Tim thông tin blog này:

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2019

Chuyện nước ở chiến trường K

ÂN NHÂN
Trích ( mùa chinh chiến ấy )
Nếu không có anh Đước - là y tá C6 của D8 trung đoàn 29 thì tôi cũng đã chết. Đó là vào tháng Ba năm 79. Cũng tại Anlong Veng. Sau 3 ngày hành quân không có nước, đến ngày thứ ba thì tôi không thể chịu đựng được nữa. Trong người cứ rạo rực, cồn cào. Cảm giác chỉ cần một đốm lửa là tôi có thể cháy bùng lên.
Đang hành quân, đơn vị dừng lại. Tìm nước. Giữa rừng hoang thế này kiếm đâu ra nước? Thôi thì cứ đi. Trinh sát giở bản đồ, địa bàn, bày ra giữa rừng tìm suối. Chỉ huy, lính tráng châu đầu vào xem. Tôi cũng mò đến. Mọi người nhìn vào tọa độ này nọ, còn tôi thì tìm xem bản đồ in năm nào. Tôi bỗng giật mình khi nhìn thấy năm in bản đồ là 1964. Đây là bản đồ của quân đội Mỹ. Trời đất, từ năm 64 đến giờ đã mười mấy năm. “Thế gian biến cải vũng nên đồi”. Làm gì còn địa hình như năm 64. Cũng không biết, quân đội Mỹ dựa vào đâu để vẽ bản đồ này? Tôi nêu ý kiến. Lính tráng đã thất vọng giờ càng thêm tuyệt vọng.
Nhưng dù sao, vẫn phải sống và chiến đấu với cơn khát. Tôi theo anh Ngân, đại đội trưởng, khoác súng, cầm dao đi. Mang súng theo vì gặp địch là đánh nhau liền. Cầm dao là để chặt dây, chặt cây.
Anh Ngân lại đi tìm mấy cây con. Thử chặt xem. May ra cây con còn trữ nước. Nhưng rừng mùa khô làm gì có cây con nào, ngoài mấy cây khộp nhỏ bằng cổ chân.
Những cây khộp khẳng khiu, còn vài cái lá, đứng trơ trọi trên nền đất cứng như đá. Nhưng chúng tôi vẫn vung dao chặt. Mệt đứt hơi vẫn phải cố. Nhưng khi chặt được, nhấc thân cây lên, nhìn thân gỗ mầu hồng tươi, chỉ mong nó nhỏ ra vài giọt nước, cũng không có. Mấy giọt dầu khộp cũng không? Chờ mãi, thân cây vẫn trơ ra. Tức mình quẳng đi. Tuyệt vọng, ngồi bệt xuống. Cơn khát dâng lên đến tận đỉnh đầu. Chỉ còn nước tự sát cho xong.
Về lại đội hình. Nhìn lên trời. Nắng vẫn dữ dội đổ xuống. Bỗng mấy trinh sát phát hiện có hai trái cây chín vàng ươm trên cao. Hai trái cây treo lung linh giữa trời. Ngọn cây khô khốc. Còn vài cành gầy guộc. Hai trái cây treo vào đó như hai ngọn đèn hy vọng. Tôi cứ ngước nhìn lên. Lòng hình dung trong đó có kho vàng thơm nức, ngon tươi. Không ai biết nó là trái gì. Nhưng cứ thấy chín vàng là mê rồi.
Làm thế nào để lấy chúng xuống? Trèo cây? Anh em nhìn thân cây vừa gầy ngẳng vừa cao vời. Không thể trèo được. Mà dù có trèo được lên cũng không thể leo ra hái quả. Vì trái cây nằm tít trên cao mà cành cây thì quá nhỏ. Lộn cổ chết là cái chắc. Chỉ còn cách bắn. Lệnh phát ra: Chỉ được bắn vào cành, chừa quả ra.
