Tim thông tin blog này:

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2019

VN-CPC thời lời của tướng Cao Văn Khánh PTTMT

.....Trước đó, tướng Tấn muốn có được tài liệu của đối phương để xác định chính xác có phải Đảng Polpot đã trở mặt hay không, nên có ý định dùng một bộ phận lực lượng tấn công sang đất Campuchia. Ông nói :”Nhìn tổng thể, rất nhiều hành vi của Polpot là có hệ thống (từ 30-5-1975 đánh Phú Quốc, xâm nhập năm tỉnh biên giới, đánh đảo Thổ Châu, 4-1977 tấn công toàn tuyến biên giới giết dân ta, cướp của..), không thể có hàng loạt hoạt động ngẫu nhiên trùng lặp như vậy. Muốn xác định bản chất vấn đề phải tìm tài liệu đối phương.”. Sau đó, ông báo cáo với ông Nguyễn Duy Trinh ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng ngoại giao: “Quân Khmer đỏ có ý định tấn công Tây Ninh. Muốn đánh cánh quân này, không thể không vượt biên giới Việt Nam-Campuchia. Đề nghị cho phép đánh qua, nhân thể tìm tài liệu của Trung ương Polpot”. Ông Nguyễn Duy Trinh hỏi:” Dư kiến vượt biên giới sâu bao nhiêu?”. Tướng Tấn đáp: “ Địa hình vùng Mỏ Vẹt phía Campuchia làng mạc xen lẫn ruộng và có các cánh rừng không lớn. Vì Đảng Campuchia trước đây là liên minh chiến đấu nên sau khi bạn giải phóng Phnompenh, ta rút hết tình báo trinh sát về nước. Hiện nay, ta không nắm được tình hình, ý đồ, quân số, cách bố trí của quân Khmer Đỏ nên chưa tính được chiều sâu phải tiến công“. Ông Trinh cân nhắc hồi lâu nói phải báo cáo với Tổng Bí thư. Sau đó ông trả lời: “Tiến vào đất Campuchia càng ít càng tốt, không quá 10km!”.
Tướng Lê Trọng Tấn tiết lộ: “cách đây mấy tháng, ngày 21-6-1977, có anh Hun Sen trung đoàn phó quân Campuchia chạy sang ta thông báo: lãnh đạo Đảng Campuchia đã biến chất, gây nhiều tai họa cho nhân dân Campuchia. Đề nghị Việt Nam giúp Campuchia khôi phục nhà nước dân chủ”.Báo cáo của anh Hun Sen có nhiều vấn đề đáng suy nghị. Tôi bảo anh em đưa Hun Sen đến gặp mình. Tôi nói với Hun Sen” Tôi muốn có tài liệu xác minh bản chất vấn đề. Đánh vào đâu có thể lấy được tài liệu?” Anh Hun Sen chỉ ngay trên bản đồ:” Đây là Bộ Tư Lệnh 203, đây là Khu ủy. Đánh vào đó nhất định lấy được tài liệu. Tôi tình nguyện dẫn đường”. Mình hoan nghênh, anh Hun sen nói tiếp: “Tôi muốn đón vợ con sang Việt Nam, anh có cho phép?”. Tướng Tấn chỉ thị ngay “dành cho chị Hun Sen và các cháu một xe thiết giáp”.
