1/ Vòng hái :
Dân địa phương có câu đố : Cái gì có vòi không phải con voi / Nó thấy lúa chín nó đòi ăn ngay ? Đó chính là cái vòng hái. Tự điển của Huình Tịnh Paulus Của (sđd) định nghĩa vòng hái là cái vòng bằng cây có thể tra lưỡi hái. Vòng hái dùng để gặt lúa. Đã là đi gặt hái, thời trước, ai cũng có ít nhất một cái vòng hái, phù hợp với những chân ruộng trũng.
Vòng hái có hai bộ phận : Phần vòng hái và lưỡi hái.
Phần vòng hái có hình chữ V không đều hai nét. Vòng hái thường làm bằng một đoạn cây rừng, loại cây nhẹ như cây còng, cây mù u, cây quao ..., sau khi chặt về người ta còn phải chuốt gọt lại cho vừa kích cỡ. Vòng hái còn làm bằng nhánh cây tre già đặc ruột. Người ta còn làm vòng hái bằng gỗ, hai cạnh chữ V được ghép chặt lại bằng mộng hay vặn vít.
Vòng hái tuy có hình chữ V nhưng có một cạnh thẳng đứng chứ không xiên như trong chữ V ta gọi là thanh A, có độ lớn bằng cán rựa (đường kính khoảng 3 - 4cm), dài khoảng 0,6m, đó là tay cầm của người gặt. Một mặt của thanh A ở cuối thanh, ngay chỗ tay cầm vòng hái, người ta đục khoét một đường rãnh hình chữ nhật, rộng 1cm, dài 10cm và sâu vào 1cm. Phía mặt bên kia, người ta kẽ sâu một đường dài khoảng 2cm, sâu 1mm phía trên đường mặt kia.
Còn cạnh chữ V còn lại ta gọi là thanh B, có đường kính của thanh nhỏ hơn thanh A, nhưng có chiều dài dài hơn và hơi vòng cong ra phía ngoài. Mũi của thanh B được vót nhọn, đường kính có xu hướng nhỏ dần về phía mũi.
Lưỡi hái, phần lưỡi dài 20cm, đầu bằng, phần chuôi dài có móc để tra vào thanh vòng. Khi dùng vào việc gặt lúa, người ta lấy chiếc lưỡi hái tra vào cái rãnh ở thanh A , ấn qua đường kẽ nhỏ, phần đuôi còn lại có mũi nhọn bấm chặt vào lòng của đường rãnh. Sau đó, dùng một mảnh tre có độ dài và rộng đậy vừa khít cái rãnh, rồi buộc dây lại cho chặt để khi cắt lúa, lưỡi hái không lung lay, hay bật cái đuôi nhọn ra ngoài làm trở ngại bàn tay cầm vòng hái gặt lúa.
Vòng hái (Ảnh Internet)
Cách cầm vòng hái gặt lúa :
Những người bước đầu tập cầm vòng hái để cắt lúa họ luôn được dặn dò phải thận trọng, động tác từ từ, nếu làm nhanh, họ sẽ dễ bị lưỡi hái cắt đứt tay. Khi sử dụng đã thành thạo rồi thì đôi tay họ làm rất nhanh nhẹn, nhịp nhàng và liên tục.
Khi gặt lúa, dù cầm vòng hái tay mặt hay tay trái, lúc nào cái vòng nhỏ hơi cong (thanh B) cũng phải quay vô trong, còn lưỡi hái ở thanh A có đường lưỡi răng bén quay thì ra ngoài ngay chỗ tay cầm. Khi gặt, người gặt phải khom lưng xuống. Nếu lúa không bị ngã thì chỉ hơi khom lưng, còn lúa bị ngã rạp thì phải cúi lưng nhiều.
Người gặt cầm vòng hái đưa cái thanh B bao tóm cây lúa dồn vào góc nhọn bên trong, nếu lúa ngã thì phải xốc dựng lên. Người gặt gom tóm sao cho số cây lúa mà mình sắp cắt chỉ vừa đủ một nắm tay, không được nhiều quá hay ít quá. Nếu tay phải cầm vòng hái thì tay trái phải nắm lấy bông lúa bằng các thao tác sau :
Khi chùm cây lúa được tóm gọn vào góc trước của vòng hái rồi, tay trái liền túm gọn bó lúa, nắm chặt lại vào giữa ngón tay trỏ và ngón tay cái, không nắm hết bàn tay. Đoạn quay lưỡi hái vô phía trong, cắt ngang cổ cây lúa dưới tay nắm chừng một gang tay (gần 20cm), không nên cắt gần lên, lưỡi hái sẽ dễ cắt nhằm ngón tay út. Nắm lúa đã cắt vẫn giữ yên trong ngón tay cái và tay trỏ. Rồi đến giai đoạn cắt tiếp theo, tóm một nắm lúa khác bằng ngón tay giữa với ngón cái, cắt, tiếp đó, tóm nắm lúa nữa bằng ngón tay áp út với ngón cái, cắt, cuối cùng tóm nắm lúa khác nữa giữa ngón tay út với ngón cái …Như vậy, đến đây, trên tay có 4 nắm lúa sau 4 lần cắt, gọi là 1 “tay lúa”, người ta đặt “tay lúa” đó xuống ruộng. Gặt 4 hay 5 lần như thế là đủ một “bó lúa”. rồi dùng “lạt” cột lại. “Lạt” để cột, đây là một chùm cây lúa cắt sát gốc. “Chùm lạt” ấy chia làm hai nắm nhỏ, một nắm có hạt quay lộn đầu nhập vào nắm kia, sau đó, đặt bó lúa lên, cột tròn lại bằng cách nắm hai đầu “lạt” quay xoắn lại với nhau cho chắc chắn.
Khi cắt lúa không phải người cắt muốn cắt chỗ nào cũng được, như thế sẽ gây sự lộn xộn, không rõ ai cắt được bao nhiêu lúa để tính công. Họ phải sắp hàng, cắt lần tới trước theo một lối riêng của mỗi người. “Bó lúa” của ai người ấy cột, không lộn với “bó lúa” người khác.
Ngày nay, giống lúa mới không cao, nông dân cắt bằng lưỡi liềm, cái vòng hái dần dần biến mất.
Gặt lúa bằng vòng hái (ảnh Tư liệu)
2/ Chiếc liềm :
Khi vòng hái không còn sử dụng nữa dần dần thay thế bằng chiếc liềm, đơn giản, tiện lợi hơn. Nông dân cắt lúa bằng cái liềm cho đến tận ngày nay. Đó là có sự thay đổi về đối tượng thu hoạch dẫn đến sự thay đổi nông cụ thu hoạch. Sự thay thế vòng hái bằng cái liềm do sự thay đổi giống lúa mới sau này. Vòng hái chỉ thích hợp gặt lúa thân cao, khi chuyển sang giống lúa thas6n thấp thì vòng hái trở nên quá lớn, không giữ được bó lúa để cắt. Giống lúa mới có cây thấp, cứng, dùng liềm cắt cả thân, tiện lợi, đơn giản và nhanh hơn. Hơn nữa, nhờ hệ thống thủy lợi điều hòa nên đến mùa thu hoạch, ruộng khô và cái liềm rất thích hợp cắt lúa ở ruộng khô. Hơn nữa, rạ càng ngày càng là nhu cầu để đun và lợp nhà nên cắt lúa bằng liềm thu hoạch rạ nhiều hơn. Việc chăn nuôi trâu bò cũng cần có thức ăn và cái liềm là một dụng cụ tiện dụng cho việc cắt cỏ. Vì những nhu cầu dó, cái liềm càng ngày càng thông dụng và được người nông dân sử dụng đến ngày nay, nhất là việc cắt lúa thay vòng hái.
Dùng liềm cắt lúa cắt sát gốc, tận thu được lúa không bị sót, hạt lúa ít rụng và rạ không bị nát. Tuy nhiên, đối với ruộng nước, dùng liềm cắt lúa không có lợi thế, và khi không cần dùng rạ thì dùng liềm cắt tốn công hơn.
Liềm có nhiều loại, loại dùng để cắt lúa (liềm cắt lúa) và loại dùng để cắt cỏ, cắt xén những vật cứng khác (liềm xén). Về kích thước, liềm cũng có loại to, nhỏ, trung bình, cắt lúa thì dùng liềm loại lớn. Về hình dáng có loại liềm được so sánh với mỏ con chim giang (chim thuộc loại cò, dài và cong) gọi là liềm mỏ giang và so sánh với mỏ con hạc (mỏ chim hạc có cổ và mỏ dài), gọi là liềm mỏ hạc. Liềm mỏ giang ít cong, liềm mỏ hạc cong nhiều hơn.
Nói chung, chiếc liềm có cán liềm bằng gỗ (dài khoảng 8 – 10cm), thân liềm bằng sắt hình vòng cung, dài khoảng 25cm, cong như trăng lưỡi liềm, mũi nhọn, lưỡi có răng (cắt chấu) được giũa thành hàng nhọn rất bén, bản lưỡi thì bầu ở giữa. Phần cuối thân liềm được rèn nhỏ lại, có đầu nhọn để gắn vào cán gỗ tròn, ngắn, vừa tay cầm, theo hướng trục dọc của thân lưỡi, có khuy bằng sắt lồng vào cho chắc.
Nông dân dùng liềm để cắt lúa hay cắt cỏ, cắt rau, cắt dây khoai lang … Ngày trước, ở ruộng khô, người ta dùng liềm để cắt sát gốc lúa. Thân lúa, phần dưới gọi là rạ, phần trên gọi là rơm. Người ta thu hoạch rạ về để làm chất đốt đun bếp hay đốt lò, còn rơm thì phơi khô để dành làm thức ăn cho trâu bò ăn mùa mưa lụt hay đánh thành những miếng tranh lợp nhà, lót ổ nằm cho ấm ở những nhà nghèo khổ…
Dùng liềm cắt lúa, cách cắt cây lúa tùy theo mùa : mùa nắng, cắt sát gốc, sau khi đập lúa xong, cây lúa không còn hạt nữa được trải ra phơi khô, gọi là rạ. Mùa mưa, chỉ cắt trên ngọn, về nhà đạp bằng chân, cây lúa không còn hạt nữa gọi là rơm, phơi khô dành làm thức ăn cho trâu bò. Phần dưới cây lúa nằm ở ngoài đồng sẽ mục, sau này người ta cày bừa dập nó xuống.
