Tim thông tin blog này:

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2018

Chuyện về nhóm nhà báo “mất tích” trên chiến trường Campuchia

XUÂN QUẢNG - DOÃN ĐỨC (VIETNAM+) 
Gần 40 năm trước, thế giới chứng kiến thảm họa diệt chủng hết sức tàn bạo tại Campuchia dưới chế độ Khmer Đỏ. Lịch sử cũng ghi nhận hành động cao cả, nhân đạo, đầy nghĩa hiệp của quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, từng bước hồi sinh, xây dựng cuộc sống mới.

Đóng góp không nhỏ vào những năm tháng lịch sử ấy là sự hy sinh thầm lặng của nhiều phóng viên, biên tập viên và kỹ thuật viên của Thông tấn xã Việt Nam, những người đặt nền móng cho sự ra đời của nhiều cây bút trên mặt trận thông tin của nước bạn.

Nhóm các chuyên gia kỹ thuật TTXVN và hai chiến sĩ trinh sát đóng bên ga xe lửa Phnom Penh. (Ảnh: Chuyên gia TTXVN Trương Việt Cường cung cấp)

[Hồi ức về những số phận bi thảm trên bãi mìn gần đền Preah Vihear]
 

"Mất tích" bí ẩn

Hàng thập kỷ đã qua, nhà báo Nguyễn Đăng Chiến vẫn không thể quên những năm tháng làm việc trên đất nước Campuchia, đó là khoảng thời gian phải đối mặt với hiểm nguy, thậm chí có thể hy sinh tính mạng nhưng cũng đầy hào hùng của nhiều nhà báo Thông tấn xã Việt Nam.

Tháng 11/1978, nhận lệnh điều động từ Tổng xã, nhà báo Nguyễn Đăng Chiến gấp rút chuẩn bị hành lý rời Thành phố Hồ Chí Minh để sang Campuchia. Trong chuyến công tác này, ngoài ông còn có một số nhà báo nữa là Vũ Xuân Bân và Phạm Nhật Nam cũng được biên chế vào nhóm giúp bạn.

Ông kể, những ngày đầu trong công việc mới, chúng tôi rất bận, chủ yếu là đi làm tin, chụp ảnh về hoạt động của lãnh đạo bạn tại "vùng giải phóng Campuchia".

Ngày 25/12/1978, từ cơ quan Thông tấn xã Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, 5 nhóm công tác của Thông tấn xã xuất phát tham gia giúp bạn giải phóng Campuchia. Lúc này, một số phóng viên tin, ảnh từ Hà Nội cũng được cử vào tăng cường cho Thông tấn xã Campuchia (SPK).

Trong lần ấy, nhà báo Nguyễn Đăng Chiến cùng phóng viên ảnh Hoàng Ba và lái xe Hoàng Văn Sửu được cử đi theo mũi tiến công của Quân khu 5, nghĩa là phải ngược Quốc lộ 1 ra miền Trung. Tuy nhiên, trên đường di chuyển, nhóm công tác lại nhận được tin Bộ Chỉ huy tiền phong Quân khu 5 đã di chuyển đến căn cứ Lệ Thanh, gần biên giới Campuchia, do vậy cả nhóm quyết định không ra Đà Nẵng nữa mà lên thẳng Pleiku để tiếp cận lực lượng tiến công của Quân khu 5.

Diễn biến trên chiến trường rất nhanh, chỉ một tuần, quân ta đã đã hoàn thành chiếm giữ các vị trí chủ chốt trên toàn mặt trận. Lực lượng Quân khu 5 chiếm được thị xã Stung Treng ngày 4/1/1979, về cơ bản là hoàn thành chiến dịch.

Trong suốt thời gian ấy, nhóm công tác của Thông tấn xã Việt Nam đã đến nhiều đơn vị, nhiều địa điểm để lấy tin, chụp ảnh phục vụ cho công tác thông tin, nhưng do không có bộ phận điện báo đi theo, thậm chí sự liên hệ giữa Bộ Chỉ huy tiền phương toàn quân Quân khu 5 với Bộ Chỉ huy tiền phương toàn quân là quan hệ gián tiếp, phải thông qua Bộ Tổng Tham mưu ở Hà Nội, nên việc chuyển thông tin báo chí qua hệ thống này là không thể thực hiện được.

