Tim thông tin blog này:

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018

Ký ức: Mấy ổng dìa

Phú Đặng đang  cảm thấy rùng mình.
Qua cái nhìn trẻ thơ nên chưa biết, " ... bỡi chiến tranh đâu phải trò đùa ..." ( trích lời của NS. Phan Minh Tuấn)
7. Mấy ổng về
Chó sủa hậm hực rồi tru lên từng hồi trong đêm vắng, cả làng chìm nghẹt trong bóng tối, cây đèn hột vịt vặn nhỏ ngọn trên bàn thờ soi mờ mờ, nhiều đôi mắt mở to lo sợ của người lớn xác định họ đang thức, rồi tiếng thì thào không ra khỏi cổ họng, đôi tay run run khi tiếng sủa càng lúc càng gần nhà, lo lắng chờ nghe tiếng đòi mở cửa .
Chó lại sủa rộ hướng xóm trên, rồi xa dần, lâu lâu chỉ còn tiếng hậm hực nửa chừng của vài con ngu ngơ...
Hừng đông mà trong xóm không nghe tiếng mở róng chuồng dắt bò ra đi cày đi bừa, đường làng cũng vắng tiếng guốc đi chợ sớm, một sự yên ắng đầy đe doạ, thậm chí hình như sáng nay gà không gáy báo sáng, còn tiếng lục cục líp chíp của đám gà mái gà con cũng im lìm. Má nhóm bếp nấu nước pha trà cho cha rón rén, lẳng lặng như nhà có người bịnh, cha ngồi trầm tư bên chén trà nguội dần, chú tám ngồi cạnh, im lìm ...
Buổi chợ không ai bảo cũng không ai mang hàng đến bán, vài người chắc không biết nên đi chợ mua đồ, qua khỏi đầu cầu gỗ thấy vắng tanh, trong mình ơn ớn, vội vã quay về.
Đâu cỡ tản sáng thì có tin mấy ổng về viết khẩu hiệu, rồi có tin đồn hướng núi đổ xuống đồng, dọc mương cờ cắm nhiều lắm, còn lựu đạn có gài ở đâu không thì không rõ nhưng không ai dám đi trên đường chính, chưa nghe xầm xì gì về ai đó đưa lên núi hay gạo tiền ai đóng đêm qua...
Lính dân vệ trưa trề trưa trật mới về, đi hàng dọc săm soi trên nhiều con đường làng, coi bộ hình như đang tìm chứng cớ gì đó...
Trưa, nhiều người mà đa số là trẻ nhỏ tụ tập chỗ bức tường gạch gần chợ, mấy ông lính đã lấy nước vôi bôi xoá câu khẩu hiệu từ hồi sáng, xoá hổng kỹ còn mờ mờ, đọc được chữ muôn năm rõ nhất, ai đó thốt lên câu chẳng ăn nhập gì - " ai viết mà chữ xấu quá chừng, ngó quen quen ! "
Ra ngoài lộ chính nơi có con mương chạy song song, thanh niên thì cười cợt chỉ chỏ còn người lớn hơi lượng sượng lảng tránh, dưới mương trẻ nhỏ bơi bì bõm vừa giỡn vừa vớt bè chuối, cứ mỗi bè là hai khúc ngắn thân cây chuối ghép lại, trên cắm một lá cờ màu đỏ bằng giấy thủ công, cỡ bàn tay .
Chán coi lặn ngụp trên bờ mương, thơ thẩn trên đường về nhà, nó thấy việc hồi hôm cho đến sáng nay không có gì vui hay lo lắng nhiều, lo là không biết chiều nay có đủ người chia phe chơi u mọi, cút bắt hay chơi bịt mắt bắt dê không...
Người lớn làm gì cũng nhanh, họ làm nhiều thứ để từng đêm còn sớm mà trẻ em cũng không được chơi đùa học hành gì, đèn tọa đăng sáng sủa giữa nhà đã thay bằng đèn hột vịt tù mù, đã nhiều đêm ngột ngạt ngủ lơ mơ bên dưới tấm phản làm hầm trú ẩn, tiếng chuông chùa cầm canh không còn nghe nữa, tiếng cà - nông lâu lâu lại vọng về .
