Tim thông tin blog này:

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2019

"Mìn" nỗi kinh hoàng

trích (mùa chinh chiến ấy )
mìn KP2, K65, K58 , mìn muỗi, mìn cóc, mìn lá, mìn tăng,… tất cả các loại mìn đều ghi dòng chữ “made in China”. KP2 thì nảy ngang mới nổ. Khi nổ, nó phá tan ổ bụng hoặc làm cụt đôi chân của người lính. Và không chỉ tiêu diệt một người mà còn làm 5-7 người khác bị thương, bởi sức công phá của nó khá mạnh. Trong những trái mìn này, bọn địch còn gài thêm chất độc hóa học cực mạnh. Vì vậy, dù vết thương đã được vệ sinh, băng bó, nhưng chất độc ngấm vào cơ thể, lính tráng vẫn tử vong. Còn các loại mìn khác thì nhiều vô kể. Có hôm, trên con đường từ C7 lên Cam Tuất dài chừng 14km, chúng tôi tháo được gần 200 trái mìn cóc. Đó là loại mìn chỉ nhỉnh hơn bao diêm một chút. Nhưng nếu đạp phải, bàn chân bay như chơi. Tôi cũng chưa thấy ở đâu bọn địch cài mìn tăng để giết hại lính bộ binh như bọn Pol Pot ở Anlong Veng. Dạo đó, bọn nó hay dải truyền đơn dọc con đường gùi gạo và đạn dược của chúng tôi. Trên truyền đơn, bọn địch viết sai chính tả tùm lum, chữ thì nguệch ngoạc. Chắc do quan thầy Trung Quốc viết hộ. Đại khái chúng kêu gọi anh em bộ đội đào ngũ, về với gia đình, chống lại “tập đoàn Le Dôn (Lê Duẩn)” v.v…

Có lần, chúng buộc bó truyền đơn ở một thân cây. Anh chàng Chính C8 tò mò, vào lấy. Vì ai cũng nghĩ, đọc làm quái gì chữ nghĩa của cái bọn ăn bốc, song ít ra cũng có thêm ít giấy hút thuốc. Nhưng khi vừa giật bó truyền đơn thì một tiếng nổ kinh hoàng vang lên. Nửa thân trên của Chính bay mất. Thì ra bọn địch buộc truyền đơn trên một trái mìn tăng. Thông thường mìn tăng dùng để chôn dưới đất. Ô tô hay xe tăng đi qua sẽ phát nổ. Hoặc vật gì nặng khoảng 100kg đè lên, mìn cũng nổ. Nhưng lính tráng sốt rét, có anh nào nặng đến 70kg đâu. Đa phần là 40-50kg nên giẫm phải cũng chẳng sao. Không thấy xe tải lên, chắc xách mìn tăng nặng nên bọn địch đã nghĩ ra cách đó để sát hại chúng tôi. Song lính tráng chỉ mắc mưu một lần.
Cách bọn địch gài mìn thì thuộc hàng siêu đẳng. Chúng chôn dưới đất, trên lối mòn rồi phủ cát lên. Lính ta đi, không chú ý, giẫm liền. Hoặc chúng chôn dưới đất, rồi phủ lá rừng lên. Mà lá rừng thì bạt ngàn. Để ý làm gì. Lính ta đi, giẫm lên lá tưởng an toàn, nhưng vừa nhấc chân lên thì nghe ầm một tiếng. Thế là ra đi. Cường “phở”, lính 74 người Hải Phòng, một tay lão luyện, đúc kết: “Cứ nghe hơi mát một cái là biết hết đường về quê mẹ rồi. Sợ nhất lúc cảm thấy hơi mát. Chỉ còn nước chết”. Vì trước khi phát ra tiếng nổ, quả mìn ép không khí, đẩy về phía người lính. Da thịt, dù có thể cảm nhận hơi mát này, nhưng không ai tránh kịp. Chỉ trong tích tắc, không đầy một giây, không kịp nghĩ “Mình sắp chết” thì tiếng nổ đã cắt ngang cuộc đời. Nhưng lính ta khôn, cũng tránh và tháo được nhiều mìn loại này. Thấy chỗ nào có vệt đất mới còn vương vãi, là biết có mìn. Thấy chỗ nào các loại lá xếp hơi lạ, là biết có mìn. Ngồi xuống, tháo ngay, bỏ ba lô. Đi tiếp. Song bọn địch lại nghĩ ra cách khác. Chúng không chôn dưới đất, mà đặt ké vào một cái cây bên lối đi. Mở chốt an toàn. Có một sợi dây rừng, thường là hà thủ ô, buộc vào vòng chốt, giả làm dây leo bò ngang mặt đất. Lính tráng bước đi, vướng dây rừng. Quả mìn liền bật lên. Nổ. Nhưng rồi lính ta cũng nghĩ ra biện pháp khắc phục. Lấy một cành tre, tựa như cần câu. Đầu trên để cái mấu. Sau đó vót thật mảnh. Lính vừa đi vừa đặt cần câu xuống đất, gẩy lên. Đầu cần câu vướng dây nào, từ từ nhấc lên rồi đến kiểm tra, thế nào cũng phát hiện ra trái mìn. Bọn địch lại nghĩ cách khác. Chúng buộc ngang thân cây rồi dùng loại dây thép mảnh, rất nhỏ, chăng ngang lối đi, cao ngang ngực. Những hôm nắng, ánh sáng chiếu xuống, mắt nhìn rất khó phát hiện ra sợi dây này. Lính tráng đang đi, bỗng nghe ầm một phát ngay bên mình. Thể nào cũng có người gục ngã.
ĐOÀN TUẤN

https://www.facebook.com/375707592849530/photos/a.377042146049408/803837160036569/

___________________

TQ sản suất và viện trợ mìn chống bộ binh cho Kh'mer Đỏ sử dụng tràn lan, vô tội vạ. Số lượng của nó quá nhiều, chỉ Kh'mer Đỏ không đủ sức mang đi để gài. Chúng gài mìn ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào, đã làm bộ đội VN chết và thương tật rất nhiều. Sau chiến tranh, để lại hậu quả cho người dân CPC. Thời ấy, quân VN cũng có sử dụng mìn nhưng dùng để phòng thủ nơi đóng quân, còn phục kích thì dùng mìn claymore của Mỹ. Quân nhân thương tật trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hôi, nói TQ thâm độc là thế, đánh vào hậu phương của VN. Từ năm 1999, LHQ đã cấm mìn sát thương cá nhân.
TQ sx và viện trợ mìn chống bộ binh cho Kh'mer Đỏ, một số lượng kinh khủng.  Với bộ đội VN, dù chiến tranh đã qua đi nhưng với kẻ thù thâm độc, không thể nào là bạn.

Tìm kiếm Blog này