Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

Về bài hát trẻ con - “Ma-ní lấy chồng chà-dà”

MA-NÍ, CHÀ-DÀ…

Mình ưa kể chuyện cho bạn già nghe… vào những ngày cả hai đã đi gần tới cuối đường định mệnh. Bạn già rất chăm chú nghe chuyện, dù tuổi đã già rồi nhưng tính phản biện, tính cãi cọ kiểu trẻ con vẫn còn cao ngất trời. Cứ kể được khoảng một khúc ngắn thì mình lại bị bạn kê ngay một cục gạch vào họng.
Mình dư biết tuổi bạn lớn rồi, có còn việc gì vui hơn là cãi lộn… vì cãi lộn cho người ta thấy mình vẫn còn sáng suốt nhớ được chuyện này chuyện kia, còn biết lý lẽ phân bua đớp chát. Còn phần mình thì dù bị kê gạch cứng họng mãi nhưng vẫn thích kể lể hoài. Mình già rồi, biết làm gì cho hết khoảng thời gian của những ngày tàn ngoài cách nói chuyện với người này người khác cho hết những khoảng trống cô đơn càng ngày càng lớn. Và: Những câu chuyện ấy thường là những chuyện tào lao.
Kể: Cứ nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ gặp lại được những nỗi buồn xưa cũ. Cứ nghĩ thời gian đã trôi đi biền biệt chẳng quay về. Cứ nghĩ những cảm giác êm đềm hay chua xót của những ngày xưa cũ sẽ tan biến mất vì không ai có thể tắm hai lần ở một dòng sông… Thế mà có một ngày mình sắp tới cuối đường đời thì tất cả quá khứ quay trở lại cười khúc khích hay khóc rúc rích rồi khiêu vũ điệu “chachacha”.

Mình cười khúc khích hoài khi nghe hay tự mình cất lên tiếng hát khàn đục tuổi sáu mươi: Chachacha ma-ní lấy chồng chà-dà, chachacha ma-ní lấy chồng chà-dà… Chachacha ma-ní lấy chồng chà-dà, chachacha ma-ní lấy chồng chà-dà…
Ma-ní là thủ đô Manila của nước Philippines. Nói nguyên chữ Philippines thì khó nói vì quá dài nên khó nhớ, nói ma-ní để chỉ người Phi thì dễ nói hơn, riết rồi chữ ma-ní có nghĩa là người Philippines. Lúc đầu chữ ma-ní vừa chỉ phái nam vừa chỉ phái nữ.
Còn Java là hòn đảo lớn và đông dân nằm ở trung tâm của nước Indonesia ngày nay. Trước đây Java là một vương triều riêng biệt giỏi nghề hàng hải và buôn bán, có thời gian cho hải quân tới vùng Bình Thuận – Ninh Thuận nước ta để mà ủng hộ hay uy hiếp nước Chăm-pa thời đó… đồng thời họ cũng truyền bá đạo Ấn, đạo Hồi vào nước Chăm-pa.…
Dân mình kêu chà-dà là ám chỉ người Java, cũng có khi dùng chữ chà-dà để chỉ các tộc người vùng biển đảo phía nam Ấn độ… riết rồi dùng chữ chà-dà để đặt tên hết mấy người Nam Á, miễn là đen thui, tóc quăn, mũi cao, to cao hơn người Việt. Kể cả người Chăm vùng Tân Châu, Châu Đốc có vóc dáng giống như vậy cũng được gọi là chà-dà.