(Lược trích một đoan vì dài quá- người viết)

Tướng Tấn được gọi ra Hà Nội báo cáo, cùng đi với ông Lê Đức Thọ. Ngay chiều hôm đó, trở về Thành phố Hồ Chí Minh, ông tâm sự: ""Vừa bước vào phòng họp Bộ Chính Trị, anh Nguyễn Duy Trinh nói ngay: anh vô kỷ luật, phải thi hành kỷ luật ngay. Sao anh dám đánh sâu tới 30km lại đánh tới Pray Veng?”. Anh Lê Đức Thọ nói luôn:” Nếu thi hành kỷ luật thì là tôi. Tôi đồng ý cho anh Tấn làm. Trước khi nói đến kỷ luật hãy nghe anh Tấn trình bày đã”. Số tài liệu ông Tấn đem ra có nhiều nhiều nghị quyết của Trung ương Polpot, chỉ thị mẽnh lệnh của BTTM gửi quân khu 203, nhiều tài liệu chữ Trung Quốc chỉ đạo và việc cấp trang bị vũ khí rất lớn gồm cả đại bác. Súng phun lửa, mìn, súng chống tăng, vũ khí hóa hoc, mặt nạ…tài liệu chiến tranh tâm lý kích động thù hằn dân tộc, tài liệu huấn luyện kỹ thuật chiến thuật, cách tiến hành chiến tranh, kế hoạch đánh chiếm các tỉnh miền Nam. Từ đây, tháng 6-1978, Việt Nam mới xác định Trung Quốc là kẻ chủ mưu giật dây Polpot, lợi dụng sự thù địch của Campuchia để hợp sức bóp nghẹt Việt Nam giữa hai gọng kìm từ biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam. Cố vấn quân sự của Trung Quốc tới Campuchia tăng dữ dội, huấn luyện quân Pôn Pốt về chiến thuật đánh du kích, "Lúc tập trung, lúc phân tán, ta lui, địch tiến, ta đánh địch chạy, ta dừng địch bu bám... kết hợp với gài mìn, cạm bẫy, phục kích, bắn tỉa...". Thời gian đầu, chiến thuật này của quân Pôn Pốt đã gây cho Việt Nam tổn thất nhất định. Cùng với sự kiềm chế, một số chuyên gia quân sự nhận định “cách đánh của ta chưa thích hợp” nên khó diệt gọn quân Khmer Đỏ với thói quen bỏ chạy mỗi khi gặp đối thủ mạnh. Vì vậy, nhiều cán bộ từ các học viện, các cục đang tập trung tăng cường triển khai tổng kết chiến tranh chống Mỹ, đã được triệu tập vào gấp Sở chỉ huy Tiền phương. Không thể áp dụng chiến thuật tập trung hiệp đồng binh chủng như trong các chiến dịch tiến công mùa Xuân 1975 nữa. “Đồng chí Tổng Tham mưu phó Cao Văn Khánh cùng các cán bộ Cục Quân huấn, Tác chiến trực tiếp xuống các đơn vị chiến đấu nghiên cứu cách đánh phù hợp với đối tượng tác chiến mới”. “Các đồng chí Phạm Hồng Sơn, Khiếu Anh Lân, Nguyễn Phú Chút, Nguyễn Minh Triết học ở Học viện Quân sự cấp cao xuống các quân đoàn 3, 4”…

(Chuyện ngoài lề): thêm sự kiện và con số theo dòng thời gian cho những bác quan tâm :
..
Campuchia, đất nước có đến 10 tỉnh chung biên giới với Việt Nam trải dài trên cả ngàn km, từ lâu đã âm ỉ mầm mống bất hòa với láng giềng :
-Tháng 6/1969 lúc QĐNDVN đang khó khăn nhất, Lon Nol vừa nhậm chức Thủ tướng đã đâm nhát dao vào lưng Việt Nam bằng lệnh ngưng toàn bộ gạo và nhu yếu phẩm tiếp tế cho Việt Nam qua đường Campuchia.
- Ngay từ khi Mặt trận Khmer Đỏ mới hình thành, thủ lĩnh Khmer Đỏ là Pol Pot, vốn là du học sinh ngành điện thi rớt ở Paris, đã ngấm ngầm bất hợp tác với VN. Pol Pot bác bỏ thẳng thừng đề nghị của VN thành lập bộ chỉ huy quân sự hỗn hợp, trong cuôc thương thảo ở Hà Nội với TBT Lê Duẩn năm 1970,
-1970-71, quan hệ giữa lính Khmer Đỏ và QĐNDVN ở những vùng mới giải phóng ngày càng căng thẳng. Quân Khmer Đỏ nổ súng vào sau lưng lực lượng QĐNDVN đang tấn công quân Lon Nol tại Kompong Thom (Theo báo cáo của CIA tháng 9 năm 1970,.(29)
-Sang 1973, không những tàn sát kiều dân Việt Nam, mà họ gọi là “gián điệp”, Khmer Đỏ còn giết cả những đảng viên Campuchia có thiện cảm với VN. Trước khi Mỹ và Việt Nam ký Hiệp định Paris , Khmer Đỏ đã trục xuất những đơn vị quân đội Việt Nam từng giúp Campuchia đánh Lon Nol) đóng trên đất Campuchia về nước. Hiệp định Paris 1973 cũng đánh dấu thời kỳ Khmer Đỏ bắt đầu tấn công các vị trí quân sự Việt Nam, bệnh viện, và các căn cứ trong nội địa Campuchia. Phía Pol Pot giải thích đó là do sự “hiểu lầm và vô kỷ luật” của binh lính cấp dưới.