Cái liềm (tranh Henri Orger)
3/ Cặp néo :
Cặp néo là một dụng cụ khi gặt lúa thu gom những bó lúa đã cắt, không gom bằng tay, vừa mất thời gian, vừa dùng nhiều người, dành thời gian cho người cắt lúa cắt được số lượng lúa nhiều hơn. Cặp néo cũng dùng trong khi đập bồ, gom lúa lại thành bó lớn để đập, lợi hơn dùng tay gom từng bó nhỏ. Với số lúa trong cặp néo đập vào bồ, nếu dùng tay gom lại phải đập 3 lần mới hết.
Làm cặp néo : Dùng 2 đoạn cây có đường kính hơn 1cm, dài từ 30 – 40cm, chuốt vót trơn láng, thon đều, hay dùng 2 đoạn tre tròn, dài, cứng, thường một cây có đầu hơi nhọn. Cách đầu của cây thứ nhất khoảng 2cm, dùng rựa bấm sâu vào xung quanh và gần khoảng giữa cây thứ hai cũng bấm sâu vào xung quanh, thành những đường rãnh, là nơi cột sợi dây vào cây cho dây khỏi tuột ra. Dây cột là dây gai hay dây vải, loại dây thật chắc, dài từ 25 đến 30cm. Một đầu sợi dây cột vào đầu cây thứ nhất và một đầu cột khoảng giữa cây thứ hai, nơi các rãnh. Thế là ta có một cặp néo để sử dụng. Khi gom lúa, người ta vòng sợi dây giữ chặt lấy bó lúa, hai đầu néo bắt chéo siết chặt vào nhau, còn hai đầu néo kia tay người cầm. Loại cặp néo này ngày nay không còn thấy nữa.
Néo bó lúa (Tranh Henri Orger)
4/ Bồ đập lúa :
Để tách hạt lúa ra khỏi bông lúa, nông dân dùng bồ đập lúa. Từ bồ có nhiều nghĩa : - Một vật dụng làm bằng những nan tre mỏng đan chéo và khít vào nhau, dùng để che chắn hay bao lại để chứa lúa, gọi là bồ lúa và có thể chứa khoai, đậu... – Một vật dụng để đập và hứng lúa, gọi là bồ đập lúa.
Tại bồ đập lúa, người ta dùng lực đập bông lúa vào vật rắn để tách hạt lúa ra. Còn cách dùng cào cỏ để đập vào bông lúa là cách dùng lực đập vào bông lúa, sẽ trình bày trong phần sau.
Từ xa xưa, người dân trong tỉnh sử dụng bồ đập lúa gọi là bồ thùng, là bồ đập lúa truyền thống. Từ năm 1960, người dân Khánh Hòa dùng một loại bồ du nhập từ tỉnh Bình Định, từ đó, loại bồ truyền thống, bồ thùng bị bãi bỏ dần, không ai dùng nữa. Sau năm 1975, nông cụ máy suốt lúa quay tua đạp bằng chân ra đời và được phổ biến vì tính hiệu quả về thời gian và công sức ít. Từ đó, bồ đập lúa cũng cũng dần dần biến mất.
a) Bồ thùng (miền Bắc gọi là cộ đập lúa) là bồ đập lúa truyền thống của người nông dân trong tỉnh. Kiểu bồ này gồm có các phần chính :
- Cốt bồ :
Phần cốt bồ được làm bằng một cái khung như cái chuồng, rất chắc chắn. Có 4 trụ ở 4 góc và gắn 4 khung gỗ 4 bên. Các khung gỗ gắn vào các trụ bằng cách đục lỗ vô mộng, không đóng đinh. Đóng đinh dễ bị bật khung gỗ ra sau vài ba mùa sử dụng. Toàn bộ khung gỗ ấy được dựng đứng trên một tấm ván dày khoảng 4cm, gắn kết vào cũng bằng những lỗ mộng. Chung quanh 4 mặt của khung sườn gỗ, người ta đóng kềm thêm những khúc cây săng bằng cán rựa theo chiều dọc xuống áp má vào bề gáy ngoài của miếng ván gỗ đáy bồ. Người ta lại còn dùng những nan tre cật chẻ vót bằng ngón tay, đan bao quanh, kết thật khít liền nhau cả 4 mặt. Bấy giờ phần cốt bồ thành một cái hộc vuông kín cả 4 mặt xung quanh và mặt đáy, mỗi cạnh khoảng 1m.
Phần cốt bồ này được đặt lên trên 2 cây đà gỗ vuông coi như cái đế bồ, mặt đà gỗ rộng 1 tấc, đóng đinh và kháp mộng thật chắc vào cốt bồ, khi đẩy cốt bồ từ đám ruộng này đến đám ruộng khác không bị lỏng lẻo, “xục xịch” như người địa phương nói. Người ta tra thêm vào chỗ 2 đầu của 2 cây đà một sợi dây thật chắc để luồn cây khiêng bồ từ nhà ra ruộng và ngược lại. Nếu di chuyển bồ đập lúa từ đám ruộng này sang đám ruộng khác thì phải là ruộng khô. Hai người lực lưỡng lấy cây đòn luồn qua sợi dây ra sức kéo tới. Những người còn lại phụ sức đẩy mạnh phía sau cho cái bồ di chuyển. Muốn cái bồ di chuyển dễ dàng trên mặt ruộng, người ta tạo 2 thanh đế bồ, một thanh có một đầu thẳng, một thanh có một đầu cong.
- Thân bồ đập lúa :
Thân bồ là phần trên nối liền với cốt bồ phần dưới. Thân bồ có khung sườn bằng tre, 3 mặt được cấu trúc phình to rộng hơn cái khung cốt bồ ở dưới, bao quanh 3 mặt là những tấm mê đan kín bằng tre. Có 1 mặt trống phía trước đủ cho 2 người đứng đập lúa vào cốt bồ. Mặt sau thân bồ, kề trên khung sườn bằng gỗ có một cái lỗ vừa bằng nắm tay để luồn xuyên qua 1 cái cây khiêng thân bồ. Để cho thân bồ được kín và vững chắc thêm, người ta dùng phân trâu tươi trét kín lên 2 mặt trong và ngoài tấm mê thân bồ, tạo thành một lớp bao bọc dày cộm lên. Khi đập lúa vào bồ, người ta lại còn dùng một tấm bạt che lên trên thân bồ cho hạt lúa khỏi văng ra ngoài.
- Giường bồ :
Giường bồ là một cái sườn bằng gỗ đóng kết thành nhiều thanh gỗ hay miếng tre già, tựa như tấm vạt giường. Giường bồ đặt xéo lọt trong lòng cốt bồ, đầu dưới tiếp sát với tấm ván đáy cốt bồ, đầu trên làm 2 cái móc móc vào ở 2 bên cốt bồ và móc vào cây đà ngang vành của cốt bồ. Khi đập lúa lên giường bồ, giường bồ vẫn giữ nguyên vị trí, không di động nhờ vào những cái móc này.
Bồ đập lúa ngày xưa (Ảnh tư liệu)
b) Bồ cót :
Bồ thùng sau này được thay bằng bồ cót. Bồ cót là bồ làm bằng những tấm cót đan chéo và kín bằng tre, có thể cuộn tròn lại thành khối trụ, dùng để đựng lúa, ngũ cốc : Lúa đầy bồ, khoai ngô đầy cót là như thế. Bồ cót có thể quay tròn tấm cót lại cùng kết hợp một số bộ phận khác thành bồ đập lúa. Sau khi sử dụng xong, tấm cót cuốn tròn lại, các bộ phận tháo rời ra, tiện dụng di chuyển và cất giữ hơn bồ thùng. Bồ cót du nhập từ Bình Định vào, dân trong tỉnh thấy tiện dụng nên thay thế bồ thùng và bồ thùng càng ngày càng mất dạng.
Các bộ phận của bồ cót đập lúa gồm có :
- Sườn bồ hay đế bồ gồm 2 cây đà dọc to bằng bắp tay, dài khoảng 1,3m. Bên trên 2 cây đà dọc, người ta đóng những cây đà ngang nhỏ bằng ngón chân cái dài gần 1m, đặt song song cách nhau 4 - 5cm, tạo thành một bề mặt phẳng. Đế bồ này là một cái bệ đế chịu đựng một lực kéo đẩy, gánh chịu một sức nặng của phần bồ bên trên khi đập lúa vào.
- Cái nong đặt lên trên cái sườn bồ (đế bồ), nơi cái nong tiếp giáp 2 cây đà dọc của sườn bồ (tiếp giáp 4 điểm), người ta gắn 4 cái chốt để giữ cái nong không xê dịch được trên sườn bồ khi đập lúa. Những hạt lúa rơi rụng vào cái nong này khi người đập những bó lúa trên giường bồ.
- Cót bồ đan bằng nan cật tre khá dày, chiều dài có thể đến 4m. Tấm nan tre được cuộn tròn kết lại thành hình trụ có đường kính từ 1m đến 1,2m, chiều cao 0,6m, hai mặt trên dưới để trống. Vành tròn 2 đầu cót bồ được cạp vào những mảnh tre già, nức bằng dây mây chồng chéo lên nhau thật vững chắc. Vòng tròn bao quanh chính giữa thân cót bồ cũng nức thêm một vòng cạp tre nữa. Chung quanh bồ còn cạp những cây dọc xuống, tạo thành một cái bồ rất cứng, vững, có sức chịu đựng sự va đập mạnh. Cốt bồ đặt gọn trong vành tròn cái nong. Nhờ có vành nong bao giữ chân cót bồ, nên khi đập lúa, không bị xê dịch. Bên trong lòng cốt bồ có đặt một cái giường bồ, kiểu dáng và cách đặt như ở bồ thùng miêu tả ở trên.
