Tim thông tin blog này:

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2018

Nam bộ, thời khẩn hoang

Nam bộ, thời khẩn hoang: Phảng, cù nèo và ruộng cỏ
09/08/2007 04:07 GMT+7

TTCT - 1- Khoảng năm 1985, trong đợt điều tra về các hình thức diễn xướng dân gian ở ngoại thành TP.HCM, tôi được chị Nguyễn Thị Mười hát cho nghe mấy bài lý, trong đó có bài Lý cây phảng trên đây.

Khác mùa huê nở trường đông...Mùa màng, mộng mạ, giống má thất bát, cà đun (*) gieoPhảng kia phát chế, kèo nèo huơ, kèo nèo huơ...
(Lý cây phảng)


Các loại nọc cấy và phảng cấy
TTCT - 1- Khoảng năm 1985, trong đợt điều tra về các hình thức diễn xướng dân gian ở ngoại thành TP.HCM, tôi được chị Nguyễn Thị Mười hát cho nghe mấy bài lý, trong đó có bài Lý cây phảng trên đây.

Cũng xuất thân là “người Việt gốc ruộng”, nhưng kinh nghiệm canh tác ở Trung bộ của tôi đã không giúp tôi thấu hiểu được cái công việc một tay dùng phảng “phát chế” và một tay cầm “kèo nèo (cù nèo) huơ huơ”... là ra làm sao.

Cái phảng ở Trung bộ là “con dao trành”, tức loại dao dài độ 40 phân, mép dày, lưỡi không sắc mấy, dùng để phạt cỏ hai bên bờ ruộng trong công việc vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị cấy lúa. Ở Quảng Nam, do vậy, gọi là dao phạt cỏ bờ. Ở đồng bằng Bắc bộ, vật dụng này gọi là “dao phát bờ”. Và nói chung ở Trung Bắc bộ thì đây “là loại nông cụ không được dùng phổ biến và thông dụng như cày cuốc” (1). Đó là điều khác biệt hẳn so với cái phảng ở Nam bộ.


2- Xem lại Gia Định thành thông chí (biên soạn đầu thế kỷ XIX), chúng ta thấy ở đất phương Nam thời trước có hai loại ruộng là sơn điền (ruộng núi) và thảo điền (ruộng cỏ). Sơn điền thì canh tác bằng phương pháp “đao canh hỏa nậu” tức “cày bằng dao” (dùng dao chặt phát cây cối) và bừa bằng lửa (đốt cây cỏ cháy sạch để gieo cấy). Điều này giải thích cho chúng ta nội dung câu ca dao miêu tả hình ảnh người đi mở cõi thuở xa xưa ấy:

Ra đi dao bảy dắt lưngNgó truông truông rộng, ngó rừng rừng cao

Cái dao bảy, dài bén như dao xắt chuối, đắc dụng cho người khai phá vùng ruộng núi (sơn điền). Còn với loại ruộng cỏ lùng, lác, bùn lầy thì có hai cách: 1) ở Phiên An (gồm TP.HCM, Long An, Tây Ninh... ngày nay) và Biên Hòa thì dùng trâu có móng chân cao để cày, nếu trâu thấp thì “ngã ngập trong bùn không đứng dậy nổi”; 2) từ Định Tường, Vĩnh Long đến phía tây sông Hậu (Long Xuyên, Kiên Giang, Cà Mau...) thì “không dùng trâu được mà phải đợi lúc hạ thu giao đại có nước mùa đầy dẫy, cắt bỏ lùng lác (trảm thảo, trảm phạt), cào cỏ đắp làm bờ, rồi chỏi đất cấy mạ xuống” (hiểu là cấy bằng “nọc cấy”) (2).