-Hai nhân viên của Thông tấn xã Việt Nam bị “giết nhầm” khi đang tham quan tỉnh Kompong Cham tháng 10/1973.
-Tháng 8/1974, 71 cán bộ vùng phía Đông Campuchia từng tập huấn tại Hà Nội bị “tập trung học tập”, bị khiển trách nghiêm khắc phải trốn qua Việt Nam, 10 người mất tích. Số còn lại bị bắt, bị cưỡng bức lao động có giám sát. Tại Tây Nam Campuchia, 91 cán bộ từ Hà Nội về đã bị hành quyết tháng 9/1974. Một ít trong số đó sống sót, trốn thoát và chạy qua Việt Nam.
-Tháng 2/1975, một nhóm cán bộ văn hóa của Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam đã bị phục kích bắn chết hết
-Ngay khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Campuchia ngày 17-4-1975, , Pol Pot, kẻ dân tộc cực đoan và thù hận sâu sắc với Việt Nam đã ra lệnh trục xuất tức khắc người Việt khỏi CPC và phái quân đội tới sát biên giới. Bị Việt Nam phản ứng quyết liệt, hắn thừa nhận có hành động xâm lấn, tuy nhiên giải thích sự “đụng chạm đẫm máu và đau lòng” đó là do binh lính không biết rõ tình hình địa lý địa phương.
-Từ 3- 5/5/1975, Khmer Đỏ đánh chiếm đảo Phú Quốc. Việt Nam yêu cầu rút, nhưng Khmer Đỏ không chấp nhận buộc Việt Nam phải phản công. Khmer Đỏ thanh minh “không biết đó là đảo của Việt Nam”.
-Ngày 8/5/1975, Khmer Đỏ liên tiếp xâm nhập từ Hà Tiên, An Giang, Tây Ninh, Gia Lai, Kon Tum.
-Ngày 10/5/1975, Khmer đỏ đánh phá đảo Thổ Chu bắt 500 dân Việt Nam. Khi Việt Nam trao trả 400 tù binh bị bắt ở Phú Quốc, Khmer đỏ hứa sẽ trao trả dân Việt Nam nhưng sau đó thủ tiêu hết.
-Ngày 20/5/1975, Hội nghị Trung ương Khmer Đỏ họp đề ra ba chủ trương lớn: 1.”Làm trong sạch nội bộ nhân dân”, 2. xác định Việt Nam là kẻ thù số một truyền kiếp, và 3. xây dựng “xã hội mới” ở Campuchia: không chợ, không tiền bạc, không tri thức, không trường học, không tôn giáo, không đô thị.
Một chương trình cưỡng bách lao động để tiến nhanh tới xã hội chủ nghĩa, mục đích làm cho Campuchia mau lớn mạnh để có thể “ngăn chặn kẻ thù làm hại chúng ta”. Chính sách kinh tế hợp tác xã nông nghiệp, thủ tiêu thương nghiệp ngày càng siết chặt triệt để. Mười ngàn người bị đưa về trại khổ sai công cộng nông thôn, bị buộc làm việc như súc vật, thiếu ăn, bị trừng phạt tới chết nếu hé răng than phiền vất vả. Dân thành thị bị coi là tiêm nhiễm tư tưởng tiểu tư sản, phải được thanh lọc bằng lao động chân tay. Những ai yếu sức thì coi như không ích lợi gì cho cách mạng Campuchia. “Có họ (dân thành phố) cũng chẳng được gì, không có họ cũng chẳng mất gì.”-là câu mà cán bộ Khmer Đỏ thường nhắc đi nhắc lại trong các buổi nói chuyện. Angka tuyên bố thà chỉ giữ lại từ một đến hai triệu người thật sự trung thành còn hơn duy trì từ sáu đến tám triệu “kẻ thù giai cấp”. Theo Pol Pot, những ai chống lại hoặc thắc mắc cũng là tay sai đế quốc hay gián điệp Việt Nam, cố ý phá hoại bước đại nhảy vọt của Campuchia.
