Tim thông tin blog này:

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2019

Tín ngưỡng chính trị của người Hoa

Trong tiếng Hán-Việt, Chợ Lớn (khu vực quận Năm và quận Sáu bây giờ) gọi là Đề Ngạn, phát âm theo tiếng Quảng Đông là Thày Ngòn. Mà Thày Ngòn dịch ra tiếng Nam Bộ chính là Sài Gòn. Nguyên thủy, trung tâm Sài Gòn nằm trong Chợ Lớn bây giờ, khu vực mà người Khmer gọi là Prei Nokor. Sài Gòn cũ lúc đầu (thế kỷ 17) chỉ là một ngôi làng quê hẻo lánh, trong khi đó thành phố Nam Vang đã phát triển lắm rồi.
Còn khu vực Sài Gòn mới như bây giờ ta thấy có chợ Bến Thành, có quận Một và quận Ba, thì ngày xưa người Khmer gọi là Kas Krobei, người Việt gọi là Bến Nghé.
Hôn nhân chính trị giữa công chúa Ngọc Vạn và vua Chân Lạp Chey Chetta Đệ Nhị diễn ra vào năm 1620 với món quà cưới tặng cho chúa Nguyễn là khu Chợ Lớn bây giờ (Prei Nokor/ Sài Gòn cũ/ Thày Ngòn). Năm 1623 chúa Nguyễn yêu cầu con rể cho lập hai trạm thu thuế, một tại trung tâm Prei Nokor và một tại Kas Krobei. Lúc đấy khu vực Prei Nokor chỉ có một ít người Miên và một ít người Việt.
Năm 1679 nhóm người Hoa “phản Thanh phục Minh” được chúa Nguyễn giới thiệu với vua Chân Lạp để tới vùng Cù Lao Phố (nhóm Trần Thượng Xuyên) và vùng Mỹ Tho (nhóm Dương Ngạn Địch) lập hai thương cảng có tên Nông Nại Đại Phố (Cù Lao Phố) và Mỹ Tho Đại Phố. Trong khi đó ở Kiên Giang và Cà Mau, một người Hoa khác là Mạc Cửu đã làm quan cho Cao Miên và lấy đất của chính quyền Nam Vang lập khu dân cư, mở sòng bài dọc theo bờ biển vịnh Thái Lan từ Sihanouk Ville tới Cà Mau, mở thương cảng ở Hà Tiên… rồi mới đem đất Cao Miên đó nộp cho chúa Nguyễn.
Do đó, sau này một số người Hoa ở Nam Bộ thờ cúng Trần Thượng Xuyên và Mạc Cửu, họ cho rằng tổ tiên họ có công đầu khai phá đất này. Họ không thờ Nguyễn Hữu Cảnh.

