Vi.wiki:
"Thuộc tính của chỉ thị là mật, không rõ của Ban Bí thư hay của Chính phủ, không có người ký, không có văn bản không dựa trên bất kỳ một điều khoản pháp luật hiện hành cũng như một chủ trương chính sách của Đảng. Ngay cả cấp bí thư tỉnh uỷ, bộ trưởng bộ công an, Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng chính phủ cũng không rõ thuộc tính của Chỉ thị, hiệu lực thực thi của Chỉ thị mà chỉ được biết là Hà Nội lúc đó đã làm và các địa phương khác phải làm theo.
________________
Đăng 4 kỳ trên báo Pháp Luật TP HCM đầu tháng 3/2008. Gộp chung lại đây cho dễ đọc.
CÂU CHYỆN "Z30" 25 NĂM TRƯỚC
1. Bàng hoàng vì chỉ thị miệng
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, năm 1982 khi làm bí thư tỉnh ủy Hà Nam Ninh đã không cho thực hiện Chỉ thị Z30 tại tỉnh.Lúc đó có lệnh miệng từ trên: tịch thu tài sản những gia đình có nhà hai tầng trở lên!
Trở lại “sự kiện Z30” chúng tôi muốn nhìn lại sự ấu trĩ của một thời để càng hiểu thêm giá trị to lớn của đổi mới và cùng nhau rút ra những bài học thấm thía.
Câu chuyện “Z30” xảy ra vào thời khắc lịch sử đêm trước đổi mới. Trong một lần trò chuyện với nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, khi xảy ra sự việc là bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Ninh, chúng tôi bất ngờ biết đến câu chuyện này.
Mật lệnh
Vào một ngày giữa năm 2006, Chủ tịch Nguyễn Văn An cho gọi tôi đến Văn phòng Quốc hội - 37 Hùng Vương. Chỉ sau mấy tiếng gõ nhè nhẹ rụt rè của tôi, ông xuất hiện ngay sau cánh cửa. Nụ cười hào sảng, cái nắm tay ấm và chặt của ông đã khiến sự e dè của tôi biến mất. Hôm đó, ông đã kể cho tôi khá tường tận về lý do vì sao khi còn làm bí thư tỉnh ủy, ông đã không đồng ý cho tỉnh Hà Nam Ninh thực hiện Chỉ thị Z30.
Năm 1982, Nguyễn Văn An khi đó mới 45 tuổi, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và nhận nhiệm vụ bí thư tỉnh ủy Hà Nam Ninh. Ngày đó, Hà Nam Ninh là một tỉnh rộng, gồm các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình sáp nhập lại nên đất rộng, dân số rất đông. Thời điểm ấy, bị cô lập do chính sách cấm vận của Mỹ cùng những non kém, sai lầm trong quản lý của ta, kinh tế gần như kiệt quệ, đời sống nhân dân cả nước vô cùng khó khăn. Tiếng là thành phố công nghiệp nhưng đa số người dân Nam Định sống dựa vào nghề nông. Ngay ở Nhà máy Dệt Nam Định, niềm tự hào của nền công nghiệp và ngành dệt thì máy móc cũng quá cổ lỗ, dây chuyền lạc hậu và thiếu nguyên liệu trầm trọng. Hàng ngàn cán bộ, công nhân trong tình trạng thất nghiệp triền miên. Công nghiệp đã vậy, thương mại thì lưu thông trì trệ, luôn tạo ra sự độc quyền, đặc lợi cho một số người vì nạn ngăn sông, cấm chợ ở hầu hết các địa phương. Cơ chế hợp tác xã đánh kẻng, chấm công trở thành một gánh nặng đè lên vai nông dân. Năng suất lúa suy giảm, ruộng đất bị bỏ hoang. Các chương trình đánh bắt cá ven biển èo uột và thường xuyên thất bại.
Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn An hiểu rằng bây giờ không phải là lúc ngồi vạch ra những ý tưởng viển vông với nhà máy to, công trường lớn mà con đường thoát đói nghèo cho mảnh đất này là phải ngay lập tức chỉnh đốn nông nghiệp. Vì vậy, nhiều chính sách “cởi trói” cho nông dân đã được tỉnh “vụng trộm“ ban hành, đời sống nhân dân trong tỉnh tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đang từng bước được cải thiện.
Giữa lúc công việc bước đầu có chiều thuận lợi thì một buổi chiều, ông An nhận được công văn từ Công an thành phố Nam Định gửi sang trình bí thư tỉnh ủy duyệt phương án kiểm tra hành chính và tịch thu tài sản bất minh. Kèm theo công văn là một bản danh sách gồm hơn 200 gia đình nằm trong diện phải ra quyết định tịch thu tài sản. Tiêu chí để lập danh sách là những đối tượng có nhà từ hai tầng trở lên và được xếp thứ tự ABC.
Mới nhìn qua bản danh sách, Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn An tái mặt. Sao lại có chuyện vô lý thế này? Để có tiền xây căn nhà tránh mưa, tránh nắng, người dân phải trả bằng biết bao mồ hôi, công sức với khoảng thời gian nhiều khi đằng đẵng cả chục năm trời. Thế mà giờ đây lại có lệnh tịch thu tài sản của họ là cớ gì? Để kiểm chứng lại những suy nghĩ của mình, ông An đã yêu cầu văn phòng lục tài liệu để tìm xem từ trước đến nay có văn bản pháp luật nào quy định về việc này hay không nhưng tuyệt nhiên không thấy có.
Buổi sáng xám
Ông An bèn gọi điện thoại sang ông giám đốc công an thành phố:
- Tôi đã tìm hiểu rất kỹ và được biết từ trước đến nay, Đảng và Chính phủ chưa bao giờ có chỉ thị dạng như thế này. Bên các anh lấy văn bản này ở đâu ra vậy?
- Dạ, cái này do cấp trên chỉ đạo ạ! - ông giám đốc công an thành phố trả lời.
- Cấp trên là cấp nào? Cụ thể là ai chứ? Sao không đưa ra bàn ở cấp ủy?
- Báo cáo anh, đây là chỉ thị vào hàng tuyệt mật của trung ương nên không thể đưa ra bàn ở cấp ủy được. Vả lại, Hà Nội và một số địa phương đã cho triển khai rồi ạ!
Ngẫm nghĩ một lát, ông An nói:
- Để tôi trực tiếp lên Hà Nội xem xét tình hình và tìm hiểu cụ thể. Từ giờ đến khi tôi về, các anh phải “án binh bất động” đợi lệnh tôi - ông An chỉ đạo.
Suốt đêm đó, Nguyễn Văn An không tài nào chợp được mắt. Tính đi tính lại, nghĩ tới nghĩ lui nhưng ông vẫn không hiểu vì sao lại có cái chỉ thị miệng kỳ lạ này. Tờ mờ sáng hôm sau, ông An gọi lái xe đến đón. Để kiểm chứng cảm xúc của mình, trước khi lên đường đi Hà Nội, ông yêu cầu lái xe chạy một vòng quanh thành phố Nam Định. Ngắm những dãy nhà lúp xúp chen chúc nhau ở các khu phố Trần Hưng Đạo, Hàng Đồng, Hàng Thiếc, Hàn Thuyên, Cổng Hậu..., ông không khỏi chạnh lòng. Trưởng thành từ một công nhân điện, lăn lộn cùng cơ sở, gắn bó với đồng ruộng nhiều năm rồi mới trở thành người lãnh đạo cao nhất của một tỉnh, ông quá hiểu sự vất vả, gian nan của người dân quê hương ông. Những con người cần kiệm và thông minh nhưng vẫn đang phải sống vật lộn cùng nghèo khổ... Thế mà giờ đây ông đang phải đối mặt với một việc cực kỳ khó khăn: Ký lệnh đồng ý để các cơ quan công quyền tịch thu tài sản của người dân mà không cần tòa án và cũng không có bất cứ một bằng chứng nào để có thể khẳng định đó là tài sản bất minh. Ông chợt rùng mình khi nghĩ đến bản danh sách hơn 200 hộ nằm trong diện này, “Rồi họ sẽ ra sao khi bị tịch thu nhà cửa, tài sản?”.
Ôtô chở ông đến Hà Nội khi trời chưa sáng rõ mặt người, các công sở cửa còn đóng im ỉm. Lân la các khu phố, ông được biết Hà Nội đã triển khai chỉ thị này từ mấy hôm nay và tình hình rất xấu. Ông còn nghe nói có gia đình cả nhà thắt khăn tang, bị tống lên xe, kêu khóc ầm ĩ...
Ông đến Văn phòng Trung ương Đảng cũng là lúc các phòng ban đã bắt đầu làm việc. Ông định vào thẳng để hỏi cho ra nhẽ nhưng lại thôi vì nghĩ mình là cán bộ trẻ, mới nhậm chức chưa lâu nên cũng có phần e ngại. Đi dò hỏi các phòng, ban người thì bảo nên làm, người lại bảo không, chẳng ai có ý kiến gì khẳng định. Thấy không kết quả, ông cho xe về Nam Định.