Khi đập lúa, tiếng địa phương còn gọi là đập bồ, người ta phải dựng kết vào xung quanh cốt bồ 6 cây săng, mỗi cây dài khoảng 2,5m, có đường kính khoảng 2cm. Sau đó, người ta dùng tấm bồ nan dừng xung quanh cốt bồ, chừa lại một khoảng trống cho người đứng đập lúa. Tấm bồ nan áp sát vào 6 cây cột săng, dùng dây sóng lá cột chắc tấm bồ nan vào cột. Chân dưới tấm bồ nan phải lọt vào vành tròn cốt bồ để khi đập lúa, lúa không văng ra ngoài.
Việc di chuyển bồ cót trên đám ruộng khô đang thu hoạch cũng giống như việc di chuyển bồ thùng. Sau khi thu hoạch lúa xong, bồ cót được tháo ra từng bộ phận, chia nhau xách về nhà, vừa nhẹ nhàng, gọn gàng hơn bồ thùng.
Bồ cót được nông dân sử dụng một cách rộng rãi cho đến khi xuất hiện máy tuốt lúa đạp bằng chân, bồ cót cũng dần dần mai một như “số phận” của bồ thùng.
Lúa đã thu hoạch xong đem về đập (Tranh Henri Orger)
5/ Cái cào cỏ đập lúa:
Cái cào cỏ có 2 loại : - Loại dùng để cào rơm rạ trên khô, dùng để khi đạp lúa, khi phơi rơm. – Loại cào cỏ dùng để cào trên ruộng nước, cào nhau lúa hay cỏ bị héo úa khi cây lúa còn nhỏ, chưa trổ bông như đã miêu tả ở trên.
Còn cái cào cỏ trên khô dùng để đập lúa là một dụng cụ dùng lực đập vào bông lúa để tách hạt lúa. Cái cào cỏ này được cấu tạo bằng một khối gỗ hình chữ nhật có bề dài 20cm, bề rộng và cao 4cm. Trên khối gỗ đó, người đục một hàng lỗ, tra vào đó 6 cái que bằng tre dài khoảng 10cm, gọi là răng cào. Cuối cùng, người tra vào đó một cái cán dài hơn 1m. Ngoài việc dùng cào này để cào rơm rạ, cào cỏ khô, người ta còn dùng cào này trong việc đập lúa.
Ngày trước, người nông dân còn dùng đôi chân của mình đạp lên bó lúa chín rồi dùng chiếc cào cỏ đập vào bó lúa để hạt lúa rơi rụng ra từ những bông lúa. Khi đó, chiếc cào cỏ được coi là một dụng cụ đắc lực cho việc đập lúa của người nông dân. Người đạp lúa, hai tay cầm hai chiếc cào cỏ để chống trên mặt đất giữ thăng bằng khỏi té khi hai chân họ thoăn thoắt giẫm đạp, vo tròn hai bó lúa từ trong ra ngoài, kéo đẩy từ ngoài vào trong cho hạt lúa chín rơi rớt ra. Có lúc, họ dùng một trong hai cái cào để bấm mạnh vào các bó lúa kéo ra để đạp, hay đập nhanh đập mạnh lên bó lúa cho mau rụng hạt …trong khi hai chân vẫn đang giẫm đạp rất nhanh. Nếu không có sự điều hòa, ăn khớp của đôi chân và đôi tay cầm cào thì chỉ một chớp mắt, cả cái cào sẽ đập mạnh vào chân gây tai nạn ngay. Nhìn người đạp lúa với 2 cái cào, ta như đang xem một vũ điệu của những vũ công lành nghề, thật uyển chuyển, nhịp nhàng, rất linh động. Do đó, coi như hai cái cào phụ sức cho đôi chân trong công việc đạp lúa này.
Sau khi không còn hạt lúa nào trong bó lúa, người ta dùng cào cào rơm rạ ra khỏi những hạt lúa, gom lại thành đống, thay vì dùng tay. Như thế, ta thấy chiếc cào cỏ nhỏ gọn, cấu trúc đơn giản như thế nhưng cũng có nhiều công dụng, giúp cho người nông dân đỡ tốn sức lực. Nông dân trong tỉnh không dùng trâu bò để đạp lúa như những nơi khác, nên chiếc cào đã đắc lực giúp họ lấy được hạt lúa chín.
Người đang đập lúa và vò rơm
(Hình trích trong Connaissance du Việt Nam)
Tại huyện Ninh Hòa, sau khi lúa đạp xong, người ta dùng cào cỏ để “kiểu lúa”. Chữ kiểu 矯 là mượn từ Hán – Việt có nghĩa là sửa cho đúng lại. “Kiểu lúa” tức là sau khi lúa đạp rụng hạt xong, người nào đạp những bó lúa nào thì vun lại thành đống tròn cho mỗi người, rồi dùng cào cỏ cào vung mạnh ra từng đợt mỏng, dùng chổi tàu cau quét lá lúa và bụi ra một đầu. Công việc này cứ tiếp tục làm các đống lúa khác cho đến khi xong tất cả các đống lúa của những người đạp. Đống lúa đầu sau khi tách ngọn và bụi ra là đống lúa gốc, chắc hạt. Khi chia lúa trả công thì lấy lúa này trả công.
Nhưng nông dân ở huyện Vạn Ninh thì không làm theo cách “kiểu lúa” này mà dùng cách “sảo lúa”. Từ sảo 稍 cũng là mượn từ Hán – Việt có nghĩa là hơi hơi chút ít thôi, tức là làm qua loa. Làm theo cách “sảo lúa” thì dùng cái rổ sảo mà người nông dân nào chuyên nghề đi gặt lúa mướn đều có cái rổ sảo này và tất cả những nhà nông đều có đôi ba cái rổ sảo.
Khi lúa đã được đạp xong, người ta hốt đống lúa vừa đạp xong bỏ vào cái rổ sảo rồi đứng sàng. Hạt lúa rơi xuống nia qua những lỗ của rổ sảo và bên trên rổ còn lại là lá và rơm. Như vậy, cách “sảo lúa” ở huyện Vạn Ninh không được sạch bằng cách “kiểu lúa” ở huyện Ninh Hòa. Ngày nay, cái rổ sảo cũng dần biến mất vì không ai dùng nữa.
6/ Bàn trang thóc :
Sau khi tách hạt lúa ra khỏi bông lúa, hạt lúa bây giờ gọi là thóc được đem phơi khô. Thóc cần được phơi thật khô, có như thế sau này đem xay hạt gạo sẽ không bị nát và thóc khô sẽ không bị mọt. Nhưng nếu quá trình làm khô nhanh quá, hạt thóc sẽ bị giòn, dễ gẫy. Do đó, theo kinh nghiệm, người ta phơi thóc nhiều đợt cho khô dần, khô đều, tránh nắng gắt. Bàn trang thóc là một dụng cụ dùng để san thóc, đảo thóc khi thóc được phơi trên sân nắng cho thóc khô đều.
Bàn trang thóc làm bằng một miếng gỗ hình chữ nhật hay hình thang cân, rộng 19 - 20cm, dài 35 - 40cm. Ở giữa bàn trang, có một cái lỗ tròn để tra cán trang vào. Độ rộng cái lỗ vừa bằng độ to của cán bàn trang. Cán bàn trang làm bằng tre tươi, có độ lớn vừa cầm, dài khoảng 2m.
Cào thóc bằng cái bàn trang thóc (Tranh Henri Orger)
7/ Cái quạt dê lúa :
Thóc sau khi phơi có lẫn vào rơm, hạt lép, hạt thối. Gạo, sau khi xay giã cũng lẫn trấu vào. Để tách những tạp phẩm ấy ra, cách đơn giản nhất là người nông dân dùng sức gió. Công việc dùng sức gió để tách các tạp phẩm ấy ra, người miền Bắc gọi là RÊ LÚA GẠO, người miền Trung, Nam gọi là DÊ hay GIÊ LÚA GẠO. Người dân trong tỉnh thì gọi là DÊ lúa gạo.
Khi trời có gió khoảng cấp 3 cấp 4, người ta bưng thúng thóc đứng thẳng góc với hướng gió thổi, nâng thúng lên, từ từ trút thóc xuống trên nia. Những thóc lép, rơm rác nhẹ sẽ bay ra xa khỏi nia, còn hạt thóc chắc vì nặng nên rơi xuống nia. Còn khi dê gạo thì trấu được tách ra. Thông thường, người ta làm sạch trấu bằng cách sãy gạo với cái nia.
Dê lúa trước gió (Ảnh Trần Cao Lĩnh)
Nếu trời không có gió, người ta dùng cái quạt, gọi là quạt dê lúa gạo. Sườn quạt được đan bằng nan tre cứng, hình chữ nhật, dài khoảng 0,8 - 1m, rộng 0,6 - 0,8m, có tay cầm. Trước đây người ta phất lên quạt giấy bổi là loại giấy thô làm bằng các nguyên liệu thừa, không được tốt lắm. Sau này, có giấy báo, giấy xi măng (giấy làm bao đựng xi măng) người ta đem phất lên quạt, dùng keo hồ cho giấy dính chặt vào nan tre. Quạt có tay cầm được làm bằng một cái ống tre nhỏ trơn láng.
Quạt dê lúa (Hình trong Tự điền hiện vật văn hóa ... )
Khi dê thóc, gạo, một người bưng thúng thóc, gạo đổ từ từ xuống nong nia, một người đứng sau cầm quạt quạt liên tục, quạt mạnh cho rơm rác, thóc lép bay khỏi thóc. Nếu thóc gạo ít thì đàn bà con gái dùng quạt quạt được. Nhưng khi lúa nhiều vào ngày mùa, việc quạt dê phải phải do đàn ông trai tráng có sức mới làm nổi.
