Tim thông tin blog này:

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2019

Ca ngợi danh nhân văn hoá rồi cái hậu với người đã khuất thì sao?

Những tờ báo lớn có được bài đi vào lòng người như báo Phụ nữ không?
(trích)
"... Học giả Vương Hồng Sển, trước khi qua đời, đã quyết định hiến tặng ngôi nhà (Vân Đường phủ) và hơn 800 cổ vật cùng lượng sách quý đồ sộ cho Nhà nước, với hy vọng thành lập một bảo tàng mang tên ông.
Dù được UBND TP.HCM xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố và từng được các tạp chí danh tiếng như Times, Newsweek… đến tìm hiểu, giới thiệu về ngôi nhà chứa đựng nhiều giá trị văn hóa này; nhưng 1/4 thế kỷ đã trôi qua, kể từ ngày mất của cụ, nguyện vọng cuối cùng về một bảo tàng vẫn chưa thành, căn nhà thì xập xệ, xuống cấp, thoi thóp giữa Sài Gòn. Đó là một sự thật cay đắng.

Hay như ngôi nhà lưu niệm của giáo sư Trần Văn Khê ở quận Bình Thạnh - nơi chứa đựng một khối tư liệu đồ sộ liên quan đến nghiên cứu, giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam và âm nhạc thế giới, được giao cho Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, thì đến nay, cũng gần như rơi vào quên lãng. Đó lại là một sự thật cay đắng.
Là học giả lớn của Việt Nam, nhà văn viết chữ quốc ngữ đầu tiên, chủ bút của tờ Gia Định báo nổi danh một thời, nhưng cái tên Trương Minh Ký vẫn lạ lẫm với nhiều người Việt hôm nay. Ông hay bị nhầm với thầy mình là Trương Vĩnh Ký. Ngôi mộ của ông, ở quận Gò Vấp, nằm sau một dãy nhà trọ bình dân, bị hoang lạnh, đổ nát, cỏ dại bao trùm. Đó cũng là một sự cay đắng mang tên “danh nhân văn hóa”.

Còn có thể kể ra rất nhiều ví dụ khác, cho thấy cách ứng xử lạnh lùng, thiếu trân trọng, thậm chí là “vô văn hóa” đối với di sản danh nhân văn hóa ở ta; để ta nhìn cách người ngoài ứng xử mà hổ thẹn, để ta nhìn họ mà cảm thấy không bằng.

Khi đó, những khua chiêng gõ trống chúc mừng là gì, nếu không phải là những cảm thán trào lộng đáng kinh ngạc, những vi bằng “phản tố” ứng xử của ta với những chứng nhân văn hóa - lịch sử của một thời?!

Trịnh Công Sơn, Bùi Xuân Phái, Xuân Quỳnh và có thể sẽ có thêm nhiều nhân vật khác sẽ được Google vinh danh. Và như một trình tự lặp đi lặp lại, biểu thị cho tâm lý đám đông ấy, người ta cũng ca tụng Xuân Quỳnh như đã từng ca tụng về Trịnh Công Sơn hay Bùi Xuân Phái.

Ngày 6/10, nữ sĩ Xuân Quỳnh được gọi tên. Họ nhắc về thơ, về đời, về người chồng tài hoa của bà. Nhưng tôi lại nhớ căn nhà vỏn vẹn 6m2 ở Phố Huế (Hà Nội) của họ - căn nhà đã bị cắt điện, cắt nước, tối om, mối mọt đang ăn dần sách vở. Nơi đó, di sản nghệ thuật của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ đang dần trở thành phế tích mỗi ngày.

Đừng ca tụng, nếu như chúng ta không nhớ, không trân trọng họ trong đời sống văn hóa ngày hôm nay. Đừng ca tụng, nếu không, tất cả chỉ là những sáo ngôn cho một thời “đồ đểu” (như cách nói của Lưu Quang Vũ) đang rã dần những giá trị được cất lên từ bản dạng nghèo nàn văn hóa."

Nguồn: Phunuonline

Tìm kiếm Blog này