Con đường từ Hà Nội về Nam Định. Nguyễn Văn An hoang mang không biết nên xử trí thế nào cho phải. Nếu không ký quyết định triển khai thì biết đâu lại làm trái chỉ đạo, mà ký thì không có cơ sở pháp luật. Đã không ít lần ông tự nhủ “Các nơi đã làm rồi, hay mình cũng triển khai cho xong?”. Thế nhưng lần nào cũng vậy, cứ nghĩ đến đấy là hình ảnh người dân lam lũ lại hiện lên trong tâm trí ông...
2. Không chấp nhận “làm theo”
Bùi Hoàng Tám
Những phản ứng có chiều gay gắt của ông Đoàn Duy Thành-Bí thư Thành ủy Hải Phòng và ông Nguyễn Văn An-Bí thư Tỉnh ủy Nam Định đã nhận được sự ủng hộ của trung ương.
Đang lúc bối rối, một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu ông Nguyễn Văn An: Gặp ông Đoàn Duy Thành - Bí thư Thành ủy Hải Phòng để tham khảo ý kiến. Nếu bên ông Thành triển khai thì sẽ liệu, mà nếu ông ấy chưa làm thì mình cũng không nên vội.
Kiên quyết đấu tranh
Đối với ông Đoàn Duy Thành, ông An rất có tình cảm. Tuy cùng là bí thư nhưng ông Thành lớn tuổi, thuộc thế hệ đàn anh, là người có trình độ nên ông An kính trọng và ngưỡng mộ. Mỗi khi có việc gì hệ trọng, ông An thường trao đổi với ông Thành và ngược lại, ông Thành vẫn thường bàn bạc với ông An.
Ngay sáng hôm sau, ông An gọi chủ tịch tỉnh cùng đi Hải Phòng tìm ông Thành. “Có lẽ cùng suy nghĩ nên khi tôi đến Hải Phòng đã thấy ông Thành chờ sẵn” - ông An kể.
“Tôi hỏi vì sao Hải Phòng chưa thấy triển khai Chỉ thị Z30, ông Thành có nói rằng Hải Phòng chưa làm bởi còn đang chờ chỉ thị chính thức của Ban Bí thư hoặc của bên Chính phủ. Rồi ông ấy phân tích về mặt pháp lý, từ trước đến nay không có bất cứ văn bản pháp luật nào quy định tịch thu tài sản bằng quyết định hành chính cả. Còn về tình, cuộc sống của nhân dân hiện nay còn rất nhiều khó khăn, thậm chí là khổ cực. Việc tích cóp được chút tiền làm nhà, làm cửa không dễ dàng gì. Nay tịch thu thì người dân ở đâu?... Vì cũng có suy nghĩ giống như ông Thành nên chúng tôi nhanh chóng đi đến nhất trí là phải chờ chỉ đạo chính thức bằng văn bản của trung ương chứ không thể chỉ đạo miệng”.
- Nghe nói ngay khi đó bác đã cho đốt các quyết định tịch thu nhà những gia đình thuộc diện bị tịch thu tài sản? - tôi hỏi.
- Chuyện ấy là có thật. Tôi cho đốt vì không muốn nghĩ ngợi gì về nó nữa.
- Còn chuyện tháng 6 năm đó (6-1983), ông Thành đem việc này ra phát biểu tại một kỳ họp của trung ương? Tôi hỏi ông An.
- Tháng mấy thì tôi không nhớ rõ, chỉ nhớ khoảng giữa năm, Trung ương tổ chức hội nghị. Ông Thành đã nói liền hai tiếng đồng hồ về những sai lầm của Chỉ thị Z30. Ông ấy cho rằng đó là chỉ thị sai lầm, là trái pháp luật và thiếu đạo lý. Ông ấy nói rất găng về những điều chúng tôi đã bàn với nhau từ trước. Ông ấy thống thiết rằng đã trực tiếp xem tịch thu ba căn nhà ở Hà Nội, rồi ông hỏi: “Chúng ta làm cách mạng để làm gì? Người cộng sản là phải hy sinh suốt đời vì nhân dân, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Khi làm bí thư Quận ủy Ngô Quyền, tôi đã nói với người dân rằng kháng chiến thắng lợi, bà con sẽ hết cảnh nghèo khổ, không còn phải chui rúc trong cái nhà tranh, vách đất dột nát mà sẽ ở nhà xây to đẹp... Nay dân xây, ta lại tịch thu thử hỏi làm sao được...”.
Thở phào
Ông An chợt ngừng kể, đôi mắt dõi ra ngoài cửa sổ. Tôi hiểu rằng ông đang xúc động mạnh. Chờ một lát, tôi hỏi :
- Khi ông Thành nói thế, bác có lo không?
- Lo chứ! Tôi liếc nhìn sang chỗ Tổng Bí thư Lê Duẩn và Phó Thủ tướng Phạm Hùng, thấy cả hai ông đều nghe rất chăm chú và có chiều đăm chiêu lắm. Đến đoạn ông Thành yêu cầu khi nào có ý kiến chính thức của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ thì sẽ thi hành nghiêm túc, còn điện thoại nhắc nhở “theo Hà Nội mà làm” thì ông ấy không làm và xin chịu trách nhiệm trước Đảng. Tôi thấy Phó Thủ tướng Phạm Hùng hườm hườm vài cái, cười rồi nói: “Sáng tạo, rất sáng tạo. Tôi ủng hộ ý kiến của anh Thành”. Mấy phút im lặng nặng nề trôi qua, Tổng Bí thư Lê Duẩn đứng dậy, hỏi có ý kiến nào phân tích đạo lý hơn thì phát biểu, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm và không ngờ việc làm của mình những ngày qua lại được lãnh đạo và nhiều đồng chí trong Trung ương ủng hộ mạnh mẽ thế.
“Tôi nhắc lại không chỉ để làm một bài học kinh nghiệm mà để khẳng định thành tựu của đổi mới. Hơn hai mươi lăm năm qua, chúng ta đã đi một quãng đường dài, rất dài, đặc biệt là tinh thần thượng tôn pháp luật. Bây giờ, muốn tịch thu của người dân dù chỉ là cái chòi lá cũng phải có tòa án. Thế mà ngày ấy, tịch thu cả một gia sản của người ta mà chỉ thông qua kiểm tra hành chính. Điều lạ kỳ là không hiểu sao ngày ấy người ta cứ nói mập mờ “Cái này bí mật, không phổ biến rộng, cứ triển khai theo ý của trên...”: Sau này tôi được biết thì hình như ông bộ trưởng Nội vụ (Bộ Công an) khi đó cũng không biết gì về vụ việc này. Cũng may chứ nếu ngày đó Hải Phòng và Nam Định cùng làm, rồi sẽ lan ra cả nước thì sự thể không biết sẽ ra sao.
- Nhưng những người trong danh sách có giàu thật không?
- Có giàu có gì đâu!
Cả thành phố Nam Định ngày đó còn nghèo lắm, của cải có được là bao nhiêu. Những cái nhà nằm trong danh sách bị tịch thu ấy nó bé tẹo như cái chuồng chim thôi.
“Nếu như trong số họ có những người có được tài sản do bất minh? Tài sản có bất minh hay không thì anh phải điều tra để chứng minh mà chưa chứng minh hoặc không chứng minh được thì không thể kết luận. Pháp luật là chứng cứ chứ không phải tin hay không tin” - ông An bộc bạch.
- Nghe nói ngày ấy bác cũng bị quy chụp là hữu khuynh?
- Có chuyện đó đấy. Nguy hại nhất là có người coi Chỉ thị Z30 như là biện pháp trong đấu tranh giai cấp, chống bọn tham nhũng. Chống tham nhũng cũng phải dựa trên luật pháp chứ!
- Giả sử như lúc đó có văn bản chỉ đạo của trên, bác có làm không?
- Nếu trên đã quyết, đương nhiên tôi phải chấp hành. Đó là một nguyên tắc. Nguyên tắc chấp hành pháp luật, nguyên tắc cấp dưới phải chấp hành mệnh lệnh của cấp trên. Chấp hành nhưng tôi sẽ có ý kiến. Cấp trên ra lệnh, anh không làm không được nhưng làm mà thiếu trách nhiệm cũng không được. Anh phải có trách nhiệm với trên và cả với dân.
Câu chuyện về Z30 khép lại như một chuyện cổ tích có hậu và cũng để lại một bài học xương máu tuy giản dị nhưng lại hệ trọng và cũng rất thời sự: Mọi người phải sống và làm việc theo pháp luật. Một chân lý giản dị nhưng không phải bao giờ và lúc nào chúng ta cũng thực hiện được. Nghĩ về chuyện này, tôi cứ băn khoăn tự hỏi nếu ngày đó không có những người như ông An, ông Thành cùng sự sáng suốt của cố Phó Thủ tướng Phạm Hùng, đặc biệt là cố Tổng Bí thư Lê Duẩn thì không hiểu sự thể sẽ đi đến đâu?