Đặc điểm khác: Tuy da đen nhưng răng người Java thì trắng nhỡn và đều đặn. Trước năm 1975 hãng kem đánh răng Hynos có lấy hình tượng “Anh Bảy Chà” là bức hình của một người đàn ông chà-dà cười nhe hai hàm răng trắng bóng nhỡn để treo bảng quảng cáo tận hàng cùng ngõ hẽm. Còn trên radio chương trình thương mãi thường ca quảng cáo: Em yêu anh, em yêu anh, anh Bảy Chà da đen! Chà là chà-dà, còn tại sao ghép thêm chữ Bảy vào để thành anh Bảy Chà thì không ai giải thích nổi. Ở Sài Gòn nghe Bảy Chà thì nhiều, ít nghe Hai Chà hay Ba Chà, Bốn Chà, Năm Chà…
Diễn giải: Từ giữa thế kỷ mười chín trên đất Sài Gòn người Philippines đã có mặt. Họ làm đủ các nghề: lái xe ngựa, chăm sóc vườn hoa, tạp dịch công sở… cho tới làm cảnh sát (lính mã-tà) cho người Pháp. Còn người Java (tức chà-dà) làm gác dan, cho vay tiền, làm thư ký hay kế toán công sở thời Pháp thuộc… Việc xuất khẩu lao động của người Philippines hay Java (thuộc Indonesia) có từ thời rất xa xưa, trước thế kỷ mười tám mười chín. Về sau này trong thế kỷ hai mươi, chỉ còn người Philippines tiếp tục công việc đem thân ra nước ngoài lao động kiếm cơm hay nói cho sang là xuất khẩu lao động, người Java ít hay không còn làm công việc này nữa…
Tới bây giờ, lực lượng lao động giới đàn ông làm thủy thủ viễn dương, phục vụ dàn khoan dầu khí trên thế giới mang quốc tịch Philippines vẫn là lực lượng làm thuê đông đảo nhất so với các quốc tịch nghèo khác. Sau này họ còn xuất khẩu thêm rất nhiều lao động nữ làm người giúp việc nhà hay nữ y tá… Người lao động nữ Philippines hiện nay làm việc rất nhiều ở Nhật bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu…
Nhà giàu Việt nam mới phất lên thời nay cũng bắt đầu thích thuê lao động nữ người Phi để làm việc nhà hay làm quản gia kết hợp với việc dạy tiếng Anh cho con trẻ trong nhà mình. Khu Phú Mỹ Hưng (quận bảy) của Sài Gòn hiện nay có nhiều osin người Philippines nhất so với các khu nhà giàu khác. Sáng sáng các cô osin người Philippines chen chúc dùng xe bus từ các quận khác sang quận bảy để đi làm. Họ coi chuyện ra nước ngoài làm thuê là một số phận truyền kiếp của dân tộc họ.
Còn Việt nam ta? Ta mới bắt đầu xuất khẩu lao động từ năm 1980 trở đi. Hy vọng đó không phải là số phận truyền kiếp của dân mình! Còn có chuyện có mấy người nhà giàu người Việt có thuê lao động nước ngoài làm công cho nhà mình, có người vì làm ăn lỗ lã trong mấy năm khủng hoảng kinh tế gần đây… lại bắt đầu đi làm osin.
Cuối thế kỷ mười chín ở Sài Gòn, khi người Pháp thực dân vừa sang Việt nam họ đã mang liền lao động Philippines và Java theo cùng… Vài người Java làm ăn khấm khá và giàu lên thì cũng thuê nữ osin người Phi giúp việc nhà hay làm thư ký riêng. Rồi cám cảnh trôi nổi cô đơn xứ người hay cảm thấy cần nhau mà dù chẳng có tình yêu, có khi họ tìm cách kết hôn với nhau. Người Việt mình liền đặt bài ca trêu chọc: “Chachacha ma-ní lấy chồng chà-dà, chachacha ma-ní lấy chồng chà-dà…” Ý nói: Tụi bây lấy nhau chỉ vì lợi dụng tiền bạc công sức lao động của nhau thôi, chẳng có tình yêu thương gì hết. Hay vì tụi bây đen đen giống nhau nên lấy nhau thôi, chứ người Việt chúng tao trắng nõn, chả thèm!
Nghe “Ma-ní lấy chồng chà-dà” chứ chưa nghe ma-ní lấy chồng người Việt. Chắc mấy anh người Việt thời nhà Nguyễn nghèo nàn và nhỏ con, nhiều khi còn trắng hếu như đàn bà, ít chịu làm việc nặng. Nhưng đặc biệt mấy anh người Việt răng lại nhuộm đen thui, sau này gọi là “răng đen mã tấu”. Các cô ma-ní nhìn mấy ông người Việt vừa nhỏ con, vừa nghèo, răng đen thui thấy mà ghê… nên không thèm lấy, chỉ chịu lấy chà-dà.
