Phần 1
Nhân có bài viết trên Phây của anh Kha Tiệm Ly về Cải Lương ngày xưa…cũng không xưa lắm, mới 45 năm thôi hà…làm tôi lục lại trong ký ức năm ba chuyện mà mình còn nhớ…
Ba tôi trước đây xem báo tháng, trước 01/11/1963, đọc báo Tiềng Chuông, sau khi Tiếng Chuông đóng cửa thì đọc báo Tia Sáng, mỗi tuần, vào thứ tư có thêm tờ Phụ Nữ diễn đàn, từ năm học lớp tư, lớp ba thì tôi đã mê đọc báo, đọc truyện rồi, giờ có ít chuyện còn nhớ, nhất là giới sân khấu cải lương, chuyện hậu trường.
Vì viết lại theo ký ức, trong tay không có tư liệu gì cả, có thể nhớ sai, nếu có sai sót (do nhớ lộn) xin góp ý và châm chế, tôi cố gắng bớt lộn lầm và lộn không quá bốn lần…
Trước 1963 có các đoàn cải lương nổi tiếng : Hoa Sen, Thanh Minh, Kim Chưởng Thanh Hương, Mai Hoa, Kim Chung….đoàn Kim Chưởng – Thanh Hương, đào chánh là Kim Chưởng và Thanh Hương ; kép chánh là Việt Hùng, Văn Chung…Văn Chung và Thanh Hương là vợ chồng, sau thôi nhau, Thanh Hương nối duyên với kép Hùng Minh, tách ra thành lập đoàn Thanh Hương – Hùng Minh, dạng trung ban.
Trên Trương kịch tràng (Trang kịch trường )1 tờ báo viết : 2 giọng ca nữ hàng đầu thời ấy là Út Bạch Lan và Thanh Hương, Út Bạch Lan có giọng kim, Thanh Hương giọng thổ…ngang nhau, nhưng sắc vóc Thanh Hương kém hơn (hơi thấp)… Việt Hùng – Ngọc Nuôi là đôi vợ chồng chung thủy nhất trong giới “hát ca”.
Anh kép tài hoa Thành Được lại hào hoa và nhiều tai tiếng nhất. Cặp đôi Út Bạch Lan – Thành Được là số 1 thời ấy, hát trên sân khấu Thanh Minh, rồi tách ra lập gánh Út Bạch Lan – Thành Được, rồi Lan – Được, rồi gánh hát rã, tình cũng rã theo…giai đoạn này có bài ca Đêm Lạnh trong tù, Thành Được ca…Trên Trương kịch tràng thời ấy, có ký giả Tuyết Sĩ viết loạt bài : “Đàn ông năm bảy lá gan – 12 mối tình của kép Thành Được “, dĩ nhiên rất nhiều người xem….Biệt danh Sầu nữ Út Bạch Lan có lẽ giới báo chí đặt cho cô là sau khi cô chia tay với Thành Được.
Giới sân khấu thời ấy có nhiều Vua : Vua vọng cổ Út Trà Ôn ; Vua xàng xê Minh Chí ; Vua dĩa nhựa Tấn Tài….
Có 1 lần, ngồi ở quán cà phê, trước đình Thăm Buông xã Mỹ Hội Đông (Chợ Mới – An Giang), nói chuyện với anh họa sĩ Tài , chồng cô đào Tô Kiều Lan, là phó đoàn hát Hương Dạ Thảo ,lần ấy chúng tôi đến thương lượng mua dàn đoàn hát về hát tại Đình An Hòa – xã Hòa Bình. Anh Tài tâm sự : trong các nghề mang chữ SĨ, chỉ có Bác sĩ, Dược sĩ là giàu, còn lại văn sĩ, thi sĩ, họa sị, nghệ sĩ…đều nghèo cả, như Cậu 10 Út Trà Ôn, kép Thành Được…xe hơi đời mới nhất ở Việt Nam là 2 tay này có trước…nhưng chỉ vài tháng sau là đi xích lô…te tua…Tôi nói : Nếu Út Trà Ôn, Thành Được mà giàu có thì họ không còn là nghệ sĩ nữa…anh Tài đồng ý…bây giờ số ca hát mà giàu có quá trời như Mỹ Linh, Đàm Vĩnh Hưng…họ đâu phải là nghệ sĩ phải không ạ ?
Sau này có thêm các đoàn loại đại ban như Dạ Lý Hương, Hương Mùa Thu, Kim Chung có đến 6 đoàn, đoàn Thái Dương 1,2 nhưng sống không lâu.
Hàng năm, giới cải lương có tổ chức bình chọn và phát Giải Thanh Tâm (có thể gọi là huy chương vàng) cho 1 vở tuồng hay nhất, đào kép hay nhất…hình như giải bắt đầu từ năm 1958, cô đào đoạt giải là cô Lan Chi, bên kép là Hùng Minh (?), vì cô Lan Chi đi hát cho gánh trung ban nên không có thu dĩa, không nổi danh, năm sau 1959 là cô Thanh Nga….danh ca Út Trà Ôn đoạt giải rất trễ…năm 1965 hay 1966…chi đó, không phải vở Tuyệt Tình Ca, mà là vở Nổi buồn con gái ở năm sau , vai anh Độ, đóng cặp với cô Bạch Tuyết…
Ngoài ra còn có giống ca giống nhau, có kép Hoàn Ngọc Ẩn ca và diễn rất giống Út Trà Ôn ; Hoài Vĩnh Phúc ca rất giống kép Hữu Phước….thời ấy có nhiều danh ca nổi danh nhưng không bền như : Thanh Nhàn, Thanh Sơn, Kim Nguyên, Thanh Hải…còn nhớ những bài ca 6 câu như : Dưới bóng Phật đài, Dưới cổng trường làng, Chuyến đò hừng sáng, Trái khổ qua…..
Tấm bảng hiệu thường ghi là : Đoàn ca vũ nhạc kịch Hương Mùa Thu…chẳng hạn, đặc biệt trong các đoàn hát, có đoàn Hương Mùa Thu có cả 1 đoàn vũ, gọi là Vũ đoàn Hương Mùa Thu rất xuất sắc…vũ trên sân khấu, vũ cả trên không trung…
Các gánh đại ban, họ đều có rạp hát chính ở Sài gòn, sau khi đi lưu diễn, thì về hát ở rạp nhà, có khi hát cả tháng…
Đoàn hát, ngoài vấn đề đào kép nổi tiếng, ăn khách còn phải có các soạn giả thường trực, các soạn giả này phải cung cấp tuồng mới cho đoàn thường xuyên, các soạn giả nổi tiếng thời ấy như : Hoàng Khâm, Nguyễn Phương, Yên Lang, Nguyên Thảo, Yên Ba, Quy Sắc, Hà Triều – Hoa Phượng, đặc biệt là soạn giả Thu An, vừa là soạn giả vừa là bầu gánh Hương Mùa Thu….
Bài viết anh Kha Tiệm Ly cho là ngành cải lương ngày nay đi xuống..gần như chết…lý do thì nhiều thứ, nhiều cái…nhưng soạn giả hay giờ không có, đoàn hát quản lý theo kiểu nhà nước…thì khó phát triển được, cộng theo cải lương phát triển theo hướng khác…mở tivi, 1 đài truyền hình phát tuồng cải lương, chỉ thấy Vũ Linh, Tài Linh…thì xem hoài cũng chán…
Rằm tháng 7 năm rồi, ở chùa Thiên Phước, gần nhà, Sư trụ trì có mời được số nghệ sĩ đến hát miễn phí, gồm Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ…nói theo chương trình Đại Nhạc Hội là lực lượng nghệ sĩ vô cùng hùng hậu…định gặp riêng cô Lệ Thủy chừng năm, mười phút nói chuyện cải lương chơi, nhưng không được vì quá đông…đứng ở sân chùa, nghe cô ca 1 câu vọng cổ rồi về…
Bây giờ, các đài truyền hình khai thác mảng nhạc xưa, gọi là : Những tình khúc vượt thời gian, Những khúc vọng xưa…nhất là Đài Vĩnh Long thì Solo cùng Bolero , Tuyệt đỉnh song ca ..thi thố với nhau, giám khảo thì có Phương Dung, Giao Linh, Phi Nhung…tại sao chưa thấy họ khai thác bên mảng Cổ nhạc xưa ?
