Tim thông tin blog này:

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

Nhớ các công đoạn thu hoạch lúa mùa sau 1975.

Làm ruộng, năm có hai vụ mùa mưa nắng.

Lúa chín, người ta kêu nhau vần đổi công, tập trung nhiều người cùng cắt tận gốc rạ, nếu ruộng trũng cắt phần trên lấy dé lúa. Ruộng xa thì rải bạt đập lúa bằng tay vào miếng ván hay dùng máy đạp lúa bằng chân tại chỗ, ruộng gần thì gánh hay dùng xe trâu bò chở về về làm ở nhà. Cực nhất là mùa mưa, lúa ngã rạp, khom người lựa thế cắt từng bông lúa, lúa thấm nước gánh về rất nặng. Và đạp vò bó lúa bằng bàn chân trần đau xót, lúa cứa da đầy những vết xướt. Sau có máy suốt lúa rất nhanh tại ruộng hay gánh chở tập trung chỗ cao ráo để suốt, dân cũng đỡ khổ. Cắt xong thì lấy cái thúng hay bao nylon đi mót những bông lúa bị rơi vãi. Sau đó tập trung lại rải trên nền xi măng hay tấm bạt, lùa trâu bò đi vòng tròn dẫm đạp cho lúa còn sót rụng xuống, tận dụng cho hết.

Rồi đem lúa hạt lẫn với lá lúa vụn và hạt lép ra chỗ có gió để giê cho bay, lấy lúa chắc, nếu không có gió thì quạt bằng tay. Rải lúa thu hoạch ra sân xi măng hoặc bạt để phơi nắng cho khô, thỉnh thoảng dùng chân để cày trộn trở mặt cho lúa khô đều. Mỗi chiều, dùng cái trang và chổi chà gom lại, ngày sau phơi tiếp. Mùa mưa, thoạt nắng thoạt đổ mưa, phải trông trời mà gom lúa không thì bị ướt. Cứ thế hốt vội rồi lại bang ra phơi tiếp, ngày vài lần như vậy. Khi lúa đã khô hẳn, trút lúa vào vỏ bao phân, chất đống trong nhà để nộp thuế nông nghiệp hay để bán mua phân lạc. Phần còn lại đổ vào bồ để dành xay giã ăn dần hoặc lúc kẹt như có đám ma hiếu hỉ, đau bệnh thì bán hoặc đổi mua cá mắm... Phần gốc rạ phơi khô để lợp nhà, phần thân dé cũng lấy, rồi vun thành nọc rơm để dành cho trâu bò ăn dần.
....

















Tìm kiếm Blog này