3. “Hải Phòng có cách làm khác...”
PHAN LỢI - LÊ KIÊN
Nhắc đến “Z30” không thể không nhắc đến người số một kiên quyết phản đối “chỉ thị mật” này. Đó là ông Đoàn Duy Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng thời kỳ đó.
Chúng tôi tìm gặp ông Thành để tìm hiểu sâu thêm về nguồn gốc của việc không thực hiện “Z30”.
“Tôi vẫn cổ vũ xây nhà to”
Ông Đoàn Duy Thành nhớ lại: Lúc đó đang giữa thời kỳ xây dựng đất nước, Hải Phòng là công trường sôi động nhất của cả nước. Sau khi trung ương cho Hải Phòng thực hiện “khoán sản phẩm trong nông nghiệp” vào cuối năm 1980, Hải Phòng tiếp tục quai đê lấn biển, phát triển giao thông, mở mang đô thị... Như được “cởi trói”, nhân dân rất hồ hởi, say sưa lao động với mục tiêu xây dựng thành phố cảng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Bác thời chưa kết thúc chiến tranh.
Cần phải nhắc lại rằng thời điểm Hải Phòng đang là đại công trường cũng chính là thời điểm “đêm trước của đổi mới”. Vì vậy, phần lớn những cung cách làm ăn mới đều phải “vượt rào”. Để thực hiện ý đồ “mở cửa” thành phố cảng, ông Đoàn Duy Thành đã phải ra sức thuyết phục để tạo sự đồng thuận nơi các đồng chí trong Thường vụ Thành ủy. Sau đó công việc khó khăn hơn rất nhiều: thuyết phục lãnh đạo Đảng, nhà nước cho Hải Phòng làm trước. Đoàn Duy Thành nhiều lần gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch Trường Chinh, các phó thủ tướng Lê Thanh Nghị, Phạm Hùng... trình bày cặn kẽ rồi dùng tình cảm để thuyết phục.
Tháng 3-1982, ông Thành ngồi vào ghế Bí thư Thành ủy Hải Phòng. “Tôi nghĩ rằng lúc đó Hải Phòng “đổi mới”, “mở cửa” là rất thuận vì không đồng chí lãnh đạo nào phản đối, tuy mức độ ủng hộ của từng người là khác nhau. Nhưng không ngờ, đùng một cái có chỉ thị “Z30”” - ông Thành trầm tư.
Lúc Thường vụ Thành ủy Hải Phòng họp bàn về “Z30” thì Hà Nội đang triển khai.
Thấy Hải Phòng không có động tĩnh gì, lãnh đạo Bộ Nội vụ triệu tập ông Dương Khắc Thụ - Giám đốc Công an Hải Phòng đến để phê bình. Trước khi ông Thụ lên Hà Nội, ông Thành dặn là người ta hỏi thì cứ trả lời “Hải Phòng có cách làm khác”. Nếu người ta hỏi cách làm khác là cách nào thì bảo “Cứ hỏi Bí thư chúng tôi”. Ông Thành cũng không cho phép ông Thụ lập danh sách những nhà trong diện tịch thu, vì nghĩ rằng nếu lên danh sách rồi có đốt danh sách này như Hà Nam Ninh thì cũng vẫn gây xáo trộn tâm lý xã hội.
“Nếu lập danh sách thì lúc đó Hải Phòng sẽ có bao nhiêu nhà bị tịch thu?” - chúng tôi hỏi. Ông Thành trả lời: “Chắc cũng cỡ năm trăm nhà. Tôi nhớ lúc đó có mấy anh thủy thủ xây nhà to hai, ba tầng đều thuộc diện phải tịch thu cả. Một số anh trong số đó rất sợ. Hôm tôi đến dự tổng kết ở Công ty VOSCO, khi nói chuyện, anh em lo lắng hỏi tôi Hải Phòng có tịch thu tài sản như ở Hà Nội không. Tôi trả lời là Hải Phòng sẽ không làm và tôi sẽ nói rõ chuyện này ở hội nghị Trung ương. Tôi còn khuyên anh em là tiết kiệm được tiền cần xây nhà cao và đẹp hơn nữa. Anh em thủy thủ vui lắm”.
Đầu còn là còn... đương đầu!
- Tại sao ông lại quyết liệt với “Z30” như vậy?
- Chúng tôi vào sinh ra tử để giành độc lập dân tộc, để sau khi có độc lập và thống nhất rồi thì tìm cách phát triển kinh tế, đem lại cơm no áo ấm cho nhân dân. Vậy mà giữa lúc nhân dân đang hăng hái xây đắp cơ đồ của thành phố, đang cố gắng vượt qua thời kỳ rất khó khăn của kinh tế đất nước thì cớ sao lại thực hiện cái chỉ thị vô lý như vậy? Nếu tôi không quyết liệt thì lấy cớ lúc đó Hà Nội đã làm, ở hội nghị Trung ương người ta hoàn toàn có thể biến “chỉ thị mật” kia thành một nghị quyết của Trung ương. Nếu chuyện đó xảy ra thì là đại họa.
Nghe nói không khí thủ đô vô cùng ngột ngạt. Ông Thành bí mật lên tận nơi để xem xét, nghe ngóng. Ông đến xem ba nhà đang bị tịch thu, tận mắt chứng kiến cảnh khóc than, ai oán của người dân. Ông Thành lo lắng đến mất ăn mất ngủ...
Hồi đó nghe cấp dưới trình bày, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành cũng phân vân nhưng là phân vân thế thôi chứ không ông nào dám lên gặp lãnh đạo trung ương hỏi cho ra nhẽ. Thế nên cứ tỉnh này gọi điện thoại dò hỏi tỉnh kia. Ông Thành nhớ là vào tháng 3, tháng 4 gì đó, ông nhận được cuộc điện thoại từ TP.HCM của ông Bảy Dự (Nguyễn Võ Danh) - Phó Bí thư Thành ủy hỏi là “Hải Phòng có làm không?”. Sau đó thì ông Mười Cúc (nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, lúc đó là Bí thư Thành ủy TP.HCM) cũng không cho TP.HCM làm, đợi đến hội nghị Trung ương để hỏi cho ra nhẽ.
Trong cuộc “hội kín” với ông Nguyễn Văn An - Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Ninh (chúng tôi đã thuật lại qua lời kể của ông An ở bài trước - NV), hai ông Thành và An đã nói rất găng về “Z30”. “Lúc đó, tôi phân tích rất kỹ rồi nói với anh An rằng: “Tôi biết chú ra đây hỏi chuyện tôi là chú cũng có ý định không thực hiện nên anh em mình phải quyết tâm, cho dù có mất chức bí thư, mất vị trí ủy viên Trung ương thì tôi cũng không thực hiện “Z30”. Đến tháng 6 họp hội nghị Trung ương, tôi sẽ phát biểu về vấn đề này”” - ông nhớ lại.
Ông kể tiếp: “Bữa đó về đến nhà đã đúng nửa đêm. Tôi trằn trọc không ngủ được, đem chuyện kể hết với nhà tôi. Nhà tôi nói: “Anh định đương đầu đến bao giờ?”. Tôi trả lời: “Tôi sẽ đương đầu đến khi còn cái đầu này”. Hai vợ chồng tâm sự, đến lúc mệt quá ngủ lúc nào không biết”.
Trước hội nghị Trung ương, báo Đảng đăng sáu bài phê phán các tỉnh không thực hiện “Z30” thì một bài phê phán Bắc Giang, năm bài còn lại phê Hải Phòng. Ông Thành gặp tổng biên tập nói thẳng là báo có đăng một trăm bài thì cứ đăng nhưng không có chỉ thị thì Hải Phòng vẫn không thực hiện.
Câu chuyện “Z30” sẽ được tiếp tục phân tích bởi ông Đoàn Duy Thành. Chúng ta đã thật sự may mắn khi “Z30” đã được chấm dứt kịp thời, tránh những tổn thất đáng tiếc. Ông nhíu mày nhớ lại: “Khoảng tháng 3-1983, ông Thụ - Giám đốc Công an TP đến báo cáo với tôi: Trung ương có chỉ thị tối mật “Z30”, ra lệnh tịch thu tài sản của tất cả các gia đình có nhà từ hai tầng trở lên, bất kể to nhỏ, trị giá bao nhiêu. Hà Nội làm trước, Hải Phòng theo Hà Nội mà làm. Tôi hỏi anh Thụ là chỉ thị này ai ký? Nội dung cụ thể thế nào? Anh ấy trả lời là không có chỉ thị bằng văn bản nhưng Hà Nội đang làm rồi”.