Theo nhà báo Nyan Chandra, “tháng 2/1976, một nhóm các nhà ngoại giao Âu, Ả Rập, Phi có cơ sở ở Bắc Kinh được cho phép thăm Phnom Pênh, họ thấy một thành phố ma, một nền kinh tế không có tiền tệ lưu hành, ngân hàng quốc gia đóng cửa và những chứng phiếu rãi rác, bay theo gió trên các đường phố. Họ không thể quên được khung cảnh này kinh hoàng như thế nào”. [425]. Hơn 2 triệu người dân Campuchia, bằng 1/3 dân số đất nước thời đó đã bị giết chỉ trong vòng hơn ba năm từ 1975-1978, Người dân bị xử tử, tra tấn cực hình như thời trung cổ .
Đối với nước Việt Nam láng giềng, sự thù địch của CPC nhận được cổ vũ hết lòng của ông lớn đồng minh phương Bắc với lịch sử cả ngàn năm đô hộ Việt Nam. Chiến thắng năm 1975 dường như đem lại cho Trung hoa cơn ác mộng về một nước Việt Nam hùng mạnh và thống nhất.
Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã rạn nứt từ lâu, nhất là sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Nixon năm 1972. Giữa lúc chiến tranh ác liệt ở Việt Nam, thì thỏa thuận bắt tay “anh không động đến tôi, tôi không động đến anh” giữa Mỹ và Trung Quốc như dao đâm sau lưng, tạo điều kiện cho Mỹ đánh B52 Hà Nội, Hải Phòng. Năm 1974, Trung Quốc cho quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trước sự làm ngơ của Hoa Kỳ. Tuy giúp đỡ trong kháng chiến chống Mỹ, Trung Quốc một mực không muốn cho Việt Nam thống nhất đất nước. Rất nhiều lần Mao, Chu Ân Lai khuyên lãnh đạo Việt Nam không nên tấn công giải phóng miền Nam, ”phải trường kỳ mai phục, chổi ngắn không quét được dài”. Bắc Kinh muốn Hà Nội chỉ tiếp tục chiến tranh du kích có giới hạn chống Hoa Kỳ, trong khi lãnh đạo tai Hà Nội muốn tiến hành chiến tranh quy mô để thống nhất đất nước.[426]) Sau chiến thắng 30-4-1975, nước Việt Nam đầy tự tín, quân đội hùng mạnh, được coi là đang bớt dần nghĩa vụ tôn kính với kẻ khổng lồ phía Bắc.
Vào tháng 9-1975, vì những bất đồng trong xung đột biên giới, quan hệ thỏa thuận tay đôi với Liên Xô, và vấn đề Hoa kiều ở Việt Nam, TBT Đảng LĐVN Lê Duẩn đã rút ngắn thời gian thăm hữu nghị Trung Quốc. Đoàn rời Bắc Kinh hai ngày, ngay trước lễ kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc (1-10) mà không tổ chức tiệc đáp lễ, cảm tạ lòng hiếu khách của Trung Hoa như thông lệ ngoại ngoại giao, cũng không ký thỏa thuận chung, không đưa ra bất cứ phát biểu hoặc thông cáo nào về cuộc viếng thăm. [427]. Đối với một Trung Hoa Đại Hán đã quen quan hệ ngoại giao kiểu phục tùng triều cống từ ngàn năm của Việt Nam, thì những biểu hiện này bị coi là sự xấc láo bướng bỉnh khó dung tha. Việc Việt Nam củng cố mối quan hệ với Liên Xô, kẻ thù phương Bắc của Trung Quốc là một sự coi thường đặc biệt gây khó chịu. Bắc Kinh bắt đầu nói về một Việt Nam "hắc tâm", "vô ơn", "ngạo ngược".. Cũng trong chuyến thăm này, Trung Quốc thông báo rằng sẽ không giữ mức viện trợ như đã hứa năm 1973. Viện trợ của Trung Quốc sau đó giảm mạnh và đến năm 1978 thì cắt toàn bộ. Điều kiện tiên quyết Trung Quốc đặt ra cho Việt Nam để nối lại viện trợ là phải từ chối tất cả các khoản viện trợ của Liên Xô.
