Tim thông tin blog này:

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2020

Số phận bi tráng của 10 nguyên soái “khai quốc công thần” Trung Quốc và 49 bà vợ

Thứ Ba, 16/6/2015 15:02 GMT+7

(PLO) - Ngày 29/7/1955, Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân (Quốc hội) khóa 1 Trung Quốc đã thông qua nghị quyết về việc phong hàm Nguyên soái nước  CHND Trung Hoa cho 10 nhà quân sự đã có công lao lớn trong sự nghiệp kháng nhật, chiến tranh giải phóng, thành lập nhà nước Trung Quốc mới; đồng thời tặng mỗi người 1 Huân chương (HC) Bát Nhất, 1 HC Độc lập tự  do và 1 HC Giải phóng.
Mười vị đó là: Chu Đức, Bành Đức Hoài, Lâm Bưu, Lưu Bá Thừa, Hạ Long, Trần Nghị, La Vinh Hoàn, Từ Hướng Tiền, Nhiếp Vinh Trăn, Diệp Kiếm Anh. 
Tuy nhiên, cùng với lịch sử đầy biến động của Trung Quốc, số phận những vị “khai quốc công thần” này cũng đầy thăng trầm và có những người phải chịu oan khuất nơi chín suối. Cuộc đời và cuộc sống gia đình của họ gần đây mới được mọi người biết đến rộng rãi qua báo chí Trung Quốc…
Chu Đức - Nguyên soái Tổng tư lệnh với 6 bà vợ
Chu Đức (1886-1976) tên thật là Chu Đại Trân, quê Tứ Xuyên, sinh ra trong gia đình nghèo. Bà mẹ sinh 13 người con, chết 5, còn lại 8 nhưng chỉ 3 người được đi học, trong đó có Chu Đức. 
Ông vốn là Trung tướng lục quân thời kỳ Bắc Dương, thời kỳ kháng Nhật được chính phủ Quốc dân phong hàm Thượng tướng, khi nước Trung Quốc mới được thành lập ông là Tổng tư lệnh, người chỉ huy cao nhất quân đội, đứng đầu danh sách các nguyên soái. Từ 1955, ông là Phó Chủ tịch Đảng CS Trung Quốc, Phó chủ tịch Quân ủy. Từ 1959, ông là Chủ tịch Quốc hội cho đến khi qua đời vì bệnh năm 1976.
Về cuộc sống riêng, Chu Đức có 6 bà vợ chính thức. Năm 1905, sau kỳ thi cuối cùng trong đời học sinh, ông về quê rồi cưới người chị họ lớn hơn 2 tuổi là Lưu Thị theo sắp xếp của cha mẹ. Bà này hiền hậu nhưng Chu Đức không thích, năm 1906, ông lấy cớ đi tìm thày để học rồi đi luôn không về. 
Sau khi ông đi, bà Lưu ăn chay niệm Phật để cầu cho chồng bình an. Sau năm 1949, Chu Đức cho người về quê đón bà lên Bắc Kinh để nuôi dưỡng nhưng bà từ chối. Năm 1958, bà Lưu mất ở tuổi 74.
Năm 1912, chàng Thiếu tá 26 tuổi Chu Đức của lộ quân Vân Nam cưới cô sinh viên Sư phạm Côn Minh 18 tuổi Tiêu Cúc Phương - em gái một người bạn - làm vợ. Ông rất yêu quý người vợ trẻ đẹp, có học, tư tưởng tiến bộ này. 
Năm 1916, bà sinh con trai là Chu Kỳ, Chu Đức rất mừng, hăng hái chiến đấu lập nhiều công tích. Nhưng đầu năm 1917, Tiêu Cúc Phương bị bệnh, chữa mãi không khỏi rồi mất năm 1919. Chu Đức đau xót làm 7 bài thơ khóc vợ, trong đó có bài “Điếu vong thi” nổi tiếng.
Cám cảnh thủ trưởng gà trống nuôi con nhỏ, người cán bộ thuộc cấp của Chu Đức là Trần Bình Huy đã giới thiệu cho ông cô em gái 21 tuổi là Trần Ngọc Trinh để thay ông nuôi dạy con trai. Tuy nhiên là lính nên Chu Đức nay đây mai đó, chẳng có thời gian sống bên bà. Trần Ngọc Trinh một mình nuôi con hộ chồng đến năm 1967 thì qua đời.
Sau khi rời Tứ Xuyên, Chu Đức được Chu Ân Lai giới thiệu vào ĐCS Trung Quốc, sang Liên Xô du học. Đi cùng ông là cô gái 19 tuổi xinh đẹp thông thạo mấy ngoại ngữ Hà Trị Hoa. Họ cùng nhau ở Đức rồi sang Liên Xô. Năm 1926, Hà Trị Hoa sinh con gái là Chu Mẫn (tên ở nhà là Tứ Tuần, vì khi đó Chu Đức tròn 40 tuổi), nhưng rồi do tính tình không hợp nên họ nhanh chóng chia tay nhau. 