Quái lạ! Sao một chuyện động trời thế mà lại không có văn bản chỉ thị rõ ràng? Nay là thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước rồi mà sao lại vẫn còn kiểu chỉ thị kỳ cục như vậy? Trăn trở với hàng loạt câu hỏi, ngày hôm sau Bí thư Đoàn Duy Thành triệu tập cuộc họp khẩn của Ban Thường vụ Thành ủy. Ông Thành đề nghị mọi người suy tính cho kỹ vì đây là vấn đề liên quan đến cả đạo lý và pháp luật, người dân không phạm pháp thì cớ sao lại tùy tiện tịch thu nhà của họ. Rồi ông Thành kết luận là Hải Phòng không làm khi chưa nhận được chỉ thị, mà chỉ thị phải nói rõ nguồn cơn, mục đích, yêu cầu thì mới làm.
4. Không cản “Z30”, khó có “đổi mới”
PHAN LỢI - LÊ KIÊN
Tháng 6-1983, hội nghị Trung ương họp, “mổ xẻ” về Z30. Bí thư Thành ủy Hải Phòng Đoàn Duy Thành có cơ hội nói lên tiếng nói tâm huyết của mình.
“Độc thoại” ở hội nghị Trung ương
Bữa sáng khai mạc hội nghị Trung ương, Phó Thủ tướng Phạm Hùng điều khiển phiên họp. Bao nhiêu trăn trở, suy tư bấy lâu, nay có điều kiện lên tiếng giãi bày trước các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương, ông Thành đã nói một mạch hai tiếng đồng hồ.
Ông nhớ lại: “Anh Phạm Hùng chỉ định tôi phát biểu đầu tiên. Tôi chỉ dành 15 phút đầu để nói về kế hoạch sáu tháng cuối năm. Sau đó, tôi nói rằng bây giờ tôi phải đề cập ngay đến vấn đề đang sôi nổi và bức xúc của xã hội, đặc biệt là Hải Phòng, là chuyện Z30.
Trong lúc phát biểu, tôi kể tường tận sự việc tôi được chứng kiến tại ba gia đình bị tịch thu ở Hà Nội, họ than khóc thế nào, ai oán ra sao... Sao lại làm thế được? Sao anh không chứng minh được tài sản người ta là bất minh mà vẫn vô cớ tịch thu? Sao anh không giải thích rõ ràng lý do tịch thu đó? Tôi nói thẳng rằng làm như thế là trái đạo lý, làm mất nhân tâm, cản đường xây dựng, phát triển, trái với cả tư tưởng kinh tế của Mác...”.
Nói đến đây, ông Thành trầm ngâm, nhấp một ngụm nước rồi tiếp lời: “Tôi phải nói căng như thế vì hội nghị Trung ương là cơ hội duy nhất. Nếu ở hội nghị Trung ương mà không ngăn được thì coi như muộn mất rồi, người dân sẽ phải gánh chịu một trận “bão táp” mới mà hậu quả chắc chắn là hết sức nặng nề. Tôi nói xong, anh Phạm Hùng đứng bật lên, nói: “Sáng tạo, rất sáng tạo, tôi ủng hộ anh Thành.”
Sau mấy phút giải lao của hội nghị, không khí hội trường im bặt. Tổng Bí thư Lê Duẩn đứng lên, chậm rãi nói: “Còn đồng chí nào phát biểu nữa không? Còn đồng chí nào nói đạo lý hơn đồng chí Thành nữa thì cứ phát biểu”. Sau gợi ý của Tổng Bí thư, ông Quất (Bí thư Bắc Giang), rồi đến một đồng chí ủy viên Trung ương phía Nam đứng lên nói ngắn gọn, bày tỏ sự ủng hộ đối với ý kiến của tôi”.
“Khó hiểu nhất là không có ai đứng lên bảo vệ “Z30”, thành ra ý kiến phản đối trở thành “độc thoại” một chiều” - ông Thành trầm ngâm. Rồi ông kể tiếp: “Lúc anh Ba Duẩn nói xong, tôi nghĩ bụng “Thế là ổng đã ủng hộ mình rồi!”. Tôi rỉ tai anh Nguyễn Văn Linh (nguyên Tổng Bí thư, lúc ấy là Bí thư Thành ủy TP.HCM): “Anh phát biểu đi để góp thêm tiếng nói mạnh mẽ, Nam bộ cũng phản đối “Z30” mà. Anh Linh bảo: “Ông nói thế là đủ lắm rồi!””.
Như vậy là câu chuyện về “Z30” đã kết thúc một cách không trống, không kèn. Từ đó về sau này, không ai nhắc lại nữa, không nơi nào thực hiện, cũng không ai nói thêm gì nữa.
Mục tiêu CNXH là dân phải giàu
- Theo ông, mãi đến tận lúc họp hội nghị Trung ương thì Tổng Bí thư Lê Duẩn mới biết là có Chỉ thị “Z30”?
+ Không. Tôi nghĩ là anh Ba Duẩn có được nghe báo cáo. Nhưng có thể người ta không báo cáo cặn kẽ, cụ thể với anh. Có thể lúc đó người ta báo cáo với anh Ba là làm thử, người ta nói đây là cuộc đấu tranh giai cấp, đánh vào bọn tham nhũng, buôn lậu...
- Nhưng lúc đó cũng có một số người hào hứng thực hiện “Z30” với mong muốn thiết lập một trật tự xã hội không có tư hữu về tài sản?
+ Có người cứ mở miệng ra là nói đến đấu tranh giai cấp, đến thủ tiêu tư hữu nhưng thực tế người ta không hiểu cặn kẽ những vấn đề như thế. Người ta đã hiểu sai về bản chất và phương pháp của cách mạng, đặc biệt là trong các vấn đề kinh tế.
- Những năm 1980, tư tưởng “vô sản” vẫn nặng, vậy mà ông cứ hô hào xây nhà to cửa rộng?
+ Tôi vẫn nói phi thương bất phú. Mà đó là câu của các cụ, đâu phải của riêng tôi. Lênin cũng đã từng nói là phải đổi 100 ông bôn-sê-vích không có tay nghề để lấy một người buôn bán giỏi cơ mà. Tại sao lại không đi theo đúng triết lý đó?
Tại sao anh không nghiên cứu kỹ biện chứng phát triển, không nói đến những vấn đề kinh tế Mác nói mà chỉ nói đến đấu tranh giai cấp, công hữu...? Mác đâu chỉ nói đến đấu tranh giai cấp và chuyên chính. Đó đâu phải là mục tiêu của cách mạng, đó chỉ là phương pháp cách mạng để đưa con người đến giàu có, bình đẳng thôi chứ.
Mục tiêu của Mác cũng là mục tiêu của cách mạng như chúng ta đang tuyên bố hiện nay là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là không còn người bóc lột, mọi người tự giác lao động mà sống, mà làm giàu.
- Theo ông, tại sao một số địa phương cũng không thực hiện “Z30”?
+ Vì người ta thấy làm như thế là sai trái. Thực hiện “Z30” có nghĩa là cải tạo thị dân, đánh vào thành thị để mọi người cùng nghèo.
- Theo ông, câu chuyện “Z30” cách đây 25 năm so với ngày nay có ý nghĩa gì? Sai lầm đó ảnh hưởng như thế nào đến sự trưởng thành và phát triển của tầng lớp doanh nhân hiện nay?
+ Bài học lớn nhất, trước hết theo tôi là với việc kiên quyết không thực hiện “Z30”, chúng ta đã vượt qua được một rào cản để đi đến đổi mới. Nếu chúng ta thực hiện toàn diện “Z30” vào thời điểm đó thì chẳng ai còn dám làm giàu nữa. Tôi từng hỏi các đồng chí trong Thường vụ Thành ủy Hải Phòng là các anh ở đây có ai không muốn ăn ngon, mặc đẹp không? Nếu các anh cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp thì tại sao các anh lại không khuyến khích dân làm giàu?
Tôi cho rằng làm giàu là khát vọng. Dù có bị cấm đoán đến đâu người ta vẫn nuôi khát vọng của mình. Và khi có thời cơ người ta sẽ tranh thủ mọi điều kiện để làm giàu... Nhưng dù sao thì những ý chí ấy đã bị thủ tiêu trong cả một giai đoạn, nó cũng ít nhiều làm thui chột ý chí của doanh nhân thời đó. Nó cũng là lý do khiến cho thời hội nhập hiện nay, Việt Nam chưa có một tầng lớp doanh nhân đúng nghĩa, đủ sức ra khơi... Bài học sau cùng là câu chuyện về “Z30” luôn nhắc nhở chúng ta, nhất là những người cầm quyền, khi đụng đến quyền lợi của dân phải hết sức minh bạch, công khai, bởi mọi việc làm chúng ta là do dân, vì dân cơ mà!
