cạp dựng, nhưng bề dài ngắn hơn, dùng để cầm trên tay mà nhịp.
Qua mùa gặt, bồ cạp không dùng nữa, người ta gác lên gác bếp cho khói bám vào tránh mối mọt ăn. Do đó, cái bồ cạp có thể lưu truyền được nhiều đời.
Người làng quê Khánh Hòa có cụm từ “lạnh giựt bồ cạp” để diễn tả người bị mưa dầm ướt lạnh tay chân run, hàm răng đập vào nhau liên hồi, y như độ nhịp của cái bồ cạp khi đuổi chim.
 
4/ Thằng bù nhìn :
Nếu như cái bồ cạp phát ra tiếng nổ để dọa lũ chim phá lúa thì thằng bù nhìn là một hình ảnh giống như con người đứng giữa đám ruộng thị uy, dọa dẫm đám chim chóc, dẹp giống chim muông xa phải lánh  / Dễ quân cày cuốc gọi không thưa như bài thơ Thằng bù nhìn của vua Lê Thánh Tông.
Người ta có thể làm thằng bù nhìn bằng nhiều cách. Có cách bện bằng rơm rạ, phần cốt bên trong làm bằng cây, cũng đủ đầu mặt, thân mình, tay chân. Mặt bù nhìn được làm bằng mo cau, dùng vôi đỏ hay sơn đỏ vẽ mắt mũi, miệng, trang trí mặt mày sao cho dữ tợn, cổ quái. Sau đó, dùng chiếc áo cũ rách, bạc màu mặc vào và lấy một chiếc nón cời (nón cũ, rách) đội lên đầu. Hai chân cho đứng dang ra. Một tay chống “cây giáo” thị uy, một tay cầm cây cờ vải phất phơ trước gió (Vùng vẫy trên tay một lá cờ  - Lê Thánh Tông). Lúc trời có gió, thằng bù nhìn múa may trông như thật với hai cánh tay dang ra, cái nón lắc lư và cái áo đôi lúc phồng lên như đang ưỡn ngực ra một cách oai vệ. Lũ chim trông thấy nó khác gì như ta trông thấy cọp. Để xua đuổi lũ két lì lợm, người ta còn đeo thêm một cái mõ tre hay một chùm lục lạc, gió lay, mõ kêu, chuông rung leng keng suốt ngày đêm ở giữa đồng, ngay chúa sơn lâm cũng e ngại.
Để đuổi heo rừng từ núi ra cắn phá lúa trên những cánh đồng ven núi, người ta dùng nước tiểu người đựng trong hủ, ủ nhiều ngày cho nước tiểu lên mùi nồng nặc, rồi đem đổ lên đầu thằng bù nhìn. Mùi hôi thúi theo gió lan tỏa ra, heo rừng tưởng có người canh giữ ruộng nên ít dám kéo bầy ra cắn phá lúa.
Có những câu chuyện dân gian về thằng bù nhìn này được lưu truyền trong một số huyện, như chuyện thằng bù nhìn chịu đòn thay. Có một anh chồng bị vợ nói hỗn, anh quá tức giận định đánh vợ, nhưng sợ vợ đau. Trong cơn nộ khí xung thiên, anh chụp lấy cây hèo, chạy ra cánh đồng cứ nhằm vào thằng bù nhìn mà đập tới tấp cho đến khi thằng bù nhìn xơ xác mới hả cơn. Chị vợ quá sợ hãi, đứng núp bên gốc cây. Vừa lúc đó, chủ ruộng đến thấy thế, bắt anh chồng phải làm thằng bù nhìn khác để đền lại cho ông.
Ngày nay, chim chóc bị đánh bắt hàng loạt phục vụ cho các nhà hàng,  cho việc phóng sinh, chim còn nhiều đâu mà người ta làm bù nhìn đứng giữa đồng ngày đêm canh gác. Không còn chim thì còn sâu, những con sâu đủ loại đêm ngày cắn phá lúa. Và không phải thằng bù nhìn mà chính những người nông dân, với những chiếc áo cũ bạc màu, trên đầu là chiếc nón cời, trên lưng là bình đựng nặng thuốc trừ sâu, trên tay cầm cần xịt, kiên nhẫn đi lại trên đám ruộng xịt rãi trên những cây lúa những thứ thuốc độc cho sâu bọ chết. Ngày nay, tìm đâu ra thằng bù nhìn cho thi sĩ Tản Đà (1889-1939) đến thăm :
 
Lơ láo kìa ai đứng cạnh bờ 
Trần ai tri kỷ đã ai chưa? 
Ba thu mưa gió người trơ mộc 
Bốn mặt giang sơn áo phất cờ 
Được việc thế thôi, cày chẳng biết 
Khinh đời ra dáng, gọi không thưa 
Lâu nay thiên hạ văn minh cả 
Bác mấy ngàn năm vẫn thế ư ? 
 