Để làm công việc trảm thảo/trảm phạt nhằm “cắt bỏ lùng lác” đó, cái phảng và cái cù nèo là thứ nông cụ đắc dụng - thay cho cày và bừa. Phảng và cù nèo trở thành công cụ khẩn hoang lập điền “danh giá” là như vậy. Có người cho rằng các loại phảng ở Nam bộ vốn gốc của người Khơme, được người Việt tiếp thu và cải tiến ít nhiều. Ý kiến này có cơ sở lịch sử của nó, nhưng xin được giả định thêm là cái lưỡi phảng đó tưởng như có hình bóng của lưỡi dao bảy sắc lẻm của những lưu dân hồi “ra đi dao bảy dắt lưng”.

3- Huỳnh Tịnh Của, trong Đại Nam quấc âm tự vị (Sài Gòn, 1895) cho chúng ta biết có ba loại phảng: phảng gai, phảng giò nai và phảng cổ cò. Theo kích thước đo đạc các hiện vật thuộc sưu tập nông cụ Nam kỳ của Trương Ngọc Tường thì:

Phảng gai là loại phảng ngắn lưỡi dùng để đốn, chặt cây gai, cán gỗ dài khoảng 50cm, cong gãy khoảng 1600, lưỡi cũng chỉ dài 50cm và rộng 8cm.

Phảng giò nai giống như cẳng con nai, cán ngắn khoảng 20cm, cổ dài 0,35cm tạo góc gãy với cán khoảng 1350, lưỡi phảng dài 65cm, rộng 7cm.

Phảng cổ cò cong và eo nhỏ lại như cổ con cò. Cán phảng cổ cò giống như cán phảng giò nai, tức khoảng 20cm, cổ phảng dài cũng khoảng 20cm, tạo góc cong khoảng 1300, lưỡi phảng dài 85cm, rộng 7cm.

Phảng gai dùng để phát hoang ở những vùng đất cao ráo hoặc để phạt cỏ bờ. Phảng giò nai và phảng cổ cò dùng để phát cỏ lác ruộng bưng. Kết quả nghiên cứu điền dã cho thấy phảng giò nai chỉ lưu hành ở vùng ruộng dọc sông Vàm Cỏ: Cần Đước, Cần Giuộc, Trảng Bàng, Mộc Hóa..., còn phảng cổ cò lại phổ biến khắp vùng đất ruộng hai bên sông Tiền và sông Hậu.

Ngoài ba loại phảng nêu trên, còn có phảng nắp, gồm hai loại: 1) phảng nắp lớn dài lưỡi ngắn cán (cán dài độ 25cm, lưỡi dài 90cm và rộng 9cm, cổ cong tạo một góc 750), 2) phảng nắp nhặt: cổ rất ngắn, tạo góc khoảng 750 (cán dài 30cm, lưỡi dài 90cm, rộng 7cm). Phảng nắp nói chung thích hợp với loại đồng cạn, ít cỏ.

4- Phát cỏ là công việc nặng nhọc và đòi hỏi phải có tay nghề. Tay phải cầm phảng phát một nhát, tay trái cầm cù nèo móc số cỏ đã đứt lìa gốc, kéo gom qua một bên cho trống chân cỏ để phát nhát phảng kế tiếp được sát gốc cỏ. Người phát cỏ phải khom lưng sao cho lưỡi phảng nằm ngang dưới nước, song song với mặt nước. Đồng thời phải khéo léo lia sao cho lưỡi phảng nương theo nước lướt tới mà không nghiêng lưỡi để bị nước cản, hạn chế lực của nhát chém.

Mỗi công phát cỏ từ 6g-11g trưa, người có tay nghề phát được một công đất. Đây là công việc rất tốn sức nên mỗi sáng họ thường ăn cơm cho chắc bụng, buổi chiều nghỉ dưỡng sức. Việc phát cỏ để cấy đúng vụ mùa rất khẩn trương. Phát cỏ sớm, trời chưa mưa, đất khô cỏ mọc lại. Phát muộn, nước ngập cao thì khó chém sát gốc cỏ. Do đó, thuở đất rộng người thưa, đến mùa vụ rất hiếm nhân công. Giải pháp tối ưu là trau dồi tay nghề để tăng hiệu suất làm việc. Qua thời gian, từ thực tế đã đúc kết thành những thủ thuật gọi là “phát thế”.

