Tim thông tin blog này:

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

Nude và bản ngã con người

Facebook là một thế giới kết nối thú vị. Nó đem lại những mối liên hệ dựa trên sự vô hình mà đôi lúc không ai có thể hình dung. Trong danh sách friendlist của anh có một cái tên dễ thương - Nguyễn Lan Anh, và một bức hình đại diện rất cuốn hút. Một gương mặt đẹp và phảng phất nét buồn, tự thân nó đã có sức hút ghê gớm đối với đàn ông. Nếu ai đó tò mò, các bạn có thể tự kết bạn và tìm hiểu. Cá nhân anh thấy bất ngờ vì đây là một cô gái hấp dẫn và rất có cá tính. Trang facebook của cô gái này tràn ngập các bức hình khỏa thân, dù mang nét đẹp thuần khiết hay gợi dục thì những bức ảnh này đều có một điểm chung: Sự chọn lựa rất tinh tế về nét đẹp phụ nữ. Điều đó chứng tỏ người đăng tải có quan điểm thẩm mỹ rất cao, và đằng sau cái sở thích khá khác biệt này là những ẩn ức thầm kín về quá khứ. Một người đàn bà đẹp, vẫn sống đâu đó trong hoài ức về một hạnh phúc đã qua, có lẽ đó chính là lý do cho sự truy cầu một sở thích có phần nổi loạn: Lựa chọn và post những bức hình khỏa thân đầy cuốn hút.
Vì một lời hứa buột miệng, mà anh đành viết một bài tay ngang vụng về, bàn về nude và bản ngã con người. Kể từ khi xuất hiện hội họa và sau này là nhiếp ảnh, nude luôn là một đề tài gợi lên sự tranh cãi bất tận. Có vô số luận giải khác nhau về nude, về danh giới giữa nghệ thuật và dung tục, về khác biệt giữa cảm hứng thăng hoa và nhu cầu mang tính bản năng của con người. Tranh cãi này sẽ còn tiếp diễn trong nhiều thập kỷ, thậm chí là nhiều thế kỷ nữa, tùy thuộc vào quan điểm thẩm mỹ và cả sự cởi mở về văn hóa của mỗi cộng đồng.
Khi sinh ra, con người ai cũng giống ai. Họ chào đời với không một thứ che đậy trên thân. Sự tiến bộ của xã hội loài người cũng đồng thời là sự tiến bộ của thời trang và văn hóa. Loài người là một sinh vật phức tạp. Họ chế tạo ra quần áo không chỉ nhằm mục tiêu sinh tồn (giữ ấm, kháng nhiệt, chống chọi côn trùng...) mà phần càng ngày càng lớn hơn là để phục vụ nhu cầu thời trang và thẩm mỹ. Ngành công nghiệp thời trang và may mặc là một trong những ngành kinh tế lớn nhất toàn cầu, trị giá nhiều nghìn tỷ USD để đáp ứng nhu cầu đa dạng cho một cộng đồng trên 7 tỷ dân và ngày càng bùng nổ.
Vậy điều gì khiến Nude luôn là một vấn đề gây chú ý, khi loài người đã tốn nhiều thế kỷ chỉ để tăng tính phức tạp trong gu ăn mặc của mình, và đã tiêu tốn ngần ấy của cải chỉ để che phủ lên phần nude của cơ thể con người? Một người khi ngắm một bức hình khỏa thân tuyệt đẹp gợi lên sự cuốn hút giới tính, họ sẽ nghĩ về nghệ thuật hay những ham muốn có tính bản năng?
Hãy quay trở về với câu chuyện của Francisco de Goya, một họa sỹ vĩ đại của Tây Ba Nha, sống vào thế kỷ 18. Đây là một người đàn ông với cuộc đời phức tạp. Là một danh họa với nhiều tác phẩm kiệt xuất, ông cũng đồng thời là một nhà tư tưởng với nhiều ý tưởng vượt thời đại. Cũng đồng thời là một người đàn ông ngang tàng, kiêu hãnh mang trong mình trái tim dũng mãnh của một dũng sỹ đấu bò. Người đàn ông ấy có một tình yêu lớn và ngang trái với một phụ nữ tuyệt đẹp là phu nhân Maria Cayettana, một góa phụ kiều diễm và nổi tiếng nhất Madrit vào thời bấy giờ. Nét phong trần và kiêu hãnh của Franciscon de Goya đã đốn gục trái tim của Maria, tình yêu giữa họ bùng cháy và để lại một kiệt tác nghệ thuật bất diệt: “Bức họa Maja khỏa thân”. Tuy nhiên, không may cho Goya, ông có tình địch là một tay thế lực, đương kim thủ tướng đương triều Don Manuen De Godoa. Để ngăn cách mối tình chênh lệch về đẳng cấp và khiến toàn bộ giới quý tộc Madrit ganh tị này, họ đã đầy Maria đến một xứ hẻo lánh ở Solia. Cuối cùng người phụ nữ kiều diễm ấy bị sát hại. Riêng Goya, bức họa kiệt tác của ông và tình yêu lớn ấy trở thành nguyên nhân khiến ông đối mặt với tòa án của giáo hội và triều đình. Căn cứ vào những tiêu chuẩn đạo đức khắt khe vào thời kỳ đó, Goya bị đưa ra tòa với lời buộc tội làm băng hoại đạo đức và mang trái tim tội lỗi của quỷ dữ.