Khi nhà không có quạt dê lúa, người ta dùng chiếc chiếu đứng kẹp ở chân quạt lúa để thay cái quạt.
Dụng cụ quạt thóc (Tranh Henri Orger)
Quạt thóc
(Tranh Henri Orger)
Cách dê lúa và dùng quạt, chiếu dê lúa kể trên rất mệt nhọc, nên hình như mai một vào khoảng năm 1986. Những năm 60, tại làng quê Khánh Hòa có chế ra cái máy quạt dê lúa bằng cách nắm tay quay cánh quạt giảm nhẹ được công sức lao động hơn. Cái xa quạt lúa (xe quạt lúa, miền Bắc gọi là quạt hòm), đóng bằng gỗ, gọi là xe nhưng không có bánh xe và không ai ngồi vào mà lái. Cái xa quạt này di chuyển là do người khiêng đi. Cấu tạo của nó gồm : - Mâm đựng lúa hình phễu để đựng lúa cần quạt, có miệng vuông cho lúa chảy xuống. Đáy phễu có hai miếng gỗ để điều chỉnh cho lúa xuống nhanh hay chậm. - Các ngăn, hộc gồm 2 hộc đặt sát bên nhau: Hộc ngay dưới đáy phễu đựng lúa chắc, hộc kia nằm lệch về phía gió thổi hứng lúa lép, rác…Trên hộc này có lỗ thoát bụi bậm bay ra. Thùng quạt hình khối chữ nhật có 4 chân đứng vững chắc. Quạt chong chóng có 4 cánh gắn với trục tay quay, quay theo kim đồng hồ. Toàn bộ xe quạt lúa được làm bằng gỗ, ngoại trừ thùng quạt và cánh quạt bằng tôn (trước làm bằng gỗ), có chiều cao 1,10m, (kể cả phần chân đứng), dài 1,50m. Hai cây khiêng đóng nẹp chặt hai bên thùng quạt, mỗi cây dài 2,40m để khiêng đi. Người ta quay tay quay, tạo thành sức gió để tống rơm rác, lúa lép ra một hộc, còn lúa tốt, chắc rơi vào một hộc. Có máy người ta thiết kế cho hột lúa chắc, tốt rơi ra ngoài, được hứng bằng một cái thúng.
Máy quạt dê lúa (Ảnh NVB)
(Ảnh chụp tại khu du lịch Nhà Xưa Ông Hai Thái Diên Khánh)
8/ Cái mỏ gảy :
Nông cụ có tên là cái mỏ gảy này là gọi theo đặc tính (hất lên, gảy lên), và theo hình dạng của nó. Công dụng của cái mỏ gảy là trộn rơm rạ đang phơi khô. Gảy hất đi hoặc hất lên bằng đầu của một vật giống hình dạng của cái mỏ chim nên gọi là cái mỏ gảy. Rơm rạ phơi khô là lương thực chính của trâu bò trong những ngày mưa gió lũ lụt. Nhà nào có nuôi trâu bò đều có nhũng cây rơm rạ khô phủ lên trên một cái dàn cây vững chắc. Và nhà đó không thể không có cái mỏ gảy.
Cái mỏ gảy được tạo thành như sau :
Cái mỏ gảy có hình thù giống như chữ Y, có cán dài và hai cái càng hình chữ V
Chọn 1 cây tre đực thật già dài khoảng 1,5m, có đường kính khoảng 4 - 5 cm, đoạn trên thẳng, đoạn dưới hơi cong, chặt sát gốc, đem ngâm sâu dưới bùn ao phòng mối mọt ăn sau này khi sử dụng. Ngâm cây tre hơn một tháng, tiếng địa phương gọi là “tre đã chín”, đem tre lên, chẻ đều làm hai nơi phần gốc, từ gốc lên dài khoảng 50cm (khoảng 1/3 của cán), rồi đem phơi khô cho tan bớt mùi hôi thối.
Sau đó người ta vót ở đầu hai phần chẻ đôi, thành một mũi nhọn như cái mỏ con chim hay như cái mũi sừng trâu. Dùng một cái vòng sắt còng thật sát vào đoạn tre nơi cuối phần đã chẻ đôi (cách gốc khoảng 0,5m đã nói trên). Người ta dùng một chốt cây hình khối tam giác nêm sát vào chốt cây nơi cây bị tách đôi mà đỉnh nằm sát vào chỗ tách có vòng sắt cùm lại. Để cho miếng nêm hình khối tam giác đó cố định, không bị rơi ra, người ta dùng đinh đóng vào hai bên phần chẻ đôi vào khối tam giác đó. Như thế, phần thân cây tre còn lại không thể tách ra được nữa. Bấy giờ, phần dưới hơi cong của đoạn tre bị tách ra làm hai đó, tạo thành hình dáng của cái mỏ gảy.
Muốn cho rơm khô đều, người dùng dùng cái mỏ gảy này để xốc lên, trộn xuống.
Trong Tự điển hiện vật văn hóa các dân tộc Việt Nam (sđd) có hình (xem hình) và một đoạn viết về cái mỏ sải, cách gọi tên ở miền Bắc gọi cái mỏ gảy, là “Dụng cụ gom rơm, rạ, cỏ, còn gọi là cặp hay càng gẩy rơm, có hình chạc cây “ (trang 662).
Ở miền Nam, dụng cụ trên, theo Tự vị của Huình Tịnh Paulus Của còn gọi là cái mỏ xảy, là “cây dài có hai chia uốn cong, để mà đánh rơm cỏ”
NHỮNG DỤNG CỤ DÙNG ĐỂ SƠ CHẾ THÓC GẠO A. DỤNG CỤ TÁCH VỎ TRẤU TỪ HẠT THÓC THÀNH HẠT GẠO :
Sau khi làm sạch thóc, phơi khô, công đoạn tiếp theo là việc tách vỏ trấu từ hạt thóc, làm trắng gạo trước khi chế biến thành những thức ăn. Công việc đó là xay, giã với những dụng cụ thích hợp : cối xay lúa và cối giã gạo.
1/ Cối xay lúa :
Cối xay lúa là một vật dụng rất cần thiết cho người nông dân sau thu hoạch vụ mùa, mang thóc về nhà để làm nên hạt gạo. Cối xay lúa được sử dụng để tác động lên hạt thóc, tách vỏ trấu ra khỏi hạt gạo.
Cối xay lúa có cấu tạo hình trụ tròn, làm bằng các vật liệu : tre, gỗ và đất. Cối có 4 bộ phận chính : Bộ chân đế, thớt dưới, thớt trên và vòng xay.
a) Bộ chân đế của cối xay là một bộ phận phải gánh chịu một sức nặng khi cối hoạt động nên phải thật vững chắc. Người ta phải chọn loại gỗ ké hay căm xe, muồng để làm dàn chân, dù tiếp giáp mặt đất với một thời gian dài, loại gỗ này vẫn không bị mục hay mối ăn.
Với hai khúc gỗ dài trên 0,8m, bề mặt rộng 15cm, cao 7 – 8cm đặt lên nhau thành hình chữ thập (dấu +), ở chính giữa mỗi cây có cắt khấc để chồng hai khúc gỗ cho khít nhau, tạo một mặt bằng phẳng liền nhau. Tại tâm điểm, người ta đục một cái lỗ hình vuông, mỗi cạnh 4cm để cắm vào đó một đoạn cây gọi là trụ ngõng, vừa để làm trụ cốt cho thớt dưới của cối và đầu trên của đoạn cây cũng vừa làm trục đội thớt trên của cối. Trụ ngõng là một đoạn cây hình trụ có đường kính khoảng 3cm, thường làm bằng gỗ loại cây duối hay gỗ cây lòng mức (gỗ trắng nhẹ, thớ mịn, thường dùng làm guốc) có sớ gỗ mềm để dễ vạt bớt, khi sau một tuần hay mười ngày, răng cối xay bị mòn, lúa xay không tróc được vỏ trấu, vạt bớt trụ cho thớt trên không bị đội lên, cho hai mặt thớt răng cối khít nhau.
Ở mặt trên bốn phía của chân đế cối, cách lỗ vuông đã đặt trụ ngõng nói trên khoảng 0,2m đục 4 lỗ để đóng vào đó 4 cái chốt cao khoảng 0,1m nhằm cố định phần thớt dưới vào chân đế cối. Cũng từ 4 điểm chốt này, người ta dùng cây vuông nhỏ đóng nối liền nhau tạo thành một hình vuông. Bên trong hình vuông đó, người ta lại nối kết thêm 4 – 5 đường nữa tạo thành nhiều hình vuông từ lớn đến nhỏ dần. Đây là cái giàn để đỡ thớt dưới của cối đứng vững và thăng bằng trên chân đế cối xay.
Dưới 4 đầu cây chữ thập của chân đế, người ta còn đóng vào đó 4 miếng gỗ để bàn chân đế cách mặt đất khoảng vài tấc.
Cối xay lúa (Ảnh NVB - chụp tại khu du lịch Nhà Xưa ông Hai Thái - Diên Khánh)
b) Công đoạn làm thớt dưới của cối xay :
Thớt dưới cối xay cố định, ở trung tâm có trụ ngõng dùng làm trục quay cho thớt trên.
Người ta chọn tre làm nan để đan thớt cối. Nan tre cần dày, to bản và phơi ra nắng cho heo héo. Sau đó dùng nan tre đan long mốt tạo thành một cái cót trụ tròn có đường kính 0,4m, cao 0,6m đặt trên cái giàn hình vuông chân đế cối. Sườn dọc cót tròn đan bằng nan tre dày, bề mặt 3cm, cao 0,6m. Sườn ngang, đan vòng tròn cót bằng nan tre vừa cật vừa ruột. Cái cót tròn ấy đứng gọn bên trong 4 cái chốt của giàn chân đế cối.