Bộ đội ta truy kích lính Pol Pot, bảo vệ biên giới Tây Nam cuối năm 1978. (Ảnh: Nhà báo Vũ Xuân Bân - cựu phóng viên TTXVN cung cấp).

Nhớ lại chuyến công tác đó, ông Chiến nói, nếu theo đúng những gì được giao trước lúc lên đường tập kết tại thủ đô Phnom Penh vào ngày chiến thắng, cả nhóm phải trở về Thành phố Hồ Chí Minh ngay sau ngày 7/1/1979, nhưng vì đường sá xa xôi, nhóm của Nguyễn Đăng Chiến đã quyết định tiếp tục ở lại mặt trận Đông Bắc thêm một thời gian nữa để thu thập thêm thông tin, theo gợi ý của đồng chí Lê Ba.

"Trong khi chúng tôi nỗ lực với công tác tại mặt trận thì Ban lãnh đạo cơ quan rất lo, vì đã quá thời hạn quy định mà chưa được thông tin gì về nhóm chúng tôi. Đã có những dự cảm về một tình huống xấu nhất xảy ra, bởi thế, sau này khi trở lại với đoàn chuyên gia Thông tấn xã Việt Nam giúp SPK, nhiều người gọi chúng tôi là "nhóm mất tích", nhà báo Nguyễn Đăng Chiến nhớ lại.

Vượt lên mọi gian khó

Khác với những gì sôi động, ồn ào của thành phố Hồ Chí Minh, Phnom Penh những ngày đầu giải phóng không có dân, hạ tầng cơ sở bị phá hủy hoặc bị bỏ hoang phế không khác gì “thành phố chết.”

​Thời đó, chỉ có xe quân đội được phép đi qua biên giới, trong khi xe thương nhân thì không có, thực phẩm lại cực kỳ thiếu thốn, chưa kể hạ tầng cơ sở gần như bằng không, nhưng tất cả không làm giảm sút nhiệt huyết của các cán bộ, ​chuyên gia của Thông tấn xã Việt Nam.

Theo ông Chiến, thời điểm ​đó, Thông tấn xã SPK vẫn chưa có người nào, kể cả phụ trách lẫn phóng viên, do vậy toàn bộ thông tin về hoạt động của các nhà lãnh đạo Campuchia đều do phóng viên Thông tấn xã Việt Nam cử sang giúp bạn, rồi sau đó những bản tin ấy cũng do đội ngũ kỹ thuật của Thông tấn xã Việt Nam phát lên mạng.

"Giữa bạn với chúng tôi như anh em một nhà, chúng tôi ăn chung một bếp, ở chung một nhà không có gì phân biệt giữa bạn và ta cả. Tôi nhận thức công việc của chúng tôi khi ấy hoàn toàn vô tư, trong sáng," ông Chiến xúc động khi nhớ lại những ngày gian khó.

Xe chở phóng viên TTXVN vượt qua ngầm sâu tại khu vực Xa Mat (Tây Ninh) giáp biên giới Campuchia tháng 10/1977 để đưa tin bảo vệ biên giới Tây Nam. (Ảnh: Nhà báo Vũ Xuân Bân/TTXVN cung cấp)

Lúc bấy giờ lực lượng Pol Pot chưa bị đánh tan hẳn, còn lại tàn quân và thỉnh thoảng vẫn còn những hoạt động chống phá nhà nước cách mạng, do vậy rủi ro luôn rình rập các nhà báo Thông tấn xã Việt Nam trong những chuyến công tác.

Ông ​nói, mỗi chuyến đi phải mang theo máy điện tín và gửi tin bài về tổng xã bằng máy phát moóc dùng nguồn điện từ máy điện quay tay, khi quay thì nhẹ, nhưng khi phát chiếc máy trở nên nặng nề, cả nhóm sợ nhất là chiếc máy dừng hoạt động và phải làm từ đầu, do vậy tất cả phải nghĩ ra một cách làm để đạt hiệu quả nhất.