(Thăm thằng bù nhìn – Tản Đà)
 
   
Bù nhìn
5/ Cái áo tơi : 
Cái áo tơi không phải là một nông cụ nhưng lại là một vật dụng cần thiết cho người nông dân trong việc làm ruộng (đi nhổ mạ, cấy lúa …giữa trời nắng hay mưa). Những người chăn trâu bò, chăn vịt đàn thả rông trong những tháng ngày mưa gió của một thuở xa xưa, cái áo tơi cũng giúp họ rất nhiều. Cái áo tơi thật cồng kềnh, không gọn gàng, thiếu thẩm mỹ, nhưng khi đem ra sử dụng trong những ngày mưa to gió lớn thấy nó thật hữu dụng. Người nông dân đội nón gụ, loại nón nhỏ vành chằm bằng lá buông, choàng cái tơi vào mình phủ đến quá gối, đi đứng trong cơn mưa gió lạnh thì không bao giờ bị ướt mình và thấy ấm áp nữa. Với chiếc áo tơi, những người nông dân có thể đứng dưới mưa gió suốt ngày họ vẫn chịu được. Hay khi trời nắng gắt, đi cấy, nhổ mạ cái áo tơi không làm rát lưng. Cái áo tơi không chỉ những người nông dân sử dụng mà những người dân các ngành nghề khác, những quan lại, hào phú … khi ra đường gặp trời mưa gió cũng khoác lấy cái áo tơi này. Vì thế, áo tơi cũng được bày bán ở các chợ huyện, chợ xã.
 