Đất dùng làm cối phải là đất lấy ở ụ mối để cho có độ cứng và dẻo. Chất dẻo của đất là do nước nhờn của mối tiết ra. Đất ụ mối dùng chày đập, giã ra cho nát, sau đó đem sàng để loại những rác rưới, tạp chất, lấy phần đất vụn nhỏ. Phần đất này đem ủ nước cho tăng thêm độ dẻo. Nước ủ đất phải dùng nước pha muối cho thật mặn, mục đích khi nện vào cối, khi đất khô không bị nứt. Nước muối trộn để ủ đất không nhiều quá làm đất nhão, chỉ cho vào nước vừa phải. Ủ đất qua một đêm hay nửa ngày là có thể thực hiện việc làm cối được.
Trước tiên, người ta dùng một miếng cót hay miếng đan của cái rổ, cái thúng hư đặt lên trên cái giàn hình vuông dưới cái trụ cót tròn để khi đổ đất vào, đất không thể rớt xuống đất. Sau đó, đất ủ đổ vào từng lớp trong cái trụ cót tròn, dùng chày nhỏ nén chặt đất xuống từng lớp. Công đoạn này phải làm thật kỹ từng lớp đất cho đến khi đất đổ đầy ngang miệng trụ cót. Cái trụ ngõng luôn phải được đứng vị trí chính giữa vòng tròn có đất. Nếu cái trụ ngõng lệch xéo, cối sẽ bị lệch, xay không có hiệu quả. Đổ đất vào làm sao phải để cái trụ ngỗng nhô lên mặt đất ở thớt dưới này khoảng 0,1m.
Bao xung quanh bên ngoài thớt dưới cối là lồng cối (miền Bắc gọi là bồn cối) để đựng gạo và trấu khi cối xay ra. Lồng cối là một vòng tròn đồng tâm với thân cối, có đường kính dài hơn thân cối khoảng 25 – 30cm. Từ lồng cối đến mép trên của thành lồng cối cao khoảng 9 – 10cm.
Cách làm lồng cối :
Dùng tre chẻ những nan tre cật dài 0,4m, bề mặt 2cm có độ dày vừa phải. Sau khi đất đổ vào thớt dưới nện chặt xong, người ta lấy những mảnh tre cật đó cắm quanh tròn mặt trên của thớt dưới, sâu vào 3cm, nhô lên cách mặt đất thớt dưới 15cm, mỗi nan cách nhau 4cm. Sau khi cắm xong, đợi vài ngày sau cho đất khô cứng, giữ chặt các nan tre đó.
Dùng những nan tre chẻ nghiêng, người ta đan long 2 quanh theo hàng nan tre cắm ở thớt dưới. Đan ra 15cm rồi rút dần sợi nan lại, cho tất cả các nan sườn cong đều lên, rồi tiếp tục đan long mốt bao quanh cho đến hết đầu nan, bẻ mối giữ lớp nan trên cùng không bị bung ra khỏi vành lồng cối xay. Người ta chừa một cái lỗ hình chữ nhật có bề dài khoảng 15cm, bề rộng 10cm cho gạo và trấu từ đó chảy rớt xuống thúng hay nia.
c) Công đoạn làm thớt trên của cối xay:
Thớt trên của cối xay cũng là hình trụ tròn có đường kính y như đường kính của thớt dưới, nhưng có chiều cao hoặc bằng chiều cao của thớt dưới hay cao hơn thớt dưới, có cối cao gấp đôi. Khởi đầu người ta cũng đan một cái cót trụ có bề cao do người làm cối quy định. Khi đan gần lên miệng thớt thì người ta rút nan cho vành miệng cúp vào bên trong, dùng sợi nan nhỏ ken lồng và ghim các đầu nan lại cho chắc. Đoạn giữa chiều cao của thớt trên, mỗi bên chừa một lỗ trống hình chữ nhật đối diện nhau để xuyên qua một cái đà bằng gỗ căm xe hay ké, dài 0,6m, dày 5cm, rộng 10cm, mỗi bên thớt thừa ra 0,1m gọi là tai cối xay. Hai đầu tai cối xay mỗi bên đục một lỗ có đường kính khoảng 3cm, là chỗ tra chốt đầu vòng xay vào mỗi khi thực hiện việc xay lúa. Đoạn giữa cây đà ngang, ở mặt dưới, người ta còn đục một cái lỗ rộng hơn cái trụ ngỗng, sâu vào cây đà 3cm để trụ ngõng thớt dưới nằm gọn trong cái lỗ này, khi xay, hai thớt đè chồng lên nhau, giữ cho hai thớt không trật ra lìa nhau.
Đất ụ mối nện vào thớt trên chỉ bằng mặt phía trên cây đà, để đất khô giữ vững cây đà. Tuy nhiên, ở khoảng giữa thớt trên phải chừa trống một khoảng 15 – 16cm khoét thành hình phễu thông xuống thớt dưới để khi xay, lúa có đường rút xuống.
Cách làm răng cối xay (miền Bắc gọi là dăm cối) :
Người ta tìm những loại gỗ tốt để làm răng cối xay như gỗ cây bằng lăng, gỗ nghiến, gỗ nhãn hay gỗ mít (phần lõi). Mỗi cái răng cối có chiều dài 6cm, bề mặt 2cm, độ dày 0,5cm, đuôi răng vót mảnh hơn đầu răng. Nêm răng cối sau khi đất nện vào hai thớt thành một lớp cứng trên bề mặt. Người ta lật ngửa thớt trên ra để đóng răng.
Đóng răng trên mặt thớt dưới cối :
Đầu tiên, người ta vẽ một đường chữ thập trên mặt đất của thới dưới cối, rồi lấy răng cối cắm liền nhau trên đường chữ thập đó. Đường răng cối chỉ ló cao lên 1cm. Như vậy, ta có 4 phần bằng nhau trên mặt đất của thớt dưới cối. Sau đó cắm các răng theo hướng từ trái qua phải theo vòng kim đồng hồ chạy. Cắm răng cối trên mặt thớt trên cũng cắm theo hướng như thớt dưới. Đến khi thớt trên lật úp lại, chồng lên thớt dưới thì chiều răng cắm trái ngược nhau, nhờ vậy khi quay vòng cối xay, hạt lúa bị xay xát, tróc vỏ. Vì cả hai mặt cùng ma sát nên cùng chịu mòn như nhau, thớt trên mòn thớt dưới cũng mòn là thế. Một cái cối xay lúa dùng từ 3 đến 4 năm thì mới mòn thớt răng, người ta phải nhờ thợ đóng cối tra bộ răng thớt lại. Trong kỹ thuật đóng cối cái khó nhất là nêm răng cối, nếu làm không đúng kỹ thuật, xay lúa làm nát lúa.
d) Vòng xay lúa (miền Bắc gọi là giằng cối) phía đầu có hình chữ L, phía đuôi có hình chữ T. Nét ngang chữ T ở sau là một đoạn gỗ dài 0,4m đục lỗ mộng tra khớp vào làm tay cầm. Riêng phía đầu chữ L tìm một nhánh cây cong có góc 900 hay trên dưới góc 900 thì mới làm vòng xay được. Nếu dùng cây gỗ đục mộng tra kháp vào, xay khoảng vài giờ là bị lung lay, “xục xịch” ngay. Cây có nhánh tạo thành góc trên dưới 900 là cây táo rừng và cây chân bầu, còn gọi là cây trâm bầu. Hai loại cây này có gai nên cần bào chuốt cho trơn láng. Thân của vòng xay dài khoảng 1,5m. Phía trước vòng xay đẽo thành một cái chốt nhỏ xỏ vào tai cối khi xay. Gần chỗ tay cầm, người ta cột một sợi dây cột lên cây xà ngang để giữ thăng bằng cho vòng xay khi hoạt động.
Cối xay lúa làm rất công phu và cần đúng kỹ thuật, nên có người chuyên làm cối để bán, dân thường gọi là bác phó cối. Phó cối không những làm cối mà còn đến nhà cần sửa cối hư.
Hiện nay có máy xay xát nên không ai cùng cối xay lúa cổ truyền nữa. Vì cối làm bằng tre, đất, trải qua thời gian bị hư mục và phải bỏ. Do đó, ngày nay không thể tìm thấy được cối xay lúa của một thời xa xưa, có thấy chăng là người ta làm lại cái cối xay mới để trưng bày.
Người xay lúa đứng trong tư thế một chân trước một chân sau cách nhau 0,5 hay 0,6m, điều chỉnh sợi dây cột lên xà ngang cho vừa tầm, không cao hay thấp quá. Hai tay người xay cầm chắc tay nắm kéo vòng xay từ phải sang trái, khi đẩy thì chồm lưng tới trước, khi kéo lùi thì hơi ngả người về đằng sau. Người xay thóc có thể hai người cùng đứng xay.
Khi người ta xay cối, thớt dưới cố định không quay, thớt trên dưới sức tác động của con người làm thớt trên quay theo chiều kim đồng hồ xoay theo trục ngõng cối. Lúa đổ vào miệng cối ở thớt trên xuống giữa hai thớt cối bị chà xát làm trấu bật ra từ hạt lúa. Hạt lúa bị bật trấu thành hạt gạo, gạo và trấu theo các rãnh giữa các hàng răng cối chảy ra lồng cối và theo cửa lồng cối chảy xuống thúng hay nia. Mỗi lần xay đổ lúa vào từ 9 – 13kg tùy theo cối lớn nhỏ. Lúa đổ vào cối xay người ta phải làm sạch, không có rác, gạch, đá vụn, mảnh kim loại … Người xay bao giờ cũng lưu ý, khi lúa xay gần hết phải dừng xay lại để đổ tiếp lúa vào, không để cối hết sạch lúa mới đổ, như thế sẽ làm hại cối. Sau khi xay hết số lúa trong cối, người ta đổi vòng xay qua tai cối bên kia, mục đích là để răng cối mòn đều
Chiếc cối xay lúa chỉ làm được nhiệm vụ là chế biến lúa ra gạo lức, tức là gạo còn lẫn nhiều cám. Còn muốn ăn gạo trắng thì phải dùng chiếc cối giã gạo và cây chày để giã gạo lức thành gạo trắng. Thế cho nên một bộ cối xay lúa thường đi liền thêm chiếc cối giã gạo và chiếc chày.