Hiện giờ số nghệ sĩ ngày xưa không còn nhiều, nhưng vẫn còn như Ngọc Giàu, Phương Quang, Thanh Tú…phải chi cùng dàn dựng lại các tuồng đã đoạt giải Thanh Tâm từ 1958 đến 1974, dàn dựng lại nguyên bản…như Người vợ không bao giờ cưới, Mặt trời đêm, Tuyệt Tình Ca, Nổi buồn con gái, Tiếng hạc trong trăng, Sương mù trên non cao, Khói sóng Tiêu tương, Trăng rụng bên Từ châu…thì hay biết mấy… Đừng quay ngoại cảnh, theo dạng diễn trên sân khấu, trong rạp hát, bán vé…vừa quay cảnh nghệ sĩ diễn, vừa quay cảnh khán giả chăm chú ngồi xem….
Nhớ 1 chuyện vui : Khi 1 ký giả hỏi soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng về tên nhân vật Hắc Bạc Cốt Tố (Tấn Tài thủ vai), trong tuồng Bụi Mờ Ải Nhạn, Hắc Bạc Cốt Tố là Thái tử nước Phiên, sang nước Hán du học, người tình của Vương Chiêu Quân, vì sao có cái tên này ?
Hà Triều – Hoa Phượng trả lời : Riết rồi hết biết lựa tên đặt cho nhân vật, thôi thì cũng mong tuồng hát ăn khách, ông bầu thu lợi, thì soạn giả cũng thu lợi…Hắc Bạc Cốt nghĩa là Hốt Bạc Cắt, Tố nghĩa nhiều…như tố thoàn là nhiều đường…
Nhớ được nữa sẽ viết tiếp…..
16/02/2020 Trịnh Kim Thuấn.
Phần 2
Lời thưa : Viết loạt bài này do ham viết, viết theo trí nhớ mà thời gian trôi qua cũng đã lâu, hơn 45 năm, tuổi cũng đã già , thất thập cổ lai hy rồi đó (tính theo tuổi ta), nên có ít nhiều sai sót, như bài viết Cải lương xưa của anh Kha Tiệm Ly ghi tuồng cải lương Người vợ không bao giờ cưới của soạn giả Quy Sắc, mình cho là anh nhớ sai, đó là Kiên Giang mới đúng…đi tìm lại cô Thanh Hương với bài vọng cổ Cô bán đèn hoa giấy, nghe lại bài hát này…biết thêm tác giả là ông Quy Sắc, mà tuồng cải lương Người vợ không bao giờ cưới do Quy Sắc và Kiên Giang viết chung. Bài ca 6 câu vọng cổ Cô bán đèn hoa giấy, Thanh Hương ca cũng là 1 tuyệt phẩm, không kém gì bài Tình anh bán chiếu của Viễn Châu do Út Trà Ôn ca… vì thế sẽ còn sai sót nữa…xin quý bằng hữu châm chế….
Chuyện ca hát chia làm 2 nhóm : Tân nhạc và Cổ nhạc ; Sân khấu cải lương bên nhóm Cổ nhạc.
Sân khấu cải lương được phát tán theo 3 luồng :
- Sách, báo .
- Sân khấu : Các đoàn hát cải lương, các tổ chức Đại nhạc hội, đờn ca tài tử .
- Đài truyền thanh, truyền hình…máy hát dĩa, casette…
- Sân khấu : Các đoàn hát cải lương, các tổ chức Đại nhạc hội, đờn ca tài tử .
- Đài truyền thanh, truyền hình…máy hát dĩa, casette…
Sách báo : Thập niên 1960, ở các tiệm hàng xén, chạp phô ở các chợ xã, chợ quận, ngoài các mặt hàng : đinh, dây chì, đường cát, đường chảy (đường thùng), nước mắm, muối…cũng có 1 góc bán giấy, tập học sinh, thơ Lục Vân Tiên, Phạm Công Cúc Hoa, Lâm Sanh Xuân Nương, có cả truyện Tàu Thủy Hử, Thuyết Đường, Tiết Nhơn Quí chinh đông, Tiết Đinh San chinh tây…và các tập tuồng cải lương, lớn thì nguyên tuồng như : Người vợ không bao giờ cưới , Nửa bản tình ca, Hai chiều ly biệt, Thuyền ra cửa biển… trung bình có : Tống tửu Đơn Hùng Tín, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ , cải lương hài như Nồi nào vun nấy, Chú rễ trong lu, Đắc Kỷ ho gà…Ngắn nửa là các tập bài ca 6 câu vọng cổ : Tu là cội phúc, Sầu vương ý nhạc, Gánh nước đêm trăng, Trái gùi Bến Cát, Em bán bài ca….Bìa in offset hẳn hoi…ngoài bìa thì ghi rõ tên soạn giả, đoàn hát và các đào kép thủ vai….
Ở các bến xe, bên tàu, dưới phà có mấy người bán sách báo dạo, đều có bán các cuốn bài ca vọng cổ….
” Mua về nằm võng hát chơi .
Hoặc chờ khuya vắng đem bài ra ca “ ….trích 6 câu vọng cổ Em bán bài ca do Thanh Hương ca .
Hoặc chờ khuya vắng đem bài ra ca “ ….trích 6 câu vọng cổ Em bán bài ca do Thanh Hương ca .
Các nhật báo, tuần báo, nguyệt san thời ấy đều có 1 số trang dành cho ca hát, sinh hoạt văn nghệ : tân nhạc, cổ nhạc, cải lương…cùng với các scandal của các nghệ sĩ nổi danh…
Đài phát thanh Sài Gòn (chưa có Đài truyền hình), hàng tuần vào tối thứ bảy có truyền thanh 1 tuồng cải lương, lúc ấy trong nhà tôi có 1 cái Radio, đến cải lương có chừng vài ba chục người lối xóm đến nghe cải lương . Hàng ngày vào 17 giờ có 2,3 Ban cải lương hát những tuồng ngắn, thời lượng chừng 40 phút, tôi còn nhớ có Ban Thành Công, có giọng ca Chín Sớm…hết xẩy….
Tuồng cải lương . Tuồng cải lương chia làm ba hạng.
1/- Tuồng lớn là các vở tuồng được trình diễn trên các sân khấu như Người vợ không bao giờ cưới , Nửa bản tình ca, Thuyền ra cửa biển, Tấm lòng cửa biển ….
