Tờ sự vụ lệnh bỏ trong túi áo, chàng trẻ tuổi bước đến nhiệm sở với lòng hăng hái yêu đời, chan hòa niềm vui như cái buổi sáng rực rỡ ở thành phố này. Chàng đi dưới các cây bàng tươi tốt, không cao lắm nhưng tàn lá tỏa rộng. Hai bên đường phố các cửa hàng đã mở, tủ kiếng lóng lánh khoe các mặt hàng rực rỡ. Tiếng máy xe nổ, tiếng động lách cách, tiếng cười nói xôn xao. Một mùi hương hăng hắc lẫn lộn của khói xe và mùi lá cây gợi nhớ một phần đời sống, đã trôi đi biền biệt. Qua ngã tư nhà sách Vạn-Kim, cô chủ xinh xắn đang ngồi chống cằm mơ mộng. Một gã đàn ông đội mũ lính rộng vành, lái xe gắn máy tới sát bên giơ một ngón tay mời mọc, nhưng chàng mải tìm một cái lon.
Lát sau người ta thấy chàng đá cái lon kêu lóc cóc dưới chân. Rồi cứ như thế, chàng mang cái lon theo trên đường, và hôm nay trò chơi này thật sự đã quyến rũ một thằng nhỏ. Thằng nhỏ xách theo một cái hộp gỗ, mặt lầm lì, mắt ngó chăm chú vào đôi chân người trẻ tuổi đang điều khiển quả banh sắt kêu lóc cóc. Không biết cái gì đã làm say mê nó, nhưng nó đã đi theo chàng bén gót một đoạn đường dài.
Khi thấy một cổng trường, chàng dừng lại. Phải, đó là một ngôi trường trung học lớn. Chàng tạm gởi cái lon bên bờ cỏ, bước qua cổng trường. Người đầu tiên chàng gặp là một ông gác trường. Khi biết chàng là một giáo sư mới, ông tới tấp hỏi chàng đủ thứ. Vừa đi, chàng vừa vui vẻ trả lời về tuổi tác, vợ con đã có hay chưa, nhà cửa cha mẹ ở tận đâu. Họ tới văn phòng, là một toà nhà riêng biệt, kế đó là một dãy nhà dài có bốn chữ lớn Thư viện La-Sơn. Còn đang ngơ ngác không biết đó là tên một dịa danh hay một danh nhân nào trong văn chương sách sử, người gác trường đã đẩy chàng vào một phòng rộng rãi. Một ông mặt trắng tươi, phốp pháp sau bàn giấy chìa tay ra. Chàng nắm lấy cái bàn tay mềm nhũn đó mà muốn ném nó trở lại.
-Thưa ông Hiệu Trưởng…-Tôi không phải là Hiệu Trưởng, tôi là giám học, mời anh ngồi đây.
Chàng đưa ra cái sự vụ lệnh nhàu nhò, xếp làm tám mà thoáng thấy cái chau mày của ngài giám học. Thế nhưng mọi thủ tục rồi cũng xong, chàng sẽ đi dạy sau vài ngày nghỉ, vì lúc này đã cuối tuần. Rồi chàng đi theo ông giám học. Qua những hàng dương mơ mộng của khoảng sân rộng, chàng lại có dịp bước chân lên hành lang của các lớp học. Trong không khí êm dịu và tĩnh lặng của ban mai, tiếng bước chân hai người vang dội ký ức chàng thời thơ ấu: đó là hình ảnh một cậu nhỏ chỉ thích tìm đủ mọi cách ra khỏi lớp học để được chạy thật nhanh trên những hành lang vắng lặng hay ném một viên sỏi vào cái niềng bánh xe hơi dùng làm kẻng rồi chạy trốn ông coi trường. Giờ thì chàng đi qua các lớp học. Có lớp yên phăng phắc, có lớp với tiếng rì rào quen thuộc. Những cặp mắt xinh đẹp của các cô cậu học trò đồng loạt ngước lên với một chút ngạc nhiên, một thoáng vui và đùa cợt.
Chàng ngồi ở phòng giáo sư cho tới giờ ra chơi và được giới thiệu với các đồng nghiệp. Phần lớn họ là những người trẻ tuổi vui tính, xiết tay chàng rồi là họ lại quay ra chuyện trò ồn ào với nhau. Vài cô nhếch một nụ cười tinh nghịch với chàng như muốn nói: “kìa tự nhiên đi chứ! Chú em mới tới”.