Thợ sửa cối xay lúa - Cối xay
(Tranh Henri Orger)
Chi tiết cối xay lúa
Ghi chú chữ Hán Nôm : (đọc từ phải sang trái) : Lõi cối có cái dầm - Lại trên - Tay cầm - Lại dưới - Cổ áo – Trường xà – Cái võng cối - Tai cối - Mỏ - Áo cối. (Tranh Henri Orger)
XAY LÚA
(Hình trích trong Connaissance du Việt Nam)
2/ Cối giã gạo :
Giã gạo là một công việc nhờ vào sức người để làm cho hạt gạo được trắng và phần cám được tách ra khỏi hạt gạo. Để giã gạo, người ta dùng cối. Cối giã gạo thường có 2 loại : loại dùng cối giã (cối chế tạo bằng gỗ hay bằng đá), người ta cầm chày để giã và một loại cần đạp dùng sức đạp của chân để chuyển động hệ thống chày giã vào cối. Giã chày bằng cối thì dễ di động cối hơn, giã chỗ nào cũng được. Còn giã chày bằng cần đạp thì phải đặt vào một nơi quy định, phía sau hay bên chái nhà, chiếm cả một diện tích lớn.
a) Giã gạo bằng cối và chày :
Cối giã gạo khi xưa có thân hình trụ, nếu làm bằng gỗ thì người ta đẽo nguyên từ lõi của cây gỗ tốt, như cây cầy, ké, trâm … loại cổ thụ trên núi. Lõi gỗ cần phải dai, không bị tét miệng và ít bị mòn qua thời gian dài sử dụng. Người ta dùng dao, rìu để khoét ruột, và dùng lửa để làm nhẵn cối. Cối giã gạo có loại lớn, loại nhỏ nhưng về hình dáng, mẫu mã thì chúng hoàn toàn giống nhau. Cối gồm thân cối, vành tai cối và phần đục lõm, sâu bên trong để chứa gạo giã. Mặt trên cối hình vuông, phần đục lõm tròn nhỏ dần về phía dưới, và sâu, nhọn gần sát đáy cối, có dáng miệng loe, đáy thắt. Vành tai hơi cong lõm. Mặt đáy cối có hình vuông, phẳng mặt, đứng vững vàng trên mặt đất khi giã. Cối càng dùng lâu năm, phần lõm bên trong càng nhẵn bóng. Ngoài công dụng chính là để giã gạo bằng chày tay hay chày đạp (cối đạp), cối này còn dùng để giã bột làm bánh canh, nấu chè xôi nước… Ngươi ta còn làm cối bằng đá, đẽo, đục có hình dáng như cối gỗ.
Cối chày giã gạo bằng gỗ (Ảnh VKC) - Cối đá (Ảnh NVB)
Chày giã làm bằng gỗ, có độ dài ngắn khác nhau, người ta thường chọn gỗ cây sầm hay gỗ cây quýt. Gỗ các loại cây này dùng làm chày khi giã không bị tét đầu và mối mọt không ăn được. Khoảng giữa chày người ta đẽo nhỏ, thắt lại cho vừa tay cầm. Chày có nhiều cỡ lớn nhỏ tùy theo người sử dụng. Chày có cỡ lớn dành riêng cho đàn ông thanh niên mạnh khỏe, chày cỡ trung bình dành cho phụ nữ con gái và chày cỡ nhỏ dành cho trẻ em cùng phụ giã. Tùy theo khối lượng cối, gạo đổ vào cối để giã trung bình trên 3kg gạo lức (gạo còn có cám bao quanh). Khi giã gạo lức, phải đổ vào cối 1/5 số thóc, nếu không gạo lức sẽ bị nát nhiều.
Khi giã gạo, người giã cầm chày giã, một chân đứng sau và một chân đứng trước. Chày giã xuống phải giã ngay chính giữa lòng cối, nếu giã lệch qua một bên, gạo sẽ bay tung ra ngoài cối. Hai người giã chung gọi là giã chày đôi, phải biết tránh né đầu chày, không cho 2 đầu chày đụng nhau. Những đôi giã chuyên nghiệp thì không xảy ra điều này. Người nhà quê xưa kia rất kỵ việc 2 đầu chày tán đụng nhau, như thế sẽ là điềm gây bất hòa cho vợ chồng, anh em trong nhà. Khi giã đến nửa chừng, dừng giã, lấy tay trộn gạo trong cối cho đều rồi tiếp tục giã cho đến khi gạo trắng. Nếu hai người cùng giã, nếu một người muốn dừng giã thì phải gõ đầu chày lên miệng cối, làm hiệu cho nguồi kia biết để dừng chày.
Người ta thấy trên trống đồng Đông Sơn hình dáng chiếc cối, người giã, chứng tỏ loại cối dùng tay giã đã xuất hiện từ thời cổ xưa.
b) Giã gạo bằng cối đạp :
Cối giã gạo này dùng chân, gồm các bộ phận :
- Cần đạp làm bằng cây gỗ dài từ 2 – 3m thân tròn, thật thẳng. Cây gỗ có một đầu to ở phía trước, đường kính khoảng 20cm và đầu nhỏ ở phía sau, đường kính khoảng 15cm.
- Phần trước của cần đạp người ta đục một lỗ vuông to để tra một đoạn cây gỗ, thân tròn gọi đầu chày. Đầu chày có chiều dài tùy thuộc độ sâu của lòng cối, thường dài từ 0,6 – 0,65m. Phần sau của cần đạp nơi chân người đứng đạp, người ta vạt phẳng cây gỗ cho chân khỏi bị trơn trượt khi đứng trên cần đạp để giã.
- Thân cần đạp cách đầu nhỏ phía sau 1m, người ta đục một cái lỗ vuông tra vào đó một khúc gỗ dài từ 35 – 40cm, to bằng bắp tay. Khúc gỗ này hai đầu được đặt trên 2 trụ gỗ đóng chắc chắn xuống đất. Đầu hai trụ gỗ đục trũng cái rãnh để cây gỗ đặt vào đó.
Cối đạp giã gạo (Ảnh NVB)
(Hình chụp tại khu du lịch sinh thái Nha Trang Xưa -TP Nha Trang)
- Nơi người đứng đạp cần, phía dưới người ta đào một cái hố sâu khoảng 0,4m cạn dần về phía 2 trụ gỗ. Khi người đạp cần, phần sau cần đạp bị đè xuống hố này để phần trước cần đạp đưa lên cao.
- Người giã cối đạp cũng cần có tay vịn để được vững khi đứng giã cần đạp. Tay vịn làm bằng tre hay gỗ có chiều dài từ 2 trụ gỗ đến cuối cần đạp. Tay vịn được đóng vào vách chái hay trên 2 trụ. Có nơi, người ta treo 2 sợi dây thừng treo từ xà nhà xuống để người giã cầm để lấy thế cho đôi chân đạp cối.
- Ở dưới phần đầu to của cần đạp người ta đặt một cái cối bằng đá hay bằng gỗ được chôn sâu xuống đất một nửa để cố định cối, khi giã, cối không bị xê dịch. Lòng cối được đặt làm sao tâm của lòng cối thẳng đứng đụng tâm của đầu chày, khi chày giã xuống, chày nằm gọn trong lòng cối.
Khi giã gạo, một chân người giã dậm mạnh lên phía sau cần đạp chìm sâu xuống hố, đầu trước cần đạp bật cao lên. Người giã co chân lên, phía sau cần đạp bật lên, phía đầu cần đạp rơi xuống đập mạnh đầu chày vào lòng cối chứa gạo trong đó. Người giã lại dùng chân đạp xuống … và công việc đó cứ tiếp diễn. Không ăn mỏ mổ cuống cuồng / (phía) sau đào cái chuồng, dậm giật cái đuôi là câu đố để chỉ cách giã gạo bằng cần đạp.
Người ta còn làm một cây chống cối bằng khúc gỗ to, hình chữ Y, cao khoảng 0,6m để chống cần đạp khi cho gạo vào, khi giã gạo xong một cối hay khi cần nghỉ giải lao. Khi bốc gạo ra khỏi cối, cần chống cần đạp cho vững, cho chắc, nếu không đầu chày đập xuống sẽ rất nguy hiểm. Trước khi cho gạo vào giã, người ta chống cần đạp lên, kiểm tra lòng cối có sạch không rồi quét sạch lòng cối. Người ta còn kiểm tra hố nơi người đứng đạp có nước đọng hay không. Khi không giã nữa, cũng cần quét sạch gạo cám trong lòng cối để gà khỏi nhảy vào ăn sinh ra dơ bẩn cối.
Hai loại cối trên dùng để giã gạo là chính, nhưng cối còn được dùng để giã khoai sắn khô, giã bột làm bánh …
Ngày trước nấu cơm ăn bằng gạo tự giã nên nhà đông miệng ăn gần như ngày nào cũng giã gạo. Thời đó, có những người mù cả hai mắt lại nhà nghèo, bà con trong xóm tạo công ăn việc làm cho họ, một trong số công việc đó là thuê họ giã gạo bằng cối chày. Họ tuy mù nhưng giã gạo rất giỏi, chày giã đúng xuống lòng cối và họ dùng tay, dùng mũi hít ngửi để nhận biết gạo đã bớt cám, đã trắng chưa. Chủ nhà trả công cho họ bằng gạo đã giã, đôi khi còn cho thêm. Cả tá điền phục dịch cho giới địa chủ cũng phải giã gạo không công. Các chàng trai đến làm rể, ngoài việc cày cuốc khổ cực, họ còn phải giã gạo, nhưng họ rất thích thú vì được giã chung với người vợ tương lai của mình, được nhìn ngắm, nói chuyện, vì không dễ gì gặp người yêu tự do ở nhà vợ như thế này.