Theo Sơn Nam (trong Cá tính miền Nam), tổ sư của kỹ thuật “phát thế” này là ông Cai Thoại, làm chức cai đồn điền thời vua Tự Đức. Vào cuối thế kỷ XIX, khi lục tỉnh lọt vào tay giặc Pháp, ông lưu lạc khắp vùng Cà Mau, Rạch Giá. Tục truyền gặp ông, cọp bỏ chạy cong đuôi hoặc chầu chực bên cạnh khi ông nghỉ giữa rừng. Gặp ai làm việc nặng nhọc ông sẵn sàng tiếp tay, không đòi hỏi điều kiện gì. Sức ông làm bằng năm bảy người, trên vai luôn có cây phảng to và nặng gấp đôi cây phảng thường: cỡ 6kg, dài hơn 1m. Ai muốn phát cỏ nhanh để kịp mùa vụ thì cứ mời. Ông phát suốt ngày đêm, nhịn đói ròng rã đôi ba ngày, rồi sau đó ăn một nồi cơm to, ngủ suốt cả ngày.

Về sau, nhiều người đi phát cỏ dạo từ làng này sang làng khác, xưng là đệ tử hai đời của Cai Thoại. Khi ra ruộng họ phát cỏ như múa, tâm trí chuyên chú như kẻ bị nhập đồng và phát cỏ nhanh gấp đôi người thường, từ hai đến năm công mỗi ngày. Ai tò mò hỏi bí quyết, họ bảo là nhờ được “tổ sư truyền đạo”, nhờ “thánh thần phò trợ” nên luôn được mạnh khỏe.

Do đó, trong dân gian gọi đó là cách “phát thiếp”, hiểu là được thần thánh nhập vào! Trong số đó cũng không ít tay điếm đàng, nhận truyền nghề nhưng mượn một khoản thù lao kha khá để tiêu xài rồi xù, viện cớ chưa được tổ nhập hay bỏ trốn mất biệt! Thật ra, cái gọi là bí quyết chẳng qua là sức khỏe và kỹ thuật thao tác hợp lý.

Nói chung, cây phảng là nông cụ đặc biệt quan trọng trong cuộc khẩn hoang lập điền, trong hoàn cảnh đất rộng, sình lầy, trâu bò không cày bừa được. Mặt khác, đây là chứng tích của năng lực thích nghi đầy sáng tạo của những lưu dân ở một xứ sở lạ lùng, khác với những gì họ đã từng trải nơi quê hương bản quán.


(*) Một giống lúa ở ĐBSCL

(1) Nguyễn Quang Khải - Nông cụ và đồ gia dụng của nông dân đồng bằng Bắc bộ. NXB KHXH, H, 2003, tr. 35.

(2) Gia Định thành thông chí. Bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo. Sài Gòn, 1972, tập hạ, tr. 30-31

HUỲNH NGỌC TRẢNG - TRƯƠNG NGỌC TƯỜNG


"Kỷ vật" thời khẩn hoang
24/03/2008 09:26 GMT+7
TTCT - Trong nhà ông Trương Ngọc Tường (thị trấn Cai Lậy, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) hiện lưu giữ các thứ nông cụ lỉnh kỉnh giống như một cửa hàng bán đồ lạc xon. Ông dặn mấy bà ve chai: “Thấy ở đâu có cuốc, cày, dao, mác, phảng, rựa, nơm, chày, sào, (đòn) xóc... gì cứ đem về đây, tui mua giá cao”. Nhờ vậy mà ông có hàng trăm món nông cụ thời khai phá đồng bằng.


Ông Trương Ngọc Tường nói về sự tích cái thưng đong gạo
TTCT - Trong nhà ông Trương Ngọc Tường (thị trấn Cai Lậy, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) hiện lưu giữ các thứ nông cụ lỉnh kỉnh giống như một cửa hàng bán đồ lạc xon. Ông dặn mấy bà ve chai: “Thấy ở đâu có cuốc, cày, dao, mác, phảng, rựa, nơm, chày, sào, (đòn) xóc... gì cứ đem về đây, tui mua giá cao”. Nhờ vậy mà ông có hàng trăm món nông cụ thời khai phá đồng bằng.

