Tim thông tin blog này:

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

Hăm ba ngày đi lạc rừng


Những trang chưa đăng trong MÙA CHINH CHIẾN ẤY
Cuối năm 80, cả trung đoàn tôi phải căng ra trên các trục đường để giữ an toàn cho những đoàn xe chở gạo và đạn lên D8 và D9. Các đại đội đổ hết ra đường. Ăn ngủ ngay ngoài đường, suốt ba tuần liền. Con đường dài gần trăm cây số. Hai tiểu đoàn rải ra, vẫn không đủ quân. Phải huy động thêm tiểu đoàn 7.
Một trong những đơn vị D7 lên chỗ tôi gặp chuyện không may. Đó là chuyện một người lính bị lạc đơn vị. Mãi 23 ngày sau, anh ta mới tìm về được. 23 ngày, ở trong rừng một mình. Xa lạ. Hoang vắng. Đầy địch xung quanh. Vẫn còn sống sót. Một người lính , Quả là một kỳ công vĩ đại.
Đi rải dường, lính tráng C4 D7 đóng quân ngay ngoài rừng. Không làm lều lán . Làm để thành mồi ngon cho bọn địch. Nó cứ nhằm mục tiêu mà tương B40 vào, có mà thành than hết.. Mùa khô, rừng sạch, không sợ rắn, vắt, cứ trải tăng mà nằm. Cùng ít khi giăng võng. Cây mọc xa nhau. Lại toàn cây to. Dây võng nào cho đủ. Cũng chẳng nấu ăn. Nước không có. Khói lửa bốc lên, bọn địch kéo đến, còn gì bi mật. Vì vậy, anh em chỉ ăn gạo rang . Nước phải hết sức tiết kiệm.
Đêm lính ngủ ngoài rừng. C4 phải đảm nhiệm truy quét trên một đoạn đường dài gần 5 cây số. Sáng sớm, đại đội đi truy quét. Đại trưởng ra lệnh chia quân thành hai mũi, đi theo đội hình chữ V. Nghĩa là lính tráng tỏa ra hai hướng. Một hướng bám đường. Còn hướng kia, đi vào sâu bên trong, tìm địch. Mỗi người cách nhau từ 50 đến 100 mét. Cứ thế mà đi.
Nhưng không ngờ, ở mũi đi phía trong, có anh lính . Tên Trung, quê Bình Định. . Anh này cứ nghĩ, đi theo đội hình chữ V, nghĩa là mình cứ đi về bên phải. Còn cánh kia, đi về phía trái. Bởi thời kỳ huấn luyện,Trung đã được đi theo đội hình này bao giờ đâu. Dạo đó, cứ ‘’mốt –hai-mốt’’ hàng dọc mà đi. Giờ đây, đi theo đội hình này, lính cũ, cũng chẳng ai phổ biến cho Trung đi thế nào. Chắc ai cũng nghĩ, nó biết rồi.
Trung đi mãi, đi mãi. Đến lúc quay lại, chẳng thấy đồng đội đâu. Nhìn trước mặt, đã là dãy Đăng Rếch-biên giới thiên nhiên giữa Campuchia và Thái Lan. Nhìn dãy núi cao, trải dài ngút ngàn, Trung biết, khó mà vượt qua được. Nhưng không biết đi theo hướng nào. Bốn bề là rừng núi. Hoàn toàn xa lạ. Không một bóng người. Không biết làm thế nào. Đầu tiên, Trung hú gọi. Hú mãi, đến lạc cả giọng, vẫn không có ai trả lời. Hốt hoảng. Nước mắt tự nhiên chảy ra. Nhưng khóc làm gì? Để tự an ủi mình ? Có ai đâu mà khóc. Càng khóc càng hoảng sợ. Đi loanh quanh một hồi, càng không thấy ai. Chạy theo lối cũ, lại càng bị lạc. Đơn vị đâu? Họ đi hướng nào? Chắc còn gần đây. Trung bật chốt an toàn, để công tắc nấc một, bắn ba phát chỉ thiên, gọi đồng đội cấp cứu. Nhưng chờ, chờ mãi, không nghe thấy tiếng súng đáp trả. Mệt mỏi, chẳng có gì ăn. Không lương thực. Sáng nhai ít gạo rang. Không mang theo. Nghĩ đi truy quét, đến trưa về. Cũng không có bi đông. Cũng tưởng đi quanh quẩn chỗ phục. Bây giờ mới thấy đói khát.