Những tay thiện xạ được bắn. Tôi háo hức chờ. Súng nổ. Trái cây rơi xuống. Anh em giơ tay ra đỡ. Tưởng là vàng, nhưng chỉ còn mỗi vỏ. Bên trong mốc đen. Bên ngoài vẫn vàng tươi. Mẹ kiếp! Chắc lũ chim mổ hết lâu rồi. Tức phát điên lên được.
Thế là hết. Chẳng còn biết trông vào cái gì. Tôi tuyệt vọng hoàn toàn. Nước bọt khô cong. Cổ họng cháy bỏng. Mắt nóng như hai hòn than. Làm thế nào để sống được đây? Sau ba ngày không nước, sức lực tôi đã cạn kiệt. Ngay cả mồ hôi cũng không còn mà tiết ra nữa. Mất sức chiến đấu hoàn toàn. Bây giờ mà địch ập đến đánh, chắc không thể cầm súng chiến đấu nổi.
Tôi cứ đi đi lại lại như con chó dại. Cỏ cũng khô cong. Chết rũ rượi dưới chân. Lá cũng quăn queo, đen xạm. Rễ cây cứng quèo, chìa ra như những ngón tay đen ngòm, dài ngoẵng. Đất bạc trắng, cứng như đá. Làm gì có sự sống ở đây?
Bỗng một thằng bạn thân, đến rủ: “Mày có đi uống nước giải không?”. Hay quá! Đi liền! Hai đứa tách khỏi đơn vị, đi sâu vào rừng, gần ụ mối để đỡ xấu hổ. Tôi lấy trong túi ngực lọ penicillin, vứt mẩu giấy. Sở dĩ lúc nào tôi cũng mang theo lọ penicillin kèm theo tờ giấy ghi tên tuổi, đơn vị, địa chỉ nhà mình vì tôi luôn nghĩ, không biết mình chết lúc nào. May có ai chôn, họ sẽ bỏ chiếc lọ vào hố để sau này nhỡ tìm được xác, người ta còn biết mình là ai, ở đâu để báo cho cha mẹ mình. Tôi ráng sức tè. Rặn mãi, rặn mãi mới được khoảng gần nửa lọ. Nước vàng khè. Tôi giơ lên xem. Ngần ấy nước cũng tốt lắm rồi. Tôi cũng chẳng nhìn xem thằng bạn tè được không. Tôi nhìn nó. Thấy nó đang nhìn mình. Chờ đợi. Tôi ngửa cổ, dốc lọ nước vào miệng. Bất ngờ, tôi hét lên một tiếng man dại. Rồi ngã vật xuống đất, không biết gì nữa. Từ lúc đó, cơ thể tôi không còn cảm giác.
Đến khoảng 5 giờ sáng hôm sau, đang mê man, bỗng có ai chạm vào người tôi, giọng nhẹ nhàng: “Tuấn! Tuấn! Dậy! Anh mang nước cho Tuấn đây!”. Tôi chợt tỉnh. Tay vồ lấy bi đông nước. Mở nắp, uống ngay. Anh Đước nói: “Uống vừa thôi, từng ngụm nhỏ một”. Tôi làm theo. Nước chui vào miệng. Thấm xuống cổ họng. Tôi cảm thấy như dòng suối mát lạnh róc rách chảy trong người. Uống tới đâu, nước theo lỗ chân lông, thấm ra tới đó. Cả cơ thể bắt đầu hoạt động trở lại. Nước đúng là sự sống. Anh Đước đã mang lại sự sống cho tôi. Uống được vài ngụm, nhìn cái bi đông nhựa màu xám, tôi lầu bầu: “Sao anh mang ít nước thế?”. Anh Đước không nói gì. Chợt tôi phát hiện máy thông tin của mình đã mất. Tôi òa khóc. “Cái máy của em đâu rồi?”. Anh Đước bình tĩnh: “Anh mang đi trước rồi”. Tôi đi không vững. Anh Đước phải chặt cho tôi cái gậy. Tôi chống gậy, lê theo anh Đước. Quãng gần trưa, mới gặp đơn vị.