Ngày 6/2/1976, trong khi đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội chính thức bày tỏ “quan ngại” về việc VN buộc nhóm thiểu số người Hoa ở miền Nam nhập quốc tịch, thì một quan chức quân sự hàng đầu của Trung Hoa lên đường thăm Phnom Pênh để bàn bạc thỏa thuận viện trợ quân sự. Wang Shangrong, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa báo với Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Son Sen, quyết định của Trung Hoa về việc cung cấp bộ phận rời cho pháo binh, thuyền tuần phòng, và trang bị phòng không. Ngày 2/10i, một thỏa ước viện trợ quân sự không hoàn lại cho Campuchia được ký kết. Việt Nam, một lần nữa, đứng trước đe dọa một cuộc chiến tranh. Tuy cố gắng kiềm chế, tránh xung đột, nhưng từ giữa những năm 1976, quan hệ Việt - Trung đã xấu đi rất nhanh chóng.
Đêm 30/4/ 1977, Khmer Đỏ bất thần mở cuộc tấn công lớn thứ hai vào các làng Việt Nam dọc toàn tuyến biên giới. Riêng ở An Giang, chúng tấn công 13/15 xã và 13 đồn biên phòng, tàn sát dân thường, đốt nhà cửa. Chỉ riêng cuộc tấn công vào Tịnh Biên cũng đã giết một trăm dân thường. Không một lý do nào được đưa ra. Chọn đúng ngày Việt Nam mới kỷ niệm thống nhất đất nước được hai năm, Khmer Đỏ muốn “chứng minh rằng người Campuchia có đủ khả năng đánh vào lãnh thổ Việt Nam" [428]
Dân Sài Gòn từ lâu đã nghe phong thanh từ những người sống sót trốn thoát về kể những vụ thảm sát rùng rợn của Khmer Đỏ dọc biên giới. Khi một nhà báo Hungary được cho phép tới tận nơi thuộc biên giói Tây Ninh lần đầu tiên, anh ta đã qua sốc vì không chuẩn bị tình thần để chứng kiến một quang cảnh kinh khủng như vậy. Từ nhà này qua nhà khác, những xác đàn ông, đàn bà bị cháy đen, sình to và xác trẻ em rải rác đây đó. Có xác bị chặt đầu, bị mổ bụng, có xác thì mất chân tay, bị móc mắt….Những hình ảnh đó chẳng có cơ hội được đăng tải do phóng viên đã bị công an Việt Nam tịch thu máy ảnh, cấm đưa tin. Việt Nam vẫn không tiến hành một cuộc phản công đáp trả nào. Thế giới bên ngoài chỉ biết rất mơ hồ về cuộc thảm sát này.