Sau khi nhóm người Hoa tới Nam Bộ được gần hai mươi năm (1698), thấy tình hình Mỹ Tho, Đồng Nai và Prei Nokor khá ổn định và đã có nhiều người Việt tới sinh sống cùng với người Hoa, thì chúa Nguyễn lệnh cho Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý để chính thức sát nhập vùng Đông Nam Bộ gồm Prei Nokor - Kas Krobei (tức Gia Định), Đồng Nai, Bà Rịa (tức Phước Long) và Mỹ Tho (Định Tường) vào lãnh thổ Việt Nam.
Năm 1698 thì Sài Gòn chính thức hình thành. Người xưa thấy vị trí Kas Krobei (Bến Nghé) quan trọng hơn Prei Nokor, vì Bến Nghé nằm ngay ngã ba sông Sài Gòn và kênh Tàu Hủ, không những kiểm soát được ghe thuyền đi vào Prei Nokor mà còn kiểm soát được ghe thuyền đi lên Thủ Dầu Một và Củ Chi, Dầu Tiếng theo đường sông Sài Gòn. Nên họ muốn biến Bến Nghé thành trung tâm hành chính của cả vùng, còn Prei Nokor thì làm trung tâm thương mại. Các cơ quan quản lý nhà nước và thành trì quân đội sau này được thiết lập ở khu vực Sài Gòn mới tức Bến Nghé (Kas Krobei), chớ không phải là khu Sài Gòn cũ (Prei Nokor).
Khu Bến Nghé được chính thức đổi tên là Sài Gòn hay trung tâm Sài Gòn, còn khu Prei Nokor sau khi người Hoa ở Cù Lao Phố và ở Mỹ Tho di chuyển đến đó để tránh quân Tây Sơn tàn sát sau những năm 1776-1779 và làm ăn sôi nổi rồi thì đổi tên tiếng Việt thành Chợ Lớn (để phân biệt với Sài Gòn mới bây giờ nằm ở Bến Nghé, và phân biệt với Chợ Quán hay Chợ Tân Kiểng của người Việt (nhỏ hơn) nằm cách đó khoảng vài ba cây số về hướng Bến Nghé).
Riêng tiếng Quảng thì vẫn dùng tên cũ Thầy Ngòn để chỉ Prei Konor, sau này thêm tên Chợ Lớn… chớ không chịu nhường cái tên Sài Gòn hay Thày Ngòn cho Bến Nghé. Người Hoa nhanh chóng biến Chợ Lớn thành một trung tâm thương mại cho cả Liên bang Đông Dương suốt thời Pháp thuộc. Người Hoa cũng đặt tên cho Sài Gòn mới là Xi-Cung (Tây Cung), tiếng Quảng đọc là Xấy-Cung.
Trước năm 1975, Chợ Lớn là trung tâm kinh tế của chế độ Sài Gòn và là nơi tập trung người Hoa đông nhất nước. Sau một thời gian ngắn tan nát tiêu điều do bị đánh tư sản sau năm 1975, những năm gần đây khi được nới lỏng kiểm soát, Chợ Lớn dần dần lấy lại phong độ làm ăn buôn bán cũ, chắc bây giờ sự giàu có của Chợ Lớn cũng đang đứng ngôi đầu bảng cả nước rồi. Kinh tế thì khi lên khi xuống, nhưng tín ngưỡng mang tính dân tộc và chính trị của người Hoa Chợ Lớn là không đổi.
Hiện nay dấu vết của Liên bang Đông Dương vẫn còn nhiều trong Chợ Lớn. Có đường Kim Biên và chợ Kim Biên (tức Nam Vang), có giáo đường Hồi Giáo của người Hoa Hồi giáo từ eo biển Malaca, Malaysia về lập ra, có Nhà Thờ Cha Tam gốc Quảng Châu lúc trước có các tu sĩ từ Hongkong gởi sang làm mục vụ. Có đường Vạn Tượng mang tên thủ đô của nước Lào, trước 1954 còn có đường Quảng Đông (Canton), đường Vân Nam...
Người Hoa đến Nam Bộ… mang theo tín ngưỡng riêng của dân tộc họ và giữ gìn nó cẩn thận chớ không dễ dàng hòa nhập tín ngưỡng với người địa phương. Họ có chùa, đình, hội quán… riêng và chủ yếu thờ Khổng Tử, Lão Tử, Quan Công, Phật bà Nam Hải, bà Thiên Hậu… cũng như các anh hùng dân tộc hay thần thánh gốc Hoa. Nếu có thờ thêm Phật Thích Ca (người Ấn Độ) thì họ để ở gian phụ hay ngoài sân chớ không thờ trong gian chính. Không thấy người Hoa thờ thần thánh gốc người Việt hay người Khmer, người Chăm.
Những người Hoa theo Thiên Chúa giáo hay Tin Lành thì không thờ cúng nhưng có nhà thờ hay thánh đường riêng cho người Hoa chớ không đi nhà thờ chung với người Việt.