Nghe mình tám đến đó người bạn mắng liền: Thôi cha nội, bài ca “Chachacha ma ní lấy chồng chà dà, chachacha ma ní lấy chồng chà dà…” là do người ta nhái theo một bài ca tiếng Pháp mới có mấy chục năm gần đây. Làm gì có chuyện người Sài Gòn dùng nó để trêu chọc nữ osin người Philippines lấy chồng giàu Chà-dà ở thế kỷ thứ mười chín.
Mình chỉ biết cười mĩm chi ngượng ngùng. Chứ mình biết nói gì bây giờ? Sức hiểu biết của mình, sức hư cấu của mình… chỉ tới đó thì kể chuyện tới đó, làm sao biết được sự liên quan của một câu hát hay một bài hát tới một khoảng thời gian nào đó trong quá khứ của Sài Gòn?
Cũng như sau này ra giang hồ Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi rồi học hỏi thêm, mới biết chữ “ma-ní” sau này được dùng để chỉ bất kỳ người con gái tóc quăn, da đen, to con… dù cho người đó là người Philippines hay là người Mã Lai, Ấn Độ, Việt nam… Ma-ní dùng để chỉ người còn gái sắp lấy chồng. Chữ “chà-dà” thì ngược lại dùng để chỉ đàn ông tóc quăn, da đen, to con và răng trắng nhỡn dù người đó có thể là người Java hay người Ấn Độ, Pakistan, Ả Rập hay Việt nam… Chữ ma-ní không dùng để chỉ người đàn ông, chữ chà-dà không dùng để chỉ người đàn bà.
Bị bạn không đồng ý chuyện chachacha, mình phải chuyển “tông” kể cho người bạn già nghe một câu chuyện khác, câu chuyện của chính mình cách đây đã mấy chục năm… Chuyện này cũng có chút đỉnh âm hưởng buồn bã của “Ma-ní lấy chồng chà-dà”.
Số là: Một hôm ở tuổi sáu mươi mình đi bộ thất thểu cô đơn ngoài công viên trong một buổi chiều nắng tắt, tình cờ khi ấy có người đàn bà tóc trắng đi phía sau lưng mình mà bỗng cất lên giọng hát thật buồn dù chẳng được hay: Tìm đâu những ngày thơ ấu qua, tìm đâu những ngày xinh như mộng…
Nghe tiếng hát nghẹn ngào của người đàn bà tóc trắng đi sau lưng, mình rớt nước mắt mà không thể quay đầu trở lại. Mình sợ khi quay đầu trở lại sẽ phải thấy lại một khoảng đời đã bỏ lại phía sau lưng, khoảng đời đó vô cùng bế tắc và chán nãn và đói bụng.
Bài hát đó ba mươi tám năm trước mình cũng đã được nghe trong một buổi chiều tà, gió cao nguyên thổi lạnh lùng trên con đường quốc lộ. Lúc đó mình đang thất tha thất thểu đi bộ lên dốc Đại Nga để về đồi Mimosa, thì từ trong gian nhà gỗ ở ven đường có tiếng hát Thanh Thúy cất lên buồn áo não: Tìm đâu những ngày chưa biết yêu, chỉ thấy… thấy lòng nhớ nhung nhiều. Rồi đêm ta nằm mơ, hồn say ta làm thơ, ngồi ngóng trách lòng ai hững hờ…
Buổi chiều lạnh lùng hôm ấy, mình dừng lại để nghe tiếng hát buồn cất lên tận đáy lòng của người ca sĩ, mình rớt nước mắt… nhưng rồi che mặt đi vì ngượng dù chẳng có ai nhìn. Ai đời con trai mười chín đôi mươi mà mít ướt như thế? Thế rồi bài ca chấm dứt, mình tiếp tục đi thất thểu… để rồi suốt mấy chục năm sau vẫn nhớ mãi bài “Những ngày thơ mộng” mà cô ca sĩ người Huế hát nghe đứt trọn cõi lòng, tan nát trái tim của anh thanh niên mười chín tuổi.