Bà Hà Trị Hoa lấy Hoắc Gia Tân, một nhà hoạt động cách mạng trẻ du học ở Pháp; Chu Mẫn theo cha về nước và cả đời không bao giờ gặp lại mẹ nữa. Nhưng chuyện không dừng ở đó, vợ chồng Hoắc Gia Tân, Hà Trị Hoa sau về Thượng Hải hoạt động nhưng phản bội, chủ động bán rẻ lãnh tụ La Diệc Nông cho địch, rồi bị đội trừ gian của Trần Canh nhận lệnh trừng trị: Hoắc Gia Tân bị bắn chết, Hà Trị Hoa bị trọng thương, chạy trốn về Tứ Xuyên lấy chồng là nông dân rồi chết vì bệnh trước khi cách mạng Trung Quốc thành công năm 1949. Đó là một chuyện buồn mà cha con Chu Đức, Chu Mẫn không muốn nhắc đến…
Mùa xuân 1928, khi Hà Trị Hoa phản bội cách mạng thì Chu Đức dẫn quân về Lai Dương, Hồ Nam. Ở đây ông gặp và cưới người vợ thứ 5 là Ngũ Nhược Lan, một đảng viên, nữ tú tài xinh đẹp 24 tuổi. Sau tuần trăng mật, hai vợ chồng kéo quân lên Tỉnh Cương Sơn gặp Mao Trạch Đông. 
Sự nghiệp của Chu Đức có bước phát triển mạnh, nhưng trong đợt chống vây quét thứ ba, khi cùng đơn vị bảo vệ yểm trợ cho Chu Đức phá vây, Ngũ Nhược Lan khi đó đang có mang đã bị thương rồi bị địch bắt. 
Bất chấp mọi đòn tra tấn, bà vẫn quyết không khuất phục, đích thân Tưởng Giới Thạch đã ra lệnh chặt đầu bà để thị chúng. Chu Đức hay tin vô cùng đau xót, thương cảm. Ông rất yêu quý Ngũ Nhược Lan và đó có lẽ là lý do ông cả đời đều thích hoa Lan, làm rất nhiều bài thơ về hoa Lan.
Sau khi Ngũ Nhược Lan chết, ở tuổi 43, Chu Đức đã gặp, yêu và kết hôn với Khang Khắc Thanh, nữ chiến sĩ Hồng quân 17 tuổi. Khang Khắc Thanh, người vợ thứ 6 đã gắn bó với ông trong suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời. 
Bà đã được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng như Ủy viên Trung ương ĐCS Trung Quốc, Chủ tịch Hội phụ nữ, Phó Chủ tịch Chính Hiệp (mặt trận) toàn quốc. Trong thời kỳ Cách mạng văn hóa (CMVH), bà đã bị giam lỏng, sau đó được minh oan. Khang Khắc Thanh mất ngày 22/4/1992, thọ 80 tuổi.
Bành Đức Hoài - nguyên soái chịu nhiều tai ương và 2 bà vợ
Bành Đức Hoài (1898- 1974) tên thật Bành Đắc Hoa, người cùng quê Tương Đàm, Hồ Nam với Mao Trạch Đông. 6 tuổi ông đã biết đọc “Luận Ngữ”, nhưng năm 10 tuổi phải rời nhà đi ăn xin. 
Năm 1918 ông đính hôn với người em họ là Chu Thụy Liên, nhưng sau đó ông bỏ nhà nhập ngũ để “tìm đạo lý cho người nghèo”. Ở  nhà, do bị địa chủ bức bách, cha đẻ Chu Thụy Liên bị bức tử, bà cũng nhảy núi tự tử vì không chịu bán thân.
Năm 1922, được bạn bè mai mối, Bành Đức Hoài kết hôn với Lưu Tế Muội, một cô gái mới 12 tuổi, nhưng khai tăng thành 14. Cưới xong ông đổi tên vợ thành Lưu Khôn Mô, dạy vợ biết đọc và viết. 
Năm 1928 khi nổ ra Khởi nghĩa Bình Giang, ông đưa vợ về nhà ngoại, hẹn sau khi cách mạng thắng lợi sẽ về đón, nhưng không ngờ bị mất liên lạc. Mang tiếng “vợ phỉ”, Lưu Khôn Mô phiêu dạt khắp nơi, sau lấy chồng khác ở Hán Khẩu, sinh được 1 con gái. 
Năm 1937, khi biết tin Bành Đức Hoài đã là Phó Tổng tư lệnh Bát lộ quân, bà liền viết thư ngỏ ý muốn gặp lại. Ông nhận được thư, lập tức cho người đón lên Diên An và bố trí công tác. Tuy nhiên, hai người không thể “gương vỡ lại lành” được nữa. Sau bà lấy ông Nhiệm Sở Hiên, một trưởng phòng ngân hàng ở Thiểm Cam Ninh. Sau giải phóng bà cùng chồng về Bắc Kinh rồi chuyển lên Cáp Nhĩ Tân sinh sống.
Sau đó, Bành Đức Hoài cũng có thêm dăm bảy mối tình với các nữ Hồng quân, nữ nhà báo, cả phụ nữ nước ngoài ở Diên An, nhưng chả đâu vào đâu. Mãi đến năm 1938, qua mai mối của bà Mạnh Khánh Thụ (phu nhân ông Vương Minh, Tổng bí thư), vị Phó Tổng tư lệnh 40 tuổi mới kết hôn cùng Phổ An Tu, cô sinh viên ĐHSP Bắc Bình 20 tuổi, xinh đẹp nổi tiếng. 
Hai người không có con nhưng rất hạnh phúc trong những năm tháng chiến tranh. Sau Hội nghị Lư Sơn (1959, Bành Đức Hoài phê phán Mao Trạch Đông), do chịu nhiều sức ép, Phổ An Tu đã tuyên bố cắt đứt quan hệ với chồng. Trong Cách mạng Văn hóa, khi trường ĐHSP Bắc Kinh tổ chức đấu tố Bành Đức Hoài, bà cũng bị đưa đến. Ông thét lớn: “Tôi với bà ấy đã chia tay lâu rồi, bà ấy vô tội”, nhưng bà vẫn bị Hồng vệ binh giày vò, đánh đập đến mức định tự sát. 