Tuồng có rất nhiều thể loại : dựa theo truyện cổ tích, thần thoại, tiên , phật, truyện tàu, rồi truyện kiếm hiệp, hương xa…đặc biệt là truyện giả sử như tuồng Người vợ không bao giờ cưới dựa theo đoạn sử loạn thập nhị sứ quân thời Đinh Bộ Lĩnh ; tuồng Tiếng trống sang canh dựa theo sử cuối đời nhà Tiền Lê, thời Lê Long Đỉnh…nhiều nhất là tuồng Xã hội…
Còn nhớ, mấy năm còn nhỏ, đi học bậc tiểu học, ở nhà người cậu ruột gần đình thần Bình Thạnh Đông -Lấp Vò, vài tháng thì có 1 đoàn hát cải lương đến hát, đối diện cái đình này, bên kia kinh Lấp Vò là Đình thần Bình Thành Tây thuộc xã Hòa An (Chợ Mới – Angiang), khi bên nây hát, khi bên kia sông. Chừng 5 giờ chiều là cái ống tà loa (haut parleur) của gánh hát bắt đầu hoạt động, nào là : Những đồi hoa sim, Đồi thông hai mộ…chủ yếu là các tuồng cải lương : Nắng chiều trên sông Dịch, Mắt em là bể oan cừu, Hai chiều ly biệt…nghe riết thành ghiền…
Năm 1963 lên Long Xuyên, học trung học, ở trọ nhà Dì Sáu Tịnh – Chợ Đường Ngang (đường Thoại Ngọc Hầu), Dì Sáu có 1 sạp nhỏ chuyên bán trầu cau, bán buổi sáng, trưa chiều…ai cần đến nhà mua…Thu nhập dưới mức trung bình, nhưng mê cải lương, tánh sang, đoàn hát lớn mới xem, đoàn nhỏ chê không xem…mỗi đoàn về Long Xuyên hát, Dì Sáu đều đi xem, ít nhất là 1 đêm…Các đoàn hát đều hát ở rạp Minh Hiển, ở học năm Đệ Thất, Lục mỗi lần đi xem hát, Dì Sáu đều cho tôi đi theo xem hát…Tuồng hát đầu tiên tôi được xem là tuồng Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, đoàn Kim Chung diễn, đào Kim Chung (người Bắc) thủ vai Chúc Anh Đài ; kép Kim Nguyên thủ vai Lương Sơn Bá ; Lệ Thủy vai Cẩm Tâm (hầu gái của Chúc Anh Đài) ; hề Văn Hường vai Hà Đô (hầu trai của Lương Sơn Bá), vãng hát, ra ngoài rạp là khán giả râm rang, họ khen “con đào non” Lệ Thủy hát, diễn quá hay….năm ấy Lệ Thủy đâu chừng 14,15 tuổi…ban ngày, ở nhà Dì Sáu, mấy bà đã xem hát cũng chỉ nói về “con đào non” Lệ Thủy…sau đó , tôi còn xem thêm được tuồng Sương mù trên non cao, đoàn Dạ Lý Hương, cặp đôi Tấn Tài – Bạch Tuyết diễn xuất, tuồng Bà Chúa ăn mày , đoàn Hương Mùa Thu, cặp Ngọc Hương – Út Hiền diễn…
Năm học đệ Ngũ, chuyển nhà trọ, không còn được đi xem cải lương với Dì Sáu nữa…
Năm học đệ Ngũ, chuyển nhà trọ, không còn được đi xem cải lương với Dì Sáu nữa…
Thời đó, gánh hát cải lương nhiều lắm, hình như xin phép rất dễ miễn là có vốn lập gánh hát, nhưng sống được hay không lại là chuyện khác, nhiều đào kép hát nổi danh ra gánh hát như Cậu 10 Út Trà Ôn lập đoàn Thống Nhất với đôi Út Hậu – Diệu Hiền ; đoàn Út Bạch Lan – Thành Được ; đoàn Tấn Tài – Như Ngọc, đoàn Minh Cảnh ; đoàn Thanh Hương – Hùng Minh…có 1 số đoàn thời gian hoạt động không được lâu…đoàn hát mới dọn về đình chưa hát, thì dân địa phương xem giò cẳng đoán..ai hỏi : đoàn nào mới đến hát vậy ? đoàn Sống Vang….đúng thế, sau ít hôm rã gánh…
2/- Tuồng trung : Tuồng loại này không có trình diễn trên sân khấu, thỉnh thoảng chen vào các chương trình Đại nhạc hội, đa số là để nghe, được thu vào dĩa nhựa loại 45 vòng như loại tuồng Hồ quảng : Tống tửu Đơn Hùng Tín , Thần nữ dâng nữ linh kỳ, Hạng Võ biệt Ngu cơ, ….. Hài thì nhiều lắm như : Nồi nào vun nấy, Duyên ai nấy gặp, Tư Ếch đi Sài Gòn, Hai chàng rễ hụt, Đắc Kỷ ho gà, Đại hội vua hề….
3/- Bài ca vọng cổ : Bài ca có 6 câu vọng cổ : đơn ca hoặc song ca , dạng này rất nhiều, không kém các bản nhạc bên Tân nhạc…có những bài ca xưa rất hay : Chuyến đò hừng sáng, Dưới cổng trường làng, Em bán bài ca, Cô bán đèn hoa giấy, Gánh nước đêm trăng, Tình anh bán chiếu, Lòng dạ đàn bà, Tu là cội phúc… Sau này ông soạn giả Viễn Châu đưa tân nhạc vào vọng cổ, gọi là tân cổ giao duyên…mở đầu là Trống loạn Thăng Long thành, Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài, Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà….đặc sắc là bài Sầu vương ý nhạc của Viễn Châu do Minh Cảnh ca.
Thời ấy, nhớ lại thật là tuyệt vời…thức ăn tinh thần này thật là dồi dào, chất lương lại cao…
Còn tiếp…
18/02/2020 Trịnh Kim Thuấn.
Phần 3
Soạn giả : Ngày xưa nữa còn gọi là thầy tuồng, là linh hồn của gánh hát, người chuyên viết tuồng tích cho gánh hát, vì tuồng hay mới có khán giả.
Các đại ban thường phải cộng tác với vài soạn giả giỏi để cung cấp tuồng hát cho đoàn, phải ký kết hợp đồng, gọi là soạn giả thường trực, như đoàn Thanh Minh – Thanh Nga có soạn giả Nguyễn Phương, Hoàng Khâm ; đoàn Dạ Lý Hương có Hà Triều – Hoa Phượng ; đoàn Hương Mùa Thu có soạn giả Thu An, Công ty Kim Chung có Yên Ba, Yên Lang, Nguyên Thảo…để luôn có tuồng mới biểu diễn, ngoài ra có số soạn giả không thường trực, thỉnh thoảng có tuồng mới đến mời…ông bầu gánh xem được cũng mua luôn…
Cái này không biết phải hỏi ? vì không ở trong nghề là : Soạn giả (thầy tuồng) kiêm luôn đạo diễn, khi tập tuồng cũng đứng tập cho các nghệ sĩ, chỉ là 1 ; bây giờ gọi là tác giả kịch bản, rồi đạo diễn sân khấu…2 người khác nhau (?).
Đoàn Thanh Minh – Thanh Nga sở trường là tuồng xã hội như Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển, Bông hồng cài áo, Bóng chim tăm cá…Đoàn Dạ Lý Hương vừa xã hội vừa kiếm hiệp như Tuyệt tình ca 1,2,3 . Nỗi buồn con gái, Gái bán bar , Sương mù trên non cao , Chín đường tuyệt kiếm , Lệnh xé xác, Luật Giang hồ (Lãng tữ giang hồ), Thiên hà lang quân…đoàn Hương Mùa Thu vừa xã hội vừa hương xa, kiếm hiệp như : Con cò trắng , Bà Chúa ăn mày…Tiếng trống sang canh …Đặc biệt các đoàn Kim Chung đều hát tuồng tàu, kiếm hiệp…không có tuồng xã hội…
Các soạn giả đều theo sát các diễn biến của xã hội thời ấy mà viết tuồng để đáp ứng nhu cầu của khán giả mê cải lương, còn nhớ thời kinh tế khó khăn, nạn cho vay nặng lãi thì có tuồng : Xanh xít – Đít đuôi nghĩa là Năm sáu – Mười mười hai ,ý nói vàng sáu, bạc mười hay lúc lính Mỹ có mặt nhiều ở miền Nam có tuồng Gái bán bar , còn nhớ ông thiền sư Nhất Hạnh 1 chuyến đi Nhật về, có viết 1 đoản văn Bông hồng cài áo , nói về 1 tập quán tốt của người Nhật trong ngày lễ Vu Lan, ngày báo hiếu…nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ có ngay bản nhạc Bông hồng cài áo, đoàn Thanh Minh – Thanh Nga có ngay tuồng Bông hồng cài áo , của soạn giả Hoàng Khâm, tuồng rất hay, nói về tình mẹ, sự hiếu thảo muộn màng…đào kép chính là Thành Được với Thanh Nga.
Rồi đợt tiểu thuyết kiếm hiệp tràn vô …là có ngay các vở cải lương : Cô gái Đồ long, Anh hùng xạ điêu, Chín đường tuyệt kiếm, Quỷ Bảo , Lệnh xé xác ….