Lúc đấy mình mới xa em mới được mấy tháng. Em viết thư lên bảo: Anh phải về với em thôi, về với em thôi! Nếu anh không về thì em sẽ khóc cho nước Đồng Nai dâng lên ngập hết thị xã B’Lao.
Còn mình chỉ biết câm lặng trách mình mà không thể trả lời người, vì: Biết làm sao đây? Làm sao đây? Về với em thì lấy “kon kẹt” gì mà ăn, mà sống? Lúc đó cả thành phố Sài Gòn những con người cũ xì như mình ai cũng nghèo cũng đói, mỗi người cố gắng chọn cho mình một công việc hết sức khổ sở ở xa Sài Gòn để kiếm miếng ăn.
Tình yêu tuổi mới lớn nào không tha thiết và da diết… nhưng lấy gì nuôi hai cái miệng yêu đương đang tuổi ăn tuổi lớn bây giờ? Rồi lỡ có con thì làm sao? Những tháng ngày trăn trở giữa cái đói, tương lai và tình yêu da diết làm lòng mình luôn đau như bị thiến… Mấy người bạn chung cơ quan thường hỏi: Mày đang đau trĩ à? Chắc tại mày ăn nhiều khoai mì sống quá đó thôi.
Sau khi nàng ma-ní của đời mình đi lấy chồng mình phát sốt phát cuồng hết cả chục năm. Nàng đám cưới thì mình cũng vào đại học. Vào thư viện đọc sách mình mới nhớ lại và ngộ ra tại sao ngày ấy mình không can đảm đi lấy vợ.
Ôi! tất tất là vì bác Tô Hoài ấy mà! Bác ấy kể chuyện có hai đứa làm đầy tớ yêu nhau, nhưng cả hai đều mắc tật ăn nhiều ăn tham không nín được. Lấy nhau mới được vài bữa thì tan đàn xẻ nghé vì giành cơm nhau ăn nên đánh nhau đến u đầu bể trán. Câu chuyện đó mình đọc hồi nhỏ rồi quên mất… dù bị chuyện ám trong đầu mà không biết.
Tới lúc sau năm 1975 cơm không có mà ăn, thì mình sợ nếu lấy vợ về chắc hai đứa đánh nhau giành ăn quá! Thế cho nên mình cứ lác lác chuyện cưới xin cho tới lúc nàng ma-ní của đời mình đi lấy thằng chồng chà-dà khác.
Mà cũng vì: Thư qua, thư lại từ vùng dưới lên cao nguyên, những nỗi buồn nỗi nhớ trao qua trao lại mà chẳng thể gặp nhau nhiều vì mình đâu biết lấy “kon-kẹt” gì mà mua vé xe đò để về thăm em. Rồi phải lang thang đi hết nơi này tới nơi khác để có đủ tiêu chuẩn lao động mà mua lương thực… ăn cho đỡ đói.
Một hôm đang còn bị kẹt ở Tây Ninh mình nghe vang vang những câu ca quen thuộc chế diễu của người Sài Gòn bay qua tàn lá cao su xanh thấp nóng hổi, lời ca giống như chỉ để nói với riêng mình: “Chachacha ma-ní lấy chồng chà-dà, chachacha ma-ní lấy chồng chà-dà…”. Mình giật thót người, biết rằng số mất vợ của mình đã tới!
Mình nhớ mãi: Câu ca chachacha ấy xốc thẳng vào cuộc đời mình ở tuổi hai mươi mốt. Rồi con sáo sang sông. Mình cứ phân vân suốt một quảng đời dài không biết thằng chà-dà nào đã đem người nữ ma-ní của mình đi đâu mất tiêu. Chỉ biết nỗi buồn kéo dài đăng đẵng suốt mười một năm, lúc nào trong lòng mình cũng vang vang lên tiếng ca Thanh Thúy nức nở: Tìm đâu những ngày chưa biết yêu, chỉ thấy… thấy lòng nhớ nhung nhiều. Rồi đêm ta nằm mơ, hồn say ta làm thơ, ngồi ngóng trách lòng ai hững hờ… Thanh Thúy chưa dút lời thì có thằng hà bá nào đó liền hứng khởi chen lời: Chachacha ma-ní lấy chồng chà-dà, chachacha ma-ní lấy chồng chà-dà…
Người bạn già hỏi đâm hơi: Chứ không phải ông nội chỉ nghe một bài “Chachacha ma-ní lấy chồng chà-dà, chachacha ma-ní lấy chồng chà-dà…” hả?