Cả cuộc đời hai lần kết hôn, trải qua không ít mối tình, nhưng Bành Đức Hoài không có con cái. Vị tướng tài ba từng là Tư lệnh kiêm Chính ủy Chí nguyện quân Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương này trong Cách mạng Văn hóa đã bị đấu tố tàn khốc, bị giam giữ và chết vì bệnh ung thư ngày 29/11/1974. Đến tháng 12/1978, ông được minh oan và khôi phục danh dự…/. 
(PLO) - Pháp luật 4 phương xin gửi tới độc giả phần tiếp theo của bài viết "Số phận bi tráng của 10 nguyên soái “khai quốc công thần” Trung Quốc và 49 bà vợ "
Lâm Bưu, “Nguyên soái phản bội” và hai người vợ
Lâm Bưu (1906-1971) là nhân vật gây tranh cãi nhất trong số 10 nguyên soái. Người yêu quý thì sùng bái ông như thiên thần, kẻ ghét thì chửi ông đạo danh lừa đời. Số phận Lâm Bưu chính là sự phản ánh sự phức tạp của lịch sử cũng như vai trò của ông trong lịch sử Trung Quốc hiện đại.
Lâm Bưu quê ở Hoàng Cương, Hồ Bắc, lúc trẻ lấy tên là Lâm Dục Dung, Lâm Đại Dũng… Năm 1925 khi vào Trường quân sự Hoàng Phố, ông đổi tên thành Lâm Bưu. Ông trưởng thành kinh qua mọi chức vụ từ đại đội trưởng,  tiểu đoàn trưởng đến quân đoàn trưởng, là nhà quân sự nổi tiếng, sư trưởng trẻ nhất của 1 trong 3 sư đoàn của Bát lộ quân, chỉ huy các chiến dịch nổi tiếng Liêu Thẩm, Bình Tân. 
Sau giải phóng ông được giao giữ các chức Phó chủ tịch Hội đồng quốc phòng, Bộ trưởng quốc phòng, Phó chủ tịch Quân ủy. Trong CMVH ông bị kết tội thành lập “tập đoàn phản đảng”, âm mưu hãm hại lãnh đạo đảng, nhà nước, cướp quyền lãnh đạo tối cao. Bị lộ, ông đã chạy trốn và máy bay chở ông cùng vợ, con trai và một số tướng lĩnh đã bị rơi trên đất Mông Cổ.
Về đời riêng, trên danh nghĩa Lâm Bưu có 3 vợ, nhưng thực tế chỉ có 2. Khi ông đang học trường Hoàng Phố, cha mẹ ông đã dạm ngõ và cưới cho ông cô gái xinh đẹp Uông Tĩnh Nghi rồi gọi ông về để “sự đã rồi”, nhưng ông không về. Uông Tĩnh Nghi tự coi mình là gái đã có chồng, cứ đợi Lâm Bưu cả đời cho đến khi chết vì bệnh phổi năm 1963.
Năm 1937, ở Diên An, Lâm Bưu kết hôn với Trương Mai, một cô gái 20 tuổi xinh đẹp người Thiểm Bắc, sinh được con gái là Lâm Hiểu Lâm. Tuy nhiên cô vợ trẻ nhí nhảnh, vô tư này không biết cách chăm sóc ông chồng thô ráp nên sau khi Lâm Bưu bị thương phải sang Liên Xô chữa trị, quan hệ hai người nhạt dần, rồi ly dị. 
Trương Mai kết hôn với Từ Giới Phan một sĩ quan tham mưu trong quân đội Liên Xô, sau này trở về Trung Quốc là Thiếu tướng Phó Viện trưởng Công trình Tăng thiết giáp. Bà Trương Mai cũng công tác ở Bộ Tổng tham mưu rồi nghỉ hưu ở Băc Kinh.
Người vợ thứ hai của Lâm Bưu là Diệp Quần, ít hơn ông 8 tuổi. Diệp Quần tên thật là Diệp Nghi Kính, người Phúc Kiến, đã học qua trung học, là phát thanh viên đài phát thanh của Quốc dân đảng. Sau đó bà bỏ vào Diên An, đổi tên thành Diệp Quần, làm cán bộ tổ chức của trường Đại học phụ nữ. 
Mục tiêu của bà là lấy chồng là cán bộ cao cấp nên khi nghe tin Lâm Bưu bỏ vợ từ Liên Xô trở về, bà đã chủ động tiếp cận. Hai người nhanh chóng làm quen và chính thức kết hôn vào năm 1943. Năm sau, Diệp Quần sinh con gái Lâm Lập Hằng (Đậu Đậu), năm sau nữa thì sinh con trai Lâm Lập Quả. 
Hai người đã sống cùng nhau từ đó đến khi cùng con trai chạy trốn và cùng chết trên sa mạc ở Mông Cổ trong “Sự kiện 13/9/1971”. Về sự nghiệp, trong CMVH Diệp Quần là Tổ phó CMVH toàn quân, năm 1969 trở thành Ủy viên TW ĐCS Trung Quốc, được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị.
Lưu Bá Thừa, vị nguyên soái thọ nhất với 3 lần kết hôn
Lưu Bá Thừa (1892-1986) là người thọ lâu nhất trong số 10 nguyên soái. Do ông bị mất một mắt hồi chiến tranh nên còn có biệt danh “Lưu chột”. Ông quê Tứ Xuyên, 5-6 tuổi đã học viết và tập võ, thường được ví với “Một vũ tiễn” Trương Thanh trong “Thủy Hử”, được coi là người giỏi kungfu nhất trong số các tướng soái. Trong chiến tranh giải phóng ông là tướng tài nổi tiếng. 