Việc giã gạo tập thể trong làng giữa những trai cô gái trong những đêm trăng sáng sinh ra việc hò hát đối đáp nhau. Hò giã gạo ra đời trong công việc đó. Đó là những làn điệu dân ca đầy chất trữ tình đã được hình thành trong một số huyện, trai gái trong huyện chia làm 2 phe đối đáp nhau theo nhịp chày khua. Thời Pháp thuộc, thực dân Pháp cấm không cho trai gái tụ tập giã gạo hò hát ban đêm nên sinh hoạt này dần dần không còn nữa.
B. DỤNG CỤ ĐI ĐÔI VỚI VIỆC XAY LÚA GIÃ GẠO :
1/ Cái nong cái nia :
Cái nong và cái nia có nhiều điểm giống nhau, cùng làm bằng nan tre, hình tròn, lòng cạn, cạp vành giống nhau, chúng chỉ khác nhau về độ to, nhỏ và một số công dụng.
Tre làm nong nia phải là tre cái, tương đối già, dùng một vài đoạn ở phần giữa. Nan tre phải to, thẳng, ruột dày, được vót nhẵn, nếu đan nong thì có chiều rộng khoảng 1cm, dày 1mm. Nan đan nia thì mỏng, nhỏ và ngắn bằng nửa nan đan nong.
Đan nong từ giữa rồi tiến dần ra bốn mặt. Vành nong nức bằng miếng tre dày rất chắc chắn, cao độ 6cm. Nong có kích thước lớn, đường kính từ 1,6 – 2,0m. Cái nong được sử dụng khi giê lúa, để phơi thóc, phơi đậu phọng, phơi khoa sắn đã xắt thành lát, phơi sợi thuốc lá ... dùng cho những nhà không có sân phơi, hay dùng đặt trong bồ đập lúa hứng thóc… Nhà nghèo vách đất, người ta dùng nong dùng để che cửa, lăn qua lăn lại dễ dàng. Người ta còn dùng cái nong để làm mái che hay nằm trên đó mà ngủ nghỉ tạm thời:
Hồi nào bậu nói bậu đành
Bụi tre trước ngõ bậu biểu để dành đương (đan) nong
Bây giờ bậu nói bậu không
Tre kia ta biết đương nong cho ai nằm ?
Ngày nay, nông dân trong tỉnh không còn dùng nong nữa, nên chẳng còn ai sản xuất và rồi chỉ còn trong ký ức của những người già.
Nong nia dùng trong giê lúa (Ảnh Internet)
Trong Vân Đài loại ngữ (sđd), Lê Quý Đôn có viết về cái nong : “ Tam tài đồ hội nói : Sái bàn là đồ đan bằng tre, có mắt, để phơi thóc, rộng độ 5 thước, có cạp, sâu độ 5 tấc, trong lòng phẳng rộng, tròn mà dài, dưới đáy có buộc hai thanh tre đen, thò 2 đầu ra độ một gang tay để bưng cho tiện. Khi trời nắng, đem thóc đổ vào đó để phơi. Xem hình dạng nó, thì chính là cái mà nước nhà gọi là “Bình đầu cơ” (cái nong) “ (trang 425). (5 thước ta hơn 2m)
Cái nia có đường kính từ 1,0 – 1,2m, nhỏ hơn cái nong. Người ta đan nia bằng tre cật. Trước tiên đan mê, đan xong, người ta xén mê thật tròn, để vành vào và lận đứng, kẹp vành trong vành ngoài cho tròn trịa, dùng dây mây nức vành cho thật chặt. Cái nia rất tiện dụng trong mọi việc. Người ta dùng nia để sàng sảy trấu, hạt lép từ lúa, phơi được mọi thứ (khoai, đậu …), hứng thóc ở cối xay. Người ta còn dùng nia để đựng thịt làm cỗ, chia phần, đậy giếng nước. Trong những lễ cúng các bác, cô hồn người ta cũng dùng nia bày biện các lễ vật, đèn nhang lên trên đó để cúng. Nia bày lễ vật đặt dưới đất hay để lên trên ghế trụi (làm cái bàn giả) trên sân trước nhà.
Cái nong thì người ta có thể nằm ngồi trên đó được, nhưng người dân thì có tục kiêng cử ngồi hay dùng chân giậm vào trong nia. Đó là vì người dân quê muốn giữ sự thanh khiết vật đựng hạt ngọc trời ban cho và nia cũng là một vật dụng để bày cỗ cúng nữa.
Cái nia có “tuổi thọ” dài hơn cái nong, hiện nay trong nhiều nhà ở trong tỉnh, cái nia vẫn còn lưu dụng lại.
(Cái gác nong) Giá treo nong nia (Tranh Henri Orger)
2/ Cái thúng, cái mủng :
Cái thúng có 3 loại : thúng con, thúng cái và thúng lường.
Thúng ngày trước được đan bằng nan tre cật chứ không đan bằng tre ruột như thúng làm ngày nay. Nan tre đan thúng cái và thúng con cùng một cỡ, vót đều, không có nan mỏng nan dày, khó đan. Riêng nan tre đan thúng lường phải to và dày hơn một chút. Vành miệng thúng có dây mây nức vành. Đường kính miệng thúng con là 0,45m, đựng được 1 giạ lúa (9kg). Đường kính miệng thúng cái là 0,55m, đựng được 2 giạ lúa (18kg). Đường kính thúng lường rộng hơn, đựng được 5 giạ lúa (45kg). Thúng con và thúng cái đựng lúa chỉ cần 1 người bưng, còn thúng lường đựng lúa phải cần 2 người khiêng. Do đó, hai bên ngoài vành thúng lường người ta cột vào mỗi bên một đoạn cây tròn để khi di chuyển, 2 người cầm đoạn cây đó khiêng thúng cho dễ. Thúng lường này chỉ có ở những nhà địa chủ sử dụng để khiêng được một số lượng nhiều lúa vào lẫm. Và sau này, loại thúng này cũng rất khó tìm thấy.
Cái thúng (Tranh Henri Orger) - Cái dừng (Ảnh NVB)
Mủng nhỏ hơn thúng, đường kính 0,40m, cao 0,25m, trẹt lòng, dùng nan tre cật vót nhỏ, đều, đan kín như thúng. Mủng dùng để xúc, bưng lúa gạo, để vào gióng (quang gánh) di chuyển gọn, nhẹ, hay dùng để đậy lên thúng như cái nắp.
3/ Cái dừng, cái sàng :
Dừng (có nơi gọi là giần) là một vật dụng đan bằng nan tre có lỗ nhỏ để làm cho gạo đã giã làm sạch cám. (Cám là chất bột màu vàng nâu do lớp vỏ mềm bao ngoài hạt gạo nát vụn ra khi xay giã, thường dùng làm thức ăn cho heo. Nếu gạo bám cám thì gọi là gạo lức). Tiếng miền Bắc và miền Nam gọi vật dụng này là cái giần, theo Tự điển chữ Nôm, giần được viết từ chữ Hán : chữ mộc 木 đứng trước chữ giản 簡. Cái giần cũng viết thành chữ Hán dần 寅, đọc Nôm là dần, chỉ cái giần. Nói chung, tiếng địa phương miền Nam Trung Bộ có nơi gọi là giần, có nơi gọi là dừng. Đa số người dân trong tỉnh Khánh Hòa gọi là dừng.
Sàng cũng là một vật dụng đan bằng nan tre để làm cho gạo sạch trấu (vỏ hạt lúa) và tấm (những mảnh vỡ nhỏ của hạt gạo do xay, giã). Chữ sàng từ chữ Hán 床 đọc là sàng có nghĩa là cái giường, sang chữ Nôm cũng đọc là sàng để chì cái sàng sàng gạo. Lê Quý Đôn trong Vân Đài loại ngữ (sđd) đã có ghi chép một tục lệ xưa : “Sách “Tạp ngũ hành thư” nói : “Cứ ngày mồng ba tháng giêng, người ta mua bốn cái sàng, treo bốn vách nhà để làm ăn cho lợi : làm ruộng, nuôi tằm được bội phần, tiền tài cứ tự nhiên vào” “ (trang 437).
Dừng và sàng giống y nhau theo mẫu mã và cách đan, đường kính trung bình 0,45m – 0,50m, với vành tre nhỏ cạp chung quanh.Dừng khác sàng ở chỗ dùng nan tre để đan, dừng đan bằng sợi nan tre thẳng, chẻ vót đều, sợi nan nhỏ còn sàng đan bằng sợi nan tre chẻ vót lớn hơn. Lỗ của dừng nhỏ hơn lỗ sàng, chỉ cho tấm, vỏ trấu vụn, cám đi qua, giữ lại gạo. Còn lỗ sàng thưa hơn để cho hột gạo rơi xuống còn hạt lúa giữ lại trên sàng. Đan dừng và sàng người ta đan “long hai”, có nơi người ta đan “long mốt”.
Khi xưa, người muốn sử dụng dừng hay sàng để dừng hay sàng lúa gạo, trước hết phải tập luyện đôi tay cầm dừng và sàng trong nhiều ngày. Cầm các vật dụng này không phải bằng hết 5 ngón tay của mỗi bàn tay, mà chỉ cầm bằng 3 ngón: ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa. Người làm quen tay chỉ cần 2 ngón, ngón, ngón cái và ngón trỏ. Hai tay cử động thật dịu dàng để xoay tròn cái dừng, cái sàng.