Một ông đứng tuổi, người mảnh khảnh bước vào. Người ta gọi ông là Tổng giám thị làm chàng bỗng nhớ tới việc nhờ của một thằng bạn vốn là học trò cũ của ông này. Lúc trở ra, chàng liền đi tìm cái xe hơi “con cóc” màu đen của ông Tổng giám thị. Sân trường vừa náo nhiệt với cát bụi bay tung giờ đã vắng bóng học trò. Dưới gốc một cây muồng hoa vàng rực rỡ ở cuối sân khuất lấp, chàng đã thấy chiếc xe hơi màu đen. Ngó đi ngó lại không còn thấy ai, chàng bắt đầu một trò chơi mới. Với một que cà rem nhỏ chàng kiên nhẫn xì cho hết hơi của một vỏ bánh xe trước. Vài phút sau chàng rời cổng trường trở lại con đường cũ. Chàng đã quên mất cái lon sắt gởi bên bờ cỏ và trò chơi buổi sáng, nhưng thằng nhỏ thì không quên. Nó vẫn đợi chàng ở cổng trường và lại lẽo đẽo đi theo. Thỉnh thoảng người thanh niên quay lại nhìn nó. Một cái áo lính phế thải dài lụng thụng, khoác lên cái thân thể bé nhỏ của một đứa trai cỡ lên mười, như muốn phủ lấp cái quần cụt đen bạc thếch. Mái tóc dứa nhỏ bù xù đỏ quạch vì nắng; từ đó chảy xuống mặt, những gịot mồ hôi lớn, kéo theo những vết đen mờ mờ.
Trời nắng gắt hơn, nhưng gió hiền từ biển cả thổi về xào xạc trên những ngọn dừa tạo nên một không khí dễ chịu. Buổi trưa, mặt đường nhựa có lẫn lộn nhiều cát biển, dưới ánh mặt trời loé ra những tia sáng thủy tinh. Đường phố yên lặng như đang chờ đợi, nhưng cũng chính buổi trưa chàng tuổi trẻ lại nghe thấy nhiều nhất cái thanh âm của thiên nhiên đang vang dội trong lòng. Tới một ngã tư gần chợ, chàng thấy một tiệm ăn chiếm một góc đường có cái tên thơ mộng là Mị Châu Thành. Chàng bước vào tìm chỗ ngồi và dĩ nhiên thằng nhỏ cũng theo vào. Chàng gọi một ly trà đá và đưa mắt theo dõi mấy con ruồi bay lảng vảng đó đây. Ngoài đường thỉnh thoảng có những xe nhà binh vùn vụt qua lại, kéo theo một lớp bụi mỏng.
Lúc này thằng bé quỳ, cái hộp gỗ để đằng trước. Nó nhỏ nhẹ xin đánh đôi giầy của chàng. Bây giờ chàng mới vỡ lẽ ra: từ sáng tới giờ nó lẽo đẽo đi theo chỉ để chờ cái dịp thuận lợi này: chàng đang thưởng thức ly trà đá ngọt ngào, mà đôi giầy không còn phải đá cái này cái kia nữa. “A! Ta đang phải đối đầu với một thằng nhỏ ghê gớm”. Hình như thằng nhỏ cũng linh cảm rằng cái gã thanh niên cà chớn này không ưa gì môn đánh giày, và không dễ gì mà đánh được đôi giày da kinh tởm của gã, nên nó đã phải kiên nhẫn lựa một thời cơ tốt đẹp.
-Đi anh, cho em uýnh cái đôi giày này đi. Bảo đảm nó sẽ láng bóng như là …như là …
Thằng nhỏ không biết mô tả nước bóng như thế nào để quyến rũ được khách hàng. Chàng thì vẫn đút chân sâu vào trong ghế cương quyết chối từ.
-Nhỏ này kỳ không! Đi tìm đôi giày khác đi. Anh đã phải đi nó mấy năm liền nó mới coi được như thế này.
Chàng thành thật nhắc lại câu ấy mấy lần như để cho thằng nhỏ hiểu rằng đôi giày của chàng không phải là loại bỏ đi, mà chàng rất đang khoái nó.
-Nhưng nó dơ quá trời.
-Thôi đi ông nội! Bộ tưởng tui khoái mấy đôi giày bày trong tủ kiếng lắm hả. Dễ gì mà có được đôi giày như thế này hà!
-Em không lấy tiền.
-Cám ơn, nhưng tui có hà tiện đâu! Nè cầm lấy hai chục và làm ơn làm phước đi tìm giày cho đúng chỗ mà chà xi-ra.
-Nhưng em tìm đúng chỗ rồi mà.