Các tỉnh ĐBSCL có cuộc triển lãm nào cần trưng bày, ới một cái là ông có liền. Ông nói: “Mình lưu giữ mấy món đồ đơn sơ đó để con cháu sau này có cái mà coi, để biết gốc tích hồi đó cha chú chúng vô Nam khẩn hoang như thế nào. Để chúng ăn chén cơm mà biết hột gạo được làm từ đâu, bằng cách nào, bằng cái gì...”.

Từ cái thưng đong lúa

Ông lôi trong góc nhà cho tôi coi một vật tròn giống cái tô nhưng bự gấp ba lần, thân làm bằng gỗ mít. Ông nói đó là cái thưng đong lúa thời xưa, tìm gặp trong một lần đi rong ruổi ở miệt Phú Long gần Cai Lậy do một lão nông tuổi đã gần 80 tặng. Lão nông này nói cái thưng có từ hồi đời ông nội ông để lại, lúc ông còn nhỏ đã thấy nó rồi. Có thể nó được làm từ năm 1919.

Lưỡi hái


Nói về sự tích của cái thưng, ông Tường say sưa: “Ngày xưa dân mình xúc gạo cho nhau mượn hoặc đổi cá mắm thường tính bằng muỗng vùa tức gáo dừa đập làm hai, coi đó là thỏa thuận... miệng với nhau, không cần văn bản. Sau đó chúa Nguyễn làm cái đấu và thưng dùng đong lúa gạo. Thời buổi nhiễu nhương, quan quân nhà Nguyễn ăn gian bằng cách làm thưng lớn hơn một chút để đong lúa nộp của dân, còn dùng cái nhỏ lúc đong cho binh lính.


Tới thời Minh Mạng, nghe dân khiếu nại quá chừng, vua mới ra lệnh làm cái thưng, cái đấu đúng chuẩn, có qui định ni, tấc đàng hoàng. Lại cho kiểm tra, phát hiện quan quân nào ăn gian thì lôi ra kỷ luật hết. Nhờ vậy mà xã hội dần tạm ổn định. Tới cuối thế kỷ 19, đất đai rộng mở, lúa gạo càng nhiều, nông dân làm ra cái giạ lớn hơn để đong được nhiều, khỏi mất công đong đi đong lại nhiều lần. Cái giạ bự gấp 13 lần cái thưng, tức 26 đấu thì vô 1 giạ. Cái giạ đong lúa hồi đó hình vuông chứ không phải hình ống như bây giờ. Lấy bốn miếng ván đóng ghép lại mà thành”.

Ông Tường mở ngoặc: “Sau này, khi thực dân Pháp cai trị, nước ta có chuẩn hóa cái giạ bằng cách qui ra lít, cứ 1 giạ bằng 40 lít cho dễ tính. Rồi lại thay đổi vật liệu bằng tôn kẽm, chuyển qua hình ống cho gọn. Từ đó, dân mình bắt đầu sử dụng đơn vị đong lúa bằng giạ, quen kêu cái thùng đong lúa là “táo”, cứ 2 táo vô 1 giạ. Đa số nông dân hiện vẫn còn quen dùng đơn vị tính số lượng lúa bằng giạ. Ví dụ hỏi “ruộng anh năm nay trúng hay thất, bao nhiêu giạ/công? - Dạ, chừng 15-16 giạ/công” chứ ít ai hỏi “bao nhiêu tấn/ha?”.

Cây phảng khẩn hoang

Thúng đong gạo


Nói chuyện một hồi, ông Tường lại lôi trong nhà ra 5-6 cây phảng dài thòng, cán gỗ đen bóng, lưỡi phảng đã gỉ sét. Giá của nó chỉ 70.000-80.000 đồng/cây, nhưng để có một cây ông phải tốn gần... 200.000 đồng tiền xe và 2-3 ngày lội mua.