- Vâng, xin cảm ơn ông.
Ngày nay, khi đi từ Hải Phòng sang Kiến An, tôi vẫn thấy buồn vì “Z30” đã làm cho con đường này mất đẹp. Nhà cửa hai bên xây dựng thời kỳ “Z30” không xứng với con đường mở rộng! Lúc ấy, vì sợ bị tịch thu nên những gia đình đang xây dựng thì dừng lại không xây hoặc thu nhỏ lại, định xây hai tầng thì rút còn một tầng thôi...
Theo: Viet-studies
ĐỂ HIỂU THÊM CHỈ THỊ “MẬT” Z30 NHỨC NHỐI MỘT THỜI
NGUYỄN VĂN AN VÀ CHUYỆN Z30
Bùi Hoàng Tám
Nhà văn Bùi Hoàng Tám
LỜI TÁC GIẢ: Trong suy nghĩ của tôi, ông Nguyễn Văn An là nhà pháp trị và có tinh thần dân chủ rất cao. Trong nhiệm kỳ của mình, Chủ tịch Nguyễn Văn An đã trả lại vị thế “là cơ quan quyền lực cao nhất” của Quốc hội đồng thời ban hành nhiều luật và bộ luật. Những cuộc chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường dưới thời ông làm Chủ tịch luôn sôi động, được cử tri quan tâm, theo dõi và đánh giá cao. Ngay từ năm 1983, Nguyễn Văn An và Đoàn Duy Thành (người khởi xướng là ông Thành) đãkhông thực hiện Chỉ thị Z30. Nếu ở Đoàn Duy Thành là cái tâm của nhà cách mạng với đời sống nhân dân thì với Nguyễn Văn An, là cơ sở pháp lý. Lần đầu tiên sang Pháp, ông An đã tìm đến bờ sông Sen để tận mắt được nhìn nơi thanh tra Zave (một nhân vật trong tiểu thuyết Những người khốn khổ của Vichto Huygô) trẫm mình vì không chứng minh được Giăngvanzăng là người ăn cắp. Đã hơn một lần ông nói với tôi về QUYỀN và HẠN, về Luật Đảng…. Cuộc trò chuyện của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An với tôi diễn ra vào năm 2006, tại Văn phòng Quốc hội – 37 Hùng Vương, khi đó ông còn đương chức và 2 năm sau, tôi mới bắt tay viết bài báo này. Sau đó, đã được báo Pháp luật TPHCM và nhiều báo đăng lại. Gần đây, ông Nguyễn Văn An tiếp tục phát biểu những suy nghĩ của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng và được quần chúng nhân dân, nhân sĩ trí thức đồng tình hưởng ứng. Xin đăng tải lại bài viết đã từng công khai trên nhiều cơ quan thông tin đại chúng và được đưa vào cuốn sách 20 năm – Những bài báo Đổi mới của NXB Trẻ TP HCM 2010.
25 năm (1983 – 2008) đã trôi qua kể từ ngày xảy ra sự kiện Z30 bi thảm. Một phần tư thế kỉ không phải thời gian dài, song cũng không phải ngắn. Nó là khoảng cách đủ để lùi lại nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách chân xác, khách quan. Trở lại vụ Z30, chúng tôi muốn nhìn lại sự ấu trĩ của một thời chưa xa để càng hiểu thêm giá trị to lớn của đổi mới và cùng nhau rút ra những bài học cho hôm nay và cho cả tương lai. Đây cũng là những thời khắc lịch sử của trước đêm dài đổi mới. Vì vậy, cùng với sự dày đặc của màn đêm đã thấy đâu đó xuất hiện những nhân tố mới với lối tư duy mới. Chính những khoảng sáng le lói đó là nền tảng cho công cuộc đổi mới và chính những nhân tố này sau đó trở thành một trong số những hạt nhân quan trọng của công cuộc đổi mới. Và một trong số những người đó là Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, khi đó là Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam Ninh.
Vào một ngày giữa năm 2006, Chủ tịch Nguyễn Văn An cho gọi tôi đến Văn phòng Quốc hội – 37 Hùng Vương. Việc được gặp ông khiến tôi hồi hộp dù rằng là một nhà báo, tôi đã từng gặp khá nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ hay Quốc hội. Nhưng với ông An, không hiểu sao tôi lại có cái e dè đó. Có lẽ tôi ngại vì ông vốn là người làm công tác tổ chức Đảng lâu năm, nói năng luôn nghiêm túc và rất cẩn trọng. Còn tôi, cái máu văn nghệ sỹ nửa mùa hay khoa môi múa mép nên sợ có lỡ lời thất thố mà e ngại chăng ? Thế nhưng chỉ sau mấy tiếng gõ nhè nhẹ, đã thấy ông hiện ra ngay sau cánh cửa. Nụ cười hào sảng, cái nắm tay ấm và chặt của ông đã khiến sự e dè của tôi như bay biến. Câu chuyện bỗng trở nên gần gũi, chân tình và nhiều chia sẻ. Nó có gì đó tờ tợ như câu chuyện của một thủ trưởng với một nhân viên cũ lâu ngày gặp lại dù tôi chỉ mới lần đầu được trực tiếp gặp ông, nghe ông nói chuyện. Và hôm đó, ông đã kể cho tôi khá tường tận về lý do vì sao khi còn làm Bí thư tỉnh uỷ, ông đã không đồng ý cho tỉnh Hà Nam Ninh thực hiện Chỉ thị Z30.
Năm 1982, Nguyễn Văn An khi đó mới 45 tuổi, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng và nhận nhiệm vụ Bí thư tỉnh uỷ Hà Nam Ninh. Ngày đó, Hà Nam Ninh là một tỉnh rộng, gồm các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình sáp nhập lại (giờ thì lại chia ra, tỉnh nào về tỉnh đó) nên đất rộng, dân số rất đông. Vào thời điểm những năm đầu thập niên tám mươi, do chính sách cấm vận của Mỹ cùng với những chính sách kinh tế non kém, ấu trĩ, sai lầm… đã khiến đời sống nhân dân cả nước vô cùng khó khăn. Ngân sách kiệt quệ. Lạm phát luôn ở mức phi mã không phải hai mà ba con số/năm. Tiếng là thành phố công nghiệp nhưng đa số người dân Nam Định sống dựa vào nghề nông. Nhà máy dệt Nam Định, niềm tự hào của nền công nghiệp xã hội chủ nghĩa khi đó máy móc thì cổ lỗ, dây chuyền lạc hậu và thiếu nguyên liệu trầm trọng. Hàng ngàn cán bộ, công nhân của tất cả các phân xưởng đều nằm trong tình trạng thất nghiệp triền miên. Công nghiệp thì đổ vỡ. Thương mại thì lưu thông trì trệ, luôn tạo ra sự độc quyền, đặc lợi cho một số người và nạn ngăn sông, cấm chợ ở hầu hết các địa phương. Nông nghiệp thì thất bát. Cơ chế hợp tác xã đánh kẻng, chấm công trở thành một gánh nặng đè lên vai người nông dân. Năng suất lúa suy giảm, ruộng đất bị bỏ hoang. Các chương trình đánh bắt cá ven biển èo uột và thường xuyên thất bại. Sở hữu hàng ngàn km bờ biển nhưng cả nước thiếu từ hạt muối thiếu đi… Đời sống nhân dân đói khổ, mấp mé cảnh lầm than.
Vốn là kỹ sư công nghiệp nhưng với tư duy sắc sảo của mình, Nguyễn Văn An hiểu rằng bây giờ không phải là lúc ngồi đó mà vạch ra những ý tưởng viển vông, trên mây dưới gió với nhà máy to, công trường lớn mà con đường thoát đói nghèo cho mảnh đất này là phải ngay lập tức chỉnh đốn nông nghiệp. Vì vậy, nhiều chính sách “cởi trói” cho nông dân đã được tỉnh “vụng trộm“ ban hành nên đời sống nhân dân trng tỉnh tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đang từng bước được cải thiện.