Có soạn giả Lê Văn Đương viết các tuồng Hồ quảng rất hay như : Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, Tống tửu Đơn Hùng Tín…
Các tuồng hát xã hội chỉ viết về cuộc sống thường ngày, không có dính dáng đến chính chị, chính em chi cả, chỉ thấy có tuồng Tuyệt Tình ca 1 là có nhân vật Trưởng Ty Cảnh Sát Quận 9 (thời ấy Sài gòn chưa có quận 9) là anh Cò Hương (Giáo Hương), vẫn không có chính trị trong đó…đến Tuyệt Tình ca 2 thì có 1 màn : Việt Cộng chụp, tấn công 1 đồn lính quốc gia, Trưởng đồn là anh Trung úy Lê Long Hồ (con trai Cò Hương và cô giáo Lan), trưởng đồn chống cự được…sau đó về phép gặp lại người tình…
Góp chuyện bên lề : Tuồng Tuyệt Tình Ca đã có tên tuồng là Người đối diện lương tâm, nhưng tình bạn giữa Hà Triều và Hoa Phượng bị va chạm quá mạnh… hai người không chơi với nhau nữa, nên Hoa Phượng sửa lại tên tuồng là Tuyệt Tình ca, vở tuồng quá hay, quá ăn khách…thế là soạn giả Hoa Phượng viết tiếp Tuyệt Tình ca 2…cũng còn ăn khách, nhưng không bằng vở 1, lại viết tiếp Tuyệt Tình ca 3… lần này tàm tạm…nên không có Tuyệt Tình ca 4.
Các tiểu thuyết ăn khách thời ấy được các soạn giả chuyển thể cải lương, có tuồng Người vợ không bao giờ cưới thì có tuồng Người vợ hai lần cưới của nhà văn An Khê, rồi các tiểu thuyết của bà Tùng Long, Hồ Biểu Chánh…nhà văn có nhiều tiểu thuyết chuyển sang cải lương là nhà văn Ngọc Linh, tôi nhớ là : Ngã rẽ tâm tình, Đôi mắt người xưa, Yêu trong hoàng hôn, Nắng sớm mưa chiều, Bây giờ em ở đâu ? ….
Theo ý riêng của tôi : Soạn giả chuyển thể từ tiểu thuyết sang cải lương hay nhất là Hà Triều – Hoa Phượng, 2 ông chuyển tiểu thuyết Trà Hoa Nữ sang thành tuồng Nửa đời hương phấn…quá hay, quá tuyệt vời…
Theo ý riêng của tôi : Soạn giả chuyển thể từ tiểu thuyết sang cải lương hay nhất là Hà Triều – Hoa Phượng, 2 ông chuyển tiểu thuyết Trà Hoa Nữ sang thành tuồng Nửa đời hương phấn…quá hay, quá tuyệt vời…
Loại tuồng trung có soạn giả Viễn Châu, ông soạn 1 loạt tuồng dành riêng cho anh hề Văn Hường : Tư Ếch đi Sài Gòn, Tư Ếch đại chiến Văn Hường, Năm con vợ…Văn Hường nổi danh như cồn… Cải lương hài rất nhiều, vui nhộn, dí dỏm như : Nồi nào vun nấy, Duyên ai nấy gặp, Chú rễ trong lu, Hai chàng rễ hụt, Đại hội vua hề… cười vui nhưng vẫn dạy đạo lý làm người, những nụ cười có ích…
Trong các tuồng cải lương từ 1960 – 1975, có 1 tuồng hát hay nhưng không phổ biến rộng rãi trong giới bình dân, đờn ca tài tử, theo tôi là hay nhất, viết về giới sân khấu , tuồng Sân khấu về khuya của soạn giả Nguyễn Thành Châu - lão nghệ sĩ Năm Châu, ông là là 1 diễn viên điện ảnh, kịch sĩ, nghệ sĩ và là soạn giả, ông là 1 trong những người khai sáng, vun bồi cho nền điện ảnh, kịch và sân khấu cải lương Việt Nam.
Trong thể chế tự do sáng tác, nên có rất nhiều, quá nhiều tuồng cải lương, bài ca vọng cổ hay…mọi người tự do thưởng thức theo sở thích của mình, các tuồng hát cũng viết về nghĩa khí giang hồ, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, đạo đức, đạo lý làm người…nhất là sự hiếu thuận, hiếu thảo…tôi thích các vở tuồng viết về sự hiếu thảo , có 4 vở tôi cho là hay nhất .
Viết về mẹ : Con gái Chị Hằng, Tấm lòng của biển của Hà Triều – Hoa Phượng và Bông hồng cài áo của Hoàng Khâm.
Viết về cha : Tiếng hạc trong trăng của Yên Lang – Nguyên Thảo.
Cả 4 tuồng này được thu dĩa, đều có mặt của 2 nghệ sĩ Thành Được và Thanh Nga.
Những bài ca 6 câu vọng cổ, nói về thế thái nhân tình, đạo làm người như : Lòng dạ đàn bà, Tu là cội phúc , Trái khổ qua, Đời vũ nữ….tôi thích nhất là bài Đời vũ nữ do kép Hữu Phước ca….
Còn tiếp….
19/02/2020 Trịnh Kim Thuấn.
Ảnh : Nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa và Hùng Minh trong vở Tấm Lòng Của Biển ; soạn giả Viễn Châu và soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng.
Phần 4
Nghệ Sĩ ….đào – kép.
Làng báo chí thời ấy viết có 2 hiện tượng đặc biệt :
- Đào Hương Lan : Hương Lan là con gái của nghệ sĩ Hữu Phước, năm 4 tuổi đã thu dĩa tuồng Thiếu phụ Nam Xương, lớn dần theo ánh đèn sân khấu, trở thành đào chánh nổi tiếng, ca diễn đều hay, đặc biệt Hương Lan lại là 1 ca sĩ tân nhạc xuất sắc, giọng ca chuẩn, không kém gì Hoàng Oanh thời ấy, các báo viết : trong làng cổ nhạc. ca được tân nhạc chuẩn, chỉ có mỗi Hương Lan mà thôi…Hương Lan thu nhiều dĩa tân nhạc như Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Phương Dung…..
- Kép Hùng Cường : Hùng Cường là ca sĩ tân nhạc, chuyên hát nhạc vui, sôi động, còn gọi là kích động nhạc, xuất hiện thường xuyên trong các chương trình Đại nhạc hội của Duy Ngọc, hát đôi với cô Mai Lệ Huyền , nổi tiếng với Đêm Đông, Đám cưới nhà binh , 100 %...Hùng Cường có giọng té nor, thời ấy chỉ có Việt Ấn, Thanh Hùng có giọng ca này thôi, nhưng theo tôi bản nhạc Hùng Cường ca hay nhất là bản Ông Lái Đò….Hùng Cường chuyển sang ca cổ nhạc, rồi diễn cải lương, làm kép chánh…đều xuất sắc cả….Hùng Cường còn là diễn viên điện ảnh, đóng 1 số phim thời ấy…
Dạo ấy kép Hùng Cường có 1 scandal khá lớn, lúc hát trên sân khấu Dạ Lý Hương, khi diễn tuồng và ca bị rớt nhịp, vãng hát Hùng Cường đến gây gổ với danh đờn Văn Vĩ, cho là Văn Vĩ phá mình, đập bể cây đờn của Văn Vĩ. Văn Vĩ là 1 những những thầy đờn hàng đầu, đức cao, vọng trọng thời ấy, cùng với Năm Cơ, Bảy Bá, ông Văn Vĩ mù…các báo thời ấy đã kích Hùng Cường dữ dội ( thời nay gọi là ném đá). Tương tự như anh thợ hớt tóc Đàm Vĩnh Hưng đối xử với nhạc sĩ Nguyễn Ánh vậy !
Hùng Cường nổi danh với vai tướng cướp Bạch Hải Đường trong vở cải lương Tướng cướp Bạch Hải Đường .
Hùng Cường nổi danh với vai tướng cướp Bạch Hải Đường trong vở cải lương Tướng cướp Bạch Hải Đường .
Kép Thành Được : Tài cũng lắm, tật cũng không ít…báo chí thời ấy tốn rất nhiều giấy mực viết về cuộc đời tình ái của anh kép hát lắm đào hoa này….
