Trong tiếng Hán-Việt, Chợ Lớn (khu vực quận Năm và quận Sáu bây giờ) gọi là Đề Ngạn, phát âm theo tiếng Quảng Đông là Thày Ngòn. Mà Thày Ngòn dịch ra tiếng Nam Bộ chính là Sài Gòn. Nguyên thủy, trung tâm Sài Gòn nằm trong Chợ Lớn bây giờ, khu vực mà người Khmer gọi là Prei Nokor. Sài Gòn cũ lúc đầu (thế kỷ 17) chỉ là một ngôi làng quê hẻo lánh, trong khi đó thành phố Nam Vang đã phát triển lắm rồi.
Còn khu vực Sài Gòn mới như bây giờ ta thấy có chợ Bến Thành, có quận Một và quận Ba, thì ngày xưa người Khmer gọi là Kas Krobei, người Việt gọi là Bến Nghé.
Hôn nhân chính trị giữa công chúa Ngọc Vạn và vua Chân Lạp Chey Chetta Đệ Nhị diễn ra vào năm 1620 với món quà cưới tặng cho chúa Nguyễn là khu Chợ Lớn bây giờ (Prei Nokor/ Sài Gòn cũ/ Thày Ngòn). Năm 1623 chúa Nguyễn yêu cầu con rể cho lập hai trạm thu thuế, một tại trung tâm Prei Nokor và một tại Kas Krobei. Lúc đấy khu vực Prei Nokor chỉ có một ít người Miên và một ít người Việt.
Năm 1679 nhóm người Hoa “phản Thanh phục Minh” được chúa Nguyễn giới thiệu với vua Chân Lạp để tới vùng Cù Lao Phố (nhóm Trần Thượng Xuyên) và vùng Mỹ Tho (nhóm Dương Ngạn Địch) lập hai thương cảng có tên Nông Nại Đại Phố (Cù Lao Phố) và Mỹ Tho Đại Phố. Trong khi đó ở Kiên Giang và Cà Mau, một người Hoa khác là Mạc Cửu đã làm quan cho Cao Miên và lấy đất của chính quyền Nam Vang lập khu dân cư, mở sòng bài dọc theo bờ biển vịnh Thái Lan từ Sihanouk Ville tới Cà Mau, mở thương cảng ở Hà Tiên… rồi mới đem đất Cao Miên đó nộp cho chúa Nguyễn.
Do đó, sau này một số người Hoa ở Nam Bộ thờ cúng Trần Thượng Xuyên và Mạc Cửu, họ cho rằng tổ tiên họ có công đầu khai phá đất này. Họ không thờ Nguyễn Hữu Cảnh.