Sau khi được phong Nguyên soái năm 1955, năm 1957 ông là Viện trưởng kiêm chính ủy Học viện Quân sự cấp cao. Năm 1958 ông bị phê phán vì “tiêu biểu cho chủ nghĩa quân sự giáo điều”, bị buộc rời chức. Năm 1966 ông được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch quân ủy. Từ 1973 ông bị mất khả năng tư duy, từ 1980 không còn khả năng tự chủ bản thân. Năm 1982 ông xin từ bỏ mọi chức vụ vì lý do sức khỏe. Ngày 7/10/1986 ông từ trần, thọ 94 tuổi. 
Năm Lưu Bá Thừa 13 tuổi, cha mẹ đi hỏi cho ông cô vợ 11 tuổi tên Trình Nghi Nghệ, ông không thích nên cố ý để mặt mũi lem luốc, nhưng nhà gái thấy tướng mạo ông phi phàm nên vẫn nhận lời gả con. Để trốn tránh, ông bèn kiếm cớ đi học ở xa, nhưng cô Trình vẫn không chịu buông. 
Năm 1910, Lưu Bá Thừa phải kết hôn, 2 năm sau thì Trình Nghi Nghệ sinh con trai Lưu Tuấn Thái. Cùng năm, Lưu Bá Thừa đi lính, rồi tham gia cách mạng, từ đó không liên lạc về nữa. Trình Nghi Nghệ một mình nuôi con, đến năm 1957 thì qua đời. Trong thời gian hai người xa nhau, có lần cậu con Lưu Tuấn Thái dẫn bạn gái tìm ông xin tiền, bị ông mắng mỏ, anh này đã tìm cơ quan có trách nhiệm tố giác bố bỏ rơi vợ con, nhưng do Lưu Bá Thừa đã báo cáo mọi chuyện từ trước nên thoát nạn.
Năm 1930, Lưu Bá Thừa hoạt động bí mật ở Thượng Hải, ông kết hôn với Ngô Cảnh Xuân, một trí thức trẻ. Năm 1932 ông vào khu căn cứ làm Hiệu trưởng trường Hồng quân, rồi giữ chức Tổng TMT và đứt liên lạc với vợ.
Năm 1936, vị Tổng Tham mưu trưởng (TMT) 44 tuổi bỗng nổi hứng làm thơ tình tặng cô gái 19 tuổi Uông Vinh Hoa mới từ An Huy vào khu căn cứ gia nhập Hồng quân. Cô gái trẻ đẹp cũng đem lòng si mê vị chỉ huy trẻ đa tài. Trung thu năm đó hai người kết hôn. Từ đó bà luôn theo sát ông trên cương vị thư ký riêng, gắn bó lo lắng chăm sóc chồng, con. Hai ông bà có 6 người con, trong đó có 4 người mang hàm Thiếu tướng quân đội. Bà Uông Vinh Hoa từ trần ngày 27/5/2008, thọ 91 tuổi.
Hạ Long, nguyên soái chết oan khuất với 6 người vợ
Trong số 10 vị nguyên soái “khai quốc công thần’ thì Hạ Long (1896-1969) là người có số phận kỳ lạ và khốn khổ nhất. Quê ở Tang Thực, Hồ Nam, sinh ra trong gia đình nông dân nghèo khổ, bỏ học từ sớm, nhưng Hạ Long tính khí trượng nghĩa khinh tài, nổi tiếng là người dám đấu tranh chống các thế lực hắc ám. 
Ông lãnh đạo một đội quân nông dân nổi dậy diệt ác, năm 1914 tham gia đảng cách mạng của Tôn Trung Sơn, 30 tuổi là sư đoàn trưởng quân cách mạng Quốc dân. Năm 1927 ông dẫn quân tham gia Khởi nghĩa Nam Xương, gia nhập ĐCS Trung Quốc. Trong kháng Nhật và nội chiến, ông là một tướng tài nổi tiếng với bộ ria đặc trưng. 
Sau khi được phong hàm Nguyên soái, năm 1956 ông vào Bộ Chính trị, năm 1959 là Chủ tịch Ủy ban công nghiệp quốc phòng, lần lượt giữ các chức Phó thủ tướng, Phó chủ tịch Hội đồng quốc phòng. Trong CMVH ông bị vu cáo âm mưu “tổ chức binh biến lật đổ Mao Trạch Đông, xây dựng vương quốc riêng”…
Ông bị Hồng vệ binh bắt trói đấu tố, đánh đập, nhục mạ và chết trong đói khát tại Bệnh viện quân y 301 ngày 9/6/1969. Ngày 29/9/1974, Trung ương ĐCS Trung Quốc ra Thông tri phục hồi danh dự cho ông. Năm 1975, tro cốt ông được đưa vào nghĩa trang Bát Bảo Sơn. Đến tháng 10/1982, trung ương ĐCSTQ chính thức ban hành “Quyết định minh oan triệt để cho đồng chí Hạ Long”.
Về  cuộc sống riêng, năm Hạ Long10 tuổi đã được cha mẹ cưới cho cô vợ 17 tuổi Từ Nguyệt Cô, sinh được con gái Hạ Kim Liên, ít lâu sau thì bà này chết vì bệnh.
Năm 1920, cha và em trai ông bị thổ phỉ giết hại, theo phong tục địa phương, họ tộc yêu cầu Hạ Long lấy vợ sinh con, gọi là “tang hôn”. Thế là Hạ Long cưới cô gái người dân tộc Thổ Gia là Hướng Nguyên Cô, sau Khởi nghĩa Nam Xương, ông đón vợ đến Thượng Hải, sau Hướng Nguyên Cô quay về quê và chết năm 1929.