Trung cứ đi. Nó nhìn mặt trời. Xác định phương hướng. Mặt trời mọc ở phương đông. Chắc phương đông đối diện với phía núi. Nó đi về phương đông. Chắc đó là hướng Campuchia. Nhưng sáng hôm sau, lại thấy mặt trời mọc ở hướng khác. Thế là nó lại nhằm hướng mặt trời. Nhưng đi mãi, cũng chẳng gặp ai. Đói quá. Tìm cái gì ăn. Rừng cuối mùa khô, cây nào cũng khô khốc. May sao, có loại địa liền. Loại cây này thật nhạy cảm. Cuối mùa khô nhú ra để đón không khí ẩm đầu mùa mưa. Trung toàn ăn địa liền. Nhưng đâu phải chỗ nào cũng có. Thỉnh thoảng gặp một cây nhỏ. Mọc lên cái chồi. Nhặt nếm thử. Ăn vào không độc. Thế là tìm mà ăn. Rừng khộp khô không khốc. Lá khô. Thân khô. Dầu khô. Chẳng xơ múi được gì. Thử ăn hoa khộp xem. Cánh hoa đỏ khô cong. Nhưng còn cái bầu hoa. Mầu xanh. Bên trong có hạt. Ăn cũng ngon. Đỡ khát nước. Nó nhặt hoa khộp bỏ túi. Phòng lúc đói.
Đêm xuống, chẳng biết ngủ chỗ nào. Thôi thì tìm gốc cây lớn trú thân. Ngày mệt mỏi, nằm xuống, nhưng không dám ngủ. Sợ thú rừng. Hổ, voi, gấu…Nghe anh em kể, vùng này nhiều thú dữ. Lại sợ địch nữa. Không biết chúng ở đâu? Chỗ nào? Nhỡ mình nằm ngay mũi chúng thì sao? Chỉ có nước chết. Nhiều đêm, chui bụi rậm ngủ. Nhưng lại sợ rắn rết. Phải tìm chỗ, dọn sạch. Rất tiếc là không có lửa. Nó không hút thuốc. Không mang theo bật lửa. Đêm rừng hoang, mùa khô, nhưng vẫn lạnh. Vun lá khô nằm.
Cũng có ngày, nó gặp suối nhỏ. Bắt được vài con cá. Ăn sống. Đành vậy. Lửa đâu ra? Không có đá. Cứ ăn. Được tí chất đạm vào người cho khỏe. Nước thì thối hoắc. Đầy mùi bùn. Vẫn phải uống. Để lấy sức. Rồi đến khi, không có địa liền, không còn hoa khộp nữa, nó phải bứt cỏ nhai. Ăn cỏ, như trâu bò. Có bận, ăn vào, cỏ tắc ở cổ. Nghẹn lại. Khạc không ra. Nuốt không được. Móc họng. Chổng mông mà nôn. Không nôn được. Cảm giác muốn chết.