Chàng thấy thằng nhỏ có lý. Đôi giày cần đánh bóng nhất là đôi giày này chứ còn tìm ở đâu được hơn. Thật là dở khóc dở cười với thằng nhỏ lì lợm này. Không lẽ cứ co hai chân vào trong ghế giữ thế thủ, thì làm sao còn thoải mái uống ly nước dây hả trời!
-Đi anh, cho em uýnh cái đôi giày này đi. Bảo đảm nó sẽ láng bóng như là …như là …
Thằng nhỏ không biết mô tả nước bóng như thế nào để quyến rũ được khách hàng. Chàng thì vẫn đút chân sâu vào trong ghế cương quyết chối từ.
-Nhỏ này kỳ không! Đi tìm đôi giày khác đi. Anh đã phải đi nó mấy năm liền nó mới coi được như thế này.
Chàng thành thật nhắc lại câu ấy mấy lần như để cho thằng nhỏ hiểu rằng đôi giày của chàng không phải là loại bỏ đi, mà chàng rất đang khoái nó.
-Nhưng nó dơ quá trời.
-Thôi đi ông nội! Bộ tưởng tui khoái mấy đôi giày bày trong tủ kiếng lắm hả. Dễ gì mà có được đôi giày như thế này hà!
-Em không lấy tiền.
-Cám ơn, nhưng tui có hà tiện đâu! Nè cầm lấy hai chục và làm ơn làm phước đi tìm giày cho đúng chỗ mà chà xi-ra.
-Nhưng em tìm đúng chỗ rồi mà.
Chàng thấy thằng nhỏ có lý. Đôi giày cần đánh bóng nhất là đôi giày này chứ còn tìm ở đâu được hơn. Thật là dở khóc dở cười với thằng nhỏ lì lợm này. Không lẽ cứ co hai chân vào trong ghế giữ thế thủ, thì làm sao còn thoải mái uống ly nước dây hả trời!
Bỗng nhiên, chàng cảm thấy có ai đó đang nhìn mình, nhất là đang theo dõi câu chuyện lẩm cẩm của chàng với thằng nhãi. Chàng từ từ ngẩng lên và chao ôi chàng gặp đôi mắt giai nhân. Nàng ngồi ở phía đối diện bàn kế bên với một người già, mái tóc huyền phất phơ quyến rũ. Nàng đang nghiêng nghiêng nhìn chàng, môi hồng hé mở như cười mà như không. Hôm chia tay thằng bạn có dặn dò: “xứ ấy con gái đa tình lạ, mày coi chừng đi dễ khó về đấy”. Hẳn nhiên là nàng đã nghe rõ hết câu chuyện của chàng với thằng nhỏ đánh giày. Lúc này chàng thật mắc cở, nhưng cũng có một chút sung sướng bàng hoàng nên tay chân thừa thãi. Tới khi ngó xuống thì chân phải của chàng đã được êm ái để lên trên cái hộp gỗ từ lúc nào; thằng nhỏ đang ra sức đánh chiếc giày với một miếng nỉ. Đôi giày dơ bẩn này thật khó đánh nhưng đôi tay nhỏ bé của đứa trẻ thoăn thoắt làm việc hối hả như sợ rằng chàng đổi ý rút chân về. Chàng nào rút chân về được, sức mạnh của đôi mắt giai nhân còn làm chàng choáng váng. Mỗi lần nước bóng chưa được ưng ý, thằng nhỏ lại chà thêm xi-ra. Lần cuối, chàng thấy hai tay nó ôm lấy chiếc giày, miệng ghé sát vào …Trời đất ơi! Từ cái lồng ngực mong manh của một đứa nhỏ ốm nhom, một luồng hơi nóng thổi ra làm tan loãng lớp xi-ra đều đặn phủ lên chiếc giày. Chàng hết sức ngại ngùng lại muốn rút chân xuống, nhưng một hấp lực kỳ lạ thứ hai của đôi bàn tay xanh xao ấy lại đè nặng trên chiếc giày, giờ đây đã bóng loang loáng.
Chàng nhìn như thôi miên vào đứa nhỏ nghèo nàn và bắt đầu hiểu ra vấn đề nghiêm trọng này của đời sống; rồi chàng lại ngoan ngoãn đưa nốt chân kia ra.