Kép Út Trà Ôn : Ngoài danh hiệu Đệ nhất danh ca, Vua vọng cổ…Cậu Mười Út Trà Ôn còn là đệ nhất cơ thủ trong làng bida, giới nghệ sĩ, cậu Mười đi đâu đều có mang theo những cây cơ riêng…
Đào Bạch Tuyết : Sau này được gọi là Cải lương chi bảo, là 1 nghệ sĩ có bằng Tiến sĩ nghệ thuật, thời trẻ có nhiều truân chuyên, cô Bạch Tuyết tự vẫn vài lần, có lần tự cắt mạch máu cổ tay, giờ thì sống hạnh phúc, đầy đủ cả…tiền tài, danh vọng…
Có 1 số nghệ sĩ kết thành vợ chồng với nhau như : Việt Hùng – Ngọc Nuôi ; Thanh Hương – Hùng Minh ; Nam Hùng – Thanh Thanh Hoa ; Hoàng Giang – Kim Giác, Tấn Tài – Như Ngọc ; Thu An – Ngọc Hương … họ gắn bó lâu…
Ngoài những anh kép chánh , người thủ vai anh hùng, người quân tử chính trực, tử tế đàng hoàng, thì cũng có những vai ngược lại : tàn ác, đểu cáng, lưu manh…gọi là kép độc. Kép độc thời ấy có : Việt Hùng, Hoàng Giang, Trường Xuân, Hùng Minh, Diệp Lang…đặc biệt là kép Trường Xuân.
Kép Trường Xuân : Đoàn cải lương Kim Chưởng diễn tuồng Hai chiều ly biệt, Trường Xuân thủ vai Hoàng đế Mông Kha, ông thầy tuồng và bà bầu Kim Chưởng cũng không bắt Trường Xuân cạo đầu, nhưng kép Trường Xuân tự nguyện cạo đầu cho vai diễn thật trọn vẹn…Sau đêm diễn đầu tiên vở tuồng này…Trường Xuân nổi như cồn, mệnh danh là kép trọc Trường Xuân luôn…những vai kế tiếp như Thiếp Mộc Chân Thành Cát Tư Hãn trong vở Mắt em là bể oan cừu, Hoàng đế Diệp Chấn Phong trong vở Thuyền ra cửa biển….và Trường Xuân để đầu trọc luôn, thật “hết mình cho nghệ thuật” là thế !
Các kép độc Diệp Lang, Trường Xuân, Hùng Minh, Hoàng Giang…đều là nghệ sĩ thượng thặng cả, viết về Trường Xuân để nói về việc hy sinh mái tóc vì nghệ thuật .
Đào lẳng : Giống như kép độc, phái nữ, các vai phản diện như : mẹ ghẻ, mẹ chồng, tú bà, cho vay …tuồng chưởng thì đóng vai phe hắc đạo, các nữ nghệ sĩ nổi tiếng : Kim Giác, Ngọc Nuôi, Mai Lan, Kiều Mai Lý, Ngọc Đáng….xuất sắc là cô Năm Sa Đéc ( vợ của ông Vương Hồng Sển) thủ vai Bà Phán, mẹ của anh Thân, mẹ chồng của cô Loan trong vở tuồng Đoạn Tuyệt , tuồng này cô Phùng Há thủ vai Luật sư……cô Năm Sa Đéc diễn quá xuất sắc. Theo hồi ký của ông Vương Hồng Sển. thời ấy, ở Sài Gòn có cô Ba Trà rất đẹp, tuyệt sắc giai nhân, từng bồ bịch với Hắc, Bạch công tử…cụ Vương cũng theo đuổi, cô Ba Trà nói với anh Vương : Tôi rất phục và quí chị Năm Sa Đéc đóng vai bà Phán , trong tuồng Đoạn Tuyệt, vì thế tôi tha cho anh, chứ không thì tôi cho anh tiêu đời rồi…tôi biết anh thích tôi kia mà….
HỀ : Cũng là 1 vai tuồng không thể thiếu của các đoàn hát, tuồng hát, các danh hề thời ấy : Hề Minh, Kim Quang, Thanh Việt, Thanh Hoài, Văn Hường, Hề Sa, Tư Rọm….
Tôi thích Hề Minh, hề Kim Quang hơn cả. hề Minh ca vọng cổ hay, trước khi có hề Văn Hường thì làng dĩa nhựa hề Minh đã thu nhiều, các tuồng cải lương như Tống tửu Đơn Hùng Tín, Thuyền ra cửa biển , Hề Kim Quang diễn rất tỉnh, nhất là các tuồng xã hội, trong tuồng Bông hồng cài áo của soạn giả Hoàng Khâm, hề Kim Quang đóng vai anh Thạch Kê, người khmer, nói tiếng việt, rất tuyệt…tôi còn nhớ câu : Sông sâu sào vắn thọt không tới , Muốn qua thăm bạn ngặt đò không có re….mỗi danh hề đêu có cái hay riêng của anh ấy cả Thanh Việt, Thanh Hoài…
Hề Văn Hường diễn xuất bình thường, sự xuất hiện của Văn Hường cũng là hiện tượng lạ…Văn Hường ca rất mùi, đặc biệt xuống vọng cổ chêm thêm chữ hự…Văn Hường nổi danh là công lao của soạn giả Viễn Châu rất lớn, đồng thời Viễn Châu cũng khai thác tài năng, giọng ca của Văn Hường, ông viết 1 loạt vở hài, bài ca như Tư Ếch đi Sài gòn (đóng cặp với Hề Minh), Tư Ếch đại chiến Văn Hường, nhất là Năm con vợ, Vợ tui nói tiếng Tây….Nồi nào vun nấy…
Có 1 anh hề đặc biệt là hề Tùng Lâm, Tùng Lâm ở bên thoại kịch nhưng cũng nhảy sang thu 1 số dĩa hài chung với Văn Hường, Thanh Việt, Khả Năng , Xuân Phát…Tùng Lâm dáng lùn, gương mặt không đẹp trai nhưng bà xã là nghệ sĩ Bạch Lan Thanh rất đẹp…..
Soạn giả viết tuồng hài tuy vui nhưng vẫn nghiêm chỉnh, đường hoàng, lồng đạo dức, đạo làm người trong đó ,chứ không lố lăng, rẽ tiền, vì thế được xã hội tiếp nhận nồng nhiệt…không như bây giờ….
Còn tiếp …
21/02/2020 Trịnh Kim Thuấn.
Phần 5
QUÁI KIỆT : là nghệ sĩ thương thặng, thời ấy tôi biết có 4 quái kiệt : Tòng Sơn , Trần Văn Trạch, Ba Vân và Bảy Xê.
Quái kiệt Tòng Sơn : Vừa thổi kèn, vừa ăn chuối, Việt Nam có 1 không hai.
Quái kiệt Trần Văn Trạch : Trần Văn Trạch là dân tân nhạc, em ruột của giáo sư Trần Văn Khê, vẫn ca được cổ nhạc nhưng không hay bằng tân nhạc, ông cũng là tác giả nhiều bản nhạc vui và nổi tiếng, do ông sáng tác và trình diễn luôn, như bản : Cái Tê lê phôn, Chiếc đồng hồ tay….ông cũng có thu 1 số dĩa cải lương hài chung với Văn Hường…Ông có biệt tài là nhái tiếng chó, mèo, xe hơi, máy bay…y chang, một lần trong 1 đêm Đại nhạc hội ở Long Xuyên, tôi có xem ông biểu diễn …ông giả 1 trận đánh giặc, ông nhái tiếng súng nổ, đủ cả các loại súng trung liên, tiểu liên , khi thưa, khi nhặt…cả tiếng lựu đạn..khán giả vỗ tay quá trời.
Hàng tuần vào ngày thứ ba (sau này thứ bảy), đài phát thanh Sài gòn có truyền thanh buổi xổ số kiến thiết, mở màn là bản nhạc : Xổ số kiến thiết quốc gia , giúp đồng bào ta, mua lấy xe nhà, giàu sang mấy hồi…bản nhạc này, giọng ca này…đến 30/4/1975 không có ai thay thế.