Ông cầm cây phảng giò nai (chỗ từ cán, cổ tới lưỡi bẻ góc cong có hình dáng giống như cái giò nai) lên khoe: “Cây này tôi mua được nhờ ông anh rể ở Trảng Bàng (Tây Ninh). Kế bên có người dọn nhà lòi ra cây phảng, họ quăng lăn lóc trong xó bếp, biết tôi sưu tầm thứ này, ổng nhắn lên lấy. Tiền mua phảng thì ít mà tiền đi xe thì nhiều. Tại vì còn phải làm giấy xác nhận của địa phương để sau này có bằng chứng mà nói sưu tầm nó ở đâu chứ.

Ông hồi tưởng: từ gốc của “phảng” là “phạng”. Trong hiện vật truyền thống của người Việt ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ, có hai loại phạng: phạng là vũ khí và phạng để chặt cỏ. Trong tiến trình mở mang bờ cõi vào Nam, cây phạng được cải tiến cho phù hợp, lưỡi dài hơn, cán ngắn hơn. Cách nói lâu dần cũng “trại” đi, thành “phảng” như ngày nay. Cây phảng hầu như gắn liền với đời sống người nông dân thời đó, bởi nó chính là công cụ duy nhất để làm ruộng. Năm 1776, Lê Quý Đôn viết trong Phủ biên tạp lục có ghi nhận vai trò của cây phảng ở vùng đất này rằng chỉ cần dùng phảng phát cỏ rồi cấy là có lúa ăn, cứ cấy 1 hộc thóc thì gặt được 300 hộc.

Phảng khẩn hoang


Quanh chuyện cây phảng, trong những lúc la cà, ông Tường cũng nghe được nhiều câu chuyện thú vị. Tương truyền rằng hồi năm 1945, ở miệt Mỹ Thành Bắc (giáp Đồng Tháp Mười) có ông thủ tọa Giao nổi tiếng là người “phát thế” năng suất cao nhất vùng. Bình thường một người phát giỏi lắm là được 1 công trong một buổi đứng, tức từ 5g sáng tới 13g.

Bữa đó, như thường lệ, cô con gái ông chủ đất đem xôi nếp cho thợ phát ăn. Mới 8g sáng mà đã thấy ông nằm gác tay lên phảng ngủ khò. Cô nhìn ra ruộng thấy cỏ cao tới đầu vẫn còn nguyên. Cô kêu ông dậy la mắng một hồi. Ông dụi mắt kêu “cô nhìn kỹ đi, tui phát xong rồi”. Cô quay ra thì thấy cỏ bỗng nhiên ngã rạp một loạt, như có phép mầu. Thì ra ông phát nhanh quá, cỏ đứt rồi mà chưa kịp đổ xuống. Cô hoảng hồn xin lỗi ông rối rít.

Sau này người ta đồn rằng ông Giao có nghề võ, lại có sức mạnh phi thường, ông có thể phát nhanh và ngọt, một mình làm bằng 7-8 người. Khi phát cỏ, ông có thế đứng rất vững, hai chân đứng tấn thật chắc, một tay vung phảng theo hình vòng cung, tay kia cầm cây cù nèo vẹt cỏ qua bên, động tác nhẹ nhàng như múa mà lại có sức “công phá” vô cùng. Ngoài ra, ông còn có cách mài phảng cực kỳ độc đáo, làm cho mép lưỡi có những răng cưa nhỏ li ti, một mặt phẳng, một mặt vát, làm cho lưỡi phảng ăn thật “ngọt”, phát cỏ như phát... bùn.

Chính vì biết dùng sức, lại vừa biết dùng thế, ông đã nổi tiếng khắp vùng. Có sức làm như vậy, ông Giao cũng có sức ăn kinh khủng. Những ngày không đi phát, ông hay nhận lời làm công việc dọn bàn, dựng rạp cho những đám cưới, ma chay... chỉ để được ăn cơm. Ông có thể làm từ sáng tới tối không ăn, cuối cùng còn bao nhiêu thức ăn của đám, ông “thầu” hết vô bụng.