 
Áo tơi
Làm một cái áo tơi cho đúng mẫu mã, có độ bền phải qua những công đoạn tỉ mỉ, công phu.
Áo tơi được làm bằng lá cọ chằm nón có ở trên núi. Tàu lá non thì dùng chằm nón, tàu lá già thì dùng chằm áo tơi. Tàu lá chằm áo tơi được đem phơi vừa khô rồi tách ra từng miếng rộng bằng 2 ngón tay, tiếp đó làm cho lá được thẳng mặt ra bằng cách sau :
Bỏ vào cái chậu sành một số than hồng, chung quanh trên mặt chậu đặt 3 cục đá như táo bếp. Bên trên ba cục đá đó đặt một miếng chảo gang đã hư, bể nung cho nóng. Dùng cát khô khoảng 2 nắm tay bỏ vào 2 miếng vải dày bó thành chùm cột chặt lại. Khi miếng gang bể nóng đều, lấy miếng lá đặt lên miếng gang, tay kia cầm chùm cát đè  mạnh lên, tay cầm miếng lá kéo mạnh và nhanh miếng lá qua khỏi chỗ đè. Miếng lá như được ủi bằng bàn ủi nóng nên thẳng mặt ra. Các miếng lá còn lại cũng làm như thế để cuối cùng ta có một thành phẩm chằm cái ái tơi.
Công đoạn tiếp theo là làm cái sườn áo tơi. Dùng cây mây rừng chẻ vót thành những cây nan, dài hơn 1m, to bằng ngón tay út để làm sườn dọc và chẻ vót những sợi mây nhỏ hơn bằng cây đũa. Những sợi mây này cột vào những cây nan dọc bằng sợi dây mây cách đều nhau 4cm, tạo thành một cái khung tròn, nhưng không liền mối, cho hở ra 4 – 5cm, gọi là cửa tơi hay bâu áo tơi. Đầu trên áo tơi gầy nan mây, tóm gọn hai bên bờ vai, rồi bo tròn cổ tơi lại giống như cái áo cổ kiềng truyền thống. Thế là xong cái sườn tơi để chuẩn bị chằm lá vào.
Chằm lá vào áo tơi phải cần những “sợi chỉ” để may áo tơi. “Sợi chỉ” là những sợi mây dài, mỏng độ vài milimet, vót suôn láng, hai đầu vót nhọn. Ngoài ra còn chẻ một số tăm dài 4 – 5cm, hai đầu vót nhọn để sau này cài các mảnh lá lên sườn áo để may.
Sườn tơi được treo lên một cái cột trụ khỏi mặt đất khoảng 0,6 – 0,7m, giữ sườn cố định không cho dịch chuyển. Lấy những miếng lá đã vuốt thẳng gấp đôi lại máng từng miếng lên vòng sườn ngang, chồng các mí lá lên nhau, khăng khít bao quanh từng sườn, tuần tự từ vòng dưới lên vòng trên. Mỗi khi xếp từng lá liền mí nhau, dùng cây tăm nhọn ghim giữ miếng lá này với miếng lá liền trước. Còn phần miếng lá khởi đầu kề với bâu áo tơi gắn kết chặt vào bâu áo. Sau một vòng lá kết bao quanh sườn áo, lấy “sợi chỉ” mây may các lá dính lại với nhau. Vòng lá ở tầng trên phủ xuống phải nằm phía ngoài tầng lá ở vòng dưới, sợi chỉ may may chồng lên 2 lớp lá đó. Cứ giáp một vòng may xong, những cây tăm nhọn được rút ra. Cứ thế mà may cho hết. Khi may xong rồi, tạo thành một hình ống rộng, các lá xếp lên nhau rất gắn kết, không xê dịch được.
Hai đường bâu phía trước áo tơi, dùng chỉ mây kết gọn lá từ trên trở xuống. Ngay hai bên trước cổ kiềng, tra thêm 2 sợi dây vải để khi mang tơi vào cột lại quanh cổ.
Chiếc áo tơi vá may như thế tốn nhiều công. Trọng lượng áo có thể đến 4 – 5 kg. Một chiếc áo tơi tốt và biết bảo quản (không để chuột cắn, vướng vào vật nhọn làm rách áo, đứt chỉ …) có thể sử dụng 3 – 4 mùa mưa gió hay lâu hơn nữa. Áo tơi có nhược điểm là không gấp gọn được, khi dùng phải kèm thêm nón … Sau này có áo đi mưa làm bằng ni lông khi người Pháp qua đô hộ nước ta, mặc vào đi trong mưa có kèm mũ đội, không những không ướt mà còn ấm nữa. Từ đó, chiếc áo tơi đi vào dĩ vãng…
Cái áo tơi, có người nói rằng có liên hệ đến câu thành ngữ nghèo rớt mồng (mùng) tơi. Trong sách Kể chuyện thành ngữ tục ngữ của Hoàng Văn Hành (sđd) (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002) có viết : “ Có người mách rằng, nghèo rớt mồng tơi là một từ địa phương ở vùng Nghệ Tĩnh, Quảng Bình có nghĩa là rơi, rụng. Tơi là áo tơi, loại đồ dùng kết bằng thứ lá giống như lá cọ, dùng che mưa, che nắng, gặp rất phổ biến ở bà con nông dân các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Còn mùng tơi là phần trên của tơi. Phần này được kết dày và bằng các dọc lá tốt, bền, lâu bị rụng (rớt). Thông thường, khi áo tơi hỏng, rách nát, không dùng được nữa thì phần trên cùng của áo, tức là mùng tơi vẫn còn nguyên. Nhà khá giả sẽ mua lá chằm (kết) áo tơi mới. Nhà nghèo túng thì chưa kết áo tơi mới ngay được, mà cứ dùng cái áo tơi rách cũ, chân áo và thân áo rơi rụng gần hết, chỉ còn lại phần vai áo, tức mùng tơi ngắn cũn cỡn. Đã thế, có nhà vì nghèo quá, cứ phải mang mãi cái mùng tơi ấy cho đến khi rớt (rơi rụng) gần hết dọc mà vẫn mang. Không bao giờ kiếm được chiếc áo tơi mới lành ! “ (trang 348-349).

NGÔ VĂN BAN  - VÕ TRIỀU DƯƠNG
Nguồn: Ninhhoatoday

Tìm kiếm Blog này