Tôi thích nghe bản Chiều mưa biên giới của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông do Trần Văn Trạch ca….
Một đoạn tự thuật của ông : Trong một đêm Noel, sau khi đã "chạy sô" khắp các sân khấu, hộp đêm ở Sài Gòn, người nghệ sĩ hài đi lang thang vô định trên đường phố bởi không biết về đâu. Nhà ai cũng sáng choang đèn nến và bữa ăn reveillon rộn rã chuỗi cười duy chỉ có người nghệ sĩ là... đứng dựa cột đèn, lắng nghe giọng hát hài hước, vui nhộn của chính mình phát ra từ một đĩa pick-up của ngôi nhà đang có tiệc tùng mà thấm thía nỗi tủi cực ở phía sau ánh đèn màu hào nhoáng...
Quái kiệt Bảy Xê : Một thời với Ba Vân.
Quái kiệt kiệt Ba Vân : Ba Vân là những cây đại thụ trong làng điện ảnh, kịch và sân khấu cải lương, cùng thời với Năm Châu, Phùng Há, tôi biết ông và xem ông diễn trên sân khấu đoàn Dạ Lý Hương năm 1973 – 1975.
Bên nữ không thấy báo chí phong tặng danh hiệu quái kiệt, nhưng tôi thấy có 1 người rất xứng đáng được khen tặng danh hiệu này, đó là nghệ sĩ Phùng Há.
Thập niên 1960 – 1970, tôi có xem tuồng cải lương Đoạn Tuyệt, ở sân khấu Thanh Minh- Thanh Nga, trên truyền hình, nữ nghệ sĩ Phùng Há đóng vai nữ luật sư, biện hộ cho cô Loan, can tội giết chồng, thật là hay…cả nhà đều khen và khâm phục tài diễn xuất của cô. Vào khoảng 1985 -1986 (?) xem trên Kiến thức ngày nay, có 1 bài viết của Giáo sư Trần Văn Khê, viết về cô Phùng Há, kể lại : Khi ấy giáo sư Trần Văn Khê còn là Phó Chủ tịch hội âm nhạc thế giới, năm ấy nước Pháp đăng cai liên hoan, thi biểu diễn âm nhạc …có nhiều nước tham dự, Việt Nam không có đoàn nào, Giáo sư rất tiếc, tình cờ Giáo sư được biết cô Phùng Há đang ở Paris…Giáo sư đến gặp và thuyết phục Phùng Há dự thi, đoàn chỉ có 1 diễn viên, nói quá, Phùng Há chịu…Thế là Giáo sư Khê lấy cái máy casette thu tiếng trống, tiếng đờn 2 , 3 loại…dự thi với tư cách đoàn của nước Việt Nam Cộng Hòa, đến màn trình diễn vở Phụng Nghi Đình, Phùng Há độc diễn vai Lữ Bố hí Điêu Thuyền, giáo sư ngồi đờn cùng với dàn caseette thu âm sẳn…Đoàn Trung Hoa quốc gia (Đài Loan) nguyên bộ sâu chừng 20 người, cũng diễn vở Phụng Nghi Đình…kết quả đoàn Việt Nam Cộng Hòa đoạt giải nhì …Ở Sài Gòn, nhà nước không biết…Xứng đáng là quái kiệt hay không ?
Ngoài tài năng kiệt xuất, cô Bảy Phùng Há còn là 1 nhân cách tuyệt vời, cô cưu mang và giúp đỡ nhiều nghệ sĩ về già, nghèo khổ, cô quyên góp cùng tiền túi mua đất xây chùa Nghệ sĩ, nghĩa trang nghệ sĩ cùng nuôi dưỡng các nghệ sĩ già nơi đây.
Cô có nhiều lần được nhà nước đề nghị cấp cho cô huy hiệu Nghệ sĩ nhân dân (huy hiệu cao nhất), nhưng cô Bảy luôn từ chối không nhận, cô đưa ra yêu cầu phải cấp cho nghệ sĩ Năm Châu (Nguyễn Thành Châu) trước, sau đó cô mới nhận…bằng không thời thôi.
Cô mất năm 2009, được 99 tuổi. Cô Bảy Phùng Há cũng là vợ của Lê Công Phước, Phước công tử, Bạch công tử…vang danh 1 thời….
22/02/2020 Trịnh Kim Thuấn.
Phần 6
Các màn phụ diễn .
Thông thừơng tùy theo từng vở tuồng cải lương, được phân ra 2 màn – 3 cảnh hay 3 màn 4 cảnh..mỗi màn cách nhau chừng 15-20 phút, để các công nhân trong đoàn chuyển cảnh..từ cung điện nguy nga sang cảnh núi rừng hay nhà tranh bên bờ suối…khoảng cách này sẽ có các màn phụ diễn như vũ nhạc hay kịch ngắn, hài kịch (bây giờ gọi là tấu hài).
Nhờ năm 1959 …1960 có đoàn hát Hương Bình, năm sau đổi tên Hương Hoa rồi Tân Hương Hoa ở ông bầu Sinh, đến hát ở đình Lấp Vò, năm ấy tôi học lớp Ba, lớp Nhì…màn phụ diễn là vở kịch ngắn Quỷ nhập tràng..hay nhưng sợ thật…đoàn Hương Mùa Thu có sẳn 1 vũ đoàn dành cho màn phụ diễn này…
Đến năm 1965…trên các sân khấu Đại nhạc hội có tiết mục Vũ thoát y, còn gọi vũ Sexy…1 tiết mục không thể thiếu trong chương trình, qua báo chí biết có những nghệ sĩ vũ thoát y nổi tiếng : Thu Thủy – Nữ hoàng sexy, Tuyết Nhung, Mai Thanh Trúc….rồi lang sang cải lương, các đoàn cải lương đều có phụ diễn Vũ sexy, đoàn lớn thì có 1 nghệ sĩ chuyên nghiệp, trung và tiểu ban thì có 1 nghệ sĩ ca diễn trong đoàn kiêm luôn tiết mục này…Các đoàn hát lưu diễn về thôn quê, không có tiết mục này là ế, vì 70% khán giả là thanh niên, thanh nữ….
Xin kể lại 1 chuyện : Chuyện có thật 100%, người viết bài là người trong cuộc, có 1 số nhân vật trong bài còn sống…không tin tôi dẫn đi gặp mấy người này hoặc đưa hình cho coi…
Các đoàn cải lương và màn vũ thoát y
Trịnh Kim Thuấn
Thứ năm ngày 15 tháng 8 năm 2013 9:41 PM
Trịnh Kim Thuấn
Thứ năm ngày 15 tháng 8 năm 2013 9:41 PM
Khoãng năm 1965 ở miền Nam bắt đầu xuất hiện : Vũ Thoát y công khai ở các chương trình Đại Nhạc Hội hằng tuần ở Sài Gòn do Duy Ngọc tổ chức, thỉnh thoảng vài ba tháng ông Duy Ngọc mang về các tỉnh lân cận 1 lần.
Chương trình Đại Nhạc Hội (bây giờ gọi là Tạp Kỹ) gồm ca tân nhạc gồm các ca sĩ nổi danh đương thời : Phương Dung, Minh Hiếu, Thanh Tuyền, Nhật Trường, Duy Khánh, Việt Ấn, Thanh Hùng …. Ca cổ nhạc thì có Út Trà Ôn, Út Bạch Lan …. Hấp dẫn nhất là màn trình diễn của Quái kiệt Trần Văn Trạch (người ca bài Xổ Số hàng tuần trên Đài Phát thanh Sài gòn), Tùng Lâm, Phi Thoàn … Phần chính của chương trình là 1 vỡ thoại kịch, thường thường là Ban kịch Kim Cương hoặc Ban kịch Thẩm Thúy Hằng, tôi còn nhớ : Kim Cương đóng cặp với La Thoại Tân ; Thẩm Thúy Hằng đóng cặp với Vân Hùng, các vỡ kịch hay là Lá Sầu Riêng, Trà Hoa Nữ, Sông Dài ….. nhưng hấp dẫn và sôi động nhất là màn Thoát Y vũ . Các nghệ sĩ vũ thoát y thời đó là Nữ hoàng Thu Thủy, Tuyết Nhung, Mai Thanh Trúc …..