Giữa lúc công việc bước đầu có chiều thuận lợi thì một buổi chiều, Nguyễn Văn An nhận được công văn từ Công an Thành phố Nam Định gửi sang trình Bí thư Tỉnh uỷ duyệt phương án kiểm tra hành chính và tịch thu tài sản bất minh. Kèm theo đề nghị Tỉnh uỷ đồng ý cho ban hành quyết định tịch thu tài sản là một bản danh sách gồm hơn 200 gia đình nằm trong diện phải thi hành quyết định này. Tiêu chí để lập danh sách là những đối tượng có nhà từ hai tầng trở lên và được xếp thứ tự ABC. Mới nhìn qua bản danh sách, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn An đã không khỏi giật mình. Ông tự hỏi: Sao lại có chuyện vô lý thế này? Để có tiền xây căn nhà tránh mưa, tránh nắng, người dân phải trả bằng biết bao mồ hôi, công sức với khoảng thời gian nhiều khi đằng đẵng cả chục năm trời. Thế mà giờ đây lại có lệnh tịch thu tài sản của họ là cớ làm sao? Để kiểm chứng lại những suy nghĩ của mình, ông An đã yêu cầu văn phòng lục tài liệu để tìm xem từ trước đến nay có văn bản pháp luật nào quy định về việc này hay không nhưng tuyệt nhiên không thấy có. Ông An gọi điện sang ông giám đốc Công an Thành phố:
- Tôi dã tìm hiểu rất kỹ và được biết từ trước đến nay, Đảng và Chính phủ chưa bao giờ có chỉ thị dạng như thế này. Như vậy nghĩa là Bộ Chính trị không chỉ đạo và Chính phủ cũng không chỉ đạo. Bên các anh lấy văn bản này ở đâu ra vậy?
- Dạ, cái này do cấp trên chỉ đạo ạ – Ông giám đốc Công an Thành phố trả lời.
- Cấp trên là cấp nào? Cụ thể là ai chứ? Mà sao không đưa ra bàn ở cấp uỷ?
- Báo cáo anh, đây là chỉ thị vào hàng tuyệt mật của Trung ương nên không thể dưa ra bàn ở cấp uỷ được. Vả lại, Hà Nội và một số địa phương đã cho triển khai rồi ạ.
Ngẫm nghĩ một lát, ông An nói:
- Để tôi trực tiếp lên Hà Nội xem xét tình hình và tìm hiểu cụ thể. Từ giờ đến khi tôi về, các anh phải “án binh bất động” đợi lệnh của tôi – Ông An chỉ đạo.
Suốt đêm đó, Nguyễn Văn An không tài nào chợp được mắt. Tính đi tính lại, nghĩ tới nghĩ lui nhưng ông vẫn không hiểu vì sao lại có cái chỉ thị miệng kỳ quái này. Tờ mờ sáng hôm sau, ông An gọi cho lái xe đến đón. Để kiểm chứng cảm xúc của mình, trước khi lên đường đi Hà Nội, ông yêu cầu lái xe chạy một vòng quanh thành phố Nam Định. Ngắm những dãy nhà lúp xúp chen chúc nhau ở các khu phố Trần Hưng Đạo, Hàng Đồng, Hàng Thiếc, Hàn Thuyên, Cổng Hậu… ông không khỏi chạnh lòng. Trưởng thành từ một công nhân điện, lăn lộn cùng cơ sở, gắn bó với đồng ruộng nhiều năm rồi mới trở thành người lãnh đạo cao nhất của một tỉnh, ông quá hiểu sự vất vả, gian nan của người dân quê hương ông. Những con người cần kiệm và thông minh nhưng vẫn đang phải sống vật lộn cùng nghèo khổ. Thế mà giờ đây, ông đang phải đối mặt với một việc cực kỳ gian nan: Ký lệnh đồng ý để các cơ quan công quyền tịch thu tài sản của họ mà không cần tòa án và cũng không có bất cứ một bằng chứng nào để cớ thể khẳng định đó là tài sản bất minh. Ông chợt rùng mình khi nghĩ đến bản danh sách hơn 200 hộ nằm trong diện này rồi sẽ ra sao khi bị tịch thu nhà cửa, tài sản.
Khi chiếc ô tô chở ông đến Hà Nội, trời chưa sáng rõ mặt người, các công sở cửa còn đóng im ỉm. Lân la các khu phố, ông được biết Hà Nội đã triển khai Chỉ thị này từ mấy hôm nay và tình hình rất xấu. Ông còn nghe nói có gia đình cả nhà thắt khăn tang, bị tống lên xe, kêu khóc ầm ĩ. Khi ông về đến Văn phòng Trung ương cũng là lúc các phòng ban đã bắt đầu làm việc. Ông định vào thẳng Văn phòng Trung ương Đảng để hỏi cho ra nhẽ nhưng lại thôi vì nghĩ mình là cán bộ trẻ, mới nhậm chức chưa lâu nên cũng có phần rụt rè, e ngại. Đi dò hỏi các phòng, ban người thì bảo nên làm, người lại bảo không, chẳng ai có ý kiến gì khẳng định, toàn mập mờ, rất khó hiểu. Lang thang tìm hiểu tình hình thấy không kết quả, ông cho xe về Nam Định.
Con đường từ Hà Nội về Nam Định hôm ấy bỗng trở nên dài dằng dặc bởi trong tâm trí, Nguyễn Văn An đang rất hoang mang không biết xử trí thế nào cho phải. Nếu không ký quyết định triển khai thì biết đâu lại làm trái ý chỉ đạo của trên mà ký thì không có cơ sở pháp luật. Đã không ít lần ông tự nhủ các nơi đã làm rồi hay là mình cũng triển khai cho xong. Thế nhưng lần nào cũng vậy, cứ nghĩ đến đấy là hình ảnh người dân lam lũ lại hiện lên trong tâm trí ông. Đang lúc bối rối, một ý nghĩ chợt loé lên trong đầu Nguyễn Văn An: Gặp ông Thành (Đoàn Duy Thành – Bí thư Thành ủy Hải Phòng) để tham khảo ý kiến. Nếu bên ông Thành triển khai thì sẽ liệu mà nếu ông ấy chưa làm thì mình cũng không nên vội.
Đối với Đoàn Duy Thành, Nguyễn Văn An có tình cảm rất riêng biệt. Tuy cùng là Bí thư, cùng Uỷ viên Trung ương Đảng nhưng ông Thành lớn tuổi, thuộc thế hệ đàn anh, tham gia cách mạng trước lại là người có trình độ nên ông An có phần kính trọng và ngưỡng mộ. Mỗi khi có việc gì hệ trọng, ông An thường trao đổi, bàn bạc với ông Thành và ngược lại, không ít lần gặp vấn đề nan giải hoặc khó đưa ra quyết định, ông Thành vẫn thường tham khảo ý kiến của ông An. Nghĩ vậy nên ngay sáng hôm sau khi từ Hà Nội về Nam Định, ông An gọi ông Thuật – Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh cùng đi ra Hải Phòng để gặp ông Thành bàn bạc.
- Có lẽ cùng suy nghĩ nên khi tôi đến Hải Phòng, đã thấy ông Thành chờ sẵn – Ông An kể với tôi tại nhà ông ở số 02, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội – Thế là hai bên tiến hành trao đổi công việc ngay. Tôi hỏi vì sao Hải Phòng chưa thấy triển khai Chỉ thị Z30, ông Thành có nói rằng Hải Phòng chưa làm bởi còn đang chờ chỉ thị chính thức của Ban bí thư hoặc của bên Chính phủ. Rồi ông ấy phân tích về mặt pháp lý thì từ trước đến nay không có bất cứ văn bản pháp luật nào quy định tịch thu tài sản bằng quyết định hành chính cả. Còn về tình, cuộc sống của nhân dân hiện nay còn rất nhiều khó khăn, thậm chí là khổ cực. Việc tích cóp được chút tiền làm nhà, làm cửa không dễ dàng gì. Nay tịch thu thì người dân ở vào đâu? Rồi ông ấy hạ giọng nói là chủ nghĩa xã hội tươi đẹp nhưng người dân không có nhà ở thì sao gọi là tươi đẹp được?… Vì cũng có suy nghĩ giống như ông Thành nên chúng tôi nhanh chóng đi đến nhất trí là phải chờ chỉ đạo chính thức bằng văn bản của Trung ương chứ không thể chỉ đạo miệng. Tôi cám ơn ông Thành đã giúp chúng tôi vững tâm.
- Nghe nói ngay khi đó, bác đã cho đốt các quyết định về tịch thu nhà những gia đình thuộc diện bị tịch thu tài sản? Tôi hỏi.
- Chuyện ấy là có thật. Tôi cho đốt vì không muốn nghĩ ngợi gì về nó nữa.
- Còn chuyện tháng 6 năm đó (6/1983), ông Thành đem việc này ra phát biểu tại một kỳ họp của Trung ương?