Theo một số tài liệu (cần kiểm tra để xác nhận chi tiết này). thì tháng 7, Đại tướng Võ Nguyên Giáp công khai đi thị sát vùng biên giới, như một lời cảnh cáo ngầm cho phía Campuchia phải ngừng tiến công Nhưng, theo nội dung của Sách đen, Pol Pot lại xem đó là một dấu hiệu của việc Việt Nam đang lựa chọn một chiến lược mới nhằm nuốt chửng Campuchia;
Ngày 28/9/1977, chuẩn bị kỷ niệm lần 28 Quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, hàng trăm ngàn dân Bắc Kinh được huy động đứng hai bên đường từ phi trường để chào đón thượng khách đặc biệt. Khi chiếc Boeing 707 của Trung Quốc dừng hẳn, những lãnh tụ Khmer Đỏ trong trang phục áo đen cổ Mao tươi cười xuất hiện ở cửa máy bay. Pol Pot, lãnh tụ Khmer Đỏ lần đầu tiên ra mắt thế giới, nồng nhiệt bắt tay tám nhân vật lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc, tức là gần một phần ba các yếu nhân quyền lực trong Bộ chính trị, gồm cả Phó Thủ tướng mới được phục chức Đặng Tiểu Bình, đều chờ ở chân cầu thang máy bay, để bày tỏ tình thân hữu của Trung Hoa với nước Campuchia dân chủ. Pol Pot cùng Thủ tướng kiêm chủ tịch đảng Hoa Quốc Phong đứng trên xe mui trần chạy từ sân bay giữa đám đông khua chiêng trống, vẫy cờ giấy Campuchia, thả hàng trăm hàng ngàn bong bóng lên trời.
Không mấy ai biết năm ngày trước đó, đêm 24 rạng ngày 25-9-1977, Khmer Đỏ huy động bốn sư đoàn mở một cuộc tấn công đẫm máu thứ ba dọc tất cả biên giới Tây Ninh (phía Bắc Mỏ Vẹt) và một số làng bên trong Việt Nam. Tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, 592 người dân Việt Nam bị giết hại. Chọn thời điểm trước chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Trung Quốc, các cuộc tàn sát ở Tây Ninh là món quà Pol Pot mang dâng cho Bắc Kinh cho chuyến đi hai ngày sau đó, chứng tỏ cho Trung Hoa thấy quyết tâm của Campuchia chống lại Việt Nam.

(thêm một vài chi tiết về vụ tiến quân chớp nhoáng của QĐNDVN qua Prey Veng lấy tài liệu, để khẳng định kẻ giật dây Khmer Đỏ. Một vài trích đoạn đã bị kiểm duyệt bỏ trong sách ""Tướng Cao Văn Khánh").
...Cuối tháng 11-1977, một đại đội trưởng Campuchia gốc Việt chạy sang báo cáo là mới được Bộ Tổng tham mưu Campuchia bổ nhiệm đại đội trưởng ở sư đoàn dự bị chiến lược. Anh ta cho biết Khmer Đỏ điều hai sư đoàn dự bị chiến lược tăng cường cho quân khu 203 với nhiệm vụ chiếm bằng được thị xã Tây Ninh dự kiến vào đầu tháng 12-1977. Tướng Tấn nhận định đây là thời cơ tốt, phải đột kích sang đó lấy tài liệu. “Biết anh Lê Đức Thọ đang ở Thành phố Hồ Chí Minh, mình cử người về báo cáo tình hình và xin ý kiến. Nghe xong, anh Thọ quyết định cho người ra Hà Nội báo cáo đúng ngày ta đột kích sang hướng Tân Biên, tiến công thẳng vào Bộ Tư Lệnh quân khu 203 Prey Veng. Cuôc tiến công do Tư lệnh quân đoàn 3 Kim Tuấn chỉ huy. Bị bất ngờ, lính Khmer đỏ hốt hoảng bỏ chạy cùng rất nhiều cố vấn nước ngoài, không ai còn nghĩ đến tài liệu. Ta thu toàn bộ khoảng một tạ các loại mệnh lệnh, chỉ thị, kế hoạch, rất nhiều sổ tay ghi chữ Trung Quốc, rồi rút ngay. Đồng thời dùng xe thiết giáp chở anh Hun Sen đi đón vợ con. Nhưng chị Hun Sen đã đưa con cháu đi trốn nơi khác sau khi không có tin tức gì về anh. Mãi sau ngày 7-1-1979 gia đình mới đoàn tụ”...[Theo tư liệu của Đại tá Nguyễn GIang Hà, nguyên Cục phó Cục Tác Chiến, BTTM]