Trong những tháng năm quân phiệt hỗn chiến, Hạ Long lại cưới thêm người thiếp xuất thân nghệ sĩ là Hồ Cầm Tiên. Khi cơ quan bị địch đánh chiếm, con gái Hạ Kim Liên bị bắt cùng với Hồ Cầm Tiên. Hạ Kim Liên bị tra tấn chết trong tù, còn Hồ Cầm Tiên được thả sau khi Quốc cộng hợp tác. Bà về quê, đổi tên để sinh sống đến cuối đời ở Thành Đô.
Khi bắt đầu cuộc Trường chinh gian khổ, Hạ Long và tướng Tiêu Khắc cùng cưới hai chị em là học sinh con một thương gia. Bà vợ Trại Tiên Nhiệm này sinh hạ cô con gái Hạ Hồng, nhưng cô bé bị yểu mệnh cho điều kiện sống quá khổ. Năm 1935, bà sinh thêm cô con gái sau này là nữ thiếu tướng Hạ Tiệp Sinh. 
Nhưng sinh con xong, bà Trại Tiên Nhiệm do bất hòa đã bỏ ông chạy sang Liên Xô. Sau này, khi ông đã là người nổi tiếng, bà hối hận quay về nhưng mọi chuyện đã yên bề. Bà lên Cáp nhĩ tân sinh sống đến 2004 mới qua đời, thọ 95 tuổi.
Sau khi ly hôn, năm 1942, Hạ Long cưới bà Tiết Minh kém ông 20 tuổi, Trưởng ban tổ chức huyện ủy Diên An đúng ngày Bát Nhất (1/8), kỷ niệm 15 năm cuộc Khởi nghĩa Nam Xương. Hai ông bà gắn bó với nhau, cùng chung hoạn nạn suốt quãng đời còn lại,. 
Bà Tiết Minh sinh cho ông 1 con trai Hạ Bằng Phi và 2 người con gái Hạ Lê Minh, Hạ Hiểu Minh. Sau giải phóng, bà được giao giữ các chức Trưởng ban Tuyên huấn thành ủy Băc Kinh, Viện trưởng Kiểm sát quân sự Bộ TTM, Ủy viên thường vụ Chính hiệp toàn quốc…Bà mất ngày 31/8/2011, thọ 95 tuổi…/.

(PLO) - Trong số 10 nguyên soái “khai quốc công thần” của Trung Quốc, có 4 người được gắn với tên gọi tôn kính là “Lão tổng”.
Trần Nghị - Nguyên soái văn nhân với 3 người vợ
3 ông Chu Đức, Bành Đức Hoài thì đã rõ, Hạ Long thì từng là Tổng chỉ huy Phương diện quân 2, chỉ có Trần Nghị chưa từng là Tổng tư lệnh hay Tổng chỉ huy, nhưng vẫn được gọi là “Trần Lão tổng”. Có được danh xưng cao quý đó có lẽ là do ông tính hình ôn hòa, dễ gần, được mọi người kính trọng. Lâm Bưu tài năng xuất chúng, chiến công đầy người cũng chỉ được gọi là “Lâm tổng” mà thôi.
Khác với những nguyên soái khác nom tướng mạo oai phong, thậm chí đằng đằng sát khí, Trần Nghị lại mang vẻ văn nhân tài tử, khi thi vào Trường Hoàng Phố ông thậm chí còn bị trượt.
Trần Nghị (1901-19720 tên thật Trần Thế Tuấn, quê Tứ Xuyên, năm 1919 ông sang Pháp du học. năm 1921 bị bắt áp giải về nước do tham gia phong trào yêu nước của lưu học sinh Trung Quốc ở Pháp. Về quê, ông tham gia Đoàn Thanh niên XHCN Trung Quốc, năm 1923 về Bắc Kinh học khoa Văn trường Đại học Trung Pháp và vào Đảng CSTQ ở đây. 
Sau đó ông tham gia Khởi nghĩa Nam Xương và bắt đầu được giao giữ các chức vụ chỉ huy cấp sư  đoàn,  quân đoàn, quân khu. Sau năm 1949 ông được giao giữ chức Thị trưởng Thượng hải, Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Ủy ban QSTW. Từ tháng 2/1958 ông là Bộ trưởng Ngoại giao, 1/1966 là Phó Chủ tịch Quân ủy. Trong CMVH ông bị phê đấu rồi đưa về Thạch gia trang, năm 1971 ông mắc bệnh ung thư, được đưa về Bắc Kinh chữa trị và chết ngày 6/1/1972.
Là một người Tây học, dáng vẻ văn nhân tài tử nên chuyện riêng của ông cũng rất lãng mạn. Trước khi kết hôn lần đầu năm 1930 với cô nữ sinh 19 tuổi Tiêu Cúc Anh, ông đã có không ít mối tình với những người đẹp hâm mộ tài năng của ông. Năm 1931 đi họp hội nghị tiễu phản trên đường về bị phục kích, ngựa bị chết, còn người phải trốn vào núi đi đường vòng để về. Ông thoát chết, nhưng Tiêu Cúc Anh tưởng ông đã chết liền nhảy xuống giếng tự vẫn. Trần Nghị vô cùng đau xót, đã làm bài thơ “Ức vong” để khóc vợ…
Năm 1932, bà Thái Xướng, phu nhân tướng Lý Phú Xuân giới thiệu cho Trần nghị cô nữ Hồng quân 18 tuổi Lại Minh Nguyệt, hai người làm lễ động phòng đúng ngày tết Trùng Dương, khi đó Trần Nghị là Tư lệnh kiêm chính ủy Quân khu Giang Tây, chỉ huy 6 sư đoàn nhưng không có tiền làm lễ cưới, Lại Minh Nguyệt phải vay 20 tệ để làm 8 bàn tiệc. 