Đêm nằm nhìn sao trời. Những ngôi sao mùa khô trong vắt. Xa vời vợi. Chẳng biết mình đang ở đâu. Chẳng biết đơn vị hướng nào. Đói quay đói quắt. Thôi cứ nằm đây. Đến đâu thì đến. Chân mỏi dừ. Người đau ê ẩm. Đôi giày càng thêm rách. Chân phồng rộp. Mụn nước mọc lên. Kệ nó. Qua đêm, mai sẽ xẹp. Mệt mỏi, cơn đau cũng qua . Ôm cái bụng đói đi ngủ. Nhưng giấc ngủ nào có yên. Tiếng những con chim rừng đập cánh cũng làm Trung hoảng sợ. Tiếng những con thú kêu trong đêm cũng khiến tim đập nhanh hơn. Rồi tiếng cành khô rụng cũng làm nó bật dậy. Hai mươi tuổi đầu, nó đã thấm thía thế nào là cô độc. Rồi giấc ngủ nhọc nhằn cũng đến. Trong giấc ngủ vùi, Trung mơ thấy mình được ăn một bữa cơm thật ngon, thật nóng, đầy hương thơm của bao thứ sơn hào hải vị. Anh ăn thật ngon lành. Có cả rượu. Những lời chúc tụng. Bữa ăn thật linh đình, thật tưng bừng. Nhưng bữa ăn qua quá nhanh. Khi tỉnh dậy, Trung thấy mình nằm một mình trên cỏ với cái bụng lép kẹp. Nhớ lại giấc mơ.Một giấc mơ thật trong sáng, thật đủ đầy, thật ngon lành. Nhìn trời đất xung quanh, vô cùng yên ắng. Vầng trăng cao vời vợi. Quầng trăng như cái miệng đỏ sậm. Cái miệng đó treo giữa bầu trời. Khát khô. Đói quặn bụng. Thôi đành nằm im. Tự chìm vào giấc ngủ. Kệ. Ngày mai đến đâu thì đến.
Nhưng sáng hôm sau, lại trở dậy. Lại đi. Không thể ở đây. Ở lại thì chết. Nó đang đi. Bỗng gặp nơi có khói. Những ngọn khói mỏng bay lên. Mừng húm. Nhưng không biết là ta hay địch? Trung leo lên cây. Quan sát từ xa. Nó thấy có mấy xoong cơm nhỏ. Bọn địch đang nấu cơm. Chờ chín. Chúng đang mắc võng nghỉ. Súng ống dựa vào thân cây. Cơn đói cồn cào. Đói dữ dội. Đói tưởng chết. Nhưng làm cách nào mà lấy được cơm ? Không còn cách nào khác, phải ăn cướp. Trung quyết định, bất ngờ nổ súng. Trong lúc bọn địch chưa kịp trở tay, xông vào, bê nối cơm, chạy trốn. Nghĩ sao làm vậy. Trung bật khóa an toàn. Bắn như điên vào bọn địch. Rồi nhẩy ngay vào bếp, vớ một xoong cơm, chạy biến. Bọn địch bị đánh bất ngờ, không kịp nổ súng. Nhưng sau khi định thần, chúng phát hiện , đối phương chỉ có một người. Lại mất một xoong cơm, nên chúng điên tiết, quyết truy đuổi đến cùng. Thế là cả toán địch, cỡ hơn chục tên, thi nhau bắn như vãi đạn về phía Trung. Quàng súng qua vai, Trung không bắn trả, mà ôm xoong cơm, lao xuống lòng suối, chạy bán sống bán chết. Vừa chạy vừa bốc cơm ăn. Tận hưởng vị ngọt của cơm. Dù có trúng đạn, chết cũng cam lòng. Cứ thế, Trung chạy. Càng chạy, bọn địch càng đuổi theo. Chúng cũng đoán, chỉ còn đường suối là đường duy nhất. Chúng cắt rừng , đón đầu. Chặn phía trước. Bắn phía sau. Trung nghe rõ cả tiếng chúng gọi nhau. Không thể chạy theo suối nữa, Trung cắt ngang , lao lên. Rồi cứ nhằm hướng rừng xanh trước mặt mà chạy. Bọn địch mất dấu. Trung ngồi lại trong rừng. Một mình thưởng thức xoong cơm. Ăn không, vẫn ngon cực. Không có muối, cũng không sao. Vị ngọt của cơm gạo, mùi thơm của cơm gạo đã thấm vào cơ thể Trung bao sức mạnh của đất, của nước. Anh như hồi sinh.
Được mấy ngày sau, cơm cũng hết. Lại đói. Lại khát. Thôi không đi về hướng đông nữa. Từ hôm bị lạc đến nay, cứ nhằm hướng đông, Trung nhận ra, mình đi theo hình zic-zăc dọc biên giới Miên-Thái. Chẳng đi đến đâu. Lần này, lấy dãy Đăng Rếch làm điểm xuất phát, Trung đi vào bên trong đất Campuchia. Có cá ăn cá. Gặp cỏ ăn cỏ. Khí chất người lính xuất thân từ nông dân khiến Trung thích nghi với hoàn cảnh khắc nghiệt. Cũng may ăn uống linh tinh, nhưng không đau bụng. Chắc mọi chất độc bài tiết theo đường mồ hôi. Nhưng đi mãi mà không gặp tia hy vọng nào. Nhiều lúc, Trung nghĩ đến cái chết. Kiệt sức. Nằm lại giữa rừng. Bò lê bò lết. Con hổ nào xuất hiện, chắc xé xác mình mất. Cũng đành chịu. Không còn sức nữa. Đành buông xuôi.