Theo phóng viên Nyang Changdra, ngày 26 tháng 12, Hoàng thân Souphanouvong của Lào từ Campuchia trở về, đã gặp Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Nguyễn Duy Trinh khi ông dừng lại ở Vạn Tượng trên đường đi Indonesia. Souphanouvong kể vắn tắt cho ông Trinh về những trao đổi gay gắt với Pol Pot. Ông Nguyễn Duy Trinh lắng nghe chăm chú, nhưng không tiết lộ với Hoàng thân những gì Việt Nam đang làm từ ngày 14-12-1977. Một lực lượng đáng kể gồm Sư đoàn 9 bộ binh, pháo binh, đã mở cuộc tấn công lớn, tiến quân vào lãnh thổ Campuchia. các đoàn xe T-54 và thiết giáp, theo hai gọng kìm dọc theo Đường số 1 và Đường số 7 hướng tới Thủ đô Phnompênh. Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba - mà ông hoàng nước Lào hết sức muốn tránh – đã bắt đầu. Thế giới bên ngoài vẫn chưa hay biết gì
Những mục tiêu đầu tiên đạt được không mấy khó khăn. Bộ binh Việt Nam được pháo binh yểm trợ tiến vào Campuchia như dao sắc chém bùn. Quân Khmer Đỏ bị thương được chuyển về bệnh viện ở Phnompenh, nơi hàng trăm bác sĩ “thuộc giai cấp tiểu tư sản” đã bị đuổi về nông thôn lao động khổ sai, hoặc hành quyết. Bệnh viện giờ được điều hành bởi “bác sĩ cách mạng”, những chú bé nông dân mà mỗi cố gắng chuyền máu của họ trở thành tai họa....[429]
Chủ trì cuộc họp báo quốc tế về cuộc tấn công của quân đội Việt Nam vào Campuchia, Thiếu tướng Phó Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Khánh bác bỏ thẳng thừng mọi quy kết chiếm đóng vĩnh viễn lãnh thổ Campuchia. Có những câu hỏi của phóng viên phương Tây như quân Việt Nam tiến công bằng lực lượng lớn, từ 30.000 đến 60.000 bộ binh với sự yểm trợ của xe tăng, máy bay và pháo lớn sâu vào 40 kilômét trong lãnh thổ Campuchia,”, ông nói đó chỉ là đáp trả những cuộc tấn công lấn chiếm của Campuchia vào các tỉnh của Việt Nam. Những bộ phận vào sâu chỉ là những đơn vị trinh sát, mục đích chỉ là để đuổi lính Campuchia ra khỏi lãnh thổ chúng tôi và rồi để đánh đòn mạnh vào các sư đoàn của họ, để làm cho họ nhận thức được rằng chúng tôi không thụ động như họ tưởng và để nói rằng họ nên chọn giải pháp khác. Đó không phải là tổ chức một cuộc đảo chính”. Sau khi đạt mục đích, Việt Nam đã rút lực lượng trở lại biên giới đầu tháng giêng năm 1978..

Nhân sự kiện Thủ tướng Singapore nói về việc Việt Nam "xâm lược" Campuchia, xin post lại một vài trang tư liệu về thời gian này.
Trích sổ tay tướng Cao Văn Khánh, ngày 24-1-1977:
- "Tổ chức phản động: Đảng áo trắng 3K (Kampuchia-Khmer-Krom): giải phóng miên hạ
- Hoạt động Fulro: (nhận viện trợ vật chất từ Khmer Đỏ-người viết): mạnh hơn trước. tập hợp Bắc và Nam Buôn Mê Thuột .Theo tài liệu Tỉnh ủy Đà lạt : Fulro khống chế và lũng đoạn 320/690 buôn
- Lào: địch gây chia rẽ
- Biên giới Việt Nam- Trung Quốc: vi phạm, chủ yếu Cao Lạng (Thất Khê)- Bảo Lạc- Hữu Nghị Quan.