Trước khi bỏ lúa vào cối xay lúa, người ta phải sàng lúa trước để lọc sạn, khi thành gạo, nấu cơm đỡ đãi sạn. Sau khi xay, gạo còn lẫn với vỏ trấu và lúa sót lại. Việc tách trấu ra khỏi gạo, tùy theo số lượng gạo nhiều hay ít, tùy theo người giàu nghèo mà người ta dùng cái quạt dê lúa hay dùng cái máy quạt dê lúa. Thông thường thì người ta làm sạch trấu bằng cách sảy gạo. Trấu đã được sảy ra khỏi gạo thì còn một số hạt lúa lẫn vào trong gạo. Lúc này người ta dùng đến cái sàng. Sàng gạo là một động tác xoay tròn cái sàng, gạo bên trong cũng xoay tròn theo, những hạt lúa còn sót lại dần dần nổi lên trên, nhóm tụ lại giữa sàng, còn gạo thì lọt xuống nia. Do đó, cái sàng phải đan cho khéo, các lỗ sàng chỉ có hạt gạo lọt qua mà hạt lúa không lọt qua được. Tuy nhiên, cái sàng hoàn thiện, nhưng gặp người không biết sàng thì cũng khó tách lúa ra khỏi gạo, gạo có rơi xuống nhưng lúa không nổi lên và nhóm tụ lại. Nhìn người thành thạo sàng gạo như nhìn một vũ công đang biểu diễn một vũ điệu đẹp mắt. Cái sàng được chuyển động theo vòng tròn thật nhịp nhàng, uyển chuyển. Trên sàng thì gạo chuyển động xoay vòng mà tâm là nơi lúa thoát ra từ những hạt gạo nhóm tụ lại. Dưới sàng thì gạo rào rào rơi xuống nia. Người sàng gạo không chỉ sàng mà còn sảy và lắc cái sàng nữa để cho gạo rơi hết xuống nia. Như vậy, người ta không những chỉ có sàng, mà còn sảy và lắc nữa, nghĩa làm đủ mọi động tác để cho gạo rơi hết xuống nia, chỉ còn lại lúa trên sàng mà thôi. Ấy vậy mà vẫn còn những hột gạo trên sàng, để chỉ sự chọn lọc dù kỹ càng cũng không thể lọc hết những gì cần bỏ.
Làng quê huyện Ninh Hòa còn truyền tụng câu đố :
Hàng trăm cái lỗ - Vô số trẻ con - Đua chạy vòng tròn - Chen nhau chui xuống
đã cung cấp một tri thức cho trẻ về một vật dụng là cái sàng, với nhiều cái lỗ sàng, vô số hạt gạo chen nhau qua lỗ rớt xuống nia.
Công việc sàng gạo là một cực nhọc chứ không sung sướng gì qua lời than thở của một người làm mướn :
Làm mướn cực lắm ai ơi
Lại còn giã gạo cánh tay rụng rời
Ngó lên trăng đã lặn rồi
Lại còn sàng gạo chẳng lời thở than
Tuy nhiên nếu được xem người con gái sàng gạo thì những mệt mề biến mất : Mây rắc anh nức dừng sàng / Tay em sàng gạo, xinh càng thêm xinh.
Sau khi sàng sảy thì có hạt gạo, nhưng đó là gạo lức còn lẫn cám, cần có gạo thật trắng để nấu cơm ăn thì phải qua giai đoạn giã gạo bằng cối và chày.
Giai đoạn cuối, người ta dùng cái dừng để loại tấm, cám và vỏ trấu còn lẫn trong gạo. Động tác dừng gạo, sảy gạo bằng cái dừng như động tác sàng gạo sảy gạo bằng cái sàng. Nhưng lần này hạt gạo ở trên dừng, tấm cám vỏ trấu vụn rơi xuống nia. Những hạt lúa còn sót lại dần dần nhóm lên mặt sẽ được nhặt bỏ đi.
Người giần gạo (Tranh Henri Orger) - Sảy thóc gạo (Tranh Henri Orger)
Công việc sàng, giã, dừng gạo ngày nay có máy xay xát gạo thay thế, không thấy đàn bà cô gái nào ngồi sàng sảy gạo cho ta thưởng thức được một vũ điệu đẹp và rồi cái sàng, cái dừng cũng dần dần mai một như một số nông cụ khác.
Người giã gạo và người giần gạo
(Hình trích trong Connaissance du Việt Nam )
4/ Cái rổ, cái rá :
Cái rổ đan bằng tre với nan to, đan long hai, có lỗ thưa khi dùng rửa các vật đựng, nước có thể theo lỗ chảy xuống để các vật dụng được khô ráo. Rổ có đường kính 0,50m, cao 0,25m, phần đáy hơi nhỏ lại. Rổ còn dùng để đựng các vật thô như rác, lá cây, rau, khoai bắp sắn đậu … đặt tại chỗ hoặc bưng di chuyển từ nơi này đến nơi khác
Đan rổ (Tranh Henri Orger)
Cái rá, không ra thúng mà cũng không ra rổ, rộng chừng 30 đến 40 phân, hơi trẹt lòng, nan nhỏ mà dày, vẫn có những khe hở nhưng không để vật chứa trong đó không lọt ra ngoài, thường dùng để vo gạo.
Cái sàng và cái rá (Ảnh NVB)
Tục ngữ ta có câu rổ rá cạp lại nghĩa đen là rổ rá dùng lâu bị bung vành sổ nẹp ở trên, phải “cạp” lại dùng như mới. Cạp là buộc cái nẹp lại trên rổ rá cho chắc. Câu trên còn ngụ ý hai người, hoặc ly dị vợ chồng, hoặc vợ chồng chết, lấy nhau, còn gọi là tục huyền.
5/ Cái rổ sảo :
Rổ sảo được đan bằng tre với những sợi nan hơi dày và to hơn nan đan thúng, nhưng nan vót hơi mỏng 2 mép để dễ đan và dễ cho các vật rơi xuống. Cái rổ sảo đan long mốt, đường kính khoảng 0,5m, có lỗ nhỏ hơn ngón tay áp út. Vành rổ làm bằng mảnh tre đực, nức sợi dây mây chắc chắn. Rổ sảo dùng để sảy lúa để loại bỏ lá rác, sảy sắn lát đã khô, các lát nhỏ rơi xuống, lát to còn lại trên rổ … Nhà nông nào cũng có cái rổ sảo để dùng.
NGÔ VĂN BAN - VÕ TRIỀU DƯƠNG
Nguồn: Ninhhoatoday
______________
Cây phảng đất phương Nam
27/10/2014 - 08:46
Khi làm phim “Cây phảng Nam Bộ”, Chương trình “Ký ức miền Tây” đã phải khổ công tìm kiếm những lão nông biết dùng phảng để dựng phim. Cây phảng ngày nay không còn được dùng phổ biến, nhưng nó chính là vật chứng lịch sử ghi dấu ấn sáng tạo của lưu dân Việt khai phá đất phương Nam.
Ảnh minh hoạ (Nguồn Internet)
Cây phảng còn là kỷ vật của nội tôi, một nông dân miền Tây, râu dài, suốt ngày mình trần, mặc quần ống lửng, lưng vận, tuổi 80 vẫn cầm phảng chẳng khác gì trai tráng lực điền.
Theo cố nhà văn Sơn Nam, thì cây phảng đã xuất hiện ở Nam Bộ cách nay khoảng 200 năm. Hồi trước, vùng này rừng rậm, đầm lầy, cỏ mọc lút đầu người. Dùng dao ngồi chặt cỏ, thì bị ngập nước. Đứng chặt thì không sát gốc, cỏ mọc trở lại. Phải chặt ngay gốc, dưới mí nước để cỏ bị thối, chết luôn. Do đó cần đến một loại dao dài, mà muốn chém cỏ trong tư thế đứng thì cán dao phải cong với lưỡi. Trong lao động sáng tạo, người ta nghĩ ra một loại dao mới. Vậy là cây phảng ra đời.
Nội tôi bảo, muốn có cây phảng ưng ý, trước hết phải chọn được thợ rèn giỏi. Việc chọn gỗ làm cán phảng cũng rất kỳ công, sao cho mát tay cầm, không phồng da. Mài phảng cũng phải có kinh nghiệm, ứng với từng loại cỏ. Cuối cùng là tài cầm phảng. Tay phải cầm phảng, tay trái cù nèo. Tư thế đứng và bước chân phải ăn nhịp, chẳng khác đứng bộ, đứng tấn trong thế nghề võ. Chân trái phía trước, chân phải phía sau, chém nhát thứ nhứt. Bỏ chân sau qua trái, vung phảng lên cao, chân trước qua trái, chém nhát thứ hai. Đi cặp với phảng như vợ chồng là cái cù nèo cong cong. Phảng chém cỏ còn nhùng nhằng, thì cù nèo trợ lực.
Cây phảng từ đời sống lao động đi vào nghệ thuật dân gian bằng điệu lý “Cây phảng” nổi tiếng ở Nam Bộ. Nhớ lúc xưa được theo nội ra đồng, biết tài đàn ông xứ tôi cầm phảng. Những mùa trăng, trai tráng trong xóm lập thành nhóm thi đua nhau trên ruộng gọi là phát cuộc, chế cuộc. Tiếng phảng chém cỏ dưới nước phụp phụp xen trong tiếng hò vè. Tôi được nội giảng giải cặn kẽ, cầm phảng trên vườn, ở ruộng khô chặt cỏ gọi là phát, thế chém phải đi lên; ở ruộng nước, thì gọi là chế, thế chém đi xuống. Hóa ra, người Nam Bộ đơn giản vậy mà gọi tên công việc mình làm cũng rất thâm thúy.
Cây phảng ngày nay đã lùi vào quá khứ như nội tôi đã từ giã cõi đời; nhưng công lao của cây phảng một thời, những giá trị kinh tế, văn hóa và lịch sử của nó cần được lưu giữ muôn đời.
Theo Dân Việt