Trung ngất đi. Nhưng trong giấc mộng, anh bỗng gặp cha mình. Ông mất đã lâu. Nhưng sao ông hiện về trong những giờ phút khó khăn nhất của cuộc đời ? Trung thấy cha mình từ trên cây, vạch lá rừng trèo xuống. Anh nhìn rõ cha mồn một. Ông xuất hiện thật đúng lúc. Đúng thời điểm Trung thả mình trôi theo số phận. Gương mặt ông khắc khổ, nghiêm nghị. Chắc từ nơi nào đó xa xăm, ông vẫn dõi theo từng ngày, từng bước đi của Trung. Ông định giúp gì con trai? Trung vừa kịp nhận ra cha, thì ông biến mất. Trung bừng tỉnh. Mở mắt. Anh thấy trời sáng. Ánh mặt trời làm sáng cả ngọn cây. Anh bàng hoàng. Cảm ơn ba. Sự xuất hiện của ba vào thời điểm này đã cứu con. Ba không nói gì, nhưng anh biết, ông đã truyền cho anh sức mạnh và niềm tin. Trung tin mình sẽ đi qua những ngày gian khổ này. Anh biết, có ba mình ở đâu đó, đang cùng anh trong hành trình khắc nghiệt.
Trung cũng chẳng nhớ hôm nay là ngày thứ bao nhiêu. Đi qua khu rừng cháy, Trung cầm theo thanh củi cháy dở. Được một quãng, nó muốn tắt. Trung dừng lại. Kiếm cỏ khô đốt. Lửa bùng lên. Thanh củi lại đượm.Thêm củi vào. Tranh thủ, Trung đi bắn chim, bắn thú. Những con chim rừng lớn, Trung hạ được, vặt lông, nướng luôn. Có chất đạm, người khỏe hẳn. Rồi anh bắt được rùa, nướng ngay. Thịt rùa béo ngậy, trắng như thịt gà. Cá trầu, cá trê, nướng thành xóc, dành ăn dần.
Cho đến một ngày, Trung gặp những mái nhà. Từ xa, anh thấy lô nhô lính. Không biết địch hay ta. Trung treo lên cây quan sát. Không phải bóng áo đen. Bộ đội mình rồi. Trung vội chạy đến. Anh xông vào đơn vị. Gục xuống sân luôn. Lính tráng chạy ra. Thấy một người rừng. Đầu tóc rối bù. Quần áo tả tơi. Giầy rách nát. Lính tráng đỡ dậy. Nhưng anh ta nói không nên lời. Giấy tờ chẳng có gì. Nhưng ai cũng biết, đó là lính D7 đi lạc. Sau hơn hai chục ngày, mới tìm được về đây. Về một đơn vị tiền tiêu của D9 cách chỗ D7 tác chiến khoảng 50 km . Thật là một điều kỳ diệu.Y tá đơn vị ra cấp cứu. Cho uống nước, đỡ vào nhà. Được nhìn thấy đồng đội, được nghe tiếng mẹ đẻ, được thấy những gương mặt thân quen và, được ứa nước mắt. Anh ta dần tỉnh. Cả ngày hôm đó, Trung nằm im. Anh ngủ li bì. Tận hưởng giấc ngủ giữa đồng đội. Tận hưởng giấc ngủ trong bình yên. Mãi chiều hôm sau mới tỉnh. Và anh dần hồi tưởng, kể lại những ngày lạc rừng. Anh em nhẩm tính, từ ngày Trung đi lạc, đến hôm về, đúng 23 ngày.
Đoàn Tuấn
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=804732316613720&id=375707592849530

Tìm kiếm Blog này