Năm 1934, trên đường Trường chinh, Trần Nghị khuyên Lại Minh Nguyệt về quê hoạt động du kích. Năm 1937, khi Quốc Cộng hợp tác, Trần Nghị cho người về tìm vợ, nhưng hay tin bà bị bức gả cho người khác nên đã nhảy xuống khe núi tự vẫn. Trần Nghị lần thứ hai nhỏ lệ làm thơ khóc vợ.
Năm 1940, ở tuổi 40, Trần Nghị kết hôn lần thứ 3 với cô gái Trương Thê 18 tuổi quê Vũ Hán. Hai người sống với nhau hạnh phúc đến khi bị chia lìa bởi cái chết. Họ có 3 người con trai, 1 con gái. Người con cả Trần Ngô Tô từng giữ chức Hội trưởng Hữu nghị với nước ngoài, người con thứ Trần Đan Hoài là thiếu tướng quân đội, người thứ ba Trần Tiểu Lỗ là giám đốc hãng bảo hiểm An Bang, cô út Trần San San là quan chức Bộ Ngoại giao.
La Vinh Hoàn – Nguyên soái tài đức nhưng đoản mệnh hai lần kết hôn
La Vinh Hoàn (1902- 1963) quê Hồ Nam, có lẽ là vị nguyên soái học hành nhiều nhất. Học xong trung học ở Trường Sa, năm 1926 ông vào Đại học Thanh Đảo, tham gia cách mạng và trở thành lãnh tụ sinh viên. Năm 1924 ông vào học Đại học Trung Sơn Vũ Xương, gia nhập Đảng CSTQ, sau đó rời trường tham gia Khởi nghĩa vụ gặt mùa Thu do Mao Trạch Đông lãnh đạo, trở thành tướng quân sự. 
Ông đã cùng Lâm Bưu chỉ huy các chiến dịch Liêu Thẩm và Bình Tân nổi tiếng. sau 1949 ông là Viện trưởng Kiểm sát tối cao, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Tổng bộ Chính trị quân đội, vào Bộ Chính trị. Năm 1963 ông mất vì chứng ung thư thận ở tuổi 61.
Về đời riêng, năm ông 17 tuổi, cha mẹ cưới cho cô vợ Nhan Nguyệt Nga 19 tuổi. Năm 1926, bà sinh hạ con gái, sau khi bỏ quê đi tham gia cách mạng, La Vinh Hoàn đã để lại bức thư ly hôn, khuyên vợ cải giá, nhưng bà không chịu, cứ ở nhà nuôi con gái La Ngọc Anh thành người, sau này trở thành cán bộ Viện khoa học Nông nghiệp Trung Quốc.
Năm 1937, La Vinh Hoàn 35 tuổi, khi đó là Chủ nhiệm chính trị sư đoàn 115 đã kết hôn với nữ Hồng quân 23 tuổi Lâm Nguyệt Cầm. Hai người sát cánh bên nhau trong những năm tháng chiến tranh, hai người con đầu 1 trai 1 gái đều bị chết yểu. Sau đó họ sinh tiếp 4 người con lần lượt đặt tên: Đông Tiến, Nam Hạ, Bắc Tiệp, La Ninh, những người con của họ đều thành đạt, La Đông Tiến hiện là Trung tướng quân đội.
Từ Hướng Tiền – nguyên soái duy nhất người miền Bắc với 4 bà vợ
Từ Hướng Tiền (1901-1990) quê Sơn Tây là người miền Bắc duy nhất trong số 10 nguyên soái. Ông là học viên trường Hoàng Phố khóa 1, tham gia Chiến tranh Bắc Phạt rồi vào Đảng CSTQ, tham gia khởi nghĩa Quảng Châu, có mặt đủ 4 chiến dịch chống vây quét, đi Trường chinh, tham gia kháng Nhật và chỉ huy các chiến dịch lớn giải phóng Thái Nguyên, Sơn Tây.
Sau năm 1949, Từ Hướng Tiền lần lượt được giao các chức Tổng TMT, Phó chủ tịch Quân ủy, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng. Trong CMVH ông cũng bị Hồng vệ binh cuốn vào vụ án oan. Ngày 21/9/1990, Từ Hướng Tiền bị mất vì bệnh ở Bắc Kinh.
Trong đời, ông Từ Hướng Tiền kết hôn 4 lần. Người vợ đầu là Chu Hương Thuyền do cha mẹ ông cưới cho năm 1919, năm sau sinh con gái, nhưng khi con được 1 tuổi thì bà bị ốm rồi chết.
Năm 1929, ông kết hôn với cô nữ Hồng quân 18 tuổi Trình Huấn Huyên. Bà này là người bộc trực, nói nhiều nên bị vạ miệng. Năm 1932 bà bị Trương Quốc Đào xử tử trong vụ án “Tiễu phản Bạch Tước Viên”. Từ Hướng Tiền rất đau buồn nhưng vẫn vững vàng ý chí. Khi lộ quân phía Tây bị tan rã, ông phải giả làm ăn mày bỏ trốn về Diên An.
Năm 1940, khi về Sơn Đông công tác, mọi người khuyên bảo mãi, Từ Hướng Tiền mới kết hôn với Vương Tĩnh, một nữ cán bộ, sinh 1 con gái đặt tên là Từ Lỗ Khê, người này sau là Chủ nhiệm Trung tâm thông tin quốc gia. Năm 1943 thì vợ chồng ông ly dị vì tình cảm không hợp. Từ Hướng Tiền quay trở lại Diên An.