Rồi một ngày không ai định trước, mếu máo chạy thục mạng dưới tiếng súng bay trên đầu đoàn dân quê gồng gánh chạy trốn, ai đã khéo mượn tên để nhẹ nhàng cho một sự kiện quá đau lòng khi rời bỏ quê cha đất tổ, rời bỏ căn nhà thân yêu - đi tản cư (?)
 ______________
M ẤY ỔNG DÌA.
Phú Khê một đêm 1965
Đêm đen yên tĩnh , tôi bỗng thức giấc bởi những tiếng chó sủa , lúc đầu xa xa , gần gần ,dần dần im bặc.
Bỗng " cộc cộc cộc " bà ngoại ngồi bậc dậy , nhẹ nhàng ra cửa dòm qua khe , quay phắc vào đến bên giường mẹ và khe khẽ nói " Mấy ổng dìa " , tôi thấy mẹ hốt hoảng đi nhanh lại cái lu to ở phía sau tủ kệ chưng hàng tạp hóa của ngoại rồi lọt thỏm mất vào lu , ngoại lấy cái trẹt ( giống như cái sàng gạo nhưng đan dày kín kẽ ) đậy miệng lu lại , lấy thùng dầu xà lách vuông chằng lên trên rồi mới ra mở cửa . Tôi lúc đó với trí óc 8 tuổi trẻ thơ non nớt , chẳng biết " mấy ổng " là ai mà mẹ sợ phải trốn vào lu , vậy mình có nên trốn hay không ? " mấy ổng " có giống ông kẹ mà ngoại hay dọa mình lúc 4 - 5 tuổi không ? Hoang mang quá ! Nhìn qua bên cạnh thấy chị của tôi vẫn ngủ ngon lành , có sợ gì đâu . Tôi kéo mền đến tận cằm chỉ chừa hai mắt , nhìn sâu vào màng đêm thấy ngoại quay vào với mấy bóng người , 2 đàn ông và 1 đàn bà , họ mặc quần áo bà ba đen , vai đeo túi dết thòng ngang hông , chân mang dép lốt xe , đứng thì thầm to nhỏ với ngoại , rồi thấy ngoại cứ cân cân , đong đong , gói gói ...
Bỗng một người cất tiếng hỏi :
- nghe nói cô 5 dìa đâu rồi ?
- Dạ nó đi Tuy Hòa hồi xế cho kịp chuyến ghe Sài Gòn rồi chú
( vì lúc đó đường bộ bị cách mạng đào hào to và sâu xe không đi được , phải Giao thông đường biển )
_ Dạo này cô 5 buôn bán hàng gì ?
_ Dạ cũng bánh kẹo , đường đậu vậy .
_ khi nào cô 5 dìa bà bảo cổ lên " hộc " ( hang trên núi , nơi cm đóng ) tập trung học tập chính sách , nghị quyết nghen .
_ Dạ .
Một người đến gần cái lu gõ gõ và hỏi
_ Lu đựng gì ?
Tôi mở to mắt nhìn chằm chằm cái lu thử nó có lúc lắc không thì bà ngoại trả lời .
_ À còn hơn thùng nếp giống, sợ chuột ăn nên tôi đổ vào lu đấy mà .
Thế rồi họ mang mang , xách xách thì thầm , rì rầm gì đó rồi vội vã đi cửa sau ra vườn .Đâu đó văng vẳng lại tiếng chó sủa thưa thớt và tôi chìm dần vào giấc ngủ mơ hồ ...........
Sáng dậy nghe mẹ dặn chị :
_ Má phải đi rồi , ở nhà chăm em , có gì ngoại đi đâu thì hai chị em theo đó nhé , phải nghe lời ngoại dạy , má liên lạc sau ..
Rồi quay sang nói với ngoại
_ Hồi hôm " mấy ổng " mà mở cái lu ra là con bị bắt đi học tập rồi ...thì ra 3 người hồi hôm là " mấy ổng " hả !
Lúc ấy tôi thấy mấy người đó cũng bình thường như bao người khác sao mẹ và ngoại sợ quá vậy ! ...
Bây giờ lớn rồi tôi mới hiểu .

Tìm kiếm Blog này