- Tháng mấy thì tôi không nhớ rõ, chỉ nhớ khoảng giữa năm gì đó, Trung ương tổ chức hội nghị. Lần ấy, ông Thành đã nói liền 2 tiếng đồng hồ về những sai lầm của Chỉ thị Z30. Ông ấy cho rằng Chỉ thị Z30 là sai lầm, là trái pháp luật và phi đạo lý. Việc vô cớ tịch thu nhà cửa của người dân khi họ không vi phạm pháp luật, không bị pháp luật xử mà chỉ bằng một quyết định của chính quyền là xông vào đuổi người ta ra đường là vô lý. Ông ấy nói găng, rất găng về những điều chúng tôi đã bàn với nhau từ trước. Thấy ông ấy càng phát biểu càng hăng, tôi cũng thoáng lo lo. Nhất là những lúc ông ấy thống thiết nói rằng đã trực tiếp xem tịch thu 3 căn nhà ở Hà Nội. Ông ấy tả thảm thiết lắm. Khi đội công tác đẩy họ lên xe chở đi, họ kêu khóc, họ đội khăn tang. Rồi ông ấy đặt câu hỏi: Chúng ta làm cách mạng để làm gì? Người Cộng sản là phải hy sinh suốt đời vì nhân dân, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Những việc chúng ta làm như thế này là trái đạo lý, là vi phạm pháp luật. Ông ấy còn kể thời ông ấy làm Bí thư Quận uỷ Ngô Quyền, đã nói với người dân rằng khi kháng chiến thắng lợi, bà con sẽ hết cảnh nghèo khổ, không còn phải chui rúc trong cái nhà tranh, vách đất, dột nát quanh năm mà sẽ ở nhà xây to đẹp, họ đã vỗ tay hoan hô không ngớt mà giờ đây, hơn 30 năm sau khi thắng Pháp, chúng ta không có tiền xây nhà cho dân, nay dân xây, ta lại tịch thu thử hỏi còn đâu là đạo lý… – Ông An chợt ngừng kể, đôi mắt dõi ra ngoài cửa sổ, nơi có cây mít già đang mùa bói quả. Tôi hiểu rằng ông đang xúc động mạnh. Chờ cho ông nguôi ngoai cảm xúc, tôi hỏi :
- Khi ông Thành nói thế, bác có lo không?
- Lo chứ. Chuyện này hệ trọng lắm, chỉ cần sơ xảy là hỏng cả một sự nghiệp chứ không đùa nên tôi luôn liếc nhìn sang chỗ Tổng bí thư Lê Duẩn và Phó Thủ tướng Phạm Hùng, thấy cả hai ông đều nghe rất chăm chú và có chiều đăm chiêu lắm. Nhất là đến đoạn ông Thành yêu cầu khi nào có ý kiến chính thức của Bộ Chính trị, Ban bí thư và Thủ tướng Chính phủ sẽ thi hành nghiêm túc còn điện thoại nhắc nhở “theo Hà Nội mà làm” để có phong trào thì ông ấy không làm và xin chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, tôi thấy Phó Thủ tướng Phạm Hùng hườm hườm vài cái, cười rồi nói: “Sáng tạo, rất sáng tạo. Tôi ủng hộ ý kiến của anh Thành”. Mấy phút im lặng nặng nề trôi qua. Rồi Tổng Bí thư Lê Duẩn đứng dậy, hỏi có ý kiến nào phân tích đạo lý hơn thì phát biểu, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm và không ngờ việc làm của mình những ngày qua lại được lãnh đạo và nhiều đồng chí rong trung ương ủng hộ mạnh mẽ thế.
Nỗi ám ảnh sau hơn một phần tư thế kỉ
Cách đây ít lâu, ông An gọi tôi, bảo:
- Cái chuyện Z30 tôi kể với cậu ấy, nhắc lại không chỉ để làm một bài học kinh nghiệm mà còn khẳng định thành tựu của đổi mới. Hơn hai mươi lăm năm qua, chúng ta đã đi một quãng đường dài, rất dài đặc biệt là tinh thần thượng tôn pháp luật. Bây giờ, muốn tịch thu của người dân dù chỉ bao diêm cũng phải có toà án. Thế mà ngày ấy, tịch thu cả một gia sản của người ta mà chỉ thông qua kiểm tra hành chính. Không hiểu ngày ấy vì sao họ cứ nói mập mờ, cái này bí mật, không phổ biến rộng, cứ triển khai theo ý của trên… Sau này, tôi được biết thì hình như ông Bộ trưởng Nội vụ (Bộ Công an) khi đó cũng không biết gì về vụ việc này.
- Có người đánh giá Z30 ghê gớm chẳng khác gì hồi Cải cách ruộng đất. Quan điểm của bác thế nào? Tôi hỏi.
- Phạm vi của nó hẹp hơn nhiều nhưng với những người liên quan trực tiếp thì hậu quả chẳng khác là mấy. Cũng may chứ nếu ngày đó Hải Phòng và Nam Định cùng làm rồi sẽ lan ra cả nước thì sự thể không biết sẽ ra sao. Mãi gần đây khi tôi lên làm Quốc hội, cái Z30 nó vẫn còn dư âm nặng nề lắm, người dân còn kêu ca, oán thán lắm. Cũng may chứ nếu thực hiện, tôi sẽ ân hận suốt đời!
- Nhưng họ (những người trong danh sách bị tịch thu nhà cửa, tài sản) có giầu thật không?
- Có giàu có gì đâu? Cả thành phố Nam Định ngày đó cũng nghèo lắm, của cải có được là bao nhiêu. Những cái nhà đó so với bây giờ, nó như cái chuồng chim thôi. Gìờ thì họ đã tự dỡ bỏ gần hết để xây nhà mới to hơn, đẹp hơn rồi. Tôi vẫn nhớ những cái nhà trong danh sách ấy, nó bé tí tẹo ấy mà.
- Nhưng lỡ trong số những người được coi là giầu có thời đó có những người là do bất minh? Tôi hỏi.
- Về tài sản có bất minh hay không thì anh phải điều tra để chứng minh mà chưa chứng minh hoặc không chứng minh được thì không thể kết luận. Với góc độ luật pháp, anh chỉ được suy diễn theo hướng gỡ tội chứ không được suy diễn theo hướng kết tội. Một vụ án tham nhũng cũng vậy. Anh phải chứng minh được người ta tham nhũng chứ không được phép bắt người ta phải chứng minh nguồn gốc tài sản của mình. Hai cái đó khác nhau lắm. Bây giờ vẫn còn không ít người có lối suy diễn theo kiểu kết tội. Có cả vị là cán bọ lãnh đạo gần đây cũng mắc lỗi này. Pháp luật là chứng cứ chứ không phải tin hay không tin. Cái lối quy chụp ấy… Ông An chợt ngừng lại.
- Nghe nói ngày ấy bác cũng bị quy chụp là hữu khuynh?
- Có chuyện đó đấy. Một số cán bộ lão thành lên án tôi là hữu khuynh. Nguy hại nhất là có người coi Chỉ thị Z30 như là biện pháp trong đấu tranh giai cấp, chống bọn tham nhũng. Mà chống tham nhũng cũng phải dựa trên luật pháp chứ. Có ở nơi nào mà kiểm tra hành chính lại tịch thu tài sản đâu? Ông giám đốc Công an khi ấy là người tốt, tốt cả với cá nhân tôi. Nhưng dù sao ông ấy cũng không phải là cấp trên của tôi. Tôi là Bí thư tỉnh uỷ, là Uỷ viên Trung ương mà Bộ Chính trị không chỉ đạo, Thủ tướng không chỉ đạo thì làm sao tôi nghe ông ta được.
- Giả sử như có sự chỉ đạo của trên, bác có làm không?
- Nếu trên đã quyết, đương nhiên tôi phải chấp hành. Đó là một nguyên tắc. Nguyên tắc chấp hành pháp luật, nguyên tắc cấp dưới phải chấp hành mệnh lệnh của cấp trên. Nhưng ngược lại, tôi sẽ có ý kiến phản hồi đồng ý thì nói rõ vì sao, không đồng ý cũng nói rõ là vì sao. Mỗi khi nhận chỉ thị, tôi đều có ý kiến cái đó có phù hợp với địa phương hay không, phù hợp với luật pháp hay không? Trước khi thực hiện bát cứ việc gì, tôi luôn túc trực ý thức như vậy. Cấp trên ra lệnh, anh không làm không được. Nhưng làm mà thiếu trách nhiệm cũng không được. Anh phải có trách nhiệm với trên và cả với dân. Tôi nghĩ nên xây dựng một nếp công vụ như thế. Tôi không thích những người không thể hiện thái độ. Phải có chính kiến rõ ràng và thể hiện chính kiến một cách xây dựng. Cán bộ không phải là cái máy chỉ biết thực thi.
Rồi ông kể cho tôi chuyện lần sang thăm nước Cộng hòa Pháp lần đầu tiên, ông đã đến sông Sen để tận mắt được nhìn nơi thanh tra Zave (một nhân vật trong tiểu thuyết Những người khốn khổ của Vichto Huygô) trẫm mình vì không chứng minh được Giăngvanzăng là người ăn cắp.