Chàng nhớ lại lúc còn ở nhà, mẹ chàng có mời một bác thợ mộc lại để làm cái bàn cờ bằng gỗ quý cho thân phụ. Cha thì hay đánh cờ với mấy ông bạn già. Ông có bộ quân cờ bằng ngà và cứ than rằng quân chẳng xứng với bàn gì hết. Ngày ngày, cụ Tám, cụ Năm tới thay phiên nhau quần thảo với cha trên cái giang sơn nhỏ mỗi bề hai gang tay ấy. Cha chàng râu tóc bạc phơ, mặt tỉnh khô đương đầu với cặp pháo ác hiểm của cụ Tám, hay những con chốt hung hăng của cụ Năm trong nước cờ tàn. Trưa hè vắng lặng dưới bụi trúc đốt dài thẳng tắp, chàng còn nghe văng vẳng đâu đây tiếng động hư vô của những quân cờ đập lên nhau chan chát.
Cha thì có thú đam mê duy nhất ấy rồi, còn chàng thì đủ thứ: một ít bài thơ, năm hay sáu bản nhạc, vài bức tranh, một mối tình dang dở. Ít lâu nay lại còn phụ thằng bạn làm tờ báo. Hai đứa ì-ạch chạy tới chạy lui, lo bài lo vở, lo ấn loát; được vài số nữa rồi chết ngỏm, thì cũng là lỗi tại cái tính ôm đồm cà chớn chứ tại ai!
Lúc gởi tiền cho bác thợ mộc, mẹ chàng có hơi cằn nhằn nước bào chưa được bóng. Bác thợ xoay xoay cái bàn cờ ra chỗ sáng bào chữa:
-Đấy bà xem! Một con ruồi đậu lên có thể trượt chân ngã vỡ đầu ra đấy.
Chàng nhớ mãi câu nói hóm hỉnh của bác thợ lắm lời ấy. Giờ thì chàng hiểu thế nào là một nước bóng khi nhìn xuống đôi giày. Nó không phải là một đôi giày da bày trong các tủ kính nữa mà là hai cục thép đen - hai cục thép bóng đến mức kinh hồn. Chàng không thể nào tưởng tượng được từ đây, người ngợm, chân tay thừa thãi, quần áo bèo nhèo này có thể hoà hợp với đôi giày chói lọi ấy; và chàng thoáng thấy trên mũi giày cái eo thon của một tà áo trắng nhẹ nhàng lướt ra cửa, nhưng chàng cũng chẳng buồn ngó theo nàng nữa. Chàng thanh niên với tay ra sau lưng kéo cái bóp da, định bụng sẽ tặng cho thằng bé một số tiền kha khá; nhưng nhìn quanh quất, không thấy nó đâu nữa. Nhà nghệ sĩ nhỏ đã bỏ đi mất, không nói một lời. Những ngón tay gầy guộc xanh xao ấy đã rời bỏ tác phẩm vừa hoàn thành không một niềm luyến tiếc, để lại cho chàng tuổi trẻ một chút xót xa. Nhưng chính buổi sáng hôm nay - ngay từ lúc này, đời sống thật sự xao động dưới bước chân chàng.
Lúc gởi tiền cho bác thợ mộc, mẹ chàng có hơi cằn nhằn nước bào chưa được bóng. Bác thợ xoay xoay cái bàn cờ ra chỗ sáng bào chữa:
-Đấy bà xem! Một con ruồi đậu lên có thể trượt chân ngã vỡ đầu ra đấy.
Chàng nhớ mãi câu nói hóm hỉnh của bác thợ lắm lời ấy. Giờ thì chàng hiểu thế nào là một nước bóng khi nhìn xuống đôi giày. Nó không phải là một đôi giày da bày trong các tủ kính nữa mà là hai cục thép đen - hai cục thép bóng đến mức kinh hồn. Chàng không thể nào tưởng tượng được từ đây, người ngợm, chân tay thừa thãi, quần áo bèo nhèo này có thể hoà hợp với đôi giày chói lọi ấy; và chàng thoáng thấy trên mũi giày cái eo thon của một tà áo trắng nhẹ nhàng lướt ra cửa, nhưng chàng cũng chẳng buồn ngó theo nàng nữa. Chàng thanh niên với tay ra sau lưng kéo cái bóp da, định bụng sẽ tặng cho thằng bé một số tiền kha khá; nhưng nhìn quanh quất, không thấy nó đâu nữa. Nhà nghệ sĩ nhỏ đã bỏ đi mất, không nói một lời. Những ngón tay gầy guộc xanh xao ấy đã rời bỏ tác phẩm vừa hoàn thành không một niềm luyến tiếc, để lại cho chàng tuổi trẻ một chút xót xa. Nhưng chính buổi sáng hôm nay - ngay từ lúc này, đời sống thật sự xao động dưới bước chân chàng.
Cao Hoàng