Từ xa, thấy một khoảng sáng phía trước hiện ra. Tôi đến gần, thấy một bờ cát trải dài. Trên bờ có cái màn cũ bẩn thỉu. Cạnh đó là những vẩy cá to như ngón chân cái. Tôi đoán, chắc bọn địch đã kéo cá ở đây. Vì vẩy cá đã khô. Cạnh đó là một nồi cơm mới nấu. Có ít cơm trắng vãi ra. Hai người đang ăn. Và đặc biệt, dưới suối, một dòng nước đục ngầu. Không nói không rằng, tôi lao xuống, vục đầu vào dòng nước, như bò. Tôi uống say sưa. Dòng nước thấm vào người. Ngọt tràn trề. Uống một hơi. Lại vục đầu uống tiếp. Chưa đã, nhìn nước vẫn thèm. Tôi bỏ mũ cối, múc đầy một mũ, đưa lên uống. Nước mang cho tôi sinh lực tuổi trẻ. Uống xong, căng bụng, tôi lên bờ, nằm thẳng cẳng, chân tay giang rộng. Nhìn bầu trời ngùn ngụt nắng, cao xanh vời vợi nhưng không còn cảm giác lo sợ. Thế là mình đã thoát chết. Đã thực sự sống.
Sau này, anh Ngân bảo: “Khi tìm được nước, tao ra lệnh cho mấy thằng lính bộ binh mang nước lại cho mày, nhưng không thằng nào chịu đi. Tao điên lên, chĩa súng vào chúng nó, muốn bắn cho một phát!”. Tôi hiểu, anh em đã rã rời. Ai còn sức đâu mà đi? Hơn nữa, bị địch phục thì sao?
Nhưng tại sao anh Đước lại tìm tôi? Thực ra, tôi chỉ là thằng lính thông tin, quân số thuộc tiểu đoàn bộ. Tôi đi phối thuộc với C6 từ sau chiến dịch giải phóng Campuchia. Mới được hơn hai tháng. Khi được anh Đước cứu, tôi chưa nghĩ được những điều sâu xa. Bởi khi nhận lại máy 2W, chúng tôi hành quân về Choăm-Sre. Vừa về đến nơi, tôi lại nhận nhiệm vụ đi với C5, hành quân lên chốt ở phum Cầm-Prạ - một phum sát biên giới Campuchia - Thái Lan. Chẳng kịp chia tay đồng đội C6 và anh Đước. Mãi sau, tôi cứ nghĩ, tại sao anh Đước dám một mình, cắt rừng, đi đêm, để tìm tôi? Hay bởi anh là y tá, có trái tim nhân hậu hơn người? Dạo đó, công nhận anh Đước to khỏe. Người thấp đậm, khá mập. Chẳng hiểu sao, tôi cứ gầy trơ xương, còn anh Đước cứ béo mập, người đỏ au. Đến nỗi, anh Trường, cứ thỉnh thoảng lại đè anh Đước ra mà cấu xé một cách âu yếm. Anh Trường thường đùa: “Này Đước, có thể tao đã ngủ với chị mi rồi. Dạo 72, tao đóng quân ở Tiên Phước. Lúc đó chị mi là du kích địa phương phải không?”. Câu chuyện ngủ ngáy cứ thế lặp đi lặp lại, ngày này qua ngày khác. Anh Trường đã có vợ. “Xa quê hương, nhớ vợ hiền” - anh Trường ghi một câu nổi bật trên mũ cối. Còn anh Đước, kệ cho anh Trường đùa, không hề cáu giận.