Cho đến năm 1946, Từ Hướng Tiền khi đó 45 tuổi, được mấy phu nhân của các vị lãnh đạo giới thiệu mới kết hôn với Hoàng Kiệt, 35 tuổi khi đó là Viện trưởng bảo dục (Nhà trẻ) Diên An, vốn là một thiếu nữ chạy vào Diên An để trốn cuộc hôn nhân cưỡng ép và cũng từng là học viên của ông ở trường quân sự. Hoàng Kiệt trước đó đã kết hôn, chồng bà cũng là một cán bộ Hồng quân và cũng bị Trương Quốc Đào sát hại. Hai người sống với nhau rất hạnh phúc và có với nhau 2 con 1 trai, 1 gái. Người con trai Từ Tiểu Nham sau này từng là Trung tướng quân đội…/.

(PLO) - Mười vị đó là: Chu Đức, Bành Đức Hoài, Lâm Bưu, Lưu Bá Thừa, Hạ Long, Trần Nghị, La Vinh Hoàn, Từ Hướng Tiền, Nhiếp Vinh Trăn, Diệp Kiếm Anh. Tuy nhiên, cùng với lịch sử đầy biến động của Trung Quốc, số phận những vị “khai quốc công thần” này cũng đầy thăng trầm và có những người phải chịu oan khuất nơi chín suối. 
“Nguyên soái trí tuệ” Nhiếp Vinh Trăn với “một thê, một thiếp”
Nhiếp Vinh Trăn (1899-1992) quê Tứ Xuyên, được gọi là vị nguyên soái “phúc thọ song toàn trí tuệ thâm”. Ông từng trải nhiều, lắm chức vụ, về hưu muộn và trường thọ. Năm 1919, ông xuống tàu biển từ Thượng Hải sau 2 tháng lênh đênh trên biển mới tới được Mac-xây (Pháp) để vừa làm vừa học. 
Tại Pháp ông quen và tham gia hoạt động với Thái Hòa Sâm, Trần Nghị…Năm 1924, Nhiếp Vinh Trăn sang Liên Xô học ở trường Đại học Phương Đông, rồi chuyển sang trường Hồng quân. Năm 1925, ông về nước làm giáo quan Trường quân sự Hoàng Phố. Năm 1927 ông bắt đầu rời trường để trở thành cán bộ chỉ huy chiến đấu, tham gia nhiều chiến dịch, trên nhiều chiến trường.
Sau 1949, ông là Thị trưởng Bắc Kinh, Phó Tổng Tham mưu trưởng. Sau khi được phong Nguyên soái, từ 1956 Nhiếp Vinh Trăn là Chủ nhiệm Ủy ban công nghiệp quốc phòng, Phó thủ tướng, Phó chủ tịch Quân ủy, phụ trách ngành công nghiệp quốc phòng, có công đầu trong việc chế tạo tên lửa, phóng vệ tinh. Năm 1987, khi bị bệnh ông mới xin nghỉ ở tuổi 88. Nhiếp Vinh Trăn chết ngày 14/5/1992 vì bệnh tim, thọ 93 tuổi.
Về đời riêng, khác với các nguyên soái khác, Nhiếp Vinh Trăn rất chỉn chu. Người vợ được cha mẹ cưới cho vào năm 1919 là bà Long Thăng Hiền, không có con. Sau khi Nhiếp Vinh Trăn bỏ nhà đi hoạt động, không bao giờ quay về với bà nữa, bà vẫn ở lại chăm sóc cha, mẹ chồng, giữ lại hết những vật dụng của ông. 
Sau khi cách mạng Trung Quốc thành công, Nhiếp Vinh Trăn hàng tháng đều gửi ít tiền về cho bà sinh sống. Các con của Nhiếp Vinh Trăn đều đã về thăm “mẹ cả”, đến năm 1988 thì bà qua đời.
Đầu năm 1928, trong một lần giảng bài cho cán bộ ở Hongkong, Nhiếp Vinh Trăn khi đó 28 tuổi đã gặp cô nhân viên cơ yếu xinh đẹp 18 tuổi Trương Thụy Hoa người Hà Nam. Hai người vừa gặp liền yêu nhau và về sống cùng nhau không người mai mối, không sính lễ, không đám cưới, chỉ có duy nhất Chu Ân Lai đến thăm “tổ ấm” của họ, coi như người làm chứng. 
Thế mà họ sống hạnh phúc với nhau suốt 64 năm. Bà từng là Ủy viên Ủy ban kiểm tra kỷ luật TW, đại biểu quốc hội, Ủy viên thường vụ Chính Hiệp. Nhiếp Vinh Trăn mất được 2 năm thì bà Trương cũng vĩnh biệt trần thế. 
Con gái họ là Nhiếp Lực, Trung tướng, từng là Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký Ủy ban Khoa học kỹ thuật công nghiệp quốc phòng; con rể là Đinh Hằng Cao từng là Thượng tướng, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học kỹ thuật quốc phòng, Viện sĩ viện công trình Trung Quốc.
Diệp Kiếm Anh – “Nguyên soái đa thê” với 9 bà vợ và “hồng nhan”
Nói về Diệp Kiếm Anh (1897-1986), ông Mao Trạch Đông từng nhận xét “Gia Cát nhất sinh duy cẩn thận, Lã Đoan đại sự bất hồ đồ” với ý khen ông là người nghiêm túc cẩn thận.