- Biên giới Campuchia: liên tục căng thẳng từ 14/1 đến nay, căng thẳng nhất là Tây Ninh… "
Trong ba tuần đầu tháng Giêng năm 1977, Campuchia mở cuộc tấn công trên khắp các tỉnh biên giới nhằm “tăng sức ép” đối với nước láng giềng. Đáp lại những hành động gây hấn đó, Việt Nam chỉ củng cố phòng thủ biên giới, nhưng không hề tiến hành một cuộc phản công nào. Cuối tháng 3/1977, sau cuộc thanh trừng bắt đầu hồi tháng Chín năm trước, loại bỏ hàng trăm cán bộ, dường như Pol Pot quyết định không cần kiềm chế và duy trì quan hệ bình thường giả hiệu với Việt Nam nữa. Họ thấy đã đến lúc tiến hành chiến dịch trục xuất tất cả số người Việt còn ở lại Campuchia và thực hiện các cuộc tấn công trực diện.
Tướng Lê Trọng Tấn Tổng Tham mưu phó thời gian đó hồi tưởng:”Khó khăn lớn của ta là từ 30-4-1977 đến tháng 5-1978 vẫn coi họ là nước bạn, thiếu chuẩn bị, nên sau 30-4-1977, chúng mở ba cuộc tấn công lớn sang Việt Nam vùng An Giang, ta thương vong 700 người. Hồi tôi ở chiến trường miền Đông Nam Bộ thời chống Mỹ (1966-1970), nhận được báo cáo có một số bộ đội ta đi lẻ bên bạn bị giết cướp súng đạn, một bệnh xá. Một cụm hậu cần bị tiến công. Lúc đó ta cho rằng đó là một số người ham súng đạn, manh động….""Tôi nhớ lại, Trung ương Đảng Việt Nam giai đoạn này (1966-1977) vẫn nhận định Đảng Campuchia là Đảng cách mạng, nhân dân Campuchia là anh em. Những hành vi diễn ra thời gian qua là do sai lầm của một số địa phương, cán bộ khu vực, không phải là chủ trương của Đảng và Nhà nước Campuchia.” Vì vậy Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo :”Chỉ tự vệ khi họ nổ súng xâm chiếm lãnh thổ”, nên các lực lượng của ta luôn bị động và ức chế. Mỗi khi thấy cảnh nhân dân ta bị giết, nhà cửa bị đốt, trâu bò bị cướp, nhất là cảnh phụ nữ bị hãm hiếp, trẻ em bị mổ bụng moi gan, chỉ cắn răng bắn xua đuổi chúng về bên kia biên giới.[theo tư liệu của Đại tá Nguyễn Giang Hà, nguyên Cục Phó Tác chiến, BTTM]
Sau một thời gian kiên nhẫn phòng thủ trước sự khiêu khích ngày càng ngông cuồng của Khmer Đỏ, ngày 23 -10-1977, Việt Nam quyết định đáp trả bằng một cuộc phản công mạnh. Xe thiết giáp của quân đội Việt Nam bất thần tiến sâu vào tỉnh Svay Rieng của Campuchia 15 dặm, rồi giả vờ rút lui. Một tiểu đoàn bộ binh Khmer Đỏ vội vàng tiến sâu vào nội địa Việt Nam truy kích. Chỉ chờ có thế, một đơn vị thiết giáp khác bọc hậu, đẩy chúng vào một cái bẫy như bẫy chuôt, vài trăm tên bị bắt. .[429] . Ngày 31-10 đến 2-11-1977, Cục Tác chiến, Cục Quân báo sau khi khai thác một tù bình Campuchia trung đoàn phó và hai cố vấn Trung Quốc bị bắt ở Kiên Giang, đã tổng hợp tình hình quân sự biên giới, báo cáo về trên, kiến nghị xác định rõ kẻ thù [Lịch sử Cục Tác chiến 1945-2005, NXB QĐND, tr. 742]. (còn tiếp) (Trích "Tướng Cao Văn Khánh"", NXB Tri Thức, 2017).
Ảnh: Lễ khai giảng Khóa 1 Học viện Quân sự cao cấp 1977. Từ phải qua trái: Trung tướng Lê Trọng Tấn, Thiếu tướng Cao Văn Khánh, Trung tướng Vương Thừa Vũ, Thiếu tướng Vũ Xuân Chiêm.

Tìm kiếm Blog này