Anh Đước là lính 76. Đánh nhau rất gan dạ. Lính tráng bị thương, kêu gào ầm ĩ. Giữa những làn đạn của cả hai bên, anh Đước bò đến băng bó, động viên vài câu, thương binh nằm im thin thít. Có trận, mình đánh vận động tập kích. Lính ta xông lên, vướng mìn. Anh em chỉ kịp kéo thương binh về. Không biết một chân bay đâu mất. Đại trưởng ra lệnh cho anh Đước phải tìm bằng được cái chân về lắp vào cho tử sỹ để khỏi mang tiếng chết không toàn thây. Trong khi ta với địch cách nhau không đầy trăm mét. Phải chờ lúc đêm xuống, anh Đước mới bò đi tìm. Sợ địch bắn, quân ta phải nổ súng trước. Minh “sứt” ghì đại liên, bắn yểm trợ. Dưới làn đạn bay sát đầu, anh Đước bò khắp trận địa. Cuối cùng cũng lôi được cái chân về.
ĐOÀN TUẤN


GẶP NƯỚC
Trích (mùa chinh chiến ấy )
tiểu đoàn hành quân tiếp . Tôi ngất đi . nằm lại giữa rừng Preach Vihia xa lạ . Không biết gì .
Theo bạn tôi , Tuấn chim cu Trinh sát tiểu đoàn kể lại , khoảng 5 giờ chiều , đơn vị gặp vũng suối có nước . Dù đục ngầu , nhưng vẫn ngon lành . Vũng nước chứa đầy sự sống . trên bờ có vài cái màn bẩn . Vảy cá to như móng chân cái , lấp lánh . Chắc bọn địch qua đây . nhưng lâu rồi . Quan sát không thấy gì khả nghi , trinh sát reo lên :
- Có nước . Có nước rồi !!!
Ngay lâpj tức cả tiểu đoàn ào tới . như trâu đàn , tất cả lao xuống , vục đầu vào nước . úp mặt vào vũng nước tu , uống , múc , dội , một khung cảnh sung sướng đến tột đỉnh . Tiểu đoàn trưởng Võ Sỹ Lực mọi khi nghiêm khắc là thế mà giờ đây lặng lẽ múc đầy bi đông nước rồi lẳng lặng leo lên bờ suối tìm một ụ mối cao nhất vừa ngửa cổ uống vừa quan sát xung quanh , cảnh giới cho những đàn em của tiểu đoàn đang vẫy vùng trong nước . hình ảnh đó khiến cho lính tráng trong tiểu đoàn kính nể , ông xứng đáng một con sư tử đầu đàn biết chăm lo cho bầy đàn
Lính tráng chìm trong nước . Đứa ngoác miệng uống như cá . đứa múc nước dội ào ào . đừa đằm cả thân mình như con trẻ . Thanh Fun- rô , cứ duỗi thẳng chân tay nằm úp dươi nước . Hắn thở trong nước . bọt và bong bóng nổi xung quanh mái tóc ngập nước lòa xòa . Hắn cứ nằm như thế .Anh em tưởng hắn chết vì sặc nước . mấy người lôi hắn lên . Nhưng vừa nằm vật ra đất , Thanh Fun - rô lại vùng dậy , lao thẳng xuống vũng nước . nằm sấp , úp mặt . thở cho bong bóng nổi lên ầm ầm .
Các đại đội lục tục nấu cơm . đào bếp bắc nước vo gạo đàng hoàng . Lúc này Bọ Lực mới bước xuống lòng suối . Ông phân chia vị trí cho các đại đội ,lập trại nghỉ đêm . và các cán bộ cắt cử người cảnh giới hai bên bờ suối bảo vệ vũng nước .
chẳng mấy chốc , cơm các đại đội đã chín . nhưng riêng C6 mãi không thấy cơm đâu , anh Ngân đại trưởng kiểm tra bộ phận anh nuôi , thấy mỗi một cái xoong không to đùng , không có vung . thì ra , trong cơn khát Dương Khỉ đã vứt béng mọi thứ lặt văt kể cả xoong nhỏ lẫn vung xoong cơm lớn . Anh Ngân nghiến răng , trợn mắt , mắng Dương :
- Đ. Mẹ . cứ lừ lừ như tàu điện vào bến , đến cái vung xoong mà mang không nổi ! giờ lấy Đ. gì mà nấu ăn .