Rất ít người Hoa theo các đạo giống người ở địa phương như Cao Đài, Hòa Hảo hay Phật giáo Tiểu thừa của người Miên, Hồi giáo hay Ấn giáo của người Chăm… Khi theo những đạo đó, đi vào những nơi thờ phụng của người địa phương thì coi như tự ý tách hẳn khỏi cộng đồng Hoa kiều. Rất ít người Hoa làm như vậy trừ khi họ kết hôn với người địa phương.
Ở Chợ Lớn trước năm 1975, người Hoa ngoài việc thờ cúng các anh hùng thời xưa cũ của họ như Mã Viện… còn thờ cúng những nhân vật chính trị Trung Hoa thời nay nữa như Tôn Dật Tiên. Sau năm 1975 một vài nhà còn thờ thêm Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông. Người Hoa Minh Hương thường thờ Trần Thượng Xuyên, Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích…
Không thấy người Hoa Chợ Lớn thờ vua Hùng Vương hay thờ các anh hùng dân tộc của nước ta như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo hay Quang Trung, cũng không thấy họ thờ vua Gia Long hay Đức ông Lê văn Duyệt dù những người này thân thiết nhiều với họ. Mới biết, tín ngưỡng người Hoa có tính dân tộc rất cao.
Đôi lúc cũng có điểm chung… như hiện nay nhiều người Hoa lẫn người Việt ở Nam Bộ không phân biệt tôn giáo thường thờ cúng Cha Diệp (linh mục Trương Bửu Diệp). Không biết đây là tôn giáo gì hay tín ngưỡng gì vì nó pha trộn giữa đạo Công giáo và Phật giáo, chỉ biết nhà thờ Cha Diệp ở Tắc Sậy, Giá Rai tỉnh Bạc Liêu hiện nay có rất nhiều người Nam Bộ và người Hoa đang sống ở Nam Bộ tới hành hương, cầu khấn và xin phép thánh mỗi ngày.
Cha Diệp là một người Minh Hương ở miền Tây Nam Bộ, thụ phong linh mục tại Nam Vang rồi về Nam Bộ làm mục vụ, bị giết trong thời tao loạn sau năm 1945 khi đang cố che chở cho các giáo dân.
Tín ngưỡng người Hoa có tính dân tộc riêng biệt như vậy… nhưng bây giờ khá nhiều người Việt đang chuyển sang lễ nghi thờ cúng giống như người Hoa. Ở Cù Lao Phố có Chùa Ông tức Thất Phủ Cổ Miếu do người Hoa Minh Hương lập ra cho người Hoa ở Nam Bộ tới chiêm bái và cầu nguyện. Nhưng bây giờ có khá nhiều người Việt cũng tới cúng bái tại Chùa Ông giống như người Hoa.
Người Việt và người Miên có tín ngưỡng riêng biệt, nhưng người Hoa dù ở lâu trên đất Việt hay đất Miên cũng rất ít khi, hay sẽ không bao giờ chịu đi chùa người Việt hay chùa người Miên, người Hoa có chùa và đình miếu riêng của họ. Ở Châu Đốc có một số gia đình người Hoa theo Phật giáo Hòa Hảo, nhưng con số này rất ít. Ở Tây Ninh cũng có một ít người Hoa theo đạo Cao Đài, nhưng đa phần là người Hoa lai Việt.
Người Hoa không tôn thờ các anh hùng người Việt, nhưng người Việt thì có thể làm ngược lại. Đi ra vùng biên giới phía Bắc bạn sẽ thấy nhiều người Việt đang thờ cúng tướng Mã Viện rất nghiêm túc. Không thấy người Hoa nào thờ cúng Hai Bà Trưng.
Khi chủ nghĩa Cộng Sản và tư tưởng Mao được truyền bá vào Việt Nam, nhiều người Việt còn thờ cúng thêm Stalin, Mao Trạch Đông nữa. Khi Stalin mất hồi thập niên năm mươi thế kỷ trước, con nít vùng kháng chiến bây giờ đã già nhưng chắc còn nhớ mấy câu thơ cúng bái của ông Tố Hữu:
Ông Stalin ơi, ông Stalin ơi.
Hởi ơi ông mất, đất trời có không?
Hay khóc rấm rức như Chế Lan Viên:
Stalin mất rồi, đồng chí Stalin đã mất!
Thế giới không cha nặng tiếng thở dài…
Nghe nói người ta cũng có lập bàn thờ cúng vái Stalin.
Mao Trạch Đông thì từ lúc còn sống đã được nhiều người Việt tôn thờ, như ông Tế Hanh đã viết:
Hồ Nam xe chạy không dừng bước.
Dãy núi cao liền dãy núi cao.
Quê hương lãnh tụ mây thêu trắng.
Thấy mặt trời lên nhớ Bác Mao…
Cho nên khi ông Mao Trạch Đông mất, có vài người Hoa Chợ Lớn lập bàn thờ quì khóc sì sụp thì cũng không ai lấy làm lạ. Ngay cả người Việt mình vốn không quen không biết mấy với ông Mao mà còn có người tôn sùng ông ấy hết lời nữa cơ mà...
23/07/2017.

Tìm kiếm Blog này