Diệp Kiếm Anh sinh trong gia đình một tiểu thương ở Mai Huyện, Quảng Đông, năm 1917 vào học Vân Nam giảng võ đường, năm 1920 tham gia quân đội của Tôn Trung Sơn, thành lập trường Hoàng Phố. Ông tham gia chinh chiến liên miên rồi năm 1928 sang Liên Xô học Đại học Phương Đông, cuối năm 1930 về nước giữ các chức vụ quan trọng trong quân đội.
Trước ngày giải phóng ông là Bí thư Phân cục Trung Nam, Tư lệnh kiêm chính ủy Quân khu Quảng Châu. Về sau ông giữ nhiều chức vụ quan trọng như Bí thư TWĐ, Phó chủ tịch Quân ủy, Phó chủ tịch Đảng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tháng 2/1976 Diệp Kiếm Anh bị buộc “nghỉ hưu chữa bệnh”, nhưng tháng 10 năm đó ông đã ra tay tổ chức bắt “Bè lũ 4 người”, chấm dứt CMVH. 
Sau đó, ông là Phó chủ tịch Đảng duy nhất và Chủ tịch quốc hội, trở thành nhân vật số 2 ở Trung Quốc chỉ sau Hoa Quốc Phong. Tháng 9/1985 ông từ chức vì vấn đề sức khỏe; ngày 22/10/1986, Diệp Kiếm Anh qua đời vì bệnh ở Bắc Kinh ở tuổi 89.
Trong sự nghiệp, Diệp Kiếm Anh nổi tiếng là người cẩn thận, nhưng trong đời sống riêng, ông lại khá phóng túng: có tới 6 bà vợ chính thức và thêm 3 “hồng nhan” bên cạnh.
Khi ở quê, mới bước vào tuổi thanh niên, ông đã được cha mẹ cưới cho một cô vợ, nhưng hai người không có con.
Đầu năm 1924, Diệp Kiếm Anh kết hôn với bà Phùng Hoa, một nhân viên y vụ ở Quảng Châu và sinh được 2 người con là Diệp Tuyển Bình (sau là Tỉnh trưởng Quảng Đông, Phó chủ tịch Chính Hiệp toàn quốc) và Diệp Sở Mai (lấy chồng là Trâu Gia Hoa, Phó Thủ tướng).
Năm 1927, ông vào đảng ở tuổi 30 và cưới nữ chiến sỹ 18 tuổi “đẹp như thiên tiên” Tăng Hiến Thực (1910- 1989), hậu duệ của Tăng Quốc Phiên, Bà sinh được Diệp Tuyển Ninh, sau là tướng ở Tổng bộ Chính trị. Sau 1949 bà Tăng Hiến Thực là Phó chủ tịch Hội phụ nữ Trung Quốc.
Năm 1937, tại Diên An, Tham mưu trưởng Bát lộ quân 40 tuổi Diệp Kiếm Anh kết hôn với Nguy Hồng Chi (1905-1973) nữ cán bộ Hồng quân 32 tuổi. Họ không có con cùng nhau.
Tháng 1/1939, Diệp Kiếm Anh về Quảng Châu công tác ở  Nam Phương Cục, 1 năm sau ông kết hôn với Ngô Bác, nữ nhân viên cơ yếu. Bà sinh được con gái là Diệp Hướng Chân.
Năm 1948, Diệp Kiếm Anh tới ngoại thành Bắc Kinh, chuẩn bị cho công tác tiếp quản thủ đô. Tại đây ông cưới Lý Cương, học viên trường quân sự Hoa Bắc, sinh 2 người con là Diệp Tuyển Liêm (sau là Chủ tich HĐQT công ty Quốc Diệp, Thâm Quyến) và con gái Diệp Văn San (sau là Phó chủ tịch HĐQT công ty đầu tư Hoa Kiều Hải Nam).
Ngoài 6 bà vợ có cưới xin đàng hoàng, theo Nhân dân nhật báo, sau 1955, Diệp Kiếm Anh không lấy thêm ai nữa, nhưng bên cạnh ông lần lượt có thêm 3 người phụ nữ sống chung, chủ yếu chăm sóc cuộc sống cho ông, nhưng họ không có danh phận chính thức, họ có sinh con hay không cũng không rõ. Theo con gái nuôi của Diệp Kiếm Anh là Đới Tình, người bạn gái cuối cùng của Diệp Kiếm Anh kém ông 60 tuổi.
Chính vì cuộc sống đời thường nhiều vợ và bạn gái như thế nên Diệp Kiếm Anh còn được gọi là “Hoa soái” (nguyên soái đào hoa). Theo Tân Hoa xã, năm 1986, khi Diệp Kiếm Anh mất, cả 6 bà vợ và người bạn gái cuối của ông đều còn sống, mạnh khỏe cả. 
Khi Bộ Chính trị họp bàn về tổ chức lễ tang ông, có bàn chuyện lập danh sách thân quyến ông để mời dự lễ. Nguyên soái Nhiếp Vinh Trăn khi đó được giao phụ trách đã quyết định không mời ai để tránh rắc rối. 
Trước những lời bàn tán dị nghị trong dư luận xã hội, ông Diệp Tuyển Bình sau đó đã phải ra văn bản tuyên bố, nêu rõ: “Đó không phải là ý kiến của chúng tôi, những người con, người cháu. Đó là quyết định của trung ương đảng. Con cháu chúng tôi hiện nay vẫn giữ quan hệ tốt đẹp với cả 7 bà”…/.
Thu Thủy (Tổng hợp theo Tân Hoa xã và báo chí Trung Quốc)
Nguồn: Baophapluat




Tìm kiếm Blog này