Kiệt tác: Nàng Maja khỏa thân
Trước một phiên tòa gồm toàn những thầy tu, Francisco de Goya đã đưa ra một lời biện hộ khiến những kẻ buộc tội ông nín lặng: “Vẻ đẹp của người đàn bà là một kiệt tác của tạo hóa, chỉ những ai nhìn vẻ đẹp ấy với tâm hồn tội lỗi mới là kẻ mang trái tim của quỷ satan”. Vì không có thầy tu nào trong hàng ngũ quan tòa muốn thừa nhận rằng mình ngắm nhìn bức họa Maja khỏa thân với những ý nghĩ đen tối, cuối cùng họ đều thống nhất với nhau rằng đó là một bức họa tôn vinh cái đẹp. Goya thoát án tù và bức họa tuyệt tác của ông cũng thoát số phận bị tiêu hủy. Tuy nhiên, giáo hội và triều đình không tha ông, họ tìm cách kết tội Goya vì một tội khác và ném ông đi đầy trong nhiều năm. Trong thời gian ấy Maria Cayettana bị sát hại vì một mực từ chối thủ tướng Don Manuen De Godoa. Năm 1828, người đàn ông kiêu hãnh, mang trong mình trái tim đa cảm của một họa sỹ thiên tài và lòng kiêu hãnh của một võ sỹ đấu bò hạng nhất, Francisco de Goya, qua đời trong nỗi đau quá khứ và những ẩn ức mãi mãi không thành.
Câu chuyện về phiên tòa của Goya từng là đề tài cho các trường phái tranh luận khác nhau về tính nghệ thuật hay trần trụi của nude. Tuy nhiên, thực ra Goya đã ăn gian. Lời bào chữa của ông là một cú đánh sắc bén của một võ sỹ đấu bò cho đám thầy tu mô phạm đạo đức ngồi ở vị trí quan tòa. Chẳng phải vì bức họa của ông chỉ gợi lên những cảm hứng tốt đẹp đầy nghệ thuật. Bức họa vẽ nàng Maja khỏa thân (nguyên mẫu Maria Cayettana), nằm trễ nải đợi người tình, làm sao chỉ có thể gợi lên những nét đẹp thuần túy tôn vinh tạo hóa? Bản thân nó, đã gợi chứa sự hấp dẫn giới tính và chắc chắn sẽ làm thúc đẩy không ít cảm hứng thuần túy bản năng của những người chiêm ngưỡng. Có lẽ sau 3 thế kỷ, nhân loại ngày nay đã chai lỳ khá nhiều trước những bức ảnh khỏa thân, bức họa Maja chắc khó có thể gây ấn tượng sốc như thời đại mà nó ra đời. Nhưng mọi vẻ đẹp khỏa thân, trước hết và trên hết, bao giờ cũng là những sự cuốn hút được xây dựng trên nền tảng của bản năng con người, nghĩa là những cảm xúc về giới tính. Vì thế lời bào chữa nổi tiếng của Goya thực ra là một cú ăn gian, ông nhét gạch vào mồm đám thầy tu đạo đức vì biết đám này không thể thừa nhận rằng khi ngắm bức họa Maja, sẽ gợi lên trong họ những ham muốn giới tính rất con người. Đúng ra, nếu ở thời đại ngày nay, lời bào chữa của Goya có thể sửa thành:
“Thôi nào các vị, ngắm hình khỏa thân, đó là ngắm nét đẹp của tạo hóa. Nhưng tại sao nó đẹp? Làm sao ngắm một con gà khỏa thân có thể đem lại cảm hứng thẩm mỹ mãnh liệt cho các vị như khi ngắm một phụ nữ trần truồng? Bản chất vẻ đẹp khỏa thân được xây dựng trên nền tảng của những ham muốn bản năng. Nó là phần tất yếu của con người, vì thế, tại sao nude lại là điều cấm kỵ?”
Đây cũng chính là quan niệm của anh Lãng về nude. Và vì thế mà những câu tụng niệm đại loại “Nghệ thuật nude trong sáng thuần khiết tôn vinh tạo hóa” bản chất chỉ là sự ngụy biện khôi hài. Cố nhiên, sự ham muốn trước nude vốn bản thân nó cũng phải chịu sự điều tiết của những khế ước xã hội quy ước về đạo đức và pháp lý, bởi bản năng con người luôn có xu hướng thúc đẩy họ phạm phải những tội lỗi khác nhau :)
Vậy nên, trước một bức hình nude đẹp, hãy thành thật với chính mình, dù chỉ là chiêm ngưỡng vẻ đẹp với tư cách của một người sinh lý yếu hay gợi lên những ham muốn mãnh liệt có tính bản năng của một tay nhiều Testosterone, tất cả đều là những điều rất đỗi bình thường. Tội lỗi có chăng, là khi một con người không kiểm soát được bản năng của mình và biến nó thành những hành động gây hậu quả xấu. Tuy nhiên, đó lại là một câu chuyện khác nằm ngoài phạm vi của nude ;)
P/S Bài viết này không tính vào thiên luận cuối năm. Chỉ là một bài viết vội tay ngang để trả nợ cho lời hứa viết về nude cho cô gái anh nhắc đến ở đầu bài viết. Anh Lãng không có thói quen mang nợ ai, dù chỉ là những người quen biết vô danh hoàn toàn qua mạng.

Tìm kiếm Blog này