Rồi các đoàn hát cải lương phải kiếm khách thêm : giửa 2 màn hát có thêm màn phụ diễn Vũ thoát y, lúc đầu là các đại ban, kế đến là trung ban, tiểu ban đều phải có.
VŨ THOÁT Y VỀ NÔNG THÔN :
Sau năm 1968 (năm Mậu Thân) các đoàn hát chuyển dịch về nông thôn … có khi hát ở Nhà lồng chợ, có khi ở Đình. Hay hay dỡ gì không biết, vẫn phải có màn phụ diễn Vũ thoát y, không có thì ế, còn Vũ hay hay dỡ không sao, có Vũ là được, vì đa số khán giả là thanh niên. Thời ấy nông thôn buồn lắm quí vị ạ ! Ngày nào cũng nhìn thấy máy bay quân sự bay ngang bầu trời, tiếng đại bác ầm ì từ xa …. Điện đóm không có, vài ba chục nóc gia có được 1 cái tivi 14 inchs trắng đen, sử dụng bằng bình ắc cuy, chỉ tối thứ bảy có tuồng cải lương hàng tuần mới kéo lại xem .
Năm ấy 1973, bọn chúng tôi mua giàn đoàn hát Thái Dương 3, về hát tại đình An Hòa (Xã Hòa Bình cũ, bây giờ là ấp An Mỹ, xã Hòa An, huyện Chợ Mới , tỉnh An Giang), vì hát trong đình, có màn phụ diễn Vũ thoat y thì phải thông qua Ban Tế Tự đình. Bác Năm Lương (lúc ấy trên 70 tuổi, còn tráng kiện), cương quyết không cho, vì đây là nơi thờ Thần, chốn linh thiêng … đã mua giàn xong, nếu không có màn phụ diễn nầy : LỖ LÀ CÁI CHẮC. Tranh thủ sáng sớm hôm sau uống cà phê, chúng tôi mời hết các vị trong Ban Tế Tự để thuyết phục …. Năn nỉ gần gãy lưỡi, sau cùng Ban Tế Tự đồng ý phương án : Lấy 1 tấm màn lớn (cái nầy đoàn hát nào cũng có sẳn), che bít ngang cái bàn Thần lại, ràng buộc cẩn thận … chỉ chừa lại phần sân khấu và khán giả xem hát ……. Thở phào, nhẹ nhỏm .
Khi rao bảng hát, anh rao bảng phải nhấn mạnh có phụ diễn Vũ thoát y .
Vé hát có 2 loại : Loại ghế ngồi thì có số ghế hẳn hoi, hạng nhất, nhì , ba . Loại đứng thì bán vé không hạn chế ….
Thời đó chúng tôi cũng còn trẻ, từ 20 đến 25 tuổi , cũng háo hức với màn phụ diễn nầy.
Đoàn hát đã diễn xong 1 màn, sắp đến màn phụ diễn Vũ thoát y, thì người bán vé dẹp bàn, bỏ cùi vé và tiền tiền bán vé vào bọc vải đi thẳng lên sân khấu, 2 anh soát vé, 2 anh sắp ghế cũng thế , đứng sát bên cánh gà xem cho nó đã ( vì chúng tôi là người mua giàn mà ! ).
Đèn đuốc tắt phụt, điệu nhạc TABU trỗi lên … màn từ từ kéo, vũ công xiêm y lã lướt, đèn sáng lên chậm chạp…..các xiêm y lần lượt được trút bỏ, sau cùng chỉ còn lại 10 %.
Mấy ông trong Ban Tế Tự ngồi ở hàng ghế đầu ( khách mời danh dự mà !) lúc đầu còn ngồi, chừng giữa màn đều nhỏm đít lên … khán giả ghế ngồi cũng đứng lên , số khán giả vé đứng phía sau cùng hết thấy rõ, mấy anh chàng đứng chót hết, sát tấm vải ngăn, vói tay níu tấm màn để nhón chân lên xem . Gần hết màn phụ diễn, đứng trên sân khấu, tôi quan sát khán giả, thì hỡi ôi ! tấm màn đã bị đứt dây tuột xuống đất hồi nào rồi …..
Đêm hát thành công tốt đẹp, bọn chúng tôi có lời .
Sáng sớm mời cả Ban Tế Tự điểm tâm, cà phê, nói cười vui vẽ, kế đó là xin lỗi Bác Năm, Trưởng Ban Tế tự, báo cáo là tấm màn ngăn chịu không nổi sức kéo của khán giả, nên bị đứt dây rớt xuông.
Bác Năm : Lỡ rồi thời thôi !
Một đứa trong bọn chúng tôi : Bác Năm à ! con thấy không phải tấm màn nầy đương không rớt xuống đâu ! mà là ông Thần , ổng cũng muốn xem Vũ thoát y nữa đó Bác Năm à !
Bác Năm : Ôi thôi, bọn bây muốn làm gì thì làm ! (có lẽ Bác Năm cũng nói thầm trong bụng : hễ đêm nào hát thì tao có coi Vũ thoát y là được )
Kể từ đó, các đoàn hát cải lương về đình An Hòa hát, màn phụ diễn Vũ thoát y khỏi phải thông qua Ban Tế Tự và khỏi che chắn gì cả .
Xã Hòa Bình thuở ấy đến ngày 30/4/1975 mưa thuận, gió hòa, dân tình sung túc, gần như không bị ảnh hưởng của cuộc chiến tranh…. Và cũng không một ai nằm mộng thấy ông Thần báo mộng quở trách : Tại sao đem Vũ thoát y vào trong đình của ổng ?
Còn tiếp .
23/02/2020 Trịnh Kim Thuấn.
Ảnh chỉ tính minh họa, không liên quan bài viết.
Phần 7
Kỷ niệm gặp gỡ nghệ sĩ :
Từ đầu năm 1972 – đến giữa năm 1974, nhóm chúng tôi 5,6 người đã mua dàn chừng 10 đoàn hát về hát ở đình An Hòa , thuộc ấp An Mỹ, xã Hòa Bình, đại ban, trung ban và tiểu ban đều có, như Dạ Lý Hương, Kim Chung 2, Kim Chung 5, Hương Dạ Thảo, Thái Dương 3…tiếp xúc với các nghệ sĩ cũng nhiều …có đoàn sau khi vãng hát, ngồi nhậu với mấy anh kép đến 1,2 giờ sáng…biết thêm số chuyện sau hậu trường sân khấu. Chuyện bà Ngọc Bê chủ đoàn hát Hương Dạ Thảo, là vợ của kép chánh Phương Bình, lớn hơn Phương Bình 16 tuổi….
Xin kể lại kỷ niệm sâu đậm nhất, khi mua dàn đoàn hát Dạ Lý Hương :
Khoảng giữa năm 1973, đoàn Dạ Lý Hương về hát tại đình An Hòa, đám mua dàn chúng tôi buổi trưa vào đình quét dọn, sắp xếp ghế đẳng lại chuẩn bị xuất diễn buổi tối, rãnh rang có bác Ba Vân (quái kiệt Ba Vân), kép Thanh Tú ,đến ngồi ghế xem chúng tôi làm, làm xong chúng tôi quây quanh bác nói chuyện, tôi có hỏi Bác Ba :
-Thưa Bác, theo Bác trong các loại tuồng hát, loại tuồng nào diễn xuất khó nhất ?
-Tuồng xã hội là khó nhất , vì khi diễn các tuồng loại hương xa, kiếm hiệp…khi quên tuồng thì diễn cương, nói cương, múa cương….cũng không sao…còn tuồng xã hội là dạng tuồng phản ánh đời sống ngày thường, các chuyện xảy ra quanh ta hàng ngày, cho nên từng lời nói, từng cử chỉ phải giống như thế, nói cương, diễn cương là khán giả biết ngay…và phải nhập vai cho trọn vẹn…
-Thưa Bác, bác là nghệ sĩ kỳ cựu, theo bác có kỷ niệm nào hay nhất, đáng nhớ nhất ?