Câu chuyện về Z30 khép lại như một chuyện cổ tích có hậu và cũng để lại một bài học xương máu, tuy giản dị nhưng lại hệ trọng và cũng rất thời sự: Mọi người phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Một chân lý giản dị nhường ấy nhưng không phải bao giờ và lúc nào chúng ta cũng thực hiện được. Không hiểu sao mỗi lần đi tàu từ Nam ra Bắc hay ngược lại, tôi cứ băn khoăn tự hỏi nếu ngày đó không có những người như ông An, ông Thành và cả sự sáng suốt của cố Phó Thủ tướng Phạm Hùng, đặc biệt là cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã kịp thời ngăn chặn thì không hiểu sự thể sẽ đi đến đâu? Và sâu xa hơn, công cuộc Đổi mới sẽ như thế nào nếu “cơn bão Z30” không bị ngăn chặn kịp thời?
CÂU CHUYỆN VỀ VUA LỐP
"Vua lốp", hay còn gọi là "Vua dép lốp", tên thật là Nguyễn Văn Chẩn, là một người đương đại có tiếng vì tài năng và sự tháo vát, gây dựng nên một tài sản lớn từ hai bàn tay trắng, nhưng cuộc đời gặp phải nhiều oan trái, tù tội, một "bi kịch lớn". Ông chỉ mất tổng cộng chừng chục năm trời để gây dựng nên sự nghiệp, nhưng lại mất tới gần hai mươi năm để đi kiện đòi lại tài sản của mình bị tịch thu và đòi lại công lý cho mình.
KHỞI NGHIỆP
Ông sinh ra ở vùng quê huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, làm nghề nông, làm việc vất vả nhưng không thoát được cảnh nghèo túng. Năm 1954, quyết tâm ra Hà Nội tìm đường làm giàu, ông bán tài sản giá trị nhất là ruộng rau, mang theo nửa số tiền bán ruộng, để lại vợ con ở nhà với một nửa số tiền còn lại.
Khởi sự, ông xin làm công ở một xưởng làm dép lốp, bóc vỏ xe ô tô cắt làm dép. Cần cù chịu khó, ông tích lũy được số vốn nhỏ để đón vợ con lên Hà Nội và mở cửa hiệu của riêng mình.
Công việc của ông trở nên phát đạt, nhưng thời của dép lốp cũng dần qua. Ông chuyển sang lĩnh vực làm bút. Bút do ông làm mang kiểu dáng Trường Sơn, bán với giá rẻ, được bày ở khắp các cửa hàng bách hoá chiếm được cảm tình của người mua nên ông trở nên khá giả.
TAI VẠ
Đang làm ăn phát đạt, thực hiện "Chỉ thị Z30 tuyệt mật bằng miệng", tịch thu những nhà 2, 3 tầng mới xây những năm1980, thì phòng tài chính quận Hoàn Kiếm đến khám nhà, kiểm tra đăng ký sản xuất. Dù ông đã trình giấy tờ đủ, nhưng vẫn bị tịch thu toàn bộ công cụ, nguyên liệu, sản phẩm, thuê xe đưa về quận Hoàn Kiếm. Ông khiếu nại, "vì sao tôi ở quận Ba Đình mà Hoàn Kiếm lại bắt?" và gửi đơn kiện đi khắp nơi, ít lâu sau ông được trả lại một số những thứ đã tịch thu.
Một thời gian ngắn sau đó, công an quận Ba Đình kéo đến khám nhà, tịch thu toàn bộ mô-tơ, khuôn làm bút, vài tạ dép đứt quai, cao su, hàng ngàn chi tiết bút... Ông bị khởi tố và bị xử 30 tháng tù vì tội "tàng trữ, đầu cơ, sản xuất trái phép". Theo con trai ông kể lại: "Lúc đó bố tôi chống án nhưng không được xử phúc thẩm. Cuối cùng phải ngồi tù đủ 30 tháng không thiếu một ngày".
Ông phải ngồi tù 18 tháng tại Hoả Lò và 12 tháng tại trại Hồng Ca (Yên Bái). Ra tù, ông làm đơn kêu oan. Tòa án nhân dân tối cao xử phúc phẩm ngày 25 tháng 5 năm 1972, án số 22 xử ông phạm tội đầu cơ, phạt cảnh cáo và nộp phạt một trăm đồng. Theo lời con ông:
"Như vậy bố tôi bị tù oan, hai năm rưỡi chống án, tại sao toà không xét? Ông chánh án trả lời chúng tôi giữa phiên toà là người ta quên. Bố tôi chỉ đáng cảnh cáo mà ngồi tù 30 tháng!".
LÀM LẠI SỰ NGHIỆP
Ra tù, ông tìm cách kiếm sống bằng đủ nghề, cuối cùng đành quay lại với nghề dép lốp. Nhận thấy nguồn cung ứng lốp khan hiếm, ông nghĩ ra cách mua lốp xe cũ về dán lại, và sáng chế ra một loại nhựa vá săm tốt, bán rất chạy. Tuy nhiên sự thuận lợi trong kinh doanh của ông chỉ kéo dài được hai năm. Đầu năm 1974, công an Ba Đình lại đến khám nhà bắt người, ông bị giam ở quận, với lý do "ăn lên làm ra vùn vụt, chắc phải có gian lận". Do ông đã có tiền án tiền sự nên việc bị bắt, bị giam chỉ là chuyện thường. Ông bị giam đến ngày 30 tháng 3 năm 1974 thì được thả.
Để kiếm sống, ông định làm nghề vá lốp sửa chữa xe đạp, và qua đó sáng chế ra khuôn đúc lốp xe. Sau năm năm mày mò nghiên cứu, ông cho ra đời hiệu lốp Quyết Thắng. Những năm đó, lốp của ông nổi tiếng toàn quốc, mỗi năm sản xuất trên 2.000 đôi. Năm 1983 lốp Quyết Thắng được trao Huy chương đồng tại Hội chợ triển lãm Giảng Võ, ông được xưng tụng là "vua lốp". Ông mở rộng cơ sở sản xuất, mua lại toàn bộ bãi rác của nhà máy cao su Sao Vàng, bao gồm lốp và cao su phế liệu. Bãi nguyên liệu của gia đình ông (chợ Thành Công bây giờ) luôn có tới hàng trăm tấn.
Ngày 27 tháng 8 năm 1983, lực lượng liên ngành quận Ba Đình bao gồm quân đội, công an, viện kiểm sát, ủy ban đã phong tỏa nhà và xưởng sản xuất để công bố quyết định: tịch thu nhà cửa, toàn bộ công cụ và nguyên vật liệu sản xuất của xưởng sản xuất lốp và bắt ông Nguyễn Văn Chẩn.
Khi công an đến nhà, ông Chẩn đang trốn trên Hàng Đào, sau đó phiêu bạt đi Thái Bình, Hải Phòng, Hà Bắc gần một năm. Ông chỉ về nhà khi bà và các con đã phát đơn khởi kiện, do vậy tránh được việc phải vào tù lần nữa. Nhà cửa bị tịch thu, vợ con ông phải sống lay lắt ngoài đường.
ĐI TÌM CÔNG LÝ
Trong một lần trả lời báo chí, cố nhà báo Trường Phước, Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, ông coi những doanh nhân như "Vua lốp" là những anh hùng thời đổi mới: "Nếu nói trong "chiến dịch" đánh đổ những tư nhân làm giàu như ông Chẩn - Hà Nội có sai lầm thì trong đó có cả những sai lầm của những nhà báo lên tiếng cổ vũ cho chiến dịch này như tôi. Bằng công cụ truyền hình, bằng các buổi bình luận, nhưng trước hết bằng lòng nhiệt tình trong sáng nhưng nhầm lẫn của mình, tôi đã làm "đau" ông Chẩn".
Thời gian đó, ông phải vừa lẩn trốn, vừa viết, gửi rất nhiều đơn đến cơ quan công quyền. Cuối cùng thì Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng ra quyết định đình chỉ vụ án, yêu cầu trả lại toàn bộ tài sản, nhà cửa cho "Vua lốp". Tuy nhiên Công an lại ra quyết định miễn tố. Không hài lòng, ông tiếp tục kiện, vì "Miễn tố là có tội nhưng miễn cho, nhưng tôi có tội gì?". Tới ngày 21 tháng 12 năm 1985, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra quyết định hủy bỏ quyết định miễn tố của Sở Công an Hà Nội, quyết định đình chỉ điều tra, thừa nhận ông vô tội và yêu cầu Hà Nội trả lại tài sản cho gia đình ông. Đây có thể nói là một "thắng lợi tinh thần", giúp ông lấy lại danh dư vì được minh oan và trở thành người vô tội.
Ngày 1 tháng 9 năm 1990, Hà Nội ra công văn số 4071 do Chủ tịch Lê Ất Hợi ký về việc trả lại tài sản cho ông. Căn nhà 917m2 của ông khi được trả lại bảy năm bị lấn chiếm chỉ còn trên 200m2. Nhà được trả lại, nhưng tài sản thì không, ông lại tiếp tục đi gõ cửa các cơ quan chức năng, không mệt mỏi, và phải 10 năm sau đó, ông mới nhận lại được một phần tài sản của mình.
Theo: Trelangblog