Mình cười buồn: Cả hai bài tổng hợp lại nghe hết trọi. Hai bài ca trộn lại, cái thì chậm rãi đau buồn, cái thì hân hoan rộn rã. Mà cuộc đời lúc nào cũng vậy: Vừa buồn chết mẹ vừa vui ngất trời. Do đó mỗi lần đám ma luôn luôn có kèn có trống rập rình, khi buồn thì xài nhạc Trịnh Công Sơn với kèn trompet, tự dưng lâu lâu có nhạc giựt giựt trống ầm ầm: Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi Sài Gòn ơi!
***
Một ngày ở tuổi sáu mươi mình té. Cú té coi thường thường nhưng làm mình băng bó cái tay gần hai tháng. Già rồi thì èo uột giống như bọn nhà giàu, con nhà giàu đứt tay bằng con nhà nghèo đổ ruột. Già rồi thì èo uột giống như trái cà pháo nướng trên lửa than đang cứng bỗng ỉu xìu. Mình ưa nằm rên hừ hự. Cứ mỗi lần nằm rên lại nghe Thanh Thúy nức nở: Còn đâu…?
Nằm chán vài ngày không chịu được mình lại ôm cái tay đau băng bó đi vòng vòng phố xá. Một hôm đi vòng vòng ở tuổi sáu mươi thất thểu cô đơn trong một buổi chiều nắng tắt, tình cờ khi ấy có người đàn bà tóc trắng đi phía sau lưng mình mà bỗng cất giọng hát thật buồn dù chẳng được hay: Tìm đâu những ngày thơ ấu qua, tìm đâu những ngày xinh như mộng…
Đúng là bốn mươi năm quay về trong chớp mắt, dù không dám quay mặt lại nhìn nhưng lòng mình rất buồn đau. Mình trách mình phải chi hồi nhỏ đừng đọc chuyện Tô Hoài để bị ám cái chuyện giành ăn với vợ tương lai. Phải chi hồi đó cứ vui vẻ mà ca lên “Chachacha ma-ní lấy chồng chà-dà, chachacha ma-ní lấy chồng chà-dà…” rồi tiến thẳng lên chủ nghĩa… thì bây giờ đâu có nằm buồn mà than như Thanh Thúy: Còn đâu?
Bốn mươi năm trôi qua như giấc mộng… có bao nhiêu điều thay đổi ở Sài Gòn. Nên người bạn nhắc nhở mình: Cha nội cập nhựt tình hình nghe, bây giờ ở Sài Gòn người ta hết ca Chachacha ma-ní lấy chồng chà-dà, chachacha ma-ní lấy chồng chà-dà…  rồi nghen.
Mình thẩn thờ hỏi lại: Chớ ca sao? Bạn cười buồn rồi ca: Chachacha cô Tám lấy chồng Việt Kiều, chachacha cô Tám lấy chồng Việt Kiều… Rồi người bạn hỏi vu vơ: Người đàn bà tóc trắng đi sau lưng ông bữa hôm đó đâu rồi?
Mình trả lời: Tôi đâu biết! Bởi tôi có dám quay đầu lại nhìn một quảng đời vô cùng chán nãn của mình lúc ấy đâu. Mà ít ỏi gì… những chuyện ấy bây giờ tính ra đã bốn mươi năm. Người bạn già lại hỏi: Không quay lại mà sao ông biết người đàn bà hát như Thanh Thúy hôm ấy có mái tóc bạc màu trắng…
Mình cười: Thì đã bốn mươi năm từ ngày yêu nhau da diết rồi xa nhau vì sợ giành ăn, con ma-ní hay thằng chà-dà nào tới tuổi này tóc còn đen nổi?
Ngày 27 tháng 03 năm 2015.

Tìm kiếm Blog này