-Nhiều lắm, kể sao cho hết…Kỷ niệm không lớn, nhưng Bác luôn nhớ là trước năm 1954, khi chưa chia 2 miền Nam – Bắc, có lần đoàn hát diễn tại Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, hát trong cái đình tương tự như ở đây, Móng Cái nhỏ, không có chợ quán chi cả, sáng sớm đi bộ chừng vài trăm mét, qua biên giới bên kia, điểm tâm hủ tiếu, bánh bao, uống cà phê…kỷ niệm là tối hát bên Việt Nam , sáng điểm tâm, cà phê bên Tàu…sướng không ?
Quay sang kép Thanh Tú, tôi vả lả : Có hứa vời anh Tư Hiếu (trưởng đoàn hát) là mướn cho các anh chổ ngủ, chổ ngã lưng…nhưng bà con ở đây không chịu dù chúng tôi hết sức năn nỉ họ, làm cho anh , bác ba và các nghệ sĩ đều ngủ trong đình, thật là áy náy vô cùng…
Thanh Tú cười nhẹ, trả lời : không sao đâu mấy anh…theo tôi như thế này mới là hay …
- Hay chỗ nào ?
-Mấy anh biết, đám đào, kép có tiếng như chúng tôi, khi về hát ở Sài Gòn , tuy chung đoàn, diễn chung tuồng thế mà ít có khi chuyện trò riêng tư với nhau…trước khi kéo màn, chúng tôi đến trước chừng 20 – 30 phút làm mặt, rồi ra sân khấu, vãng tuồng hát, rửa mặt xong là vội vã về nhà…có người làm mặt ở nhà, đến rạp là diễn luôn, vãng hát để nguyên mặt, về nhà rửa…gần như không nói chuyện riêng với nhau .Ở đây có dịp chuyện trò, gặp mặt nhau suốt ngày….
Chiều hôm đó, 5 giờ rưỡi chiều trời đổ mưa, đêm đó không hát, chúng tôi rủ kép Thanh Tú cùng vài người trong đoàn, đốt cái đèn măng xông đi ra đồng bắt cóc, ếch, nhái về nấu cháo đêm…lai rai, chuyện trò rôm rã…
Chiếc chiếu ngủ của kép Thanh Tú trãi trong hậu liêu đình, kế bên chiếc chiếu của cô đào Trang Bích Liễu…sau chuyến lưu diễn đó, kép Thanh Tú kết hôn cùng cô đào Trang Bích Liễu….
Đôi dòng tâm tình : Viết được loạt bài này là nhờ anh Kha Tiệm Ly truyền cảm hứng từ bài Cải lương xưa trên Phây…có người bình luận trên Phây của anh Kha …cái gì cũng có 1 thời, thời cải lương cũng đã qua…
Đồng ý, thời nay cải lương vẫn còn, tuồng tích vẫn có, đào kép mới cũng nhiều, nhưng sao mà lòng mình vẫn không thích…vẫn nhớ về cải lương xưa… vẫn nhớ tiếng trống rao bảng hát, vẫn nhớ mấy cái micro treo lủng lẳng trong rạp hát được kéo tới, kéo lui khi diễn viên di chuyển trên sân khấu…có khi đánh kiếm, kéo không kịp, ngọn kiếm quơ trúng….rồi khi đào hay kép xuống vọng cổ là “phựt đèn màu”…nhớ nhất là những màn phụ diễn thoát y vũ…nhớ những cánh màn nhung mở ra rồi khép lại...Ánh đèn màu còn để chỉ giới sân khấu, cải lương là thế !
Suy nghĩ vẫn vơ, ở miền Nam này, lứa tuổi chúng tôi còn may mắn thưởng thức được món cải lương, đến nỗi trong máu đang chảy cũng có cải lương…cô bạn phây ,nhỏ hơn tôi vài ba tuổi…cũng vừa lên tiếng , cô thuộc lòng từng câu nói lối, từng bản vắn, bản dài trong tuồng cải lương Sơn nữ Phà Ca (Người vợ không bao giờ cưới) dù cô là cô giáo chứ không phải đào hát (?) từ năm 9,10 tuổi…và còn nhớ đến bây giờ…Qua Internet, tôi mới biết ở miền Bắc, sau năm 1954, nhà thơ lớn Tố Hữu, sau khi dẹp xong nhóm Nhân Văn – Giai phẩm, ông ta đích thân khai tử luôn 2 môn nghệ thuật : Cải lương và kịch thơ…thế là mới biết từ 1954 – 1975, miền Bắc không có cải lương…..
Sau 30/4/1975 Cải lương miền Nam không bị cấm, nhưng phải được sắp xếp lại, không còn Thanh Minh – Thanh Nga , Hương Mùa Thu, Dạ Lý Hương…chi cả, mà là Trần Hữu Trang, Sài Gòn 1, Sài Gòn 2…các tỉnh đều có 1 đoàn cải lương, dạng đại ban, các trưởng đoàn là những người biết nhiều hay ít về đờn ca, là đảng viên, là cán bộ kháng chiến từ chiến khu về…các đoàn hát được bao cấp từ ngân sách địa phương, trung ương, tuồng tích thì lấy 1 số tuồng đã được diễn từ trong chiến khu, đánh Pháp, đánh Mỹ như Người Ven Đô, đấu tranh giai cấp như Đời Cô Lựu, Tiếng hò sông Hậu, Ngao Sò Ốc Hến, Máu thắm dồng Nọc Nạn….rồi từ từ tàn lụi dần…các tỉnh bây giờ gần như không còn đoàn hát…bây giờ trà dư, tửu hậu, nếu nhắc đến cải lương, thì kể về thời xa xưa ấy….thời nay có gì đâu mà kể….
Cải lương không đơn thuần là giải trí, mà là còn giáo huấn con người : đạo làm người, trung, nghĩa, lễ , trí, tín nhất là chữ hiếu, đạo làm con, đạo làm cha mẹ…từ những chuyện tình vu vơ như : Tình anh bán chiếu, Gánh nước đêm trăng, Võ Đông Sơ, Lương Sơn Bá…còn có những Trống loạn Thăng Long thành, Tiếng kèn thúc quân…nói về lòng yêu nước , những tuồng cải lương giả sử viết về lịch sử như Nấm cơm chan máu, Tiếng trống sang canh, Trăng nước Lam giang, Người vợ không bao giờ cưới…những vở cải lương đầy ấp sự hiếu thuận, hiếu thảo : Tấm lòng cửa biển, Bông hồng cài áo, Tiếng hạc trong trăng….
Các soạn giả cho ta những câu thơ hay, những đoạn văn tuyệt vời như :
Ngọc Hà ơi ! Mắt nàng đã gây nên sóng gió.
Cho khổ đau cuồng loạn bấy tâm tư.
Rồi đây trang sử tình vạn lý.
Có mấy muôn dòng lệ thấm mi….. (Mắt em là bể oan cừu)
Cho khổ đau cuồng loạn bấy tâm tư.
Rồi đây trang sử tình vạn lý.
Có mấy muôn dòng lệ thấm mi….. (Mắt em là bể oan cừu)
Hay : Bây giờ là canh mấy ?
Mới đầu hôm mà tóc ta đã bạc .
Mới đầu hôm mà rượu cạn mấy mươi ly ….(Thuyền ra cửa biển)
Mới đầu hôm mà tóc ta đã bạc .
Mới đầu hôm mà rượu cạn mấy mươi ly ….(Thuyền ra cửa biển)
Một đoạn văn tuyệt vời :
"Hễ … mỗi lần thấy bông ô môi nở hồng trong gió chướng, mỗi lần nghe tiếng quết bánh phồng rộn rã đón xuân sang, mỗi lần có dịp về Vĩnh Long đi ngang Tân Ngãi thấy nhà chợ Trường An, là mỗi lần tôi nhớ đến mùa xuân của đầu năm binh lửa…”(Tuyệt tình ca)
Tạm dừng . Rất mong được sự góp ý của chư bằng hữu…xin cám ơn trước .
24/02/2020 Trịnh Kim Thuấn.