Dương Khỉ lừ lừ chịu trận , lầm bầm vài câu trong miệng . mắt gườm gườm thách đố . Anh Ngân lúc này cũng phải ghìm cơn giận lại . Bởi anh hiểu , đối với lính trận , mắng chửi vừa thôi . làm quá , tụi nó quay súng bắn lại mình liền . Anh em xé áo mưa , làm vung . Rồi cơm cũng chín . Ăn với muối thôi , cũng đủ ngon rồi .nhớ tới ba ngày trước tại An lung viêng ăn thịt trâu thịt bò đẫy khẩu , thắng nào cũng tích trữ đầy ống bương , gặp cơn khát vứt sạch . . Đuổi được cơn khát thì cũng đuổi được cái đói , ăn muối thôi cũng sướng rồi .
Trời vừa tối , các đơn vị nằm ngủ bên bờ suối . rừng mùa khô trống trải . lính tráng phơi mình trên đất . Thảnh thơi sau bao ngày cực nhọc . Trăng đầu tháng lòa nhòa sau những tầng bụi nóng của trận cháy rừng .
Lúc này anh Ngân mới nghĩ đến tôi . bỏ một đồng đội lại giữa rừng , chắc anh cũng áy náy . Anh cử người đi tìm tôi , nhưng ai cũng từ chối . Bởi tôi có thuộc quân số đại đội 6 đâu . Tôi chỉ là thằng thông tin , đi phối thuộc . Nghĩ về chặng đường vừa qua , chắc ai cũng rùng mình kinh hãi . ban đêm . Đường xa . Lạc rừng gặp địch thì sao ? Anh Ngân cũng cho qua. Anh Hùng , anh Trường trong ban chỉ huy đại đội cũng im lặng .
( Mấy chục năm sau , gặp anh Ngân . Anh có vẻ hối hận . nhưng tôi nói , em hiểu chứ nếu em có chết , cũng không ai khiêng được . Bởi mọi người đã quá mệt rồi )
Nhưng có một người , dù không được cử đi , cứ trăn trọc mãi .Đấy là anh Lê Minh Đước ytá C6 . Anh lặng lẽ cầm khẩu AK , xách theo bi đông nước , lặng thầm một mình , trong đêm , đi ngược lại con đường chêt chóc , tìm tôi . Và gần sáng anh thấy tôi nằm còng queo trơ trọi giữa rừng . Sau này gặp lại anh Đước , tôi hỏi :
- sao lúc ấy anh lại tìm em ?
Anh Đươc mới kể . Dạo còn ở chốt biên giới tây nam . anh cũng bị đơn vị bỏ lại . Anh ở đầu thông hào . Khi đơn vị rút , lệnh không chuyền đến chỗ anh . Rút vào ban đêm . Bí mật . Sáng hôm sau không thấy người , anh đi tìm . Cả thông hào vắng lặng . Không có ai . Địch thì ngay trước mặt . Không hoảng hốt , anh Đước cắt rừng tìm đường . hai ngày sau mới về đến đơn vị . Chính trị viên Quách Kim Quy , người mường , quê Cẩm Thủy , Thanh Hóa , bảo ;
- Đơn vị đã báo lên trên đưa cậu vào danh sách mất tích rồi !
Vẫn tuấn trinh sát kể , khi gặp nước , tôi lao xuống , vục đầu uống như bò , uống xong tôi lấy cái chậu chia cơm . múc một chậu đầy nước ,tôi ngồi ôm khư khư chậu nước , cứ nhìn chậu nước mà dàn dụa nước mắt , tôi đã khóc với nước .
Đoàn Tuấn

Nguồn: Hồi ức chiến binh F307

Tìm kiếm Blog này