Thẻ cấy lúa
Người dân trong vùng đồn rằng ông Giao là đệ tử ba đời của ông tổ phát thế có tên là Cai Thoại, một ông cai đồn điền thời vua Tự Đức. Ông này đi lưu lạc khắp vùng Nam bộ, hễ ở đâu có người kêu phát là ông lãnh. Ông không lấy tiền, chỉ yêu cầu đủ cơm ăn. Ông vác cây phảng to và nặng gấp đôi bình thường, phát suốt ngày đêm, nhịn đói ba ngày, xong việc rồi chỉ ăn một nồi cơm vừa đủ... bảy người ăn. Ông là người khai sinh ra kiểu “phát thế” lưu truyền cho tới đời sau.

Hiện trong nhà ông Tường còn đủ loại phảng thời xưa như: phảng giò nai, phảng gai, phảng cổ cò, phảng nắp, phảng cổ lùn... Ông cho biết mỗi loại phảng có một công dụng khác nhau, phù hợp với từng vùng đất sâu, cạn, cỏ cao, thấp, thưa dày, đất cứng, mềm... Ở vùng Đồng Tháp Mười nước ngập sâu nên nông dân thường dùng phảng giò nai, cổ cò để dễ phát sâu dưới nước cho đứt cỏ tới tận gốc. Còn vùng nước cạn như Mỹ Tho, Cái Bè (Tiền Giang), Long Hồ, Mang Thít (Vĩnh Long) thì dùng phảng gai, phảng nắp, phảng cổ lùn thích hợp hơn.

...Tới nọc cấy của vạn hò

Các loại nọc cấy


Lục lọi trong nhà hồi lâu, ông lại ôm ra một đống nọc cấy bằng gỗ đủ loại, đủ cỡ ngắn dài, đủ hình dáng, kiểu cách rất độc đáo. Cầm lên một cây nọc cấy có chạm trổ tinh vi, cán nọc cong vút hình mái ngói cong, ông nói đó là nọc cấy của người Khơme Nam bộ, nó có hình thức đẹp, nét chạm khắc cũng sắc sảo.

Ông giải thích: “Các loại nọc ngắn dùng cho vùng đất cạn, dài cho đất sâu, nhọn cho đất cứng, dẹt cho đất mềm... Mấy tay thợ mộc ngày xưa cũng tinh tế lắm. Biết tính chị em mình hay “điệu” nên đẽo ra cây nọc cũng duyên dáng, ẻo lả, vừa thuận tay, dễ sử dụng. Cây nọc có cán nhỏ, vừa gọn trong lòng bàn tay mấy cô, lại có thanh ngang để tựa, vừa đủ nhẹ để ghim xuống đất, vừa chừa chỗ để nắm bó mạ rứt ra từng tép để cấy. Có loại nọc thon, dài, gọi là nọc chìa vôi (vì nó gống như cái chìa dùng đâm nhuyễn trầu cau trong cái vôi ăn trầu của cụ già xưa). Nọc này dùng để cấy ruộng nước ngập sâu. Lại có nọc dài như cây sào, hai đầu nhọn để cánh đàn ông vừa gánh mạ, vừa chọc lỗ cho chị em cấy, động tác khi chọc lỗ như khi đâm chày giã gạo, nên gọi là nọc chày. Một người cầm cây nọc chày có thể chọc lỗ cho 5-6 người cấy một lúc.