Chỉ tay vào cuốn hồi ký chiến trường, ông Chiến nói, khâu làm phóng viên thì vất vả ở ngoài trận địa còn khâu biên tập thì cũng không kém vì phải dựa trên tài liệu hết sức cô đọng mới hình thành ra được một tin, bài hoàn chỉnh.

"Biên tập ngày xưa ở nhà gần như phải dựa trên chất liệu mà phóng viên tác nghiệp, bởi chỉ truyền bằng hệ thống moóc, máy chúng ta cũ rất hay hỏng hóc và phải đẩy ra xa để truyền tin về, tránh bị địch phát hiện."

Bài phỏng vấn đặc biệt

Trong đợt đầu tiên đoàn cán bộ Thông tấn xã Việt Nam được cử sang Campuchia giúp bạn, Ban phụ trách do đồng chí Trần Hữu Năng, lúc đó đang là Trưởng Ban tin trong nước (Thông tấn xã Việt Nam) làm trưởng đoàn, trong khi phụ trách mảng tin là đồng chí Nguyễn Bá Ngạc, lúc đó là Phó trưởng ban CK và phụ trách ảnh là đồng chí Hoàng Văn Sắc, lúc đó là Trưởng phòng ảnh (Ban ảnh, Thông tấn xã Việt Nam).

Lật lại những trang sử vẻ vang một thời bên nước bạn, đôi mắt nhà báo Nguyễn Đăng Chiến bừng sáng lên khi nhớ lại một kỷ niệm sâu sắc trong lần phóng vấn một chính khách của Campuchia thời bấy giờ, đó là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp trong Chính phủ cách mạng Campuchia.

Để chuẩn bị cho cuộc hẹn, ông đã phải dành nhiều ngày, cất công vào thư viện quốc gia Campuchia để đọc và tìm lại tất cả những vấn đề liên quan đến ngành nông nghiệp của nước bạn.

Ông nói, "Tôi đã nghiên cứu khá kỹ về tình hình phát triển nông nghiệp Campuchia trước ngày giải phóng và tôi đã định hình được hướng phát triển của Campuchia trong lĩnh vực này để rồi đưa ra một số chương trình trong buổi phỏng vấn đó."

Nhà báo Nguyễn Đăng Chiến, một trong những phóng viên tin của Thông tấn xã Việt Nam được cử sang Campuchia giúp SPK những năm 1979. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Nhưng hình như đó cũng là một mối nhân duyên, chính ông cũng không ngờ bài phỏng vấn của mình phát trên Thông tấn xã Campuchia (SPK) lại trở thành đề cương phát triển nông nghiệp của Campuchia trong thời kỳ đầu sau ngày giải phóng.

"Tự tôi nêu ra mục tiêu là phát trồng cấy lúa trên 1 triệu ha chứ lúc bấy giờ phía bạn chưa có chỉ tiêu nào cả và tôi chỉ gắn với lời của ông Bộ trưởng mục tiêu trong năm 1980 là phát triển 1 triệu ha lúa và sau này lại trở thành chỉ tiêu mà Chính phủ Campuchia đặt ra để thực hiện trong giai đoạn đó. Bài phỏng vấn được phát vào ngày 1/4/1979," ông Chiến tự hào kể lại.

Sau 3 năm công tác trên đất bạn, ông cũng không nhớ nổi có bao nhiêu bản tin được mình và các đồng nghiệp vượt gian khó để thực hiện. Nhưng trong dù gian khó vất vả đến đâu, các nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam vẫn luôn thể hiện quyết tâm vì sự nghiệp chung cao cả giữa hai nước Việt Nam-Campuchia và đến bây giờ, dù quá khứ đã lùi xa, nhưng sự hy sinh và chiến công của họ sẽ còn mãi trong lịch sử báo chí cách mạng như một dấu son không phai mờ./.

Nguồn: Vietnamplus

Tìm kiếm Blog này