Nọc cấy cũng gắn liền với đời sống người nông dân Nam bộ vào những năm đầu khai phá đất hoang. “Hồi xưa đâu có đất mềm cấy tay như những năm 1970 sau này. Khi vừa phát cỏ xong là cấy mạ xuống, trong đất lúc đó còn gốc cỏ, rễ cây, chúng đâm tua tủa nhọn hoắt, bén ngót, ngón tay bằng da bằng thịt nào mà thọc xuống đó được, chỉ có nọc cấy làm thay. Vậy là cha ông mình tùy theo đặc điểm từng vùng đất mà chế tác ra nọc cấy phù hợp. Nếu cây phảng thể hiện “đẳng cấp đàn ông” thời đó thì chiếc nọc cấy tượng trưng cho hình ảnh người phụ nữ Nam bộ hiền lành, chịu thương chịu khó”.

Ông kể rằng ngày xưa, khi vào mùa cấy, xóm làng miền Nam vui như tết. Mới hừng sáng là từng tốp cô thợ cấy rủ nhau í ới xuống ruộng. Hầu như xóm nào cũng có một nhóm, gọi là vạn cấy, chừng 30 người lãnh làm chung một chủ đất. Người đứng đầu một vạn cấy gọi là bầu, giống như bầu gánh hát vậy, có nhiệm vụ lãnh ruộng, chấm công, lãnh tiền chia cho chị em. Cứ cấy xong một công là bầu cấp cho mỗi người một thẻ cấy, cấy xong thửa ruộng cộng thẻ lại lãnh tiền. (Tôi thật bất ngờ khi ông lôi ra một lô lốc xâu thẻ cấy thật đẹp, thân khắc xà cừ, gỗ đen mun, hệt như những cây trâm cài của các tiểu thư trâm anh đài các).

Rồi lại có những vạn cấy đổi công cho nhau, nay làm ruộng này, mai qua ruộng kia trả công lại, thể hiện tình đoàn kết gắn bó tương trợ lẫn nhau của người nông dân. Bởi vậy sau này mình thường nghe nói “vạn vần đổi công” là có tích từ vạn cấy hồi xưa. Những xóm quê có vạn cấy nổi tiếng thời đó là vạn cấy An Hữu, Tân Hội (Cái Bè, Tiền Giang), Bình Hòa Phước (Vĩnh Long)... Bây giờ đi về xóm nào mà thấy có miếu Thần Nông là xóm đó có vạn cấy.

Nói tới vạn cấy mà không nói chuyện vạn hò là thiếu sót lớn - ông tiếp tục kể - Hồi đó chị em cấy lúa dưới ruộng là trên bờ thanh niên phải phục vụ gánh mạ, tát nước. Trai gái chọc ghẹo nhau bằng hò đối đáp rất sôi nổi, làm ai nấy quên đi mệt nhọc. Tỉ như:

“Hò... ơ... sông Cửu Long con rồng chín khúcTính con người lúc đục lúc trongThương em thương gái má hồngThương người nề nếp, thủy chung một lòng”

Khi anh chàng chọc ghẹo:

“Có con đừng gả cù laoMột mai sóng gió làm sao nó về”

Thì cô nàng đối đáp:

“Chú kia nhổ mạ bên cồnNước nôi không có cái mồm khô queo”.

Hoặc tài tán tỉnh ngọt ngào của anh chàng:

“Đẹp thay cô gái Bình LươngQuanh năm cấy lúa, làm vườn vẫn xinhGái Bình Lương da hồng như mậnGái An Thành giọng ngọt tợ chôm chôm”

Hoặc khi trời xế chiều, lại đổ mưa mà muốn cấy nhanh, các vạn hò lại kẻ xướng, người xô theo nhịp hò mái ba dồn dập, làm nhịp cấy nhanh và khẩn trương hơn.

Ông như thoáng buồn: “Ngày nay, phương pháp gieo sạ hiện đại đã xóa nhòa hình ảnh những cô thợ cấy xinh tươi ngày xưa, giăng hàng ngang trên thửa ruộng dệt nên những luống mạ xanh rì. Hình ảnh đó nay đã trở thành dĩ vãng. Và những chiếc nọc cấy trở thành kỷ vật”.

DƯƠNG THẾ HÙNG

Nguồn: Tuoitre

Tìm kiếm Blog này